VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Võ Phiến và một cuốn truyện dài của Minh Đức Hoài Trinh

Ở Hà Nội trước 1975, tên tuổi của Minh Đức Hoài Trinh thường được các bậc đàn anh của tôi như Bùi Hiển, Vũ Tú Nam... nhắc tới mỗi khi nhớ lại Lớp văn nghệ ở Quần Tín Thanh Hóa ( khoảng 1949-50) Về sau tôi thỉnh thoảng có gặp tên bà khi đọc Bách khoa, nơi Võ Phiến, Vũ Hạnh là cộng tác viên trụ cột. Đâu hồi đó bà đã ở Pháp và thường viết quanh đề tài người Việt sống ở nước ngoài. Mấy hôm nay, nghe tin bà đã qua đời ở Mỹ, lục tìm trong tập bài báo của Võ Phiến trên Chính luận có bài dưới đây, xin giới thiệu lại.
Trà thất [1]
Nửa đêm, người đàn bà lẩm bẩm: “Trà thất”. Người chồng năm bên cạnh nghe tiếng vợ nói, lấy làm thắc mắc, hỏi:
- Tại sao em lại nói lên hai chữ ấy ?
Người vợ trả lời qua loa:
- “Tại xứ Nhật Bản, những gia đình khá giả, ngoài ngôi nhà chính để ở, người ta còn cất thêm một ngôi trà thất trong góc vườn, nếu không có vườn thì lấy một gian riêng biệt ngay trong nhà. Bước vào nơi ấy tâm hồn sẽ thanh thản”... (trang 9).
Người vợ nói một lát thì nghe tiếng chồng ngáy. Thế là thoát; nàng khỏi phải tiếp tục nói quanh co. Bởi vì đâu có phải tại bên xứ Nhật Bản những gia đình khá giả có ngôi trà thất trong góc vườn, mà rồi tự dưng giữa đêm khuya một người đàn bà Việt Nam nằm bên chồng lại kêu lên hai tiếng “trà thất” ?
Hẳn là trong đó phải có chuyện rắc rối nào đó chứ.
*

Quả nhiên. Câu chuyện rắc rối xảy ra như sau:
Duyên là một cô gái hội đủ mọi cái tốt: con nhà giàu, học giỏi, thể thao giỏi, khôn ngoan, thông minh, và đẹp, và có duyên, và đứng đắn v.v... Duyên đang học tại một trườn bà Xơ, vừa đậu tú tài một, nói tiếng Pháp như gió. Cuối năm học ấy nàng bắt gặp tình yêu trong đêm văn nghệ do trường tổ chức.
Trong đêm ấy, một nữ nghệ sĩ ngâm bài thơ “Hạng Vũ biệt Ngu Cơ” giọng ngâm đã hay mà tiếng sáo dặt dìu quấn quít quanh tiếng ngâm lại càng hay. Duyên mê tiếng sáo, chờ xem mặt người thổi sáo.
Màn hạ, các nghệ sĩ ra chào khác, người thổi sáo không chào. Người thổi sáo đã bỏ ra về từ trước, không thiết đến những lời khen ngợi, tiếng hoan hô v.v... Duyên lại càng phục người thổi sáo.
Rồi sau đó, Duyên cũng được giới thiệu để làm quen với Quốc, người thổi sáo. Quốc quả thật không giống ai: Giữa thời buổi này, chàng yêu thích những cái của thời trước. Chàng thích uống trà tàu ngon, chàng sành chơi các thứ hoa cúc; chàng thích ngắm tranh Tàu cổ v.v... Người tầm thường có thể chê chàng là lỗi thời; nhưng Duyên không tầm thường. Duyên biết quí một tâm hồn độc đáo, không bị lôi cuốn vào những cái thời thượng.
Giữa thời buồi mà mọi người đuổi theo đồng tiên, thì Quốc cứ lửng lơ, không thiết gì đến tiện nghi, tài sản.
Chàng không bon chen vất vả, chỉ làm qua loa đủ sinh sống mà thôi. Miễn sao sống thích ý: được có thì giờ để thổi sáo, để chăm hoa, để uống trà, để xem tranh Tàu.
Quốc có tiếng là gàn, là lạnh lùng với phụ nữ, nhưng dĩ nhiên, chàng không lạnh lùng được với Duyên: trai tài gái sắc gặp nhau, họ mến nhau ngay.
Cho đến tình yêu, Quốc cũng không giống ai. Chàng nghiêm chỉnh, chàng cao thượng.
Một hôm, chỉ có hai người trong nhà, Duyên ôm cánh tay Quốc áp má mình vào đấy, Duyên cắn nhẹ vào cánh tay chàng. Họ nói đùa với nhau:
-“Thịt anh ngon lắm.
- Sao anh biết được ?
- Chắc thế.
- Ăn thử nhé, cho không ?
- Cho” (trang 154).
Đến đây, Quốc đứng lên kéo tay Duyên, đưa nhau ra vườn để ... xem hoa cúc !
Chàng không cho phép sự thể tiến xa hơn.
Rồi sự thể quả không tiến xa. Nó dừng loại nửa vời một cách tức tưởi.
Một hôm, có người đến hỏi cưới Duyên cho một thanh niên vừa đậu bác sĩ ở ngoại quốc về. Chàng thanh niên là con trai của một vị tướng có tiếng tốt trong xã hội, chàng đẹp trai, có tư cách, thông minh, tế nhị v.v... Gia đình Duyên làm sao lại không nhận lời một đám như thế ?
Duyện chạy đến nhà Quốc bật khóc: Em yêu anh, xin anh cứu em, xin anh mời má ở Huế vào ngay để hỏi cưới em v.v...
Quốc từ chối: Người thanh niên được gia đình chọn cho em là một người xứng đáng. Còn anh không có địa vị, không có bằng cấp, gia đình em đời nào chấp nhận một thằng con trai thất nghiệp như anh. Vả lại anh chắc anh không đủ sức đưa hạnh phúc lại cho ai cả.
Bị người yêu gàn từ chối, Duyên vâng lời mẹ đi lấy chồng. Và Ấn, chồng nàng của là một người chồng lý tưởng, đã tạo được hạnh phúc trong gia đình.
Ngày Duyên lên xe hoa, Quốc đập bể ống sáo. Rồi chàng sang Pháp sống mười năm. Vẫn gàn dở, vẫn nghệ sĩ và vẫn được gái yêu tới tấp.
Có một cô đầm - Francoise - vừa bị Quốc vô ý đụng nhằm trong một tiệm sách, liền yêu Quốc ngay, và cứ thế liên tục tấn công, cho đến khi được nằm gọn vào giường Quốc.
Sự thực Francoise mới sinh ra đã hướng về Á châu, từ bé đã thích nghe nói về Á châu, và nhất định lớn lên sẽ lấy chồng Á châu. Mặc dù vậy, mối nhân duyên trời định cũng không cầm chân Quốc ở Pháp được: sau mười năm ly hương, chàng về nước.
Chàng gặp lại Duyên lúc bấy giờ đã có hai con.
Chàng là bạn của gia đình Duyên. Riêng đối với Duyên, chàng là một ngôi trà thất ở góc vườn, để thỉnh thoảng nàng đến tìm lại sự thanh thản trong tâm hồn. Còn Ấn là ngôi nhà chính để ở.
*
 “Mối tình tra thất”, một mối tình trong sạch bên lề hạnh phúc gia đình, chuyện ấy xưa nay vẫn có, vẫn thường được nói đến. Nhưng nhân vật làm “trà thất” của Minh Đức Hoài Trinh là một nhân vật thời đại.
Chàng sợ “bị chỉ trích là lạc hậu, bảo thủ, thoái hóa” (trang 26). Đâu có! Thích nghệ thuật Á Đông hơn Âu Tây, thích nước trà hơn nước ngọt v.v... mà bị lạc hậu sao ? Không. Thời trang đấy. “Về nguồn” cũng là một thời trang, không sao ? Được gái mê là phải, có gì lạc hậu đâu ?
Gái học chương trình Pháp mà nghe nói chuyện về trà Tàu, tranh Tàu với hoa cúc “quân tử”, thì phải phục sát đất. Nhất khi những câu chuyện nọ lại được Minh Đức Hoài Trinh mớm cho Quốc: bởi vì người nữ sĩ này vẫn có tiếng là đi nhiều, biết nhiều, nhớ nhiều. Nói đến cúc thì nào là cúc Hoàng Kim Ấn, cúc Túy Dương Phi, nào là cúc Đan Phượng Đài, cúc Trầm Hương Phiến v.v.. ; nói đến lan thì Tiểu la lan, Đoản kiếm lan, Tiểu kiếm lan v.v.. ; nói đến tranh thì nào là Tảo xuân đồ của Quách Hy, Mặc trúc của Văn Đỗng, nào là nét vẽ của Triệu Can đời Ngũ Đại v.v...
Chỉ nguyên những kiến thức ấy đã gây hứng thú cho người đọc sách rồi. Đây là cái sở trường của tác giả.
*
Người đọc cũng tìm thấy hứng thú ở những liên hệ giữa tác giả và tác phẩm.
Theo quan điểm của nhân vật chính trong tác phẩm thì Á Đông đáng yêu hơn Âu Tây; tác giả là người  Á Đông.
Ở Á Đông, người Việt “khả thấu” hơn các dân tộc khác: tác giả là người Việt.
Ở Việt Nam, Huế đáng mê nhất (trang 37): tác giả là người Huế. Nghệ sĩ hơn khoa bảng, tác giả là một nghệ sĩ.
Uống trà thú hơn uống nước ngọt tác giả là người sành trà v.v.... 
Đại khái như thế. Cho nên “Trà Thất” là tác phẩm của một tác giả sung sướng. Sung sướng vì gần với mẫu người lý tưởng của mình.
Người độc giả ranh mãnh có thể nghĩ: Tác giả dám là một trà thất lý tướng lắm đa.




[1] Truyn dài ca Minh Đức Hoài Trinh - Phc Hưng xut bn

أحدث أقدم