VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Trong thế giới hiện đại cách hiểu về lòng yêu nước đã thay đổi



Nguyên là bài Cách nghĩ hiện đại 
đã đưa trên blog này ngày 10-5-2017

1/Nghịch lý "một viên tướng phải nghĩ tới cách đi theo đối phương"?!
"Từ điển danh ngôn thế giới" do Lưu Văn Hy biên soạn bản của nhà Tổng Hợp TP HCM 2006 có một ưu điểm, so với một số cuốn khác tôi đã đọc.
Ở đây, tác giả chọn được ra nhiều câu nói thú vị có liên quan đến đời sống chính trị hiện đại.
 So với tư tưởng cổ điển, nó mang nhiều chất nghịch lý, không xuôi chiều, nhưng lại có vẻ đúng với tình hình đương thời.
 Chẳng hạn, sách có dẫn lời nhà văn Mỹ Henry Brooks Adams (1838 – 1918) từng chỉ ra một khía cạnh của nghề chính trị: “Làm chính trị, trên thực tế, bất luận trong lĩnh vực nào, luôn luôn là việc tổ chức một cách có hệ thống lòng căm thù.”(tr 12)
Một ý niệm khác đến nay  vẫn có sức mạnh lôi cuốn con người hiện đại là lòng yêu nước.
 Trong cuốn sách trên, thấy dẫn lại câu của tiểu thuyết gia Anh Elizabeth Gaskell (1810 -1865) nói về lòng yêu nước phổ biến thời nay: “Nội dung cơ bản của loại chủ nghĩa ái quốc ấy là ghét bỏ mọi quốc gia khác” (Tr 129)
Danh ngôn cổ chỉ khuyên người ta hết lòng yêu nước chứ đâu có chuyện khuyên một viên tướng rút lui, thậm chí phải nói là đầu hàng.
Vậy mà trong cuốn trên lại có câu:
“Trong một cuộc nội chiến, một viên tướng cầm quân phải biết – bằng vào bản năng hơn là thực hành – phải biết chính xác khi nào ngả sang phe bên kia.”(Tr 283)
Truy về hoàn cảnh ra đời mới hiểu ở đây người ta muốn nói cách xử thế của các công dân liên quan tới các cuộc nội chiến. Nội chiến là người trong một nước đánh nhau, bởi vậy cái mà con người hiểu biết hướng tới, không phải phe này hay phe kia chiến thắng, mà cả dân tộc chiến thắng.
 Bằng bất cứ giá nào tránh được chiến tranh, vãn hồi hòa bình, ở đó người trong một nước bàn bạc với nhau về vận mệnh Tổ quốc. -- cái đó mới quan trọng.
Lòng trung thành với quốc gia phải đặt cao hơn lòng trung thành với phe phái mà mỗi người là một thành viên.
Câu trên đây là của một viên tướng Mỹ thời kỳ nội chiến Nam Bắc. Nó được Henry Reed nhà thơ Anh (1914 - 1986) chép lại.
Chỉ có con người thế kỷ XX, mới thấm thía những điều đó một cách sâu sắc và đưa lại cho chúng ta một ý nghĩ có vẻ như ngoại lệ, do đó là khó hiểu với những con người các thế kỷ cũ.

2/Yêu nước là phải phục vụ cho sự phát triển của đất nước
Sở dĩ tôi dừng lại ở một cách hiểu mới của con người thế kỷ XX về lòng yêu nước vì liên hệ với lịch sử Việt Nam , tôi thấy nó có thể có ích với chúng ta khi đánh giá lại các nhân vật lịch sử ở những giai đoạn éo le, chẳng hạn như Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh....
Ta hay nói phẩm chất hàng đầu của trí thức là lòng yêu nước.
Có người phũ ra còn nói không có lòng yêu nước thì người trí thức không đáng một xu.
Dựa vào cái đó người ta sổ toẹt các ông vừa kể  đã cộng tác với người Pháp.
Nhưng có thể có một cách nghĩ khác, gồm mấy vế:
-- theo quan niệm thông thường, một quốc gia độc lập có nghĩa là quốc gia đó do người trong nước cai trị và yêu nước trong trường hợp này là giúp cho cái quyền tự cai trị đó được thực hiện.
-- nhưng trên thế giới hiện nay có khá nhiều quốc gia chỉ có một nền độc lập mong manh, tuy do người trong nước cai trị, nhưng thực tế họ chịu sự thao túng của các thế lực nước ngoài. Bảo là độc lập giả tạo không phải là chê bai họ mà là đã bóc trần cái thực tế của họ.
-- đi vào cắt nghĩa tình trạng có các quốc gia độc lập giả tạo, người ta thấy rằng vì trong hoàn cảnh toàn cầu hóa hiện nay, không nước nào có thể đứng một mình không quan hệ với các nước khác. Đứng một mình, quốc gia chỉ tồn tại mà không phát triển.
Mà đã không phát triển thì trước sau phụ thuộc vào nước khác, tức là bị các nước khác chi phối.
Được sự giả dối bao che, sự tàn nhẫn lúc này lại lên đến mức khủng khiếp.
-- chỉ người trí thức mới đi đậu trong việc tìm tới cái nhìn vượt lên phạm vi của nước mình như vậy. Do hiểu rằng muốn tồn tại phải phát triển, họ cho rằng không cần phải phục vụ cho cái tình trạng trước mắt của quốc gia mà phải phục vụ cho tương lai của quốc gia.
Khi phát triển theo đúng nghĩa của nó, quốc gia sẽ có được độc lập thục sự.
Việc đó có thể tới muộn nhưng chắc chắn sẽ tới.
Còn hơn cái độc lập trước mắt dở dang giả tạo bỏ thì thương vương thì tội.

3/Những ví dụ kinh điển từ lịch sử nước ngoài
Đối với cách hiểu phổ thông hiện nay -- được giảng dạy kiên trì ở các cấp học -- mất nước, đầu hàng là nhục, mất nước thì mỗi cá nhân không còn lý do gì để sống.
 Nhưng lịch sử châu Âu hồi thế giới thứ hai còn ghi, nếu khi Đức chiếm Na Uy, gặp phải sự phản kháng thì người Đan Mạch thấy sức mình không chống nổi Đức liền mở cửa đầu hàng.
Sách vở về sau khi nhắc lại chuyện này không vì thế mà chê Đan Mạch và khen Na Uy..
 Họ lại còn cho rằng nhờ đầu hàng mà nước Đan Mạch khôn ngoan cứu được bao nhiêu mạng sống Do Thái.
Người Tiệp thường cũng tự hào nhờ đầu hàng mà giữ được bao công trình kiến trúc tuyệt mỹ ở Praha.

Không chỉ thời nay mà trong sử Trung Hoa thời cổ, rất phổ biến cái chuyện khi cảm thấy quân mình không đánh nổi quân địch, các viên tướng liền xin hàng để bảo toàn sinh mệnh binh sĩ cấp dưới.
 Sau đó thông thường họ tự vẫn để tỏ lòng "trung quân ái quốc".
Việc đó theo họ tuy đau xót nhưng là hợp với lẽ phải thông thường.
Nhìn rộng ra thấy trong lịch sử nước Trung Hoa, chính quyền trung ương đã hai lần đầu hàng những nước nhỏ hơn.
Lần thứ nhất đầu hàng người Mông Cổ, chấp nhận cả việc thủ đô Bắc Kinh được Hốt Tất Liệt đưa lên một tầm vóc mới tồn tại mãi với thời gian.
Lần sau mới ghê.
 Thua Mãn Thanh, cả nước Trung Hoa mấy trăm năm liền sống theo cách sống người Mãn, nhiều phong tục tập quán thay đổi.
 Nhưng tôi đọc sách lịch sử vẫn thấy ghi nhận Trung Hoa triều Mãn, tuy có mặt trì trệ nhưng vẫn là một bước phát triển rực rỡ, không có Mãn Thanh thì không có sự tiếp nhận tư tưởng phương Tây thành công cuối XIX đầu XX .
Dân Mãn ít, triều nhà Thanh phải dùng nhiều quan chức người Hán cả cấp thấp lẫn cấp cao.
 Nhưng đương thời cũng vậy mà về sau cũng vậy không thấy sử sách Trung quốc lên án những người trí thức triều cũ cộng tác với kẻ chiếm đóng.
Tại sao cả một giai tầng trí thức hùng hậu xử thế theo kiểu đó?
Tôi đoán họ nghĩ rằng mình vì một nước Trung Hoa lâu dài, chứ việc trước mắt không quan trọng.
Và đó là cách nghĩ hiện đại.
 Chúng ta có thể đồng tình hay không nhưng phải nhận có một cách nghĩ như thế.

PHỤ LỤC
Bài mới đưa trên FB  của tôi 8-9-2018
MỘT CÁCH HIỂU MỞ VỀ LÒNG YÊU NƯỚC
Khi nghiên cứu về hai nhân vật bị coi là có vấn đề như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh.... điều đầu tiên tôi muốn xác định đó chính là những nhà văn hóa.
Như Phạm Quỳnh chẳng hạn, ngay đến khi sang Pháp, gặp gỡ với các nhà văn hóa Pháp lão thành, ông cũng luôn luôn xác định là đại diện cho Việt Nam và nhấn mạnh có một nền văn hóa Việt Nam.
Vốn được học hành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, lâu nay tôi vẫn đinh ninh rằng Phạm Quỳnh là một kẻ bán nước vì đã cộng tác với những người Pháp đang thống trị ở Việt Nam.
Khi trong đầu óc tôi nảy ra cái ý tưởng:”Tất cả những người làm văn hóa đều là những người yêu nước” tôi không khỏi sợ hãi hình như mình đang làm một điều láo lếu. Nhưng tôi không sao bỏ được cái ý tưởng đó.Và rồi thì càng ngày tôi càng thấy mình đúng nhưng để thuyết phục, cần chia sẻ với mọi người.
Từ trường hợp Phạm Quỳnh, tôi cũng liên hệ đến trường hợp khác là Trương Vĩnh Ký. Cả hai ông đều là những nhà văn hóa, nhưng lại cộng tác với người Pháp.
Trong trường hợp này tôi buộc phải đi ngược lại với cái thành kiến đã chi phối số đông.
Tôi không coi các ông nói trên là những người bán nước mà chỉ coi họ là những người có cách yêu nước khác với những người khác.
Trong khi những người khác – đúng hơn là trong khi gần như tất cả chúng ta quan niệm yêu nước là phục vụ cho sự tồn tại của nước Việt Nam đương thời, thì lòng yêu nước của những người như ông Phạm Quỳnh, ông Trương Vĩnh Ký ấy là phải làm việc vì tương lai của đất nước Việt Nam.
Việc người nước ngoài cai trị chỉ là tạm thời.
Lòng yêu nước của các ông là lòng yêu mến một xã hội có sự phát triển vũng chắc chứ không phải là chỉ có cái tinh thần độc lập bề ngoài.
Nếu bề ngoài, xã hội Việt Nam là do người Việt Nam làm chủ mọi phương diện, nhưng trong kinh tế, là yếu tố căn bản của một xã hội lại do người nước ngoài định đoạt, thì sự độc lập kia cũng chỉ là giả tạo.
***
Trên trang mạng Tạp chí Văn hóa Nghệ An từ ngày 26-1- 2017 có in lại một bài phỏng vấn nhà trí thức Trung Quốc về nhiều vấn đề mà ở VN cũng có tình trạng tương tự, tôi thấy có ích nên đã đưa lại trên trang của tôi ngày 26-8 - 2018 kèm theo một vài bình luận ngắn.
Đoạn dẫn dưới đây có liên quan đến câu chuyện về LÒNG YÊU NƯỚC


Trích đoạn 5
Trí thức phục vụ xã hội thế nào? Nên hiểu sao lòng yêu nước của trí thức?
.....
Hỏi
Người trí thức nên quan tâm những vấn đề gì ? Nên có tinh thần như thế nào?
Đáp:
Phải có thể suy nghĩ độc lập, phải hiểu lịch sử và sự tiến triển của toàn cầu hóa. Độc lập hành động, tự do tự tại, tự hiểu biết, tạo dựng nhân cách độc lập của mình.
Hỏi :
Người trí thức nên giữ mối quan hệ như thế nào với chính trị ?
Đáp:
Trong thời đại toàn cầu hóa, chính trị học đã trở thành một khoa học, công tác chính trị đã trở thành công tác quản lý khoa học, tách khỏi tôn giáo và giáo điều.
Hỏi:
Người trí thức Trung Quốc khác người trí thức nước ngoài ở những điểm nào?
Đáp:
Nếu được hưởng nền giáo dục như người trí thức các nước tiên tiến đã hưởng thì người trí thức TQ sẽ không có những khác biệt cơ bản nào với người trí thức nước ngoài. Tri thức không có biên giới, người trí thức cũng không có biên giới.
BÌNH LUẬN
Do những mục đích thực dụng, nhà cầm quyền Trung quốc thích khai thác mặt mạnh của trí thức nhưng lại ngại tinh thần tự do của họ. Tinh thần độc lập của trí thức bị thù ghét. Người ta đưa ra lý thuyết “kiến thức không biên giới nhưng người trí thức nào cũng có một tổ quốc và phải phục vụ tổ quốc mình”. Từ đó dẫn tới kết luận “Yêu nước tức là yêu cái chính thể đương thời, phục vụ một cách trực tiếp chính thể đương thời.”
Phần sau trong bài trả lời của Châu Hữu Quang tập trung vào làm rõ quan niệm khoa học về trí thức có nhiều chỗ khác với quan niệm chính thống.
Để biện minh cho tính độc lập và nhu cầu tự suy nghĩ của mình, tác giả nêu ra cái ý về toàn cầu hóa, là điều mà về kinh tế nhà cầm quyền Trung Quốc đã chấp nhận, và đẩy nó lên, thành trạng thái toàn cầu hóa về tất cả các mặt khác.
Riêng chuyện người trí thức không bị bó buộc vào biên giới quốc gia của mình là một luận điểm có sức gợi ý.
Nó yêu cầu người trí thức không tự bằng lòng với cái chuẩn tầm thường của trong nước mà tìm cách tự nâng mình lên tầm quốc tế, với niềm tin rằng phục vụ sự phát triển chuẩn mực để đưa quốc gia vào quỹ đạo quốc tế mới là yêu nước thực sự.
Luận điểm này có khả năng làm lung lay lý lẽ cuối cùng của những người muốn kìm hãm không cho trí thức trở thành chính mình.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم