VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký Quảng Trị 7 - 9 / 1973 kỳ 7


 Loanh quanh nghe chuyện anh em ở Tích Tường, Thanh Hội, Gia Đẳng
Ngày ngừng bắn, lính địch kêu lên: Chúa ơi, thế là con sống rồi! Sang gọi lính mình, ngồi cả vào xe tăng. Chỉ sau 5 phút, 2 bên đã mời nhau hút thuốc.
Hôm sau ra thấy lính địch vẫn nằm đó. Nhiều muỗi. Thấy những cành lá động đậy. Mới đầu tưởng là gió. Sau trích nhẹ, một thằng lại bật dậy. Thằng này làm nũng, đòi cõng. Pháo bắn đến, nó chạy được, không phải cõng nữa. Đòi ăn phở, ăn cháo gà, không ăn cơm. Không ăn thì nhịn..
Cát trắng. Quần áo xanh nổi lên rất rõ


D2. Hoà bình cắm cờ, ta cắm truớc. CTV bảo:
cho tôi gặp chỉ huy:
cho tôi sang, lấy những đồng chí của mình còn lại.
Lính 2 bên, bắt tay nhau. Ông Nễ CTV chỉnh ông Mạnh đại đội trưởng: ông Mạnh ơi, dẹp ngay cái trò này lại. Nó vừa bắn thương vong đồng chí mình giờ anh lại hoà hợp. Nước mất, mà thánh hoàng vẫn không hay, thánh hoàng ơi.
Nó trả mình một máy điện thoại: Hôm qua lính tôi không biết, nó trót đập.
Một đồng chí ta bị bắt, đứng đấy, bị trói. Ta bảo hoà hợp dân tộc, không trói người nữa. Nó vừa cởi trói, cậu kia được thả ra, chạy về bên mình, lẫn vào anh em, Địch đuổi theo, rồi lại tự nói với nhau lính ta cả lại hoà hợp rồi, không đuổi theo nữa.
. Hôm qua, hôm qua.
Lên cách 700m Địch đánh úp Cửa Việt, lợi dụng tiếng sóng đánh các nơi (do ta chú ý hướng tây hơn)
Sáng này, xin thêm viện binh không xong, lính địch đến, không còn xung phong được.
Lính địch lan đi cắm cờ.
Rút từ túi quần ra, tuốt phi lao làm cán, có chỗ không có cán cờ, rải ngay trên mả. Hai bên dừng lại. Lính ta nói phét: Các anh vào, vô số mìn, B41. B41 bắn trúng, M48 không việc gì.
Cả hai bên đều nói dối, và đều tin nhau như trẻ con.

Địch gọi ta xem tăng.
Địch bị mất tăng . Anh em ta bắt được, không biết lái, gửi một đơn vị khác. Các cậu ở lại, lên xe, lấy thức ăn rồi lúc a trưởng gọi, bỏ về. Xe để không. Địch lên, lấy về. Địch lên lấy xác, mang xe tải lên. Xe tải kém tăng, lên nhiều, về ít, lấn đất.
- Nhưng rồi địch cũng không còn cảnh giác. E trưởng cạo râu, vác AK đi trinh sát vào tận trận địa. Địch mắc  võng ngay trên mặt đất: Ta đánh.
ở Tám Cát, 1 C địch không cờ  không súng đi đầu. 2 C đi sau, vào chỗ anh em, giở cờ ra. Ta báo cáo lên. Trên cho đánh. Lính còn tự ái, không dùng súng, chỉ vật nhau. ông Nế: Lại dùng lối đánh nhau đá đít thế này ư, cho một C khác xuất kích. Nhưng địch chạy, anh em ta không bắn theo.
Xe địch chạy về. Lính ngồi, giơ cả hai tay: giải phóng đừng bắn. Lính ta không bắn. Sao không bắn. Bắn vào hàng binh ư,  thủ trưởng ?
- Trận tập kích cụm 4, Lính Trinh Sát bò vào. Sàng mờ nó gọi các ông giải phóng ơi, hoà bình rồi. Ta tưởng nó trộ. Nó ra tận nơi, đá vào áo ta. Hai bên bắt tay nhau.
Địch chạy: Lính ta ở tuyến phía Nam lên xem. Địch cũng lên. Chúng em tháo đạn rồi. Hoan hô quân giải phóng. Thằng thiết giáp hiếu chiến, các anh đánh chết mẹ nó đi.
Một đồng chí của ta, Hải, đuổi địch. Thấy một thằng lính Sài Gòn bị thương, dừng lại băng. Chợt 2 thằng ra hàng. Nó bảo: Em đã định bắn anh. Các anh nói hoà hợp mà vẫn đánh. Nhưng lúc thấy anh băng cho thằng kia, em biết các anh đánh thằng thiết giáp hiếu chiến thôi, em mới ra hàng.
19/7
Chưa ở đâu, tôi thấy gió ghê gớm như ở Triệu Phong.  Gió thổi lồng lên ràn rạt, như một niềm ghê rợn, suốt từ sớm đến tối. Gió rên rỉ nói một điều gì tha thiết lắm. Gió làm cây cối nghiêng ngả, gió làm khô xác những mặt người. Tôi chỉ nghĩ: giá như người ta không phải chú ý đến gió. Giá như người ta có một điều gì khác bận tâm hơn, thì có phải hay hơn. Đằng này không. Gió làm mênh mông cái trống trải của bầu trời và lòng người. Người ta chỉ còn có một ít ý nghĩ sâu đậm và cay đắng nhất về cuộc sống, như mặt đất còn một ít cây cỏ. Chỉ có thế, cho nên lại càng cay đắng nghĩ đến gió. Mọi người đều là những  người mất ngủ. Đêm khuya, gió trở thành một niềm ám ảnh, như cái trống rỗng của ngày hôm qua, ngày hôm nay, và biết đâu, là của ngày mai.

Một cụ già Quảng Trị.
- Tôi biết quân giải phóng tốt thôi. Nếu quân giải phóng định giết vào dân thì lúc dân chạy, họ đã bắn rồi.
Giá tôi không đi ra Vĩnh Linh, tôi ở nhà cũng không việc gì đâu mà. Nhưng tôi nghĩ ri tôi đi: mình mà đi, có chết, mình vẻ vang. Mình không đi mà chết, họ bảo mình tham của mình chết. Du kích họ vận động, họ mang thuyền, mang cáng đến dẫn tôi đi, tôi mới đi đấy chứ.
Lúc trước ở đây, con tôi đi nguỵ, nhưng nó vẫn ủng hộ cách mạng, Tôi ủng hộ 2 tạ gạo, nó 3 tạ. Lúc ta đánh vào, tôi với nó cãi nhau một trận. Nó bảo: Lại như năm 1968, giữ vài ba ngày thôi. Tôi bảo: giờ khác đi chứ. Lính quốc gia ở đây, ở chỗ nào chỗ nào, như rõ rành rành, quân chính phủ thấy ngay. Còn quân chính phủ (giải phóng) ở lẫn vào nhà dân, đánh không được. Tôi già rồi, bên nào ở cũng được.
- Thế cụ có sợ giống như miền Bắc.
- Giống như miền Bắc cũng tốt chứ sao?
Thằng con tôi đi, con vợ nó mang theo đứa con giữa, bây giờ còn 4 đứa ở nhà. ông 80, mệ 70, 4 cháu dại, chả biết làm gì. bữa cơm, một bát nhựa lớn, như cái thau, toàn là rau.
Ra Vĩnh Linh, thấy càng lo. Lo mình ăn bám vào chính phủ. Chính phủ lấy đâu ra. Lo miền Bắc cũng nghèo. Tôi đi khắp Vĩnh Linh, không thấy cái nhà nào coi được cả.
Bây giờ chỉ mong thằng con nó quay về. Riêng mình nó, nó về được thôi. Nhưng còn những người khác nữa, bên kia người ta ngăn. Nhưng ngăn cũng không được. Thiệu cũng không làm được gì, còn có quốc tế nữa.


Anh Hạp. Quảng Trị Thừa Thiên này, chỉ có 4 huyện nổi hơn là Triệu, Hải, Phong, Quảng. Còn thì toàn là nghèo, núi ra sát biển. Ngày kháng chiến, pháo cối đặt ngay trên đồi cát, bắn lên rừng đất đỏ căn cứ của mình rồi. Dân bị chà xát khổ sở. Mỹ Chánh có lần địch tàn sát, sông đỏ cả một đoạn dài.
Dân ở đây, giàu nghèo cũng không thật chênh lệch. Hồi C2 ở ngoài kia, tôi nghĩ nhiều nông dân ở  Thừa Thiên cũng bằng địa chủ ở miền Bắc.

Ông Thập: Ở Gio Linh, Triệu Phong, Những nhà nhiều ruộng thuê người làm, trả tiền. Tỷ lệ công điền công thổ không lớn như ở Cam Lộ. Diện tích canh tác của các gia đình là 2 mẫu.
Năm 1972, dân ra dân về phức tạp
Như ở Tri Bưu, có một tốp thanh niên, do mình ép nên cũng chạy theo mình (còn gia đình, họ đã vào trong kia cả). Bây giờ họ sống quây lại với nhau, cũng không biết làm ăn gì, có một số mình sắp xếp công tác, nhưng một số cũng lơ vơ. Nó đã bàn nhau: cứ thế này, có khi cũng phải vào trong kia thôi (đã mấy cậu chạy vào). Ở đây bây giờ, nó quen hơi, nó sắp việc thì người này lại dây sang người kia, không có tiền không đi.
Dân Cam Lộ khá hiểu về miền Bắc: Một chị bảo: Tôi mà không bận con nhỏ, thì năm nay tôi kiếm to. Năm nay còn buôn bán được, chứ sang năm, chắc khó khăn rồi - Chị ta năm ngoái cấy có 5 sào. Năm nay, chị cấy hẳn mẫu ba. Làm ăn giỏi lắm.
Ra miền Bắc về, tự họ tìm cách tổ chức lại với nhau thôi.
Sau này, hiểu cách mạng XHCN hơn cả, chắc chỉ có dân Hải Lăng. Hải Lăng mất đất, hiện nay ra đây hai bàn tay trắng. Dân buồn, cán bộ cũng buồn, và buồn quá thì làm gì đó. Cho nó đỡ lòng. Hải Lăng ra Cam Lộ thấy đất tốt, là lăn lưng xả thịt ra ngay, lúc đầu dân Cam Lộ còn lười, còn rúc cả trong nhà, thấy thế cũng ra làm.
Ông Thập - Chính Gio Linh bây giờ lại buồn. Làm ăn còn chưa đâu vào đâu. Nghèo quá. Còn ngoài Vĩnh Linh, dân hoá như Quảng Bình. Cũng ranh ma. Nhiều tiền, các gia đình ra Tân Kỳ, bây giờ về còn tiếc là đất ngoài ấy tốt quá, bây giờ có nhà gửi nhà nước 5000, có nhà 2000.
Dân ra miền Bắc, thấy vỡ ra: cũng có người lừa họ.
Một chị có anh em đi theo giải phóng mình. Chị không ra Vĩnh Linh mà cứ ở Cam Lộ - Tốt đấy chứ. Chị mới mua cho con một cái áo màu hoa . Ngày mưa, cái áo phai ra, bẩn hết cả người. Chị ngạc nhiên: Miền Bắc như thế này hết sao chú?
- Gần 100% đổi công (tập đoàn) có nơi 180-200 hộ, 200h. Còn khoảng 15 vạn dân.
Gio Linh: trước học sinh 1/40 tổng số dân
nay 2/5
Cả tỉnh: dân có nhà 15% sức khoẻ A
35% Trung bình.
50% yếu
Quảng Trị 1,7 vạn ha đất sức lao động thưa
Đề nghị 60 % cày máy bơm nước. 1 lao động 1,3- 1,5 ha sẽ bảo đảm.
Dân đi, bộ đội ở lại. Bây giờ họ về, đồ đạc mất hết. Ta dùng là đúng thôi, nhưng bây giờ phải làm thế nào, mình thì nằm chiếu ny lông, họ thì nằm không.
Một bà cụ già ở Hiền Lương cầm cái bát sắt hoa, ra tát nước ở ruộng muống lên ruộng lúa.
Chuột nhiều, bà cụ già bảo không có năm nào chuột nhiều như hiện nay. Đám trẻ đi chôn chuột.
Thấy phải đóng các loại sổ phân phối. Một bà cụ bắt đầu lo: Thế có còn chợ không chú?
Chính phủ đưa lợn về cho dân. Không bắt mua, cứ cho nuôi thôi. Nuôi lớn, trên sẽ lấy lại cái phần giống. Chết thì thôi.
Lập tức có hiện tượng: bán bớt lợn ở nhà đi, để có thể có lợn.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم