Bài mở đầu của cuốn Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa
trong văn học Việt Nam
nxb Đại học quốc gia
Hà Nội 2005
Những cách hiểu khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau
Hàng ngày chúng ta vẫn
thường nghe nói đến hai tiếng hiện đại. Trên báo chí thời sự, trong các
văn kiện chính trị cụm từ “quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá” hoặc “sự
nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá” thường được nhắc lại với một nội dung xác
định. Hiện đại ở đây được hiểu là trình độ của những nước tiên tiến trên
thế giới, và hiện đại hoá là đưa sự phát triển của xã hội ta lên một bước làm
cho chúng ta không thua kém những nước đó.
Đây chính là nghĩa thông
thường nhất của hai chữ hiện đại.
Một nghĩa khác của từ là
nghĩa được dùng trong khoa sử học. Ở các trường cấp ba (nay gọi là phổ
thông trung học) học sinh được giảng như sau: Không kể thời cổ đại thì từ Cách
mạng tư sản Anh trở về trước là lịch sử trung đại; từ Cách mạng Anh tới Công xã
Paris (1871) là lịch sử cận đại; sau Công xã Paris, lịch sử bước sang một trang
mới là lịch sử hiện đại. (Gần đây, nhiều sách giáo khoa có sự điều chỉnh,
coi lịch sử hiện đại bắt đầu từ sau Cách mạng tháng Mười Nga.) Đây là phác đồ
chung của lịch sử thế giới. Còn trong từng nước, lại có sự xác định cụ
thể. ở Trung Hoa lịch sử từ chiến tranh Nha phiến 1840 đến 1919 - phong
trào Ngũ Tứ là lịch sử cận đại; 1919 đến 1949 là hiện đại, sau 1949 là đương
đại. Riêng ở Việt Nam, lịch sử cận đại bắt đầu từ khi người Pháp đánh
chiếm nước ta (1858) cho tới 1930, năm thành lập Đảng Cộng sản Đông
dương. Từ sau 1930 là lịch sử hiện đại.
Những cái mốc để phân
biệt lịch sử vừa nói cũng là mốc thường dùng để phân chia văn học, và trong
nhiều trường hợp trở thành quy phạm có tính chất Nhà nước. Viện Văn học
chia ra các Ban cổ-cận, Ban hiện đại theo tiêu chuẩn này. Khi làm mục lục
các bài viết in ra hàng năm trên Tạp chí Văn học và Tổng
mục lục 40 năm những người biên soạn cũng theo tiêu chuẩn này để sắp
xếp bài vở.
Thế nhưng cũng có những
cách hiểu khác, tồn tại từ rất sớm.
Khi Vũ Ngọc Phan viết Nhà
văn hiện đại (1941) ông kể gộp vào sách những nhà văn mà sự nghiệp nổi
lên từ đầu thế kỷ XX.1
Sau đó mấy năm, trong
bài viết nhan đề Sự tiến triển của văn học Việt Nam hiện đại2,
ông vẫn giữ nguyên cách hiểu như vậy.
Một tác giả khác, Đào
Duy Anh, trong Việt Nam văn hoá sử cương cũng coi văn học hiện
đại là phần văn học dùng chữ quốc ngữ mà đến thế kỷ XX mới trở nên phổ biến và
phát triển mạnh. Hoặc khi làm Biểu liệt kê tác giả tác phẩm cho
cuốn Việt Nam văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm đã chia văn học Việt
Nam theo các thế kỷ và kết thúc bằng mục Hiện đại (Thế kỷ XX).3
Ở đây, cũng nên lưu ý có
những người không dùng tới mấy khái niệm như hiện đại, thế
kỷ XX, song trong các bài viết của mình, vẫn làm toát ra một quan niệm như
vậy. Đó là trường hợp của Lê Thanh hoặc Mộc Khuê, trong các tác phẩm đã
in hoặc các bài đăng báo.
Một thời gian dài, ở ta
quan niệm “văn học hiện đại, tức là văn học thế kỷ XX” này bị coi là sơ lược,
không có triển vọng. Mãi tới gần đây, nhiều người mới quay lại với cách
phân chia ấy chẳng hạn đó là trường hợp bộ Văn học Việt Nam giai đoạn
giao thời 1900-1930 của Trần Đình Hượu và Lê Chí Dũng (bản in lần đầu
1988), hoặc công trình nghiên cứu Quá trình hiện đại hoá văn học Việt
Nam 1900-1945 của nhóm Mã Giang Lân (in ra năm 2000). Cách phân
chia này, cũng đã được áp dụng với bộ sách giáo khoa văn học dùng cho các
trường Phổ thông trung học in ra năm 2000 (mới được chỉnh lý).
Theo ý chúng tôi trong
nghiên cứu văn học đây là cách hiểu nên được thống nhất sử dụng. Nó hợp
lý bởi lẽ nó không đặt văn học trong sự phụ thuộc một cách máy móc vào các sự
kiện lịch sử mà có chú ý tới tính độc lập tương đối của văn học. Nói cách
khác nó xem xét văn học dưới góc độ văn hoá, tức là những yếu tố có tính chất
lặp đi lặp lại trong sáng tác và phổ biến bao gồm môi trường hoạt động, chủ
thể, nguyên tắc chỉ đạo sáng tác (thi pháp), thể loại... - đây là những
đặc điểm chúng tôi sẽ trở lại ở đoạn dưới. Và bởi lẽ, những đặc điểm của
văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đã tồn tại liên tục, nên hai chữ hiện đại với
nội dung xác định của nó đến nay vẫn dùng được. Đặt bên cạnh hàng chục
thế kỷ của văn học trung đại, thì thời gian của văn học hiện đại chưa phải là
dài, những quy luật chủ yếu của nó đang phát huy tác dụng.
Nhân đây xin giới thiệu
một cách giải quyết tương tự. Trên tạp chí Thế giới mới số
ra 8-3-1999 có đăng bài Vài thông tin mới về Hán tự và văn hoá Trung
quốc. Bài báo cho biết trong nghiên cứu và giảng dạy văn học hiện đại
Trung Quốc đang thấy có sự điều chỉnh. Về thời gian, trước
đây lấy mấy cái mốc 1840-1919-1949, nay các công trình nghiên cứu thường nhìn
chung cả văn học thế kỷ XX. Về không gian, trước chỉ khoanh
tròn trong văn học đại lục, nay đưa vào cả văn học Hồng Công, văn học Đài
Loan. Về quan niệm, coi văn học là một thành tố của văn hoá,
muốn hiểu văn học, phải hiểu cả lịch sử phong tục, tôn giáo... Quả thật
là những bước đột phá mà chúng ta nên tham khảo.
Nội dung của hiện đại hoá
Sau khi qui định thời
gian tồn tại của văn học hiện đại như trên, điều quan trọng là cùng nhau xác
định nội dung khái niệm hiện đại, và đi liền với nó là quá trình hiện đại hoá.
Thoạt nghe, ai cũng hiểu
ngay rằng hiện đại là lối làm nghệ thuật một cách mới mẻ, khác hẳn so với lối
cũ của ngày hôm qua. Nhưng trong thực tế nghiên cứu, từ này không có
nghĩa chung chung như thế mà có nội dung cụ thể của nó. Chúng tôi không
đủ trình độ để tìm hiểu hai chữ hiện đại dưới góc độ từ nguyên học, nhất là xác
định được khởi điểm mà từ này lưu hành rộng rãi ở Trung Quốc, trước khi truyền
sang Việt Nam, song có thể mạnh bạo dự đoán: Hiện đại chỉ được
dùng nhiều từ cuối thế kỷ XIX, nó gắn liền với một giai đoạn bột phát của sự
tiếp xúc Đông Tây, khi mà người châu á (mà gần với ta nhất là Trung Hoa) bắt
đầu có ý thức được rằng dù bản thân từng có truyền thống văn hoá lâu đời, song
hiện đang ở giai đoạn trì trệ, bế tắc, có nhiều phương diện có thể gọi là cổ hủ
lạc hậu. Vậy cái lối làm kinh tế cũng như văn chương nghệ thuật mới mẻ,
đáng gọi là xứng với thời buổi ngày nay (hiện đại) phải là gắn liền với phương
Tây, và trở nên hiện đại (hiện đại hoá) là làm theo mẫu hình phương Tây.
Từ đầu thế kỷ khi đề ra yêu cầu xây dựng nền văn hoá mới, các tác giả Văn
minh tân học sách đã nghĩ như vậy. Mà khi làm công việc ghi nhận
thành tựu những năm từ đầu thế kỷ XX trở đi, các tác giả Vũ Ngọc Phan, Đào Duy
Anh, Dương Quảng Hàm... cũng nghĩ như vậy. Nếu xưa kia, cái để ông
cha ta đối chiếu là văn học Trung Hoa, thì ngày nay, cái để con người đầu thế
kỷ trông vào học tập là cách làm văn hoá, cách nghĩ của người phương Tây.
Đây đó hai chữ Âu hoá có bị hiểu sai và việc này đã có người mang ra chế giễu,
song nhìn chung nó được dùng rất nghiêm chỉnh, và giả định một sự học hỏi tích
cực với tất cả bản lĩnh dân tộc vững chãi, chứ không phải là học đòi theo lối
nô lệ.
Sau đây là cách hiểu hai
chữ hiện đại ở một số nước gần gũi và có hoàn cảnh tương tự với Việt Nam.
Khi khái quát về tình
hình văn học ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonêxia, v.v... các tác giả
cuốn Văn học Đông Nam Á nhất trí rằng: Nếu cuộc tiếp nhận văn
hoá Trung Hoa và Ấn Độ là cuộc hội nhập văn hoá lần thứ nhất, xảy
ra trong khu vực, thì cuộc tiếp xúc với văn hoá phương Tây là cuộc hội
nhập văn hoá lần thứ hai, nó khiến cho văn học hiện đại ở các nước Đông Nam
Á mang một màu sắc mới5.
Riêng với Trung Hoa, vì
đó là một nền văn học luôn luôn có ảnh hưởng lớn đến văn học Việt Nam nên chúng
tôi muốn dừng lại kỹ hơn một chút.
Ngay từ 1945, trong một
bài viết mang tên Trên đường kiến thiết văn hoá mới ở Trung Quốc - vấn
đề dân tộc hoá, nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai đã khái quát “Vấn đề văn hoá ở
Trung quốc khoảng 100 năm nay cũng là một vấn đề nhập cảng: thâu thái những
kiến thức về kỹ nghệ, về khoa học để cải tạo nền văn hoá “ngàn xưa’ của nước
Tàu”. ở một chỗ khác (cũng bài báo trên), ông viết “vấn đề Âu hoá, hiện
đại hoá (modernisation) cũng là một vấn đề lựa chọn. Bất kỳ khoa học xã
hội hay khoa học tự nhiên, bất kỳ về phương diện tri thức hay phương diện kỹ
nghệ, văn hoá mới Trung Quốc sẽ phải góp nhặt trong văn hoá Âu Tây những thành
phần tiến bộ cái tinh hoa có thể áp dụng vào trong tình thế Trung Quốc ngày
nay".6
Trong cách hiểu của tác giả, hai quá trình Âu hoá và hiện đại hoá gần như đã được
đồng nhất.
Thế còn cách hiểu về
hiện đại hoá ở Trung Quốc hôm nay thì sao? May mắn là trong tay chúng tôi có
cuốn Sử học Trung Quốc trước gạch nối của hai thế kỷ (mới in
ra quý III-2000) trong đó có bài Sự hưng khởi và phát triển của hiện
đại hoá ở Trung Quốc.7
Dưới đây là một số đoạn trích từ bài viết kèm theo số trang ở cuối sách trên.
- Những biến cách trong
sự phát triển của Trung Quốc cũng như của thế giới, sự chuyển biến của xã hội
từ chỗ lấy nông nghiệp truyền thống là chủ đạo, chuyển hướng tới một xã hội có
nền công nghiệp hiện đại (...) xu thế lịch sử và tiến trình lịch sử này được
gọi với một cái tên thông thường, đó là hiện đại hoá (tr.321)
- Khái niệm “hiện đại
hoá” và “phương Tây hoá” được coi ngang nhau và điều này đã phản ánh
trình độ nhận thức chung của trí thức Trung Quốc... (tr.325).
- Tuy việc hiện đại hoá
của Trung Quốc lúc đầu là học tập phương Tây, song thực tế lại là giới thiệu và
học tập Nhật Bản (tr.327).
- Từ sau chiến tranh Nha
phiến 1840, người Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện hiện đại
hoá... (tr.347)
Với các học giả Trung
Quốc vậy là hiện đại hoá bắt đầu ngay từ thời kỳ mà lâu nay, theo sự quy định
của môn lịch sử, vẫn gọi là thời cận đại.
Bây giờ, chúng ta hãy
cùng trở lại với một số định nghĩa trong các từ điển. Như trên đã lưu ý,
cách phân chia ở đây là dựa nhiều vào các yếu tố văn hoá, nên nguồn sách vở mà
chúng tôi hướng tới cũng là các từ điển văn hoá học. Một cuốn từ điển
loại ấy, bản tiếng Nga có viết như sau:
- Hiện đại hoá (tiếng
Pháp moderniser). Thuật ngữ văn hoá học dùng để xác định quá
trình vận động từ xã hội tiền công nghiệp dựa trên truyền thống tới một hệ
thống kinh tế và chính trị, cũng như văn hoá tiêu biểu cho sự phát triển của
các nước tư bản (...) Những yếu tố cơ bản của quá trình này là: khả năng sử
dụng những kỹ thuật hiện đại trong những ngành then chốt của sản xuất được đẩy
mạnh; hình thức tiêu thụ được mở rộng, những điều kiện mới (về xã hội, chính
trị, văn hoá) được phát triển; nền sản xuất mới được hình thành. Quá
trình hiện đại hoá bao gồm cả việc nắm vững những kiểu dạng mới của sinh hoạt
tinh thần (kiểu tư duy mới)...
- Hiện đại hoá trong
lĩnh vực đời sống văn hoá: Quá trình vận động phát triển, từ nền văn hoá tiền
công nghiệp tới nền văn hoá đặc trưng cho các nước tư bản phát triển.
Những nhân tố cơ bản của hiện đại hoá bao gồm: đa dạng hoá các hệ thống tinh
thần và sự định hướng giá trị; thế tục hoá và đa cực hoá các ý thức xã hội và
giáo dục; làm cho ngày càng có nhiều người biết chữ; hình thành văn hoá và ngôn
ngữ dân tộc, đa dạng hoá các trào lưu tư tưởng; phát triển phương tiện thông
tin đại chúng".8
Đây cũng là quan niệm
thấy trình bày trong một số tài liệu tiếng Nga khác mà chúng tôi có điều kiện
đọc, chẳng hạn cuốn Văn hoá học xã hội của B.S. Erasov (1996)
hoặc Đại từ điển Collins về xã hội học (1999). Bản
Collins nhấn mạnh “có một sự đối lập rõ rệt giữa xã hội trước và sau hiện đại
hoá” “nhân tố quyết định của hiện đại hoá là vượt qua, thay thế những giá trị
truyền thống vốn thù địch với mọi biến động”. Hiện đại hoá như vậy là “bao
trùm lên cả công nghiệp hoá”.
Phân biệt với chủ nghĩa hiện đại
Ngoài mấy từ hiện
đại, hiện đại hoá trên sách vở báo chí còn thấy có thuật ngữ chủ
nghĩa hiện đại. Có lẽ cũng nên nói qua về khái niệm này, để tránh
hiểu lầm, và lẫn lộn khi sử dụng.
Đặt trong lịch trình
tiến hoá chung của lịch sử châu Âu thì thế kỷ XX là cả một giai đoạn đa đoan
phức tạp chưa từng có. Trước tiên là những phát minh khoa học (như sinh
học phân tử, thuyết di truyền, vật lý lượng tử và thuyết tương đối của
Einstein; phân tâm học của Freud...) làm đảo lộn nhiều quan niệm
cũ. Rồi đến những thay đổi xảy ra trên phạm vi rộng lớn, như cuộc đại
chiến thế giới thứ nhất, khiến cho tâm lý nhiều người như bị chấn động.
Ngày hôm qua thanh bình yên ả giống như một giấc mơ đã không còn nữa, thay vào
đấy là thời của mù mờ và hỗn độn. Những điều tưởng không bao giờ có thể
xảy ra, nay hiển hiện trước mặt. Những gì mà thế giới cổ điển coi là kỳ
dị thì nay là chuyện thông thường hàng ngày. Sự hiểu biết của con người
với thế giới không phải bao giờ cũng chắc chắn và đáng tin cậy, như bấy lâu
người ta vẫn tưởng. Con người không làm chủ nổi mình, còn nói chi làm chủ
hoàn cảnh! Từ ngạc nhiên đến hốt hoảng, từ náo nức say sưa đến bi quan tuyệt
vọng, từ tự hào kiêu hãnh đến cay đắng bồn chồn - bảng màu tình cảm của con
người nay thật đủ sắc thái, và mỗi loại tâm trạng này, khi được đẩy lên, tuyệt
đối hoá, biến thành một định hướng trong nghệ thuật. Chủ nghĩa ấn
tượng, chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa trừu tượng v.v...
một thời gian dài ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, các loại
chủ nghĩa này được một số người gộp chung lại là chủ nghĩa hiện đại với
hàm ý suy đồi, tiêu cực, phản hiện thực và phản nhân đạo, gắn liền với giai
đoạn đi xuống của chủ nghĩa tư bản. Nhưng ngay từ khi Liên Xô còn tồn
tại, đã có một xu thế khác nảy sinh và ngày càng được đồng tình, ấy là xem nghệ
thuật hiện đại là một hướng phát triển hợp lý của nghệ thuật ở các nước tư bản:
từng “izm” kia có thể là thiên lệch, quá đáng, song nhìn một cách tổng hợp, lại
có thể công nhận đấy là một bước tiến trong việc nhận thức đời sống.
Không phải là những biến
dạng của chủ nghĩa hiện đại này hoàn toàn xa lạ với các nước phương Đông nói
chung và Việt Nam nói riêng. Sự thực là trong quá trình vận động của
mình, văn học Việt Nam vừa diễn lại nhiều bước đi của các thế kỷ trước, vừa
đồng thời kín đáo tiếp nhận những vang vọng của châu Âu thế kỷ XX. Rất tự
nhiên là ngay từ cuối những năm ba mươi ở nhiều người viết văn Việt Nam đã ngấm
ngầm hình thành một khao khát chân chính: phải thay cách viết cho hợp với không
khí thời đại. Theo họ, cách viết cũ (mặc dù là Âu hoá, nhưng lúc này đã
cũ) dừng lại ở sự nghiêm túc, sự rõ ràng, cũng như sự hài hoà mạch lạc, trong
khi đó thời đại mới yêu cầu sự trực tiếp của cảm hứng, sự bột phát của tư
tưởng, và đôi khi vì thế mà có dẫn tới một thoáng phi lý thì cũng không có gì
quản ngại.9
Nhưng theo chúng tôi tất cả những tìm tòi trên đây của các nhà văn nhà thơ Việt
Nam chỉ dừng lại ở mức những yếu tố làm đậm đà thêm các sáng tác, mà không được
đẩy lên thành các chủ nghĩa. Sự phân cách của văn học ta với văn học thế
giới (trước tiên là phương Tây) thế kỷ XX vẫn còn nguyên vẹn, và khái niệm hiện
đại sử dụng hôm nay ở Việt Nam trên đại thể chưa có dây dưa gì nhiều với những
tìm tòi cực đoan thường thấy trong chủ nghĩa hiện đại.
Sự liên tục của thế kỷ
Cách mạng tháng Tám mang
lại cho lịch sử Việt Nam một bước ngoặt rõ rệt. Sau gần nửa thế kỷ xây
dựng, nền văn học Việt Nam lúc này đã cứng cáp trưởng thành. Giờ đây, nền
văn học ấy tự đặt cho mình một mục đích khác trước, cách tác động tới xã hội
khác trước. Riêng với những người cầm bút, thì từ chỗ là những người lao
động tự do, nay các nhà văn đã trở thành “những chiến sĩ trên mặt trận văn
nghệ”, và hoạt động theo một định hướng tư tưởng thống nhất do Đảng Cộng sản
lãnh đạo.
Đó là một đặc điểm cơ
bản mà khi nghiên cứu văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX không thể bỏ qua.
Tuy nhiên, xét trên
nhiều mặt, giữa văn học Việt Nam trước và sau 1945 vẫn có một sự liên tục,
đến mức hoàn toàn có lý do chính đáng để xếp cả hai nằm trong một phạm trù
chung là văn học hiện đại. Trong ngôn ngữ học, hai chữ đối lập được dùng
với nghĩa thuần tuý hình thức, tức là lấy cái này đặt bên cái kia để làm nổi
bật sự khác nhau. Mượn thuật ngữ đó của ngôn ngữ học, ở đây chúng tôi
muốn nói chúng tôi không đối lập văn học Việt Nam trước và sau 1945 (đó
là một việc khác ai đó sẽ làm trong một dịp khác), mà tìm cách đối lập
toàn bộ văn học Việt Nam thế kỷ XX với nền văn học từ thế kỷ XIX trở về trước,
đối lập văn học hiện đại với văn học trung đại. Đây cũng là một hướng
nghiên cứu cần thiết và có thể nói là có hứa hẹn.
Thử áp dụng cái nhìn văn
hoá học vào nghiên cứu văn học, sơ bộ có thể nhận ra những đặc trưng nhất quán
sau đây của văn học Việt Nam hiện đại, chính nó cũng là những nhân tố tạo nên
sự liên tục của thế kỷ.
1. Sự hình
thành một môi trường văn học thống nhất trong cả nước. Sự sáng tác ở
nước Việt Nam qua các triều đại phong kiến có trồi sụt khác nhau, nhưng nói
chung có tính chất tự cấp tự túc, tác phẩm viết ra không trở thành một sản phẩm
được lưu thông trong xã hội. Xuất bản lúc ấy mang tính cách một thứ hoạt
động tiểu thủ công, manh mún, lặt vặt. Báo chí lại hoàn toàn không
có. Tác phẩm sau khi viết ra sống âm thầm như trong bóng tối, may thì gặp
người tri kỷ, không may thì xếp xó một chỗ. Bước sang thế kỷ XX, cả xã
hội là một mặt bằng liền lặn, sự sáng tạo được đặt trong mặt bằng đó để luôn luôn
lưu thông vận chuyển, từ người viết tới người đọc. Nhờ có máy in, sách
được in ra rồi nhờ có hệ thống phát hành, sách được mang bán, nơi nào có nhu
cầu là sách đi tới. Bước đầu có thể nói tới một lớp công chúng làm nên
một luồng dư luận đa dạng tác động lại sự sangs tạo. Không phải chỉ trong
điều kiện bình thường trước 1945, mà ngay trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp
và chống Mỹ, một môi trường văn chương thống nhất vẫn được duy trì và chính nó
quyết định nhiều đến nội dung của các sáng tác.
2. Sự hình
thành một lớp người làm nghề. Lắng nghe trong văn học đầu thế kỷ
người ta bắt đầu nhận ra một tiếng kêu than hơi lạ: tiếng kêu của những người
sống bằng nghề cầm bút, như Tản Đà, hoặc lớp sau, như Xuân Diệu, Vũ Trọng
Phụng... Một thứ tiếng kêu như thế chưa hề thấy trong văn học Việt Nam từ
thế kỷ XIX trở về trước, đơn giản là vì hồi ấy, những người viết văn làm thơ
chẳng qua rỗi rãi nên thử viết để trình bày vài điều tâm huyết hoặc một ít xúc
động, chứ không ai sống bằng nghề bao giờ. Có người e sợ việc hình thành
lớp người có nghề khiến cho sự sáng tạo của họ trở nên nhàm chán rồi bị thui
chột, song thực ra thì ngợc lại, do sự thúc bách của công việc mưu sinh sức
sáng tạo của nhiều cây bút lại được giải phóng. Từ sau 1945, nghề cầm bút
được quan niệm khác đi, song bộ phận chủ yếu của giới sáng tác thực tế vẫn là
làm việc trong một guồng máy riêng do Nhà nước tổ chức, và bởi họ chỉ làm những
việc có liên quan đến sáng tác nên vẫn có thể nói họ thuộc loại người viết
chuyên nghiệp mà các thế kỷ trước không có.
3. Vai trò
chỉ đạo của một nguyên tắc thi pháp khác trước. Bút pháp của văn học
cổ điển về căn bản là sùng cổ và ước lệ, tức xa lạ với tinh thần thiết thực và
chỉ có quan hệ xa xôi với thực tại đời sống đương thời. Cố nhiên, để văn
chương cử tử sang một bên, cũng còn những áng văn chương cổ ở đó phập phồng
những vui buồn đau khổ của con người. Nhưng nếu muốn tìm những tình cảnh
con người được phác hoạ, những phong cảnh được miêu tả, những phong tục được
khảo sát v.v... chỗ nào rõ chất Việt Nam thì ngay cả ở Truyện
Kiều, hoặc Chinh phụ ngâm cũng không tìm thấy. Có
điều đó không phải là lỗi của người viết, mà là do quy phạm của thời đại quy
định. Về phần nhà văn thế kỷ XX, việc hướng về đời thực, dùng những
phương cách biểu hiện vay mượn từ đời thực lại là những lề luật bắt buộc, và
chính điều này mở ra cho ngòi bút của họ một trường hoạt động rộng rãi.
Một khi các ngành nghệ thuật nghe nhìn dựa trên kỹ thuật hiện đại như điện ảnh
truyền hình phát triển, việc ghi chép đời sống lại do chính văn chương đảm
nhiệm.
4. Hệ thống thể
loại gần với châu Âu. Văn, thơ phú lục là những thể chính trong
sáng tác thời xưa. Chúng có một mục đích chung là cốt để giúp tác giả nói
chí mình (ngôn chí) nói tình cảm mình(mạn hứng), chuyên
chở tư tưởng (tải đạo). Điều đó phù hợp với thi pháp sùng cổ ước
lệ như trên vừa nói. Còn trong văn chương thời nay, người ta thấy nổi lên
những thể tài mới. Kịch nói là thể hoàn toàn ngoại nhập. Tiểu
thuyết thì ngày xưa thấp thoáng cũng có, nhưng theo một quy phạm riêng và ngày
nay ngả hẳn sang quy phạm của tiểu thuyết phương Tây. Nói chung, trong hệ
thống thể loại mới, văn xuôi đóng vai trò chủ đạo, chính nó, với khả năng phong
phú vốn có, sẽ diễn tả đầy đủ các sắc thái đa dạng của thực tại, kể cả cái
“chất văn xuôi” tức là cái chất phàm tục của đời sống đương thời. Đây
chính là một đặc điểm quán xuyến trong toàn bộ đời sống văn học thế kỷ XX, nó
làm cho hệ thống thể loại có một trọng tâm khác hẳn trước.10
5. Ngôn
ngữ văn học. Một bộ phận lớn của văn học từ thế kỷ XIX trở về trước
được viết bằng chữ Hán. Việc sử dụng một thứ văn tự xa lạ với tiếng nói
thông thường khiến cho các sáng tác lúc ấy chưa đóng góp được nhiều cho sự phát
triển ngôn ngữ dân tộc như lễ ra có thể có. Đến các tác phẩm viết bằng
chữ nôm cũng bị hạn chế, ngày nay đọc lại các tuyện nôm, chúng ta thấy ngoại
trừ những kiệt tác như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm v.v...
thì ở phần lớn trường hợp còn lại, ngôn ngữ văn học thường có phần thô thiển, khi
nôm na, dông dài, khi lúng túng học đòi và không tiêu hoá tốt những ảnh hưởng
của tiếng Hán. Bước sang thế kỷ XX, ngôn ngữ văn học nhờ tiếp thu được sự
trong sáng và khúc chiết của tiếng Pháp, nên trở thành thanh thoát và linh hoạt
hơn hẳn. Điều quan trọng nhất là từ đây, nó hướng về đời thực, muốn có
được cái vẻ tự nhiên và đa dạng của ngôn ngữ hàng ngày. Xu hướng này của
sự tìm tòi vốn đã có từ nửa đầu thế kỷ XX, đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp,
càng được thúc đẩy mạnh mẽ, nó làm cho tiếng Việt trở nên chắc khoẻ, mà cũng
linh hoạt hơn bao giờ hết và đây chính là đóng góp của ngôn ngữ văn học đối với
ngôn ngữ dân tộc nói chung.
Đến đây, có thể tóm tắt:
a) Khái niệm văn
học hiện đại trong nghiên cứu văn học, theo chúng tôi nên dành để chỉ
văn học Việt Nam thế kỷ XX.
b) Ở đâu kia, ở thời
điểm nào kia, hiện đại có thể có nghĩa khác, nhưng xét chung trong vòng hơn một
thế kỷ nay, một nền văn học hiện đại là một nền văn học xây dựng theo mẫu hình
phương Tây. Cố nhiên ở mỗi dân tộc, việc này được làm theo một
cách riêng, với sự sáng tạo riêng. Nói như Naguib Mahfouz, nhà văn Ai
Cập được giải Nobel văn chương 1988: “Những trào lưu văn hoá phương Tây đã được
chúng tôi tích nhập vào đất đai phong thổ của chúng tôi vào nền văn hoá của
chúng tôi nhuần nhuyễn đến nỗi không phân biệt được nữa. Sự đồng hoá đạt
đến nỗi tưởng như những trào lưu ấy vẫn có ở nước chúng tôi vậy".”11
c) Để chuyển dịch cả một
nền văn học (và rộng hơn cả nền văn hoá) từ mô hình trung đại sang mô hình hiện
đại, cần có cả một quá trình. Đó là quá trình hiện đại hoá văn học khởi
động từ đầu thế kỷ, và đến 1945, coi như đã hoàn thành một chặng cơ bản (Còn
như tới những năm tám mươi, chín mươi, một quá trình hiện đại hoá lại đang xảy
ra, thì đó là một việc khác, có sắc thái khác).
d) Quá trình hiện đại
hoá đồng thời cũng là quá trình trong đó các xu thế dân tộc hoá, và dân chủ hoá
đóng vai trò những định hướng liên tục và ổn định. So với văn học trung
đại, nền văn học Việt Nam hiện đại thực sự trở thành một nền văn học dân tộc,
với nghĩa đầy đủ của từ này. Mặt khác cũng chỉ đến giai đoạn hiện đại,
tinh thần dân chủ vốn sẵn có trong văn chương các thế kỷ trước, mới được hoàn
thiện. Bề nào mà xét thì văn học hiện đại cũng là cả một bước tiến lớn
lao và chúng ta chỉ hình dung ra một cách đầy đủ trong sự so sánh với quá khứ.
2001
Đã in Tạp chí
Văn học 2002 , số 1
1 “Các nhà văn hiện đại mà tôi sẽ nói đến
sau này là những nhà văn có những tác phẩm xuất bản trong khoảng ba mươi năm
gần đây”. Vũ Ngọc Phan - Nhà văn hiện đại, Nxb Khoa học xã
hội, H.1989, tr.11
2 Tạp chí Tiên phong số 3,
16-12-1945, tr. 25-27, in lại trong Sưu tập trọn bộ Tiên phong,
Nxb Hội Nhà văn, 1996, tr.127
6 Tạp chí Tiên phong, số 4-5 (Nguồn
sống mới) tr.76-80, in lại trong Sưu tập trọn bộ Tiên phong tlđd,
tr.225-227
7 Sách do Viện Thông tin khoa học xã hội,
Trung tâm khoa học xã hội nhân văn quốc gia Việt Nam biên soạn và xuất
bản. Bài Sự hưng khởi... lấy ở tạp chí Lịch sử nghiên cứu viết bằng
chữ Hán, số 5, 1998, tr.150-171. Tác giả bài viết là một giáo sư và một
phó giáo sư khoa Sử, Đại học Bắc Kinh
9 Tham khảo thêm Trần Thị Mai Nhi Văn
học hiện đại Văn học Việt Nam - giao lưu gặp gỡ, Nxb Văn học, 1994.
10 Xem thêm Trần Đình Hượu: Thực tại
cái thực và vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam trung cận đại, in
trong Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb Văn hoá thông
tin, 1995.