Tuy chưa thể hiện hết những ý tưởng của
mình,
nhưng những quan niệm dưới đây của tác giả
Dấu chân người lính
đã có nhiều chỗ trùng hợp với quan niệm của
các nhà văn các nước khác mà
vì
đóng cửa lâu dài , không được đọc nên chúng ta không được biết.
Tôi đã ghi lại những ý này sau những buổi trò chuyện với tác giả trước 1975
Xem các bài trong blog này cuối 2015 .
https://vuongtrinhan.blogspot.com/2015/12/nguyen-minh-chau_11.html
Tôi định viết một cái gì như là bà mẹ và viên tướng.
Anh lính và viên tướng cùng làm công việc quân sự cả. Nhưng người lính thì làm
vì nhiệm vụ, ông tướng ngoài phần trách nhiệm lại có phần nghề nghiệp của ông ấy
nữa, cho nên có lúc ông ấy quên cái phần vất vả của chiến tranh đi. Trong một
trận chiến đấu, ví dụ bao giờ nó cũng có tính trước số thương vong, sau đó,
trên cơ sở dự tính thế mà khớp lại xem mình dự tính tài đến mức nào. Có những
ông tướng căng cả óc nghĩ về cái mức ấy. Bây giờ phải có một người mẹ người tốt
dạy lại cho ông ta, thì ông mới hiểu được.
Ông tưởng tượng đoạn đối thoại ấy có ghê không?
***
Những xu hướng
chính trị đang xô đẩy chính kiến và tình cảm của con người, nhưng chưa đến lúc
nói đến những xung khắc về chính kiến, văn học hôm nay hãy nói đến những giằng
xé về tình cảm, chỉ làm được việc như vậy đã khó.
Con người là vật tượng trưng của sự bất lực, hay nói
đúng hơn, sự bất lực của mọi nỗ lực của con người, và đừng nên buồn vì điều đó.
Cái quan trọng là không bao giờ nên để rơi mất những khát vọng và hy vọng. Chủ
đề của tất cả những sự kiện mà tôi đang sống chính là sự thất bại của những khát
vọng. Dần dần con người còn tiến đến thực dụng.
Viết về chiến tranh từ xưa đến nay, vẫn là giải quyết
cái này. Giết người? Giải thích con người giết người. Anh giết một người: Anh
là ai — con người bị giết là ai? Lòng căm thù, động cơ của sự giết người là một
phạm trù của tình cảm hay phạm trù lý tính?
Cái nguy hiểm của chủ nghĩa tình cảm ở chỗ nó như một
đám lửa. Vẻ đùng đùng bề ngoài che lấp mất cái gì đó sâu bên trong, cái gì đó
đang khiến cho ngọn lửa bốc cháy. Nhà văn cần đề cao lý trí trong tác phẩm.
***
Cái tập mới này của tôi – Lửa từ những ngôi nhà –– sẽ viết về những chuyện vơ vẩn trong chiến
tranh, sẽ làm cho người ta cảm thấy chiến tranh len vào khắp mọi chuyện, khắp mọi
con người. Chiến tranh là cả một vấn đề xã hội chứ không phải chỉ là công việc
của mấy ông lính.
Tôi đi Hải Phòng chỉ chưa đầy hai ngày, nhưng giá kể
cho tôi viết thoả thuê, tôi có thể viết được cái gì đó về cuộc chiến tranh phá
hoại. Thành phố như đã chết. Con sông Hạ Lý không chảy, mặt sông không còn dầu
mỡ.
Thằng em tôi nó cứ reo lên. Nó đón tôi, nhưng nó lại
nhạt nhẽo với tôi.
Tôi vào Hải Phòng, để mà cứu những đứa con khỏi trở
thành nạn nhân. Cả Hải Phòng đã là nạn nhân.
Nhưng tôi lại bỏ Hải phòng tôi đi, tôi đạp xe suốt bốn
tiếng ngoài đường, không vào nhà ai. Tôi không muốn vào Hải Phòng, cái thành phố
tôi đã lấy vợ, có những đứa con, tôi không muốn thấy nó trong cái vẻ thành phố
chết chóc.
***
Trong đợt đi Quảng
Trị, tôi đã chú ý nhiều đến các đội điều trị. Là vì trong cái chiến dịch 1972
này, đó là cái phần việc mà mình thấy có thể nó còn là giữ gìn con người, bảo vệ
con người.
… Nhưng đi vào vẫn thấy bí. Những ngày chiến dịch, những
thằng Quân y làm việc cứ như một bọn mổ vịt mổ gà (cho đến cả y tá cũng mổ).
… Một thằng lính Quảng Trị nó nói với tôi: Quảng Trị
đúng là cái máy nghiền thịt.
Tôi ngồi tôi xem lại cái phần Lửa từ những ngôi
nhà. Và tôi tự hỏi bây giờ mình phải viết thế nào. Viết ca ngợi chiến tranh
cũng không được. Viết phản chiến cũng không được. Thôi thì viết cái gì đó, người
ta cứ phải sống, lầy lụa mà sống, mà chịu đựng.
– Viết về kiếp người ?
– Gọi thế cũng được nhưng nó hơi bi thảm quá.
***
“Mấy chục năm
nay, xã hội mình toàn những người đi buôn cả. Cứ tìm tiểu thương ở đâu, tiểu
thương ở ngay trong tư tưởng anh ấy, diệt làm sao được. Mình đi bộ từ đây xuống
Bờ Hồ, qua mỗi hè phố lại thấy bà bán ngồi chồm hỗm, hỏi anh có gì bán không.
Tưởng tượng chính là những người từ trong những hố cá nhân tránh mảnh bom kia mọc
lên đấy, nó có bị giết thì tự nó lại mọc lên một cái đầu.
Mình vào Quảng Bình, thấy kể chuyện người ta háo hức
đón đoàn mặt trận miền Nam, kêu lên với nhau rằng sao đến miền Bắc mà đoàn lại
không vào Quảng Bình, và giá có vào thì người ta sẽ tiếp đón linh đình lắm.
Trong khi ấy thì những thằng lính ở đường 9 Khe Sanh ra mặt xanh nanh vàng, húp
bát bún con con trả đồng bạc vẫn khen rẻ, chẳng ai quan tâm cả. Chính bọn ấy mới
là đại diện chân chính của miền Nam.
… Lại nghe nói đâu Trung ương có ý định bảo Hà Nội để
lại một khu phố, để sau này, khách phương xa đến, làm nơi tham quan về những tội
ác của địch. Mãi sau, một thằng nó phải bảo: Thôi, dân mình khổ đã nhiều rồi, cốt
sao ông cho họ cái nhà họ ở đi cho chóng, còn làm gì mà phải xoay ra thế nữa.
… Người ta buôn bán ghê lắm, người ta buôn bán mọi thứ.
Cả xã hội đi buôn. Nói thế mới gọi là vấn đề của văn học chứ!”
***
Người nào đi Quảng
Trị về, cũng thấy chói lên cái câu hỏi về chiến tranh – cái câu hỏi đỉnh chạm
trời, và chân sát mặt đất.
… Lắm lúc, chả muốn đọc những thứ người ta suy nghĩ nữa.
Ai nghĩ cũng chẳng bằng mình. Đất nước này là đáng nghĩ nhất. Mình là thằng
nghĩ có thể hay nhất.
– Phải viết thế nào đó cho hết mình. Đôi lúc như là chỉ
cần ghi lấy những ý nghĩ vớ vẩn của mình cũng được, nghĩ xuôi rồi lại nghĩ ngược,
quanh quẩn nghĩ gần rồi lại đẩy nó ra xa, đẩy nó ra xa, rồi lại kéo nó vào gần…Văn
học là phải như thế.
***
Nhìn lại một số tác phẩm viết về chiến
tranh
Tôi ngồi tôi đọc Sống
mãi với thủ đô. Xem như ông Tưởng ở một đầu chiến tranh, mình ở đầu đằng
này. Thấy trước từng ấy năm, mà ông Tưởng ông ấy lại còn tiến bộ hơn mình. Ông ấy
còn dám nói cầm súng là một việc không ra sao, chúng ta buộc phải làm vậy. Còn
mình, mình chỉ thấy việc cầm súng một việc anh hùng, tốt đẹp, chúng ta lầm lẫn
mục đích với phương tiện. Và một số người cầm bút cũng lẫn giữa mục đích và
phương tiện như vậy.
– Kiểm điểm lại thì thấy người viết mình loanh quanh lắm.
Có độ 4-5 vấn đề, rồi cùng nhận ra và cùng chui cả vào đấy. Chả cứ chui vào về
mặt tư tưởng, mà chui vào cả về mặt cốt truyện. Xem xem, từ ông Nguyễn Thi, ông
Phan Tứ cho đến ông Xuân Thiều, cũng một cái thôn như thế, một cô trẻ trẻ bí
thư chi bộ, lại một mẹ già, rồi một thằng địch. Sao mà mình giống nhau như lột.
Tự nhiên câu cú chữ nghĩa cũng phải giống nhau.
… Nhưng tình hình mười năm tới, rồi cũng phải thế
thôi. Ở mình đừng hòng viết về một cái gì hư ảo đâu, cái nền văn học ấu trĩ của
mình rồi rút cục cũng chỉ như hôm nay. Chỉ có thể thế này, độ bảy phần nịnh thì
viết lấy ba phần trung. Bảy phần như mọi người, và ba phần như của mình, lên diễn
đàn hét ầm lên, nhưng cũng có lúc có thể ghé vào mọi người, nói vài điều tâm sự.
***
Người viết văn
phải vừa viết, vừa hoài nghi mình mới được. Cảm thấy rằng mình đang còn ngờ vực
cái điều mình vừa viết, để cho người đọc tiếp tục nghĩ. Còn như cái ông Lê
Khâm, ông ấy viết văn cứ như dân Quảng Bình đúc gạch táp lô. Và ông ấy vứt cái
gì ra, là tin nó vừa khít như trình độ nhà văn của ông ấy đấy.
Viết về chiến tranh chính ra lại có cái đưa đẩy đi, có
cái để trốn. Mình phải động viên thằng lính, không thể nói hết mọi chuyện được.
Viết về hoà bình mới thật khó quá, phải viết thực. Lắm lúc ngồi nghĩ, lâu nay
nhà văn mình cứ xem có cần cái gì thì minh hoạ cái ấy, thế mà vẫn sống đuợc, lạ
thật! Rồi sau này, chả còn gì.
Bây giờ trong văn học, những thằng bất tài sống hơn những
thằng có tài. Mà trong mỗi người, chính anh lại sống bằng cái phần bất tài của
anh hơn là những phần anh cảm thấy phải hơn, anh tài năng hơn. Thế mới chết!
Nhàn: Cái ông Nam Cao, ông ấy rất nhân bản.
Châu: Đồng ý với ông, cái nhân bản nó là cái quan trọng.
So ông Nam Cao với ông Nguyễn Công Hoan thì Nam Cao nhân bản hơn. So Nguyên Hồng
với Nguyễn Tuân, thì Nguyên Hồng cũng hơn. Bây giờ, bọn viết trẻ cũng thiếu.
Bây giờ, bọn viết trẻ đã đến với chủ nghĩa anh hùng, trước khi đến với chủ
nghĩa nhân đạo. Không đến được với chủ nghĩa nhân đạo, anh không viết được về
chiến tranh đâu.