Xem Lời giới thiệu loạt bài này
đã đưa từ 5-5-2017
Sáu bảy năm trước [khoảng 1966-67], khi sinh viên Âu Mỹ gây đại náo, thì tại TC [Trung Cộng - VTN chú] đám thanh niên cũng được huy động vào một phong trào gọi là “cách mạng văn hoá”.
Lần này, trong khi đám trẻ Âu Mỹ tụt xuống chạy lung tung làm náo động xã hội, thì tại TC cũng lại nhóm lên âm thầm một phong trào nữa, cũng gọi là “cách mạng văn hóa”.
Chúng ta đã có dịp nói qua về cái loạn tồng ngồng ở Âu Mỹ , tưởng cũng không nên bỏ qua những hoạt động của đám trẻ hiện này tại TC.
*
Về hình thức hoạt động, giữa hai phong trào thanh niên có sự khác nhau căn bản.
Một bên, giới trẻ Tây phương lấy cái thân xác “thuần túy” làm phương tiện: một bên, giới trẻ Trung Cộng từ đầu tháng 2-1974 cho tới nay, chỉ mới sử dụng có một phương tiện khá ôn hòa - là viết chữ.
Thật vậy, không biết rồi cuộc “cách mạng văn hóa mới” sẽ tiến về đâu, ít ra là ở giai đoạn này nó chưa có vẻ gì đáng sợ. Hồi năm 1967,1968, có đấu tố, có đánh gục người ngày, bêu riếu người kia ngoài phố, có tù tội, có đổ máu ... Năm 1974, tại Trung cộng mới chỉ trông thấy cách mạng tiến hành bằng khẩu hiệu, bằng bích báo v.v..
Cách mạng văn hóa ở Trung cộng tiêu phí nhiều giấy mực, “cách mạng văn hóa" ở Tây Phương tiết kiệm được ít nhiều vải vóc.
*
Về đối tượng hoạt động, cách mạng ở Tàu nhằm vào hai người chết: “bình Khổng bình Lâm” “đả Khổng đả Lâm”. Trên danh nghĩa đó là cuộc tấn công vào những hệ thống tư tưởng lỗi thời.
Trong khi ấy giới trẻ tồng ngồng ở Tây phương không có hịch khởi nghĩa, không biện giải, lý luận. Nhưng đã có nhiều học giả tư tưởng gia giải thích ý nghĩa hoạt động của họ: Mc Luhan nói đến một “cuộc tấn công” vào các giá trị đạo lý của xã hội ức chế.
Tóm lại, ở bên này hay bên kia, phong trào đều có ý nghĩa chống đối, đả phá cả. Chỗ khác nhau là giới trẻ Tây phương chống đối xã hội hiện tại, không khí đám cách mạng bên Tàu hùng dũng tấn công những linh hồn quá vãng, và những kẻ thất thế ngã ngựa. Giới trẻ Tây phương chống đối cái hiện tại để đòi hỏi sự thay đổi cho tương lai; trong khi ấy đám chiến sĩ cách mạng trẻ bên Tàu hò hét để ... củng cố chính quyền hiện tại, để nguyện làm hậu thuẫn sau lưng đấng lãnh đạo anh minh.
*
Về thái độ hoạt động, giới trẻ tồng ngồng Tây phương có sự phô trương quá lố. Mặc dù cái mà họ phô ra làm cho thiên hạ đỏ mặt, kêu la chí chóe, phản đối ầm ĩ, họ vẫn phô mạnh, trước khán giả quốc tế. Ngay từ khi lực lượng hãy còn yếu ớt, thỉnh thoảng chí có một vài cuộc tụt xuống lẻ tẻ, phong trào Tây phương đã không ngại các hình thức quảng cáo; báo chí tha hồ chụp bóng, báo chí tha hồ in hình v.v..
Trong khi ấy, ở Trung cộng cuộc cách mạng văn hóa kỳ nhì tiền hành gần như có gì lén lút, vụng trộm!
Cách mạng chỉ tiến hành trong “nội bộ”, cố tránh con mắt của ngoại nhân, của giới phóng viên, cố tránh ống kính máy chụp ảnh. Một bức vẽ cách mạng trình bày một đức Khổng Phu Tử dữ dằn và tướng Lâm Bưu ôm nhau hôn ... môi ! Nhiếp ảnh quốc trông thấy cảnh tượng lâm ly như thế vội đưa máy lên, và anh ta tức thì bị ngăn chặn. Ở Bắc Kinh mỗi khi phóng viên ngoại quốc dừng chân trước một khẩu hiệu, một bích báo cách mạng liền có cán bộ chính quyền đến can thiệp mời đi chỗ khác chơi ngay. Tại một viện đại học nọ ở Bắc Kinh có 350 sinh viên ngoại quốc, họ đến đây để học chữ Tàu, và bích báo cách mạng viết bằng chữ Tàu cố nhiên cũng là một tài liệu học hỏi, họ được lệnh chỉ cho ghi những chữ mới để học thêm, cấm đọc trọn các câu trên bích báo! Tại Thiên Tân, Thượng Hải, Quảng Đông v.v... truyền đơn cách mạng dán đầy tường đầy nhà, nhưng ngày 27 tháng 2 năm nay tại một bến tàu ở Thượng Hải, cán bộ vội vã bóc gỡ mọi vết tích cách mạng chỉ vì ngày hôm sau ông Boumédienne của nước Algérie có đến đây thăm viếng !
Tại những đô thị có nhiều khách Tây phương như Bắc Kinh thì truyền đơn, khẩu hiệu cách mạng trách các đại lộ: cách mạng cả thẹn rút vào các đường hẻm, ngõ tối, thập thò bên trong các công sở, xí nghiệp v.v...
*
Hai hiện tượng xảy ra cùng một lúc lại như cùng chế giễu nhau. Cái lõa lồ trâng tráo lại phô ra một cách hãnh diện và ồn ào; cái mệnh danh là “cách mạng” văn hóa lại len lét trốn chui trốn nhủi, lấm la lấm lét.
- Cách mạng văn hóa ở Tàu là ngón nhà nghề của một dân tộc, phải giữ làm của riêng, là thứ bí mật quốc gia không thể tiết lộ chăng ? Là một thứ nỏ thần luôn luôn bị các lão Thục Phán bốn bề rình rập để ăn cắp chăng ?
Thật khó tưởng tượng có một thứ cách mạng như thế.
- Cách mạng văn hóa là một cái gì xấu xa có thể làm hổ thẹn cả một dân tộc, nên phải giấu giấu giếm giếm chăng ? “Đả Khổng, đả Lâm” là một việc làm mà chính kẻ chủ trương cũng cảm thấy có gì không đứng đắn cao cả, có gì lừa gạt trong đó chăng ?
Gần đây, khi có những nhà ngoại giao từ đại lục Trung Hoa trở về Tây phương và cho xuất bản các tập hồi ký, khi có những vệ binh đỏ trốn thoát lục địa ra, tiết lộ nhiều điều bất ngờ về biến cố 1966, 1967, người ta ngạc nhiên thấy trong “cách mạng văn hóa” lần trước có cả những chuyện áo quần, những món nữ trang này nọ của các bà Lưu Thiếu Kỳ và Giang Thanh, những ganh tị bần tiện, nhỏ mọn...
Đem những danh từ “tự do”, “công lý”, “cách mạng” v.v... để tô vẽ lên các cuộc chém giết lẫn nhau, tranh chấp phe phái, chuyện ấy xưa này vẫn xảy ra, không có gì mới lạ. Nhưng dùng danh từ đẹp mà huy động được cả một lực lượng thanh niên nhiều triệu người, lung lạc được cả một tầng lớp thanh niên đông đảo, kỹ thuật nhồi nắn tinh thần ở những xã hội như thế thật đáng sợ.
*
Thái độ chống đối cực đoan, phá phách triệt để, phủ nhận mọi giá trị truyền thống của các phong trào trẻ tại Tây phương không hẳn là hay. Lắm người thấy trong đó một ý nghĩa nguy hiểm (Konrad Lorenz lo sợ rằng những quấy đảo ấy có thể đưa về một thời dã man).
Nhưng thái độ quá ngoan của một thế hệ thanh niên làm “cách mạng theo lệnh trên” cũng lại là hiện tượng rất đáng ái ngại: “Cách mạng để hậu thuẫn nhà cầm quyền”, đó là phát minh mới nhất của TC. Cũng là một phát minh có thể đưa xã hội về một thời dã man lắm; không sao?