VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ba đoạn ghi ngắn về giới trí thức

HÃY CHUYỂN BIẾN SỚM HƠN 
 Khi ông Phan Đình Diệu qua đời, ngoài các công trình khoa học,  người ta nhắc đến những phát biểu của ông, về các vấn đề chính trị xã hội rất trực tiếp. Những phát biểu đã hai mươi năm trước này đã gây cho ông bao phiền phức khi đang sống nhưng lại là cái điều người ta trân trọng nhất trong cái nhìn của một trí thức.
          Còn khi ông Phan Huy Lê qua đời,  bè bạn và những người yêu mến ông thích nhắc tới những phát biểu mới nhất của ông về sử Việt Nam, như vấn đề triều Nguyễn, vấn đề nhà nước của người Chàm ở miền Nam Trung Bộ, và nói chung là sự có mặt của các dân tộc ngoài người Kinh trên lãnh thổ Việt Nam...
        Người ta bảo rằng ông Lê đã khỏa lấp nhiều khoảng trống lịch sử. Nhưng oái oăm thay, đó lại là những khoảng trống do chính ông tạo ra. Trong gần suốt cuộc đời ông -- theo chỗ đọc được của tôi -- đã để hết tâm huyết khởi động và cầm chịch cho thứ lịch sử cổ lỗ, trì trệ mà người ta đang sử dụng để định hướng quyền lực và dạy cho học sinh .
          Sự khác nhau giữa Phan Đình Diệu và Phan Huy Lê về căn bản chính là sự khác nhau giữa một người trí thức thực thụ và một trí thức cung đình hiện đại, nhưng được hình thành theo kiểu sử quan thời phong kiến.
         Những chuyển biến cuối đời của Phan Huy Lê rất đáng quý nhưng hơi muộn. Bản di chúc cuối đời của ông, nếu có, thì theo tôi đoán nó sẽ là một câu ngắn gọn:
    --Hỡi những người làm sử, ngay trong chuyên môn của mình, hãy chuyển biến sớm hơn!

QUAN CHỨC VÀ GIỚI CHUYÊN MÔN THỜI NAY 
Ngày xưa, một viên tri phủ, tri huyện, ít ra nó cũng phải nể một vài người. Một vị cao tăng, một tên ăn cướp, một ông đồ có những học trò nổi tiếng, một thày thuốc. Bây giờ, một tay bí thư huyện uỷ không còn sợ ai 
-- Không sợ gì các loại thầy kể cả các chức sắc tôn giáo
-- Không sợ gì kẻ cướp -- tự ông ấy là một kể cướp lớn. Còn như nếu ông ấy nói về văn nghệ, thì một nhà văn cỡ nhất nước như Nguyên Hồng, cũng có thể nói rằng: Ối giời ôi, chân lý đơn giản thế, mà trước đây, tôi không hay biết gì cả.
Nhận xét trên là do ông Chế Lan Viên đưa ra. Ông nói với Ng Khải và ông Khải nói lại với tôi từ những năm 1972-73.
 Tôi nhớ tới cái ý đó khi theo dõi vụ lùm xùm trong giáo dục đang kéo dài.

VỀ NHỮNG TÌM TÒI CỦA GS HỒ NGỌC ĐẠI 
Trong một môi trường tù đọng, trì trệ, mọi sự tìm tòi dù có đúng đắn đến đâu, cũng không tránh khỏi những khía cạnh mà người ta phải gọi là kỳ dị.
Tôi đã nghĩ như vậy nhân một lần nói chuyện với học giả Nguyễn Hiến Lê năm 1976 về trường hợp nhà văn Nguyễn Tuân. Khi tôi nói với ông Lê rằng ở miền Bắc, đời sống nghệ thuật trì trệ nhất là về mặt hình thức, ông Lê nói rằng không, ở Bắc cũng có người cũng có tìm tòi đấy chứ và ông nêu trường hợp Nguyễn Tuân là ví dụ. Tôi không có dịp trình bày chi tiết về sự phát triển ngòi bút của Nguyễn Tuân trong những năm chống Mỹ, nhưng tôi nói ngay cái điều mà tôi đã nghĩ từ trước rằng một số tìm tòi của Nguyễn Tuân không được tự nhiên, cái cuộc tìm tòi ấy có gì không tự nhiên không phải do nhu cầu nội tại, nó do rỗi rãi chán chừng quá mà tìm, bế tắc mà tìm, và đứng về mặt mỹ học mà nói thì những tìm tòi đó có màu sắc kì quái.
Tôi lại muốn sử dụng ý đó đối với những tìm tòi của GS Hồ Ngọc Đại, trên lĩnh vực dạy tiếng Việt cho học sinh cấp một nói riêng và hướng phát triển giáo dục nói chung. Trong lúc tiếng Việt, kể cả tiếng Việt ở nhà trường đang bị bao nhiêu thách thức, thì câu chuyện dạy tiếng Việt cho học sinh mới đi học chỉ là chuyện nhỏ, tôi nghĩ là không cần phải dành cho nó nhiều thì giờ và tâm huyết đến thế.
Ngoài ra, tôi lại thấy ngay trong quan niệm của GS về ngôn ngữ cũng còn có vấn đề mà tôi không thể chia sẻ. Quan niệm của GS Đại và các đồng nghiệp của ông cho rằng trong ngôn ngữ thì phần âm là phần chủ, phần chữ viết là phần thay thế. 
Tôi thấy ngược lại, chính ra trong ngôn ngữ, chữ viết mới là phần quan trọng vì nó là phần trí tuệ tự giác trong nhận thức ngôn ngữ của một cộng đồng. Trong tiếng Hán chẳng hạn nhiều từ đã có chữ viết trước rồi mới có cách đọc.
 GS Đại  cho biết nguyên tắc sư phạm của ông  là trò làm lấy mọi việc, trong tiết học  thầy giáo là người giao việc học trò mới là kẻ thi công bài học. Tôi rất dị ứng với cái công thức này vì nó trái với lẽ phải thông thường. Về nguyên tắc phải dạy như thế nào để học sinh có thể chủ động trong tiếp thu tiếp nhận. Nhưng nói rằng các em có thể hiểu ý đồ của thầy rồi tự mình tìm tòi trong lĩnh vực kiến thức, thì quả là câu chuyện xa vời, chỉ có những học sinh thiên tài nào đó mới có thể thấu hiểu ý định của những ông thầy thiên tài nói trên.
Tôi có một cháu trai năm nay 25 tuổi. Cháu nói rằng có nhiều bạn cùng tuổi từng học ỏ trường thày Đại và các bạn ấy có nếp tư duy tốt. Nhưng 20 năm trước tôi không xin cho con vào trường thục nghiệm và bây giờ cũng không lấy làm tiếc.Theo tôi, những tìm tòi của GS Đại có đúng chăng nữa thì là chỉ đúng với những trường hợp lý tưởng, mà không thể sử dụng đại trà ở các lớp, nhất là trong trường hợp nhà trường và học trò nước ta hiện nay.
Dẫu sao trường thực nghiệm cũng còn là một cái gì có hình thù rõ rệt. Nó khác hẳn với những cuộc tìm tòi khác trong ngành giáo dục mà người ta đã chi phí không biết bao nhiêu tiền của, nhưng kết cục thì không ai  thấy rõ là như thế nào.
Qua trường hợp của trường thực nghiệm, tôi càng thấy rằng nền giáo dục ta hiện nay là vô phương cứu chữa, như mấy bài về giáo dục mà tôi đã viết mấy năm trước và sẽ còn định viết tiếp.



  


Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم