VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký Hà Nội 11-12/1972, trước ngày Mỹ ném bom B.52.

Bài đã đưa trên blog này
ngày 5-12-2012


9/11
Trong những năm này, mỗi người thật dễ nói láo. Nhưng láo lếu nhất, vẫn là sự phát triển của thực tế. Cả những người thạo đời nhất cũng không vẽ nên nổi một cái gì điên đảo hơn thực tế.


 11/11
 Những tin tức của giới chính trị vỉa hè, chưa bao giờ thấy có một áp lực rõ như vậy. Ở đâu nó ra, mà nó rất đúng? Nó là khao khát của mọi người. Khao khát  theo hướng dẫn của sự thông minh, sự biết điều. Nó hình thành từ cả lý trí, lẫn tình cảm. Nó là của những người thường, nó không in dấu chính thống. Các tác giả tung nó ra không phải vì những sự vụ lợi - nhưng chính vì thế, nó có thể chính xác. Không phải ở chi tiết mà ở đại cục.
Trong những năm nhiều biến động, có những người trở nên dối trá khác thường, nhưng lại có những người trở nên chân thành khác thường. 
Những đồng nghiệp cao tuổi của tôi chưa bao giờ lộ rõ khao khát hòa bình như bây giờ. Lý do của họ: Tuổi già. Họ đã chán chiến tranh lắm rồi. Họ cần một sự ngơi nghỉ.
Lúc này đây, tình hình thời sự như là chín mùi. Mọi người không thích bàn tới nó nữa. Người ta bận việc nhà cửa gia đình. Với lại để cho đầu óc nghỉ ngơi ít lâu, để lúc nào đó, có thể xông ra hành động.
Sau đợt đi Quảng Trị, trong những ngày sắp "hòa bình" này, muộn quá, tôi mới chợt phát hiện ra một thực tế lớn lao-- cái cuộc đấu tranh của cả dân tộc bao nhiêu lâu nay cho thống nhất, hòa bình, -- nó sẽ chi phối toàn bộ tương lai.

Nguyễn Văn Thiệu trong kia than thở: Cộng sản mang chiến tranh tới, gieo rắc chiến tranh trên lãnh thổ của tôi, bây giờ họ lại nói hòa bình, hòa bình.

Một buổi trao đổi chính trị bên bàn trà.
 Xuân Thiều: Chiến tranh, là cái  nó muốn kéo dài, nó định lấy nốt cả Quảng Trị. Khẩu hiệu của mình ngày trước là Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Khẩu hiệu bây giờ là Trường kỳ kháng chiến nhất định thất bại. Đánh lâu, mình không có đủ sức đâu.
Nhị Ca: Cái chính theo tôi, là chuyện kỷ luật. Bây giờ mệt quá rồi, không ai bảo được ai nữa. Đánh Huế, 4 F xin hoãn.
Đoàn Công Tính kể: Mặt trận bảo, các Sư không nghe. Trên sư hạ lệnh, các tiểu đoàn không nghe. Cán bộ sư bây giờ chết dở chứ gì.
Hồ Phương: Đúng. Có nước nào quân đội phát triển như nước mình, phát triển một cách không cân đối. Có nước nào đánh nhau có xe tăng, lại không có máy bay yểm trợ. Ở Nghệ An, xem thế này thì biết. Vừa có thằng phi công bị bắn rơi, nó bắn 2 pháo hiệu lên, cả đàn nó à vào, thằng nghi binh chỗ này, thằng dứ chỗ khác. Ông con nhà mình đánh xong hồi kẻng còn về nhà giục con, vào hầm, vào hầm. Du kích không dám thò đầu ra. Nó đàng hoàng xuống, dìu người của nó. Xong, máy bay nó mới bật hết cả pha lên, như trêu ngươi mình vậy.

26-11
Hà Nội mưa phùn. Mặt đường như vỡ ra, loang láng phía trước mặt.
Hà Nội của những ngày cuối 1972, tê liệt, đắng ngắt đi vì thất vọng-- niềm hy vọng hoà bình mãi mãi vẫn còn là hy vọng, kẻ thù nó dứ mình như trẻ con, mình vừa sờ đến được, thì nó lùi ra xa. Cái sức sống của Hà Nội chỉ có thể cảm thấy được, qua cái vẻ lầy lụa nhớp nhúa của một cuộc sống nơi một xứ nhiệt đới. Tất cả là ở trình độ sát mặt đất, những hàng quà vặt, những cú phe phẩy, tham lam mưu mẹo trên mỗi mặt người, chủ nghĩa thực dụng...
Hà Nội cuối 1972 này, lại bẩn hơn lên vì những người đánh xe bò, xe cát, đi qua thành phố. Những chiếc xe đứng ngang ngạnh trên đường, đến ô tô cũng phải sợ. Một lối sống bất chấp mọi điều chung quanh.
Nguyễn Minh Châu: “Trong bọn đi xe bò, không mặt nào ra hồn cả. Mặt nào cũng như là mặt bò”.
 Chưa bao giờ thấy ghét mình, ghét mọi người, ghét cái thực tế trì trệ vì chiến tranh hiện nay, - như là lúc nhìn vào những người đi xe bò.

28/11
 Lên sơ tán. Cuộc sống làng xóm trong những ngày mùa. Vẫn làng xóm ấy, đồng đất ấy, mà sao tất cả hồng lên sinh sắc. Mọi người bận bịu, đường xá bận bịu, mặt đất bận bịu. Tích luỹ của 4, 5 tháng lao động đầy lên trên mặt đồng áng, đầy lên trên bông lúa. Cả cái phong phú của đồng lúa ấy lại dồn về mặt làng, mặt thôn, rồi cuối cùng, đầy lên trên sân phơi của các gia đình. Niềm vui gặt hái, vẫn là  một niềm vui lớn của cuộc đời này. Một bà cụ gẩy rơm tiếng rơm khô rì rào. Cái sân rất rộng mọi khi đâm chật. Chỗ này rơm mới chỗ kia rơm cũ. Thóc trong nhà thóc ngoài sân. Một ít đọn rơm có lẽ giành làm chổi, để nguyên cả lượm, vứt lên nóc nhà. Cái màu ngói cổ ”màu áo mẹ gian lao” của Xuân Quỳnh cũng đang hoá thành màu rơm vàng óng.
... Ngày mùa, ngày mùa gợi cho tôi cảm giác một cái gì bền chắc. Tôi sống miên man trong một cuộc sống vận động, đến nỗi một người vốn bị ám ảnh về sự ngưng đọng như tôi cũng không còn muốn vượt ra ngoài, nghĩ ngợi gì thêm nữa. Cái đầy đặn ở đây, có một vẻ gì sinh động. Tất cả , con người và khung cảnh, đều có sức hấp dẫn của nó. Tôi bị thu hút vào đấy, tưởng không sao mà giẫy ra được.
Hình như với cung cách sống như kiểu bản thân tôi hiện nay, thì sống ở nông thôn là vừa phải. Người ta bao giờ cũng mong một cái gì ổn định. Hiện nay một cái gì nền nếp chỉ có thể có ở nông thôn mà thôi. Tất cả là vừa phải, vận động cũng vừa phải, mà lặng lẽ cũng vừa phải. Những gì mới mẻ, ở một cái nước đang nhiễu nhương như mình, cũng là hoá ra nhênh nhang, bẩn thỉu, đến không chịu được.
Tôi nghĩ đến cả cuộc đời rộng lớn ngoài kia. Trước chiến tranh, xã hội tương đối thuần hậu. Và bản thân mỗi người không có quá nhiều ham hố, không có cả những hiểu biết mà bây giờ anh chỉ cho là tối thiểu, về mặt trí tuệ. Những gì chen cạnh lộ liễu bị cấm tiệt. Người ta bình thản cam chịu. Thỉnh thoảng có nổi đoá lên một ít, thì cũng nhanh chóng hối hận.
Nay cái trung bình ấy cũng hoá xa lạ.
Tôi lại nhớ đến những tác giả văn chương trung bình của nước Nga, những người đồng nghiệp, nếu có thể nói như vậy. Và không hiểu tại sao, nhớ tới những người phụ nữ nhiều hơn là đàn ông. Vì cốt cách của tôi chăng? Vì cái mẫu người mà tôi chọn chăng? Tôi nghĩ đến M. Aliguier và O. Berggoltx. Cuộc đời những nữ thi sĩ ấy hình như là tiêu biểu cho bao nhiêu cuộc đời những người xô viết trung bình khác.

30-11
Có một cái gì đó, nó là thực tế của những ngày hôm nay, mà tôi có thể cảm thấy, nhưng chưa quen nói, và rất khó nói ra... Tôi nhìn ra chung quanh với một niềm vô vọng. Mọi người đều chỉ có thế. Riêng tôi, tôi cũng chỉ có thế. Nói một điều gì nặng lòng bây giờ? Không thể nói được. Không đành. Những gì trong cuộc sống bình thường, một cuộc sống trì trệ đã làm tôi khó chịu. Nói chi đến những ngày chiến tranh này nữa. Tất cả là một đống bùng nhùng ghê rợn. Có lẽ tôi sẽ khổ. Cái buồn cái nhăn nhó là vô nghĩa. Nhưng thật là khó cười. Loại người như tôi, đang khó nhập với chung quanh. Tôi biết đâm đầu vào đâu?
Có lẽ lúc nào đó, tôi sẽ nhớ lại  rồi nói rằng đây là cái năm chán chường của đời mình.
         Một năm bây giờ là quan trọng. Nhưng chỉ có tôi nghĩ thế; người khác, người ta có nghĩ thế cho đâu!
         Tất cả bình thản như là đang chết lặng đi.
Lần đầu tiên không ai bắt buộc, mà tôi ở nơi sơ tán khá lâu -- một tuần liền. Muốn viết mà viết không nổi. Ao ước thì nhiều, khả năng thì có hạn, không có thì đúng hơn. Thiếu một không khí để sống và viết.
Hình như mọi lần, ở nhà, những lúc này, tôi đã chạy trốn. Trốn thật. Tôi bỏ đi đọc những cuốn sách mà mình ít có dịp đọc. Tôi bị lôi vào bao nhiêu thứ chuyện đâu đâu. Nhưng lần này, thử đối diện với chính mình, và tôi kinh sợ: mình nghèo nàn quá, trống rỗng quá đi mất.
... Có thể rút cục, tôi vẫn vo tròn mọi thứ viết được thành một điều gì đó. Như là một sự thỏa hiệp. Nhưng lập tức, giống như trong tình yêu, thế là tôi biết được rằng mình không sao vươn được một điều lớn hơn, quan trọng hơn.

2/12
 Những ngày rời Hà Nội lên sơ tán, cảm thấy tạm lánh bỏ thời cuộc, trở về một sự ngơi nghỉ. Bây giờ nghĩ đến Hà Nội, mọi người --  cả những đám trẻ con Hà Nội -- đều nghĩ đến bụi, bẩn.
Nguyễn Khải:
-- Gớm, ở quanh chợ Đồng Xuân, người ra người vào lúc nhúc, như từ Quảng Trị ra, chỉ có ở đây là đáng sống. Dạo này sao mà lại nhiều kẹo nữa. Đổi một cân đường, lấy một kilô kẹo lạc, các mấy đồng đấy. Còn như các mặt hàng, thì nhiều vô kể,  đi qua, thả nào cũng được một người hỏi. Anh có gì bán không? Nào, bác mua gì. Hàng bán đắt, để lấy tiền. Chính phủ cần tiền.
Và cái mà người ta thấy thiếu, là thiếu tiền, chứ không phải thiếu hàng. Từng này hàng, vẫn còn là nhiều! 
Không biết nói gì với nhau, cả những vị gọi là lơn lớn, chứ không phải là nhỏ nữa. Bị bịt hết, tắc hết về tin tức. Người ta già đi biết bao nhiêu mà kể. Bây giờ đây, những gì ì ạch, cổ lỗ, mà còn giữ được con đường cũ, vẫn được coi là tốt. Người ta lại còn xấu đi nữa. Trẻ, trong nhiều trường hợp, đồng nghĩa với xấu.
Vẫn biết rằng ngay trong lúc này, cũng có thể viết gì đó về cuộc sống.
Về một sự gì đó, như là chững lại trong hiện thực. Hiện thực những năm từ 1954 đến nay là như thế nào? Từ 1964? Những người viết, chưa gọi được nó ra, nhưng đáng lẽ, anh phải cảm thấy nó một cách rõ rệt mới phải (người còn nghe được cái đó, là Nguyễn Minh Châu). Phần tôi, tôi muốn gọi nó ra, ngay trong lịch sử văn học từ 1945 đến nay - tôi yêu cái tên một tập sách: Văn học trong một thế giới biến đổi. Điều quan trọng nhất chỉ là xem xem, văn học ta trong những năm này đã biến đổi như thế nào. Đọc kỹ mọi người xem như thế nào. Biến đổi có thể đi lên mà cũng có thể là đi xuống.
Thực ra, cũng ít có lúc nào rỗi rãi, để có thể nhìn thấu hiện thực như lúc này.
Hiện thực với bản thân tôi --lúc tôi 30 tuổi, thời gian vừa chớm minh mẫn thật sự, vừa chớm hiểu biết thực sự.

13/12
 Ngày hôm nay là một trong những ngày buồn tận xương thịt. Buồn vì rét lạnh. Nhưng cũng buồn vì một sự cô độc rợn ngợp, và điều này làm cho người ta ớn lạnh hơn. Sao có lúc tôi cảm thấy ê ẩm như đau vào tận xương. Ai đó mang tôi ra giần như giần thịt ? Cuộc sống thì nhiều thử thách. Gió lạnh chẳng hạn, với ngôi nhà trống trải tôi ngồi, là một thứ thử thách. Cuộc đời thì buồn chán. Ngưng đọng tức là vào nền nếp chứ gì? Nhưng đó là một thứ  nền nếp  buồn chán. Tôi hết sức bất mãn với thực trạng đất nước. Nhìn đâu cũng chỉ  thấy gợi lên bực bội khó chịu. Từ gác hai 4 Lý Nam Đế ngó xuống đường, một cái xe bò đi rất chậm. Con bò rét quá, người ta phải phủ cho nó một cái chăn. Và người chăn bò thì ngồi tựa lưng vào thành xe, buồn ngủ. Đường phố bụi mù lên, toàn những cát, toàn những phân bò tan ra thành bụi-- đó là hình ảnh tiêu biểu của Hà Nội hôm nay.

16/12
 Điều quan trọng nhất của chiến tranh khi kéo dài - nó làm cho nhiều người trở nên đớn hèn đi.
Tôi nhìn những người quanh tôi, họ đã khác trước nhiều quá. Tại sao cứ động nói ra cái điều mình đang bận tâm, là ai cũng ngại ngùng và chỉ nghĩ đến chuyện quên đi cho yên thân. Tôi nghĩ lại tình hình một năm trước, cuối năm 71. Lúc ấy, không khí chính trị sáng sủa, lúc nào cũng hy vọng. Giờ đây, người ta không những thất vọng về một năm chiến tranh, mà là thất vọng chung về cả cuộc chiến tranh đã tám năm này.
Ng Khải: Buồn cười nhất là các ông nhà mình vẫn còn hy vọng quá nhiều ở những người chung quanh. Các ông ấy đang có kế hoạch xây dựng con người. Mình sẽ làm mẫu cho thế giới về việc xây dựng con người mới. Mình sẽ tiến nhanh như Nhật.
 -- Thì giữa các cụ ấy với cấp dưới, quan hệ bao giờ chả tốt đẹp, Khải cắt nghĩa.

Ba tháng vừa qua, chúng tôi đã sống trong mong chờ, và cũng liên tiếp thất vọng.
Chúng tôi đã nói rất nhiều đến những vấn đề chung, dù mọi người ở trên  nghĩ rằng không đáng nói, không được nói như vậy.
Người ta nói rằng ở phương Tây, nhiều người bình thường bây giờ không quan tâm đến chính trị chi cả. Nhưng họ có những nguyên tắc chung buộc những người cầm đầu nhà nước phải theo. Ở nước chúng tôi, chưa có tất cả những nguyên tắc ấy. Rút cuộc, mỗi người dân bây giờ bao nhiêu điều bận bịu, mà vẫn không biết cách nói ra thế nào, đừng nói đưa ra đề nghị giải quyết thế nào.
Chiến tranh -- nhưng mà chiến tranh vẫn là một sự thực. H. Kissinger: Dân tộc này đã chịu nhiều thử thách đến nỗi sẵn sàng nhận lấy chiến tranh, còn hơn là chịu một nền hòa bình bất trắc.
 Câu chuyện phải bắt đầu từ đâu? Tôi chịu không sao lần ra đâu là đầu mối. Nghe tất cả, đều có cái lý riêng.
Nhưng có cái lý này là ai cũng phải chịu: người đã chết nhiều quá. Lẽ nào vì muốn trị những người dắt dẫn chúng tôi mà họ ném bom vào đầu chúng tôi !

 Những lý do những ngày qua Mỹ chưa ký? Theo Kissinger:
- Bắc Việt chuẩn bị một đại nỗ lực để chiến đấu sau ngày 26/10 - ngày dự kiến hiệp định được ký. Lúc ấy sẽ có một cuộc chém giết lớn.
- Những nguyên tắc bảo đảm "tự quyết" cho miền Nam, chưa được ông Phạm Văn Đồng bảo đảm.
Vấn đề chính là Bắc Việt phải từ bỏ chính quyền chiếm đóng lâu dài ở miền Nam Việt Nam.
Còn như quân Bắc Việt ? Mỹ không đặt vấn đề sự có mặt của nó hiện tại.
Xuân Sách chốt lại:
--Cái nhục nhất là  vấn đề của mình, người trong nước mình, mà không giải quyết được với nhau, lại đi trông vào Mỹ, buộc Mỹ gây sức ép với Thiệu. Đáng lẽ hai bên phải bàn với nhau ép Mỹ đi. Nhưng các bố nhà này còn tự ái cơ.

أحدث أقدم