Do nhu cầu làm báo, mấy chục năm liền trước khi về hưu, tôi thường phải đọc lại báo chí tiền chiến ngày Tết để làm hàng phục vụ người đón xuân thời nay.
Nay đã đến lúc đọc lại chính cái viết về Tết của thời mình – tức là các bài báo tết từ sau 1945 tới nay, nhất là từ sau 1975 --, ấn tượng chính còn lại trong đầu óc tôi là một sự khác biệt:
-- người viết văn viết báo tiền chiến thường đứng trên góc độ của con người hiện đại, trở về với dân tộc hết sức thiết tha, nhưng bao giờ cũng có sự phê phán. Hoặc nếu không thì cũng cảm thấy quá khứ là một cái gì tốt đẹp nhưng đã vĩnh viễn qua rồi không bao giờ còn trở lại nữa, người ngày nay phải sống khác.
Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ .. là những người nói đến cùng cái tầm thường dung tục của cách ăn tết ngày xưa.
Còn Thạch Lam mở ra một cách nhận thức mẫu mực, vừa thấy nét đẹp cổ điển của Tết, vừa khẳng định rằng thời đại của những cái Tết cổ truyền đã qua xã hội đang tìm tới cách đón tết thời cũ chưa từng biết.
-- Trong khi đó, nhiều bài báo Tết thời nay gần nhau ở cái điểm phục cổ: chỉ thuần một giọng ca ngợi những cái Tết xưa, ra cái điều rằng ở đó tất cả là tốt đẹp, chúng ta phải gắng làm theo, không cần cải tiến thay đổi chi hết.
Không những đối với Tết mà với nhiều phong tục tập quán thời xưa, chúng ta cũng có thái độ như vậy.
Lý tưởng hóa quá khứ đang là khuynh hướng bao trùm tâm lý con người, chi phối sự phát triển xã hội.
Đáng lẽ phải thấy quá khứ có nhiều khuôn mặt thì ta lại chỉ cho nó có một khuôn mặt duy nhất. Trong khi giải quyết các vấn đề xã hội ta chỉ nhăm nhăm dựa vào những kinh nghiệm trong quá khứ coi đó là thư thuốc bách bệnh.
Tôi tự giải thích về tình hình ấy như sau:
Chiến tranh kéo chúng ta lại Sự kiện lớn nhất chi phối đời sống gần ba phần tư thế kỷ nay vẫn là chiến tranh ba mươi năm.
Trước chiến tranh, chúng ta có một xã hội đang hiện đại hóa mà do chỗ nó được tiến hành dưới sự bảo trợ của người Pháp nên chúng ta vẫn không chịu công nhận nó là văn minh tiến bộ, vẫn xem xã hội đó không phải là của mình.
Nếu được gọi sự vật bằng cái tên của nó, phải nói cuộc chiến tranh mà chúng ta tự nguyện tiến hành đã đập vỡ cái xã hội ấy ra. Chỗ này chỗ kia có thể khác, nhưng trên đại cục thì xã hội trước 1945 đã bị giải cấu trúc. Hệ thống quốc gia được tổ chức theo kiểu một đạo quân và hậu phương của đạo quân đó tuy còn gọi là xã hội song chỉ còn là cái vỏ ngoài, ngoài những bộ phận bảo đảm cho hàng ngũ người mặc áo lính chiến đấu, thì mọi thiết chế khác đều đã phá sản.
Cái xã hội đi dần sang hướng hiện đại thời Pháp thuộc bị chúng ta đơn giản hóa và đưa nó về tình trạng tiền hiện đại. Trong bộ phận chủ đạo, bộ phận sau này trở thành bên thắng cuộc, có người hiểu cái giá mình phải trả, nhưng vì nhu cầu trước mắt không thể làm khác. Mọi lý lẽ được huy động để chứng minh việc trước mắt là duy nhất đúng.
Hiểu biết Sau chiến tranh mặc dù tuyên bố là đặt mình vào công cuộc phát triển, nhưng thế nào là phát triển thì chúng ta không biết.
Cái khuôn mẫu mà sau chiến tranh chúng ta muốn xây dựng chỉ là khuôn mẫu mà chúng ta đã phá, thậm chí về nhiều mặt đưa tới tình trạng tiền hiện đại như trên vừa nói. Mọi sự gọi những là hội nhập là ra với thế giới chỉ là trong thế bức bách phải làm. Đội quân cũ được phân công đi làm kinh tế đi làm giáo dục. Mọi khái niệm về văn minh văn hóa chi phối con người sau chiến tranh chỉ là những cái thời tiền chiến ta còn nhớ được, cộng với những cái mới lõm bõm học được từ nước ngoài.
Niềm tin Không chỉ có cách sống mà cả trong tư duy, ở những con người từng hết lòng vì chiến tranh cũng thấy có sự trở lại với những khuôn khổ của cái tư tưởng đã hướng dẫn người ta làm cuộc chiến tranh. Khía cạnh thứ nhất, mà cũng là khía cạnh bao trùm trong suy nghĩ con người lúc này: quá khứ là muôn vàn tốt đẹp.
Chỉ có quá khứ có giá trị.
Tương lai sẽ giống như quá khứ, trên cái mạch của quá khứ.
Lẽ tự nhiên một tâm thế nhất quán là sự sùng bái quá khứ được hình thành. Từng con người tự nguyện sống lại quá khứ, mà cả xã hội cũng không mong mỏi gì khác.
Trong chiến tranh cả xã hội sống bằng một niềm tin trung cổ kiểu như “chân cứng đá mềm” “có công mài săt có ngày nên kim”, “Dù có bao nhiêu gian khổ, chính nghĩa sẽ thắng”.
Khi sự kiên trì giữ vững niềm tin đó được kết thúc bằng một sự kiện mà ta ao ước và gọi chung là chiến thắng thì cũng là lúc tâm trí chúng ta đã đông cứng lại trong một niềm tự tin cao độ, rất gần với sự tự lừa dối.
Ta tin tưởng rằng đã đánh nhau được thì làm gì cũng được. Vốn đã quá mệt mỏi vì chiến tranh chúng ta không muốn tìm tòi gì nhiều. Tương lai tìm trong quá khứ một hình bóng phát triển duy nhất. Mọi cảm tình được dành cho quá khứ, cái quá khứ bị lý tưởng hóa và chỉ có một nghĩa duy nhất. Một cách tự nhiên, những con người hậu chiến thực ra đã trở lại với cái nếp sống trung cổ lúc nào không biết. Mọi phương tiện được huy động để phủ lên sự nhốn nháo bên trong một vẻ ổn định bề ngoài.
Đã từng có những cách nghĩ khác Không chỉ riêng ta, nhiều cộng đồng khác, nhiều dân tộc khác, nhất là những dân tộc từng có một quá khứ anh hùng cũng đang trong một tình trạng dằng xé như vậy. Chẳng hạn như ở nước Nga. Ở bên ấy, cả trong thời xô viết lẫn thời gian sau 1991, sức níu kéo của quá khứ đều khủng khiếp. Để biện hộ cho sự trì trệ trong tư duy, người ta lớn tiếng lên án những kẻ muốn thay đổi, cho đó là sự vong ân bội nghĩa.
Và sự bảo thủ đã được đúc kết thành những câu nói có cánh. Như cái câu mà người ta thường bảo là của Rasul Gamzatov "Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác" .
Trong khi đó, trong một bài bình luận chính trị gần đây, bài Những xiềng xích của lịch sử Đông Á (http://nghiencuuquocte.net/2015/01/26/nhung-xieng-xich-lich-su-cua-dong/ ) tôi thấy tác giả Brahma Chellaney dẫn lại một câu ngạn ngữ : “Quên đi quá khứ thì mù một mắt, sống trong quá khứ thì mù cả hai”.
Mà đó lại là một câu ngạn ngữ của chính người Nga.
Ở ta cũng có tình trạng tương tự. Chúng ta có một xã hội ta chỉ chấp nhận có một cách nghĩ của đa số, xem đó là cách nghĩ duy nhất, còn mọi ý tưởng xa lạ với cái chính thống đó, nếu không bị phê phán thì cũng bị bỏ qua. Cách làm lịch sử lại cũng theo kiểu đó mà tiến hành. Khi đọc lại sách báo cũ, những người làm sử hiện đại chỉ chọn ra những gì hợp với thời mình, minh họa cho “giai điệu chính” đang được mọi người công nhận. Còn như mọi ý nghĩ ngẫu nhiên bột phát có thể không đúng trong tình hình ấy song lại đúng về sau - thì chẳng ai buồn nhớ.
Với một sự sáng suốt và phục thiện tối thiểu, mọi người chúng ta -- tôi tin là vậy - đều có thể tìm ra trong ký ức của mình những điểm sáng mà lâu nay bị gọi là lạc dòng nên đẩy vào trong quên lãng.
Phần tôi, dưới đây tôi dẫn lại một bài thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh làm trong khoảng thời gian tạm gọi là mười năm đen tối 1975-1985.
Vào một dịp khác tôi sẽ đặt bài thơ trong quá trình phát triển của xã hội hậu chiến và sự phát triển tư tưởng của tác giả; ở đây chỉ xin nêu lên một khía cạnh chủ yếu mà nhà thơ -- trong khi bám chắc vào cách dẫn dắt của một bài thơ tình — thật ra đã chạm tới cả một vấn đề lớn làm nên định hướng của xã hội:
-- công nhận là quá khứ tốt đẹp thật nhưng trong đó rất nhiều điều ngây ngô đơn giản và nếu làm lại ta sẽ chẳng làm như thế.
-- dù quá khứ tốt đẹp đến đâu thì nó cũng không phải là cái mẫu chúng ta làm theo. Mỗi thời mỗi khác, chúng ta phải biết tự khác đi trong hoàn cảnh.
CÓ MỘT THỜI NHƯ THẾ
Có một thời vừa mới bước ra
Mùa xuân đã gọi mời trước cửa
Chẳng ngoái lại vết chân trên cỏ
Vườn hoa nào cũng ở phía mình đi.
Đường chẳng xa, núi không mấy cách chia.
Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn
Trang nhật ký xé trăm lần lại viết
Tình yêu nào cũng tha thiết như nhau.
Có một thời ngay cả nỗi đau
Cũng mạnh mẽ ồn ào không giấu nổi
Mơ ước viển vông, niềm vui thơ dại
Tuổi xuân mình tưởng mãi vẫn tươi xanh
Và tình yêu không ai khác ngoài anh
Người trai mới vài lần thoáng gặp
Luôn hy vọng để rồi luôn thất vọng
Tôi đã cười đã khóc những không đâu
Một vầng trăng niên thiếu ở trên đầu
Một vạt đất cỏ xanh rờn trước mặt...
Mái tóc xanh bắt đầu pha sợi bạc
Nỗi vui buồn cũng khác những ngày xưa
Chi chút thời gian từng phút từng giờ
Như kẻ khó tính từng hào keo kiệt
Tôi biết chắc mùa xuân rồi cũng hết
Hôm nay non, mai cỏ sẽ già.
Tôi đã đi mấy chặng đường xa
Vượt mấy núi mấy rừng qua mấy biển
Niềm mơ ước gửi vào trang viết
Nỗi đau buồn dồn xuống đáy tâm tư
Em yêu anh hơn cả thời xưa
(Cái thời tưởng chết vì tình ái)
Em chẳng chết vì anh, em chẳng đổi
Em cộng anh vào với cuộc đời em
Em biết quên những chuyện đáng quên
Em biết nhớ những điều em phải nhớ
Hoa cúc tím trong bài hát cũ
Dẫu vẫn là cung bậc của ngày xưa
Quá khứ đáng yêu, quá khứ đáng tôn thờ
Nhưng đâu phải là điều em luyến tiếc.
Bài thơ làm 11-1984, in lần đầu trong số tết của báo Phụ nữ Việt Nam 1985 và có in lại trong các tuyển tập của tác giả, nhưng thường ít được chú ý. Ngày nay, người ta có xu hướng coi Xuân Quỳnh xa lạ với các vấn đề xã hội và chỉ là nhà thơ của tình yêu.