VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nghề thầy, suy đồi hôm nay chỉ là nối tiếp tình trạng yếu kém hôm qua

Những kẻ loàng xoàng
    Một người bạn tôi có đứa con học năm cuối cùng ở một trường đại học. Sức học trung bình, may nhờ có ông bố nên xin được thực tập ở một cơ quan nọ, vậy mà cũng lắm tiếng ỉ eo lắm. Nhưng anh bạn tôi đã xì ra một lối thoát:
-- Ấy thế mà cậu cả nhà mình lại đang được mời ở lại trường giảng dạy đấy.  Nếu lo cho nó đủ khoản tiền người ta đòi thì mình cũng đến cho nó đi dạy thôi.
-- Đâu bây giờ chả cần tiền, nhưng tôi chỉ lạ sao anh bảo nó sức học loàng xoàng cơ mà?
-- Bao nhiêu đứa giỏi đã đi ra làm việc ở Bộ nọ ngành kia cả, số thật giỏi lại còn được tuyển dụng vào các xí nghiệp nước ngoài nữa. Đời nào bọn đó chịu ở lại trường. Đến lượt con mình có gì là lạ. Ông chẳng hay nhắc lại cái câu của Xuân Diệu "thời nay là thời lý tưởng của bọn mediocre [tầm thường] là gì?   
   Tôi nghĩ lại, chuyện rành rành thế còn đi hỏi, không ngờ mình lẩn thẩn quá.

 Di lụy của lịch sử
  Không phải đến ngày hôm nay, mới có tình trạng bao nhiêu những kém cỏi trong giới trí thức dồn cả cho ngành giáo dục.
  Thời trung đại, cả nước chỉ lo học để đi thi, ai thi giỏi đều ra làm quan. Chỉ có những người lạc đệ (thi trượt) mới quay về làm nghề gõ đầu trẻ.
   Tình trạng này được kể lại rõ ràng trong tiểu thuyết Lều chõng của Ngô Tất Tố. Nhân vật thầy giáo  Khắc Mẫn chỉ làm trò cười cho các bạn trẻ hơn như Vân Hạc. Anh ta đã dốt, lại hay khoe khoang chữ nghĩa, có lá thư cho đồng môn cũng viết bằng những ngôn ngữ sáo mòn.
   Vậy mà anh ta vẫn nhấp nhổm đi thi thi tiếp, may ra có thể thoát được bọn trẻ ”nửa người nửa ngợm nửa đười ươi.”
[Nhà trống ba gian , một thầy một cô, một chó cái
Học trò dăm đứa, nửa người nửa ngợm nửa đười ươi
– tương truyền đây là toàn văn hai vế câu đối dán trong nhà Cao Bá Quát]
   
    Đến cái thời của bọn tôi, ở trường cấp III Chu Văn An những năm 50-60 của thế kỷ XX.
    Cuối năm lớp 10 (tương đương lớp 12 bây giờ), chi đoàn của lớp 10 C tập trung lo vận động một số anh em giỏi giang hãy tự nguyện thi vào Đại học sư phạm. Tại sao ư, đơn giản lắm, bao nhiêu nhân tài trong lớp đều chăm chăm nộp đơn vào các trường khá như Bách khoa, như Y Dược cả (“nhất Y nhì Dược tạm được Bách khoa Sư phạm thông qua Nông lâm xếp xó”).
    Các trường sang trọng không dành cho những anh kém. Điểm vào Y dược Bách khoa cao hơn hẳn điểm vào sư phạm. Mà cũng phải thôi, sau khi ra trường, lương ở các ngành đó bao giờ cũng cao hơn lương dân sư phạm, chưa kể sinh viên sau khi ra trường lại thường được về các thành phố lớn.Vậy phải vận động người ta đi làm thầy. Số người gọi là sinh ra đã cảm thấy yêu "nghề trồng người" từ thời bao cấp cũng đã hiếm lắm. Không kể đám lửa rơm xốc nổi, cái số chân thành tự tin, trăm người mới có một vài. Mà sau thời gian chịu trận, bám trụ đến cùng sống với nghề nghiệp bằng nguyên vẹn tình yêu như thuở ban đầu, số đó càng hiếm.
 
   Tôi năm đó đăng ký thi vào khoa Văn Đại học Tổng hợp, thi trượt, phải chuyển vào Đại học sư phạm Vinh. Ngày nhập trường, ngồi trên chiếc xe chở khách Hà Nội - Nghệ An  qua các bến phà Kiểu, phà Gián Khuất, phà Hàm Rồng…, 300 km mất cả một ngày đường, đã khóc hết nước mắt.
   Một anh bạn từ Quảng Bình thi vào trường Vinh từ đầu an ủi:
-- May mà còn có chỗ này chui vào để được cái tiếng học Đại học, chứ nếu không bọn đui què mẻ sứt chúng mình về đi cày hết cả à?  

Đòn phản công của các thầy các cô
   Thời ấy sự coi thường của xã hội đối với nghề gõ đầu trẻ được các đồng nghiệp sư phạm của tôi đáp trả lại một cách bình tĩnh. Ra trường, biết thân biết phận, nhiều người trong họ sẵn sàng về những tỉnh lẻ, những miền quê heo hút, sống lam lũ bên cạnh những cán bộ công nhân viên lớp dưới và những người nông dân nghèo khó.
    Nhiều người phải có các nghề tay trái cùng làm với vợ con để kiếm sống.
    Đến mức có giáo viên đã định nghĩa một cách chua chát, người thầy cấp I là người nông dân có thêm nghề phụ là nghề dạy học.    
 
   Từ chỗ bị coi thường, rồi giáo giới rồi cũng đã có sự khôn ngoan cần thiết để tồn tại.  
   Thời chiến đi qua. Mọi tầng lớp trong xã hội, kể cả những người lính đi chiến trường về, bắt đầu lo cho con cái, bởi lẽ họ bắt đầu hiểu rằng trong làm ăn kinh tế, phải có kiến thức. Họ cũng sớm hiểu tình trạng bị bạc đãi của các thầy các cô. 
   Thay cho sự quan tâm của nhà nước, họ tự động làm cái việc chữa cháy theo cách riêng của họ.
   Vốn chẳng có hiểu biết gì về giáo dục,  họ hồn nhiên cho rằng tốt nhất nên theo thuyết gà đẻ trứng vàng. Chỉ cần đút tiền cho các giáo viên, là con em họ sẽ học khá học giỏi một lượt.
  Các thầy cô giáo đáp laị ngay, cái gì chứ điểm số các môn học và việc lên lớp thì hoàn toàn trong tay họ, làm gì mà chả được.
   Khoảng mươi lăm năm trước, khi đứa con nhỏ của tôi còn học cấp I, việc mỗi đầu học kỳ đến gặp cô biếu xén tí chút là việc các phụ huynh học sinh đều tự nguyện làm, và chúng tôi thường sung sướng sau khi hoàn thành nghĩa vụ của mình, như các phụ huynh khác. Ngày nay, tình trạng trên tiếp tục, tinh vi hơn cũng có, mà trần trụi hơn cũng có. Một số bạn tôi có con học ở mấy trường Đại học tỉnh còn bảo rằng có tình trạng giáo viên yêu cầu sinh viên phải nộp tiền hàng tháng, nếu không thì sẽ không có điểm. Tôi chẳng hiểu nếp tẻ gì, song tin là có thật. Trong mọi lầm lạc hôm nay, mỗi con người đều thường tìm được cái lý riêng của mình.

   Tôi nhớ những năm trước 1975, các gia đình Hà Nội trong khi tính toán gả chồng cho con gái, thường bảo nhau, cốt nhất là được các cán bộ thương nghiệp, hoặc ngành thuế. Chứ thầy giáo ấy ư, đã có thời người ta xâu chuỗi nhà văn nhà báo nhà giáo nhà nghèo.
   Thời ấy các ông chồng biết tính toán nếu có bằng lòng lấy vợ giáo viên chỉ vì biết nghề đó lương thấp nhưng nhàn, lại có thời giờ dạy dỗ con cái.
    Nay thì đã khác. Thỉnh thoảng cũng thấy nói lương giáo viên không đủ sống, nhưng  xét đại trà, là khác. Biết với nhau thôi chẳng ai buồn cãi lại vì cũng như câu chuyện ông vua cởi truồng, ai tự vạch áo cho người xem lưng làm gì. Ở cái nước này nghề gì chẳng đang kém đi, nghề nào chẳng ăn, cứ gì nghề giáo. Nhất là, cũng như bên y tế, lạy trời nghề làm thầy thời nay không lo kinh tế lạm phát hay giá cả leo thang gì cả. Nước đến đâu bèo đến đấy. Thời nào người ta chẳng phải chữa bệnh. Quát giá khám bệnh cao mấy chẳng được. Thời nào chẳng phải cho con đi học. Lấy lý do nuôi con ăn học, phụ huynh càng quyết tâm ăn cắp tham nhũng.

    Trên đây là chuyện xảy ra đối với đội ngũ đông đảo là giáo viên loàng xoàng, nơi chỉ có cái lợi chi phối.
   Còn đối với loại giáo viên có máu mặt ở các trường điểm trường chọn và giới giảng dạy Đại học ,tình hình bề ngoài có khác, nhưng xét ở xu thế suy thoái của nghề thì cũng chẳng khác.
   Trong xã hội chiến tranh hôm qua, kiến thức bị coi thường bị khinh bỉ (Thà một cây chông trừ giặc Mỹ -- Hơn ngàn trang sách luận văn chương – Tố Hữu). Nay đi đâu cũng đòi bằng cấp, đến cả các ông bộ trưởng thứ trưởng tiền của và uy quyền đầy mình cũng còn hét các trường Đại học thuộc bộ khoác thêm cho mình cái học hàm giáo sư, cái học vị tiến sĩ. Mà muốn thế thì các ông phải nâng giá cho đội ngũ dạy Đại học.
    Cái cách tự lo của các giáo viên cấp thấp xem ra hơi xoàng. Các thầy cấp cao có cách đáp ứng riêng. Giáo dục phải trở lại truyền thống tôn sư trọng đạo. Giáo dục làm nên tương lai. Các anh có muốn có một tương lai tốt đẹp không mà lại coi thường chúng tôi. Trong khi  vẫn kỳ cạch làm ăn theo kiểu cũ, trong các bậc thày này sẵn có một niềm tin rằng xã hội chẳng tìm đâu ra lớp người hơn họ. Họ phải làm thầy trên đủ mọi phương diện tiếng tăm và đãi ngộ.

    Trong số các đàn anh của tôi có những người chỉ mới lập thân sau các vụ thanh trừng Đại học 1957-58, cả đời không đọc được sách báo nước ngoài, lọ mọ dựa vao một số sách giáo khoa Liên xô mà những năm trước, lớp anh em đi học nước ngoài giới thiệu. Thế mà sau mấy chục năm kẽo kẹt vận dụng vào tình hình trong nước, cuối cùng đã bao nhiêu sách in, đã thành trí thức đầu ngành, đã đào tạo được bao nhiêu tiến sĩ.
   Thực ra tôi biết nhiều vị đàn anh này cũng là những người rất thông minh. Giá kể ở một môi trường có những đòi hỏi cao hơn, họ có thể tiến rất xa. Ở ta, người ta yêu cầu họ có thế và họ chỉ có cái lỗi là thiếu sự đòi hỏi cao với mình, không dám đi ngược lại hoàn cảnh.
   Có phải chỉ riêng văn sử thế đâu, nghe như bên kinh tế thương mại, tình hình cũng chẳng khác.

 Đôi điều nói lại
  Cái đặc điểm của giáo dục ta là ở chỗ chính người trong nghề tự đặt ra tiêu chuẩn cho mọi công việc của mình, chất lượng đào tạo có ngày một kém cỏi thì họ cũng tha hồ cãi lại.
   Trong các nền giáo dục khác, tôi thường thấy có vai trò thanh tra giáo dục. Ở ta thì chả ngành nào có thanh tra theo đúng nghĩa của nghề này cả, giáo dục cũng vậy.

   Xét rộng ra thì thấy trong sự suy thoái của nghề thầy ngày nay tôi biết có sự đóng góp quyết định của bộ phận những quan chức các cấp trong nghề giáo dục, bao gồm từ những người định ra các chương trình các thang điểm, các môn thi, người biên soạn sách giáo khoa… cho tới các nhân viên các sở các phòng và hàng ngũ các hiệu trưởng cùng là nhân viên hành chính trong trường.
   Người giáo viên nhận tiền của học sinh có phải ăn một mình đâu. Dưới nhiều hình thức khác nhau, họ phải trích nộp cho các nhân viên bộ máy hành chính trong nghề. Cũng như người bác sĩ nhận tiền của bệnh nhân phải cống nộp cho người phụ trách bệnh viện và các khoản chi cho hoạt động chung trong viện. Điều oan uổng cho giới giáo viên là cho đến nay chỉ họ bị chường mặt ra còn các nhân viên guồng máy quản lý và đào tạo họ vẫn chưa bao giờ được sự soi rọi của dư luận.
    Bởi những lẽ đó chúng ta hiểu tại sao tình trạng bê bết trong giáo dục hiện nay lại kéo dài . Nó không chỉ có lợi cho đội ngũ giáo viên đương nhiệm. Cả hệ thống quan chức trong nghề cũng chỉ mong rằng mọi thứ cứ giữ nguyên tình trạng như cũ. Trong các tài liệu chính thức, nền giáo dục lan ra theo chiều rộng hiện nay vẫn luôn luôn được coi là thành tựu của đất nước.

Người biết từ chối
    Muốn tìm cho bài viết này một hơi hướng vui vui, tôi chợt nhớ lại về một pho truyện cười khá phổ biến ở ta là Trạng Lợn. Khác với Trạng Quỳnh gian xảo và khinh rẻ mọi người, Trạng Lợn hiền lành, đôi khi khờ khạo, phất lên được là do gặp may, kể cả có một gia đình hạnh phúc và  bà vợ đến cuối đời vẫn không biết rõ thực chất cuả chồng mình.
   Cuối truyện, khi Trạng trở về với gia đình, bà vợ ấy-- vốn là con gái một quan chức, trong truyện gọi là Phu nhân Phấn Khanh – bảo bây giờ Trạng phải ở nhà dạy con để lo người kế nghiệp.
    Trạng trả lời đại ý mình biết gì đâu, thôi phu nhân cứ làm như khi Trạng vắng nhà, và bỏ đi chu du các vùng lạ.
    Đọc đoạn này, lâu nay tôi chỉ nghĩ ra Trạng cũng hiểu thành đạt do gặp may chứ mình chẳng tài cán gì. Một cách nghĩ xa lạ với nhiều người Việt hiện nay, dù họ cũng phất lên theo kiểu trạng.
    Nhân ngày 20-11 năm nay, tôi nghĩ thêm, hóa ra trong xã hội Việt Nam trung đại cũng đã có người biết rằng việc giáo dục là việc trọng đại, không phải bất cứ ai cũng làm được. Tương lai chỉ được làm ra một cách nghiêm túc chứ không thể là chuyện ăn may. Và người ta có thể bịp thiên hạ trong nhiều việc khác, nhưng không thể bịp trong việc giáo dục lớp trẻ.
     Trong trường hợp không biết làm thầy và quản lý giáo dục, thì từ chối đi là lương thiện nhất.
    Nghĩ xong cũng biết ý nghĩ của mình lạc lõng, nó quá cổ lỗ đối với con người hôm nay. Song đã chót nghĩ xin cứ chép ra đây.

أحدث أقدم