VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nên nghiên cứu bốn mươi năm qua như một giai đoạn hậu chiến


“30 năm đổi mới - nhìn lại và đi tới”  là chủ đề cuộc trao đổi của một số nhà nghiên cứu , toàn văn  được đăng tải trên Giai phm Ngưi Đô Th xuân 2016 .  Mấy ý kiến phát biểu của tôi trong cuộc trao đổi này đã được ghi lại dưới dạng tường thuật của phóng viên, các bạn có thể theo dõi qua đường link
 http://www.nguoidothi.vn/vn/news/chuyen-hom-nay/binh-luan/9045/doi-moi-lan-hai-yeu-cau-cua-cuoc-song-ky-2-.ndt
        Dưới đây tôi  lấy lại nguyên văn đoạn văn này, chỉ bỏ bớt lời dẫn để xem nó như phát biểu trực tiếp của mình và bổ sung mấy ý nhỏ ở cuối.

Nỗi buồn chiến tranh là tựa cuốn tiểu thuyết của nhà văn Bảo Ninh được trao giải A năm 1991 sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố “cởi trói” cho giới văn nghệ. “Thế nhưng chính những người bỏ phiếu cho Bảo Ninh sau đó lại tự phê phán mình, tự cho rằng mình sai lầm” . Được tiếng là đi đầu “đổi mới” nhưng cũng chính giới văn nghệ sớm quay đầu. Đổi mới nhưng không được phủ định quá khứ cũng giống như vừa uống vừa để dành ly sữa, làm sao có nổi? Vừa rồi  một chuyên gia xã hội học đã nói tới hội chứng mất hứng của con người hiện nay. Tôi thừa nhận nhiều đồng nghiệp của mình sau khi trở về chiến trường đánh mất lý tưởng cũng như không còn khao khát sáng tác mà họ từng nung nấu. Nhiều người viết theo đơn đặt hàng của Nhà nước, vừa an toàn, vừa dễ có giải thưởng, mang lại danh tiếng và tiền bạc. Hoặc viết để chiều chuộng thị hiếu thấp của công chúng. Lớp trẻ bơ vơ không có thực lực cũng đành đi theo lối mòn của các bậc đàn anh. Khi  chỉ  lo kiếm sống, -- khách quan mà nhìn --, hóa ra giới văn nghệ hiện nay quan liêu, xa lạ với hiện thực cuộc sống. Và trong khi vẫn tuyên bố rằng tích cực đổi mới, nhưng họ không đi vào tìm hiểu đổi mới ở tận bề sâu của nó, không dùng ngòi bút tham gia vào quá trình đổi mới đang vận động đầy khó khăn và bất trắc.
             Từ góc độ lịch sử,  tôi muốn đặt quá trình đổi mới  như một giai đoạn hậu chiến, lặp lại tình trạng hậu chiến đã từng diễn ra trong lịch sử dân tộc sau khi chống quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh. Và hãy xem giai đoạn lịch sử hiện nay như những bước đi bập bõm trên con đường hiện đại hóa. Có thể bảo đây chính là giai đoạn hiện đại hóa thứ hai, nó tiếp bước giai đoạn dân tộc hiện đại hóa lần thứ nhất vào đầu thế kỷ XX,  dưới sự hướng dẫn của người Pháp. Ý kiến chính của tôi là chúng ta không có sự tự nhận thức đầy đủ vấn đề này , nên đến giờ xã hội nhiều người không biết dân tộc ta đang ở trong giai đoạn nào trong lịch sử. Ghé thăm Bảo tàng Nam Định, tôi chỉ thấy tỉnh chỉ cho trưng bày những hiện vật Nam Định thời kỳ phong kiến và giai đoạn sau 1945, trắng trơn giai đoạn người Pháp đô hộ, tức là quản lý đất nước này theo những  quy luật của thế giới hiện đại. Đây không phải là kiểu tư duy riêng của Nam Định, đây là kiểu tư duy của cả nước. Chủ quan và kiêu căng  như vậy thì làm sao hiểu được hướng đi cho xã hội hiện nay”.
Trải qua mấy thập niên chiến tranh , đến nay ta vẫn chưa làm được một cuộc tổng kết sòng phẳng. Không biết chiến tranh để lại cho chúng ta những gì. Sau chiến tranh, người ta không nghĩ rằng mình phải làm khác chiến tranh. Nhờ Đổi mới mà xã hội được cởi trói. Nhưng sau một thời gian dài bị giam hãm trong thể chế quân sự hóa, người ta không biết mình đang trong tình trạng như thế nào, không biết đi đâu, chỉ hành động theo thói quen và chỉ có những hình dung rất chung chung và rất cổ lỗ về tương lai.
Về chữ “đổi mới”, khi tra các từ điển tiếng Việt cũ, tôi không thấy có từ ghép này,  nó mới xuất hiện trong  tự điển gần đây (chẳng hạn từ điển do Hoàng Phê chủ biên). Nghĩa của nó quá rộng. Nó không phải là thuật ngữ xã hội chính trị. Nó chỉ diễn tả có cái ý mơ hồ là muốn thay đổi, nhưng thay đổi thế nào thì không biết. Tuổi trẻ cuối tuần số ra 27.12 dẫn lời một ông thứ trưởng đại ý nói rằng “nếu chúng ta đi mà không biết đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến ...thì không bao giờ đi nhanh  và bền vững  được” là với ý đó. Chúng ta không chịu chấp nhận rằng mình khủng hoảng về quan niệm. 
            Chiến tranh bào mòn sức lực, trí tuệ của con người ở cả hậu phương lẫn tiền tuyến. Trong một lần du lịch bên Nhật, tôi được giới thiệu cho biết dẹp xong Shogun, những người lính nhận một ít tiền rồi về “vui thú điền viên, các viên tướng thì được thưởng công bằng những khoản lớn hơn rồi cho ra kinh doanh riêng.  Bộ máy quản lý xã hội hậu chiến của vua  Minh Trị là do các nhà trí thức, các quan lại có kinh nghiệm, những nhà kỹ trị... điều khiển. Xứ mình không thế. Ở miền Bắc, khu vực nông thôn trong thời bình bị tàn phá nhiều hơn thời chiến và nay nếu không phải là tan nát thì cũng có nhiều nét phồn vinh giả tạo. Vì sao? Vì đặt vào tay của những người rất nhiệt tình nhưng lại thiếu hiểu biết cần thiết về quản lý kinh tế, nói cách khác là làm kinh tế theo kiểu chiến tranh. Làm thế không những không thể thực hiện được công cuộc phát triển  theo những chuẩn mực chung của thế giới, mà trên một số phương diện còn làm hỏng con người bao gồm cả quan chức lẫn dân chúng. Từ đó, một việc rất chính đáng là đền ơn đáp nghĩa cho những người có công lớn  trong quá khứ cũng rất  khó có cơ sở để thực hiện.
أحدث أقدم