VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thạch Lam, nhà bình luận nghệ thuật

 Mấy bài báo nhỏ sau đây của Thạch Lam, tuy viết về  các tác phẩm cụ thể và khá đơn sơ, nhưng bao giờ cũng có những liên hệ tới cả đờì sống nghệ thuật đương thời thậm chí cả tính cách người Việt. 
Chẳng hạn, nhân cuốn sách của Trần Văn Tùng, tác giả nhớ lại những ấu trĩ của mình khi mới tiếp xúc với văn học Pháp. 
Nhân vai Vú già của Song Kim trong một vở kịch, tác giả nhớ lại một nét tính cách người Việt mà ngày nay đang bị mai một
 “Và đến người vú già nữa! Đó thật là một người vú già Annam, lắm điều và hay cãi lại chủ, nhưng lại hết lòng trung thành và yên phận, dù là cái phận khổ sở và đơn sơ.” 
Cả bài Đi xem xiếc là một “phát hiện” về tâm lý dân mình: khi đến với các rạp hát, người ta chỉ chăm chăm hướng tới cái xổ số phần thưởng mà  nhờ mua vé, người ta được tham dự. 
Mặc dầu biết rằng Thạch Lam đã rất được yêu mến rồi và có thể chỉ có một số bạn đọc nào đó chú ý tới các bài viết này của tác giả, tôi vẫn cứ đưa lên đây, hy vọng rằng rồi đây số người trở đi trở lại với Thạch Lam còn tăng lên nữa.  

         SÁCH "ÉCOLE DE FRANCE"
         CỦA TRẦN VĂN TÙNG
École de France là một cuốn sách chữ Pháp, gồm những bài tóm tắt các bài diễn thuyết về văn chương ở trường Đại học Đông Dương trong hai năm 1936 và 1937, với những bài khảo luận về một vài danh sĩ Pháp như Paul Valery, André Gide, Jules Romains v.v. mà ông Trần Văn Tùng đã viết đăng trên các báo.
Tác giả có chủ ý truyền bá cái tư tưởng Pháp trong thanh niên ta và làm cho chúng ta yêu mến cái tư tưởng ấy. Trong một bài tựa mà không có cái gì người ta không nói rồi, ông học chánh tổng trưởng Bertrand  có bàn đến sự băn khoăn, bỡ ngỡ của thiếu niên ta đi tìm lý tưởng, và ông nói đến tinh thần của nước Pháp như một cái suối để chúng ta tìm nguồn. Thật, giới thiệu tác phẩm của các nhà danh sĩ Pháp là một sự rất hay và rất cần cho chúng ta bây giờ. Phần nhiều, các thanh niên chúng ta, nếu không chịu đọc sách rộng, chỉ biết các văn sĩ của nước Pháp qua những sách vở hay bài làm của nhà trường. Với cái lối học vụ lợi của chúng ta, ở nhà trường - với lại bị cái học bên này làm chúng ta đi lầm đường - chúng ta chỉ biết a dua, tán thành cho xong chuyện. Không mấy khi, còn là học trò, chúng ta dám tỏ bày những ý kiến thành thực của chúng ta. Tôi nhớ lúc còn ở trường (mà có nhiều bạn như thế) tôi chẳng hiểu một tí gì về cái hay của  Corneille hay của Brunelière chẳng hạn; vậy mà khi làm bài, chúng tôi vẫn tán thưởng nhiệt liệt như thường. Đến lúc ra ngoài, xem nhiều, bấy giờ tôi mới rõ được cái hay của Fontaine hay của Racine. Và bấy giờ mới dám thành thực mà suy xét trong sự yêu ghét các nhà văn sĩ trước kia mình cứ phải khen.
Trong quyển École de France, ông Trần Văn Tùng nói về gần hết các danh sĩ Pháp trong hai thế kỷ XIX và XX. Ông trình bày sơ lược cái thân thế, các tác phẩm và tư tưởng của các nhà văn ấy. Đó là những bài khảo luận nho nhỏ, cho chúng ta một bao quát về cuộc đời và hành vi của các danh sĩ Pháp.
Quyển École de France không cho chúng ta biết điều gì mới. Người đọc được thấy những ý nghĩ mà chúng ta đã có nhiều dịp được xem trên các báo, hay các sách nói về văn chương Pháp. Đó không phải là một điều đáng trách, và tôi thấy rằng những lời phẩm bình của tôi không có dính dáng đến ông Trần Văn Tùng. Tôi chỉ tiếc rằng ông không cho chúng ta biết nhiều về ý nghĩ riêng của mình, chỉ tiếc rằng có rất ít "ông" trong cuốn sách đó.
Với quyển sau, người ta mong rằng tác giả sẽ tỏ bày những điều phán đoán, và phê bình của tác giả nhiều hơn nữa.
Số 104  3-4-1938

                                   XEM PHIM CÁNH ĐỒNG MA
Thế là chúng ta đã được xem cái phim cuối cùng trong hai phim mới đã gây nên một mối dư luận náo nhiệt. Chúng ta có thất vọng không? Câu ấy có thể trả lời ngay từ trước được mà không sợ nhầm.
Thật, phim Cánh đồng ma kể thì có hơn phim Trận phong ba một chút. Nhưng cũng không khác gì các phim nói của Tàu mà ta hay được coi, những phim cẩu thả, lộn xộn, khinh cả nghệ thuật lẫn người xem chớp ảnh. (Ấy là một sự tôi lấy làm lạ, vì người thợ Tàu, ngày xưa, về đồ thêu, đồ sứ, đồ ngà, vẫn được tiếng là người thợ rất có lương tâm nhà nghề).
Nếu cái ý muốn của ban tài tử đóng trò là muốn bằng được phim Tàu thì các ông ấy đã mãn nguyện. Sao một lời nói người ta cũng không nói được tự nhiên, mà lại nói như đọc sách? Sao những điệu bộ rất thường mà người ta cũng không diễn đúng được? Sao lại có những câu sáo "văn chương", cố để người xem cảm động thì chỉ lại làm cho họ buồn cười nôn ruột? Sao người ta không biết đến một chút giản dị, một chút "thật", một tí chút thôi!
Mà cẩu thả đến nỗi có cái bìa cũng làm giả bằng vải căng, có chồng sách cũng làm bằng những phiến gỗ vạch phấn, và bộ râu với nét mặt Méphistophélès của ông Thiện khiến ngưòi ta nhịn cười không được.
Ông Đàm Quang Thiện đã có nói chuyện với chúng tôi về những sự xung đột giữa ông với người dàn cảnh Tàu vừa cẩu thả vừa ngu dốt. Nhưng sao? Các ông có quyền không đóng trò, các ông phải không đóng trò trong một phim như thế. Thật là sự đáng tiếc, vì ban tài tử trong phim ấy (ông Vượng, ông Thiện, ông Dương chẳng hạn), ở một trường hợp khác, có người chỉ dẫn, cũng có thể đóng được những phim khá hơn.
Ở nghệ thuật này, chúng tôi không cho cái rộng lượng đối với những việc mới làm đầu tiên, mới tập: vì, các ông đã có bao nhiêu "thí dụ" ở những phim Âu Mỹ cơ mà! Các ông hằng ngày đã được xem cách đóng trò của các tài tử nước ngoài, cách dàn cảnh của những người dàn cảnh có tiếng trong thế giới. Thật, các ông phải nghiệt và nghiêm khắc với mình hơn thế mới phải.
Cũng như ở các nghệ thuật khác, xin chớ làm cái gì tầm thường. Về văn chương, hội hoạ, diễn kịch hay phim ảnh: làm cái gì tốt, không có thì thôi.
Chỉ có điều kiện ấy chúng ta mới tiến.
 Số 119, 17-7-38




                     ĐI XEM XIẾC

Tôi vẫn không ưa xem xiếc, vì không muốn xem những người làm trò cũng chán nản và mệt nhọc như vật, và thấy nhiều khi vật lại còn thông minh hơn người.
Những buổi tối thứ bảy- có ai biết tại sao không? Tôi đã đến xem xiếc Isako. Sao mà đông thế! Ngưòi ta chen nhau lấy vé không kịp; tôi không ngờ rằng lại có nhiều người thích xem xiếc như vậy.
Tôi lại không muốn coi xiếc nữa, đi sang rạp chớp bóng Olympia để vào xem phim Đời sau của Wells, vì chẳng lẽ đi trở về. Nhưng cái số tôi phải xem xiếc hôm ấy hay làm sao, mà rạp Olympia cũng đông người vào xem chẳng kém. Những hạng vé đắt tiền đều hết cả mới rầy chứ. Mà rầy nữa là hạng vé ít tiền cũng hết nốt.
Tôi đành quay lại rạp xiếc vậy. Chật vật và mưu mẹo lắm mới lấy được cái vé, thật không khác gì chuộc quần áo mùa rét ở Vạn Bảo. Vào đến cửa rạp, tôi thấy một cái tủ gương lớn đứng sừng sững ngay ở đó. Tôi mới hiểu tại sao người ta vào xem đông thế. Thì chính họ ao ước cái tủ gương xổ số kia. Ra họ không phải vào xem xiếc mà chính bị xiếc bởi cái tủ kia vậy. Hễ số trúng sẽ được mang tủ về ngay. Tôi đâm ra lo sợ, vì nếu chẳng may trúng thì cái tủ lớn kia, làm thế nào mà khuân về được. Tôi nghĩ đến sự ngạc nhiên của vợ khi đang nửa đêm thấy tôi lù lù vác cái tủ về.
Trong rạp, người ngồi không có chỗ nào hở, từ trên xuống dưới. Tôi chắc trong óc mọi người đều có một cái tủ.
Bỗng người ta vỗ tay ran. Tôi vỗ tay mạnh hơn ai hết vì tôi không trông thấy gì cả. Có. Có trông thấy hai cái chân của cô đầm đang động đậy - không hiểu cô ta nằm xuống đất làm gì. Vì tôi đứng ở xa nên chỉ nhìn thấy có thế thôi. Nghĩ bụng cứ xót xa năm hào rưỡi. Biết thế lấy vé ba hào rưỡi xong, lại được ngồi mà ngồi cao, tội gì năm hào rưỡi mà lại phải đứng mỏi chân.
Nhưng sự đã rồi.
Thế cho nên tôi ở lại xem cho hết. Nào hổ, nào khỉ, nào voi, nào ngựa, thi nhau làm trò. Tôi tự hỏi không biết những con vật khốn nạn ấy, chúng nó nghĩ những gì? (Có lẽ chúng nó không nghĩ gì cả, nhưng nhà văn chúng tôi vẫn thế, cứ hay vẽ chuyện để đánh ba cái dấu hỏi cho quan trọng).
Kể các trò làm cũng khá. Nhưng toàn thể cũng không có gì hay hơn xiếc ta. Nhiều trò lại kém nữa. Vậy mà người ta đến xem đông đúc thế.
Vì cái tủ gương chăng? Có lẽ.
Tôi, tôi chỉ biết buổi xiếc ấy, tôi đứng mỏi cả chân, và mờ cả mắt mà không đổi được một chút thú vị gì.
Tôi cứ tâm tâm niệm niệm - kể cũng hơi ác- cho con hổ kia nó cắn người dạy nó một cái, hay con voi kia nó quật cho người quản tượng một cái, thì thật mới vui vui.
Nhưng mong mãi không xảy ra chuyện gì, tôi đành đi về vậy. Đến trước cái tủ, tôi nhìn vào gương một cái, chào rất lễ phép cái người ở trong ấy, rồi lễ phép đi ra.
Thế là hết "xiếc".
                                                                                                                               Số 89,12-12-37  


Ngày Nay tường thuật
BUỔI DIỄN "CÔ CON GÁI VÀ HŨ VÀNG CHÔN"
TẠI NHÀ HÁT LỚN

Tối thứ bảy 13 Mai, ban kịch Thế Lữ đã đem diễn trên sân khấu Nhà Hát Lớn vở kịch Cô con gái và hũ vàng chôn, hý kịch năm hồi mà soạn giả, ông Mai Phương, đã viết phỏng theo một bản kịch của Piame.
Người ta tưởng sẽ xem một vở kịch cũng như những vở  kịch "cải lương" bắt chước Molière, với một vai thằng nhỏ pha trò ngớ ngẩn và xấc lấc. Người ta đã được ngạc nhiên, một cách sung sướng: vở kịch, cả nội dung, với cách đóng của các vai, đã hiến khán giả một buổi diễn có giá trị ít khi được thấy.
Nội dung vở kịch tuy đại khái vẫn giống vở của nhà kịch sĩ La Mã, nhưng ông Mai Phương đã khéo biến đổi thành ra một vở kịch có tính cách riêng. Những tình tiết trong vở kịch, và nhất những lời đối đáp của các vai, đều có một vẻ hài hước giản dị và thật thà, là cái hiệu đặc biệt của tinh thần Annam. Soạn giả đã dựng lên những nhân vật sinh động: ông lão nhà quê bần tiện và bủn xỉn, cô con gái ngây thơ và hiền lành; bà mối lém miệng và khôn khéo. lúc nào cũng sẵn sàng đưa ra, để cho được việc, những lý lẽ rất chắc chắn và rất có hiệu quả. Và đến người vú già nữa! Đó thật là một người vú già Annam, lắm điều và hay cãi lại chủ, nhưng lại hết lòng trung thành và yên phận, dù là cái phận khổ sở và đơn sơ.
Cách diễn của ban kịch Thế Lữ tối đó thật đã có một nghệ thuật chắc chắn và già dặn. Ở vở kịch ấy, có lẽ Thế Lữ đã cho chúng ta thấy cái sáng tạo lạ lùng và đặc biệt nhất trong đời đóng kịch của ông. Cái vai cấu tạo là vai ông đóng, đã sáng tỏ trên sân khấu, và trội hẳn lên giữa các vai khác cũng khéo léo không ít. Ông lão nhà quê giàu và hà tiện kia thật như đương sống ở trước mắt người xem; từ điệu bộ, dáng đi, đến giọng nói, cái gì cũng hoàn toàn. Lúc ông lão trông thấy được hũ vàng, lúc ông vồ lấy nó, mắt sáng lên vì yêu của, và tay run run mân mê những thoi vàng như vuốt ve một tình nhân, lúc ấy chúng ta được thưởng thức cái tài nghệ sắc sảo và thông minh của Thế Lữ đã đến chỗ tột bực.
Vai đối với ông lão là vai vú già, do cô Song Kim đóng. Tôi phải nhận ngay rằng cô Song Kim là một người đóng kịch giỏi nhất trong số các nữ nghệ sĩ bây giờ. Từ vở Ông Ký Cóp, đến Hũ vàng, cô đã chuyên đóng những vai nhiều tuổi. Ở những vai sáng tạo ấy, cô đã tỏ rõ một tài trí rất thông minh. Người vú già trong vở Hũ vàng đã đại biểu cho những vú già của xã hội ta. Với giọng nói Kẻ Phùng - mà không phải là giọng nói tự nhiên của cô - với cách đi đứng, cử chỉ thật quê mùa và chậm chạp, vai vú già hôm ấy thật xứng đáng để đối đáp với vai Thế Lữ, và gánh cái trách nhiệm nặng nề của một vai chính trong vở kịch.
Ngoài hai vai đó những nhân vật khác trên sân khấu đều khiến người xem chú ý. Cô Thanh Hương đã cho người gái quê mượn giọng nói trong trẻo, nét mặt xinh tươi, với dáng điệu ngây thơ, và cô Minh Trâm đã phô diễn được hết cái bẻo lẻo và mầu mè của một mụ mối lành nghề. Cô Ngọc Mỹ lần này cho ta thấy rõ ràng sự tấn tới của cô trong vai một bà mẹ chiều con và ngay thật. Ông Mai Lương thì làm hoạt động một vai thằng nhỏ láu lỉnh, mà những điệu bộ hấp tấp vướng chân ngộ nghĩnh và tự nhiên đã gây nên những trận cười vui của khán giả. Cả đến những vai thợ nấu cỗ cũng rất thực. Vai cậu rể giá tập luyện chút nữa thì phải chỗ hơn, và ông Huyền Kiêu, tuy có mặt trên sân khấu không lâu, đã trình bày rất đúng kiểu mẫu một anh cường hào trong làng Annam giàu có và ngu dốt.
Buổi diễn kịch thật có giá trị đặc biệt về toàn thể. Sự thành công vẻ vang ấy có lẽ nhờ ở sự tập luyện công phu của các vai kịch theo những lời chỉ dẫn của Thế Lữ. Người ta không thể ứng biến một công trình nghệ thuật được, và cẩu thả với không hết sức vẫn là hai cái nhược điểm của các ban kịch ta xưa nay. Sự tập luyện đã đưa đến một kết quả rực rỡ như thế là cái vinh dự của các vai trong ban kịch Thế Lữ.
Ngoài cách diễn kịch, tôi tưởng không cần nói đến cách dàn kịch sáng suốt và có mực thước của Thế Lữ. Tài chỉ dẫn và dàn xếp của ông đã có nhiều dịp cho ta thấy trong các vở Kim Tiền, Ghen, Đoạn tuyệt, và Ông Ký Cóp, v.v...
(Lần này, vừa đóng vai chính, ông vừa là người dàn kịch, người xếp cảnh và người trang điểm của toàn ban).
Chúng ta chỉ còn mong rằng nghề kịch xứ này sẽ vì những sự tận tâm và thận trọng như thế mà tiến đến một tương lai tốt đẹp.
      Số 162, 20-5-39

NGHỀ MỸ THUẬT BỊ LÃNG QUÊN
Vôn có tên là "Tinh thần của thanh niên"
chúng tôi đổi lại cho dễ hiểu    
Ngày ông thanh tra học chính Vial sang bên này, hội các sinh viên trường Cao đẳng (A.  G. E. I.) tổ chức một buổi nghênh tiếp. Ông Dương Minh Châu hội trưởng hội A.  G. E. I. có đọc một bài diễn văn. Trong bài đó, ông thay mặt và nói đến nguyện vọng của khắp các bạn trong trường ban Luật, Thuốc, v.v...., chỉ quên có ban Mỹ thuật, tuy hôm đó các sinh viên trường Mỹ thuật cũng có đấy.
Sự quên đó khiến người ta lấy làm lạ. Vì không phải lần đầu mà trong những cuộc biểu diễn công cộng của các sinh viên, người ta quên thường Mỹ thuật. Từ hồi ông Quát còn làm hội trưỏng A. G. E. I., khi đọc diễn văn trước mặt ông học chánh tổng trưỏng Bertrand trong lễ khánh thành hội quán của hội, cũng quên như thế; rồi đến một dịp nữa ở Nhà hát tây, rồi đến ông Phan Anh (cũng hội trưởng); thật là một sự quên cố ý và xảy ra luôn.
Các sinh viên trường Mỹ thuật lấy làm bất bình về việc đó, yêu cầu những lời xin lỗi và sự từ chức của ông Châu, hội trưởng. Có người nói đến sự các sinh viên thường Mỹ thuật xin ra hội nữa.
*
Tại sao lại có những sự quên lạ lùng như thế?
Tôi còn nhớ mười năm trước, tôi học ở trong Cao đẳng, ban Canh nông. Hồi ấy, các sinh viên ta có cái tinh thần đáng bỉ là sự phân chia giai cấp. Các ông học ban Luật hay ban Sư phạm, hay ban Thuốc, đều tự coi mình như là "nhất đẳng sinh viên", và coi khinh các ban khác. Nhất là một vài người trong ban Luật, các ông tự coi mình như là "các ông quan con" cả rồi, đi đâu cũng bệ vệ, lên mặt, coi sinh viên các ban khác như kẻ dưới. Hồi ấy, những người học trường Canh nông như tôi, và những sinh viên trường Thương Mại, đều bị coi là những kẻ hèn kém.
Cái tinh thần đáng bỉ ấy tôi đã ghi trong bài ký sự Một năm ở Cao đẳng đăng trong Phong Hoá. Từ bấy đến nay, tôi tưởng cái tinh thần của bọn thanh niên học sinh đã thay đổi, và những sự phân chia đáng thẹn ấy chỉ còn thấy trong óc một vài hạng người trong xã hội.
Không ngờ bây giờ, người ta vẫn còn thấy nó chăng!
*
Trường Mỹ thuật, và các sinh viên trường ấy, có bị các sinh viên ban khác - nhất là ban Luật- coi như là kém hèn không?
Tôi tưởng, và lấy làm buồn, rằng chỉ ở bên ta mới có sự phân biệt lạ lùng ấy mà thôi. Một nhà hoạ sĩ một nhà công nghiệp chuyên môn, có gì kém một bác sĩ hay một người làm quan chăng? Đặt đến câu hỏi ấy cũng đủ tự thấy mình là đáng khinh rồi.
*
Sự phân chia hơn kém đã đành là một sự đê hèn không xứng đáng với tinh thần thanh niên chút nào. Nhuưng trong xã hội ta, cái tinh thần đáng ghét ấy mạnh đến nỗi, không chỉ ở người tự coi mình là hơn mà thôi, mà ở cả trong óc người bị khinh nữa.
Tôi nhớ một lần cùng với một hoạ sĩ trường Mỹ thuật vào chơi một nhà kia. Bà cụ chủ nhà hỏi bạn tôi:
- Ông học trường nào?
Nhà hoạ sĩ lưỡng lự, rồi đáp:
- Thưa, trường Thuốc.
Một người con gái có ở đấy, nói:
- Không, thưa mẹ, ông ấy có học trường Thuốc đâu.
Bạn tôi vội vàng đưa mắt cho cô thiếu nữ, ngắt lời:
- Thưa, trường Thuốc ban vẽ ạ.
Lúc trở về, tôi hỏi bạn tôi:
- Tại sao anh lại nói là học ở trường Thuốc? Sao không nói thực?
Nhà hoạ sĩ trả lời:
- Phải nói trường Thuốc thì bà cụ mới hiểu là mình học ở Cao đẳng chứ!
Tôi yên lặng, không nói gì. Vì nói gì được với bạn tôi lúc bấy giờ. Anh ta đã tự cho cái trường Mỹ thuật mình theo học là hèn, đã không biết cái giá trị của một nhà nghệ sĩ như mình là cao quý, đến nỗi phải nói dối để người ta hiểu mình là học trò Cao đẳng!
*
Đã lâu, bác sĩ Fénix có viết một bài về sinh viên Cao đẳng, trong có câu : "les pettes pommadés de la Cao đẳng"- những anh nhãi con trát kem ở Cao đẳng.
Những anh đó bây giờ có còn không?
Câu hỏi này, sinh viên các ban Cao đẳng bây giờ, với cái tinh thần mới, với sự trọng cái học, bất cứ môn nào, với sự đứng đắn của con người trí thức, sẽ trả lời.
S 98, tr 6

 MỘT TIN QUAN TRỌNG VÀ ĐÁNG LO
Chúng tôi được tin năm nay ban vẽ sơn trường Mỹ Thuật đã không lấy học trò vào nữa. Người ta bảo chính phủ lại còn có định ý bỏ trường ấy, lấy cớ rằng nhà nước không đủ chỗ dành cho các sinh viên tốt nghiệp ở trường ấy ra, và lấy cớ để tiền khuyến khích cho các tiểu công nghệ (artisannat).
Xin người ta để ý. Vấn đề tiểu công nghệ bây giờ cũng như là một cái "mốt" của những nhà chính trị, động một chút là nói đến. Người ta không biết rằng, nếu không có các nghệ sĩ theo đuổi mỹ thuật chỉ vì mỹ thuật, đến cái chỗ tuyệt đích, thì nền mỹ nghệ trong nước sẽ lùi ngay. Ta cứ xem công nghệ hồi chưa có trường Mỹ Thuật thì đủ rõ.
Còn cớ thứ nhất: các nghệ sĩ nhiều người không cần đi làm nhà nước vẫn hoạt động được. Nếu nhà nước sợ không có chỗ cho công sở cho các nghệ sĩ, thì cứ việc định rõ rằng vào học ban sơn trường Mỹ Thuật lúc ra phải tìm việc lấy. Nếu lúc bấy giờ không có ai vào học thì hãy nên đóng cửa trường.

Việc này là một việc rất quan hệ cho nền mỹ thuật trong nước, chúng tôi sẽ, trong các số báo sau, bầy tỏ ý kiến của chúng tôi và của các nhà nghệ sĩ khác.
أحدث أقدم