VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Bước ngoặt từ lớp viết văn Quảng Bá ( Xuân Quỳnh phác thảo một tiểu sử,chương IV)

                         
Giữa núi rừng Việt Bắc, ngay từ 1950, sau khi Hội văn nghệ Việt Nam ra đời và  cho in tạp chí Văn Nghệ , một  lớp học ngắn ngày  được gọi là  trường văn nghệ nhân dân cũng được thành lập.
Trường do nhà văn Nguyên Hồng phụ trách và thu hút về mình một số tài năng văn nghệ còn trẻ so với lúc ấy như: Bàn Tài Đoàn, Cẩm Lai, Nguyễn Kiên...

Cách làm việc của trường là mời một số văn nghệ sĩ đến giảng, có tính cách truyền nghề, sau đó, học viên sáng tác và góp ý kiến cho nhau.
Có một chi tiết vui vui, mà về sau nhà văn Nguyễn Kiên còn nhớ, đó là cuối khoá, nhà trường hết gạo, “ông đốc” Hồng khóc hu hu mà đành lòng cho học viên về sớm, so với dự định. Tuy vậy, nhiều học viên về sau cũng đã nên người và còn nhớ mãi "ngôi trường" từng theo học.
Từ sau 1954, hoà bình lập lại ở miền Bắc, nhiều trại viết đã được tổ chức như trại viết anh hùng, trại viết về sửa sai và cải cách ruộng đất.
 Nhưng mãi tới 1962, một lớp học tương đối quy mô hơn do Hội Nhà văn đứng ra tổ chức mới được hình thành.
Lớp  học kéo dài trong hai năm 1962-63.
Học viên chủ yếu là các cây bút trưởng thành từ kháng chiến, như Bích Thuận, Cẩm Lai, Nguyệt Tú, Vũ Thị Thường, Đinh Quang Nhã, Nguyễn Quang Sáng, Xuân Vũ (sau này đi B. và chiêu hồi), Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Trọng Oánh v.v...
So với Trường văn nghệ nhân dân hồi nào, nét thay đổi quan trọng nhất ở lớp Quảng Bá là tổ chức cho các học viên học khá kỹ về một số vấn đề văn học sử trong nước và nước ngoài.
Dạy văn học cổ điển Việt Nam có Hoài Thanh. Dạy tư tưởng triết học và văn học phương Tây, là Đặng Thai Mai. Rồi Nguyễn Đình Thi giảng về tiểu thuyết, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân nói về văn xuôi, cũng như Xuân Diệu, Chế Lan Viên giảng về thơ.
So với nhiều khoá học tương tự về sau, thì lớp Quảng Bá vẫn được coi là mẫu mực, thày giỏi, trò chăm, và điều chủ yếu là hoàn cảnh thuận lợi: miền Bắc lúc ấy còn đang trong không khí thanh bình, chưa có cái tình trạng - bảo là sôi nổi gấp gáp cũng được, mà bảo là xô bồ nhộn nhạo cũng được - của những năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại về sau.
So với các học viên phần lớn cứng tuổi trong lớp, thì Ngọc Tú và Xuân Quỳnh thuộc loại trẻ nhất.
Ngọc Tú từ một trường cấp 2 ở Hà Đông cũ tới học. Lúc ấy cô giáo bỏ nghề đang viết truyện ngắn và sẽ chuẩn bị ra trường bằng tập tiểu thuyết mỏng, khoảng 200 trang, mang tên Huệ.
Còn Xuân Quỳnh được học kỹ hơn về thơ.
Về sau này, trong một vài lần trò chuyện với lớp bạn bè tuy cùng tuổi, cùng lứa nhưng vào nghề có phần chậm hơn như bọn tôi, Xuân Quỳnh thường chỉ nói tới lớp một cách qua loa. Đại khái toàn chuyện nghịch ngợm...
 Có những lần Quỳnh ăn mặc kiểu đàn ông, lấy giấy bạc ở bao thuốc lá bịt răng, giả làm Tây, đi các phòng gõ cửa quấy phá ai ra mở thì chạy. Hoặc một vài học viên lớn tuổi hơn muốn tìm thấy ở Quỳnh một người bạn đời, nhưng Quỳnh lúc ấy đang yêu Lưu Tuấn, nên không mặn mà chút nào.
Nhưng dẫu sao những ngày đi học vẫn là một bước ngoặt trong đời Quỳnh.
Lớp học nằm trên một mảnh đất ven Hồ Tây, nhưng chính ra lại gần đê sông Hồng hơn. Chiều chiều cơm nước xong, Ngọc Tú và Xuân Quỳnh rủ nhau vượt qua con đường nhựa lên ngồi trên con đê, nhìn ra bãi sông.
Có Ngọc Tú bên cạnh, nhưng nhìn khoảng không bao la trước mắt, nghĩ đến đoạn đường đời tiếp theo, Xuân Quỳnh vẫn cảm thấy hết sức cô đơn. Trước mắt với Quỳnh có mấy việc phải lựa chọn.
Một là chuyện tình cảm riêng tư.
Hai là chuyện chọn nghề: ở lại văn công hay chuyển hẳn sang viết văn làm thơ.
Duyên dáng xinh đẹp, lại công tác ở một đoàn ca múa, một môi trường của thanh của sắc, Xuân Quỳnh lúc ấy là đối tượng chú ý của nhiều người. Song, sau một vài thất vọng về người này người kia, Quỳnh sớm tính chuyện ổn định lâu dài với Tuấn, một nhạc công violon cùng công tác trong đoàn.
Dưới đây, khi dừng lại ở tập thơ Chồi biếc, chúng ta sẽ còn trở lại với chuyện tình yêu. Ở đây, hãy nói kỹ về chuyện chọn nghề của Xuân Quỳnh.
Việc làm thơ ở Quỳnh hình thành tự nhiên, như là việc nhà: thấy cha hoặc chị Đông Mai làm thì cũng “vui tay” làm thử. Nhưng không chỉ có bắt chước mà đây cũng là nhu cầu tự nhiên của chính Quỳnh nữa.
Ta cũng không nên quên rằng sau khi vào Sài Gòn, ông Nguyễn Quang Lục có để lại cho hai cô con gái mấy tủ sách. Theo Xuân Quỳnh kể trong một bản tự thuật khi đọc các bậc thày tiền  chiến Tôi có cảm tưởng là tôi cũng có thể viết được như vậy, một cách dễ dàng. Và tôi đã khao khát được viết. Nhưng say mê hơn cả vẫn là thơ.. Đằng sau những bài thơ bao giờ tôi cũng cảm thấy bao điều kỳ diệu. Và tôi tin rằng các nhà thơ là những vị thánh. Cho mãi đến bây giờ, tôi vẫn thấy thơ là một nghệ thuật kỳ diệu nhưng khó mà đi tới, mặc dù vậy vẫn không bao giờ có thể bỏ được thơ! (ghi chép trong Lý lịch Hội viên Hội Nhà văn V.N.)
Một tình yêu như thế, kể cũng đã sâu nặng lắm. Một cái đích như thế, kể cũng có sức vẫy gọi lắm. Nhưng muốn đến với thơ Xuân Quỳnh phải từ bỏ, một nơi đang sống đầm ấm dễ chịu. Thế mới khó xử.
Cuối đợt học tập ở trường Quảng Bá, Xuân Quỳnh cũng như các học viên khác được cử đi các địa phương, để vừa thâm nhập thực tế vừa viết.
Số Xuân Quỳnh vốn có duyên nợ với biển.
 Sau này, trong mấy năm 1969  - 72, Xuân Quỳnh còn có dịp đi Cát Bà, và đi các vùng ven biển Thái Bình, Quảng Bình, Vĩnh Linh. Lần này, cùng với Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Quỳnh đi đảo Cô Tô.
Trong số những lá thư Xuân Quỳnh gửi từ Cô Tô về, có lá thư gửi Vân Long đề ngày 5-9-63 mà  sau đây là một đoạn trích . Theo chính Vân Long kể  anh đã sơ ý để phần đầu bị xé, nhưng phần sau thì cũng đã nói được cái sự ngổn ngang trăm mối bên lòng Xuân Quỳnh lúc này.
“Ban đêm thì cuộc sống ở đây cách biệt hẳn với đất liền. Vì ban ngày người ta còn có thể nhìn thấy một cánh chim, những con thuyền như những đường liên lạc giữa đất liền và biển.
Hôm qua, tôi mơ thấy tôi vẫn sống ở trong đoàn như trước. Gần gũi bao nhiêu bạn bè ở Hà Nội, lúc giật mình tỉnh dậy thì chỉ có một mình bơ vơ. ở góc buồng đằng kia có ông bạn mắc bệnh thần kinh, thỉnh thoảng cứ hát líu ríu. Ông Trọng Oánh giường bên vẫn ngáy đều đều (ông ta vừa viết xong lá thư cho vợ) chỉ còn mỗi con mọt cứ cọt kẹt dưới giường đến là bực mình.
Ngoài trời, trăng vẫn sáng (chả hôm nay là 16 ta mà), biển vẫn thức, vẫn cái âm thanh ào ạt vỗ vào bãi cát. Buồn thật!
Vừa hôm nào tôi ở gần bao nhiêu người thân yêu của tôi, bây giờ tôi ở đây, cách bao nhiêu núi và nước! Tôi đã quyết định không đi ngoại quốc, tôi đã quyết định bỏ đoàn, xa anh Tuấn xa bạn bè và nghề nghiệp, cái nghề nghiệp tự tay mình xây dựng trong 8 năm trời. ồ, nếu tôi ở lại tôi sẽ sống một cuộc sống êm ấm bao nhiêu, tôi sẽ được đi nước ngoài nhiều, mà đi nước ngoài chả là bồi bổ cho kiến thức là gì? Tôi lại được gần người yêu, và tất nhiên sau nay không ai bỏ rơi tôi.
Ở đây cứ mỗi buổi chiều và ban đêm là tôi lại thấy buồn cả lên. Giá ước gì không có ban đêm và buổi chiều nhỉ.”
Xuân Quỳnh vốn là người hay ngủ mơ (có khi, như Xuân Quỳnh kể, trong giấc mơ làm được cả một bài thơ đầy đủ, chỉ có điều không hay nên không chép lại làm gì!)
Cái chuyện mơ thấy những ngày yên ấm ở đoàn Quỳnh nói trong thư, chẳng qua chỉ “tố cáo” sự quyến luyến của Xuân Quỳnh với hoàn cảnh cũ, và cái đau xót của sự biệt ly.
Một nhân vật trong kịch B. Brecht từng than thở:
- Những lúc quan trọng nhất nhìn đi nhìn lại chỉ thấy một mình.
Xuân Quỳnh ở đây giãy giụa trong một quyết định lớn lao, một phần cũng là vì quá đơn độc như vậy.
Một khía cạnh đau xót khác của quyết định này: nơi đi tới lại là mịt mờ không định. Trong một lá thư  khác gửi Vân Long, Xuân Quỳnh tâm sự:
Đó, trước mắt tôi là hạnh phúc  là yên ấm. Thế mà tôi từ bỏ tất cả. Tất nhiên trên đời này, được cái nọ phải mất cái kia. Nhưng biết rằng mình có được cái mà mình định đổi không? Tôi không ngại gian khổ về vật chất, tôi chỉ buồn về tình cảm. Chắc anh biết: tôi, một con bé luôn thiếu tình cảm, mà bây giờ vẫn chẳng hơn gì. Tới bây giờ như kẻ đứng giữa ngã ba đường vắng mà trời thì tối, chẳng biết hỏi ai. Giá mà bây giờ có ai bảo hộ tôi một điều rằng: “đi con đường này là đúng”, thì dù có gục ngã giữa đường tôi vẫn cứ đi. Tôi chỉ sợ mình không biết phương hướng rồi sau này cũng chả ra trò trống gì, mà cứ lo nghĩ mãi thế này thì hết đời. Anh Long, tôi biết anh thông cảm với tôi, anh thương tôi như một người em, anh nói với tôi thêm về con đường tôi phải đi cho tôi bớt lo lắng”.
Đọc ít dòng thư này những ai có dịp quen biết Xuân Quỳnh hẳn nhận ra cái giọng riêng  cùng là  ý chí mạnh mẽ của Xuân Quỳnh: Không sợ khổ, không sợ vất vả, chỉ sợ mình quyết định không đúng. Không cần ai làm hộ mình cả, chỉ mong chờ một sự hướng dẫn chính xác. Nhất là khi ta nhớ rằng con người ấy còn trẻ, thì sự thiết tha ở đây càng hiện ra như một tiếng kêu xót xa, mà giá ai có mặt ở đấy, không thể dửng dưng (Vân Long thú nhận “Tôi không nhớ tôi đã trả lời Quỳnh ra sao, nhưng ai mà im lặng được trước lời kêu gọi khẩn thiết ấy!”)
Khi nhìn lại cuộc đời sáng tác của Xuân Quỳnh, người ta có thể chê trách nhiều điều: sự chuẩn bị của Quỳnh cho nghề khá sơ sài, sự hạn chế của học vấn khiến cho Quỳnh không sao tiến xa được. Nhưng một là Quỳnh rất hiểu những hạn chế của mình, cái phần kiến thức cần phải được bồi bổ mà chưa cách gì bồi bổ cho được; hai là, Quỳnh đã đắn đo rất nhiều, phải nói là đứt lòng đứt ruột đau đớn nhưng vẫn quyết định theo hướng cần quyết định.
 Riêng những việc đó đã chứng tỏ Quỳnh đến với nghề thật nghiêm chỉnh.
 Ai đó từng nói giản dị “ Cuộc đời là những quyết định thường xuyên. Lúc nào cũng phải lựa chọn”.
Một người khác  còn nói đến một cái gì đó, ghê sợ hơn mỗi khi phải quyết định: “Sự lựa chọn của mỗi người với chính mình, cho chính mình, làm nên cái mà người ta gọi là số phận.”
Không phải “ma đưa lối quỷ đưa đường - Lại tìm những lối đoạn trường mà đi”, mà lần ấy, Xuân Quỳnh đã quyết định đúng. Về sau, có lần Xuân Quỳnh kể với người viết cuốn sách này:
- Tôi cảm thấy tôi sống thế thôi, đời tôi có nhiều sai lầm, nhưng không sao khác được. Nếu tôi trở lại con đường cũ, tôi lại đi theo con đường ấy. Bởi những lúc phải quyết định nhất, tôi cũng đã có những quyết định dứt khoát. Tôi toàn phải quyết định một mình thôi, nhưng là quyết định đúng (Đến đây, Xuân Quỳnh lấy một người bạn khác ra để so sánh ) Như ông Ch. chẳng hạn, cái gì ông ấy cũng tính, mà lại hỏng!


Phụ lục
Dưới đây là một lá thư khác cũng của Xuân Quỳnh viết cho Vân Long, đúng hơn là mấy trang ghi chép  của Qùynh hồi theo đơn vị văn công đi biểu diễn ở nước ngoài, được đặt bên cạnh những gửi gắm về công việc,. Tức là thư viết  trước thời gian Quỳnh theo học lớp viết văn Quảng Bá. Tôi đã được anh Vân Long  gửi cho bản photocopy bức thư này khi chuẩn bị biên tập tập sách về Xuân Quỳnh 1989  Xin phép anh Vân Long giới thiệu thư, nhân đây mong anh viết thêm về Xuân Quỳnh  giai đoạn  trước 1967 là thời gian bọn tôi, những người cùng lứa với Xuân Quỳnh, không hề hay biết

Anh Vân Long
15/7
Từ những cuộc tiễn đưa ở sân ga Hà Nội đến những cuộc tiễn đưa cuối cùng ở sân ga Bằng Tường, tôi mang theo tất cả những ấn tượng tốt đẹp của đất nước đi theo.
Lần này là lần thứ hai tôi xa tổ quốc mà vẫn thấy luyến thương chẳng khác gì lần đầu. Những gì chưa gần gũi thì bây giờ lại gần gũi, những gì đã thân thiết bây giờ cũng thân thiết.
Chẳng thế nhà thơ Chế Lan Viên đã viết rằng:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn
Tuy đợt công tác này cũng chỉ bằng đợt công tác dài ở trong nước thôi nhưng vẫn thấy nhiều cảm giác mới lạ. Đó mới chỉ là cảm giác thôi chứ thật ra thì đất nước Trung Hoa vẫn chưa có gì khác lạ lắm, bởi thế cho nên ta qua bên giới mà vẫn không thể phân biệt được (cả phong cảnh lẫn con người)
À, mà có cái này cũng hay nhé! Phụ nữ ở đây mặc quần đùi dài đến đầu gối ấy. Chả biết là do điều kiện kinh tế hay do phong tục tập quán. Anh Long đã xem phim “Những kẻ bất trị” chưa! Đấy, mặc quần đùi như anh chàng nhảy xuống bể bơi mà không biết bơi ấy.
Giá mà nhà “thi sĩ” Vân Long ở đây thì có lẽ đã làm một bài thơ về chiếc quần đùi rồi đấy. Nói đùa đấy đừng giận.
Vì biết đâu “qua giọt nước người ta thấy được biển cả”, qua cái bình thường giản dị đó anh chẳng nghĩ tới cả một sự hy sinh to lớn của nhân dân Trung Quốc trong thời gian phải “thắt lưng, buột bụng” này.
16/7
Hôm nay chúng tôi đã tới Bắc Kinh. Trời lại mưa như hôm bắt đầu đi. Cái ông trời thật là lắm chuyện. “Người ta” đi thì khóc đã đành, đằng này “người ta” đến, cũng lại khóc. Do trời thôi, chứ con người ở đây thì thật nhiệt tình và cởi mở. Người ta thường bảo: ai tiếp xúc nhiều thì tình cảm nó bị nhàm đi. Những đại biểu và sinh viên Việt Nam đã từng sang Trung Quốc bao nhiêu lần mà sự đón tiếp vẫn như lần đầu gặp gỡ. Nói cho đúng hơn là những người bạn thân lâu ngày gặp lại.
19/7
Các đồng chí đứng ngoài mưa che ô cho chúng tôi lên xe. Các đồng chí hiểu được từng ý thích nhỏ nhỏ của từng người trong những bữa ăn. Và rất là tế nhị, trong những buổi đi tham quan rất mệt, các đồng chí rút ngắn thời gian lại, chúng tôi đã đi thăm đoàn ca kịch ở đây trong lúc họ diễn tập. Họ hát rất hay, chỉ tiếc rằng diễn viên “hơi xấu quá” và diễn xuất còn đang bình thường. So các vai trong vở ca kịch Ô – Nhê – Ghin thì mình không đến nỗi tự ty đâu.
Chúng tôi xem vũ kịch “Hồ thiên nga” tối hôm qua. Nghệ thuật ba lét của Trung Quốc quả là tiến đến mức độ khá, không phải hổ thẹn với một nước dân số trên 600 triệu người.
Còn dàn nhạc ở đây độ 50 người. Âm lượng và chất lượng cũng chưa thật là tốt hoàn toàn lắm. Nhận xét theo cảm tính thế thôi, chứ chưa chắc tôi đã hiểu nhiều về nhạc.
À, mà đến diễn viên vũ, vai chính mới có 19 tuổi, nhưng cũng xấu lắm trong tập thể có rất nhiều cô xinh.
Hôm nay chúng tôi đi thăm nhà quốc hội. Thật vĩ đại và đẹp. Chỗ họp chung có thể chưa tới 3 vạn người. Còn các phòng họp riêng của từng tỉnh thì có tới 28 phòng, mỗi phòng trang trí theo đặc điểm riêng của dân tộc mình. Thật là muôn mầu muôn vẻ.
Có những bức tranh chắp toàn bằng vỏ hến, có những bức tranh chắp toàn bằng tre và những bức tranh thêu rất lớn và đẹp vô cùng. Trên một chiếc ngà voi người ta chạm trổ cả một cuộc khởi nghĩa nông dân.
Những pho tượng bằng ngọc thạch diễn tả một bài thơ của Mao chủ tịch.
Ngoài ra còn có rất nhiều, rất nhiều không thể nói hết được.
Tôi cố gắng với những dòng lủng củng này (vì tôi là con ông Phạm Cao Củng mà) để có thể giúp thêm anh khái niệm một chút về cuộc đi thăm của tôi ở Trung Quốc. Có lẽ khi về tôi lại đi thăm nhiều nơi khác nữa như đi Di Hòa Viên, Cố Cung chẳng hạn.
Bây giờ vội quá không thể viết tiếp cho anh được. Chiều hôm nay chúng tôi đi mít tinh, ở đây tổ chức ngày 20/7 của ta. Tối hôm nay chúng tôi lên tàu đi Phần Lan và không dừng lại ở Liên Xô.
Tôi sẽ giở bài thơ của anh ra đọc lại
Anh làm ơn chép lại bài thơ này gửi tòa báo Tiền Phong cho tôi nếu có thể đăng được thì hãy còn kịp
Nói với Nguyệt là tôi sẽ viết thư sau nhé
Chào anh và chúc anh sáng tác nhiều hơn nữa.

Xuân Quỳnh.
-------
Còn bài này tư tưởng đi xuống đừng cho ai xem.
Một bài thơ không đề làm lúc buồn nhất
Có những ngày trôi vô ích
Như viên đạn vút qua
Bỗng trong lòng tôi nhức nhối
Phải đâu tôi sợ tuổi già!

Chỉ sợ ngày nào tôi chết
Vẫn chưa viết trọn bài thơ
Nói hết tình tôi tha thiết
Yêu đời không muốn rời xa

Tôi tin, đời cũng yêu tôi
Chắt chiu trên từng trang giấy
Mẹ vẫn thấy còn trẻ mãi
Tuy tôi không còn trên đời

Người yêu của em, anh hỡi!
 Khi em như chết đi rồi
Trong anh, tình bạn vẫn sống
Đều là một kỷ niệm vui

 Còn đây , vài câu triết lý hạng bét nhân một đêm trăng
Ô sao mặt trăng dưới nước
Mà không vớt được trên tay
Tình anh tưởng đâu gần gũi
Vẫn như xa thẳm chân mây


أحدث أقدم