VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký văn nghệ 1968

Do không có kinh nghiệm, nên từ những ngày đầu tiên về Văn Nghệ quân đội (2-1968), tôi đã  có ghi chép một ít về cuộc sống mới của mình, nhưng những đoạn ấy  thường vừa tản mạn vừa vón cục. Chỉ tới cuối năm đó, và qua một hai năm sau, tôi mới bắt đầu có được một số đoạn ghi tạm gọi là mạch lạc, nay chỉnh lý lại cho gọn và thêm vào các tiêu đề nhỏ rồi tạm gọi là nhật ký theo ước lệ và trình ra dưới đây. Khi đưa những đoạn này lên blog, cũng như các đoạn nhật ký văn nghệ trước, tôi đinh ninh rằng nếu không phải tất cả thì phần lớn các bạn đều biết đây là chuyện trong quá khứ --  ở đây là gần năm chục năm trước -- chứ không phải quan sát và suy nghĩ hôm nay của tôi  và  những người được tôi nói tới.  
                                                   

ĐỖ CHU 
Hai ngày 27 – 28 tháng 10, cùng Đỗ Chu về Bắc Ninh. Chu vừa ở chiến trường ra, kể:


Đỗ Chu - khoảng 1968 - 1969

- Mới đầu tao định không đi. Ông Khải ông ấy mắng mỏ ghê quá, nên tao mới phải đi đấy. Đi thì thấy tiếc thời gian cũ. Ở Hà Nội sống lông bông quá. Vào đến nơi tao gửi thư luôn cho NXB Thanh Niên. Các ông vứt mấy cái mà tôi gửi tới đi, chỉ giữ lại Vòm trời quen thuộc với Một vùng phía Bắc thôi (mấy thằng ấy chúng nó chửi Sông Hồng sắc đỏ của tao ghê quá!)
Tao cũng thấy giống như ông Châu ấy, đi qua loa thì viết được. Đi kỹ thế này đéo viết được đâu. Thực tế nó khắc nghiệt lắm, những thứ mình viết lâu nay chỉ toàn nói dối thôi, thằng nào viết càng hay lại càng thành ra nói dối tợn.
Đánh nhau không phải chuyện chơi đâu, thằng Mỹ nó có tri thức lắm. Mày tưởng tượng một thằng lính công tử như thế, nó trông thấy thằng bé mười bảy nhà mình - hai thằng nhìn nhau, thằng kia nó trông mình bé quá, đứng như trẻ con, nó không nỡ giết. Thế rồi phải bắn nhau chứ!
Gặp một thằng lính B chuồn.
- Thủ trưởng đi đâu em xin đi đấy.
- Tao ra, mày có ra thì ra.
Thì nó đang khổ sở, bị bọn giao liên nó hành hạ, nó trông thấy mình vào mua gạo mua thịt dễ dàng muốn mua bao nhiêu thì mua -- thế thì làm gì chả sướng! Nó giúp mình đủ thứ. Nó bảo nó lính giữ B40 đấy, bắn một quả B40 trượt cái M113, vẫn thấy tiếc, không phải không dũng cảm đâu. Đầu đuôi chuồn chỉ có thế này thôi này: nó có một thằng bạn, thằng này tự nhiên mất tích, đơn vị cho người đi tìm. Không thấy. Ba ngày sau, trước lúc xuất kích thì thằng kia  mò về, về đến nơi thì nó ngã lăn ra, không làm việc gì được nữa. Đạn bắn nó mất miếng cằm, cả mặt vết thương toàn dòi; người thì bị những con ve nó móc vào da, bấu không ra, phải tiêm thuốc tê mới bắt ra hết được. Đấy, chỉ kinh mỗi thế mà thằng ấy trốn.

Mấy hôm trước Nguyễn Minh Châu kể, thực tế nó không có khuôn khổ nào hết. Một thằng anh nuôi bữa cơm ra chốt 40 lần. Chính trị viên bảo cậu chuẩn bị nhận huân chương. Đến lần sau thì nó đảo ngũ. Ai biết được những gì nó gặp trên đường, toàn những xác Mỹ, xác mình chết vùi xuống rồi bom nó lại cày lên. Kinh quá. Một thằng đảng viên tuyên truyền thằng khác vào Đảng, cầm cả giấy xin vào Đảng của thằng kia trốn đi. Hiện nay, lối viết giàu chất thơ là lối viết dễ ăn nhất, tránh lắm chuyện... Nhưng mà thực tế, ai cũng chán, nhiều người  thấy lối viết như của Khải còn đỡ.
Chiến tranh quá khắc nghiệt  -- quay lại lời Đỗ Chu  - Một thằng bắn B40 bị thương, thằng tân binh vừa được thằng kia chỉ bảo cho cách bắn, bảo xong thì vừa chết. ”Mày nghĩ xem, đáng nhẽ lúc ấy người ta phải trối trăng những cái gì khác cơ chứ",  Chu trầm ngâm tự hỏi.
Vẫn lời Chu:
- Những ngày này, càng thấy rung động lớn về đất nước, cái làm cho người ta chiến đấu được là đất nước. Đất nước mình ghê thật, thằng Mỹ nó có tổ chức thế, mà mình vượt được nó, tức là mình phải ghê hơn nữa. Dân ta đang tổ chức nhau lại thành một lực lượng hùng hậu, hết lớp này đến lớp khác, con người làm được mọi chuyện đấy. Thú thực, ở đằng sau còn hơi hồ nghi, chứ càng ra chiến trường lại càng tin ở chiến thắng... Con đường mòn Hồ Chí Minh đấy, từ chỗ bé tí tẹo, đến bây giờ thành con đường lớn, xe pháo kéo đi rầm rầm, nay mai cả tên lửa cũng vào nữa.


Một trang viết năm 1968

- Tao ở nhiều với TNXP. Chính bọn này, còn khổ hơn bộ đội, nhiều vấn đề hơn bộ đội. Con người ta khao khát sống, và sinh lực cũng ghê lắm, cái chuyện nam nữ ấy. Một đứa con gái ngủ với một đứa con giai trong đại đội, có con rồi, nhưng nó khai là nó ngủ với lái xe. Lái xe thì biết thế nào mà lần, còn thằng kia cứ sống đó, chả làm gì được. Một bà chính trị viên đại đội hẳn hoi, ngủ với một ông cán bộ đi qua, có chửa rồi cứ  nhận làm đủ các thứ việc cho thai nó ra mà nó không ra, đến lúc đi xin một cái bà mường thì bà ấy lại cho thuốc bổ thai mới chết chứ. Đến ngày tháng, chị ấy đẻ, binh trạm bắt nghỉ công tác chờ kỷ luật, thế nhưng cả bọn con gái trong đơn vị nó khoái, nó giúp đỡ chị ấy mọi thứ, mỗi ngày đến phiên một đứa giúp đỡ chị ấy, thì coi như là ngày sung sướng nhất đời, cứ như là vừa được về phép. Đến hôm cả bọn đang đi làm thì bom bỏ trúng doanh trại, chúng nó ùa cả về, xem thế nào. Hai mẹ con chết bom luôn, không kịp nhận kỷ luật của binh trạm.
Nhưng mà đi xem thế là đủ, chiến tranh thế là đủ rồi, mình mà tiếp tục đi xem nữa là có tội đấy!

 Nhàn: Từ lâu, anh Cao đã nói rằng đây là vấn đề của CNXH -- chính CN XH làm cho vấn đề thêm phức tạp ra.
Chu: Tất nhiên. Đúng như thế rồi, cái kiểu tổ chức của mình như hợp tác xã cũng là một thứ gom dân, giữ dân, một thứ ấp chiến lược đấy.
Vậy thì cái gì làm cho người ta dũng cảm chịu đựng ư? Có đủ mọi thứ rằng rịt. Một cô giáo ở Quảng Bình dạy học. Bây giờ người ta ăn gạo Chính phủ hết rồi: dân quân ăn với trận địa bộ đội, thanh niên xung phong ăn với binh trạm, còn cô ấy chả biết ăn vào đâu, cô ấy vớ va vớ vẩn. Bọn học trò bảo hay là cô về nhà em ăn vậy. Nhưng rồi cô giáo vẫn làm việc, vẫn dạy học được. Đấy là thứ kỷ luật của đời sống, của cuộc đời, không ai có thể thay đổi được.
Câu chuyện hàng  ngày giữa mọi người là những vấn đề chính trị, vận mệnh đất nước, chế độ. Vào những tháng cuối năm 1968 này, tất cả đều chờ đợi những biến chuyển lớn. Phải viết như thế nào đây? Hình như ở những người cán bộ chính trị thông thường có khuynh hướng đơn giản hoá, muốn văn nghệ làm một cái bóng của những người ấy, máy là giật. Nhưng những người nghệ sĩ có lương tâm nhất, để làm được công việc mà mình tự nguyện noi theo một cách đầy đủ nhất, đã cố vươn tới những vấn đề lớn ở tận đáy của nó.
TÌNH HÌNH VĂN NGHỆ
Theo Nguyễn Khải, Cái gốc[của Nguyễn Thành Long] chẳng có gì, nịnh không nên thân, cho nên mới khổ sở như thế. Tình rừng thì ghê thật, văn chương chữ nghĩa có thể làm thay đổi được lòng người.Ông Tuân  nhiều khi sống bằng những giai thoại, đó là một cách làm dáng, cố thêu dệt ra những chuyện không đâu vào đâu. Thật ra, ở những người nghệ sĩ, vấn đề lòng tin là một vấn đề lớn. Trong Tờ hoa chẳng hạn, có những chỗ lòng tin lung lay (Cũng như trong Con nuôi trung đoàn của Phù Thăng có những câu xỏ ác liệt: “cùng  lá cờ đỏ, tuỳ tình hình mà thêm khi thì búa liềm, khi thì sao vàng “)
Đáng lẽ không nên làm to ra, thì người ta lại cố tuyên truyền rằng văn nghệ sĩ là hay cứng đầu, và phải cẩn thận. Hơi một tí là thấy kêu. Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Liễn được giải ở báo Văn nghệ, nói tới việc một ông chủ nhiệm xoay xở những bì đường, cũng bị kêu... Và hình như cả truyện ngắn của Xuân Thiều Tâm sự chiến sĩ quản tượng nữa. Chẳng phải mượn voi để nói người hay sao đó? Còn Đường trong mây, có phải nghĩa là nói đường lối của đảng dẫn mọi người vào mây mù v.v....
Bên Văn nghệ, Hoàng Trung Thông mới về làm Thư ký toà soạn bị ngay mấy vố cũng hoảng.
 Khải kể một đoạn đối thoại.
Hoàng Trung Thông: Gay quá, không biết bây giờ thông qua bài vở bằng cách nào.
Nguyễn Đình Thi: Cứ cho cậu nào nhát nhất vào ngồi thông qua, chắc là được.
... Khi nghe tôi bảo “Muốn hay không muốn, chỉ biết văn nghệ sĩ ngại viết, thế là điều không nên” ông Vũ Cao im, ông Nhị Ca gật gật đầu, còn ông Nguyễn Khải:
-- Giả vờ thôi, chứ nó vẫn viết đấy.
       Nói như Đỗ Chu, chẳng có văn nghệ gì cả đâu. Nó cứ lằng nhằng như thế này thôi. Một thứ thái cực rồi, người ta đứng trước hai con đường: hoặc là chính quyền, hoặc là một nền văn nghệ chân chính. Và trong điều kiện lịch sử lúc này, người ta phải chọn cái cần ngay. Toàn nhân danh đất nước. Đã lấy đất nước mà nói thì còn ai dám ho he. 
    Xuân Quỳnh vừa viết Chuồn chuồn báo bão. Đọc bài thơ cứ có cảm tưởng là tác giả gọi ra được  than phận của chính những người văn nghệ: gợi ra mọi chuyện lung tung, rồi cũng vì đó mà khổ.  Có  người (Bằng Việt ?) bảo câu kết “Bão tố lên rồi mày ở đâu?” hơi ác.
    Xuân Quỳnh cũng nằm trong trường hợp chung của mọi người. Tập thơ mới của Quỳnh  sẽ đặt là  Hoa dọc chiến hào.  Khổ thơ cuối bài Tháng năm vốn đầy hoài nghi:
Tình yêu như tháng năm
Cũng mưa nồng nắng lửa
Lòng anh là đầm sen
Hay là nhành cỏ úa ?
Hai câu cuối đã bị đổi thành
Anh hãy như đầm sen
Anh hãy như phượng đỏ !
... Bọn tôi chỉ mong tình hình nhẹ nhàng một chút, nới ra một chút. Nới ra để Xuân Quỳnh viết có thể đặt tên tập là Sóng, mà không sợ là chỉ biết có tình yêu. Nới ra để ông Chế Lan Viên không cần viết ở cuối bài thơ về anh Trỗi... “Nhằm giặc Mỹ kẻ thù, ta nổ súng” -.

NGUYỄN MINH CHÂU
 Nguyễn Minh Châu đi chiến trường gần một năm, giờ mới về. Dạo ở nhà, tôi đã nghe  Xuân Thiều kể nhiều chuyện. Thằng ấy là nó tài tử lắm, nó không chịu ở đâu lâu... Nó có đi hải quân đếch đâu, Kỷ niệm hạm tàu là nó bịa đấy chứ... Nó phát biểu thì lung tung lắm. Thấy nhà ông gì ở gần cổng thành kia kìa, quét lại vôi, mới cho một câu: “Tao chỉ thấy thương bát cơm của dân Khu 4 xanh lại những rau...”. Thế mà nó viết thì bao giờ cũng vừa khéo, ngọt ngào lắm.
 Nguyễn Minh Châu chỉ kể ít chuyện linh tinh.
- Trong những ngày ờ hậu cứ, chán quá,  ngồi đọc đủ thứ. Sao Miền Tây của ông Tô Hoài viết chán thế! Còn ông Khải, nỗi lo của ông ấy mới thật lạ, trong khi người ta lo những chuyện mắm muối, thì ông ấy lại lo không biết mấy chục vạn quân Mỹ sau này về nước sẽ làm những gì.
- Có một cái lớn nhất, tức là người ta cũng đánh nhau, cũng dũng cảm, nhưng không phải như mình nghĩ ở nhà. Bây giờ thì chỉ cần viết sao cho lọt.
Thằng lính nó dũng cảm như thế này. Toàn bộ con người nó là một guồng máy, cái nọ nó ăn sang cái kia, chằng chịt những dây cua-roa. Thằng làm báo chỉ nói một câu là xong thôi, nhưng thằng làm văn phải giải thích được lòng dũng cảm của thằng kia, phải cắt nghĩa được rằng nó hợp lý. Những gì là anh hùng, ghê gớm ở những người khác, đối với người viết phải  được giải thích là bình thường.
- Trước khi thằng lính đổ máu, nó đã đổ mồ hôi rất nhiều. Đến 90% lính mình bây giờ các thứ trên vai. Mình trông chúng nó mỗi thằng một cái đòn gánh lại nghĩ giá bây giờ sắp hàng dọc thì sẽ được một dải đòn gánh suốt từ đây vào Nam Bộ....
- Thống nhất trước sau cũng chỉ là một ý niệm. Thằng Quang Thọ nó bảo khi nó vào đến trong B, nó trông anh bộ đội mới thật ra anh giải phóng. Mình thì mình bảo anh đánh lừa anh thôi, trước sau vẫn thế...
Cái dạo năm 1965, 66, hồi mình viết Cửa sông, cái chuyện độc lập tự do nó cũng đang còn mới mẻ, nói thế nào cũng được... Nhưng bây giờ vấn đề nó khác đi rồi.

BƯỚC NGOẶT HÒA BÌNH VỚI HÀ  NỘI
1/11/68. Lại một sự kiện lớn. Mỹ công bố việc ngừng ném bom miền Bắc hoàn toàn và có hòa đàm. Những buổi sáng, ông  Khải, ông Mai đến, người ta quây quần bàn tán đủ chuyện.
 Khải khơi mào:
- Nó như là táo bón ấy, xón ra một tí là đỏ gay tất cả mặt mũi lên, nhưng mà xón ra được là thích rồi.
Hữu Mai nói như vừa ở trong Cục ra:
- Thế mới biết càng ngày càng thấy phục các ông trên, các ông ấy giỏi thật, mình thì mình nhượng lâu rồi. Vừa rồi xem lại nó chưa ngừng ném bom thì chỉ có thế này thôi này. Đằng nào cũng thua, nhưng mà chịu ngồi vào bàn đã một lần thua rồi, lại đơn phương ngừng nữa thì hai lần thua đứt đi còn gì nữa. Mình chỉ cần có thế thôi, còn về sau thì mình thả cho nó cái gì cũng không ai người ta nói vào đâu được. Ngay thế giới nó cũng chịu mình đấy nhớ, nó tưởng chỉ ném bom hạn chế là tốt rồi, mình phải có lại chứ.
Khải lại ngả sang pha trò
- Bây giờ mặt trận không biết ai sang nhỉ? Có lẽ chỉ có ông Hiếu. Mình thì có ông nào nữa trên ông Thọ cơ. Ông Đồng... Bây giờ mà cụ Hồ sang Paris thì cả thế giới nó hoan hô... Thằng Giôn - xơn phải sang, nó được gặp cụ Hồ là vinh dự cho nó ấy chứ, làm được một cú lịch sử, giải quyết xong một trong mấy cái bi kịch lớn của nước Mỹ, về chỉ cần viết cái  mê-moa là khối tiền rồi.
 Châu:
-- Chắc đọc xong cái diễn văn ấy về thằng Giôn xơn nghĩ cũng tức hộc máu . Trời sinh Giôn xơn sao lại còn sinh cụ Hồ.
..
 Quốc Viễn bên Phòng Văn Nghệ kể là nghe đài BBC, thấy nó nói rất nhiều về lời tuyên bố của Giôn - xơn, về dư luận thế giới.
Sáng nay Vũ Cao, Chính Hữu đã được gọi lên cục họp. Vậy mà chính thức, vẫn chưa thấy nói gì. Hữu Mai kể chuyện đứng ở cửa hỏi ông Xuyên, trung tá ở bên nhà thì được trả lời “Không, đã thấy gì đâu. Đài nó nói đấy chứ. Nhưng mà bên mình làm gì đã có cái gì chính thức”. Tí nữa vào trong nhà, cái ông hàng xóm ngày ngày vẫn ngật ngưỡng chè thuốc lá ấy mới ghé tai  bảo: “Mấy hôm nay Tổng cục lãnh đạo chuyện ấy ghê lắm. Chưa có gì thì cấm nói lung tung.”
Nguyễn Khải đệm ngay bây giờ mà lại còn ngặt nghèo chuyện ấy thì chán thật. Tình hình thay đổi thì cũng phải nới ra một chút chứ!
Ở các cơ quan khác cũng vậy. Cơ quan Đài phát thanh chẳng hạn. Ai cũng biết cả, nhưng lại chỉ sợ rằng người ta tố mình nghe đài địch, nên cứ lờ đi, coi như không biết gì hết. Trong lúc trò chuyện, bây giờ nhiều khi người ta có cái thói vừa nói chuyện với nhau xong lại dặn nhau đừng có nói những cái ấy ra  --- như vậy là hết sức ngại nhau sợ nhau phản rồi còn gì ? Nhưng không bàn không xong. Chẳng ai dám nói là mình biết đầy đủ, biết hết mọi chuyện.

Nguyễn  Khải (kể về nhân vật chính của cuốn Hòa Vang mới in): Làm việc với anh Châu lẩy được cái ý khá  hay. Là anh cán bộ miền Nam nó ở trong cuộc rồi, nó đã làm cách mạng thắng rồi, nên nó không có gì phải giấu mình nữa, thích lắm. Nhân dân miền Nam phải chống lại địch vì bê bối quá rồi. Theo mình đến nửa đường mà quay về với nó cũng không được, nó cũng giết sạch. Nhưng đến bây giờ chính tôi (NgK)  vẫn chưa trả lời được câu hỏi này: Tại sao nhân dân miền Bắc không bị nó đánh trực tiếp mà có thể dũng cảm như thế. Chịu, tôi vẫn chưa giải thích  được, nên tôi cứ lờ đi, hoặc là trong lúc nói chuyện với các ông, tôi cũng cố gắng xem có cái gì manh nha hiện lên không?
... Lúc sau, cũng những vấn đề đó,  NgMChâu thủng thẳng bảo với tôi. Cứ  nói những cái gì tự  anh nghĩ ra thì sẽ tự khắc được chứ còn gì nữa?

 CẶP ĐÔI CHÂU KHẢI
 Đọc văn học xô viết, tôi thường nghĩ tới hai trường hợp hai nhà văn Nga I. Ehrenburg và K. Paustovski. Một người bám rất sát cái làn sóng thay đổi của thời đại đến mức thành quay quắt. Một người cứ đứng ra ngoài các sự kiện của cuộc đời, “ở cuối truyện đề năm nào cũng được” lại biểu hiện cái xu thế tiến lên của lịch sử .
Ở đây, cũng có hai người, họ đều mến nhau, quý nhau, mà lại viết rất khác nhau, đó là Nguyễn Khải - Nguyễn Minh Châu. Nhiều lần, NgMChâu công nhận Khải là một người thật có tài, biết cách làm việc, mỗi tác phẩm là kết quả một chuyến đi cụ thể. Biết rất rõ rằng người ta đang hạn chế, “cái phần mà mình không nên vượt “, đồng thời cố gắng làm hết sức trong cái chỗ mà mình có khả năng dốc sức ra. Người ta bắt thế nào thì bắt, mình vẫn gài được cái phần của mình vào trong đó )...
NMChâu nói với tôi, nhưng cái mà làm cho văn chương sống lâu, còn mãi trong người ta là cái lòng ưu ái, cái ấy ở Khải hơi thiếu. Sự thực thì văn chương lạ lắm, có khi bệnh chỗ này mà lại chữa chỗ khác mới khỏi, không phải anh cứ nói tất cả cái hiểu biết của anh ra, thế là người ta quý đâu. Có khi anh chẳng có gì lạ cả, người ta vẫn thích.
       Tôi cũng phụ họa, đọc Balzac, mệt lắm, đọc mãi không hết được. Còn V. Hugo chẳng hạn, đọc cứ mê đi, không muốn dứt ra.
- Cậu cứ nghiệm lại chính cậu thì cậu biết chả gì nữa.
Một khi khác, cũng  NgMChâu bảo, đọc ông Hugo nhiều khi thấy hơi rẻ tiền, ông cứ bố trí  từng khối lổn nhổn. Nhưng mà toàn bộ mà nói, lại thấy ông ấy rất thống nhất.
Cũng từ đó suy ra, NMChâu cũng không thích ở ông Khải cái chất hùng biện.
- Ông ấy đang say, nhưng mà mình nói thực, say cái món hùng biện ấy thì gay lắm. Công việc của thằng viết theo Khải là giải thích đời sống, mà  bao giờ đời sống cũng giải thích được, vậy phải giải thích tất cả trong tác phẩm. Thực ra đâu có phải thế? Có lúc người viết viết bằng một thứ giác quan thứ sáu, không hiểu sao mình lại viết ra, mà rồi từ đó  cứ tuôn ra, nó là  một sự phản ánh cuộc đời hơn là một sự giải thích.

CHUYỆN SAU NGÀY NGƯNG NÉM BOM
...  Ng Khải mới viết xong Anh hùng thời đại, rồi - không biết đây có phải là một thói quen của ông ấy - đưa cho khá nhiều người xem. Cảm tưởng chung, vẫn thấy đầu đề to hơn tác phẩm, trong tác phẩm có những chỗ mà người viết say quá, bốc quá đi. Có lẽ ông ấy có ý thức trong cái việc sẽ làm một người viết bút ký chính trị. Bây giờ công việc ấy cũng rất cần thiết. Nhưng liệu có hợp?
 Cái việc Mỹ ngừng ném bom, kéo theo một lô sự kiện về mặt đời sống văn học. Các đoàn kéo vào ầm ầm trong đó có Hội Nhà văn, báo, nhà xuất bản Văn học. Vĩnh Linh đông quá, người ta không nhận, trừ có bộ đội và giao thông vận tải, ngoài ra  ai muốn đi phải có lệnh Phủ thủ tướng. Xe của báo Văn Nghệ đi đến Hà Tĩnh bị tắc đường.
... Nhưng mà cái lớn nhất, là chuyện tâm lý. Nguyễn Khải  nói ngay từ lúc trước ngừng bắn “đi thì hay lắm, nhưng mà cũng hơi dơ” Tức là lúc gian khổ thì không thấy, bây giờ yên lành rồi mới lại ló mặt vào.
Người ta đã dự đoán từ lâu Phạm Tường Hạnh bên Đài TNVN sẽ đi đầu tiên. Bên Hội nhà văn là Tế Hanh. Quả đúng như thế.
Cho đến hôm nay 13/11, vẫn chưa thấy nói gì rằng cơ quan Văn Nghệ quân đội có thể đi cả. Vì không có xe.

NGUYỄN KHẢI
Tuần vài lần, NgKhải đến cơ quan, đến theo lối giải trí, theo cái kiểu ông ấy vào mọi phòng, nói đủ mọi thứ chuyện. Con người thông minh  bao giờ cũng chủ động được câu chuyện, chế giễu được người khác, hoặc lôi người khác vào cái mạch mà mình đang suy nghĩ, để khơi gợi ở người ta những điểm bổ sung cho mình.
 Tôi kể với ông ta chuyện Mác Các ty. Bà này bảo rằng các trí thức Mỹ cứ định dậy khôn Giôn-xơn, có biết đâu cái gì mà ông tổng thống ấy ông không biết, chỉ có làm theo cách nào mới là chỗ ông ấy phải tính.  Thế là tí nữa đã thấy ông bô hô ở chỗ khác, như chính chuyện ấy do ông ta đọc được. Nhưng cũng đã có lần tôi hố to. Hôm qua 12/11, tôi kể lại một chuyện của Vũ Hạnh  ở miền Nam - ông Khải nghe nửa chừng cho một câu vỗ mặt
- Thôi, ông nên lo viết, đừng nên kể chuyện. Chuyện  của người ta  hay thế mà ông kể đâm lại  nhạt đi, mà ông lại cười nữa...
Tôi lặng im.
Một tí nữa, ông ta vừa xem báo, vừa hát khẽ. Tôi  nói đùa: Bây giờ thì ai mà quay ri – coóc- đơ tiếng nói này lại, thì ông lại giễu người ta đến chết.
- Không, ai dám giễu. Người ta chỉ giễu người khác khi người ta ở vị trí thua kém hơn. Tôi hay mang chuyện ông học Nga văn ra trêu vì một chữ cắn đôi tôi cũng không biết... Tôi giễu  người khác cũng vậy. Khi nào mình ở vị trí cao hơn thì mình lại ra vẻ khiêm tốn. Cho nên ông Thủ trưởng nào kiêu căng với các ông cấp dưới thì dại.
 Có lúc tôi đã ngẩn ra, vì không biết nói chuyện gì với Ng Khải nữa, thấy ông là lảng.
- Dạo này bạn lờ tôi đi ghê quá.
Tôi thú thật:
- Có lờ đâu, nhưng mà chỉ thấy không biết đến nói chuyện gì thôi.  Chuẩn bị nói chuyện với anh độ mươi ngày, đến nơi vừa nói độ vài câu là hết.
Khải im không nói gì.
Với một số người, tôi chỉ tính nói để mà nói, đang chuyện nọ có thể sọ sang chuyện kia một cách lung tung không đâu vào đâu cả, mệt quá, tự mình cũng thấy mệt, rồi nói quấy nói quá gì đấy cho xong. Nói chuyện với Nguyễn Khải, Châu, Đỗ Chu,  chỉ đóng vai nghe thôi, cũng đủ thấy thú.

GẶP MẶT CẤP TRÊN
 Thứ năm 14/11, Cục tuyên huấn - ông Yên và ông Hồng Cư - gặp anh em sáng tác... Tôi nghe thông báo từ trước nói dứ với Ng MChâu sao không bảo Đỗ Chu đi dự. NgMChâu cười, đi làm gì, tránh được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Ông Châu này, hôm nọ ông Hải nói chuyện về tình hình thế giới, ông ấy còn bỏ, lần này NgMChâu đi cho là may lắm.


... Phần lớn các nhà văn của tạp chí  đều ngồi phía sau lưng ông Yên, riêng ông Châu ngồi ngược lại. Ông  bảo ngồi đây là vị trí cửa tử. Cán bộ chính trị cấp cao bây giờ, ông nào trông cũng hao hao giống nhau, người béo, cằm hơi chảy xuống, đầu chải chân phương, và chân thì đi một đôi dép nhựa. Các vấn đề được trình bày không làm cho một người như tôi ngạc nhiên. Người ta thường kêu về thiếu phương tiện,  nhất là các ông bên điện ảnh, nhiều khi phải làm phim cho cánh Tổng cục hậu cần, Tổng cục thông tin, hoặc là toàn những hội hè đình đám, chỉ vì họ có ô tô rước đón. Nguyễn Khải nói về chất lượng, sách nhà xuất bản QĐND xếp khá dày dặn ở các tủ sách đại đội, vì chẳng có ai xem cả. Không hiểu sao, người ta rất dễ tự ái. Nhị Ca  nhân danh nhà phê bình tạm xếp loại nhà văn theo số lượng bản in  từng cuốn sách. Những người như  Hữu Mai, Nguyễn Khải in được đều đặn hơn, vì có thanh thế, loại chân đất bạt bẹt như Hải Hồ, Xuân Thiều thì hơi khó khăn... Mới hé ra thế, đã lập tức bị phản ứng lại, sao lại xếp loại người ta như thế. NgMChâu an ủi  Xuân Thiều, mày vẫn hơn tao, tao còn chưa được xếp loại.




أحدث أقدم