VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Một bài viết của Thạch Lam trên "Ngày nay" 1938 về Vũ Trọng Phụng

Phê bình CƠM THẦY CƠM CÔ và LỤC SÌ
(phóng sự của Vũ Trọng Phụng)

Lời dẫn
Các công trình nghiên cứu văn học sử thường nhắc tới cuộc tranh luận Dâm hay không dâm ? chung quanh tiểu thuyết và phóng sự của Vũ Trọng Phụng năm 1936. Một bên tham gia lúc ấy là Nhất Chi Mai, một bút danh thường được cho là thường được Thạch Lam sử dụng.  Và cái cách tham gia cũng "rất Thạch Lam". Khi thấy mọi chuyện có vẻ căng là ông “chuồn.”
Còn bài báo sau đây in ra trên Ngày nay, số 99 ra 27-2-1938.
Một  sự quan tâm liên tục tới họ Vũ chăng? Có thể lắm.
Nhưng sở dĩ tôi  muốn giới thiệu lại với bạn đọc là ở  một lẽ: trong phạm vi một bài báo ngắn vài trăm chữ, tác giả Gió đầu mùa đã chỉ ra hai mặt của ngòi bút Vũ Trọng Phụng:
- Khi quan sát cái mà ngày nay ta gọi là thực tế, ông rất tài
- Nhưng khi ông nhân đó phát biểu các ý tưởng của mình thì rất nhiều chỗ bất cập. Ông hay nói rộng ra cả những vấn đề mà ông không thạo. Khi đó ông trở nên hàm hồ vu khoát. Chẳng hạn cái câu khái quát về sách vở "bao nhiêu sách vở của loài người cốt để dạy nhau biết, vậy mà vẫn công toi cả. Những điều người ta dạy bảo nhau bằng sách? Đó là những điều mơ hồ, những điều lầm lẫn, những sự văn chương “.

Có người sẽ bảo không nên tuyệt đối hóa các ý kiến của Thạch Lam trong bài này. Tôi tán thành và nhớ ngay  tới bộ ba Vỡ đê, Giông tố, Số đỏ. Đúng  cái năm ấy là thời điểm xuất thần của họ Vũ. Xét ở trình độ thể loại thì bộ ba viết 1936 đó ở vào đỉnh cao của nghệ thuật tiểu thuyết đương thời. Nhưng xét toàn bộ sự nghiệp của Vũ Trọng Phụng thì theo tôi Thạch Lam nói nhiều phần có lý. Hồi ở Văn Nghệ quân đội, Nguyễn Khải hay nói với tôi là văn chương ông Vũ còn có nhiều rác, cái chữ mà người ta hay dùng khi nói về văn Dostoievski . Nhiều ý tưởng khác của Thạch Lam, có khi chỉ nói tạt qua, mà xem ra có thể triển khai thành những luận điểm phong phú. Và điều quan trọng là  chúng không chỉ đúng với đối tượng Thạch Lam nói tới mà còn đúng với nhiều người khác, không chỉ đúng với văn chương thời các ông mà đúng với cả thời nay.
Tôi hiện có trong tay gần hai chục bài báo ngắn của Thạch Lam trên Ngày nay 1938-39, sẽ xin đưa dần, song song với chùm bài của Võ Phiến trên Chính luận 1974-75 đưa từ đầu tháng trước.


Ông Vũ Trọng Phụng vừa là một nhà phóng sự, vừa là một nhà viết tiểu thuyết. Nhưng người ta thích nhà phóng sự hơn nhiều, và ao ước rằng Vũ Trọng Phụng sẽ chỉ dùng ngòi bút để viết các thiên phóng sự mà thôi. Bởi vì trong một thiên phóng sự, chỉ có sự thực lên tiếng, còn trong một cuốn tiểu thuyết, người ta thấy tác giả nhiều hơn mà ở đây, tác giả là Vũ Trọng Phụng lại không làm cho chúng ta hài lòng.
Đó là cảm tưởng người ta thấy trước nhất khi đọc hai thiên phóng sự Cơm thầy cơm cô Lục sì[1]. Ở những đoạn nào mà chỉ có giãi bày những việc xảy ra, người đọc thấy như được đứng trước cuộc đời hoạt động vậy. Nhưng chưa được hưởng cái thích ấy trong bao lâu, tác giả đã ló đầu ra, tự nhiên nói những ý nghĩ không nhằm chỗ, hay triết lý những câu nông nổi. Cái "ý" của tác giả người ta còn thấy lặng lờ dưới nhiều đoạn văn nữa. Và với cái cách điệu riêng của văn ông, nhiều lúc người ta không hiểu ông khôi hài hay nghiêm chỉnh: bởi thế, có khi trước một tư tưởng, một ý kiến gặp trong sách, người đọc lưỡng lự vì không biết đó là kết quả của thực tế hay là tự tác giả tạo ra.
Thật là một sự đáng tiếc, bởi vì ngọn bút của Vũ Trọng Phụng là một ngọn bút quan sát đúng và nhiều lúc linh hoạt. Khi tác giả lánh mình đi, để nhường chỗ cho thực sự, chúng ta được thấy những bức vẽ rỡ ràng và thắm sắc. Tôi tưởng thiên phóng sự hay nhất của Vũ Trọng Phụng là cuốn Kỹ nghệ lấy tây, vì thiên phóng sự này đã giàn xếp khéo lại giàu những điều nhận xét đúng về tâm lý.
Cơm thầy cơm cô Lục sì,  - Lục sì là một thiên điều tra hơn là một thiên phóng sự - Vũ Trọng Phụng có ý trễ nải. Tác giả không chịu cố sức gọt rũa câu văn cho hoàn toàn; người ta còn thấy nhiều khuyết điểm. Điều đáng trách hơn nữa, là cả về tâm lý, tác giả cũng không chịu suy xét và đi sâu vào sự thực, tìm cái lý do của các hành vi. Tác giả chỉ tự mãn về những cái sáo thường, những cái tâm lý sẵn. (Như “ánh sáng kinh thành đối với người nhà quê”, “muốn làm nhà xã hội học, nhà triết học, tâm lý học, thì phải đăng vào nghề cơm thầy cơm cô”, “một kẻ đi ở biết rõ những tính tình của loài người hơn một nhà văn sĩ tả chân” v.v.)
Ông có viết câu này: "bao nhiêu sách vở của loài người cốt để dạy nhau biết, vậy mà vẫn công toi cả. Những điều người ta dạy bảo nhau bằng sách? Đó là những điều mơ hồ, những điều lầm lẫn, những sự văn chương Ấy, chính vì ở bên ta, các nhà văn, trong đó có ông Vũ Trọng Phụng, chỉ mơ hồ với những lý thuyết, những cái sáo, mà không tiến đến sự thực. Một là sự thực làm cho họ sợ, hai là họ e rằng sự thực không làm cho độc giả thích vì ham mến. Đó là một quan niệm sai lầm cần phải phá bỏ. Linh động như sự sống, là câu khen có giá trị nhất mà người ta có thể tặng một nhà văn.
Vậy ông Vũ Trọng Phụng  nên bền chí trong nghề phóng sự, một thể văn mới rất cần trong văn chương ta. Chúng tôi muốn ông cứ viết phóng sự mãi cho chúng ta xem nhiều cảnh đời trong xã hội, và ngòi bút ông cứ một ngày một sắc sảo hơn lên. Và nếu có thể, chúng ta khuyên ông, ở trong tiểu thuyết cũng như ở trong phóng sự, rời bỏ những lý thuyết vô ích đi. Không ai cấm nhà văn được có chủ trương, có khuynh hướng; nhưng trước hết, phải trọng sự thực trong tâm lý, trong hành vi đã; tác giả không nên lộ ra rõ rệt quá. Biết lánh mình đi, mà lúc nào cũng có mặt, đó là cả một nghệ thuật.
Số 99, 27-2-38




[1]  Minh Phượng xuất bản
أحدث أقدم