VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký Quảng Trị 7 - 9 / 1973 kỳ 8



 Ông Nhĩ kể : Tôi vào một gia đình, ông chủ nhà 50 (ở đây  chỉ còn đàn ông  trên 50) ông làm một hầm thật oách. Tôi bảo ông nên phân chia gia đình ra. Ông bảo tôi không sợ. Tôi trông tướng ông rất thọ. Mà ông ở nhà tôi thế này, lo gì nữa. Quả thật, lâu nay nhiều nhà trong xóm bị vướng bom lu bù, nhưng nhà ông này không việc gì. Đến một hôm đang ngồi, thì có tiếng bom. Tôi chỉ kịp chui xuống  một cái hầm ở ngoài sân. Lúc lên, thì thấy cả cái nhà cũ đã bật đi. Không còn dấu vết gì. Không biết là loại pháo gì. Tôi không còn biết nói thế nào nữa.

Những khi có bom, ở đây, mặt đất vắng lặng. Đi vào khu vực hầm, không hề thấy một bóng người. Nhưng nào người nấy vào hầm của mình rồi, căng thẳng quá, không ai muốn nói gì. Nghe hầm bên cạnh bị khoan, nghe có người kêu, cũng không thể ra cứu được. Hãy chờ cho ngớt đã... Chỉ còn lo được cho chính mình.
Có người nói rằng Quảng Trị ta có thể dấn được nữa. Nói thế chỉ là phiêu lưu: thực ra thì mong Paris ký lắm. Chiều nào cũng lẳng lặng nghe đài, và bàn tán với nhau. Đến tháng 10 thì cảm thấy rất lo. Và đến tháng 12, thì cảm thấy niềm hy vọng cuối cùng cũng đã không còn nữa, bi quan đấy, có lẽ là chiến tranh suốt đời thôi... Cho nên, những ngày đầu tiên sau hoà bình còn ngỡ ngàng, tưởng không có thật. Cho nên, hoà bình bây giờ là đúng nguyện vọng quần chúng.
Lính vào, còn trẻ quá, có biết gì đâu. Có thằng cầm B40, hỏi có biết bắn không, nó bảo biết, nhưng chỉ biết bắn nổ, mà không biết bắn trúng. Cứ lên khỏi bờ, tưởng là địch, là nó bắn rẹt rẹt một hồi.
Có thằng mới đến bờ sông thôi, đã bị thương, đưa ra. Và hỏi nó, nó không biết đơn vị nào, tiểu đội nào, trung đội nào không biết.
- Thế có nhớ cán bộ không.
- Em chỉ nhớ em ở với 1 đồng chí D trưởng có râu.
Tôi về nhà, thăm gia đình. Lúc bấy giờ tôi ra viện mượn một cái xe từ viện, qua một bến sông về. Đi đâu, hỏi thăm khu Cổ cũng nghe: Nói thật với anh, không biết có còn không. Nó đánh trúng cả khu vực. Tôi gặp nhiều bà mẹ Quảng Bình cứ ẵm mấy đứa con đi, không biết sẽ đi đâu, mà, kinh thế, mình phải đi vào khu vực họ vừa mới đi ra. May đến một quả đồi, nhìn xuống, tôi vẫn thấy cái nhà tôi. Mừng quá, vào nhà gọi, trẻ con. A ba đã về. Không ai việc gì! Ngay lúc ấy, nghe có máy bay. Tôi lập tức tách cả nhà ra làm 2 hầm, 2 vợ chồng tôi với 1 đứa ở một hầm, bà cụ tôi với mấy đứa nữa ra một hầm khác. Qua loạt bom, gọi nhau, lại thấy còn cả. Bấy giờ bàn thế này, tạm thời chia ra làm 2 ngả. Đèo mấy đứa lên nhà ba mụ ở trên Đá Mài, mấy đứa về  chỗ Đồng Hới cũ đã. Chạy thôi. Nhưng tôi chỉ có 5 ngày, gần  đến ngày cuối, vẫn không đi được đến đâu. Bấy giờ vợ tôi lại bảo: Thế thì anh lại đèo mấy đứa về. Chết thì chết, mẹ con có nhau. Thế là lại đèo về. Và sau 5 ngày mệt nhoài, tình thế lại y nguyên như cũ, tôi lại ra đi, phó mặc cho giời.
Hoà bình lần này kỳ lạ lắm. Cái đặc biệt của hoà bình là những người lính trở về, là tình thế gặp gỡ trở lại. Thế mà lâu nay, không sao gặp gỡ được. Mọi chuyện cứ bùng nhùng vậy. Thằng lính lúc đầu nhốn nháo, về sau nó cũng tê dại đi, nó biết không có ai thay nó được, nó phải chịu thôi. Nhưng mà nhiều người căng với nó quá.
Mình có lẽ là người sinh nhầm lãnh thổ. Người Quảng Bình nhưng chỉ thích là người Bắc Hà thôi. Cũng như mình không thể ngờ mình đã ở quân đội 26 năm. Năm ngoái  tôi nhớ những lần 1 C lính nó chuồn ra, bỏ chốt. Tôi với mấy cậu trợ lý lên làm công tác tư tưởng. Chỉ nói thế này: Tại sao các đồng chí không lên. Chúng tôi là lính trợ chiến. Bộ binh không có yểm hộ. Chúng tôi phải trở lại đây thôi . Tôi bảo không nói đâu xa, ta bỏ thứ này, có phải là không phải với anh em đồng đội không? Nó nghĩ thế nào, nó lại lên. Nửa dường, bom nó đánh trúng đội hình, 3 cậu chết. Thế là nó bỏ nó chạy thật. Chỉ còn mỗi mình với cậu CTV, cũng không đủ sức chôn nữa, để tạm anh em vào một chỗ, đi về một đơn vị gọi người đi chôn.


Cái gì phân biệt người lính qua năm tháng? Đó là sự tiếp xúc với cái chết. Ngay cả những anh lính ngờ nghệch nhất, cũng có một sự khôn ngoan, sự dày dạn mà ở ngoài, không ai có được. Cũng có sự trong sạch, cũng có sự dũng cảm, không có thì hắn đã chạy từ trước rồi, không dám đến đối diện với cái chết như người lính thực thụ. Và lính nghĩa là rất yêu cuộc sống, càng gần cái chết, càng yêu cuộc sống.

Nhận định về tư tưởng
- Tuyến trước vững hơn tuyến sau.
- Đơn vị vững hơn cơ quan.
 Như thế là thế nào? Tư tưởng vững hay là ảo tưởng thấm vào đầu?
Cái màu của Quảng Trị, là màu đỏ của đất đồi, màu trắng của cát. Đất đồi cằn cỗi, sim không đủ quá, chợ 2 hào 1 đấu sim). Cát thì mênh mông, cái gì, cái gì gay gắt ở sau cái gay gắt bề ngoài này? Và biết thế nào là gay gắt?

Quảng Trị thông tin.
Chiến tranh làm cho mọi thứ hỗn loạn lên vũ điệu quan trọng làm cho nó - con người - nhớ đến nhau, hiệp đồng với nhau. Đường dây thông tin, là một cái gì hoà bình nằm  trong chiến tranh, thách thức với chiến tranh.
Một cậu kể chỉ 2km, mà kéo 12 lần đường dây mới, trong 24 ngày. Có đơn vị không giữ quá 2 giờ.
Có nhiều thằng rất bé, những đêm nằm chốt nó kể với tôi đủ chuyện. Tôi cũng đã tiếp xúc với loại dưới đáy xã hội, nhưng có nhiều loại dưới đáy khác nhau. Nó bé mà đã gái gủng cẩn thận, đánh nhau thì được. Nhưng nó bảo: sau này em về, em cũng đến làm công việc cũ mất thôi. Vì không biết làm việc gì khác.

Vẫn còn cái loại ham đánh lắm : Lúc chiến đấu, có cậu tâm sự với tôi rằng lúc ở nhà, bà chị cậu ta được giới thiệu lên báo. Kể cũng thích chứ! Cậu ta chỉ nói thế. Con đường cậu ta thuận lợi đến nỗi tôi chẳng muốn mang tâm sự của mình kể cho cậu ta nữa.
- Anh có thấy vào đây mọi chuyện thay đổi
- Hầu như những ý nghĩ cũ của tôi về đời sống vẫn thế, không có gì bị đảo lộn
- Chúng ta sống làm việc trong những ràng buộc lớn
- Không, tôi muốn nói đến trách nhiệm. Cái trách nhiệm đã thúc đẩy tôi đi. Hồi ấy, đã có lúc tôi nghĩ mình ở đâu thì có lợi hơn. Tôi khuyên một thằng bạn nên ở lại, còn tôi, thì tôi đi.
Tôi có một thằng em. Nó kể: nó cũng thích đi bộ đội, nhưng sức khoẻ yếu, sợ làm phiền đồng đội và gia đình. Nghĩ thế cũng phải.
Nhưng bây giờ, tôi đã bắt đầu nghĩ: giá kể tôi về đi học, được việc hơn (có những ngày từ sáng đến tối, chúng tôi xoay sở với 54 quân bài, chán quá)

Quang kể :
- Mối quan tâm của tôi bây giờ là hậu phương, là những vấn đề chẳng hạn như giáo dục... Tôi có thằng bạn  đã viết cho tôi những dòng thư: ở đây mỗi ngày người ta làm việc 2-3 giờ. Cũng thấy vấn đề phấn đấu ở đâu khó khăn hơn.  Ở đâu cũng khó, nhưng cái khó ở đây nhiều khi lấy thân mình ra mà chứng minh, còn ở hậu phương, không lấy gì mà giải quyết được, đành chịu.
Những người ở đây, có người nghĩ: mình thật thanh thản, lúc này ở đây lại thanh thản. Thư một thằng bạn bảo tôi: khéo sau này, mày không muốn về nữa.


Lái xe tank bây giờ phần lớn là lái máy xúc ở ngoài vào bộ đội 8 giờ là cho đi, biết gì về chiến thuật.
Tôi cho rằng bây giờ mình có những mâu thuẫn không sao giải quyết được - nhất là chuyện công nông trường- Thôi thì cứ để kệ nó, đến đâu thì đến. Tôi về nhà thăm vợ, cứ ngày đi chơi, tối nhất định ở nhà.
... Muốn nói gì thì nói, có đế quốc Mỹ, cái đó mình hiểu, nhưng rút cục là thanh niên miền Nam đánh nhau thanh niên miền Bắc, càng chết nhiều thì càng dũng sĩ, anh hùng.
Tất nhiên là các bà ấy phải thừa thôi. Không thể đóng hòm các bà ấy xuất cảng được.


Cuộc sống Tường Vân:
Một ông già tập kết về. Về Vĩnh Linh, thấy con đang làm với một người làng. Người làng kia nhận ra, mà con mình không nhận ra. Tết ăn với gia đình, thấy mình còn khá.
Con cũng mong nhận tinbố. Mấy bức điện ra, chưa vào được, thấy người khác, hắn bảo: Bố tôi chết rồi. Nếu còn, sao không thấy vào?
- Cũng chưa bao giờ nói chuyện nhiều. Không tiện không ép hắn. Hắn chỉ thương, nay bảo bố thôi đừng làm gì nhiều. Bố thấy thương con, về có ít phân cũng dọn dẹp. Để con làm làm chi, cụ? Mình đi làm cách mạng bao nhiêu lâu nay. Hắn tưởng về phải giữ sĩ diện này nọ.
Người trong này quen rồi, chỉ muốn làm ăn, không muốn họp hành, không thích dây dưa gì nhiều. Không cần tin tức chi. Tôi phải bảo hắn nhưng bảo vậy thôi. Hắn đi lính nguỵ, đi khắp miền Nam, mang cả vợ đi - cả thảy hai ba đời vợ, bảo hắn chi được nữa.
Mấy hôm nay có tối người con không muốn đi họp, ráo quanh, rồi ngủ từ sớm. Có tối, đi họp về, bàn làm nước.
- Tháng 7, nước nhảy lên bờ, con mới nói chi nữa
- Cứ làm chứ chi, biết nắng khi mô, biết mưa khi mô, làm được chừng nào hay chừng ấy có hơn!
Người con trai cái lưng thẳng đuỗn, đen thủi, cái quần đùi đỏ, cái áo lính, mắt cứ dương dương, rõ ra một gã chủ gia đình, nhẹ nhõm, bất cần. Người bố, con người của những năm kháng chiến, của những ông già thường trực thời hoà bình, ky cóp tính toán.
Người vợ, dáng vập vạp, bước chân nặng nề, lại thêm cái quần xắn đến tận  bụng chân, lưng bao giờ cũng đẫm mồ hôi, một cái khăn mặt buộc trên đầu người vợ Quảng Trị lo hết việc gia đình. Lúc nào chị cũng sẵn sàng vào bếp. Chị quần quật gánh phân, gánh gio, cho đến cả lúc kéo ghế, học bài - trông cũng cả quyết, vất vả.... Cái giọng Quảng Trị nghe rất mệt, nặng nề mà lại liến láu - người đàn bà nói với con, mà cũng cáu giận, cứng nhắc. Chỉ có khi ra đường, phập phì điếu thuốc lá cuộn trông chị mới ung dung trở lại.
Còn người cố già, người đứng đầu của bốn đời họ tiếp nối, người đàn bà đã trông bao nhiêu đứa con, bao nhiêu đứa cháu ai biết được? Bây giờ cụ lại trông những đứa chắt, vẫn lối dỗ trẻ doạ dẫm, và khi cần súc miệng trong mồm, nhỏ toẹt ra, rửa tay cho trẻ, ngay bên võng. Và cụ hát ru cháu bằng những bài hát trữ tình, mà tự bao đời cụ vẫn ru “...Nỗi niềm chưa đấm mà đau - Hoa còn chưa hái đã rầu trên cây”...

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم