VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Võ Phiến [ Đọc ] Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường


Đầu năm 1970, nhà xuất bản Văn Nghệ có phát hành một cuốn “tiểu thuyết” nhan đề là Sáu tầng mây biếc”của Phan Đào. Vừa rồi, nhà xuất bản “Sóng” phát hành cuốn “Hồi ký về Gia đình Nguyễn Tường” của Nguyễn Thị Thế.
Giữa hai tác phẩm có những chỗ gặp gỡ đáng nói.
Trước hết, cả hai đều là tác phẩm đầu tay của các cụ bà sáu bảy mươi tuổi, trước đó chưa từng bao giờ nghĩ đến chuyện viết văn. 
Rồi cả hai tác phẩm đều là hồi ký (cuốn thứ nhất tuy được tác giả và nhà xuất bản gọi là “tiểu thuyết” nhưng theo chỗ chúng tôi được biết thì chuyện trong sách đều là chuyện thực). 
Riêng cụ Nguyễn Thị Thế còn hứa với độc giả một tác phẩm nữa (Trầm Giông Bão) được gọi là “tiểu thuyết”, nhưng cũng lấy chất liệu từ đầu tới cuối ở mọi truyện xảy ra trong gia đình. Tức cũng là một thứ hồi ký nữa.
Cả hai tác giả đều thuộc những gia đình tiếng tăm trong văn giới, tuy các cụ bấy lâu chưa hề cầm bút, nhưng con cái hay anh em của các cụ là những nhà văn nổi tiếng. Về cụ Phan Đào, chúng tôi không tiện tiết lộ tiểu sử, e trái với ý của cụ chăng. Còn về cụ Nguyễn Thị Thế, thì tác phẩm đã giới thiệu rõ ràng: đây là người con thứ năm trong gia đình Nguyễn Tường, là em ruột của Nhất Lĩnh Nguyễn Tường Tam, của Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, là chị ruột của Thạch Lam, Nguyễn Tường Lân, cũng lại là thân mẫu của các nhà văn Duy Lam và Thế Uyên.
Cả hai tác giả lại còn giống nhau ở một điểm nữa: “vì quan niệm thời trước về vai trò của phụ nữ”, các bà đã không được theo học nhiều. Có cụ chỉ học vừa đủ để biết chữ. Có thể các cụ chấm câu chưa đúng lắm. Tuy nhiên, theo lời xác nhận của các người trong gia đình, tác phẩm của các cụ được in đúng nguyên văn không sửa chữa. Các văn sĩ con cháu trong nhà chẳng qua chỉ chỉnh đốn các dấu chấm câu ở đôi chỗ mà thôi.
*
Mới cho ra mắt một tác phẩm đầu tay như thế thường gọi là mầm non văn nghệ. Trường hợp các mầm non lão thành vừa kể đặt lại vấn đề cái tuổi thích hợp nhất để bắt đầu cầm bút.
Trong tập biên khảo rất công phu đầy đủ về tuổi già (cuốn La vieillesse ) của Simone de Beauvoir, nữ văn hào cao niên này cho rằng tuổi già không hẳn làm suy giảm mọi khả năng sáng tác và tư tưởng: Có những bộ môn văn học nghệ thuật đố kỵ tuổi già, có những bộ môn khác thì không. Chẳng hạn, các triết gia càng già càng sâu sắc, càng thâm trầm, các họa sĩ cũng vậy; nhưng các tiểu thuyết gia thì bị tuổi tác đào thải.
Riêng ở xứ ta, dường như thời gian sa thải người cầm bút có phần sớm hơn ở Âu Mỹ; những Lê Văn Trương, Đỗ Đức Thu, Vi Uyên Đắc, Tam Lang v.v.. nghỉ ngơi vào hạn tuổi mà ở Âu Mỹ các tác giả còn viết khá hăng.
Nhưng đó là nói về cái hạn tuổi nghỉ viết; còn cái mức tuổi tác để bắt đầu ? Thường thường, một người đã đến lục tuần mà chưa hề viết lách ít khi dám nghĩ rằng mình có khiếu văn chương.
Lại một vấn đề nữa: trình độ học vấn của người cầm bút. Đã có không biết bao nhiêu người quả quyết rằng tài năng nghệ thuật không liên quan gì với chuyện học vấn, rằng những người thợ, người nông dân không học rất có thể là những tác giả lỗi lạc v.v...
Tuy vậy mà khi nghe nói Francoise Sagan Bắt tay u sầu ngày cô ta còn là một nữ sinh, người ta vẫn ngạc nhiên như thường. Rồi khi H.Charrière tung Bươm Bướm ra, thiên hạ lại ngạc nhiên hơn nữa. 
Những chuyện như thế vẫn cứ làm ngạc nhiên hoài.
Thành thử chúng ta cần có những bằng chứng cụ thể xác nhận lại có sự thực đơn giản kia. 
Năm 1970 xác nhận, năm 1974 lại xác nhận.
Trong các trường hợp cầm bút muộn màng, hình như thể hồi ký dễ đưa tới thành công nhất.
Riêng về cụ bà Nguyễn Thị Thế, dù cầm bút muộn, văn tài đã được Nhất Linh nhận thấy từ lâu. Trong thư từ trao đổi giữa anh em, Nhất Linh thấy thư “Cô Năm” viết rất hay, liền khuyến khích: “Cô viết thư hay thế sao không viết văn đi. Văn được lắm.”[1]
*
Tuy nhiên, cuốn hồi ký của cụ Nguyễn Thị Thế đáng chú ý về một khía cạnh quan trọng hơn giá trị văn chương: Nó tiết lộ những chuyện bất ngờ về các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, giúp nhiều tài liệu cho việc nghiên cứu về các tác giả trong Tự lực Văn đoàn.
Những tác phẩm như Thương chồng  Xóm Cầu Mới  Nhất Linh viết vào những năm cuối cùng, trong đó lại có rất nhiều liên quan tới những kỷ niệm ấu thơ của tác giả, cũng nhà mẹ Lê, cũng chuyện cân gạo, cũng một người thanh niên chất phác giúp việc nhà (anh Tráng) v.v...
Nhưng thích thú nhất có lẽ là chuyện lập gia đình của các anh em nhà Nguyễn Tường.
Nhất Linh và Hoàng Đạo bắt đầu nổi tiếng nhờ những cuốn tiểu thuyết luận đề, đả phá kịch liệt cái “phong hóa” cũ. Trong các cuốn truyện của Tự lực văn đoàn nói chung, tình yêu được ca ngợi, những gò bó khắt khe của xã hội cũ bị kết tội. Có ai ngờ rằng những vị đã dựng nên các mối tình của Dũng và Loan, của Trương và Thu, của Duy và Thơ v.v... những vị ấy đều ngoan ngoãn nghe theo lời mẹ trong việc chọn vợ, “mẹ đặt đâu xin ngồi đó”.
Đây là chuyện hôn nhân của Nhất Linh. Một bà bạn của thân mẫu ông thấy ông gầy và xanh, khuyên bà cụ nên lo kiếm dâu. Bà cụ nhờ bạn tìm giúp một “đám”. Bà bác bèn mách cô gái một nhà láng giềng, bán cau khô. “ít lâu sau, tôi (bà Nguyễn Thị Thế) thấy mẹ tôi dục anh Tam đi coi mặt. Anh bảo cô Năm đi coi mặt hộ anh, cô bằng lòng là được rồi. Tôi không chịu, bảo anh lấy vợ chứ em lấy vợ đâu mà bảo em bằng lòng. Mẹ dục mãi, anh mới chịu đi coi (...) Hôm anh Tam đến, cô ta ngồi bán hàng nên chỉ thấy khuôn mặt thôi, anh bảo hai con mắt đen nhưng hình như vai xuôi quá, thôi mẹ và cô Năm bằng lòng là được”.  Thế là Nhất Linh có vợ.
Và đây là chuyện hôn nhân của Hoàng Đạo. Lại một bà bạn khác của thân mẫu ông muốn làm mối một cô gái cho “Anh Tư”. Lại “mẹ và cô Năm” đi xem mặt giúp anh Tư. Rồi bà nội thúc giục, bắt anh Tư phải đi xem. Anh xem rồi bằng lòng cười. Thế là Hoàng Đạo có vợ.
Người anh Cả trong gia đình Nguyễn Tường cũng lấy vợ một cách giản dị như thế. Cũng do sáng kiến của một bà bạn của mẹ, cùng bà nội và mẹ đi xem mặt trước. “Khi anh Cả tôi về, mẹ bảo đi coi mặt thì anh hỏi cô Năm đã biết mặt chưa, nếu cô bằng lòng tôi khỏi cần đi nữa. Tôi kêu đâu có được, em là đàn bà nhìn nó khác chứ. Để em đưa anh đi. Cô ta đậm người và thấp, mặt như trăng rầm, coi có vẻ phúc hậu. Nói vậy cho vui chứ việc cưới gả là do các bà định đoạt cả”.
“Cô Năm” nhận định: ”Con trai thời đó đâu có nói chuyện với các cô bao giờ, con gái cũng không có bạn trai nên đều do cha mẹ đặt đâu ngồi đó cả”.
Có phải thật vậy chăng ? Có phải tất cả là do tập tục “thời đó “ ? Hay là do các anh em nhà Nguyễn Tường ngoan ngoãn ? Tại sao những người thanh niên có thái độ giản dị như thế trong hôn nhân lại là những người chủ trương phá vỡ cái tập tục cũ, chủ trương hôn nhân xây dựng trên tình yêu ? Là những người vẽ ra những mối tình lãng mạn cực đẹp trong văn chương ? Càng lạ hơn nữa: tập tục hôn nhân cũ không làm tổn thương hạnh phúc gia đình của các anh em Nguyễn Tường, những cặp vợ chồng do mối lại ghép nên đều yêu thương nhau đến trọn đời. Trong đời riêng của Nhất Linh, Hoàng Đạo, không có điều gì khiến các ông bất bình, nổi giận với tập tục cũ cả.
Cuốn hồi ký của cụ Nguyễn Thị Thế nêu lên một số vấn đề. Các nhà làm văn học tha hồ suy tưởng.




[1] Các đoạn trong dấu ngoặc kép từ đây trở lên đều trích lời nhà xuất bản “Sóng”, trong cuốn hồi ký của bà Nguyễn Thị Thế.
أحدث أقدم