VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhân một tập truyện dịch Tchekhov 1957 do Nguyễn Tuân khởi xướng

Lời dẫn
Trước 1991, một số nhà văn VN  đã đến thăm Hội nhà văn các nước Cộng hòa vùng Ban tích thuộc Liên xô cũ, như Litva, Latvia, Estonia.
Có một chi tiết  thuộc loại cơ cấu thành viên các Hội đó mà  anh  Vũ Đình Bình có kể với tôi: ở cả ba , số nhà văn dịch giả đông hơn số nhà văn làm thơ viết truyện .

Tôi đọc được ở đây mấy ý tưởng chính:
-- Nay là lúc sự trao đổi văn hóa đã rộng mở, các sáng tác dịch từ những nền văn học lớn  viết bằng tiếng Anh tiếng Pháp tiếng Nga… trên nét lớn  có thể đáp ứng các nhu cầu trong nước nhỏ hơn.
--Trong điều kiện một nước nhỏ,  sự phát triển sáng tác là khó khăn, dịch thuật cần được coi là nhân tố gợi ý, thúc đẩy, giúp cho các ngòi bút non trẻ có chỗ học hỏi.
 -- Người ta không cố thổi những ngòi bút mới chập chững lên thành những nhà văn bất thành nhân dạng, không đạt được những chuẩn mực quốc tế.
 Tình hình này có vẻ tương phản hoàn toàn với cách nhìn nhận ở một số nước mới giành độc lập như VN sau 1945.
 Ở nền văn học miền Bắc, nơi bọn tôi đã sống và làm việc hơn nửa thế kỷ nay, việc dịch văn học bị coi là chuyện thêm thắt, gặp đâu hay đó, không có sơ kết tổng kết gì cả. Việc đào tạo người nghiên cứu văn học nước ngoài và người dịch bị bỏ mặc cho ngẫu nhiên. Chất lượng các bản dịch trồi sụt hay dở không ai có thể kiểm soát nổi.
 Trong thực tế, chủ trương “ dịch là văn học hạng hai” vừa nói có bị biến dạng ít nhiều.
Trong khi chờ đợi bộ phận nhà văn công nông trưởng thành, thì việc chủ trì nền văn học đặt trong tay những người từng là những nhân vật hàng đầu  trong văn học cũ như Xuân Diệu, Chế Lan Viên Nguyễn Tuân, … hoặc các nhà văn đã có học hỏi ở các nhà trường Pháp thuộc như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng. 
Hoạt động dịch thuật do đó vẫn âm thầm đi theo cái  mạch đáng ra phải có của nó.
Trong thực tế, nhìn vào đời sống văn học ở mọi hoạt động hàng ngày của nó, chúng ta vẫn  có thể  nhận ra những cố gắng nhằm đưa văn học dịch đóng vai trò  mà ở nhiều nước có hoàn cảnh tương tự như ta nó vẫn đảm nhiệm.
 Không chỉ là món ăn tinh thần quý giá mà trong nước không có, nó còn có thể là những điểm tựa giúp người sáng tác vượt qua những bế tắc để tìm cho mình những quan niệm mới về văn học, từ đó gợi ý cho sự sáng tác của họ và các đồng nghiệp trẻ hơn.

Tôi đã thử theo dõi việc này khi nhìn lại quá trình Nguyễn Tuân đưa văn học Nga vào VN  ngay trong mấy năm bản lề 1956-57. 
Theo tôi hiểu, trong cái mông lung của văn học mấy năm 1955-57, Nguyễn Tuân và các đồng nghiệp của ông đã cố gắng dùng những tác giả Nga thế kỷ XIX như Tchekhov để góp phần tạo nên một định hướng khác đi so với sự hướng dẫn chính thống.
Việc làm của các ông có thể coi là thất bại với nghĩa, sau đó, Tchekhov bị thành kiến và mãi tới đầu những năm từ 1980 trở đi mới có mặt lại. 
Song thực tế nó vẫn có tác động tới những người lúc đó mới vào nghề như bọn tôi cả về mặt viết lách cụ thể lẫn trong việc xã định phương hướng lớn của đời mình.
Một phương diện khác đáng được xem chúng ta lại hiểu thêm tâm huyết của các ông, phần cựa quậy của các ông trong suốt giai đoạn cầm bút sau 1945.
Là người đã được đọc tập sách mà Nguyễn Tuân coi là một tác phẩm của mình từ khi nó mới ra đời, tôi đã cố gắng để đưa Truyện ngắn Sê - khốp (hồi ấy nó được viết như thế) lại thành một đầu sách mà tôi là một biên tập viên vào năm 2004, kèm theo lời giới thiệu dưới đây. 
Tác động không được là bao, hiện mảng dịch thuật của  những bậc thầy như Nguyễn Tuân và Xuân Diệu chưa bao giờ được nghiên cứu mà tác động của sách dịch với mỗi giai đoạn văn học ở Hà Nội cũng không mấy khi được xem xét. 
Tuy nhiên tôi vẫn coi đây là một hướng nghiên cứu cần tiếp tục.
 Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được xã hội mình nếu không nghiên cứu mối quan hệ của ta với tất cả các nước xa gần. Nói hẹp lại, việc tìm hiểu mối quan hệ một nhà văn với văn học nước ngoài cũng là một trong những cách thức tối ư cần thiết  để đánh giá đúng nhà văn đó.

Khi chuẩn bị đưa lại bài viết này tôi rất tiếc là không có hai tập sách được nói tớí trong tay, để chụp lại tấm ảnh bìa của chúng. Xin bạn đọc hiểu cho những hạn chế của tôi. 


           Bản dịch truyện ngắn Tchekhov 1957
          và một giai đoạn tiếp nhận văn học nước ngoài ở Hà Nội
    Thời trung đại,  các cụ  ta hồi xưa sáng tác chủ yếu bằng chữ Hán và việc đọc sách chữ Hán cũng tự nhiên như cơm ăn nước uống hàng ngày, nên trừ một vài trường hợp hiếm hoi, loại như Tỳ bà hành  của Bạch Cư Dị, còn nói chung trong văn học Việt Nam  lúc đó không tồn tại khái niệm tác phẩm dịch.
     Bước sang đầu thế kỷ XX, mặc dù  hướng vào việc xây dựng một nền văn học theo mẫu hình phương Tây,  các nhà tiên phong cũng chỉ  bắt tay dịch một thời gian để giúp vào việc dạy, học, và ổn định chữ quốc ngữ; tiếp đó sáng tác càng phát triển thì dịch thuật càng thưa thớt, thường chỉ được làm một cách ngẫu nhiên, rồi xuất hiện lót đót đây đó.
     Trong hoàn cảnh Đông Dương  là một xứ  được  nước Pháp bảo hộ,  học sinh  học bằng tiếng Pháp ngay từ bậc tiểu học,  công việc dịch văn chương gần như là không được đặt ra bởi không thành một nhu cầu cấp thiết. 
    Thỉnh thoảng người ta cũng thử dịch chơi một chút, chẳng hạn, vào khoảng 1940-42,  trên báo Ngày nay,  Thế Lữ, Thạch Lam, Khái Hưng chia nhau dịch một ít truyện  ngắn của những  Daudet, Maugham, Pirandello … sau  làm thành hai tập Hương xaHoa  lạ, hoặc Lan Khai dịch Bức thư của người không quen của S.Zweig vv…
     Dịch thuật chỉ được khởi động mạnh mẽ từ sau 1945  mà  lực lượng tham gia đầu tiên chính là chính những người viết văn.
     Ngay từ hồi ở Việt Bắc, Hội Văn Nghệ Việt Nam đã có tiểu ban dịch thuật. Trên tạp chí Văn nghệ, Tố Hữu dịch Hành khúc của Aragon, Đợi anh về của Simonov, Phan Khôi dịch Chúc phước của Lỗ Tấn. Được in ra thành sách, còn  có Vũ Ngọc Phan với Misa cua Polevoi, Ngô Tất Tố với Suối thép của Serafimovich, Trời hửng của Vương Lực, Phan Khôi  với  Thù làng của Mã Phong,  Hoàng Trung Thông  với Sáu bài thơ Maiakovski (tất cả đều đã được ghi vào anh mục sách của Nhà xuất bản chuyên in thơ truyện hồi kháng chiến chống Pháp, là nhà Văn nghệ ).
     Đặt trong cái mạch  nói trên, thì tập Truyện ngắn tuyển tập (Tchekhov lúc đó còn viết là Sê—khốp)  là một sự nối tiếp tự nhiên.
     Nhìn vào danh sách người dịch, chúng ta bắt gặp ở đây, những tên tuổi như Nguyễn Thành Long,Trần Dần, Thuỵ An, Phạm Hổ, Nguyễn Văn Sĩ.
      Nhất là chúng ta bắt gặp một trong những tên tuổi hàng đầu của văn học Việt Nam thế kỷ XX là Nguyễn Tuân.   
      Ai cũng biết sinh thời, Nguyễn Tuân là một người đọc nhiều và đặc biệt thích những tác giả lớn. 
    Trong các bài viết đây đó, người ta thấy ông nhắc tới từ  Andersen, Gogol, L.Tolstoi,  Dostoievski  tới  Reoger Martin du Gard, B. Brecht, từ Charle Chaplin,  Eisenstein tới Rener Clair,  Pablo Picasso.
     Cả những tác phẩm cổ điển lâu đời lẫn những của hiếm của độc riêng có trong thế kỷ XX, không gì tốt đẹp của nhân loại xa lạ với ông Nguyễn.
     Tuy nhiên trên giấy trắng mực đen, tức là xét  tổng số chữ nghĩa Nguyễn Tuân  đã dành cho một nhà văn nước ngoài  và cái phần cốt cách người đó hằn lên trong tâm trí ông, để lại ảnh hưởng,  tồn tại như một sự kiện của cuộc đời ông, thì phải kể  Tchekhov.
     Vào thời điểm cuốn Truyện ngắn này ra đời, trong giới xuất bản ở Việt Nam chưa có ý niệm về người biên soạn. Và tôi cũng chưa từng được nghe ai kể là cuốn sách đã hình thành như thế nào.
      Nhưng tôi  ngờ  chính  Nguyễn Tuân là người đầu têu cho công việc, tức là người “gà “ cho nhà xuất bản làm tập truyện  và đứng ra bao thầu cho sự hình thành cuốn sách về mặt nội dung.
     Bảo ông A. dịch truyện này, ông B dịch  truyện nọ.
     Tự tay dịch một số. 
     Rồi  ghép lại thành tập. 
     Rồi  lo  chạy  Sĩ Ngọc  vẽ cho cái ca-ri-ca-tuya  hình tác giả làm phụ bản.
    Và  không cần nhiều tưởng tượng lắm cũng đoán được là khi tập sách in xong, ông cũng hoan hỉ nhìn nhận nó như một đứa con tinh thần của mình. 
    Trước mắt tôi là bản in lần thứ nhất cuốn sách mà  Nguyễn Tuân đã ký tặng Nguyễn Khải  vào ngày 31-X-1957 (về sau ông Khải đã cho tôi và tôi giữ đến ngày hôm nay mang ra tái bản).
     Nguyễn Tuân vốn xem nghề văn là cái nghiệp thiêng liêng và không bao giờ cẩu thả trong giao thiệp. Việc nhà văn năm đó  tuy mới 47 tuổi  nhưng đã rất già dặn trong nghề mang tặng một người bạn trẻ (năm ấy Nguyễn Khải mới 27) một cuốn sách mình chỉ dịch  một phần --, bản thân nó, cũng đã nói lên một phần những tâm huyết mà Nguyễn Tuân đặt vào trang sách.
 
 
     Tuy không ai tuyên bố chính thức,  nhưng xem cái cách đối xử với người dịch và sách dịch ở ta hiện nay thì có thể tóm tắt đại khái với nhiều người,  dịch sách là một công việc  không mấy nặng ký. Muốn có ý nghĩa sáng tạo,  phải là đi làm thơ viết  văn. Chứ dịch ấy ư ? Chẳng qua  bất tài không sáng tác được mà lại có may mắn được học một ít ngoại ngữ nên anh mới đi làm thứ công việc hạng hai đó.
     Dịch không phải là chỗ để người ta có thể lên tiếng đóng góp với đời.
     Dịch không thể tạo ra một tên tuổi.
     Ấy đại khái người ta cứ nguýt dài mà chê bai như vậy.
    Có biết đâu ở những tài năng đồng thời lại là những người có vốn học như Xuân Diệu Nguyễn Tuân  thì việc dịch được quan niệm khác hẳn.
   Trong một chừng mực nào đó, có thể nói Xuân Diệu đã mang lại cho người yêu thơ Việt Nam một cách hiểu  khác đi  về thơ, khi dịch N. Hikmet,  B.Dmitrova, một Xuân  Diệu như vậy cũng tự hào coi những trang thơ dịch như chính sáng tác của mình.
     Riêng với Nguyễn Tuân, phải nói bản dịch Tchekhov lần này chính là một hành động văn học với nghĩa đầy đủ của từ này.
      Cái sự dụng công mà ông Nguyễn đặt vào bản dịch  bao gồm nhiều việc, kể cả cái việc tưởng như rất nhỏ  là cách gọi  tên nhân vật.
      Ai người đã đọc sách dịch từ trước 1945  đều biết rằng có một hồi, muốn cho nhân vật  trong các truyện phương Tây quen với hoàn cảnh Việt Nam, người  dịch có một lối đặt tên lại.
      Manon Lescaut được đổi là Mai Nương Lệ Cốt,
      Turcaret được gọi làTục ca lệ,
      Roméo Juiliette được gọi là Lộ Miêu Duy Liên hoặc Lộ Minh Duy Lan.
       Nguyễn Tuân đã làm như vậy, ông đưa vào đây thày quản cu-lít Phát, lão quản Bi, chị Na.
     Đọc truyện ông dịch, người ta thấy anh  đánh xe ngựa Doan đánh xe xuống phố Vi, hoặc lão Binh-bô-rông thuê xe tới hiệu Diêm Ký.
     Tôi  xin miễn không bình luận rằng cách làm như thế này là hay hay dở, riêng cái việc ngày nay nó bị xã hội từ chối  không được tiếp tục làm theo, đã là một kết luận dứt khoát không ai cãi lại nổi. Nhưng cho phép tôi nói một kỷ niệm nhỏ. Một câu đùa  xoay quanh chuyện một cô gái  sống với  cái ám ảnh của mấy thanh âm  nó làm thay đổi cả cách cư xử của cô  và biết đâu cả cuộc đời cô. Câu nói đóng vai trò một  cái chốt  đó trở đi trở lại đến năm lần trong thiên truyện  chưa đầy hai ngàn chữ tiếng Việt.
 Nó đơn giản chỉ là thế này :
    -- Na ơi, anh yêu em !
   Không rõ người khác đọc truyện thế nào, phần tôi, từ lúc đọc thiên truyện đó lần đầu hơn bốn chục năm về trước đến ngày hôm nay, cái câu năm tiếng gọn lỏn đó nó đã  hằn vào trí nhớ.
     Truyện Một câu đùa trở thành truyện Na ơi, anh yêu em.
     Và không biết tôi có phạm tội thậm xưng, tội nói lấy được (?), song nhiều lúc nghĩ vân vi cứ có cảm tưởng  năm tiếng kia sẽ không khắc sâu vào tâm trí tôi đến thế, nếu nó không được Việt hoá, tức còn giữ nguyên cái tên nhân vật như trong tiếng Nga (Nadia, anh yêu em ).
       Đối với trường hợp của  lão quản Prisybiev mà ông Nguyễn gọi tóm lại là  quản Bi,  người ta cũng có thể nói về  hiệu quả tương tự.
      Việc đặt cho nhân vật những cái tên Việt Nam, chỉ là dấu hiệu dễ thấy của một cố gắng lớn lao hơn, mà cũng  khó thực hiện hơn là việc Việt hoá toàn bộ thiên truyện, làm cho nó trở thành như là do một nhà văn bậc thày Việt Nam viết ra vậy.
      Gần đây đã có người cho rằng cả tập Truyện ngắn Tchekhov  in năm 1957  không giữ được chất Nga trong nguyên bản.
      Tôi cũng cho cái nhận xét đó có thể là có lý song lại nghĩ điều đó không sao cả,  ai có nhu cầu  đọc các bản dịch  Tchekhov dịch thẳng từ tiếng Nga cứ đọc, và chính tôi nữa, khi muốn tìm hiểu chất Nga của Tchekhov, tôi cũng sẽ tìm.
     Còn như những khi muốn thưởng thức Tchekhov, muốn coi Tchekhov như một nhà văn, qua trang sách tâm sự chuyện trò với mình  trò chuyện bảo ban mình về cách sống cách nghĩ, tôi xin được phép cứ tìm đọc và muốn mọi người cùng đọc Tchekhov qua ngòi bút của những Nguyễn Tuân, Trần Dần, Phạm Hổ, Nguyễn Thành Long... mà chúng ta đang bàn.
      Cũng xin nói ngay là cái cách hiểu về dịch phẩm  của tôi ở đây không phải lập dị trái khoáy gì mà ở nhiều nước, người ta cũng có quan niệm tương tự. Trong một tài liệu giới thiệu về khoa phiên dịch nói chung (1), một nhà nghiên cứu là Nguyễn Nam cho biết: phiên dịch hiện nay không còn bị bắt chết vào một nghĩa  cụ thể.  Sự trung thành với nguyên bản không còn là  giáo điều duy nhất buộc phải chấp nhận. Mà nay  nó được xem như một  quá trình xử lý văn bản với  nhiều nghĩa khác nhau.
      Đi xa nhất trong việc này là  nhà nghiên cứu  André Lefevre, ông bảo hành động  dịch thuật có thể được hiểu như một thứ tái trứ tác (rewritings ), nói nôm na là viết lại, viết một lần nữa, cách này  vẫn  được các bậc thày trong văn học ưa  sử dụng để cải biên cái ngoại lai, cho nó phù hợp với thuỷ thổ của  nền văn học mà bản dịch đi tới.
      Nghe những quan niệm ấy thấy nó rất ứng với  cái cách mà Nguyễn Tuân đã quan niệm khi dịch.
      Đọc những trang Tchekhov hoá thân vào văn phong của tác giả Vang bóng một thời, người ta bắt gặp những con người cứ y như là người Việt mình, họ  chuyện trò quan hệ với nhau, bẻ hành bẻ tỏi nhau, rồi lại sùi sụt thề thốt với nhau trên nền cái  khung cảnh cũng là ở một làng quê phố huyện Bắc bộ  nào đó.
     Cái đó không phải là một cái tội !
      Không phải Nguyễn Tuân đớn gì trong việc chuyển ngữ, cũng như trong việc tạo không khí cho dịch phẩm mà mình muốn giới  thiệu với bạn đọc.
      Ngược lại, phải yêu quý dịch phẩm lắm, xem nó như chính tác phẩm của mình, một nhà văn – ở đây là một tên tuổi như Nguyễn Tuân -- mới mạnh tay mà làm vậy.
     Người ta đã nhận xét rằng khi hoạ chân dung người khác, Nguyễn Tuân đồng thời làm một cuộc trình bày chân dung chính mình.
     Tôi cho rằng  trong cái sự cầm bút ngồi dịch, Nguyễn Tuân cũng  vậy. Ông thấy đây là một công việc thiêng liêng. Ông không chỉ chuyển nghĩa cứng nhắc như người dịch vẫn làm, mà có thể nói đã sinh đẻ lại tác phẩm, từ đó tạo ra cho các thiên truyện một giọng điệu riêng, một thứ Tchekhov của riêng ông.
     Dịch là một cách để ông viết những điều ông hằng nghĩ.



      Đã say trong việc dịch, Nguyễn Tuân lại còn để rất nhiều tâm huyết vào bài giới thiệu  Tchekhov đặt ở đầu sách. Trừ bài Thời và thơ Tú Xương viết về sau, in trong tập Chuyện nghề, chưa bao giờ cây bút phê bình nghiên cứu ở Nguyễn Tuân ra vai một cách đàng hoàng như vậy. Ông ngược lên tiểu sử nhà văn. Ông duyệt lại các tác phẩm Tchekhov, kể cả những vở kịch mà lúc đó hầu như chưa ai biết gì. Ông dẫn lại điệp trùng những đoạn Gorki,  Elsa Triolet ca tụng người đồng hương vĩ đại của mình (Elsa cũng gốc Nga). 
      Và nhất là ông liên hệ văn phẩm của Tchekhov với hoàn cảnh Việt Nam.
       Với thói quen hay sục sặc sinh sự, Nguyễn Tuân “bỏ nhỏ“ mấy câu  ghi chú bên cạnh  thiên truyện Con hoạt đầu :
   Ở  bản  dịch tiếng Pháp, tên truyện là Caméléon. Caméléon là một  loài bò sát ; ở miền nam gọi tên nó là con kỳ nhông. Kỳ nhông  có đặc tính là  thay đổi màu sắc để tự vệ  mỗi khi cần phải thích nghi với hoàn cảnh thiên nhiên. Con Caméléon nói ở đây  là một anh nịnh, nịnh trên nạt dưới. Người dịch tạm cho mình  cái quyền  dịch tên truyện  không theo nghĩa  đen mà dịch theo nghĩa bóng. Thực ra trong loài bốn chân  không có con gì trong vạn vật học, mang tên là con hoạt đầu. Có lẽ chỉ trong xã hội loài hai chân  mới thấy có cái con này.
   Nếu lại chú ý tới cái câu ghi chú Hà Nội cuối tháng bảy 1957, một ngày  lụt cạn, một ngày hàn khẩu một con đê bên kia sông (2), người ta phải nhận rằng ông đã viết  mấy chục trang tiểu luận ấy theo kiểu một nhà văn;  những  văn phẩm tưởng như xa lạ kia  hoá ra có liên hệ ngay với đời sống trước mắt, và cái ông nhà văn ở  mãi tịt mù bên Nga- la - tư kia, như một con người đang sống, được triệu về để  chia sẻ nhiều  điều tâm sự trước  thời cuộc.
  
     Muốn hiểu cho hết bài giới thiệu Tchekhov mà Nguyễn Tuân  đặt ở đầu sách, người ta phải quay về với cái không khí của mấy năm sau hoà bình lập lại  tức khoảng  1955-57,  ở Hà Nội.
     Từ kháng chiến trở lại thủ đô, đời sống xã hội nói chung cũng như văn nghệ nói riêng mấy năm ấy đặt ra những vấn đề gay go rắc rối  hơn bao giờ hết. Sáng tác trong nước không chứa hết được những ngổn ngang vừa đến trong lòng người. Để có được những câu giải đáp, một số cây bút đầy tâm huyết và có điều kiện đọc rộng quay ra  tìm ở  văn học nước ngoài.
     Đọc lại  một số nhà văn hàng đầu hồi ấy, người ta thấy rằng những tên tuổi lớn  của thế giới đã có mặt để đồng hành với họ trong đời sống và sáng tác.
      Trong nhật ký, Nguyễn Huy Tưởng không chỉ để cho dòng suy nghĩ của mình nương tựa vào I. Ehrenburg, A. Tolstoi  mà  còn nhắc tới H. Ibsen, A. Gide.
      Trong tập Những bước đường tư tưởng của tôi,  Xuân Diệu đã dẫn lại từ A. Musset, P. Verlain …đến Politzer, Howard Fast.
      Chính lúc ấy, với tư cách một nhà văn Nga được Gorki tôn sùng, Tchekhov được người ta viện dẫn nhiều nhất.
      Trong khi chúng ta quen nói về những gì hào hùng cao đẹp thì Tchekhov nói về những chuyện mè nheo vô vị vủa cuộc đời.
       Trong khi chúng ta quen nghĩ rằng cái gì cũng có thể làm được thì Tchekhov nói nhiều đến sự bất lực.
     Trong khi chúng ta quen  bảo cái gì cái gì cũng rành rẽ, và tương lai sẽ hiện ra xán lạn,  thì Tchekhov bảo rằng cuộc đời nhiều khi mờ mờ xam xám, không biết rồi  nó còn  trôi giạt đến đâu.
    Tóm lại, Tchekhov có thể là  bạn đồng hành của những ai, khi phải đối mặt với  cuộc đời đa đoan rắc rối trước mắt, mang một chút hoài nghi lành mạnh chứ  không chịu đi theo những khuôn khổ có sẵn.
     Tác phẩm Tchekhov làm được những gì mà sách dịch của NXB Văn nghệ khoảng 54-56, như Anh thương binh về làng (Aleksei Tolsoi), Chiến sĩ và Tổ quốc (Nguỵ Nguy), Tam lý loan (Triệu Thụ Lý )  … không thể làm nổi.
     Lại có cả những vấn đề lý luận đang nổi lên trong đời sống mà trong khi mầy mò tìm kiếm người ta phải viện dẫn tới  sáng tác của Tchekhov.
     Trước và sau vụ Nhân văn Giai phẩm, các nhà văn ở ta thường tranh cãi với nhau chung quanh trách nhiệm của các nhà văn trước thực tế.
     Một cách ngẫu nhiên -- hoặc  để dùng lại  một chữ mà  Nguyễn Tuân hay dùng --  theo sự thanh khí lẽ hằng, Tchekhov có mặt.
      Nhân bàn về Viết sự thật (sau này bài viét mang cái tên này còn in vào tập Những bước đường tư tưởng của tôi) Xuân Diệu có mấy câu lèo cả Tchekhov vào.
      Theo Xuân Diệu có một loại nhà văn nói tất cả cái đau xót của xã hội, nói rất thiên tài,  nhưng rồi giẫm chân tại chỗ không  biết làm sao thoát ra được – mà Tchekhov chính là tiêu biểu.
      Và thế là “chạm nọc” ngay Nguyễn Tuân. Ông Nguyễn  thấy cần phải cãi lại Xuân Diệu để chiêu tuyết cho Tchekhov. Ông tìm thấy ở Tchekhov cái thái độ cầnđủ mà một nhà văn nên có trước đời sống.
     Dù là sau này Nguyễn Tuân sẽ nghĩ khác đi, nhưng đúng là vào khoảng thời gian 1956-57 này, với tác giả Vang bóng một thời, Tchekhov là một thứ chân lý trăm phần trăm không có gì phải trừ bì.
     Văn chương Tcheskhov vốn có gì mờ đục, không thích hợp với những thời đại quá đơn giản, quá rực rỡ, thì trong hoàn cảnh của mấy năm 1956 –1957, lại  tỏ ra khá thích hợp  với xã hội Việt Nam và nhất là thích hợp hơn cả với một người vừa rắc rối vừa thích rành mạch như ông Nguyễn.

    
      Trong lịch  sử văn học thế giới, người ta không bao giờ quên ghi danh  hai người đồng hương vĩ đại của Tchekhov là  L.Tolstoi và F. Dostoievksi. Bên cạnh cái phần khác nhau rõ rệt, giữa hai ông có một  sự giống nhau là biết gợi ra những vấn đề trừu tượng bậc nhất của con người. Nhưng chính vì tư tưởng của hai bậc văn hào quá lớn, nên người đời thường nhìn hai ông theo lối “kính nhi viễn chi“.
      Nếu không dối lòng, chúng ta phải nhận là nhiều lúc đọc các ông thấy ngợp, xa lạ, hụt hẫng.
     Tchekhov thì khác.
     Sự sâu sắc ở ông thường được giấu kín trong cái vẻ gần như tầm thường, chính vì vậy, khi phát  hiện ra, chúng lại có cái  sự hấp dẫn riêng.
     Có thể hình dung Tchekhov như đi cùng đường với chúng ta, nhìn thấy mọi thứ như chúng ta, nhưng bao giờ cũng đi xa hơn một đoạn.
   Đây là một số ví dụ :
   Những người khác nói rằng con người  đáng thương trong sự đau khổ. Còn với Tchekhov, con người đáng thương ngay trong lúc họ hạnh phúc và đạt được mục đích.
   Nhân danh tinh thần dân chủ, một số  nhà văn thích lý tưởng hoá  những sinh linh bé nhỏ, bất hạnh.
     Tchekhov thì khác. Ông để một nhân vật phát biểu: “ Những kẻ đang chịu đau khổ thường ích kỷ, ác độc, thiếu tỉnh táo, nghiệt ngã, và ít khả năng  hiểu người khác  hơn cả những người đần độn
     Một nhận xét như vậy, nếu không phải là của một  tác giả cỡ như Tchekhov, chắc bị nhiều người cự tuyệt.
   Sự vô nghĩa của cuộc sống được Tchekhov xem như một tai hoạ.
   Còn sự trống rỗng là cái mà Tchekhov sợ hơn cả : 
   “Một cánh đồng cỏ khô chạy dài, đơn điệu  và hoang vu như sa mạc, chắc cũng không làm cho người ta thấy tẻ nhạt, chán chường, như một người ngồi đó, nói năng uể oải  và không biết bao giờ mới chịu bỏ đi.”
     Trong thế giới của Tchekhov, ngay cả những nhân vật thuộc loại tốt đẹp cũng không biết làm gì.  Ngược lại, những con người  thấp hèn bất hạnh đôi khi cũng biết nói lên những điều hết sức sâu sắc.
   Thế giới dở dang vậy, nhưng theo cách trình bày của tác giả, dù đã trở thành chán ngấy, nó vẫn đẹp biết bao, nó đáng cho chúng ta sống. 
   Thời gian qua đi, khoa nghiên cứu về Tchekhov ngày càng có rất nhiều khám phá, những khám phá này có liên quan đến kịch Tchekhov, và nhất là những tác phẩm ông viết khoảng mươi mười lăm năm cuối đời, loại như Câu chuyện tẻ nhạt, Ngôi nhà có căn gác nhỏ, Huân chương hoàng hậu Anna, Volodia lớn Voloddia bé …
    Đứng ở góc độ này mà xét, phải nhận là nhiều phương diện làm nên tài năng  Tchekhov chưa được bộc lộ  trong tập Truyên ngắn  in ra  1957.
     Hoàn cảnh lúc ấy chưa cho phép Nguyễn Tuân và các đồng nghiệp làm nhiều.
    Tuy nhiên, chỉ trong phạm vi của các truyện ngắn đã in, Tchekhov cũng đủ trở nên thân thuộc với bạn đọc, nhất là với các nhà văn Việt Nam.   
     Ngoài khá nhiều câu chuyện linh tinh về các nhà văn đồng nghiệp đương thời, một trong những chủ đề mà nhà văn Nguyễn Khải thường nói với tôi  vào khoảng những năm 1968-75 (khi chúng tôi cùng công tác ở tạp chí Văn nghệ quân đội)  là những tác giả tác phẩm của văn học Pháp và Nga mà  Nguyễn Khải  vừa đọc  và từng gợi ý cho ông  trong sự sáng tác. Ông kể với tôi về  những bài báo Satre in trong các tập Situation (Nhận định). Về những cuốn carnet (sổ tay) của Camus. Về ông Thượng đế “cái gì cũng biết“ Tolstoi, về thiên tài tàn ác  Dostoievski.
     Mặc dù  bấy giờ chung quanh là một không khí thời chiến đặc quánh, nhưng  công việc của  đám người viết  bao giờ cũng thế, phải lùi ra xa mà nghĩ, lùi ra xa để thấy những vấn đề chung của đời sống nó bao trùm lên cuộc sống con người,  bất kể là chiến tranh hay hoà bình.
     Bởi vậy chúng tôi  mới  có lúc nhẩn nha nói  những chuyện đâu đâu như vậy. Chính là  trong không khí tuỳ nghi đó mà một lần Nguyễn Khải ngồi giảng  cho tôi về một truyện ngắn của Tchekhov :
     -- Đọc lại thấy Tu sĩ áo đen cũng ghê. Này, có ngu thì mới bảo là trong đó Tchekhov lên án thói vĩ cuồng, hoặc nói nôm na là cái bệnh háo danh tầm thường. Không, chủ đề của Tchekhov ở đây sâu sắc hơn nhiều. Ông muốn bảo với người ta rằng chính là nhờ có ảo tưởng mà sức lực con người ta lại được giải phóng
    Tương tự như trong mẩu chuyện trên đây về Nguyễn Khải, Tchekhov còn  nhiều phen có dịp đi về  trong những câu chuyện hàng ngày  của những nhà văn nhà báo mà tôi có quen : Nguyễn Thành Long, Trần Đĩnh, Huy Phương,  Nguyễn Kiên... Hoặc như  với Nguyễn Minh Châu, bên cạnh Lỗ Tấn, thì nhà văn nước ngoài mà ông Châu chịu hơn cả,  cũng là Tchekhov.
     Thuở ban đầu,  điều làm  chúng tôi thú vị  là mấy tính cách nhân vật loại như Con hoạt đầu, Quản Bi. Rồi chúng tôi thích cái lãng mạn bàng bạc trong cuộc sống kiểu như Một câu đùa  và mãi về sau mới dừng lại lâu hơn ở những Người trong bao (bản dịch 1957 cải là Người mang vỏ ốc ), hoặc Phòng số 6 (bản dịch của Nguyễn Văn Sỹ in nhiều kỳ trên báo Văn ).
     Khi đã vào sâu hơn trong nghề, biết những cái khó cái dễ của việc cầm bút, chúng tôi lại sẽ thích nói với nhau về những bài học nghệ thuật ở nhà văn này, chẳng hạn  một trong những bí mật, nó là một trong những đặc sắc lỳ lạ của văn xuôi Tchekhov, là cái cách mà một nhà văn tham dự vào câu chuyện được kể.
    Vượt lên trên những thiên truyện cụ thể, còn phải nói tới một điểm nữa là số phận của chính Tchekhov ở Việt Nam, những giận dỗi  thất thường mà ông phải chịu, nó cũng là một khía cạnh độc đáo liên quan tới quá trình Tchekhov thâm nhập vào đời sống văn học VN  thời bọn tôi mới bước vào nghề.
     Nguyên là, theo thông lệ của việc làm sách dịch ở Hà Nội,  các tác giả cổ điển thường không bị đặt trong thế  cần cảnh giác, tức là họ dễ  được “ xài ‘ hơn tác giả hiện đại.
     Thế nhưng thử nhìn vào bảng kê các tác giả văn học cổ điển Nga thế kỷ XIX, người ta vẫn không thể cãi lại một sự thực là trong khi L.Tolstoi được ưu tiên hàng đầu thì  F. Dostoievski bị ghẻ lạnh, Chiến tranh và hoà bình được in ra từ 1960, còn Tội ác và trừng phạt  thì, không kể bản in ở Sài Gòn, mãi tới 1983, bản dịch của Cao Xuân Hạo mới được phát hành rộng rãi.
      Trước đó, Dostoievski bị coi là có những tư tưởng không hợp thời, và không đáng được  giới thiệu. (3)
     Tchekhov  mà chúng ta đang nói cũng là một trường hợp tiêu biểu cho sự nóng lạnh trong lối tiếp nhận lúc này, dù là nóng lạnh đỏng đảnh theo một cách  khác. 
     Những việc mà Nguyễn Tuân và nhóm dịch giả đã làm cho Tchekhov như vậy là quá  nhiều, gần như không ai trong số các nhà văn nước ngoài  có được  may mắn tương tự.
      Nhưng chính đó lại là cái cách diệu nhất khiến cho Tchekhov bị đánh dấu, nói nôm na là bị coi cùng một duộc với những người đã đứng ra dịch.
     Cả một khoảng trắng còn đó: Từ sau tập Truyện ngắn này, một thời gian dài, Tchekhov vắng bóng trên các giá sách ở Hà Nội.
     Không kể tập kịch Tchekhov in ra năm 1961, thì phải hai mươi năm sau, tới 1978, một  tập truyện ngắn của ông (in làm hai cuốn) mới lại được giới thiệu với công chúng. Nếu các bản  dịch trước đây thông qua tiếng Pháp  hoặc tiếng Anh,  thì về sau, đó là các bản dịch từ tiếng Nga.
       Nhiều người nhấn mạnh tới sự chính xác của các văn bản để giải thích sự chậm trẽ.
       Song theo tôi hiểu, lý do  chính ở đây là sự ngần ngại. Bản thân cái việc có mặt vào năm cái 1957 nhốn nháo đã làm cho Tchekhov mất đi vẻ trung tính bình thường của một nhà văn cổ điển để nhận lấy cách tồn tại trong thầm lặng. Không chỉ không được làm sách mà  suốt những năm sáu mươi và gần hết những năm bảy mươi, Tchekhov  còn không được dịch in trên báo, không được nghiên cứu và rất ít khi được các tài liệu chính thức trích dẫn. 
     Xét trên một phương diện nào đó thì những hạn chế trong việc xuất bản ấy  có làm cho Tchekhov khó đến với bạn đọc. Song trong thực tế, nó lại tạo nên một sức thu hút. Người ta, nhất là các nhà văn, truyền tay nhau những bản thảo cũ. Và nhất là như trên đã dẫn, người ta hay bàn về Tchekhov qua các câu chuyện nghê lỏm. Các tác phẩm của ông được tiêu hoá lặng lẽ hơn kỹ lưỡng hơn.
     Ở một đoạn khác, trong bài viết về phiên dịch học ở trên đã dẫn, nhà nghiên cứu Nguyễn Nam còn nhắc tới  một nhận xét của  nhà nghiên cứu Susan Bassnet, nó cũng là một khái quát  quan trọng cần chú ý khi nghiên cứu các dịch phẩm :
   “ …quá trình phiên dịch văn bản từ một hệ thống văn hoá này sang một hệ thống văn hoá khác không phải là một hoạt động trung tính đơn thuần và hiển minh (..) Phiên dịch đã đóng một vai trò cơ bản trong chuyển biến  văn hoá  và khi chúng ta khảo sát quá trình lịch đại của thực tiễn phiên dịch, chúng ta có thể biết được rất nhiều về vị thế của các nền văn hoá tiếp nhận  trong quan hệ với các nền văn hoá của văn bản nguyên thuỷ “ (4)
     Nói cho cụ thể, tức là khi một cuốn sách của một tác giả Nga (hay Trung Hoa, Nhật Bản )được dịch ra tiếng Việt thì bản dịch đó không chỉ thông báo với chúng ta về xã hội Nga ( hay Trung Hoa, Nhật Bản), mà điều không kém phần quan trọng là thông báo về chính xã hội Việt Nam.
     Trường hợp tập truyện ngắn Tchekhov in 1957 là một minh hoạ xác đáng cho những nhận xét nói trên. Nó đã trở thành một vật chứng cho cái giai đoạn văn học mà nó ra đời, và trong việc này,  mặc dù chỉ có tư  cách  một dịch phẩm, nó có phần vượt hẳn lên trên, so với các sáng tác xoàng xĩnh, để đứng ngang hàng với những tác phẩm  quan trọng của các nhà văn trong một giai đoạn mang tính cách giao thời.

    Mấy câu trữ tình ngoài đề
   Lẽ thường,  yêu ai đó thì cố tìm ra  chỗ người đó gần gũi với mình. Tình yêu với Tchekhov cũng đã lôi cuốn một số nhà văn và nhà nghiên cứu vào cái công việc thú vị  là  so sánh ông với các tác gia  Việt Nam. Có người bảo ông gần gũi với Nguyễn Công Hoan. Lại có người thấy bóng  dáng của ông trong Nam Cao.
    Phần tôi,  tôi nghĩ cả hai trường hợp này đều không phải.
    Anh béo và anh gầy, cũng như Cái chết của viên công chức, Cái mề đay, Những giọt nước mắt đời không trông thấy …là những truyện  rất hay và cũng là những truyện được nhiều người đọc nữa, nhưng  không thể thu hẹp Tchekhov ở loại văn phong này, nên sự so sánh với Nguyễn Công Hoan là không có cơ sở. 
    Còn như  đọc Nam Cao, thấy có gì gắt quá ráo riết quá, người viết chăm chú vào ý nghĩ của mình  đến mức không cho người đọc một chỗ  nào thừa để suy nghĩ, nói chung văn Nam Cao thiếu sự lùi xa, thiếu cái khoảng khoát hồn nhiên có đượm một chút hư vô,  nên giữa nhà văn này  với Tchekhov là cả một độ chênh  về cách nghĩ, họ như hai loại cây khác hẳn nhau, không thể so sánh.
    Vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX và thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, trong hoàn cảnh một đất nước vừa ra khỏi  chiến tranh, cuộc sống chúng ta hôm nay ồn ào tấp nập,con người lăng xăng đủ chuyện và thật lắm lời lắm lý sự.
      Ngược lại trong Tchekhov, con người  muốn làm một việc gì đó, nhận ra có nhiều ý nghĩa  trong việc sẽ làm, đã sắp sửa làm, rồi  sau hết  lại không làm.
      Nhưng tận bề sâu, sao giữa hai bên  vẫn có cái gì gần gũi.
    Nói như nhà nghiên cứu N. Berkovski,  thế giới mà Tchekhov miêu tả là một cái gì đã sờn mòn. Một cuộc sống dang dở lờ mờ tốt lờ mờ xấu  tồn tại trong cái thế chờn vờn bảng lảng  như bóng ma Đạm Tiên “sen vàng lững thững như gần như xa “. Thiên nhiên thì đẹp mà con người mệt mỏi, bất lực.  Hãy nhìn lại mình  hãy ngẫm nghĩ  xem thực ra mọi người  đã sống tồi tàn tẻ  nhạt đến như thế nào.Thật chua chát  mà nghĩ rằng  làm sao có thể đê tiện như vậy mà xuống mồ. Những ý nghĩ tương tự từ đâu đó thoáng hiện rồi hằn lên rõ rệt trong tâm trí và  không sao dứt bỏ nổi.
    Người mình  thường  ngầm cảm thấy gần Tchekhov ở những suy nghĩ kiểu đó chăng ?
    Nếu nói về sự độ lượng trong thái độ đối với con người, một cách nhìn tưởng như là dửng dưng mà lại đằm thắm trước đời sống, thì trong số các nhà văn Việt Nam, tôi thường nghĩ nhiều tới Thạch Lam; ở phần sâu xa của cách cảm cách nghĩ, Thạch Lam có những khía cạnh gần với  Tchekhov..
     Nhưng chỉ chút chút mà thôi.
    Dẫu  sao, từ trước tới nay rất ít khi các tác giả nước ngoài được suy nghĩ theo hướng mang ra so sánh với các nhà văn Việt Nam như thế này. Phải nhận đây là một ngoại lệ thú vị. Chỉ riêng việc chúng ta phải nghĩ để nhận ra chúng ta khác với các nhân vật của Tchekhov thế nào cũng đã có tác động thức tỉnh. Nói cho to tát tức là Tchekhov đã trở thành một nhân tố kích thích quá trình  tự nhận thức của xã hội Việt Nam. Mà tất cả bắt đầu chính từ cuốn Truyện ngắn tuyển tập làm năm 1957 do Nguyễn Tuân khởi xướng./.    

(1) Nguyễn Nam Phiên dịch học và văn học so sánh : một hướng tiếp cận văn học Việt Nam Tạp chí văn học,số 9, tháng 9-2001, tr. 61-72
(2) Tức vụ vỡ đê Mai Lâm
(3) Xem thêm Vương Trí Nhàn Một hồ sơ nhỏ về Đốt, in trong Ngoài trời lại có trời, NXB  Hội nhà văn, H 2003
(4) Nguyễn Nam, tlđd, tr. 63 

Đã in trong Vương Trí Nhàn Phê bình và tiểu luận, nxb Hội nhà văn 2009


أحدث أقدم