VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Hà Nội tháng 3 - 1973


Tiếp vào bài Hà Nội tháng 2-1973 đưa ngày 26-19-2018
https://vuongtrinhan.blogspot.com/2018/10/ha-noi-thang-2-1973.html


2/3
     Những lo ngại, mà tôi cảm thấy ngay từ lúc mới nghe tin hoà bình, hình như là có thực. Đây là những ngày quá độ (Nguyễn Minh Châu: “lúc này là cứ phải đi chậm lại”).
     Dỏng tai nghe, về phía nào, cũng thấy có những tiếng động. Người ta mở ra ư? Có mở đấy. Nhưng mở thế nào, mở đến đâu không ai biết?


     Hân kể ông Lê Duẩn nói chuyện ở Trung ương Đoàn bảo sẽ tăng cường cán bộ phụ trách dưới 30 tuổi. Sẽ xoá bỏ cái ách lâu nay của công tác cán bộ là vấn đề liên quan lý lịch. Sẽ đánh giá con người trên hai tiêu chuẩn tài năng và nhân cách.
     Nhưng ngay đấy, cũng đã có những lời răn đe.
     Những nạn nhân của sự mù mờ cứ tò tò mọc ra hàng ngày.
     Có tin Nhà nước cho mỗi người vay 500đ. Để mua hàng. Phải mua bằng hàng. Báo Nhân Dân đăng tin cẩn thận. Nhưng về Hà Nội, lập tức có tin ngược lại. Đó là do một ông Thứ trưởng nào đó nói ra chứ cấp trên cùng đâu có chủ trương vậy. Ông Lê Duẩn trị ngay. Cái này để hỏi anh Đồng xem, anh lấy là Thủ tướng. Ông Đồng bảo không, không biết.
     Nhị Ca: Thôi phen này, ông Thứ trưởng kia hết ngóc đầu dậy.
    Còn biết bao nhiêu chuyện trong nội cung theo kiểu như vậy? Trước sau, có lẽ cũng sẽ có những thay đổi. Nhưng phải bắt đầu từ trên. Trứng khôn hơn vịt là không được. Cái mối quan hệ trên dưới, cá nhân, quần chúng - lãnh tụ, những cái đó không được quy định thành văn bản, nhưng anh phải hiểu.
     Tình hình thời sự nhộn nhạo. Ngừng bắn, vi phạm, mình vi phạm, nó vi phạm, hữu khuynh, tả khuynh -- những chuyện mà quả thực, không ai muốn phải nghe nữa, vẫn lặp lại hàng ngày.
     Có tin sĩ quan của ta vào trong kia công tác, bị đánh, bị hành hạ. Báo chí làm um cả lên. Nhưng giá kể hỏi nguồn ở đâu ra, có chính xác không, thì không ai biết. Một ông Thiếu tướng ta làm dáng ôm hôn viên thiếu uý địch, sau hình như thấy hối, quay về phải  nói ngay với chung quanh là không, mình làm thế thôi, không có nghĩa gì cả.
      Đợt trao trả tù binh Mỹ đầu tiên trót lọt. Mọi người đi xem về bảo mình cũng tuyệt lắm, không có lên giọng tuyên truyền dài dòng. 
      Khi mà Việt Nam với Hoa Kỳ định không đánh nhau nữa, thì mọi chuyện xong thôi.
     Rồi  lại có tin mọi chuyện còn khó. Ngừng trả tù binh. Tiếp tục trả. Không một lời giải thích chính thức.
   
     Tôi chỉ nghĩ, cứ như mình, chắc chả có chuyện gì. Như đã chả có những đường phố bụi bẩn, những người bán hàng cửa quyền, những chuyến tàu chậm giờ, những sự sinh sôi vô tội vạ. Bởi đã không có chiến tranh...
      Còn tương lai ở trong kia ra sao? Đất, ta được bao nhiêu? Dân, bao nhiêu? Không ai biết. Trước mắt vẫn đang lấy người đi chiến trường. Bởi theo hướng dẫn, tức là phải xây dựng trong kia thành một vùng độc lập.
     Lấy đâu ra người? 
    
     Có tin sẽ đưa một đoàn nhà văn quân đội vào B2.
     Nguyễn Khải cũng có tên trong danh sách đó. Mỗi ngày ông hở cho tôi một ít tin tức cùng một ít tâm sự:
    -- Chính tôi lần này cũng thấy bất ngờ. Mình cứ tưởng là một vài ông vào làm phép thôi. Nhưng mà tôi lại tự nhủ bao giờ chẳng thế. Thành ra cứ im tho.
   --Trong cả bọn đi, chỉ có tôi là trông bợ nhất. Ông Xuân Thiều hen, ông ML ông TrL, ông nào cũng một đống bệnh. Toàn những người già rồi. Ông Xuân Thiều xin xung phong, trên lại nhận cho ngay, thế mới dại. Cái ông ấy xưa nay cái gì cũng khôn, nhưng đến  việc quyết định thì lại dại. Nhưng mà thôi, cứ trông như thằng Sĩ Hanh, chuyến đi nào cũng thấy có mặt, thì mình lại yên tâm được.
    - Nói thế, chứ đã thấy động dạng gì đâu. Ở ngoài, cánh Nam bộ từ chối hết. Vì mình là người miền Bắc, mình vào còn có lúc mình ra. Chứ như họ người miền Nam, quay vào trong ấy là ở hẳn thôi. Bây giờ họ già cả rồi, cuộc đời không còn biết xoay sở ra sao nữa. Có ông cũng chỉ đợi chết già. Lý để họ từ chối là thế. Nhưng mà mình thì phải đi thôi.
    - Phen này ông Khải lại làm cò mồi – sáng nay có ông lại hỏi tôi vậy. Tôi phải trả lời tôi là bộ đội thì tôi phải theo lệnh... Chỉ mong là mình vào lần đầu, mọi thứ còn cần tuyên truyền, để mồi cho các lần sau. Chứ một hai năm nưã, đến lượt các ông vào ấy à, cứ như là rơi vào cái vực. Không có bao giờ ra được nữa. Xưa nay người ta dùng người vẫn thế, gạt gạt như gạt con số, thiếu úy, trung úy cũng cần mà thiếu tá, trung tá cũng cần. Cần cả anh chưa đi lần nào lẫn anh đã đi vài lần, đã có kinh nghiệm. Ăn may là thoát.

     Thế mới biết, tên tuổi như các ông ấy, mà cũng chỉ là cát bụi, nói chi đến lớp sau.
     Rồi người ta nói thêm về tình hình trong ấy, nhất là cái nhìn thiển cận, đầu óc địa phương của các ông chỉ huy, sự mất đoàn kết Bắc-Nam.
      ... Tất cả những chuyện này bắt nguồn từ đâu? Sao lại có đủ thứ ai cũng biết mà không ai nói với ai -- những cánh rừng không dân, những đoàn quân tự  vò xé trong cơn đói, những đoàn người đi về như mộng du -- và có thể sau này phải kể, là những sự thất bại, những đau đớn quằn quại. Có một cách nào khác không?
      Vả chăng, vấn đề còn nằm ở chính ngoài này nữa. Tôi nhìn quanh mình, những lớp người già cỗi; đám trẻ vô học; bao nhiêu người thân tàn ma dại, không có khả năng làm lại cuộc đời. Đời sống chó sói với nhau, giả dối với nhau. Tất cả những cái đó là từ đâu đến? Tại sao chúng ta lại tự ràng buộc với nhau, theo kiểu như vậy? Sao ta lại đến chốn này / Số ta là số ăn mày ta ơi !
      
       Nhàn: Không biết việc này bắt đầu như thế nào?
       Khải: Nó bắt đầu như mọi chuyện đã bắt đầu, chứ còn thế nào nữa? Làm gì có nguyên tắc với lại luật lệ nào mà ông cứ hỏi vớ hỏi vẩn. Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Ví dụ bây giờ ông ấy bắt sáng tác tập thể. Ví dụ bây giờ, có thể, ông ấy muốn tất cả sách của các nhà văn quân đội đều phải in ở Nxb Quân đội. Cứ mang về đấy đã rồi có gì thì ta sẽ góp ý kiến lại với nhau. Ai bảo rằng chuyện đó không có khả năng xảy ra? Hỏi ông có trốn được không?
    
      Khi một guồng máy được tổ chức theo kiểu đánh giặc, thì nó không dùng  được vào việc gì khác – tôi nghĩ.

4/3
     Tôi biết làm sao để sống một cách mà tôi cho là đáng sống. Cái cách sống ấy quá khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
     Cùng lúc muốn làm bao nhiêu thứ, đến nỗi không yên tâm làm bất cứ việc gì.
    Tôi tin sách, và yêu những cuộc sống cũ, nó có cái nhịp điệu đều đặn của nó. Nay không sống được trong những điều kiện ấy nữa. Muốn đọc những  cuốn sách hay, nhưng chung quanh, chỉ có những sách dở.
     Nhìn vào mọi thứ, thấy đáng lẽ nó phải khác. Lẽ ra người ta phải sống tốt hơn. Nhưng lúc nào cũng nghe thấy những chuyện làm hại nhau, cấu xé nhau, rồi dại dột, rồi nhầm nhỡ.
     Nếu có một cái gì đó nó giống với điều mong ước, như là tử tế, tình nghĩa, thì ngay lập tức hiểu ra, đó chỉ là bề ngoài tạm bợ. Cái tốt không thể thực hiện. Có một sự hỗn loạn, một sự lẫn lộn đến mức không thể chịu được bao trùm trong cách nhìn, trong cách sắp xếp đánh giá.
     Một bài thơ của N. Vazarov (Bulgari) mang cái tênTàn ác, cuộc đấu tranh khốc liệt đến cùng.
     Một cảm giác mà Xuân Quỳnh thường kể: Trước cái đời sống thế này, nhiều lúc như là xót ruột, như là cảm thấy bị bào vào ruột thật sự. Một cảm giác rất cụ thể, rất vật chất!
   
5/3
      Một vấn đề trong vở kịch Mỹ Con tôi cả: Tội ác là có nguồn gốc của nó. Nhưng chẳng lẽ con người ta phải bằng lòng thế? Chẳng lẽ người ta có thể làm bất cứ việc gì vì cái lý của mình.
      Thế còn những nguyên tắc chung, sự công bằng? Thế còn.......

      Nguyễn Thuỵ Ứng khái quát:
       -- Một mặt thì chúng ta đánh thắng Mỹ. Một mặt thì nhìn quanh, mọi việc của chúng ta đều lay lứt, vơ vẩn. Vậy thì vấn đề là phải xem lại tiêu chuẩn giá trị. Cuối cùng chỉ có một an ủi là chúng ta không chết. Thế thôi. Không chết chứ không phải chúng ta sống.

       Nhàn: Đời sống bây giờ nhiều vấn đề phức tạp, người ta dễ lạc hậu lắm, dễ bảo thủ lắm, ở chiến trường càng bảo thủ.
      Khải: Đúng thế... Tôi vừa gặp một tay bạn cũ là ông Nguyễn Đình Tiên, ông ấy mới ra. Lúc đầu thì ông ấy kêu, những là các ông ngoài mình sống thoải mái quá. Nhưng chỉ ra ngoài này ít lâu, là ông ấy hiểu ngay. Tại sao con mình học kém? Vì ở trường thầy cô có dạy gì đâu. Tại sao nó yếu? Bởi vì nó thiếu chất đạm. Sung sướng gì cái hậu phương này!  Thành ra mỗi anh, cả anh ở chiến trường lẫn anh ở đây, đều có cái vất vả riêng và bất mãn riêng.
     
      Tôi biết rằng những cái mà hôm nay chúng ta còn nói với nhau và coi là câu chuyện đằng sau, chuyện phụ - chỉ cần im tiếng súng thôi, thì nó sẽ là chuyện chính.

      Ông Lê Duẩn nói chuyện ở báo Nhân Dân.
     - Thắng lợi vừa qua là thắng lợi vĩ đại, nhưng nếu ta không làm gì tiếp tục, thì sẽ chẳng có gì hết. Không thể làm ăn như 10 năm qua nữa. Không thể sống quá nhiều bằng dĩ vãng, đừng để quá khứ đè nặng lên chúng ta. Ta đừng quá say sưa về những lời thế giới ca ngợi chúng ta.
     Sau đây ít lâu, dân ta phải biết nghèo là gì mới được.
      - Ta chú ý quá nhiều vấn đề đạo đức. Phải đặt vấn đề lý trí trước đạo đức. Ai bảo Đảng ta không biết lãnh đạo kinh tế, chỉ biết lãnh đạo chính trị. Không. Đảng ta lãnh đạo kinh tế cũng tài.
     -  Báo Nhân Dân ít người đọc, như thế là không được. Phải cải tiến tổ chức để mọi người đọc báo nhiều hơn nữa.
     -  Tôi lên Chèm, thấy nhà nuôi lợn tập thể rất kém. Tôi rất ngạc nhiên. Đã có nghị quyết 19 rồi, sao vẫn thế.
      - Tôi rất hoang mang...
      -  Tôi suy nghĩ rất lung...
     -  Tôi hoài nghi...Sau hoà bình, mọi người không biết nên buồn hay nên vui, điều đó làm ta phải suy nghĩ.
         Đảng ta lãnh đạo nước ta 30 năm nay. Công cũng nhiều, mà tội cũng nhiều. Tội là hiện trạng nghèo khó như hiện nay.
         …
       
        Thép Mới (đế vào): Đảng ta phải giương cao một ngọn cờ nhân văn, trước khi những kẻ Nhân văn khác có thể lợi dụng.

        Hân: Đọc ông Duẩn, cả bọn cấp tiến lẫn thủ cựu đều khó chịu. Trong bài, 30% cấp tiến,70% thủ cựu. Một tay cán bộ cỡ giám đốc thành phố bảo ông Lê Duẩn nói bao giờ cũng rắc rối, không hiểu được.

        Nhiều việc vốn đơn giản lại bị bới ra cho rắc rối thêm.
        Nhân Xuân Thiều đi Hội nghị nhà văn Á Phi, kể một ít chuyện về Chế Lan Viên, Nguyễn Khải còn nói đầu đuôi đầy đủ hơn:
         -- Nước ngoài họ nghe mình nói chiến tranh là chuyện bình thường, họ thấy ghê sợ. Còn cái ông Chế thì nổi tiếng là lắm sự rồi. Ông ấy bảo ở nước chúng tôi, người ta không nói chiến tranh, mà nói kháng chiến. Nói nhiều đến nỗi tay Inna nó phải bảo không biết thế nào, chứ khi các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng sang đây, các đồng chí ấy không chú ý chữ nghĩa lắm đâu.
      -- Đâu như tại Hội nghị, Ban tổ chức nó không treo cờ miền Nam Việt Nam. Ông Chế Lan Viên thắc mắc, làm om cả lên. Về nhà, hỏi Tô Hoài, ông ấy bảo, xưa nay vẫn thế, nó có bao giờ nó treo đâu. Mà ở nhà, coi như thả nào nó cũng treo rồi, cho nên cũng không hỏi. Những thằng như thằng Phan Tứ nó khôn, biết cũng không nói. Chỉ bây giờ, ông Chế ông ấy đi, ông ấy mới thắc mắc thế thôi.
     Khải tóm tắt:
    -- Nói chung, lão Chế lão ấy tin ở cái lý của lão ấy lắm, chứ không phải đùa đâu. Có lẽ là vì ngày trước, thiếu lòng tin quá mức, cho nên bây giờ, đâm ra hung hăng.
      Hôm nọ, gặp nhau,nghe ông ấy kêu, tôi cũng chỉ "ừ", cho xong. Sau cùng mình mới chốt lại một câu. Chính là cái câu như tôi vẫn nói với ông, bây giờ giáo dục dân mình sao cho sống gắn bó với nhau, tin cậy nhau, đã là rất khó.

8/3
    Lại chuyện tin đồn với bô báo. Ng Khải cho biết Bùi Bình Thi với Chu, vừa nói vớ nói vẩn với nhau, đã đến tai lão An già tóc bạc ở  bộ phận bảo vệ trong cục.
    Nguyễn Đức Toàn nói rõ hơn:
-- Ông An bảo bây giờ lại có ý kiến cho rằng như vậy là ta không thắng lợi. Thắng lợi gì mà thế này. Ai bảo ra thế? Nhà văn  Bùi Bình Thi với lại nhà văn Đỗ Chu. Thế có bỏ mẹ không!
   Mà đến tai ông An, tức là đã đến tai bao nhiêu ông bảo vệ rồi, Khải nói tiếp. Khốn nạn, có nhiều người làm cái việc ấy lắm. Các ông không biết chứ, cái hồi 67, tôi chỉ mới đến nhà tay M Luân có một tí thôi. Chả hồi ấy tôi cũng thích nghe chuyện, đến chỗ kia thì nhiều chuyện mà. Thế là đã có người bảo ông tử tế, ông đang có vị trí như thế, sao ông  lại  chơi ở chỗ ấy.
    Sau này, ông Mai Luân cũng như ông Đinh Chân đều cũng cho tôi được mấy dòng.
   Cho nên bây giờ, tôi phải cố làm như một người không có chính kiến, lúc nói thế này, lúc nói thế kia, ai ghét cũng được, chứ làm sao? Đời mình ngắn lắm, mình phải biết thích nghi, không thích nghi thì chết.
 
     Vẫn lời Khải:      
    -- Nhưng mà quả thật, đi đâu cũng nghe thấy chuyện buồn. Ai tử tế một tí hẳn buồn. Nguyễn Kiên kể hôm nọ, ông Hoàng Trung Thông đến uống rượu - người ấy là người tốt đấy, cho nên mới buồn, ai rủ đi uống rượu cũng đi. Ông ấy đến làng Nguyễn Kiên uống rượu say chạy ra ngoài nôn mửa, xong quay vào nhận xét.
   - Làng cậu sản xuất kém bỏ mẹ!
   - Sao anh bảo kém?
  - Mình nôn một lúc xuống ao, mà chả có cá nào đến đớp, thế là kém chứ gì.
    Nguyễn Kiên bình, ông ấy say, mà vẫn còn có con mắt lãnh đạo.
    Hoàng Trung Thông còn bảo nước mình, ngoài Nguyễn Tuân, còn có 2 nhà văn họ Nguyễn. Một ông ngày càng gày quắt lại, một ông ngày càng béo lên. Thế thì biết ai khôn thật với ai khôn giả cầy?



16/3
        Đặc tính thấy rõ nhất của những ngày đầu hoà bình này là gì? Là mất phương hướng. Ít ra với tôi là vậy. Có lúc nghe nói có hoà bình thật. Ta có lực lượng mạnh mẽ để gìn giữ hoà bình. Có lúc lại nghe phổ biến khác. Chính thức mà cũng mập mờ, không biết là chiến tranh hay hoà bình. Hoặc hoà bình chỉ chắc ở miền Bắc. Còn ở miền Nam, vẫn là có thể thế nọ, có thể thế kia.

     Ngày càng có tin bên kia “phá hoại hiệp định”. Có nhận định vừa rồi mình hữu khuynh, để mất nhiều. Bây giờ có thể là đánh, đánh rồi tuyên truyền cẩn thận.
     Lại có tiếng xì xào nó nện mình một, mình nện nó mười, chứ mình có vừa đâu?!
     Rồi thì thủ đô miền Nam ở đâu? Có tin ở Đông Hà. Nhưng lại có tin ở tận xa hơn, trong B2. Cái thị trấn nghe nói nhiều nhất là Lộc Ninh. Chợ Lộc Ninh lèo tèo vài ba người.
      Việc trao trả  tù binh Mỹ lúc nghe nói gián đoạn, lúc thì  lại làm bình thường, chả có ai giải thích rõ ràng.
     Có cả tin cán bộ trong kia của mình bị đánh. Ở Huế dân đánh cán bộ thực sự? Chả là trong ngày lễ cầu siêu, cầu siêu cho những người bị chết đầu năm 1968. Lúc ấy chỉ cần ai lỡ mồm nói ngược, với lại xúi bẩy một chút thôi, là chết với người ta ngay.
      
       (Nhân đây nói một chuyện cũ của HUế. Nhiều người nghe được  từ phía bên kia, đều bảo rằng năm 1968 là năm ta tàn sát dân khá nặng. Một chỉ huy là ông Thân Trọng Một đã có lần thú nhận...
        Và phải chăng, đó là một sự thất bại, một sự vỡ mộng, một bi kịch? Những người lính chờ mãi. Lúc vào, không thấy dân giống như sách vở từng nói. Gặp vài phản ứng trái chiều. Thế là bắn hết, giết hết. Sản phẩm của một quan niệm nông dân. Phía bên kia, không ai biết cho điều ấy.)

       Tiếp tục câu chuyện cho mỗi người vay 500 đồng. Dân thích nhưng sợ (lãi nhiều quá!). Còn trên lại sợ rằng làm như thế thì có vẻ thay đổi quá.
     
       Chữ nghĩa dùng trên báo cũng bị dày vò.
       Ng Khải nghe đâu về kể bữa nọ, trên phê bình rồi đấy. Ai cho các anh dùng chữ giai đoạn mới. Nhiệm vụ cách mạng ở miền Bắc vẫn thế. Nhiệm vụ cách mạng ở miền Nam vẫn thế. Chưa có nghị quyết trung ương, chưa có đại hội đảng. Ai cho các anh tự tiện dùng chữ giai đoạn mới?
     Nhưng rồi lại nghe nói, các cụ bảo thôi cũng được, nói giai đoạn mới, tức là nói hoà bình, cho anh em phấn khởi.
     
     Lần đầu tiên, sĩ quan mình vào Sài Gòn, và sĩ quan bên kia ra Hà Nội. Bên kia rất trẻ. Ở Sài Gòn ta cho đi toàn những ông già. Lắm lúc cứ thấy sợ.
      Nhưng có phải khôn hết đâu. Ngay cả những người thông minh nhất của báo chí, cũng có những chỗ hớ. Ví như ông Thành Tín. Ông này có lần lẫn Nguyễn Văn Thiệu với Ngô Đình Diệm.
       Phương Tây đưa tin: Trung tá Bùi Tín bắt tay một lính nguỵ. Nó không bắt. Ông này tương một câu, thế anh không hoà hợp dân tộc à?
    
     Những buổi “tiễn” Mỹ về nước, là một dịp để cho các nhà báo của ta có dịp được gặp rất rộng rãi cả người của phía bên kia. Khốn nạn, lâu nay không ai dám hé răng hỏi và trả lời họ câu gì. Bây giờ thở ra toàn những câu ngớ ngẩn.
     - Ra đây, thấy B52 nó đánh Hà Nội anh có đau xót không?
    - Vâng, chúng tôi cũng đau xót, như đau xót khi thấy các ông pháo kích vào Huế. Còn như B52, chúng tôi đã gặp nhiều cán binh Bắc Việt hồi chánh, và họ đều bảo họ rất sợ B52.
    
    Sĩ quan Sài Gòn người gốc Hà Nội ra miền Bắc được đi thăm thành phố cũ. Ra cái vẻ để cho họ tự do mà. Đi đâu, có một cô gái  đi cùng.
     - Ở Hà Nội có nhiều vô tuyến truyền hình không?
     - Có
    - Sao không thấy ăng ten?
    - Vô tuyến truyền hình không cần ăng ten.
    - Có nhiều làn sóng không?
    - Nhiều lắm.
   Tay sĩ quan kia, mang câu chuyện này về, đăng công khai trên báo Sài Gòn.
      Dạo quanh Hà Nội, đám sĩ quan kia chẳng về nhà, toàn đi chụp ảnh. Ra công viên họ chụp một dãy ghế đá vắng người. “Đây Hà Nội chủ nhật” Và chụp một bức tường mà rất nhiều người Hà Nội đều biết, với dòng chú thích: “Bức tường này, gần 20 năm trước, chúng ta rời Hà Nội ra đi, giờ vẫn như vậy”.
     
       Những ai cứ nghĩ những ngày hoà bình đầu tiên, sẽ là những ngày có những thay đổi lớn, thì nhầm hết.
       Trong Sài Gòn, nó cho công nhân thêm lương. Còn như ở ngoài này, cũng có nhiều người viết thư đến báo Nhân Dân đề nghị tăng lương, đề nghị khao dân, theo như tục lệ ở các nước thắng trận. Nhưng lấy tiền đâu?

       Tôi cảm thấy mọi người dân Hà Nội hôm qua chiến tranh thông minh nhanh nhảu, hôm nay như chết khiếp đi, khi quay về  làm ăn bình thường.
      Phương Thảo cho biết: Giá thịt lợn tăng, thịt ngon giá ngoài đến hơn 1 đồng 1 lạng. Cá đắt...Nhưng kinh nhất là nhiều người dân sinh ra lễ bái. Đến các nhà máy, thấy công nhân đánh bạc nhiều. Không có việc làm. Ngoài phố, nhiều đám trẻ tụ tập ăn cướp, trêu gái. Xã hội ly loạn. Còn như đi đâu, cũng nghe những chuyện bắt người. Mấy ông cốp khác quan điểm lần lượt bị tóm. Liệu nó sẽ báo hiệu chuyện gì?

22/3
      Ông Mạn: Trẻ con, phá cửa cơ quan vào xem truyền hình ghê quá.
      Khải: Bây giờ cơ quan nào chẳng bị người ta phá cổng? Cơ quan nào chẳng như nhà hoang! Ai muốn làm gì thì làm.


     Ông Chu Văn kể chuyện các tỉnh uỷ bây giờ nó nói dối cứ xoen xoét. Hôm nọ Nam Hà vừa điện lên,Trung ương lấy thịt đi, không có Nam Hà thừa thịt không biết làm gì cả. Trong khi ấy, thì cỡ như Chu Văn từ tết đến giờ chỉ ăn lạc thối.
        -Thế Nam Định bây giờ kiến thiết thế nào?
       - Nam Định kiến thiết đến nỗi ngày hè, tôi đi ra đường, phải đi ủng.
      
      Theo Ng Khải những lão như Thợ Rèn ở báo Nhân Dân nói xấu chế độ mới ghê. Nói một câu bằng mình nói cả năm.
     - Này ông Khải, giải thưởng văn học thế nào?
     - Chả có gì.
     - Bây giờ chỉ có hành động. Hôm nọ một vị ở trên đến báo Nhân Dân. Vị cũng to, cổ cồn, bụng phệ, khuyên nhủ vài điều, pha trò nhạt. Đang nói, thì trời mưa, cứ thế là các phóng viên, biên tập viên chạy vù vù cả. Thì ra cánh đàn ông chạy đi cất xe đạp, các bà  thì chạy đi cất mì phơi trên gác. Nhà chật quá, phải mang mì đến cơ quan, mỗi người đèo một bì đến, rồi lại còn ăn cắp ăn nẩy của nhau, cãi nhau loạn xị.
      Khải nói tiếp:
    -- Ông Thi giải thích thế này thì đúng này. Ông ấy bảo sức hấp dẫn của trong ấy, là sức hấp dẫn của chủ nghĩa tư bản. Còn của mình ngoài này, cái nào ra chủ nghĩa xã hội không kể, còn ngoài ra thì đặc phong kiến, người ta không thích được là phải.
...
     Mới hai tháng sau hoà bình mà đời sống đã khác đi nhiều lắm. Có một sự gì đó mà cả những người dân thường cũng có thể cảm thấy thành ra không thể bỏ qua được.
      Một tù binh nói một cách thận trọng, dường như đã suy nghĩ kỹ lắm:
   -- Chúng tôi hiểu miền Bắc là một xã hội hình thức nặng nề. Quyền lực chỉ tập hợp vào TW. Mọi sinh hoạt dân chủ không có.
      Rõ ràng, lần này, mình phải đối phó với kẻ thù khác hẳn. Nó chuẩn bị còn kỹ hơn cả mình nữa. Thế cho nên rồi không hiểu tình hình xoay chuyển đến tận đâu.
      Còn như ở dưới, những cuộc đời thường đã hoá nhênh nhang nhoè nhoẹt như cháo vữa. Người ta tự nguỵ tạo trong bao nhiêu thứ áo giáp, bao nhiêu thứ định kiến. Tất cả là để đối phó với chung quanh.
      --Chính là các anh cần phải được giải phóng, chứ không thể giải phóng ai hết (lời Phan Nhật Nam)

Một bài báo mọi người truyền tay
in trong Tài liệu tham khảo

Từ chủ nghĩa anh hùng tới chủ nghĩa quan liêu

     Một người ngoại quốc đi trên đất này, như bước trên sa mạc. Không có mối liên quan nào giữa anh ta và những người chung quanh. Việc giữ bí mật ở Bắc Việt đã tạo ra một thói quen kỳ lạ. Không ai hiểu việc của ai, đến một người trong cơ quan cũng không sao hiểu nổi công việc cơ quan anh ta của nhà nước mà anh ta phục vụ.
     Người Bắc Việt đã tập vui buồn theo chỉ thị cấp trên. Hầu hết người dân thủ đô là công nhân, là cán bộ. Tất cả tạo thành một bộ máy quan liêu kén đặc lại, trong đó, mỗi người chỉ một nhiệm vụ là tự bảo vệ.
     Hai tháng đã qua kể từ ngày hoà bình lập lại. Bao nhiêu vấn đề đang đặt ra với đất nước nơi đây nhưng tôi chắc không có ai có thể trả lời được cả.
      Một người lãnh đạo mà tôi không tiện nói tên, đã nói với tôi một cách thoả mãn đến làm tôi khó chịu.
     ... Trong bài báo của ông Lê Duẩn, có rất nhiều điểm tiến bộ. Nhưng công thức kết hợp cũ -- mới chứng tỏ họ vẫn không nhích lên đến nửa bước.
     ... Lại nói về nếp làm việc ở đây. Người ta làm việc một cách tuỳ tiện. Ví như đối với người nước ngoài, mất bao nhiêu thời gian trong cái việc đi chơi bời, du lịch, thực tế là để chờ CA điều tra và xin chỉ thị cấp trên. Có lần, tôi đã phải  dự một buổi biểu diễn văn công bắt buộc như thế này: Trước khi tan buổi chiêu đãi 5 phút người ta bảo là có văn công. Và thế là tôi được đưa đi, lẫn vào giữa dòng người, phải ngồi xem, hỏng hết cả kế hoạch công việc của tôi.
     - Tôi rời đất nước này, với ý nghĩ rằng mặc dù những hy sinh lớn của dân tộc Việt Nam, đất nước này sẽ rơi vào tình trạng buồn tẻ, nhạt nhẽo mà không ai chú ý tới, nó cũng không xứng với vị trí đáng lẽ miền Bắc Việt Nam được hưởng. Trong những năm qua, những người lãnh đạo ở miền Bắc cũng tích luỹ được một ít vốn liếng: sự ủng hộ của nhân dân thế giới. Nhưng họ đang tiêu phá những cái đó một cách bừa bãi, và chẳng bao lâu lại trở nên tay trắng.

  Jean - Claude Pomonti

   Một bài khác , có mấy ý: 
        Nhớ một câu danh ngôn,  những ngày  hoà bình đầu tiên, những ngày sau chiến tranh, bao giờ người ta cũng cần sự báo thù. Cần một người có tính đàn bà, để làm những chuyện dơ dáy nhất.
       Ngày đưa tin Mỹ bị bắt cuối cùng về nước, nét mặt người ở lại không thấy một thoáng căm thù. Thế là thế nào? Có phải đúng như lâu nay chính quyền Bắc Việt vẫn nói, căm thù là tình cảm mãnh liệt nhất của con người nơi đây? Hay người dân ở đây đã bắt đầu hiểu rằng tai vạ không phải do những người Hoa kỳ kia gây ra.

Một bài thơ E. Evtouchenko ( chỉ truyền tay chứ không đăng báo)

Ở đây, tất cả phân phối theo phiếu, trừ sự hài hước.
Ở đây, tất cả phân phối theo phiếu, trừ sự tự hào
Đất nước này tự hào về sự nghèo nàn của mình
Ước gì bằng sự tự hào đó, may ra họ có thể ra khỏi sự nghèo nàn thật sự của họ.

Mưa rất lâu, rất lâu. Nhưng còn một thứ lâu hơn nữa, là chiến tranh
Ở đây, chiến tranh đã làm tất cả những gì mà ở nơi khác, chiến tranh đã làm
Ở đây  1/3 phụ nữ goá chồng.
Ở đây, những cây lúa nhón chân lên
Như là những đứa trẻ con nhón chân lên
Để nhìn vào những máy bay-- xem máy bay mình có lên không
Ở đây, người ta lại hát
Em ơi đợi anh về
Đợi anh hoài em nhé
Tôi nhìn bức tượng nghìn mắt nghìn tay
Nhưng nghìn tay kia không đủ để lau nước mắt
Nghìn mắt kia không đủ để nhìn thấy máy bay.
Vẫn biết rằng chiến thắng rồi sẽ đến
Nhưng nó có xứng với những hy sinh của người ta?







Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم