VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thạch Lam trong mắt Khái Hưng



 Lời dẫn
Trong nhóm Tự Lực, Khái Hưng lớn tuổi nhất (sinh 1896) mà Thạch Lam ít tuổi nhất (sinh 1910). Nhưng hai người gần nhau ở chất nghệ sĩ, cái điều hơi thiếu ở Nhất Linh và Hoàng Đạo (hai người anh của Thạch Lam có vẻ nghiêng về dạng nhà hoạt động xã hội nhiều hơn).

Một vài nhà nghiên cứu gần đây đặc biệt ưu ái Phong Hóa, có lẽ là vì ở đó có chất sắc nhọn của báo chí chính luận nói chung.
Tôi lại thích Ngày nay hơn, đó là tuần báo nghiêng về nghệ thuật văn chương.
Việc làm tờ Ngày nay này có sự  động não hết mình của Thế Lữ; có sự đóng góp của một người sau này sẽ mang tài làm báo cúc cung tận tụy phục vụ nền văn nghệ công nông của ông Tố Hữu – đó là Xuân Diệu.
Nhưng hai nhân vật chèo lái chính ở Ngày nay chính là Khái Hưng và Thạch Lam.
 Từ góc độ của một người làm văn làm báo sau 1945, trong thâm tâm  tôi thường nghĩ tới các bậc đàn anh thời tiền chiến – mà tiêu  biểu là các thành viên Tự Lực - với nhiều sự ngưỡng mộ.
Ngưỡng mộ về văn tài của họ, trước hết cố nhiên là cái đó rồi, ở đây chỉ nói thêm là trong tài năng của họ có hiểu biết sâu sắc về nghề nghiệp là những điều mà các nhà văn sau 1945 đặc biệt khiếm khuyết. Chúng ta thường chỉ là những cây dại trong khi họ là những giống cây bắt rễ sâu vào quá khứ văn hóa; tuy là những nhà văn theo quan niệm của phương Tây nhưng cốt cách văn hóa khiến họ rất gần với những Nguyễn Du Nguyễn Gia Thiều Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát trong  văn học cổ.  
Nhưng tôi còn đặc biệt ngưỡng mộ -- ngưỡng mộ và phải nói là  thèm khát nữa -- cái tình của các nhà văn tiền chiến khi sống với nhau.
 Cái tình đó bộc lộ ra ở sự tương đầu ý hợp; ở sự quan tâm tới cái viết của nhau, chân thành chia sẻ với nhau, coi cái viết của bạn như của chính mình. 
Khoảng sau 1940, khi viết cho các báo của nhà Tân Dân, giữa Nam Cao và Tô Hoài cũng có một tình bạn đáng để cho những người viết văn thế hệ sau ao ước. Nhưng đó là chuyện của hai người; một mối thiện cảm đều tay trong cả nhóm thì chỉ có với nhóm Tự lực văn đoàn.
Phải hiểu nhau lắm thì Khái Hưng và Nhất Linh mới viết chung được Gánh hàng hoa; Khái Hưng và Thạch Lam cùng giữ chung mục Hà Nội băm sáu phố phường; Nguyễn Gia Trí mới kể lại câu chuyện hai mẹ con người đàn bà Pháp đi xem phim ở rạp chung với người Việt để Thạch Lam viết nên thiên truyện Người đầm.
Trong các bài viết lẫn trong câu chuyện hàng ngày, những người viết văn sau 1945 hầu như không mấy khi đề cập tới cái tình của người làm nghề. Bởi chúng ta do công tác cách mạng mà đến với nhau, chứ không phải do ý thích hoặc chí hướng. Ngẫu nhiên ta sống với nhau trong một cơ quan cùng làm một tờ báo. Sống trên tinh thần trách nhiệm là chính, trong công việc có sự phối hợp nhưng nhiều khi là những đối tượng cạnh tranh của nhau, chỗ được của người này là chỗ mất của người khác. Sự thân tình chỉ có ý nghĩa tạm thời. Sự cộng tác là một cái gì xa lạ. 

Trong hoàn cảnh ấy, tôi thường nhớ tới mối thân tình của người xưa. Chắc là nếu còn sống đế già và viết hồi ký thì các vị đó sẽ để nhiều trang kể lại câu chuyện tình bạn khi làm việc. Nhưng ngay trên giấy trắng mực đen  thì tình nghĩa Khái Hưng và Thạch Lam là một trường hợp đã được thể hiện đầy đăn. Đó là hai bài viết có tính cách lời tựa mà Khái Hưng viết cho Thạch Lam tôi đã sưu tầm dưới đây.



LỜI TỰA VIẾT CHO GIÓ ĐẦU MÙA
Viết truyện ngắn nào có khó gì đâu. Một sự xảy ra ngoài phố làm rung động trái tim ta, một câu chuyện thuật trong phòng khách làm nở một nụ cười khoái trá trên môi ta, một khu rừng âm u lạnh lẽo, một xóm nhà tranh rải rác dưới ven đồi, một cái quán bán nước, một cái xe với anh phu kéo... hay không cái gì cả, sự trống rỗng một phút, một giây của tâm hồn. Những cảnh tượng ấy, dù trọng dù khinh đều là đầu đề câu chuyện ngắn, đều kích thích trí nghĩ ta mà ngấm ngầm tự cấu tạo nên một câu chuyện ngắn. Ta chỉ việc viết lên giấy những điều trông thấy, nghe thấy và những ý tưởng nẩy ra trong thâm tâm ta. Có thế thôi. Cái khó- nếu quả có cái khó- chỉ ở chỗ phải có biết thế thôi.
Đó là quan niệm về truyện ngắn của Thạch Lam, tác giả tập truyện Gió đầu mùa.
Một gia đình hai vợ chồng trẻ với đứa con đầu lòng mới ra đời, một dẫy phố chợ tồi tàn với bọn ngụ cư nghèo đói, cái vui sướng của một người thất nghiệp về làng sống với dân quê, sự đùa bỡn oái oăm của duyên số, cái kết quả tai hại của một cơn giận, sức áp bức quyết liệt của sự đói, cái chết đau đớn của người bạn trẻ nghèo... Toàn truyện giản dị cả. Muốn tả những sự xẩy ra hàng ngày ấy tác giả không cần đến những tình tiết ngoắt ngoéo tối tăm, nhiều khi rất trẻ con mà ta thấy nhan nhản trong những truyện kiểu cách, loè loẹt của những nhà văn thiếu thành thực.
Thành thực, đó là đức tính không có không được của nhà văn. Ở Thạch Lam, sự thành thực lại trở nên sự can đảm. Đọc nhiều đoạn văn của Thạch Lam, tôi rùng rợn cả tâm hồn vì sự thành thực (những đoạn tả trong truyện Ngày mới).
Tôi xin thú thật rằng những điều nhận xét gay go về mình, và những người sống chung quanh mình, tôi cũng thường có, song vị tất đã dám viết ra. Nhưng sao lại thế nhỉ? Đáng lẽ bọn nhà văn chúng ta ai cũng phải can đảm hơn người thường. Đáng lẽ ta phải mạnh bạo viết những điều mà mỗi người, mà ta, nhất là ta, giấu kỹ ở tận đáy linh hồn, những nỗi băn khoăn, những sự vui mừng lo sợ, tức tối, thèm muốn, ghen ghét đang ẩn náu trong khối óc, trong trái tim ta. Tỗi vẫn ước ao cái can đảm ấy, nhưng không sao có được, cái can đảm mà tôi thấy ở Tolstoi, mà trong đám văn sĩ mới nước ta, tôi thấy ở Thạch Lam.
Lòng ta là một thế giới mênh mang. Nếu ta để trí suy xét của ta len vào các ngách, các nơi kín tối, chăm chỉ tìm tòi ta sẽ thấy nhiều sự mới lạ. Tưởng sống tới trăm tuổi ta cũng không biết thực rõ được lòng ta.
Phái tả chân thường khoe khoang chỉ suy xét theo phương diện khách quan, liệu có được không? Tả một người giận dữ mà chỉ là những hiện trạng của sự giận dữ thì bức tranh của ta không thể đầy đủ được.
Muốn nó đầy đủ ta phải hỏi lòng ta, ta phải hỏi ký ức ta xem khi ta giận thì trí nghĩ và tính tình ra sao, thì cảm giác ta ra sao, hơn thế, ta phải sống lại một cơn giận. Người chủ động trong truyện Một cơn giận của Thạch Lam, có thể chỉ là Thạch Lam. Ông tự vẽ ông. Nhưng cũng có thể là bức tranh tả chân hết thẩy ai ai trong một cơn giận vô lý giữa lúc ta thấy "lòng ta chán nản và buồn bực, những ngày tự nhiên không hiểu tại sao ta thấy khó chịu và hay gắt gỏng".
Có lẽ vì không bao giờ rời bỏ phương diện chủ quan nên Thạch Lam dễ làm ra rung động: trước ta, chính ông đã rung động. Tả cái lạnh đầu mùa, ông nhớ ngay cái cảm giác mà ông có một đêm mưa rào, rồi bỗng trở ra gió bấc( Gió lạnh đầu mùa). Ông tả cái ngõ hẻm ở một xóm quê bằng cái cảm giác của ông đi qua nơi đó: "Một cái cảm giác mát lạnh bỗng tràn lên hai vai. Tân ngửng đầu lên nhìn: chàng vừa đi vào dưới vòm tre xanh trong ngõ" (Trở về).
Cả đến một buổi gặt, ông cũng tả bằng cảm giác của ông: "Tân chú ý đưa cái hái cho nhanh nhẹn, mỗi lần bông lúa rung động chạm vào mặt, vào người, mùi lúa chín thơm lại phảng phất với mùi rạ ướt mới cắt. Mùi thơm đó làm chàng say sưa như men rượu" (Những ngày mới).
Nếu ta có thể chia ra hai hạng nhà văn, nhà văn thiên về tư tưởng, nhà văn thiên về cảm giác, thì tôi quả quyết đặt Thạch Lam vào hạng dưới. Ở chỗ mà người khác dùng tư tưởng, dùng lời có khi rất rậm để tả cảnh, tả tình, ông chỉ nói, một cách giản dị cái cảm giác của ông. Các cảm giác ấy bao quát hết tư tưởng của tác giả và của độc giả, và của độc giả nhiều khi đi xa hơn, sâu hơn trí, vì có cái cảm thấy mô tả không thể dùng tư tưởng để mô tả, để giải phẫu cái cảm giác của ta ra được, dù là một cái cảm giác nhẹ nhàng, cái rung động khẽ như cánh bướm non ấy là một tình cảm sâu xa.
Thực vậy, những cái cảm giác đạm mạc như thế mà ta thấy trong khắp các truyện của Thạch Lam  đều giấu một mối tình sâu xa. Tác giả, mà ta tưởng rát điềm tĩnh, kỳ thực là một người có những tính tình mãnh liệt, quá khích nữa. Đứng trước sự khốn khổ của bác Lê, tác giả chỉ thủ thỉ nói:  “Giá cứ có người mướn làm thì cũng không đến nỗi ”. Nhưng trong cái thủ thỉ ấy, ta cảm thấy lòng tức giận, lòng oán trách xã hội lên đến cực điểm.
Sáu năm xa cách, người con giàu có về thăm mẹ già nghèo ở nhà quê, khi hắn ta  từ giã bà cụ ra đi , tác giả thản nhiên lạnh lùng viết: “Ra đến ngoài Tân nhẹ hẳn mình. Chàng tự cho đã làm xong bổn phận”. Nhưng sự lạnh lùng ấy giấu một tính tình khinh bỉ, một cảm tưởng chua chát không biết đến chừng nào
Những kẻ giàu có huyênh hoang trong bọn trưởng giả như người con trong truyện Trở về  Thạch Lam rất ghét, cũng như ông rất thương rất yêu bọn nghèo đói, bọn bác Lê, anh Sinh, anh Dư...Ông đem hết tâm hồn ra để ghét tuy ông chỉ lãnh đạm nói đến họ. Lòng ghét âm thầm và dữ dội của ông có khi làm cho ông thiên lệch. Một lần nghe tôi đọc đến tên một người bạn giàu sang, ông chau mày nói:”Ô! Tôi ghét hắn ta lạ. “ Tôi chưa kịp hỏi vì lẽ gì, thì ông đã tiếp: "Trông cái má hắn ta phinh phính, cái bụng hắn ta xệ xệ!".
Rồi ta sẽ thấy trong những tác phẩm của Thạch Lam rất nhiều nhân vật có cái bụng xệ, Thạch Lam sẽ trút lên đầu họ hết cả sự căm tức, oán trách một xã hội trưởng giả, bất công, tàn ác đối với những khốn khó đáng thương mà Thạch Lam tha thiết binh vực an ủi.

                           3-9-1937

LỜI  TỰA VIẾT CHO HÀ NỘI BĂM SÁU PHỐ PHƯỜNG
Hà Nội Thăng Long - chốn cố đô yêu dấu của chúng ta đã gần hai nghìn năm soi bóng trên giòng sông Nhị. Và nó sẽ mãi mãi soi bóng trong lòng người Nam Việt, khi mà mỗi thời còn có những trang phong lưu mặc khách đem ghi chép trong văn, thơ, để truyền lại hậu thế cái đời sống của nó, cái lịch sử của nó.
Lịch sử Thăng Long phải đâu chỉ là những lớp sóng phế hưng dồn dập từ đời vua này sang đời vua khác, kế tiếp nhau mà xây cung điện nguy nga ven hồ Trúc Bạch, bên hồ Hoàn Kiếm? Nó còn là cuộc sinh hoạt hàng ngày của dân thành thị, với tất cả những phong tục, tập quán, với tất cả những nhân vật kỳ khôi, với tất cả những cái vui, cái buồn, cái tức, cái giận nho nhỏ và thoáng qua của những tâm hồn nho nhỏ sống trong xó tối, không tên không tuổi, không tiếng tăm lưu lại đời sau.
Mà những nhà biên tập pho sử ký bình dị này thường cũng không tên không tuổi không tiếng tăm lưu lại đời sau. Song những sử gia ấy, dù vô danh hay hữu danh, đều được công chúng yêu chuộng biết bao! Và những trang sử của họ có khi không cần đem in ra nhiều bản, chỉ truyền tụng từ miệng này sang miệng khác. Thế mà đó đều là những tác phẩm bất hủ, vì đã thành ca dao, tục ngữ, hoặc những giai thoại trong dân gian.
Long Biên, cái tên thứ nhất của Hà Nội, Long Biên mà một thi sĩ đã ca tụng trong một bài Đường luật:
Long Biên đã đắp tự đời nào?
Chẳng thấp nhưng mà cũng chẳng cao.
Chăm chắm ngoại thành xây cũng đẹp,
Cồn cồn giòng nước chảy tuôn vào.
Long Biên đã đắp tự đời Cao Biền, nhà thơ Thăng Long cũng chẳng thèm biết. Đến cả hai chữ Cao Biền, thử hỏi trong dân chúng, mấy ai còn nhớ, nếu đó không là một tên thầy địa lý cao tay mà mọi người khiếp sợ. Môn chính trị xa họ bao nhiêu thì môn địa lý gần họ bấy nhiêu, gần với tín ngưỡng và tập quán của họ. Nếu Cao Biền chỉ là một chính khách khôn khéo, một nhà tổ chức có đại tài, thì y đã chết từ lâu trong ký ức dân Hà thành rồi. Phần dã sử hầu hoàn toàn chiếm lấy cái đời lạ lùng của nhà đô hộ. Mà phần dã sử ấy -- nghĩa là thiên sử ký phong phú nhất, thật nhất vì sản xuất từ trí thành thực, chất phác của dân -- phần dã sử ấy không ra ngoài môn địa lý. Nào truyện "Cao Biền dậy non", nào truyện "Cao Biền cưỡi diều đi tìm đất", nào truyện "Thần Tô Lịch hiện lên mách đất cho Cao Biền". Bao nhiêu truyện kỳ dị và biến đổi tuỳ theo tài tưởng tượng của từng người kể, mà trong đó, môn chính trị của Cao Biền không dấu vết.
Cao Biền xa ta quá và đã hầu là một nhân vật hoang đường. Đến như những nhân vật gần chúng ta hơn mà sử ta đã ghi chép tường tận những huân công võ lược, cũng không còn có vang bóng gì trong trí nhớ dân chúng Hà Thành và Nam Việt. Đã mấy ai biết rằng trên sông Nhị kia, dưới gầm cầu "Giốc gạch", hàng trăm thuyền lớn của Chế Bồng Nga đã chen chúc đậu và từ đó hàng nghìn hàng vạn quân Chiêm Thành, cởi trần, da nâu và bóng như đồng mắt cua, đã giương nỏ mạnh bắn những tên lửa lên các phố, các phường đầy dân thành thị tranh nhau chạy loạn?
Rồi tới nhà Lê, họ Mạc, họ Trịnh kế tiếp nhau xây dựng lâu dài bên hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm. Thì nay cũng chỉ:
Thời cũ lâu dài bóng tịch dương
Trong bóng tịch dương của thời gian và cả của lòng người.
Nhưng lòng người vẫn ghi nhớ những điều muốn ghi nhớ, những điều thuộc phạm vi mỹ thuật, và tình cảm... Lòng người coi thường trận thuỷ chiến kinh thiên động địa của họ Chế. Nhưng lòng người đã không quên cái tình cảm đáng thương của một nàng công chúa nhà Trần lọt vào tay anh Chàm đen đủi.
Công chúa lấy thằng bán than,
Nó đưa lên ngàn cũng phải đi theo.
Người Hà Thành đọc lại câu ca dao cổ gần nghìn năm, tác phẩm của một văn nhân Thăng Long đầy trắc ẩn còn như đứng bên bờ sông Cái mà nhỏ lệ trông theo nàng Huyền Trân sừng sững trên sàn lái một chiếc thuyền bồng giương buồm, thuận gió chạy ra biển để xuôi nam. Hình công chúa thon thon in bật lên nền trời sắc máu. Và dân Thăng Long chờ cho con thuyền lượn khuất sau cồn Phúc Xá mới chịu rời bước trở về nhà ngậm ngùi than tiếc:
                               - Ngọc quý ngâu vầy!
- Thương thay cây quế giữa rừng,
Để cho thằng mán thằng mường nó leo.
Đối với dân Thăng Long, cũng như đối với dân Hà Thành ta ngày nay, rất mập mờ về khoa địa dư: Người mạn ngược hay người Chiêm, người Mên, họ đều cho là Mán, là Mường cả.
Vào thời giữa hai triều Trần và Lê, dân Thăng Long hẳn là lao đao khổ sở, hết chạy loạn Hồ đến chạy loạn Minh. Nhưng rồi người ta cũng chỉ còn ghi vào nhật ký, vào sử ký - sử ký của dân- những việc tức cười đau đớn:
Cái nợ Liễu Thăng!
Và cái chết của Nguyễn Trãi gây nên. Và theo lời dã sử -- do sự báo oán tiền kiếp của một cô gái Tây Hồ bán chiếu, một nữ thi sĩ tinh nghịch cười đùa như Xuân Hương:
     Em ở Tây Hồ bán chiếu gon
... Chồng còn chưa có hỏi chi con?
Dân Hà Thành ta từ xưa vẫn thích cười: cười buồn cũng như cười vui. Thỉnh thoảng lại phà lên một tiếng cười bi ai chua chát. Hay tiếng cười lỡm của cống Quỳnh về thời hậu Lê dưới quyền hống hách của chúa Trịnh. Và không biết ai đã thốt ra một câu ca dao quá quắt để mỉa mai ông quan thị mà chúa Sâm giao cho cái trọng trách canh phòng một nàng công chúa yêu?
Đó là cách viết sử của chúng ta. Nếu nói được rằng nhà sử đích đáng là biết chép những điều đáng chép và bỏ những điều đáng bỏ thì các sử gia Thăng Long thực đã làm tròn phận sự. Đã chép nhưng cái hoàn toàn có tính cách Thăng Long và Nam Việt. Còn gì Nam Việt hơn truyện Tấm Cám hiện nay vẫn lưu truyền ở cửa miệng, từ thành thị cho chí thôn quê. Đó là một truyện, một việc Thăng Long, đã xảy ra ở đất Thăng Long: Tấm, Cám là hai chị em khác mẹ quê ở mạn Đình Dù lấy chung một chồng: một chúa Trịnh.
Nhưng phải chờ hàng chục năm nữa, mới thấy được những nhà biên tập cho cuốn sử Hà Thành có tên có tuổi để lại hậu thế. Đó là nàng Xuân Hương, rồi chàng Tú Xuất, chàng Ba Giai.
Chúng ta đi qua chùa Quán Sứ, ai mà giữ được không thầm đọc bài thơ tuyệt tác của Xuân Hương, tuy chùa Quán Sứ ngày nay chẳng còn nữa cái cảnh vắng teo, cái cảnh:
Sáng banhh không kẻ khua tang mít
Trưa trật nào ai móc kẽ rêu.
Tôi chắc không nơi danh thắng Hà Thành nào lại không có vết tích các nhà văn yêu Thăng Long ấy, lại không được dự một phần vào cuốn sổ nhật ký, vào tập văn tuỳ bút của họ. Có lẽ chỉ vì không người gìn giữ cho nên những áng văn quý báu đã thất lạc mất cả, những áng văn mà người đạo mạo đồng thời coi thường là văn chương đùa bỡn hay nhỏ mọn, không đáng kể, không đáng lưu lại hậu thế...
Đến thời chúng ta, đến Tú Mỡ và Thạch Lam...
Như Ba Giai, Xuân Hương (cùng một họ Hồ với Tú Mỡ), Tú Mỡ đã giễu các nhân vật Hà Thành và khiến được họ bất hủ. Tú Mỡ yêu Hà Thành chẳng kém bọn Tú Xuất và Xuân Hương, yêu một cách tinh quái, ranh mãnh, ngạo ngược, nhưng rất yêu.
Người yêu Hà Thành thấm thía hơn, âm thầm hơn là Thạch Lam.
Cũng có lúc Thạch Lam mỉm cười thương hại như Cống Quỳnh, như Xuân Hương trước những cái dốt Hà Thành, trước những cái biển hàng chữ Pháp rất lố lăng và dở nát của các bác phó may của các anh thợ vẽ, của các bác phó cạo, của các ông hàng vải. Thạch Lam lại cũng tức giận như Xuân Hương khi thấy người ta vô tâm hay hữu ý làm mất vẻ đẹp nơi thành phố xinh xắn của chúng ta.
Xuân Hương viết:
Ai về nhắn nhủ phường lòi tói,
Muốn sống đem vôi quét giả đền.
Và Thạch Lam thủ thỉ - bao giờ Thạch Lam cũng chỉ thủ thỉ, dù tức giận đến đâu:
"Những thanh sắt ở đó (Chùa Ngọc Sơn) cũng khá lâu rồi thì phải, mà chưa thấy uỷ ban nào đó làm việc gì cả. Việc thì rất giản dị: nghĩa là bỏ những cái đó đi là xong."
Nhưng Thạch Lam lưu tâm nhất đến cuộc sống hàng ngày của Hà Thành, đến những cái thú con con của dân thành phố, cùng là những nhân vật bé nhỏ, đã gây cho thành phố cái tính cách đặc biệt của nó.
Ta hãy nghe Thạch Lam mở mục quà Hà Nội với một giọng yêu đưong mà tự phụ của một dân Hà Nội: "Quà Hà Nội xưa nay vẫn có tiếng là ngon lành và lịch sự. Ở các thôn quê, chút "quà Hà Nội" là của mong đợi, và tỏ được lòng quý hoá của người cho..."
" Nếu chúng ta về các tỉnh nhỏ ít lâu, hay ở ngay Hải Phòng, Nam Định nữa, chúng ta mới biết quà Hà Nội có vị ngon là chừng nào! Cũng là thứ bún chả chẳng hạn, cũng rau ấy, bún ấy, thế sao mà bùn chả của Hà Nội ngon và đậm thế, ngon từ cái mùi thơm, và từ cái nước chấm ngon đi."
Ta như nghe thấy tiếng nhai và tiếng xuýt xoa của người ăn bún chả. Ngon thật! Và cái ngon cái đặc sắc của Hà Nội ấy đáng được người ta nói đến và chép lại như người ta đã nói đã chép lịch sử bà Bé Tý, bà Tư Hồng, hai nhân vật Hà Nội nhất của thời nay.
Và Thạch Lam đã nói đến, đã ghi chép tường tận đầy đủ, tỉ mỉ với tất cả tấm lòng yêu của Thạch Lam. Thạch Lam yêu cũng như Thạch Lam ghét. Đều tha thiết tuy đều âm thầm.
Thạch Lam thực là một nghệ sĩ, một thi sĩ về khoa thẩm vị. Nghệ sĩ muốn tận hưởng. Thi sĩ tìm cảm hứng trong vi tế cũng như trong vĩ đại. Hiểu nổi Thạch Lam tất đã phải biết như Thạch Lam rằng: "Ăn quà là một nghệ thuật: ăn đúng cái giờ ấy và chọn người bán ấy mới là người sành ăn ." Tất phải đã đứng ngắm nghía cô bán bánh cuốn Thanh Trì, dáng điệu uyển chuyển gánh hàng đi vào trong phố hay ngồi nhanh nhẹn bóc từng cái bánh mỏng như tờ giấy và trong như lụa."
Thạch Lam không quên một thứ quà rong nào, mỗi thứ Thạch Lam đều tả hết cái hương vị, cái hình thức đặc biệt của nó, hương vị và hình thức truyền lại không biết tự đời nào. Nếu Thạch Lam thích làm thơ thì hẳn đã viết những bài Đường luật hay tứ tuyệt để vịnh chiếc "bánh rán nóng một xu hai" hay "cô hàng cơm nắm lẳng lơ với hai quang thúng bỏ chùng trông cũng ngon mắt như quà của cô vậy". Y như những bài thơ vịnh ốc nhồi, vịnh bánh trôi của Xuân Hương. Biết đâu Xuân Hương cũng không do cảm hứng trong khi xơi quà Hà Nội mà đọc ra những  bài thơ lưu truyền kia.
Thạch Lam không làm văn vần như Xuân Hương. Nhưng tứ thì phong phú, màu sắc sáng tươi, nét vẽ nhịp nhàng, đã khiến nhiều đoạn văn xuôi của Thạch Lam trở nên những bài thơ kháu khỉnh. Đây, ta hãy nghe Thạch Lam tả ăn quà bún ốc:
"Có ai, buổi trưa vắng, hay lúc đêm khuya, đi qua nhà cô đào, nhà các chị thanh tân, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến đâu không? Nước ốc chua làm nhăn nét mặt tàn phấn và mệt lả; miếng ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt, và khiến đôi khi rỏ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình.
"Cô hàng ốc có một cái dụng cụ, một đầu là búa, một đầu là dùi nhọn. Một cái gõ nhẹ và một cái trở tay, là con ốc nguyên cả ruột đã gọn gàng rơi vào bát nước chấm. Cô thoăn thoắt rút ốc không kịp. Trông thấy người ta ăn ngon lành, chính cô cũng sinh thèm: cô thú thật với tôi như thế "
Biết bao nghệ thuật trong một bức tranh nhỏ mọn nhưng tinh tế. Và đến dược nghệ thuật ấy không phải chỉ có tài, mà còn phải có lòng yêu. Yêu thành thực, yêu trong thâm tâm, yêu những cái bé bỏng của những đời sống bé bỏng, nghĩa là yêu Hà Nội, vì những cái bé bỏng ấy tức là tất cả Hà Nội.
Thạch Lam vĩnh biệt Hà Nội, giữa một công cuộc mà anh đã tỏ ra có đủ tài năng đã theo đuổi tới đích: công cuộc soạn một pho Hà Nội sử ký. Nếu anh còn ráng ở lại với chúng ta, thì ngòi bút linh động của anh tả cái Hà Nội hiện thời này, hẳn phải làm chúng ta...
20-7-43

أحدث أقدم