VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thế Lữ người mở đường táo bạo và dừng lại đúng lúc



Vài nét tiểu sử 
Thế Lữ tên thật là Nguyễn Thứ Lễ - 
Ngày sinh 10-6-1907 (một số sách viết nhầm 6-10). 
Ngày mất 3-6-1989. 
Từng được coi là nhân vật chủ chốt trong Tự Lực văn đoàn, viết nhiều trên các báo Phong hóa, Ngày nay. 
Sau chuyển sang hoạt động sân khấu và từ 1945, chỉ làm sân khấu. 
Tác phẩm chính: Mấy vần thơ (thơ, 1935), Vàng và máu (truyện, 1934), Trại Bồ Tùng Linh (truyện, 1941) v.v...

Trong một bài thơ mang tên Lời mỉa mai Thế Lữ viết:
Tôi dấn bước đầu trong cảnh trần gian
Ông cũng là tác giả của hai câu thơ mà Xuân Diệu thích nhắc lại:
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên
Nên hiểu cái ấn tượng về sự mở đầu này như thế nào? 

 Lý do cụ thể, tức là cái cớ xui người ta cứ phải nhắc lại những phút khởi phát,bừng ngộ ấy có thể rất giản dị  -- một kỷ niệm của tình yêu, tình bạn; một chuyến đi; một lần gặp gỡ. 
Nhưng theo tôi, nên hiểu nó theo nghĩa rộng.
Đặt vào hoàn cảnh sinh hoạt văn nghệ thời tiền chiến và tiểu sử nghề nghiệp của tác giả, người ta vẫn cảm thấy điều xúc động ở đây như có mối liên hệ xa gần với cái bước đi ban đầu của những người viết văn làm thơ xứ này, khoảng những năm 30.
Đó là khi các nhà văn nghệ chính thức từ giã cái mẫu hình văn học trung cổ và dần dà làm cuộc khai phá để gây dựng nền văn học hiện đại. 
Bởi vì ở thơ, sự bắt đầu này quá rõ, và lại nảy sinh ồ ạt, nên có cả một phong trào, gọi là Thơ mới, nó đối lập hẳn với thơ cũ. 
Song nhìn rộng ra, phải thấy cuộc biến động xảy ra ở cả văn xuôi, ở kịch, bao nhiêu thay đổi đã đến với người ta trong cách làm, cách hiểu về văn học.
 Là một người có mặt rất sớm, hơn nữa, có công dựng tạo nên và thúc đẩy sự thay đổi, thì trước thời buổi này làm sao Thế Lữ không xốn xang cảm động cho được?

Trong một truyện ngắn mang tên Trăng ngàn, Thế Lữ viết về nhân vật Tuấn. 
"Anh thấy mình vẫn sáng suốt để nhận thấy sự rung động của tâm hồn. Anh phân tích hoài, ngẫm nghĩ hoài. Người trong cuộc luôn luôn đứng ra ngoài để nhìn trở vào. Nhà tài tử đang lúc phô diễn tự thả cho tâm trí lùi xa và tự ngắm dáng điệu mình trong sân khấu. Tuấn thuộc vào hạng nghệ sĩ giàu tình tứ và cảm giác muốn tận hưởng các trạng huống của tâm trí cũng như muốn thưởng thức hết các vẻ đẹp của phong cảnh trần gian". 
Khi dẫn lại đoạn văn này, trong cuốn Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, một nhà nghiên cứu ở Sài Gòn trước đây là Phạm Thế Ngũ đã lưu ý:
 "Tuấn đây hẳn là một hình ảnh của Thế Lữ. Cái khuynh hướng phân thân và tự quan sát ở đây đã tạo ra một con người tài tử về cảm giác, lãng mạn một cách thức tỉnh, không chịu để cho một cảm giác nào lọt vào ý thức mà không đưa qua cái lọc phân tích trước".

Về phần mình, chúng tôi muốn nhấn mạnh thêm là trong cái thói quen làm gì, rung cảm gì cũng có sự tự ý thức rành mạch, vừa xúc động, vừa biết ghi nhận sự xúc động ấy, và trong chừng mực nhất định, chủ động hướng dẫn nó, Thế Lữ đã hiện ra như một nhà nghệ sĩ kiểu mới, khác biệt rất nhiều so với các bậc tiền bối, từ Tản Đà trở về trước.

Cái cảm giác thuở ban đầu, bước đầu mà Thế Lữ hay nói trong thơ nảy sinh từ nhận thức về sự khác biệt đó. 
Hướng cả đời mình vào một sinh hoạt văn học còn đang mới mẻ, cuộc phiêu lưu tự dò dẫm, tự tìm đường của ông diễn ra trên hầu như tất cả các phương diện của nghề nghiệp. 
Và nó cũng được khởi động ngay trong cái khu vực tưởng ổn định nhất, và khó thay đổi nhất, là hình thức thể loại, bao gồm cả thơ lẫn truyện.
Nếu có dịp đọc lại Mấy vần thơ người ta sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy sự tồn tại đồng thời ở đây cả những bài thơ giàu nhạc điệu, lẫn những đoạn quá đậm chất văn xuôi.
Bên cạnh những:
- Tiếng ve ran trong bóng cây rậm mát
Giọng chim khuyên ca ánh sáng mặt trời
Gió nồng reo trên hồ sen dào dạt
Mùa xuân còn, hết? Khách đa tình ơi!

- Mây hồng ngừng lại sau đèo
Mình cây nắng nhuộm bóng chiều không đi
Trời cao xanh ngắt - Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.

Là những:
- Tiếng pháo rắc trong thành phố vắng
Mưa phùn rây cùng ánh đèn yên lặng
Gợi lên mặt đường đen, loáng và xa
Hai dãy nhà kín cửa đứng chơ vơ
Điềm nhiên mặc kệ con người vơ vẩn

- Thế Lữ nghĩ ba hôm mới nói
"Ô phải đây". Rồi ở ngay Hà Nội
Anh ta vừa hoạt động vừa mơ màng
Lúng túng như anh mán học làm sang
Trong một bộ áo quần rất lịch sự.

Có thể cắt nghĩa: đây là do bước đầu thơ mới còn vụng dại, nên mới lúng túng như thế! 
Nhưng theo chúng tôi có thể nghĩ khác: đấy là những cố ý của Thế Lữ. 
Cố ý làm ra vẻ văn xuôi để đi ngược lại cách hiểu thông thường về thơ. 
Cứ làm sao khác thơ cũ đã, rồi mọi chuyện điều chỉnh sau.

Hoặc như trong thể truyện, một người lịch lãm như Thế Lữ hẳn thừa biết rằng ở phương Tây cũng như phương Đông, loại truyện kinh dị, nhất là truyện trinh thám, luôn luôn bị người ta coi thường, chỉ xếp vào thứ văn học hạng hai, hạng ba. 
Song chính vì thế, ông bắt tay viết, viết cho thiên hạ thấy rằng những thói quen cũ cần phải thay đổi, và mọi chuyện cần được nghĩ lại. 
Sự khai phá mở đường thường khi đồng thời là một sự thách thức. Nhưng có hề gì với con người có một ý chí vững chắc như tác giả Mấy vần thơ, mà như Hoài Thanh, tác giả Thi nhân Việt Nam nhận xét, là trong cuộc đấu khẩu giữa Thơ mới - Thơ cũ thời ấy, chỉ bằng những vần thơ của mình, Thế Lữ đã mang lại chiến thắng cho Thơ mới mà không cần tranh biện.
 Quả thật, không có một chút quá đáng nào trong lời ông tâm sự với Xuân Diệu: cái ý phá vỡ những lề lối trói buộc là nhất quán trong tôi.
Liên tục vượt qua thói quen cổ hủ, cảm giác mở đầu có đến với tâm trí Thế Lữ một cách thường trực thì cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng nhu cầu hoạt động thì nhiều, mà sức lực mỗi người chỉ có hạn.
 Luôn luôn mở đầu tức đồng thời cũng có nghĩa là phải luôn luôn dừng lại, hơn thế nữa, luôn luôn từ bỏ những con đường vừa khai phá.
Cái luật đời thông thường đó cũng xảy ra với Thế Lữ, và chỗ hơn người của ông, là ông rất chủ động trong cái việc dừng lại ấy.


Mặc dù là một trong những người mở đường cho thơ Việt Nam hiện đại, song trước sau, Thế Lữ chỉ là tác giả một tập thơ duy nhất.
So với Thế Lữ, Xuân Diệu đến với thơ có chậm hơn vài năm, song trên đại thể, có thể bảo họ là cùng trang lứa. 
Ấy vậy mà một bên đời thơ của Xuân Diệu kéo dài tới hơn 50 năm, trong khi ấy bên kia, đời thơ của Thế Lữ chỉ khoảng 5 năm, nghĩa là mười lần ít hơn, sự khác biệt thật là khủng khiếp.

Ở đây, chúng tôi không có ý định so sánh xem đóng góp về văn học ai lớn hơn ai. 
Đứng về tâm lý của người sáng tác văn chương, chỉ xin nêu lên một nhận xét: nếu như ở phương Tây, người ta thường được chứng kiến hiện tượng một vận động viên, một cầu thủ, một diễn viên sân khấu hay một nhạc công tuyên bố giã từ đấu trường, chia tay với sàn diễn đúng vào lúc tài nghệ lên đến đỉnh cao, thì hầu như điều đó, không có ở Việt Nam. 
Nói hẹp trong phạm vi nghề văn, trừ phi trời bắt tội không viết được nữa không kể, còn thông thường ai đã làm nghề này thường cứ thế làm mãi và rất thích được khen rằng càng già càng dẻo càng dai (mặc dù nhiều khi chung quanh chỉ nói vậy cho phải phép). 
Nghĩa là những người biết tự hạn chế và chủ động đặt dấu chấm hết cho một phần sự nghiệp của mình, loại đó quá hiếm. 

Đặt vào hoàn cảnh ấy mới thấy cái hiện tượng Thế Lữ ngay từ 1936-1937 đã nồng nhiệt giới thiệu Xuân Diệu và như các nhà văn học sử thường viết, tự nguyện nhường ngôi bá chủ thi đàn cho Xuân Diệu, để rồi dứt khoát không làm thơ nữa... 
cái hiện tượng ấy quả là bất thường, độc đáo. 

Kể ra, cách tồn tại trong văn chương là muôn hình muôn vẻ, không ai giống ai, mà trong việc dùi gắng nhẫn nhịn bám trụ lấy nghề, "một tấc không đi một ly không rời", nhiều cây bút ở ta cũng cố tự khai thác, tự làm giàu mình thêm và có những đóng góp cho văn học. 
Tuy nhiên, cũng đã đến lúc nên nói là ở đây, không khỏi có những trường hợp, sự dùi gắng đồng nghĩa với sự ham hố quá đáng, không tự biết mình, và cái sự kéo dài gắng gượng và tùy tiện này làm cho một số tác giả trong một số trường hợp, hiện ra cũ mòn, nghèo nàn cằn cỗi, mình lặp lại mình không xong, nên đánh mất luôn cả tình cảm sẵn có nơi bạn đọc. 
Trở lại với trường hợp Thế Lữ, bởi lẽ trước sau ông vẫn có một vị trí danh dự trên thi đàn, nên sự dừng lại của ông càng đáng khâm phục. 
Nếu lại lưu ý thêm là về sau, ông cũng bỏ luôn cả truyện kinh dị, truyện đường rừng để chuyên chú vào sân khấu, thì người ta càng có lý để khái quát: đây không chỉ là một nghệ sĩ biết khai phá mở đường, mà còn là một người luôn luôn biết dừng lại đúng lúc.
 Đó là một khía cạnh trong con người nghệ sĩ nơi ông, một phương diện của tài năng vốn có nơi ông và phải nhận đó là việc làm táo bạo, đi ngược thói thường, nên trên cái nền chung của thời gian lịch sử, lại càng hiện ra chói sáng; riêng đối với  mẫu người ham hố cố đấm ăn xôi kiếm chác... đầy rẫy thời nay, là cả một lời cảnh cáo.

Đã in trong  Cánh bướm và đóa hướng dương, 1999




أحدث أقدم