VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký văn nghệ 1969 (V)

BUỔI ĐẦU GẶP VŨ
Hồi tết Lưu Quang Vũ phải theo đơn vị đi biểu diễn, rồi trở về, nằm viện. Anh em đến thăm đông đủ. Tất cả đều quý Vũ. Riêng Quỳnh nói với tôi mấy ý:

- Quý thì quý, nhưng không tin thằng ấy được. Nó trẻ nhất trong bọn này mà nó già quá cơ. Lúc nào cũng thấy nó thở dài, buồn.
- Sợ nhất là không biết lúc nào nó thật, lúc nào nó giả nữa. Tôi bị nó giễu nhiều bận rồi cho nên bây giờ tôi cũng cạch.
Tất cả những đầu đề nhỏ in hoa trong các trang nhật ký này đều là mới được đặt khi chỉnh lý.
- Tôi cho rằng có những chỗ mà chúng mình không bao giờ vượt qua được. Lòng tin, chế độ, Đảng, lãnh tụ. Nhưng khi bốc lên, Vũ nó phớt hết.
Rồi Vũ sẽ đi đến đâu?
Tôi quen Vũ đầu 1967, khi đến chỗ anh Chính Hữu Phòng văn nghệ, rồi kéo nhau về nhà Vũ chơi. Dạo ấy nhà đi vắng cả. Tôi lại đang theo Đoàn Kịch Quân đội về sơ tán ở 18 Trần Hưng Đạo nên đi bộ sang rất tiện. Hai đứa nấu nướng ăn uống với nhau, Vũ luôn luôn khoe những chỗ mắm mà ông bố Vũ mang về: “Bố tôi dân khu 5, mẹ tôi mới chính là người Hà Nội.” Những buổi tối ngủ nhà Vũ, thức đến 2-3 giờ, hai đứa phanh ngực ra hứng gió, đến nhà ga uống cà phê. Những tối Đoàn kịch đi biểu diễn vắng, tôi gọi nó đến, lấy bánh cuốn lên ăn, chị Thức đi biểu diễn về, cười : “Hôm nay chỉ lo Nhàn ở nhà một mình buồn, có bạn đến chơi thích quá còn gì”.
Tôi tự hỏi có cái gì để đến với các bạn. Tài năng thì... Nói ra chỉ tội nghiệp. Có lẽ chỉ còn lòng tốt. Nhưng hồi đó, sao thấy Vũ gần mình thế. Vũ kể chuyện một lần vào một ga nhỏ, thấy mấy thằng học sinh sơ tán ngồi ăn, trông nhếch nhác quá không chịu được. Phải bỏ đi ngay, không thì phát khóc mất.  Chúng tôi nói chuyện về những người đàn bà tội nghiệp ,về tình yêu đầu tiên, về những ngày đi học thanh bình. Đọc nhật ký của Vũ nữa, trong nhật ký toàn thấy chuyện đi chơi, chuyện học vẽ, chuyện buồn. Nhưng cũng thấy nổi lên là một cậu học trò ngỗ ngược. Mãi mới vào Đoàn, vì coi khinh mọi người, và có lý lẽ hẳn hoi rằng không phải mình không hoà vào họ, mà là mình cao hơn họ. Khinh ghét tất cả bọn cán bộ ở lớp... Rất thân với các cô con gái, khi học với các bạn ấy tự nhiên  chuyên cần hẳn lên. Chính Vũ còn cáu giận khi nghe một người bạn tỏ ý chán ghét tất cả mọi thứ chung quanh. Do Vũ còn nhớ rất nhiều những ngày kháng chiến trên Phú Thọ nên không bao giờ chấp nhận một thứ hoàn toàn hư vô chủ nghĩa như thế. Ngày máy bay Mỹ ném bom, cũng là ngày Vũ nghĩ mình phải đi bộ đội, chưa học hết chương trình phổ thông đã xin đi.
Tôi bảo Chu:
- Tao rất thích đọc nhật ký của nó.
 Quả thật, tôi đã mang những tập nhật ký đó lên Hương Ngải, lúc nào buồn lại dở ra đọc lại, nó như một lời thúc giục mình phải sống thẳng thắn, đàng hoàng. Chu bảo:
- Nhưng mà đéo thật đâu. Tao cũng viết nhật ký rồi tao biết, chẳng qua nó  là một thứ vuốt ve mình.
Tháng 3/67 Vũ được về Hà Nội nghỉ một tháng để chữa tập thơ. Uyên đến chơi, còn để mảnh giấy ở cửa “Về thì sang U. chơi nhé”.  Vũ mãi không đi, chỉ bảo là tao tranh thủ ở chơi thêm. Nói với đơn vị rằng phòng văn nghệ trưng dụng thêm. Mãi một hôm, đang ngồi nhà Vũ thì ông Chính Hữu đến. Tôi thấy mình ngồi đấy cũng hơi dại mặt. Cái điều mà thoáng một cái, bọn tôi hiểu ngay, thì ông Chính Hữu cứ nói đi nói lại vài lần. Và sau đó, Vũ phải về đơn vị.
Tháng hai năm nay Vũ được về Hà Nội làm gì đấy, lại rốn ở thêm. Một hôm gặp nó ở nhà Lâm Quang Ngọc, thấy nó bảo, nó ngã xe đạp, đã đi rồi, vẫy Uyên thế nào lại ngã, lộn cả xe đạp... Tôi về xin cho một cái giấy đi khám bệnh ở 354. Không ngờ sau đó lại có tin Vũ vin vào cái giấy khám bệnh đó để không về đơn vị. Đơn vị điện lên báo các đơn vị trên này rằng Lưu Quang Vũ lại đào ngũ rồi. Ông Đại Đồng hấp tấp đến NXB Văn học đề nghị hoãn việc in tập thơ của Vũ. Rồi Vũ phản kháng viết thư đến ông trợ lý văn nghệ quân chủng, nói Đại Đồng không ra thế nào. Ông Thuận định mang đi kiện. May mà đâu lại vào đấy. Chẳng kiện cáo gì nữa, ông Thuận nhượng bộ, nói trước hết là lỗi của Vũ, ông Thuận lại đi gặp văn công phòng không không quân... Trong cái lôi thôi hồi ấy, còn dính cả Đỗ Chu. Ng Khải cho Đỗ Chu một trận, cho là Đỗ Chu lá mặt lá trái, đi với Vũ thì nói rằng cứ kiện đi, lão Đại Đồng không ra gì,  lúc có ông Đại Đồng ở đấy thì lại chửi Vũ. Khi nghe ông Thuận kêu con bị bọn trẻ lôi kéo, tôi thoáng có ý nghĩ cái ông Thuận này ghê lắm, chơi với Vũ cũng phải cẩn thận. Nghĩ thế, để rồi yên lặng, chỉ nhìn mọi việc từ xa.
Tôi bắt gặp một cảm giác là lạ ở mình, một cảm giác như là thầm ghen với Vũ. Vũ nó được ấp ủ từ rất sớm trong một không khí văn nghệ thật sự. Nó viết được cũng là phải. Hình như khá nhiều anh em quen cũng bảo thế. Quả thực, trong Vũ có bao nhiêu kỷ niệm, Vũ là đại diện của những người nghệ sĩ cũ, giữa lớp thanh niên bây giờ, trong đó có cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Vũ kể chuyện ngày nhỏ có lần Vũ theo ông Tuân đi viết Sông Đà. Một hôm, trên một chiếc thuyền, ông Tuân chỉ ánh lửa trong rừng:
- Cháu có biết nó có cái chất gì không?
- Chất sơn dầu.
- Đúng, đúng, nó là cái chất sơn dầu.
Vũ kể ông Tuân đúng là một người rất thạo chuyện chuẩn bị đi xa, con người sống trên đường suốt đời đấy. Trong túi không bao giờ thiếu một cái gì cần cho các chuyến đi.
Vũ đã từng học vẽ ở ông Nguyễn Văn Tỵ, Mai Văn Hiến. Vũ đã có thơ đăng từ năm 10, 11 tuổi, thơ làm ấy chép vào một quyển riêng, tự Vũ trình bày bìa. Và Vũ sớm biết uống trà, hút thuốc lá, pha cà phê phin. Vũ kể chuyện thì cứ lăn ra mà cười: Một gánh chèo ở địa phương lên diễn ở trên này, hát những bài hát cũ nhất: hội ca cầm là hội ca cầm, (theo điệu hành vân...), trong đó có những câu: chúc các cậu các mợ kiếm nhiều lời, mặc quần pijama , như quan ba quan tư... Rồi Vũ kể cả chuyện hồi người ta đấu nhân văn giai phẩm, ở cái phòng lớn  51 Trần Hưng Đạo. Vũ trèo cây pổi ngoài sân xem, thấy người ta cãi nhau loạn xị lên, hái được ổi không thèm cho những người đang thắng thế, mà mang cho những ông bị đấu kia...
Bây giờ đây, trong phòng của Vũ, còn thấy bầy những bức tranh Vũ học từ nhỏ, như học theo hoa huệ của Tô Ngọc Vân, như minh hoạ một công chúa Ấn Độ... Và cả những tranh hơi cũ một tí, tranh người đàn bà khoả thân, tranh nào gái ngực cũng xệ xuống, ngồi đánh dương cầm. Vũ vẫn còn thích những cái như thế lắm.

THỜI CỦA ĐẠI CHÚNG
Tôi vừa đi khai mạc trại kịch về. Ông Đại Đồng mở một lớp học, chẳng những dạy về văn chương mà lại nhồi nhét cả triết học mỹ học  thêm. Nghe ông ta nói chúng ta sẽ học những con đường đi vào phạm trù mỹ học, rồi lại  hứa hẹn đào tạo những nhà viết kịch cho nhân dân, cho đất nước, chú ý tính binh chủng... thì thấy rằng ông ấy chẳng hiểu gì cả.
- Ban phụ trách lớp gồm có đồng chí Đào Hồng Cẩm, kịch tác gia quân đội (sau một ông cán bộ lên phát biểu cái gì kịch gia nhỉ?), tôi Đại Đồng, trợ lý văn học - kịch bản - hội hoạ của phòng văn nghệ...
- Tất cả chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Tôi  nhân danh bí thư chi bộ phòng văn nghệ đã trực tiếp trao nhiệm vụ cho các đồng chí đảng viên và chấp hành chi đoàn. Chúng tôi nguyện làm những chiến sĩ tốt, trước khi làm một người văn nghệ sĩ.
...
Nhìn những cậu học viên non choẹt chưa đủ bản lĩnh làm người , tôi ngờ rằng chưa thể nào có những kịch tác gia được. Người ta cứ đào tạo lớp nọ lớp kia đào tạo hàng loạt trong khi  không  bứt ra nổi một hai người đứng được.
Thế có phải là hơi quá không? Nhưng mà quả thật ở những lớp này có những chuyện làm chúng tôi không chịu nổi. Đỗ Chu kể về ông Minh Giang ở trại viết dưới Láng. Sáng bốn giờ ông ta đã không ngủ rồi, cho nên độ năm giờ là đi lay từng màn. Dậy, dậy cậu, dậy tập thể dục. Chúng mình ở cơ quan vẫn thế đấy mà. Trước khi làm người viết mình hãy làm nguời chiến sĩ tốt cái đã. Hơn một giờ học trò đấu hót chán mới tính chuyện nghỉ mà chiều, hai giờ  ông đã gọi rồi. Chu kể từng nói thẳng vào mặt.
- Hơi một tí anh cứ lo nghệ sĩ, nghệ sĩ. Chúng tôi không ngại  thứ nghệ sĩ gì cả. Chúng tôi phấn đấu thành một thứ nghệ sĩ của Đảng. Anh phải để cho chúng  tôi viết một tí chứ, lúc cơn viết lên chúng tôi thức cả đêm ấy chứ. Đằng này anh cứ nhằng nhằng theo chúng tôi, chúng tôi không hiểu anh muốn gì.
 Sang nội dung, ông ta lại gọi mọi người lại:
- Bây giờ các đồng chí về đây viết cho xuất bản, tôi cũng xin trình bày một số ý kiến về cơ quan chúng tôi. Bên chúng tôi chặt chẽ lắm, không thể như những nhà xuất bản ở ngoài. Chúng tôi bao giờ cũng phải bảo đám tính Đảng, tính dân tộc, tính nhân dân, nó là cái yêu cầu riêng của  chúng tôi.
Chu lại đốp:
- Tôi nghe tôi hiểu rồi đấy, nhưng tôi xin nói với anh thế này,  không riêng gì nhà các anh có các tính ấy, nó là cái tính chung trong đường lối văn nghệ của Đảng. Nếu  các anh có gì khác người thì các anh phải nói trước mặt cấp trên đi đã.
Giọng  Minh Giang cố ra vẻ nghiêm trang, đứng đắn mà lại hóa giả tạo. Con người của cặp, của túi dết...Con người của trích dẫn và những lời lẽ được truyền đạt riêng.  càng ra vẻ kin kín hở hở càng thấy không thật ... Nhưng người ta đang giữ quyền sinh quyền sát với mọi cây bút ở đây.
Minh Giang cũng không tha tôi:
- Hôm nay tôi đọc bài điểm sách viết về cuốn Hàm Rồng của anh Nhàn rồi. Quyển ấy trước khi đưa sang nhà Văn học cũng đưa cho chúng tôi rồi đấy, nhưng mà văn Hoàng Văn Bổn ấy mà, mới đọc thì hay, đọc kỹ thì thấy tự nhiên chủ nghĩa quá đi, không sao mà in được. Riêng về cách làm phê bình ấy mà, tôi thấy giá kể trước khi có ý kiến riêng anh nên đưa cho quần chúng ở đơn vị đọc thì tốt hơn, anh em cũng góp ý kiến thêm.
Tôi đành nói nhũn:
- Anh tính chúng tôi làm thế nào được, viết chong chóng cho đủ bài ấy mà. Với lại người viết phê bình bây giờ cốt sao phát biểu cho rõ ràng những ý kiến của mình, nếu cứ nghe người nọ người kia thì cuối cùng như cái chợ, chả đâu vào đâu. Khen một tí chê một tý, còn ra sao nữa.
- Thế hoá ra anh thấy không cần nghe ý kiến quần chúng à?
- Sao lại không nghe? Chẳng qua tôi không hỏi ý kiến của anh thôi. Mà cũng chỉ hỏi một số, chứ  ai cũng hỏi thì rồi cả năm cũng chẳng xong bài phê bình. Trong nội bộ ban biên tập tạp chí chúng tôi,  phải trao đổi với nhau chứ. Bên tôi cũng là một tờ báo đứng đắn, các anh ấy cũng là những cán bộ chính trị vững vàng, cho nên ý kiến họ góp cũng không phải là không quần chúng đâu.
Tôi nghĩ thêm về cái  gọi là tính quần chúng của loại người như Minh Giang. Không, không thể theo được. Không cứ phải quan hệ với một lô xích xông những người khác nhau mới gọi là có quan điểm quần chúng. Mà thời nay quần chúng thường chỉ là những cái bung xung, bọn cơ hội cứ lợi dụng cái đó để mà phát biểu những quan điểm riêng. Các ông to nhất Trung quốc kia kìa, chẳng phải là lợi dụng quần chúng sao!
Thời buổi hiện nay trên nhiều tờ báo thấy đăng toàn thơ những người đâu đâu ấy, những bài thơ thật xoàng, dưới cái đề mục Thơ bộ đội hoặc Thơ công nhân. Chẳng nhẽ quần chúng chỉ thích hợp với thứ ngô khoai sắn,  chưa bóc vỏ, chưa chế biến ấy sao?
Nhưng thôi, còn phải rất lâu nữa, chúng ta mới giải quyết được các  vấn đề tưởng ai cũng thống nhất đó. Ng MChâu có lần  đã “đì” Chính Hữu về chuyện này thì ông nhà thơ trưởng phòng ấy trả lời:
- Rất khó mà lay chuyển được quan niệm của những người đương thời.
أحدث أقدم