VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Sự tự phát hiện lại của Nguyễn Khải trong "Một thời gió bụi"


THỬ NHÌN LẠI SÁNG TÁC  CỦA NGUYỄN KHẢI
DƯỚI GÓC ĐỘ”VĂN HỌC HẬU CHIẾN” 

 Nếu có dịp trở lại với đời sống văn nghệ được phản ánh trên mặt báo bốn chục năm qua, người ta thấy rằng tên tuổi của Nguyễn Khải thường được nhắc nhở, các tác phẩm  của ông lần lượt từ Cách mạng (1978) Gặp gỡ cuối năm (1982) Thời gian của người (1985 ) thường ở vào trung tâm chú ý của dư luận.
    Mấy tác phẩm vừa kể, trong khi làm tốt công việc phục vụ giáo dục chính trị, lại đánh trúng vào tâm lý người đọc đương thời, nhất là tầng lớp cán bộ đã có đóng góp trong chiến tranh. 
    Đọc ông, người ta cảm thấy hả hê khi cảm thấy đời mình có ý nghĩa. Người ta yên tâm làm ăn kiếm sống.
     Nhưng còn đối chiếu với lòng người ở một xã hội hậu chiến thì sao? Tôi cảm thấy  việc này không nằm trong  sự quan tâm của Nguyễn Khải.
     Trước các vấn đề sâu xa nhất và do đó nhức nhối nhất, ở ông  không có cái tự phát như Lê Lựu, càng không có cái tâm huyết  như Nguyễn Minh Châu, Dương Thu Hương. 
     Khó lòng gọi ông là một nhà văn chăm chú tham gia vào các vấn đề nằm sâu trong tâm lý con người đương thời, lý do là vậy.
    Tuy nhiên trong 40 năm ấy, ở Nguyễn Khải cũng có chuyển biến, đặc biệt là vào khoảng đầu những năm chín mươi và lưu lại là tập truyện ngắn Một thời gió bụi (1993). 
     Ở đây, những vấn đề thời cuộc, dưới cái dạng dân sự của nó, được ông chú ý nhiều hơn. 
    Văn ông lúc này không có cái giọng  tự bằng lòng với mình, nó kéo dài suốt hơn mười năm cuối đời của ông kể cả trong cuốn hồi ký Thượng đế thì cười (2002). 
     Riêng tác phẩm được đọc nhiều nhất của ông Đi tìm  cái tôi đã mất (2007)của ông thì lại phải tính ở phạm trù khác.
    Nếu muốn tìm hiểu sự chuyển biến trong cách nhìn cách nghĩ của giới viết văn 40 năm qua, -- chứ không phải của Nguyễn Khải nói riêng - trường hợp Một thời gió bụi là một bằng chứng đáng để nghiên cứu kỹ lưỡng. Đó cũng là lý do tôi giới thiệu lại bài viết  dưới đây, dù nó đã được viết từ 1993  và đưa trên blog này lần đầu 7-2009.

Cùng với sự chuyển biến của thời cuộc, một trong những cây bút hàng đầu của văn học ta đang chứng tỏ sức sống bằng cách thay đổi. Ngậm ngùi, đau xót ư? Đúng. Nhưng cần thiết - chính tác giả cũng hiểu rằng không còn con đường nào khác!
Đâu là nơi bộc lộ tài năng của người viết văn xuôi? Trong khi không ít người bảo là ở sự tả, thì Nguyễn Khải cho là ở sự kể. Mỗi lần nhà văn trổ tài kể chuyện là một dịp ông đưa ra một câu chuyện sinh động, y như chuyện này là chuyện riêng của gia đình hoặc bạn bè ông, nhân vật là những người quen biết rất lâu của ông. Ông đã sống kỹ với họ, và hiểu rằng chỉ kể về họ thì mới nói lên được một ít lẽ đời.
Đã có một thời, trong giới viết văn, người ta thầm thì với nhau rằng những ai thích đánh đu với Nguyễn Khải thế nào cũng có lúc được ông ấy đưa vào truyện! Câu nói đùa suồng sã chẳng qua chỉ muốn lưu ý là ở Nguyễn Khải, khoảng cách giữa đời thực và trang viết không xa lắm, ngòi bút ông đủ sức tiêu hóa được mọi kinh nghiệm sống hằng ngày.
Về giọng điệu, Nguyễn Khải vốn nổi tiếng với một lối văn nhanh, linh hoạt, nó là bằng chứng của một cách nhìn đời sành sỏi, cái nháy mắt láu lỉnh ẩn hiện sau các trang viết. Từ hồi chuyển qua Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người, ông lại có xu thế sử dụng một lối văn rất gần khẩu ngữ, song lời kể của tác giả và tiếng nói của các nhân vật đan xen, các dòng ý thức - ở dạng sơ khởi - xâm nhập vào nhau, đối thoại với nhau. Niềm khao khát từng ám ảnh Nguyễn Khải - khao khát diễn tả cho được cái ngổn ngang bề bộn của cuộc sống hôm nay - tìm thấy ở lối văn vừa dân gian vừa hiện đại này một trợ thủ đắc lực.
Bấy nhiêu đặc điểm làm nên bút pháp Nguyễn Khải còn thấy rõ trong Một thời gió bụi. Những truyện được viết vào những năm tác giả trên dưới 60 và được in ra vào năm ông 63 tuổi này lại có những sắc thái mới mà người ta chưa bắt gặp bao giờ. Trước mắt chúng ta là một sự thích ứng vừa tự nhiên, vừa khó khăn, đồng thời là một sự phát hiện lại mình, nếu có thể nói như vậy.

Những mặt người khác lạ
Từ những năm 70 về trước, nhắc tới Nguyễn Khải là người ta nhớ tới cả loạt truyện, ở đó, ngự trị một loại nhân vật đặc biệt, những con người vừa khôn ngoan vừa khỏe mạnh, việc đời làm dễ như chẻ tre, lại tỉnh táo biết điều, lý sự thẳng băng, cười giễu ai cũng được, quát thét mắng mỏ ai cũng phải chịu.
Tới đầu những năm 80, cũng là từ cái mốc Gặp gỡ cuối năm - lần đầu tiên loại nhân vật nói trên ở Nguyễn Khải tỏ ra có chút mệt mỏi. Họ thường ngồi một chỗ, nhìn rộng ra chung quanh, suy xét, nghiền ngẫm. 
Lúc cảm thấy hết nỗi đời lắm vẻ cũng là lúc ở họ bao trùm một cảm giác sảng khoái, tự lấy làm đắc ý, hóa ra, trong sự diễn biến của lịch sử, mình đã chọn được chỗ đứng thích hợp, đã có những cống hiến không ai có thể xem thường, còn thôi từ nay về sau, việc đời là của các thế hệ kế tiếp (Lối nghĩ đó còn thấy thấp thoáng trong hình ảnh ông Ba Quốc Hội, nhân vật chính của Hai ông già ở Đồng Tháp Mười, thiên truyện viết từ 1982, song tác giả vẫn gạn lấy rồi xếp vào giữa cuốn sách Một thời gió bụi).
Nhắc lại những chuyện trên để thấy đến Một thời gió bụi, ngòi bút Nguyễn Khải đã có những bước thay đổi không ai tin nổi. 
Xưa kia loại người vụng dại, thất thế, do không may mà lệch bước, tự biết có lỗi lầm mà không sao nhúc nhích thay đổi được chính mình, loại nhân vật ấy thường chỉ được tác giả mang ra đùa cợt, và khá lắm thì đóng vai trò phụ trợ, chứ làm sao mà ngồi ngay chiếu giữa trong sách của Nguyễn Khải. Nay thì ngay thiên truyện mở đầu của Một thời gió bụi đã mang tên Anh hùng bĩ vận, và trong hàng loạt truyện tiếp theo, cái chất bĩ ấy còn được khai thác đến cùng: ở truyện này, một ông già tử tế, nhân hậu bị những người thân đành hanh, hãnh tiến ruồng bỏ (Chuyện tình của mỗi người); ở truyện kia, người chủ gia đình vốn quen lối sống phải chăng mang màu sắc công chức bị vợ con "vật ra" mà nhiếc móc ngay giữa bữa cơm khách (Đổi đời). 
 Vả chăng, vấn đề không phải chỉ là mối quan hệ với hoàn cảnh chung quanh, vấn đề cuối cùng ở đây là nhiều nhân vật của Nguyễn Khải mất hết lòng tự tin cuồng nhiệt vốn có, bỗng dưng cảm thấy mình lạc lõng ngay giữa môi trường quen thuộc, "như người vừa ở tù ra" (trang 185), đụng vào việc gì cũng hỏng, nói ra điều gì cũng thấy ngớ ngẩn không hợp, họ biết ngay là mình đã hết thời. Với họ, giờ đây, sống tức là nhẫn nhục cam chịu, dù có "chết ngay từ lúc đang sống" (tr 200) thì cũng không được buồn nản!
Nói rằng như vậy, diện nhân vật của Nguyễn Khải được mở rộng, e quá ư đơn giản. Trong việc kể lại cuộc đời những người già yếu, cũ kĩ, bị hoàn cảnh gạt sang một bên, rõ ràng ngòi bút chỉ biết sát sao riết róng của Nguyễn Khải hôm qua đã trở nên khá chừng mực, thuần hậu, cận nhân tình. Và cận nhân tình hơn cả là những truyện ở đó tác giả kể về những người vì tốt quá, biết điều và tự trọng quá, nên khổ (Cặp vợ chồng ở chân động Từ Thức, Năm tháng đã qua đi). Những kiếp sống như cây cỏ lam lũ qua ngày mà vẫn không làm sao thoát khỏi đủ thứ tai vạ rình rập (Đời khổ). 
Ở chỗ này, ngòi bút Nguyễn Khải thường khi gợi ta liên tưởng đến những bậc thầy truyện ngắn trong quá khứ. Ta dễ dàng nhớ tới Hồ Dzếnh với việc lặng lẽ chiêm nghiệm lẽ đời ngay từ cuộc sống những người thân chung quanh. Nhất là nhớ tới Thạch Lam, và phần nào đó, G. de Maupassant, với lối kể chuyện cô gọn, có vẻ như dửng dưng - cốt để làm nổi tính chất định mệnh - song nhiều khi chỉ qua một hai câu bâng quơ đã đủ thấm thía một nỗi xót xa thông cảm với những con người "thấp cổ bé họng" (giữa nhân vật chị Vách và mẹ Lê của Thạch Lam không khỏi có nhiều nét gần gũi)
 Cuộc sống bao giờ cũng đủ thứ sắc thái khác nhau và văn học có quyền khai thác bất kỳ loại tính cách nào cũng được. 
Song, những tác phẩm nghiêng hẳn sang phía thông cảm với những bất lực yếu đuối của con người, thường vẫn dễ ở lại trong tâm trí ta hơn, ta cảm thấy nó đang đi về hướng nhân bản.

Một thế giới khác
Theo cách diễn giải của Nguyễn Khải, sở dĩ một nhân vật như Tú (trong Đổi đời) và nói chung nhiều nhân vật khác của ông lúng túng, lạc lõng, lý do là vì đã bị "mất phương hướng trước những biến đổi tự phát của thời cuộc" (tr33).
Có lẽ đã được viết ra theo lối bột phát song nhận xét ấy lại bộc lộ cho thấy, trong thâm tâm Nguyễn Khải, chừng mực nào đó, cả ý niệm về hiện thực cũng đã thay đổi.
Công bằng mà nói, so với các tác giả khác, thì ở một số tác phẩm trước đây, thế giới trong Nguyễn Khải đã lắm vẻ phức tạp. Nhưng suy xét kĩ thấy đấy là một sự phức tạp rất... đơn giản. 
Nói thế giới lúc ấy vẫn có cả bóng đêm và ánh sáng chẳng qua là một cách nói ước lệ, nói cho sang, thực ra bấy giờ lúc nào nó cũng chan hòa ánh sáng, mọi việc rành rẽ dứt khoát, thiện ác, tốt xấu phân tuyến rõ ràng, còn con người thì phần lớn như những vị thánh, chỉ chăm lo có mỗi một việc là biến cải thế giới chung quanh theo niềm tin của mình. 
Nay, với các nhân vật, và với chính Nguyễn Khải nữa, đất dưới chân lay chuyển. Đồng tiền ngự trị. Thói vụ lợi tha hồ hoành hành. Mọi con người như tự khác mình đi "người ngợm, nghề nghiệp lẫn lộn lung tung cả" (tr208). Nhưng điều đáng sợ nhất chưa phải ở đấy!
 Đáng sợ nhất là thế giới ấy chập chờn ẩn hiện, ta rất dễ nghĩ sai về nó.
 Một dự đoán vừa rất có lý - như linh tính của tác giả về nhân vật Khôi trong Người của làng pháo - vài ba ngày sau đã hóa ra một nhận xét nông cạn lỗi thời. 
Một niềm tin sâu xa từng theo sát người ta trong cả cuộc đời - như niềm tin của nhân vật chính trong truyện ngắn Một thời gió bụi, và vẻ êm đềm thơ mộng của quê hương, và khả năng bao dung che chở của một nông thôn ngàn năm náu mình trong im lặng - phút chốc biến thành ngớ ngẩn giả dối. 
Vùng nông thôn ấy, cũng như cả thế giới trong Nguyễn Khải vùn vụt biến cải, chỉ có điều khác: xưa nó vận động theo cái hướng người ta đã định trước cho nó; còn nay nó diễn biến thế nào thì lại nằm ngoài lối suy nghĩ thông thường, cũng tức là nằm ngoài sự kiểm soát vốn được tiếng là khôn ngoan của lớp cán bộ như tác giả.

Cái trẻ của tuổi già
Một điều tự nhiên ai cũng biết là các nhà văn, cũng như người thường, không dễ từ giã chính mình. Qua Một thời gió bụi, ta thấy Nguyễn Khải cũng vậy. Trong những nhận xét sắc sảo thật ra vẫn chưa hết hẳn cái lanh chanh khoe khôn cũng như trong giọng kể, không khỏi có những thoáng hờn dỗi, mình khôn ngoan như thế này, biết điều như thế này, cúc cung tận tụy như thế này, mà khổ, mà lạc lõng, thì ra chung quanh nhầm rồi, đời không có mắt rồi, thật tội nghiệp quá!
May thay, những âm hưởng đó, chỉ là âm hưởng phụ. 
Cảm hứng chủ đạo chi phối Một thời gió bụi vẫn là cảm hứng rằng dẫu sao cũng phải nhìn thẳng vào sự thực, đúng như lời tác giả tự dặn ở cuối cái truyện ngắn tự thú mang tên Anh hùng bĩ vận "Hãy cười lên để tiễn biệt một thời vừa tới, cho dầu cái thời đang tới ấy không phải là thời của mình" (tr 22).
Từ góc độ bản thân tác giả mà xét như vậy là ông chấp nhận sự bất lực, sự lạc lõng, tóm lại là ông đã già? Cái đó có. Nhưng hãy trở lại với cái cuộc đời mà ông luôn luôn miêu tả với tình cảm nước đôi vừa cười cợt vừa bực bội. 
Liệu có phải là nó đang hư hỏng đi không? 
Không! Chính là tác giả cũng nói: không. 
Tuy khó chịu với nó, nhiều lúc công khai lên án vẻ tàn bạo của nó, song, với tư cách nhà văn, ông vẫn phải công nhận là nó có gì đó thiết thực hơn, hợp lý hơn cái mô hình mà xưa nay ông theo đuổi. 
Và điều quan trọng nhất tương lai thuộc về nó - tác giả chua chát thừa nhận, một sự thừa nhận tố cáo thế yếu của một con người song lại phát lộ chỗ mạnh thực sự của một ngòi bút. 
Rút cục lại, nhìn kĩ vào thế giới hiện diện trong văn Nguyễn Khải hôm nay cùng con mắt nhìn đời mà tác giả cho là phải có, thì lại có thể nói ngòi bút Nguyễn Khải, trong Một thời gió bụi, vẫn có cái phía nào đó khá chắc khỏe, do đó cũng là trẻ nữa. 
Bởi lẽ, đây là cái trẻ của một người dù đã bước sang tuổi già vẫn gắng sức cưỡng lại cái quán tính bảo thủ nằm sẵn trong chính mình, tỉnh táo nhìn ra hướng phát triển của hiện thực, một cái trẻ trong nhận thức - chứ không phải trong cảm tính, lại càng không phải trong cơ bắp thuần túy - nên vẫn có thể bảo đó là một vẻ trẻ trung thực thụ, mà người ta, dù ở lứa tuổi nào, cũng cảm thấy gần gũi.

Đã in trong Cánh bướm và đóa hướng dương 1999


أحدث أقدم