VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Tú Mỡ và tiếng cười của một thời đã xa

 Lời dẫn cho hai bài viết cũ về Tú Mỡ
Các tài liệu văn học sử đều ghi Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, sinh 14-3-1900, mất 13-7-1976, nhà thơ trào phúng có chân trong Tự Lực văn đoàn; tác phẩm chính: Dòng nước ngược (1934), Nụ cười kháng chiến (1952), Bút chiến đấu (1960), Ông và cháu (1970)...

 Có nhiều cách để phân chia  các thời kỳ của xã hội VN từ đầu thế kỷ XX trở đi.
Nhiều người chia theo các tên gọi như thời tiền chiến, thời  chiến tranh 1945, thời hậu chiến sau 1975.
Tôi thì chỉ thấy có hai giai đoạn, 
một là giai đoạn từ 1975 về trước, tuy tên gọi về mặt xã hội chính trị có khác, song đó là giai đoạn của những ổn định, kể cả trong chiến tranh cũng ổn định
hai là giai đoạn từ 1975 tới nay, khi mọi sự hài hòa bị phá vỡ. 
Tú Mỡ thuộc hẳn về cái giai đoạn thứ nhất vừa nói ở trên. Ông lấy  bút danh là Tú Mỡ, là để nhại theo Tú Xương. 
Chúng ta ngày nay gần với tiếng cười hằn học hận đời Tú Xương hơn là tiếng cười  đôn hậu của Tú Mỡ
Tuy vậy thỉnh thoảng trở lại với thơ ông cũng là một cách để chúng ta  hiểu rằng dù sống ở thời đã khác, tiếng khóc câu cười của chúng ta ngày nay đã khác với các thế hệ tiền bối song nếu bình tĩnh đọc lại vẫn có thể được làm giàu thêm bởi những bài học nhân bản.
                  

                      SỰ THANH THẢN CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ


Những sự lựa chọn đích đáng 
Bạn bè nước ngoài đến Việt Nam thường bảo dân Việt là những người thích cười và chính chúng ta cũng vui lòng với những nhận xét như vậy. Ấy thế nhưng trong đáy sâu tâm thức nhiều người, tiếng cười thật ra vẫn bị coi thường. Người ta gọi đó là những trò bông lơn chọc ghẹo nhau, một thứ cười cợt bày ra cho vui, chứ chẳng có gì là nghiêm chỉnh cả. Riêng với những người có địa vị cao trong đời sống tinh thần đời xưa, tức các kẻ sĩ, thì tiếng cười lại càng không được xem trọng. Các thi sĩ xưa thường hiện ra với khuôn mặt đăm chiêu, vẻ lo đạo, lo đời, chứ không nhếch mép cười mấy khi. Cực chẳng đã, phải lấy việc gợi ra tiếng cười của mọi người làm sự nghiệp, như một Hồ Xuân Hương, một Tú Xương, thì trong thâm tâm, họ đã chấp nhận sự rẻ rúng của dư luận chính thống. Sách vở không còn ghi chép, song dựa vào cách suy nghĩ của người xưa, có thể tin chắc rằng sinh thời, cả Hồ Xuân Hương lẫn Tú Xương đều chưa được đánh giá thích đáng và chỉ đến lớp hậu thế chúng ta, các nhà thơ lớn ấy mới phần nào được đặt đúng vị trí. Trong hoàn cảnh ấy, việc một nhà thơ như Tú Mỡ, vào những năm ba mươi của thế kỷ hai mươi, dám mạnh dạn đứng ra nhận lấy việc làm thơ trào phúng, xem đó như mặt hàng "chuyên doanh", là một hành động vượt lên thành kiến thông thường. Sự cởi mở của hoàn cảnh đã giúp cho tác giả một phần. Nhưng có lẽ cái chính ở đây có một sự khôn ngoan biết điều mà không phải ai cũng có ngay được. Trong khi chấp nhận lời khuyên của Nhất Linh là bỏ hẳn thơ trữ tình để làm thơ trào phúng (tức là tiếp tục làm thơ cũ, thơ bình dân, ngay trong khi thi đàn đang sôi sục khí thế đi tìm cái mới), Tú Mỡ thực đã chứng tỏ là một con người có bản lĩnh. Ông tự tin. Ông không hùa theo phong trào, chạy theo thời thượng, mà ngược lại, tìm cách đóng góp cho cái Văn đoàn đầy tham vọng mà ông là một thành viên, bằng chính sở trường vốn có. Cái bản lĩnh này ở Tú Mỡ sẽ còn có dịp bộc lộ, khi gần như suốt thời kháng chiến chống Pháp ông nhận công tác ở một ty văn hóa địa phương và chuyên làm thơ đánh địch, lấy tên là Bút chiến đấu. Hình như với Tú Mỡ, đây là một việc làm tự nhiên, không phải phân vân toan tính gì nhiều. Đã đi kháng chiến là phải tìm cách đóng góp cho kháng chiến. Mà cách đóng góp tốt nhất, là dựa ngay vào sở trường vốn có của mình, tức là làm thơ trào phúng. Ông không có những băn khoăn nhận đường, hoặc khao khát lột xác như ở một số đồng nghiệp. Ông sớm bắt tay vào việc sáng tác đều đặn, lại theo đuổi công việc một cách hào hứng, nó khiến cho sự nghiệp của ông có thêm một mảng chắc chắn, rồi hợp với bộ phận sáng tác trước 1945, làm nên lý do để ông ở lại với lịch sử văn học.

Tiếng cười nhẹ nhàng       
Mặc dù cùng sử dụng tiếng cười làm công cụ tác động vào đời sống song giữa Hồ Xuân Hương, Tú Xương và Tú Mỡ vẫn có những chỗ khác nhau. Người kỳ nữ của đất Hà thành có tiếng cười của bậc đàn chị, đùa trêu, bỉ bác cái tẻ nhạt, cái vớ vẩn của cuộc đời và không thôi xót xa cho thân phận của mình. Trong khi ấy, tiếng cười của người thi sĩ thành Nam có cái hằn học của kẻ bất đắc chí, muốn tung phá cả xã hội thủa giao thời nhốn nháo, nham nhở. Về phần mình Tú Mỡ không tới được độ sâu sắc của hai bậc tiền bối. Trong khi chế giễu sự đời, tiếng cười của tác giả Dòng nước ngược thường không chát chúa cay độc, mà thiên về hóm hỉnh nhẹ nhàng. Trước Cách mạng, ông cười bọn quan lại tham và dốt, những "ông đồng, bà cốt" gieo rắc mê tín dị đoan cùng là kẻ dửng mỡ khoe của hoặc sống lố lăng khác đời. Trong kháng chiến chống Pháp, ông giễu bọn tướng tá thực dân cùng các hạng tay sai. Đại khái thấy gì bất hợp lý, thấy gì ngang ngược trái khoáy, là ông cười, cười một cách hồn nhiên mà không cài vào đấy một ít tâm sự riêng tư hoặc thâm trầm suy nghĩ để nâng câu chuyện lên tầm vóc một vấn đề có ý nghĩa xã hội thế này thế nọ. Sống giữa những nhà thơ người nào cũng đầy mơ mộng, cùng nhiều hoài bão lớn lao, Tú Mỡ có vẻ gì quá thiết thực. Nhưng cái tạng của ông là thế, chỉ cần chung quanh cùng cười là ông mát ruột, ngoài ra ông không muốn khác và không thể nào khác. Cũng nên lưu ý thêm là trong toàn bộ thơ Tú Mỡ có một bộ phận tuy ít nhưng đọc khá thú vị là thơ tự trào. Thủa trẻ ông cười mình bất tài lơ mơ, không được tích sự gì cho đời. Về già, ông cười mình còn ngây thơ khi đùa với các cháu. Trong cái việc lấy mình ra đùa bỡn, Tú Mỡ như muốn đặt mình lẫn giữa mọi người, biết mình cũng chưa hoàn thiện và sẵn sàng chấp nhận sự đời dang dở. Và như vậy, tiếng cười nhẹ nhàng càng có cớ để cất lên thường trực, lúc này nó đã biến thành lời tâm sự chuyện trò của ông với người thân, với đồng nghiệp, và nói chung với bạn đọc.

Con người thanh thản 
Sống trong một thế kỷ đầy biến động, song cuộc đời Tú Mỡ lại chỉ hiện ra với những đường nét đơn giản. Theo bạn bè và những người thân trong gia đình kể lại, thì cách sống của ông phải gọi là thanh bạch. Lúc nhỏ, đi học, lớn lên, đi làm nuôi gia đình. Là một công chức mẫn cán, ngay cả khi tham gia Tự Lực văn đoàn ông vẫn không rời cái "sở phi năng" (Sở tài chính) mà ông đã tòng sự liên tục từ 1918 đến 1945, tức là 27 năm trời. Đến khi được chuyển hẳn sang sáng tác, thì ông lại cặm cụi lo đọc lo viết. Mặc dù quen biết nhiều, nhưng theo Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ là người "thuốc lá không hút, chè tàu không nghiện, tổ tôm không biết đánh". Giữa đám người cầm bút đông đảo "đa ngôn đa sự", ông có vẻ như sống riêng ra, lấy sự siêng năng cần mẫn làm trọng, lấy cảnh gia đình yên ấm làm vui, không phiêu lưu không mơ tưởng hão huyền, tin rằng thiên đường chỉ có ở trên trần thế, được sống khỏe mạnh, lại có công việc ưa thích đã là tiên cảnh lắm rồi, còn như có gì khó chịu trước sự đời, thì đã có nụ cười hóa giải giúp!
Ông đến với cách sống ấy một cách tự nguyện. Ông thấy bằng lòng với nó, tự ông cho rằng đời ông chỉ nên tồn tại theo kiểu như thế. Có lần ông tả con mèo "Thờ nhà chủ cơm ăn chuột bắt - Tôi chẳng chui luồn khuất tất một ai". Một lần khác, ông nói kỹ hơn về mình, thông qua lời tự thuật của một cậu bé bán báo 
"Tôi thênh thênh như cá nước như chim trời
 Được vùng vẫy thảnh thơi là thỏa thích
 Tôi chẳng ngại cơm khi không no áo khi mặc rách
 Chỉ miễn sao cho đói sạch rách thơm
Sung sướng nhất là tôi giữ được thiện lương
 Khỏi nhơ bẩn vì bát cơm tấm áo
 Tôi chỉ là một trẻ con bán báo
 Khắp phố phường chân sáo nhảy tung tăng".

 Đằng sau tiếng cười nhẹ nhàng hóa ra có ẩn giấu một lẽ sống riêng. Lẽ sống này tuy đơn sơ, nhưng nhà thơ đã sống với nó một cách tự nhiên thuần thục, nhờ thế đời ông có được những khía cạnh lão thực mà chỉ những người từng trải mới có.


                           BIẾT CƯỜI TỨC LÀ BIẾT SỐNG

Trào phúng là một chuyện khó. Trong khi cười cợt người khác, người ta lại dễ bộc lộ chỗ tầm thường của mình, và đã đến nước ấy thì không gì cứu vãn nổi! Chỉ những tấm lòng hồn nhiên và cởi mở, hơn nữa, những đầu óc tỉnh táo, mới cười được một cách trong sáng và sâu sắc. Ít ra điều đó đã đúng với nhà thơ trào phúng thuộc loại sáng giá nhất của văn học hiện đại: Tú Mỡ.

Học để nhìn đời một cách lạc quan 
Có lần, qua một tờ báo, nhà thơ Vũ Đình Liên có gửi mấy dòng thơ tâm tình với Tú Mỡ. Tác giả Ông đồ bảo rằng đời mình "đầy rẫy những nỗi buồn không thi vị", nên muốn hỏi kinh nghiệm Tú Mỡ xem nên nghĩ sao để sống cho vui vẻ. Tác giả Dòng nước ngược liền trả lời bằng bài Lạc quan, trong đó ông kể rằng lúc trước ông cũng thường ủ rũ chán đời, và nhiều phen rên rỉ "trần ai là bể khổ". Nhưng, "thật phúc đức", ông đã mau tỉnh ngộ và thường tự nhủ hãy yên vui để làm việc và hưởng hạnh phúc ở đời; còn khi nào mệt quá, tìm nơi thanh vắng nghỉ ngơi cho đầu óc được thoải mái. Tóm lại, sở dĩ ông không buồn vì ông quyết trở thành một tín đồ của chủ nghĩa lạc quan. Dường như qua đây, Tú Mỡ muốn bộc bạch rằng nhìn đời với những khía cạnh vui vẻ của nó nhiều khi không cần bẩm sinh mà là điều người ta có thể học được; và khi nó đã thành nhu cầu nội tại, thành phương cách tự vệ của con người thì tự nhiên người ta gạt được hết mọi nỗi ưu phiền và tạo được niềm vui sống.
Theo dõi các bài thơ in trong Dòng nước ngược, thấy đối với cái định hướng tâm lý chính của đời mình, Tú Mỡ khá thành thật, thơ ông quả là tiếng cười cất lên từ sự quan sát đời sống, và càng đi theo cái hướng lạc quan như thế, ngòi bút ông càng tìm được sự hào hứng vốn rất cần cho sáng tạo. Một lần nào đó, trên chuyến tàu hỏa, Tú Mỡ chứng kiến một cảnh trái mắt: một bên là người vợ ngồi không, và luôn tay phấn son ngắm vuốt, còn một bên là anh chồng "tay cầm chai sữa, tay bồng con thơ", đến khi con ngủ lại ngân nga ru con. Thế là ông có bài Thằng... vú em. Lại một lần khác - theo lời các thành viên Tự Lực văn đoàn kể lại - mấy anh em đang cùng nhau đi chơi thì bắt gặp một cảnh lạ đời không dễ ai tưởng tượng nổi: Một viên quan ngồi trong ô tô, hai bên có bốn tên lính chạy theo vác lọng che ngoài mui xe. Trong lúc ai cũng thấy chướng nhưng chưa kịp nói gì, thì Tú Mỡ buột ra một câu khái quát: "Y đi lọng!" (chơi chữ từ tiếng Pháp idiot nghĩa là thằng ngốc), và trở về làm bài thơ Đi lọng. Cứ thế, ông viết về đủ cảnh nhố nhăng kỳ cục: những ông già làm bộ trẻ và những ông trẻ làm bộ già; những viên quan nịnh bợ dốt nát và những tờ báo chết yểu. Đặt bên cạnh những bài thơ của Tú Xương nhiều phen ngả sang cay cú hằn học, cái cười của Tú Mỡ như có gì lành hiền hơn, nhưng do đó, lại dễ chấp nhận hơn. Trên một số phương diện, Tú Mỡ gợi nhớ tới Nguyễn Khuyến, nhất là trong những bài tự trào hóm hỉnh và pha chút trữ tình.

Cốt cách dân tộc   
Ai đó từng nói: các dân tộc khóc giống nhau, song cười lại khác hẳn nhau. Một điều có thể chắc chắn hơn; xưa nay những cây bút gây cười ở ta, thường khi là những cây bút mang được căn cốt dân tộc đặc sắc. Hồ Xuân Hương, Tú Xương xưa đã thế, mà Tú Mỡ cũng thế. Không phải ngẫu nhiên, bên cạnh các bài thơ trào phúng đậm đà phong vị dân gian, Tú Mỡ còn là tác giả của những truyện thơ phỏng theo ngụ ngôn, cổ tích, và bản thân ông từng viết chèo, viết kịch dân ca.
Chính điều này cũng là nhân tố khiến cho Tú Mỡ sống chết với nghề cầm bút và có được vị trí nghề nghiệp vững chãi.
Nguyên hồi đó là khoảng những năm 1931-1932, sau những ngày du học ở Pháp về, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam bắt gặp một nét chủ yếu trong không khí thời đại: cái phong thương sầu bi kiểu Tuyết hồng lệ sử và cả Tố Tâm nữa -  đã quá đủ; nay là lúc người ta đang khao khát một đời sống tinh thần thiết thực và khỏe mạnh. Và thế là ông bắt tay làm lại tờ Phong hóa mà một trong những mục đích là tạo ra được tiếng cười vui vẻ cho xã hội. Điều đáng lưu ý là trong công việc khá tâm huyết này, một người chủ trương Âu hóa như Nhất Linh nghĩ ngay đến người bạn cũ là Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, và xem Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu là một thành viên chủ chốt trong cái văn đoàn của mình.  đây Nhất Linh có sự nhạy cảm tự nhiên: ông hiểu rằng trong đời sống, không thể thiếu tiếng cười; rằng có nhiều chuyện nghiêm túc, không thể có cách nói nào khác, ngoài cách thông qua tiếng cười. Mà để khiến cho đông đảo công chúng cùng cười, rất cần có những con người có được nét căn bản văn hóa dân tộc chắc chắn, bao gồm cả vốn liếng Hán học lẫn văn hóa dân gian. Chính Tú Mỡ đã đáp ứng được nhu cầu đó, ngòi bút của ông mang tới cho các trang báo Phong hóa, Ngày nay những tiếng cười hồn nhiên không gì thay thế nổi.

Một phương diện thường bị quên lãng

Một điều đáng tiếc với Tú Mỡ cũng như với đa số bạn đọc chúng ta, là từ sau khi in ra lần đầu cuốn Dòng nước ngược (toàn bộ ba tập) của ông ở cả Hà Nội cũng như Sài Gòn gần như không được in lại. Kế đó, trong những tài liệu nghiên cứu phê bình văn học xuất bản sau 1945 ở Hà Nội, Tú Mỡ thường chỉ được giới thiệu như một nhà thơ đả kích kẻ thù (hoặc về sau, thơ trữ tình hài hước viết cho thiếu nhi), còn cái phần cười vui, cười chế nhạo những lố lăng rởm đời lại ít được nói đến. Đã đành thơ "phản phong phản đế", thơ đả kích Việt gian bán nước là phần công lao to lớn của Tú Mỡ, và những phần thưởng cao quý ông được nhận sau những bài thơ này là rất xứng đáng. Song đã đến lúc nên nhìn nhận tài năng trào phúng của Tú Mỡ một cách toàn diện và khôi phục lại cả những bài thơ chế giễu sự đời của ông - trong số này, có một ít bài được tác giả viết với cả tâm hồn nghệ sĩ dung dị và dễ mến. Cũng như những tác phẩm hài hước chân chính, những bài thơ hay nhất của Tú Mỡ thầm bảo với chúng ta rằng hãy biết sống một cách lành mạnh, vừa chấp nhận, vừa vượt lên những ngang trái còn đầy rẫy chung quanh, và một trong những công cụ chủ yếu, để chống lại sự đông cứng của đời sống, chính là hài hước.


Hai bài trên đây đều đã in trong tập Cánh bướm và đóa hướng dương ( 1999)                








أحدث أقدم