Nhật ký chiến tranh,
đã đưa trên blog này ngày 20-7-2012
Trong những điều tôi ghi ở đây -- từ 45 năm trước – có nhiều điều nay tôi đã nghĩ khác chữ nghĩa cũng phải khác. Nhưng để tôn trọng quá khứ, tôi xin phép vẫn giữ nguyên. Mong được sự đồng tình của các bạn.
25/5
Hà Tĩnh- Quảng Bình
đã đưa trên blog này ngày 20-7-2012
Trong những điều tôi ghi ở đây -- từ 45 năm trước – có nhiều điều nay tôi đã nghĩ khác chữ nghĩa cũng phải khác. Nhưng để tôn trọng quá khứ, tôi xin phép vẫn giữ nguyên. Mong được sự đồng tình của các bạn.
25/5
Hà Tĩnh- Quảng Bình
Trên những con đường Khu 4. Đường vào Nam.
Nắng hè, đường vắng một cách ghê sợ. Những
toa tàu không có người. Những khu vực bị đánh phá nháo nhào. Ninh Bình.
Bỉm Sơn. Nhà cửa vặn vỏ đỗ, đổ nát. Một cái đầu máy không có đường lui,
không có đường tới.
Sông
Lèn. Cầu Đò Lèn đổ như một người ngã xoài. Một cách gọn gàng, nhưng là
ngã, đổ chổng kềnh. Kẻ địch không đánh lai rai như mọi lần. Nó đánh quỵ luôn và khá chính xác.
Con đê bên sông
hun hút đổ vào chân núi. Những làng xóm ven đê bé nhỏ, như những hang
đá giờ chỉ còn lại những cụ già. Một cụ bảo ngày xưa, đây cũng nhiều nhà
to. Đánh nhau hai lần, xé lẻ hết.
Buổi chiều, độ 5
gìờ, xe cộ chờ cầu phao đã bắt đầu xếp hàng. Tiếng hò nhau, gọi nhau
của tốp TNXP vang động mặt sông. Đến gần thấy toàn những thanh niên độ
16, 17 quần đùi, ngực lép, bụng to, tóc tai mướt mát, cất lên bằng cái
giọng đặc biệt của Thanh Hoá còn chưa được pha phách gì cả. Một lũ trẻ
mới lớn. Chúng làm trò nghịch, động một tí thì kêu tướng lên, nhảy tùm
xuống nước.
Cầu phao,
những khoang giữa chưa bắc, khoang bờ đã sửa soạn lắp. Một người chỉ huy
thét váng lên, tháo ra, tháo ra. Một nét mặt Thanh Hoá (cái sơ mi cài
cúc cổ, mớ tóc buông dài) triết lý “đời là rứa đấy, đời là rứa đấy”.
Những gì đã thay đổi trong cách tiến hành chiến tranh của chúng ta, bốn năm sau cái lần tôi qua 1968?
Cầu phao đang
bắc, đã thấy một tốp người đứng đen cả bờ sông. Họ đi lấy muồng về đun.
Bắc xong, là họ à xuống, kéo suốt từ bờ này qua bờ kia.
Chiến tranh vẫn như cũ, dường như tất cả vẫn như cũ.
Lại những ngày
ngồi thùng xe, ngắm lại phía sau không biết chán. Lại những cơn xóc giật
nẩy người, chỉ sợ đập đầu vào khung sắt nóc xe. Những câu chuyện trên
xe khi rôm rả, khi tẻ nhạt, và mọi người đều cảm thấy không nói thì
chẳng biết làm gì, nên thỉnh thoảng nói lảm nhảm. Rồi nằm nhoài ra trên
xe, cho đến khi mưa gió thì dậy che bạt, qua phà thì khép nép xuống,
châm vội điếu thuốc, và lại lên xe.
Nhịp điệu một
bài hát nào đó vẳng lên trong đầu. Tôi không muốn nói chuyện văn thơ, mà
chỉ thích hát cho mình nghe. Giai điệu nọ gọi giai điệu kia. Ngồi bó
gối sau xe, nghe đủ các câu chửi của các ông lái, ngắm trăng, chịu mưa
và lại hát, lại nhớ về bè bạn Hà Nội. Một đôi lúc, đường tắc, xe không
đi được, chờ phà, mệt mỏi, lởn vởn nghĩ hôm nay sẽ ngủ đâu, sẽ làm gì.
Nhưng rồi lại nhanh chóng mặc kệ nó, kệ các ông chỉ huy, việc của mình
mình làm -- lại ngồi với miên man những điều vô định. Cái đó, kể ra,
cũng là một thứ cảm xúc thơ đấy chứ! Ngày trước lòng còn tươi trẻ, đôi
lúc nghĩ mình có thể làm thơ. Một thứ thơ tiêu biểu cho cái mà lâu nay
mình nghĩ rằng văn học mình đang như thế: một thứ bóng mát, một thứ ngơi
nghỉ.
Nhớ bài thơ Trong chiều yên của Bằng Việt:
Đất nước gian lao hơn
Những điều tôi đã nghĩ
Đất nước sâu xa hơn
Những điều tôi đã kể
Khái niệm về
đất nước vừa là cụ thể, vừa là mơ hồ, vừa là lung linh, vừa là rất...
công thức. Trong cuộc chiến đấu hiện nay, dĩ nhiên chúng ta vẫn luôn
luôn nhớ tới những cái đó. Nhưng chúng ta cũng là luôn luôn nghĩ đến một
quan niệm, một chủ nghĩa, và quỷ quái chưa, cái sau mới thật ám ảnh mới
thật phức tạp.
Cát Quảng Bình.
Cũng là đất thôi, nhưng cát “đất hơn cả đất “, nó vừa rời rẽ, vừa gắn
bó. Đất màu mỡ, cát khô cằn, vậy mà cây cối vẫn phải bám vào thứ đất
loại hai đó. Bước chân người ta trên cát như bị giữ lại, chặn đứng lại,
mà vẫn phải đi. Mỗi bước đi người ta ghi rất rõ trên cát, hằn trên cát.
Có thoát được cát đâu? Cát chỉ chịu chi phối của gió, của nóng, của
biển. Tưởng vô tình thế, mà sao cát vẫn có dáng hình, có vóc vạc, dồn
lại thành cồn. Nhà trên cát thấp bé. Nhà của những người dân chài. Đó
là những con thuyền ghé lại trên cát, để mai này đi xa. Và trong cái nhà
cát đó, bước chân người ta lúc nào cũng ở trên cát, không thứ giày dép
nào đỡ được. Nhà cát, sân cát, có lẽ đến cái bát ăn cũng cát lạo xạo.
Phải dọn dẹp đi, thì chỉ một cái chổi là xong. Rồi không ai nghĩ là phải
sạch sẽ hơn nữa.
Những gia đình Quảng Bình. Người đàn bà vập vạp, người đàn ông múp míp. Vợ 42, mà 9 con. Cái dáng lừng lững, chắc còn đẻ nữa.
27/5
Bắt đầu nghe được nhiều chuyện Quảng Trị.
- Có những bà
mẹ, sau những ngày năm 68 trở nên kinh hoàng. Không dám làm gì cho ta
nữa. Bây giờ bộ đội vào, lúc đầu bà cũng sợ hãi.
- Một đồng chí
của ta nằm hầm 4 năm, ăn không thấy cơm, uống không thấy nước; ông nằm
hầm, nghe tiếng xe tăng, nhưng mãi không thấy tiếng súng chỉ nghĩ là xe
tăng của ta, đội hầm lên, bị bắn chết.
- Ở vùng mới
giải phóng, anh nào chào mình bằng anh, chú, tức là đã giác ngộ, anh nào
gọi bằng chào bộ đội tức là hơi bàng quan. Còn người nào gọi bằng ông
(y như bọn địa chủ ngày mới cải cách) tức là chưa hiểu gì cả.
- Có nhiều
người ở vùng mới giải phóng, rất tinh khôn trong những chuyện lặt vặt,
nhưng lại rất ít hiểu biết về chính trị, có thể bảo về chính trị họ rất
dại dột.
Chuyện do Xuân Đức kể
QTrị 55
vạn dân - ra ta 2 vạn. Dân chạy ào vào trong, ngăn cản không kịp. Ta
chặt cầu Mỹ Chánh, họ đổ hướng đông, rồi lại vòng đường tây.
- Nhiều gia đình 1/2 theo ta, 1/2 theo địch, để sau này có chỗ dựa.
Hoang mang sợ. Thấy cờ mặt trận đâu, chạy ra lối khác. Chạy ra đầu xóm thấy cờ mặt trận lại chạy về, sợ phi pháo.
Một bà già, có
đứa cháu ngoại, con Mỹ (da đen). Bà ẵm cháu ra, một người bảo: Ra Việt
cộng trả thù. Ném đứa cháu xuống hố. Sau bộ đội mình lại đón em bé.
“Gạo cụ Tôn không ngon bằng gạo cụ Thiệu”
“Chúng tôi làm
gì có gạo. Gạo chúng tôi trồng, chúng tôi ăn một hạt thì bà con ăn 9
hạt, 2 đứa con tôi hy sinh trong đó. Đồng bào cần người, chúng tôi có
người, cần của, chúng tôi có của, còn nói gì.”
Con nít đã đành, cả những bà già cũng bắt bộ đội.
Đêm từ Bãi Hà
qua Bến Hải. Đồi cao su trồng thể nghiệm, vệt đường gồ lên, bùn ngập đến
nửa bánh xe. Những hố B52, xe nghiêng đi người ngồi bên xe chạm cằm
người ngồi giữa. Xe rệ, xe lại lên.
Sông Bến Hải
thượng nguồn. Rào Thanh. Xe lội qua dễ dàng. Xe ở trong ra vẫn nhiều.
Chạm nhau, va nhau, chửi nhau, sau lại bật đèn lên, rồi hỏi quê hương
nhau.
- Lê Lợi có biết cô Ngọt không?
- Lại không biết.
- Nó làm như bà xã của nó ấy.
- Về Lê Lợi mà ăn lạc...
Đến một quãng
nữa thì đỡ dốc. Đường rộng hơn. Một đồng chí đứng trên xe, đây là vùng
cũng thuộc động Cô Tiên đây -- đây cũng thuộc miếu Bái Sơn đây. Qua Cam
Lộ rồi. Sông cũng rất hẹp. Bên bãi sông những con bò nhà dân “chạy loạn”
nằm dài, một vài con cổ còn đeo những thứ lục lạc kêu lanh canh.
Vào trong này,
chỉ còn xe bộ đội. Tiếng người ra “Vào mà làm nốt cái Huế” “Bây giờ mới
vào cơ à, bọn này vào hàng tháng trước mà chỉ có ông bơ thừa”.
Một đoạn đối thoại
- Giá có cầu thì đi đường một có phải thích không?
- Đến Hà Nội cũng không có cầu nữa là ở đây.
Có tiếng xe ầm ầm dội lại. Tăng ra, cả đồi cây đi lầm lầm trong đêm.
29/5
29/5
T.70, trạm giao liên ở cửa ngõ Q.Trị, trên đất Lào
Chỗ nào cũng gặp những con đường mới làm. Cảm
giác lẫn lộn, nó vừa rộng dài, thoáng đãng mà lại cũng là chui nhủi lẩn
quất. Những con đường mới, như những vị trí sơ tán, người ta buộc phải
sống.
Còn trên đường, lúc nào
những người trên xe cũng hỏi về đường số 1, nhớ về đường số 1. Đường số 1
là cái nhà, chỗ ở chính. Bao giờ nó cũng dẫn tới thành phố. Bao giờ về
với nó, chúng ta cũng thấy yên tâm, thấy quen thuộc, thấy thuận lợi.
Đường 1 là đồng bằng, đường 1 là hòa bình, là cái nhịp sống cái cuộc
sống đáng lẽ là bình thường mà bị đánh mất.
Xuân Miễn kể 1968 tác giả
chính là Nguyễn Chí Thanh; ông này phát động giỏi, cứ làm, nhưng sau đó
ra sao thì không cần biết. Năm 1972 này là năm đánh lớn, dùng quân đội
chủ lực, sức mạnh của chủ lực. Tất cả lần này, chịu tác động của 1968.
31/5
Giữa rừng già,
trong một lán đào sâu xuống lòng đất, ánh đèn dù dọi từ xa hắt trên mặt
liếp…. Chúng tôi nghe diễn văn Nixon ở Moskva. Cái gì vậy? Ông ta nói
tới người Mỹ yêu hòa bình, tự trọng. Nói tới một cô Tanhia bị chết trong
chiến tranh và mong rằng đừng có ai bị như thế nữa.
Nhưng mà máy bay vẫn bay suốt đêm, và gần sáng, tiếng bom bi còn nổ lụp bụp…
Như thế là như
thế nào? Trong thông cáo chung Moskva- Washington, vấn đề Việt Nam chưa
nhất trí. Mỗi bên còn giữ lập trường của mình. Vậy thì nước tôi là thế
nào?
Văn Thảo Nguyên + Thu Bồn: Bây giờ chỉ có mình là ôm lấy phe XHCN. Chỉ có mình. Còn thằng Nga thằng Tàu nó đều bỏ mình.
Nhớ lời ông Ng Khải -- Mình bắt đầu một cái gì, hay là sẽ kết thúc một cái gì đó.
Không hiểu sao,
càng ngày tôi càng cảm thấy khó chịu khi nghe người này nói đặc điểm
nước mình phải thế này, người kia lấy cớ đặc điểm nước mình nên nó ra
thế kia. Và lấy cớ đó để hư hỏng.
12/6
Cam Lộ. Mai
Lộc. Những quả đồi cao thấp liên tiếp, nhìn thấy nhau cả mà muốn đến nơi
thì đi mỏi mắt. Đất đỏ, không cây cối gì. Những vệt đất đỏ hằn lên.
Đêm trước,
chúng tôi đi trong tiếng gió rào rào trên đường 9. Đi vào Cam Nghĩa. Xe
đỗ dưới một gốc mít, chúng tôi vác ba lô vào một xóm gần đấy. Một cái
nhà mà mái tường đều bị đạn, ngoài sân cây cối ngổn ngang. Theo dốc đi
lên đi xuống. Đến một ấp, những mái nhà tôn kêu loảng xoảng. Nhà xếp
hàng rào dây thép gai. Nhà cửa liền nhau không có cây cối, như một thứ
trại lính. Vào nhà, vách gỗ đổ dập, đồ đạc tanh bành -- và cũng chẳng có
gì. Sau này, người ta kể: đấy là những nơi đồng bào bị nó dồn lên, ở
tạm... Bấy giờ đã là 1h30, chúng tôi đi dưới ánh sao đêm, mới đầu tháng
năm âm lịch, nhưng sao đủ sáng để không phải dùng đèn. Những mái nhà tôn
vẫn kêu lên mệt mỏi và quả quyết. Rồi trời sáng, những đỉnh đồi xa như
gần lại, một bốt gác của địch nhô lên ở một ngọn đồi xa.
Vào Cam Lộ phường.
Xóm đồng bào ở cũ, nên còn nhiều nhà cửa vườn tược. Lẫn vào hàng cây
làm hàng rào (cây ô rô thì phải) rất đẹp, xén phẳng, là những cuộn dây
thép gai bùng nhùng.... Hầm dân công ở cũ dưới một vườn mít. Đồng bào kể
mít năm ngoái mới bị hoá học.
Gần đấy: sân bay, doanh trại lữ 147, cũng gần đấy ấp thượng, đồng bào dân tộc...
Chiều hôm sau,
trở lại chỗ xe đỗ, hai cái nhà hai tầng mọc trơ trọi trên hai quả đồi.
Chung quanh, những cà phê mít cây còn cây đổ, cành khô lẫn với vỏ đại
bác. Nhà hai tầng để ở, nhà ít người, chỉ có điều giờ bộ đội đã viết la
liệt đủ các khẩu hiệu lên tường. Những người lính đánh xe ngay vào sân,
hè nhau vần săng lên xe, lấy đủ các thứ thang, tre làm cầu, một cậu đùa
trêu mấy cậu khác: không chịu làm, quai hàm đòi hỏi.
Những người
đứng đấy nói đủ các thứ tiếng ở các vùng khác nhau. Các anh vào đây từ
bao giờ, một buổi nào sau những đợt tấn công kẻ địch rút. Các anh đổ xe
xuống đây và đi vào đây. Những làng xóm không quen biết. Cũng cách sống,
con người không quen biết. Và họ bước xuống đó thản nhiên xa lạ. Cho
đến cả khi gặp trẻ con họ cũng phải nghi ngại. Ban ngày nóng nực, họ
ngồi nhìn ngóng máy bay và trông làng xóm, nghi ngại... Rồi tối đến, họ
lại ra đây, vần săng đi nơi khác.
Buổi chiều còn
rớt lại ít nắng, những mảnh đồi xa như mênh mông hơn. Đường rộng, đường
tăng cũ của địch, những con đường vập vạp, thô. Không phẳng lì đi, nhưng
rộng, tốt. Đường vắt qua đèo. Đường đổ xuống dốc -- Xe cũng thích hợp
với đường, toàn những xe đại xa, xe Hoàng Hà, xe Zin ba cầu. Những người
lính ngồi trên xe, tức là đứng trong thùng xe, người nào người ấy nguỵ
trang, nai nịt gọn gàng, mũi súng thò lên sau vai, hay súng cầm tay,
nhiều người ngồi ngả ngốn sau một ngày mệt mỏi, nhưng nhiều người đứng
lên, nhìn về những nơi rất xa. Họ nghĩ gì vậy? Họ thấy cái thăm thẳm của
rừng núi? Họ nhớ quê hương ở một góc nào đó của tâm hồn, trong họ vẫn
có một mảnh đồng bằng rất nhỏ của tình cảm. Nhưng giờ đây, lòng họ hoàn
toàn là rừng núi, họ chỉ nghĩ tới công việc, không điều gì có thể làm
cho họ mủi lòng. Từ trên xe nhìn xuống, những nhà của địch trong ánh mờ
tối trở nên lúp xúp hơn, những rặng chuối nhô ra, nhỉnh hơn sau mấy mái
nhà tôn. Tường đổ, vách xụp, mái xiêu, có nhà còn kịp đóng cửa, nhưng
không đâu thấy người. Ven đường, chỉ có những nhóm người lính khác đứng
rải rác, thỉnh thoảng trong các nhà tôn thấy một vài ánh sáng đèn pin,
thì đó vẫn là bộ đội, và cả khu vực này, lâu nay là một thứ quân quốc,
mang cái phong cách lính.
14/6
14/6
3 thứ nhiều nhất ở Quảng Trị:
1. dây thép gai, dây thép rào cả trong nhà rào cả mả tổ
2. ni lông
3. mái tôn (cả đất đai Quảng Trị như một trại lính lớn)
Câu chuyện
người dân và người lính rất nhạt nhẽo. Những người lính về giải phóng
quê hương, nhưng người dân xem họ như kẻ ở đâu đến vậy. Trong làng chỉ
còn những người già và trẻ con. Tôi hỏi một đứa trẻ: Cháu mấy tuổi - 6
tuổi - Cha mô rồi-- Cha chạy- Mạ mô rồi - Mạ chạy.-- Giừ ở với bà hử -
Dạ -- Có thích đi xem chiếu bóng không, có thấy hay không - Dở. Bà không
cho đi xem.
Đấy là về sau.
Khi vào, người lính ngạc nhiên, tuy vẫn đồng đất nước mình, nhưng rất xa
lạ. Còn nhiều ảnh Thiệu. Còn nhiều khẩu hiệu. Còn nguyên những cách
nghĩ cách nói của người ở đây.
- Cháu mấy tuổi mà đã mười mấy lần chạy giặc đấy.
- Giặc là ai?
-... Giặc là... pháo đấy
Người ta vẫn ra xem máy bay Mỹ, và cho rằng máy bay Mỹ không ném vào dân.
Sau này người ta bảo: Mỹ đến đây làm gì? Nó lấy sỏi của mình ư? Đấy, bây giờ mình làm lấy đấy, nó đi rồi.
Người ta sống mệt mỏi,
rời rã. Đã nghe pháo súng nhiều quá rồi, miễn sao được nghỉ. Có đánh
nhau thì con em mình là nguỵ chứ ai. Không ai lo làm ăn. Chỉ nhong nhóng
những chuyện gia đình, chửa đẻ, con cái. Nhưng mà người không đẹp, con
người thiếu một vẻ đẹp của trí tuệ ánh lên trên nét mặt. Thiếu văn hoá.
Cho nên, nếu để một tốp dân công miền Bắc đi bên cạnh những cô quần ni
lông áo ni lông, thì những người miền Bắc nhìn vẫn khá hơn - ít nhất với
tôi lúc này là vậy.
Bây giờ có sự gặp gỡ giữa những người lính miền Bắc với xã hội ở đây.
Đôi khi họ cũng muốn bắt chuyện bộ đội.
- Chú bố mẹ còn không?
- Dạ còn.
- Quê đâu?
- Quê Quảng Trị.
- Không phải.
Thế là thôi. Không còn biết nói chuyện gì nữa.
Có lúc bộ đội
làm dân sợ. Tập họp ở trụ sở, một người thấy còn khẩu hiệu cũ liền bắn
lên trúng khẩu hiệu. Nhiều khẩu hiệu tương tự lỗ chỗ vết đạn. Anh em đi
qua vội, nhưng nhìn tức mắt khó chịu, bắn rồi đi.
Một đ/c kể chuyện tiếp quản Đông Hà
- To hơn thị xã Hà Đông. Ba cầu: cầu vào, cầu ra, cầu sắt. Toàn là súng và sách. Sách đốt không xuể (Sợ khói lên)
- Chỉ xin được 10 lá cờ, lại phải để lại 5 mang vào Ái Tử. Phải may thêm.
- Không có
dân, nhưng vẫn lấy pin của nó làm loa truyền thanh, để cho thị trấn nó
sống lại. Mở loa suốt ngày. Đọc nhật lệnh UB quân quản. Cốt cho bộ đội
nghe. Chỉ có một bà cụ già lên thăm con, con chạy đi, mình bà cụ nhịn
đói nằm đấy sau bà cụ lên xin ăn.
- Mang sơn đi xoá khẩu hiệu cũ. Và viết mới - hàng trăm khẩu hiệu mới, gặp đâu viết đấy.
- Ra nhà thông tin của nó. Nửa nhà toàn phim: Đêm ái tình. Bí mật người phụ nữ. Trong nhà CLB E2 còn nhiều bàn cờ tướng, các loại bài bạc.
Sách của địch
anh em lấy về cũng nhiều. C26 một tổ đài quan sát 6 người, 46 quyển -
hoàn toàn về văn nghệ. Cả C 180 quyển. Một trạm giữa 2 người mà 5 tiểu
thuyết dày. Sau CTV phải mang quang gánh lên gánh về đốt. Các D phải cho
điểm nghiệm.
E 58 đóng quân
nhà dân. Trẻ con bảo các chú giải phóng không đánh, nhưng chả có gì cho
cả. Các chú Cộng hoà hay đánh, nhưng các chú ấy cho nhiều thứ. Nhiều cụ
già bảo lính nào cũng là lính cả.
Tranh ảnh. Ảnh quân lính địch đi gặt “say giặc anh ra chiến trường say quê anh lại về đồng giúp dân”. Sử,
khen cả Quang Trung, cả Gia Long. “Công lớn nhất của Gia Long là thống
nhất tổ quốc”. Khẩu hiệu sơn vàng chữ đỏ. Những chữ xấu và chữ cổ. Quân
giải phóng chữ đẹp- Cả ấp này không có ai chữ đẹp như chữ các chú giải
phóng.
- Anh em vào xa lạ với dân: cho là địch cả, cảm thấy bị hẫng
- Coi thường tín ngưỡng đồng bào, vứt cả gia phả của người ta.
- Lạnh nhạt ngán ngẩm
Một đồng chí ghi nhật ký. Đồng chí đó hy sinh. Một biệt kích bắt được, viết vào mấy chữ: Việt cộng bố láo(vì anh em tự hào ghi rất hay) Đến lượt tay biệt kích kia ta lại bắn chết.
Sách đủ loại. Lược sử
văn học Việt Nam, Truyện Kiều, Trạng Lợn, Tây Du, Tam Quốc, Sách Toán,
Các tầng địa lý, Thơ Vũ Hoàng Chương.Mâu thuẫn Nga Xô - Trung Cộng, 10
năm xây dựng XHCN, 12 luận đề triết học.Tranh ảnh: phong cảnh, tĩnh vật.
Một đồng chí nhận xét :Truyện của nó không hay. Nhạc không hay. Ăn mặc bẩn (đồ của ta có một cái gì của con nhà lành ).
Anh em mình
mới vào, dễ bị kích động. Không phân biệt được thật giả, khi địch giả
dân bị thương vong, anh em sinh ra bắn bừa bãi. Vào nhà dân viết khẩu
hiệu: Đả đảo gia đình theo địch.
Mấy năm trước,
dân “đến” với ta còn ít, anh em còn tò mò. Ngày nay, tiếp xúc nhiều,
đâm ớn, chán. Tuyên truyền đơn giản bật hết. Chỉ còn lại những gì sâu
sắc nhất, gạn lọc từ nhiều năm nay. Sau một thời gian, một cậu bộ đội
thú nhận “ Bây giờ tớ mới có thể tin được dân ở đây“. Hiện nay anh em
thấy thương đồng bào hơn.
Nghĩ vào Huế: Thêm một chuyển biến chính trị. Nhưng cũng là để vào xem Huế như thế nào.Sơn Nam bảo vào xem SV nó ra sao
Anh em trẻ bốc đồng: cho Huế thấy đạo đức của mình. Tầm lớn của anh em.
Đ/c Hội
-- Địa phương lãnh đạo nổi dậy bị hạn chế. Ta
nặng trên giấy tờ. Chủ trương của trên quán triệt chưa đến đảng viên cơ
sở; ta đánh, đảng viên cũng đi theo đồng bào. Anh em cho là làng phản
động.
--Anh em
còn bí. Quân dân chưa keo sơn. Tôi không lo quan hệ nam nữ. Tôi lo anh
em thiếu thốn nên không còn được mô phạm và lo cảnh giác. Nếu địch không
dùng vũ trang mà dùng những thứ thuốc độc, hoặc dụ dỗ thì mình đối xứ
sao.
Bộ đội đối xử với cụ già cũng như với thanh niên. Vào nhà, chỉ biết chào nhân dân
chứ không biết chào các bà, các cụ. Và không biết nói chuyện thêm. Anh
em đi lĩnh lương khô, trẻ con đi qua, cho các cháu. Nhưng vào nhà, thấy
bảo xé cờ địch, thế là xé cả cờ tôn giáo.
Đ/c Chúc :
Chuẩn bị vào
tiếp quản Đông Hà, nghĩ ra một số khẩu hiệu, cho anh em đọc. Chuẩn bị
cờ, băng vải đỏ, đeo loa, giấy vàng giấy đỏ. Ra Cam Lộ tìm không có, lại
cắt giấy trắng, giấy in.
Hình dung Đông
Hà sẽ có dân, sẽ gặp UBND cách mạng ( Ngoài Vĩnh Linh đã gặp o Lan. Lan
đã ghi địa chỉ số nhà). Trông như một phố huyện. Lên đường 9 rộng, nhẵn
bóng, xe tăng quay trên mặt đường không việc gì.Thấy nhà tôn ở Cam Lộ
đây to, phố huyện quê nhà nhỏ hơn.
5h chiều, tới Cam Lộ Thấy một gác cao, nghĩ giá kể thời bình vào chè lá, chụp ảnh.
Đoàn đi hơn 20
người (vệ binh- hậu cần...) Dọc đường xe tăng mình, xe địch nằm ngổn
ngang. Gặp một xác chết nằm dang tay dang chân, đầu quay ra đường. Một
đồng chí ta bó cẩn thận, rồi bảo anh em đi gọi người cáng.
Một bà già quẩy đôi thúng chạy loạn. Trăng lờ mờ, thấy cả khuyên vàng.10 h đến thôn Tây. Phía sau thôn là sông.
Nhà cửa tan
nát. Những giao thông hào chằng chịt, vào một hầm rộng đủ cho 3 anh em.
Bật đèn pin trong hầm, lấy lương khô ra ăn, nghĩ việc của mình. Sáng
sớm dậy, có mấy người đi... Một đồng chí Trinh Sát xách về kẹo, mì, miến
khô cho vào một bị, cả một cái đàn.
Tôi đi xin cơm 36.
Ăn cơm xong, đi dọc bờ sông. Phía sau là cầu đường sắt một bãi trồng
ngô lạc rất tốt. Sông gợn sóng. Vớ được một xuồng, chèo quanh.Thị trấn
rất đẹp. Nhà sĩ quan lính ở ngay bờ sông. Nhà đầy sách vở. Có lần Ngưu+
Đình gọi vào hầm sĩ quan cũng thấy một đống sách cao.
Đường sỏi. Nhà
rời ra từng nhà. Nhà nào cũng có mìn định hướng. Lợn gà chết thối inh
lên. Không có ai. Đào hầm cả buổi chiều. Nền nhà xi măng, dưới là cát.
Gỗ - bao cát nhiều. Xong ra sông Đông Hà, nhìn nhớ sông Ninh Cơ, giữa
sông cũng có cồn cát. Trên trời có máy bay, sao nhiều. Đêm đầu tiên chưa
có trà thuốc.
Sáng hôm sau, đi gỡ mìn (10 quả) Tháo bột dẻo mìn cơ lây mo.
Chuẩn bị cán cờ, lấy gỗ tre... đẽo. Bắc bếp lên, một hộp ca cao. Tranh
sơn mài, sa lông, áo trắng dài, màn tuyn. Đồ đạc tanh bành. Ảnh gia
đình. Chỉ có mấy gia đình mà đi hết (Ngưu : tớ sẽ xin về đây làm huyện đội lấy một cô du kích).
Chỉ thị: phụ
trách vệ binh, treo cờ, truyền thanh. Vải nhiều, đồng chí Đình biết
máy - máy băng. Sáng hôm sau đi. Đường không có cây. Một khu gia binh.
Nhà cao - một đồng chí trèo lên theo dây thu lôi. Khẩu hiệu ở một
trường học
Vĩnh biệt Đông Hà nhường lại cho Bắc Việt
Đả đảo Cộng sản đánh vào không cho chúng ta học
Cột cờ, dây
dù, cờ vàng ba sọc đỏ. Ta giật cờ nó xuống, cắm cờ mình lên. Đứng ở xa
nhìn thấy cờ. Khát nước vào tiệm giải khát, còn bàn ghế... nhưng không
có bia, cà phê gì.
Đến chợ... vác
một vác sách về. Chọn một nhà cao to làm trụ sở UB quân quản. Trong đó
lấy một buồng làm kho tuyên huấn. Anh em chỉ cho những hộp bia. Say,
mát. Trước không biết. Về hầm nghỉ. Kiếm vải làm cờ, nhưng máy hỏng gẫy
kim
Tôi chỉ thị cho mấy cậu mang ăm pơ li, 1 loa của nó, 1 loa của ta.
Ngày hôm sau
ra khu doanh trại, vào nhà Câu lạc bộ sĩ quan. Nhà rộng 7-8 bàn bóng
bàn. Chi khu quân sự. Mũ của trung sĩ vứt rải rác. Một phù hiệu Nguyễn Thị Hoa tiếp liệu --thấy vứt trên đất.
Vào viện cô
nhi, một bộ phông màn văn công điện chùm. Ta đóng hòm các thứ mang về
kho. Gì cũng lạ không đủ mắt để mà nhìn. Chè đùm ni lông: Hoa sen, Con vịt, An Thành... Mỗi thứ một, uống thử. Nó xa xỉ nhiều, sẵn của. Sổ tay một sĩ quan còn dòng chữ “Thằng nghèo rớt mồng tơi, thuốc lá không có mà hút mà còn định đánh nhau với chúng tao.”
Trường học,
bàn ghế đẹp, khẩu hiệu...Trường 2 tầng, mười mấy gian. Trường tư thục.
Anh em mang xe đi lại, hăng. Thỉnh thoảng có tiếng nổ, mìn tự huỷ. Bom
thả. Đường đi đã lạc hướng. Bom lộng óc. Hôm sau, địch đánh sập nhà UB
quân quản.Bom đánh vào chỗ thông tin. Bom nổ gần, anh em bỏ ra gần nhà
tám mái. Đi dọc đường một ven sông. Trẻ con hát. Lạc, lúa tốt.
8h đêm vào nhà
một ông cụ. Ông cụ có con trai tập kết nhưng cháu nội đi lính nguỵ, mẹ
nó chạy theo con. Một người thiếu phụ 28 tuổi có con, đến ở đấy. Đêm họ
ngủ một hầm. Những cảnh sống lang chạ. Những sự phiêu bạt. Như súng đạn
giặc vứt dọc đường. Lấy gạo, gà... chúng tôi cho ông cụ.
Vào một nhà ở
Quất Xá. Nhà đang có giỗ. Những đứa con trai theo học ở Đông Hà theo vào
trong, đứa con gái thì bị chết. Bữa giỗ chỉ có ông cụ bà cụ và mấy anh
bộ đội. Thịt một con gà. Ông cụ bảo tôi cho là chính phủ nào cũng cần
dân, nên tôi cứ ở lại, dù thấy hàng xóm ở đây đi cả. Ở đây trước các anh
Việt cộng vẫn về hoạt động, đêm đi ở ngoài, nhưng tôi không báo cho nó.
Báo cho nó, nó về lục soát, lại cũng chỉ tổ khổ mình.
Những sinh
hoạt bình thường trong chiến tranh: người ta vẫn giỗ chạp, vẫn tết nhất.
Tay lính nguỵ năn nỉ nhờ một người dân cắt tóc.