VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhà văn làm gì đây lúc về già ? ( bài I): Tản Đà và sự đa tạp hóa công việc

Tản Đà (1888 -1939 ) là một trong số ít ỏi những nhà thơ Việt Nam sinh ra để làm thơ, vung bút thành thơ, ngồi đâu có thơ đấy --- mà toàn là thơ hay, thơ để đời, chứ không phải là thơ con cóc, thơ vè, thơ nhăng nhít của mấy ông sẩm giỏi bắt vần.
Sức sáng tạo của tác giả Thề non nước thật tràn trề. Mà lòng tự tin nơi ông cũng mãnh liệt như mọi con người hiện đại.

Bởi vậy, người ta hẳn lấy làm lạ khi nhìn lại một sự thực: tác giả qua đời năm 1939, khi vừa năm mươi mốt tuổi, còn tập thơ cuối cùng của ông, tập Khối tình con II thì in ra trước đó có tới gần hai chục năm (về sau chỉ có thơ tuyển).
Đặc biệt từ hồi xuất hiện những tập thơ mới có sức nặng như Người sơn nhân (Lưu Trọng Lư 1933), Mấy vần thơ (Thế Lữ --1934), Điêu tàn ( Chế Lan Viên –1937 ), Thơ thơ (Xuân Diệu- 1938 ) thì ông vĩnh biệt hẳn thơ, đến thơ đăng báo cũng không gửi, mà lo kiếm ăn nơi khác.
Ông làm gì ?
Viết báo.
Viết tạp văn.
Và dịch, dịch cả văn xuôi (Liêu trai chí dị) lẫn thơ (thơ Đường).
Và ngồi chú giải Truyện Kiều.
Tóm lại là làm bất cứ thứ gì để có thể quên đi một tình yêu sâu nặng, để khỏi nhớ mình là nhà thơ. Vẫn hậm hụi kiếm ăn, nhưng không bao giờ kiếm ăn bằng thơ.

Việc này có một cái lợi: người ta không bao giờ cảm thấy Tản Đà hết duyên mà vẫn tham xuất hiện, lê lết trong nghề, cố đấm ăn xôi, bám vào cảm tình vốn có của dư luận để ăn vạ. Xét chung cả đời, ông không âm lịch, cũng không cổ lỗ trong quan niệm về nghề nghiệp.
Ngược lại người đương thời cũng như đời sau luôn luôn cảm thấy Tản Đà là người làm nghề có bản lĩnh, biết từ giã “sân cỏ”, ngay khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao, hơn nữa có thể nói là người hết lòng với thơ, xem thơ là việc của thần thánh và bao giờ cũng đối xử với thơ theo kiểu trân trọng muôn vàn, muôn vàn trân trọng (chữ dùng trong Tây sương ký).

Cũng nên biết thêm là trong việc này, không chỉ có sự biết điều, sự kiềm chế của người trong cuộc, mà còn có sự giúp đỡ chí tình của lớp trẻ nữa. Giúp đỡ như thế nào ? Chúng ta biết nhóm Tự lực văn đoàn vốn yêu quý Tản Đà. Nhưng yêu quý một cách rất tỉnh táo. Chính họ gợi ý để Tản Đà dịch thơ Đường, và những bản dịch hay nhất của ông đều in ở Ngày nay cơ quan phát ngôn của họ, tờ báo trí thức nhất mà cũng có uy tín nhất lúc ấy.
Nhưng chỉ có thế.
Còn thơ Tản Đà thì nhất định Ngày nay không in.

Tôi ghi lại một ít sự kiện này để thử nghĩ về công việc của mình cũng như của những người cùng tuổi với mình khi chúng tôi bước sang tuổi già.
Một vài câu hỏi mà tôi thường đặt ra đại khái như :
-- Có phải có những việc dành riêng cho tuổi trẻ, còn tuổi già nên tính việc khác?
-- Có phải cách tốt nhất để giữ được một uy tín là đừng làm cho uy tín đó trở nên nham nhở bởi những cố gắng bám trụ tầm thường ?
-- Có phải sự bảo thủ, và hơn thế nữa sự hoang tưởng, là thói quen tự nhiên có ở mọi người, kể cả những cây bút có lúc được xem là thiên tài và để sửa chữa cái cố tật đó, rất cần có sự giúp đỡ thông minh và kiên quyết của lớp trẻ ?
Trường hợp Tản Đà đã mang trong mình lời đáp sống động cho những câu hỏi này, mỗi người có thể rút ra để áp dụng cho mình. Cố nhiên bao giờ cũng có những ngoại lệ.

Còn đây là lời nhắn nhủ của tôi với các bạn trẻ: muốn được như Tản Đà, thì ngay từ lúc trẻ, người ta phải chuẩn bị cho mình những ngón nghề khác. Chứ nếu như không biết gì ngoài ngồi làm thơ thì về sau, có muốn đa tạp hóa cũng không được. Lúc bấy giờ người ta lại chỉ có cách mài thơ ra kiếm vặt, và rồi lại nghĩ ra đủ thứ để chê bai những đồng nghiệp biết điều, tự trọng.


Bài tiếp: Hoàng Ngọc Phách và một sự dừng bước đúng lúc.
أحدث أقدم