VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nguyễn Văn Vĩnh nhà nghiên cứu Việt Nam dưới góc độ xã hội học qua một bài viết trên báo L' Annam Nouveau:"Phố cổ Hà Nội"

LỜI DẪN
Trong các bộ lịch sử văn học kể cả trước 1945 và ở Sài Gòn trước 1975, Nguyễn  Văn Vĩnh thường chỉ được giới thiệu như một dịch giả và một nhà báo, người làm Đông dương tạp chí.
Trong xã hội  chúng ta đang sống, nghề báo thực chất là một nghề làm chính trị, truyền thống báo chí VN trước 1945 không bao giờ  được nghiên cứu một cách khoa học, như một nghề nghiệp,  nên chúng ta ít khai thác cái phần mạnh nói trên của ông Vĩnh. Rút lại sở dĩ ông được đoái hoài tới ít nhiều chỉ là vì ông có công lớn với sự hình thành và phát triển chữ quốc ngữ.
 Đầu  2013, trong lời giới thiệu  cuốn sách mỏng Lời người man di hiện đại tập hợp một số bài báo của ông viết bằng tiếng Pháp, được dịch ra tiếng Việt,  những người biên soạn vẫn còn viết “Cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX là giai đoạn hệ trọng nhất trong lịch sử văn hóa và ngôn ngữ ở Việt Nam với thời điểm chuyển dịch việc sử dụng chữ viết Hán-Nôm sang chữ Quốc ngữ mang tính đại chúng. Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận vai trò của các nhân sĩ đương thời trong giai đoạn này và đó cũng là những người đóng góp quan trọng vào tiến trình quảng bá và phổ cập chữ Quốc ngữ, trong số đó phải kể đến tên nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh...”
Nhưng khi tìm hiểu  những tờ báo bằng tiếng Pháp mà Nguyễn Văn Vĩnh đã làm, và một số bản dịch mới công bố trong cuốn Lời người man di hiện đại,  những người  không biết tiếng Pháp và chỉ đọc được Đông dương tạp chí vẫn có thể cho rằng ông là một trí thức lớn, một nhà nghiên cứu Việt Nam sâu sắc từ quan niệm hiện đại. Một nhà văn hóa với nghĩa tốt đẹp nhất của từ này.
Đứng về mặt khoa học nhân văn mà xét, có thể gọi ông Vĩnh là một nhà xã hội học, với một bút pháp không mang chất hàn lâm mà lại rất phổ cập, của một nhà báo đạt trình độ quốc tế.
Cho đến  những năm cuối thế kỷ XX, đầu XXI này ở các trường đại học VN, xã hội học vẫn là một ngành khoa học quá non trẻ quá sơ sài, không đủ khả năng khách quan hóa thực thể  VN  trong quá khứ để mổ xẻ, để nghiên cứu những bước đường đã qua của cộng đồng như một xã hội, từ đó dự đoán tương lai là cái điều đang mù mờ hơn hết trước mắt chúng ta.
  Một trong những lý do khiến người ta lảng tránh không muốn nhận Nguyễn Văn Vĩnh là nhà nghiên cứu VN đi tiên khu trong lĩnh vực này chính là  vấn đề ngôn ngữ, nói cụ thể là viết bằng tiếng Pháp. Lâu nay các nhà nghiên cứu Hà Nội vẫn có lối cái gì không đọc được thì coi như không có. Và chúng ta đã tự mâu thuẫn mà ta không biết. Tại sao chúng ta công nhận bộ phận viết bằng chữ Hán của các nhà nho từ thế kỷ XIX về trước, xem đó  là phần tự ý thức của dân tộc mà lại bỏ qua văn học tiếng Pháp của các nhà khoa học các nhà văn đầu thế kỷ XX?
Tạm nêu một ví dụ: cuốn Văn minh Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên, một sự bổ sung, một sự tiếp nối, và trong chừng mực nào đó là một sự  vượt lên so với Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh chính là viết bằng tiếng Pháp; nay tác phẩm của Nguyễn văn Huyên đã được dịch ra và phổ biến rộng rãi.
Các tác phẩm của Nguyễn Văn Vĩnh cần được đối xử tương tự.  Đó là cả một kho tàng lớn, không chỉ giúp vào việc tìm hiểu xã hội VN thời trung đại mà còn đánh dấu sự tiến triển của tư duy Việt trong công cuộc hiện đại hóa đầu thế kỷ XX.
 Trong phần phụ  lục của cuốn Lời người man di hiện đại những người biên soạn cho biết hiện đã dịch và săp xếp lại phần di sản của Nguyễn Văn Vĩnh.
 Nhưng cũng như di sản của Phạm Quỳnh, phần di sản này của ông chủ Đông Dương tạp chíL'Annam Nouveau chỉ được đề cao nhưng lại không được riển khai xứng với tầm vóc của nó. Nơi tiêu thụ tốt nhất của các công trình tư tưởng là các trường đại học thì sách lại không được bén mảng tới. Đây cũng là điều dễ hiểu trong hoàn cảnh cả xã hội đang trong một lộ trình phát triển mà không cần nghiên cứu. Song chúng tôi vẫn tin chắc là chúng ta không thể thay đổi được nếu phớt lờ di sản tư tưởng trước 1945.
  Dưới đây là một ví dụ về hoạt động ngòi bút xã hội học của Nguyễn Văn Vĩnh, trích ra từ trang mạng talawas, mấy dòng giới thiệu ban đầu cũng là của talawas.



Tư liệu

Bài viết này được trích từ cuốn Lịch sử, sự thật và sử học (Tạp chí Xưa&Nay, Nhà xuất bản Trẻ, 12/1999) tập hợp một số bài viết trên tạp chí Xưa&Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Bài viết nguyên bằng tiếng Pháp đăng trên tờ Annam Nouveau số 140 ngày 2/6/1932 của nhà báo-chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh, đã được một bạn đọc dịch và gửi đến tòa soạn Xưa&Nay, góp phần giải thích về việc tìm hiểu khái niệm "Ba mươi sáu phố phường".
*

Ủy ban của những người bạn của Hà Nội cổ của Hội Địa lý, tổ chức ở trong hội, với mục đích để tiến hành những nghiên cứu quá khứ của Thủ đô ở Bắc kỳ của chúng ta, chúng tôi mong muốn các bạn đọc tham gia đóng góp những trí nhớ của mình, của những người có tuổi đời trên năm mươi tuổi là chủ yếu, bởi vì những người trẻ như chúng ta không biết được là Hà Nội của chúng ta đã biến đổi, và trong đó có những khu phố cổ chỉ còn để lại rất ít dấu vết.

Đúng là có một bài hát được bắt đầu như sau:
"Hà Nội ba mươi sáu phố phường
Hàng mứt, hàng đường, hàng muối trắng tinh
Từ ngày ta phải lòng mình…"

Chúng tôi không phục hồi lại được nguyên văn đầy đủ cả bài hát đó, đã được dịch ra chữ quốc ngữ và in trong một quyển sách nào đó, hình như quyển của Chéon hay của Dumoutier, nhưng chúng tôi không tìm lại được.

Bài hát này theo chúng tôi không có tính chất diễn tả lại một cách đúng đắn. Ba mươi sáu được ghi ở đây, rất đơn giản chỉ để nói lên có rất nhiều phố và phường ở Hà Nội. Và bảng kê tên các phố phường chỉ để mua vui, vì trong thực tế có phố Hàng Đường, Hàng Muối, những phố này bây giờ cũng vẫn còn, nhưng chưa bao giờ có phố Hàng Mứt. Đây chỉ là một cách ghép cho vần điệu "trống quân", là những bài hát ngẫu hứng của những người hát chơi và hát chuyên nghiệp trong những ngày tháng tám. Vào ngày Tết trăng tròn, trăng rất sáng trong ngày Trung Thu ở Viễn Đông, người ta đánh lên trên một giây căng ở trên một tấm ván hoặc một thùng dầu hỏa lật ngược để dùng làm thùng tăng âm. Bài hát tất nhiên gồm có nhiều bài khác nhau vô tận, ngày nay không thể nào sưu tầm lại tất cả.

Bài hát Trống quân được những người lính của Nguyễn Huệ sáng tạo ra để mua vui trong những lúc nhàn rỗi, cùng hát với những phụ nữ dễ tính, bao giờ cũng có cả một bầy ở chung quanh những trại lính.

Trống quân có nghĩa là: Trống của quân đội, hay là của những người lính, do những người lính sáng tạo ra bằng một cái giây căng tạo ra âm thanh, căng lên trên một mặt trống rỗng dùng làm thùng tăng âm.
Người đàn ông ứng khẩu một vài lời ve vãn, có nhiều hay ít vần rất phóng khoáng theo cách làm văn vần lục bát, câu thơ sáu tiếng rồi tám tiếng cứ xen kẽ nhau kéo dài vô tận, tiếng cuối cùng của câu tám tiếng phải vần với tiếng thứ sáu của câu sáu tiếng tiếp theo sau và cứ thế tiếp tục mãi đòi hỏi như vậy ba vần nối tiếp nhau, hết ba vần này lại tiếp ba vần khác. Lời văn rất nhẹ nhàng cho phép nhiều sáng tạo và kể chuyện dông dài, vừa tầm với những tâm hồn thô thiển, cũng vì vậy nó cho phép nâng cao lên tất cả các trình độ, kể cả tới văn truyện Kiều.

Người hát thứ nhất thách thức một người khác vào cuộc đấu thơ và một cô gái trả lời anh, nhiều khi láy lại vần cuối cùng của anh, để làm vần cả câu thơ đầu tiên của mình, sáu tiếng. Mỗi một người đối đáp cố hát luyến kép dài một cách đặc biệt tiếng hát bắt đầu của câu thơ cuối cùng để tạo ra cho người hát tiếp theo có đủ thời gian để chuẩn bị câu trả lời.
Nội dung là ái tình, nhưng ái tình ở nước ta, ngay cả trong tầng lớp thấp của xã hội, cũng là đi tìm kiếm những công lao trí thức, những người tình xông vào cuộc đấu, tự đặt ra cho nhau những câu hỏi, thật hóc búa làm cho những người tham dự hò reo phán khởi khi câu hỏi được giải đáp một cách xuất sắc.

Tất cả những điều đó có mục đích để nói lên với các bạn là chúng ta chỉ có thể dùng những tài liệu lấy ra từ những nguồn này để làm tài liệu tham khảo có một giá trị tương đối.

Một người hát có thể đặt ra cho cô bạn câu hỏi: Người tình ơi, cho tôi biết có bao nhiêu phố phường ở Hà Nội? Hãy kể ra những tên phố phường đó bằng những câu thơ hay? Và cô gái trả lời ngay không phải nghĩ ngợi gì cả, chỉ có ghép cho có vần:
Có ba mươi sáu phố phường và là những…
Những tên phố tên phường cứ thế nối tiếp nhau theo trật tự chỉ cốt để cho vần, được tìm ra trên đầu lưỡi.

Theo ý kiến tôi có một cách khác để lập danh mục những phố phường ở Hà Nội, nó chắc chắn hơn là những chỉ dẫn của bài hát này và những bài hát tương tự nhất định còn có rất nhiều.

Theo cách này trước tiên hãy thống kê những phố phường hiện nay vẫn còn tồn tại, cùng với các đình làng, những hội đồng kỳ mục, hoặc những người kế tục họ, vẫn còn tiếp tục giữ những tục lệ và lễ nghi ví dụ như: Đồng Xuân, Hà Khẩu, Phương Trung, Nghĩa Lập và v.v…

Và xuống tận nơi hỏi han những tập thể Phường Xã không còn nữa do có sự biến động mở rộng thành phố, làm đường xá, đền bù đất đai, nên đã bỏ những tập quán cũ và v.v…chỉ có ở trong tay những kỷ niệm mập mờ, không còn cái gì khác nữa. Chúng tôi kêu gọi các bạn độc giả hãy đánh giá đúng mục đích rất đáng trân trọng của Hội Địa lý chủ trương và giúp đỡ Ủy ban những người bạn của Hà Nội cổ để cố gắng phục hồi lại thực trạng của Thủ đô cổ của chúng ta.

Và dưới đây là bảng chỉ dẫn những tên phố phường mà chúng tôi đã sưu tầm được. Chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tất cả những chi tiếp rất hay về từng phố từng phường cổ, những ngôi đình hãy còn lại, những chùa thờ Phật, những nhà cổ hoặc công trình công cộng, tổ chức chính quyền, ngày lễ hội và mốc giới hạn v.v….

Bảng thống kê sơ bộ chưa thật đầy đủ đã được trên 36 phố phường:
Đồng Xuân, Yên Tĩnh, Yên Thành, Yên Phụ, Yên Ninh, Tiền Trung, Vinh Hạnh, Phương Trung, Vĩnh Trú, Hà Khẩu, Thanh Hà, Văn Lâm, Thanh Ngộ, Thanh Miếu, Thái Cam, Thụy Khê, Thịnh Yên, Thiền Chung, Hàm Long, Tiên Tích (đường cái quan), Khán Xuân (Bách thú), Phủ Từ (Hàng Cót), Vĩnh Thuận, Cầu Đông, Yên Thái, Bảo Thiên, Kim Ngư, Gia Ngư, Nam Ngư, Cự Phú, Hà Trung (Ngõ Trạm), Đông Thổ.

Nguồn: Báo "L' Annam Nouveau", số 140 ngày 2/6/1932
أحدث أقدم