VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Bức tranh làng xã một thời quá khứ


Trên thế giới hiện có cả một môn học chuyên nghiên cứu nông thôn và nông dân nhưng ở ta, ngành này còn đang non yếu, chập chững. Điều đáng tiếc nữa là nhiều người chỉ biết tới những công trình (những bài báo, những cuốn sách) mà các tác giả như Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Từ Chi, Diệp Đình Hoa, Vũ Huy Phúc,... đã cho công bố mấy chục năm gần đây, chẳng hạn Xã thôn Việt Nam, Người Việt vùng đồng bằng Bắc bộ, Tìm hiểu làng Việt, Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, Nông thôn Việt Nam thời cận đại...


Trong khi đó, thực tế cho thấy là ngay từ 1945, trên lĩnh vực này, người Pháp đã có nhiều chuyên gia hoạt động có tính cách khai phá, cuốn sách Người nông dân châu thổ Bắc kỳ của P. Gourou , bản dịch tiếng Việt in lần đầu 2003, tái bản 2014 là một ví dụ.
Riêng phần nghiên cứu viết bằng tiếng Việt thì còn nằm rải rác trên các báo, tạp chí, tuy nhiên, ở đó cũng có nhiều trang viết có tính khái quát cao, chúng có thể giúp bạn đọc có quan tâm tới nông thôn hiểu biết sâu sắc hơn về bức tranh làng xã trong quá khứ, từ đó lý giải nhiều hiện tượng trì trệ bảo thủ hiện nay.
Dưới đây, chúng tôi muốn giới thiệu một trong những công trình loại đó, loạt bài Những nhận xét nhỏ về dân quê Bắc kỳ, của tác giả Tân Phong Vũ Văn Hiền, in trên một tờ tạp chí xuất bản ở Hà Nội thời gian 1941 – 1945, là tờ Thanh Nghị.
Như tác giả viết trong lời mở đầu, sau một thời gian sống hẳn ở một làng quê, ông ghi lại một số nhận xét của mình.

Thói quen biệt lập
Nét đặc trưng của đồng bằng Bắc bộ là tính chất manh mún lặt vặt, làng nhỏ thôn xóm rời rạc và được hình thành một cách tự phát. Đã có những nơi người ta định dồn các đơn vị nhỏ lẻ ấy lại thành những đơn vị lớn hơn, nhưng gặp phải sức phản kháng từ nhiều phía. Người dân muốn sống xa sự quản lý rồi dông dài thế nào cũng xong. Mà lý dịch cũng không thích ghép làng nọ với làng kia vì như vậy họ mất quyền lợi.
Các làng quen sống biệt lập với nhau, ngay các thôn trong cùng một làng cũng vậy. Vì không tin nhau, người ta thường rất chểnh mảng mỗi khi phải có việc cần đến sự cộng tác. Những quãng đường nhiều thôn cùng đi là những quãng đường ít được sửa sang nhất.

Bộ máy quản lý đơn sơ cổ lỗ
Trong phần lớn trường hợp, bộ máy này được hình thành trên cơ sở sự hiệp thương, thoả thuận giữa các phe phái trong làng, chủ yếu là xoay quanh các dòng họ. Bởi vậy, mặc dù trên nguyên tắc thì lý trưởng là người đứng đầu bộ máy hành chính, nhưng thực ra người này chịu sự khống chế của các bậc đàn anh trong dòng họ mình (nhiều khi những người này giấu mặt, song ngấm ngầm điều khiển công việc). Họ mạnh thì mới trúng được lý trưởng. Nhưng trong một làng mà vấp đâu cũng là người cùng họ thì việc điều hành của người lý trưởng có bất lực cũng trở nên dễ hiểu. Nhiều khi tình thần gia tộc diệt hết tinh thần công dân và cả những người đứng đầu trong làng cũng không thoát ra nổi tình cảnh đau xót này.
Nhưng sự bất lực của bộ máy còn đến từ nhiều lý do khác. Vì những chồng chéo trong phương thức tổ chức, nào là xóm ngõ, nào là giáp, nhiều khi các phe cánh mới sinh ra chỉ là để chống lại các phe cánh vốn có. Nhất là vì các nguyên tắc vận hành của bộ máy đó không được hình thành rõ ràng, và sự giải thích thì hoàn toàn tuỳ tiện. Rút cuộc, cả xứ như một hội riêng của những tư nhân. Nếu cái đặc tính của một pháp nhân cai trị là quyền ban hành những nghị định có ý nghĩa cưỡng bách, buộc mọi người thi hành, thì làng xứ ta chưa bao giờ có được cơ quan như vậy. Đây cũng là lý do khiến người ta nói rằng trong suốt quá trình tồn tại của mình, làng xóm mải lo làm ăn kiếm sống, mà không hình thành nổi một nền hành chính hợp lý.

Về cái gọi là nguyên tắc dân chủ ở nông thôn
Do những rơi rớt từ thời công xã nên có nhiều việc phải được sự nhất trí của đông đảo mọi người. Trước những công việc có ý nghĩa quyết định, cả làng cùng được mời ra họp. Việc làng thường định vào những ngày tuần tiết là những ngày ở đình có tế lễ và ăn uống. Khi nào có việc gì khêu gợi sự cạnh tranh và đụng chạm đến những quyền lợi có sẵn thì số người ra họp khá đông. Còn khi nào chỉ họp để dự định công việc mới mẻ nhưng chưa ai thấy lợi trực tiếp cho mình thì buổi họp rất vắng, nhiều người chỉ ra tế lễ ăn ruống rồi về. Mà cũng chẳng có lề luật nào định phải có bao nhiêu người dự bàn mới là đủ.
Thường thường những cuộc bàn cãi trong những buổi họp việc làng không dẫn đến một kết quả thiết thực gì cả. Bởi ngoài đám đông vô cảm thì một số người gọi là có hiểu biết một chút lại hay phá ngang. Chỉ cần một kẻ phản đối thì đủ làm cho điều đề nghị hay đến đâu cũng phải gác bỏ. Mà ở làng nào cũng có vài viên kỳ mục, vài người bướng bỉnh giữ thái độ phản đối: Hoặc vì họ thấy công việc sẽ làm không trực tiếp lợi cho họ, hoặc vì họ ghét người khởi xướng ra công việc ấy; đại khái họ nghĩ rằng người khởi xướng định bới ra việc để ăn - điều nghi kỵ sau này tiếc thay, nhiều khi cũng đúng.

Sự trì trệ kéo dài
Nghe thì có vẻ ngược đời, nhưng trong nhiều trường hợp, chính cái gọi là tinh thần dân chủ nói ở trên lại là nguyên nhân của tình trạng trì trệ. Nói chung, ngẫu nhiên tuỳ tiện gặp đâu hay đấy là đặc tính chi phối các hoạt động chung của làng xóm. Muốn đắp một con đường ư? Quyết định năm nay, nhưng có nhẽ rồi một hay hai năm sau mới làm xong, mỗi họ mỗi thôn mỗi gia đình ung dung tiện lúc nào thì làm lúc ấy. Muốn đào một giếng nước ăn ư? Nếu người khởi xướng ra việc đó không can đảm đứng ra mà đốc thúc thì dân làng cứ chịu khó ăn nước ao mãi. Hội đồng làng xã đặt lệ cấm đổ rác ra đường cái ư? Nếu không có một mối hiềm thù riêng từ trước, thì không một chức dịch nào thấy mình có trách nhiệm là ngăn cản hay trừng phạt người làm trái lệ ấy.

Tài chính bế tắc hay là thu chi hạn hẹp và giấm giúi
Khái niệm tổ chức sản xuất không có trong đầu những người quản lý làng xã. Sự bất lực trong hoạt động, có một lý do đơn giản: ngân sách thường rất hạn hẹp. Làm ăn kém, người dân muốn sự đóng góp càng ít càng tốt. Mà sự chi thì lúng túng, chẳng mang lại lợi ích gì chung. Thứ nữa, lý dịch chỉ nhăm nhăm chờ cho những dịp thu thuế có được ít quỹ là giấm giúi chia nhau giật tạm, việc này ai cũng biết mà không sao kiểm soát nổi. Tinh thần hoài nghi càng có dịp để mọc rễ trong tâm trí mỗi người dân thường.
Trước năm 1945, khái niệm xã hội học chưa thông dụng, song có thể nói trong bài viết này, nông thôn Việt nam trước 1945 đã được xem xét đánh giá bằng một cái nhìn mang tính cách xã hội học khá sắc sảo. Một trong những kết luận cuối cùng của người viết bài này quy lại ở một điểm thực tế: muốn cho làng xã thay đổi thì không thể và không nên để làng xã tự trị, làng nào cai trị làng ấy. Mà phải có một quy hoạch chung, hình thành nên một loại chức sắc chuyên quản lý nông thôn, loại cán bộ này (như cách ta gọi ngày nay) được đào tạo kỹ càng và do công quỹ trả lương. Có như thế thì mới khởi động cho việc đưa nông thôn ra khỏi tình trạng biệt lập trì trệ vốn kéo dài từ thời trung đại và đến nhà nước thuộc địa Pháp cũng bất lực.

Đã in Xưa & Nay, số 297, 12/2007, tr 32
أحدث أقدم