VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Một bài viết về Nguyễn Trãi mới đưa trên mạng "Nghiên cứu lịch sử"

Lời dẫn
Làm sao để kiểm chứng các thông tin lịch sử?
Một cháu gái  vừa về quê Hải Dương ăn tết kể với tôi,  thời nay ở  quê cháu trong năm qua nhiều người chết trẻ, mà toàn ung thư, lý do là vì các xí nghiệp địa phương ô nhiễm lắm, xem cá ngoài sông nhiều đợt xả  chất thải cũng nổi lềnh bềnh trên mặt nước, đủ hiểu những tác động của môi trường tới con người.
 Mặc dầu biết cháu ở Hà Nội là chính, chỉ về quê mấy ngày tết, song tôi nghe tin ngay.
 Vì bao nhiêu tin tức tương tự  được lan truyền trong cộng đồng, “ở ngay đây”, “trong lúc này”.
Nhưng  có những loại thông tin khác, chẳng hạn như các chi tiết dưới đây, đưa ra trong một bài viết về Nguyễn Trãi
Nó khác với loại tin trên vì mấy lẽ:
-- nó  nói chuyện, từ khoảng năm sáu trăm năm trước
-- nó thông báo những sự kiện lớn liên quan đến cả cộng đồng
-- nó nói một sự thực có khác hẳn đi  so với  các thông tin chính thống -- ở đây là sách lịch sử.
 Vậy phải kiểm chứng ra sao? tại sao tin? tại sao không?

  Không bị ràng buộc bởi những quan niệm cũ
 Duyên do là  nhân mò mẫm trên trên  trang mạng  Nghiên cứu lịch sử, tôi  chú ý  tới bài viết mang tên “Nguyễn Trãi: bề tôi của bốn dòng vua”  của Lê Tư
https://nghiencuulichsu.com/2018/01/18/nguyen-trai-be-toi-cua-bon-dong-vua/

  Bài viết cho biết Nguyễn Trãi và cả cha ông nữa  đã từng làm quan cho nhà Minh. Bị ép chăng? Không, ông hoàn toàn tự nguyện.  Chúng ta chỉ có thể hiểu  việc đó, nếu biết tình hình hỗn hào trước khi quân Minh kéo sang. Nội bộ Việt nam phân hóa. Lọai những người như Nguyễn Phi Khanh Nguyễn Trãi bị những người cùng hàng ngũ của mình xua đuổi hãm hại.  Nhưng điều quan trọng là ông đã tìm được đủ lý lẽ biện minh cho cái hành động  thường bị coi là trái chiều này, ông tìm thấy ở đó con đường của người trí thức chân chính.  Rồi mười năm sau, kinh nghiệm trong những năm làm quan và học hỏi dưới thời Minh  là cách tốt nhất để ông chuẩn bị cho việc giúp  Lê Lợi .
Đại khái như thế.Vì bài viết quá dài, tôi hiểu nhiều bạn đọc sẽ rất khó khăn để đọc hết.
Tôi những muốn làm công việc tóm tắt lại bài này, như tôi đã làm với bài viết cũng của tác giả Lê Tư về Trần Nguyên Đán mà tôi đã đưa trên blog này :
http://vuongtrinhan.blogspot.com/2018/01/nha-tran-thoi-hau-chien-bai-tiep.html

   Nhưng hiện tôi không đủ sức như mấy tháng trước, đành chỉ ghi lại tóm tắt như trên và chỉ muốn nhân đây thông báo với các bạn về công việc âm thầm của một số nhà nghiên cứu lịch sử mà chúng ta nên biết và nên tin.
Nếu công nhận những thông tin loại này tức là tôi phải xét lại nhiều điều cơ bản mà các bạn chắc  cũng như tôi được dạy dỗ từ nhỏ, và  do đó gây ra những đảo lộn kèm theo những hệ lụy  phải chịu. Trong phạm vi nghề văn, tôi nhớ tới trường hợp vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan viết hồi 1986  nó là niềm tự hào của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Khi đọc vở kịch, tôi không bao giờ nghi ngờ cái sườn chính là các chi tiết làm nên sự vận động tư tưởng của nhân vật chính Nguyễn Trãi. Nay theo Lê Tư thì  vở kịch từng được ca tụng của ông Thi hoàn toàn vô nghĩa. Thế tại sao vẫn có một thứ ma quỷ xui khiến, tôi  bị các lý lẽ của Lê Tư lôi cuốn, và tôi muốn mọi người cũng đọc bài viết ấy và cũng tin như tôi.
Cố nhiên bây giờ ai đó bác được những dẫn chứng của Lê Tư và chứng minh một cách thuyết phục ông Lê Tư này chỉ nói sàm thì tôi lại tin theo người đó ngay.
Nhưng bây giờ hãy nói về các tài liệu của Lê Tư cái đã.
Trong quá khứ, sử Việt quá yếu, những cuốn như Toàn thư  Thực lục mặc dầu vượt xa các bộ  sử  VN từ sau 1945  cả một cái đầu, song khó đọc lại quá ít.
 Khi khai thác mấy bộ ấy, cũng như khai thác các tài liệu  sử Việt  của các tác giả nước ngoài, người viết sử ở Hà Nội sau 1945  có lối  chỉ chọn lấy những gì hợp với tình hình đương thời và gạt bỏ hẳn những chi tiết  thấy không có lợi.
 Nói chung chúng ta có lối nghĩ rất đơn giản.
 Ta bảo nhau, giặc Minh sang trước sau thất bại, làm gì có chuyện “kinh lộ đa tùng tặc dĩ phản” như  Toàn thư viết và Lê Tư trích lại trong bài viết cũng mới đầu đưa trên Da màu, rồi đưa lại trên Nghiên cứu lịch sử.
Cụ thể hơn, ta thường  bảo nhau dạy nhau rằng  một người như Nguyễn Trãi thuộc loại đệ nhất công thần của nhà Lê tác giả bản thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo không thể có thời gian chấp nhận  chính quyền nhà Minh,  không thể có lúc phục vụ cho chính quyền thuộc địa.
Trên nguyên tắc chúng ta  chỉ chấp nhận thứ lịch sử nghiêm chỉnh đến cứng đờ và nghèo nàn đến công thức.
Chúng ta hay chế giễu những người đưa ra những phát hiện mới ngược với quan niệm tổng quát mà ta theo đuổi.
Chúng ta thường căm ghét những người muốn viết lại lịch  sử.
Nhưng trong lịch sử sử học, những người phiêu lưu được đánh giá cao. Họ thất bại thì họ chịu có làm phiền ai đâu. Họ thắng thì cả xã hội cả cộng đồng được nhờ.
Tác giả Lê Tư đã đi theo hướng đó.

Từ những tài liệu mới, đi tới kết luận mới
hay là 
Một cách làm việc đáng tin cậy
 Một điều khiến tôi thích thú với bài báo của Lê Tư là ở tính cách  hồn nhiên của ngòi bút tác giả. Tôi chưa bao giờ  bắt gặp  tên tuổi này trên báo chí. Dựa vào cách viết của ông, qua thơ để hiểu người, tôi đoán ông đã có tuổi (?). Ông cũng không để lộ dấu tích rằng mình là một nhà nghiên cứu "nghiệp dư" nhưng vượt xa các nhà nghiên cứu ăn lương để làm nghề này ở trong nước – tạm gọi là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp.
  Để đi tới bài này, trước đó ông đã viết về  Trần Nguyên Đán Nguyễn Phi Khanh. Nhưng bài này làm tôi ngạc nhiên hơn cả. Ông đã đọc  những tài liệu chữ Hán cần thiết bao gồm:
a/ tài liệu Việt Nam.
Về sách cổ, tôi đoán nhiều nhà  nghiên cứu lịch sử hiện nay không đọc kỹ Toàn thư và có đọc thì chỉ đọc bản dịch chứ không nghiền ngẫm trên từng câu trong nguyên văn như Lê Tư.
 Về sách kim, tuy đang ở hải ngoại nhưng Lê Tư đọc hết những cuốn liên quan đến Nguyễn Trãi, đã được làm ở Hà Nội từ nửa sau của thế kỷ trước, cho tới các bộ mới in ở tủ sách Quốc học  do Mai Quốc Liên chủ trì.
b/ tài liệu nước ngoài.
Lâu nay người mình không có thói quen cho dịch in các sách viết về lịch sử các nước khác.
Cuốn Minh thực lục là một ngoại lệ. Nhân kỷ niệm ngàn năm Thăng Long 2010, bộ sách chữ Hán này đã được trích in một phần, chủ yếu tập trung vào mối quan hệ giữa Trung quốc và Việt Nam.  Vậy mà đã lên tới gần ba ngàn trang khổ 16.24.
Trong hoàn cảnh học thuật hiện nay, tôi đoán người đọc nó không bao nhiêu.
 Lê Tư thì coi đây là điểm tựa  chính.
Từ các trích đoạn trong  Minh thực lục, Lê Tư đã dẫn ra những “chi tiết chết người” như
--  cuối đời Trần xã hội rơi vào một cuộc náo loạn, các phe phái tiêu diệt nhau.
-- Do sự hư hỏng của giới chính trị chóp bu, giới trí thức trở thành nạn nhân. Khi nhà Minh sang, hàng loạt trí thức lớn đương thời đều theo về triều đình  phương Bắc  và có người được bổ  nhiệm những chức khá to như thị lang.
--  Trong cái mạch ấy,  chúng ta không lạ khi bắt gặp  những  sự kiện mà trước kia không ai nói tới quanh cách xử thế của cha con  Nguyễn Phi Khanh - Nguyễn Trãi.
 Đối với các học sinh sinh viên thời nay, cả ở Hà Nội  cũng như ở Sài Gòn trước 1975,  ta  đinh ninh tin rằng Phi Khanh bị bắt giải về nước, Nguyễn Trãi đi theo, rồi  nghe lời  người cha dặn dò rằng “ hãy trả thù cho cha” , Nguyễn Trãi mới quay về sống lẩn quất mười năm ở Đông Đô.
Ngược với điều đó, Lê Tư cho biết, trong thực tế,  Nguyễn Phi Khanh đã từng làm  quan chức kha khá khi theo  nhà Minh, còn Nguyễn Trãi sau khi theo nhà Minh  làm một chức quan nhỏ (1410),  lại  đã quay về làm quan ở Đông Đô (1417-1422)  tức là cộng tác với bộ máy quản lý thuộc địa – hai chữ thuộc địa là trong nguyên bản của Lê Tư .
  Trong  chứng minh cho việc Nguyễn Trãi có sang Trung quốc rồi nhận một chức quan nhỏ của nhà Minh, Lê Tư đã làm cái việc mà  các nhà nghiên cứu  trước đây dừng lại.
  Ta biết rằng những bài thơ chữ Hán Nguyễn Trãi đã viết mà có liên quan với  các địa điểm Trung Quốc  từ lâu đã được nhà sưu tầm đầu tiên về Nguyễn Trãi là  Dương Bá Cung công nhận. Đến  các nhà nghiên cứu nhóm Phan Võ-Lê Thước-Đào Phương Bình ở Hà Nội 1962, mảng thơ này thì lại xếp vào mục tồn nghi ( nghĩa là cho rằng có thể không phải của Nguyễn Trãi).  Đào Duy Anh khi làm Nguyễn Trãi toàn tập tuy  cũng nhận rằng Nguyễn Trãi có xuất ngoại, nhưng cũng chỉ  xếp các bài thơ này vào mục  riêng.
Về phần mình,  vẫn trên con đường là dùng thơ để hiểu tiểu sử, nhưng Lê Tư không bị một thành kiến nào ràng buộc. Hơn nữa, “nhà nghiên cứu nghiệp dư” của chúng ta  có một công cụ hiện đại là các trang mạng, các loại bản đồ được đưa trên internet. Với công cụ tìm kiếm hiện đại và khả năng bao quát như thế,  những điều Lê Tư nói ra rất khó bác lại.

 Một  điều nữa khiến tôi bị hấp dẫn bởi ngòi bút Lê Tư  là ông  giữ được sự mực thước và dung dị  thản nhiên trong giọng điệu. Một nhà sử học như Tạ Chí Đại Trường mới mất năm trước quan tâm tới những vấn đề rất lớn trong sử Việt,  ông viết nhiều, lúc nào cũng độc đáo và  đầy thách thức với sử học cũ,  mà phần lớn là thuyết phục. Chỉ tội một nỗi là ông mang những tình cảm bản thân vào trang viết khiến người đọc nhiều khi quá mệt.  Nói như một người  bạn tôi là Nguyễn Bá Dũng, lối  viết ấy  khiến cho những trang sử của Tạ Chí Đại Trường khó  dịch ra tiếng nước ngoài.  Lê Tư thì khác, ông viết dung dị đơn giản, do đó lại dễ đọc.

 Tóm lại, sở dĩ tôi tin Lê Tư vì hai lẽ. Một là khả năng bao quát tài liệu. Hai là ngòi bút nghiên cứu khách quan và chừng mực, không bị những ràng buộc và những thành kiến ngoài khoa học chi phối. Tôi cho đây là hai tiêu chuẩn để kiểm chứng các thông tin lịch sử. Bài viết  của ông còn tiến khá xa trên con đường khái quát bước đi của người trí thức trong hoàn cảnh đất nước lạc hậu trì trệ, cái nhìn của ông về Nguyễn Trãi là gợi ý để chúng ta đi vào các trường hợp khác như Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản...

Phụ lục
Hai  đoạn ngắn trích từ bài Lê Tư

1/
Về việc nội bộ giới cầm quyền Hậu Trần  chia rẽ khiến cho Nguyễn Trãi  cộng tác với nhà Minh.  Theo Lê Tư,  Nguyễn Trãi đã suy nghĩ nhiều và học vấn của ông đủ sức biện minh hành động của mình.

 “Ông phải tìm lối đi khác bởi nhà Hồ thờ ơ với dân mà đánh mất “thiên mệnh”. Ai cấm nhà nho từ bỏ một triều đại như thế?
Trình diện người Minh, Nguyễn Trãi hội nhập trở lại với cộng đồng ưu tú tại Đông Quan.
Có lẽ nhờ tận mắt chứng kiến cảnh gần như toàn bộ nho sĩ An Nam hợp tác với chính quyền mới, Nguyễn đã nhận thức lại hoạt động của họ Hồ. Cải cách cấp tốc thiếu cơ sở ủng hộ từ các tầng lớp xã hội, đặc biệt từ địa chủ hào trưởng và trí thức, khiến Đại Ngu đổ vỡ nhanh chóng dưới áp lực bên ngoài lẫn bên trong. Sau chiến bại, dân trại chỉ nhớ nhà Trần, dân kinh lộ ngả theo Hoàng Phúc. Lòng trung từng giữ với họ Hồ dần biến thành hoài niệm. Chính Phi Khanh đã quay lưng với chủ trong giờ phút nguy cấp nhất, hành động của phụ thân ít nhiều tác động đến tinh thần người con hiếu thảo. Dùng danh hiệu “anh hùng” tôn vinh Hồ Quý Ly, trong thực chất Nguyễn xác định chúa cũ chưa xứng bậc vương giả. Nhà nho giữ lòng trung với một hoàng đế thụ mệnh trời, ai lại trung với vị anh hùng trơ vơ trên đầu dân chúng?"

2/
Các suy nghĩ của Nguyễn Trãi là vượt lên trên số phận cá nhân để nhìn ra hướng đi của lịch sử
[Nguyễn Trãi nghĩ] Nước đổ rồi, vét làm sao? Ngó sen dù đứt tơ nào còn vương! Nhóm Hậu Trần ở Thanh Nghệ làm được gì? Họ chưa giết hết người Minh đã quay sang giết người Việt. Nhóm tinh hoa đồng bằng làm được gì? Họ lũ lượt kéo sang Kim Lăng khiến cả nước hầu như trống rỗng. Bản thân Nguyễn làm được gì? Lặng lẽ lên thuyền đến Trung Hoa như nhiều trí thức khác! Người Nam còn cơ may nào khẳng định vận mệnh riêng của mình? Nguyễn không diễn tả bằng lời, nhưng hành động phát đi tín hiệu rằng: theo ông, lịch sử đã sang trang.


أحدث أقدم