VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Mấy nét sơ lược về ý niệm thời gian ở chúng ta hôm nay

Cái đồng hồ của người Việt Nam là tên một bài báo của Phan Khôi in trên Phụ nữ tân văn 1931. Trong bài viết ấy, nhà báo họ Phan cho rằng nhiều người hồi bấy giờ dùng đồng hồ chẳng qua bắt chước người Âu - Mỹ để trưng diện ra cho đẹp, chứ chẳng mấy khi coi giờ: nói chung, với người Việt Nam đầu thế kỷ XX thì giờ ( = thời gian ) không phải là chuyện đáng để ý, ai ai cũng một tâm lý cơm vua ngày trời, được đến đâu hay đến đấy.
thời gian của sự bình lặng, thời gian tính bằng tháng năm
Những nhận xét của ông nhà báo nổi tiếng là gàn bởi hay nói thẳng này không phải là vô lý.
 Sự bình lặng là đặc điểm chủ yếu làm nên nhịp sống của xã hội Việt Nam thời trung đại và nó cũng còn kéo dài cho đến thời Pháp thuộc.

Trong hoàn cảnh một nền kinh tế tiểu nông, sự làm ăn trông chờ cả vào mưa thuận gió hoà, người ta không thể nào có được một thái độ tự giác về thời gian, như ở các nước công nghiệp phát triển. Ngày tháng trôi qua đều đều, hôm qua đã vậy, mà mai đây cũng vậy, năm trước là hình ảnh gợi ý của năm sau.
Cảm giác này còn thấy rõ khi đọc lại nhiều tác phẩm văn chương tiền chiến. Chẳng hạn, trong Cô hàng xén, Thạch Lam ghi lại ý nghĩ của cô Tâm. “Cái đòn gánh cong xuống vì hàng nặng, kĩu kịt trên mảnh vai nhỏ bé theo nhịp điệu của bước đi: chịu khó, chịu khó, từng tí một, hết bước nọ sang bước kia, cứ thế mà đi không nghĩ ngợi, Tâm thấy ngày nay cũng như mọi ngày, ngày mai cũng thế nữa, tất cả cuộc đời nàng lúc nào cũng chịu khó và hết sức như tấm vải thô dệt đều nhau”.
Còn trong Hai đứa trẻ, tác giả cũng phác ra cho thấy cả một nhịp sống chậm chạp, con người lấy việc làm theo nếp ngày hôm qua là chuyện tự nhiên. Thời gian đi qua, nó không để lại dấu ấn gì rõ rệt ngoài lời hứa hẹn rằng tương lai vẫn thế.
Xét về tầm vóc lớn lao và mức độ tác động tới xã hội, thì cuộc Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến tiếp theo là những sự kiến lớn làm thay đổi cả hướng đi của lịch sử dân tộc.
Thế nhưng điều kỳ lạ là ở chỗ con người làm nên những biến chuyển đó bằng một tâm lý rất thoải mái. Khẩu hiệu trường kỳ kháng chiến thấm vào tâm thức mọi người. Sự từ tốn bền bỉ được khai thác để chống lại sức mạnh của máy bay trọng pháo. Ngành nào cũng có những người đi bộ hàng tháng trời từ khu Bốn, khu Năm ra Việt Bắc họp, rồi lại đi bộ hàng tháng trời trở về công tác bình thường.
Thời gian lúc ấy hình như tính bằng năm tháng chứ không tính bằng giây phút.
Cho đến thời kỳ chống Mỹ, tâm lý đó vẫn còn phổ biến. Tôi nhớ có lần cánh phóng viên chiến trường bọn tôi từ mặt trận B5 qua trạm T.70 miền Tây Vĩnh Linh đi bộ ra Hà Nội. Chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng đoạn đường mà sau này tính lại, đi mất gần một tháng - cánh lái xe giỏi chỉ đi trong một ngày.
Và để quên đi những mệt nhọc trên đường, chỉ còn có cách đùa bỡn:
- Gớm cái “nước” Quảng Bình này rộng quá, đi mấy ngày không hết!
- Có lẽ tới đây cũng phải mất từng ấy ngày để qua “nước” Nghệ An rồi mới sang “nước” Thanh Hoá.
Có một lý do khiến cho ngày ấy, không ai cảm thấy sốt ruột: ai cũng tính được là có về đến Hà Nội thì vẫn sống theo một nhịp điệu nhẩn nha như vậy.
Đại khái xếp hàng mua gạo cho gia đình mất cả buổi sáng là chuyện thường tình, mà nếu không xếp hàng thì cũng chỉ ngồi họp hoặc đọc báo. Hà Nội hồi những năm chiến tranh và cả chục năm sau đó là một thành phố rất thanh vắng, xe bò còn là phương tiện vận tải được phép lưu thông ngay trên một số phố chính, và những đôi tình nhân có thể đạp xe thong thả trò chuyện với nhau trên đường mà không sợ làm phiền đến ai cả.
Quả thực, giờ đây nghĩ lại, bên cạnh một thoáng cười mỉm về cái thuở ấu trĩ đã qua, nhiều người vẫn không khỏi thèm nhớ sự thanh thản không biết vội của thời ấy.
thời gian nay là tiền bạc ; hối hả, chụp giật, nhưng...
Bước sang thời phát triển hỗn hào hiện nay, cuộc sống đã trở thành khác.
Một nhịp điệu khác hình thành.
Và một ý niệm khác về thời gian chi phối.
Báo chí đưa tin Việt Nam trở thành một trong những nước tiến nhanh nhất trong việc tăng số máy điện thoại trên đầu dân.
Nhìn ra ngoài đường, vai trò của cái xe đạp hôm qua nay thuộc về cái xe máy mà tốc độ, trên lý thuyết, có thể gần ngang với ô-tô. Không chỉ khách nước ngoài phàn nàn, mà cả người trong nước, nhất là những người già, cũng đang e ngại về nỗi xe máy ở ta đi cả trên vỉa hè và thường phóng nhanh đi sát tới chỗ gây tai nạn. Ở nhiều ngã tư rất dễ bắt gặp cảnh xe máy cố vượt lên khi tín hiệu đèn đỏ đã bật: với nhiều người, chưa bao giờ thời gian trở nên bức xúc như bây giờ!
Từ chỗ là một thứ của kho vô tận và thuộc về mọi người, như khí trời, như nước sạch, nay thời gian đã trở thành một thứ sở hữu cá nhân, nó được ý thức như một giá trị to lớn và là ngọn nguồn của mọi giá trị khác. Cái câu cổ nhân xưa từng nói thì giờ là tiền bạc, nay nhiều người mới thật thấm thía.
Tuy nhiên, sẽ là vội vàng nếu như nói rằng một ý thức hoàn toàn mới về thời gian đã ngự trị. Tốc độ cho phép của xe máy lên tới 50-60 km, nhưng ở thành phố, xe chỉ chạy khoảng 20-30km gì đấy.
 Từng người cố đi nhanh nhưng sự vận động của cả khối người trên đường chẳng hơn xưa là bao.
 Vả chăng nhiều người phóng xe máy như điên, chẳng qua chỉ cốt để kịp có mặt trong một bữa nhậu, hoặc một buổi họp nhạt nhẽo, và giá theo dõi một thanh niên luồn lách trên đường, vượt cả đèn đỏ ngã tư, lát sau sẽ thấy anh ta ngồi hàng tiếng đồng hồ trong quán karaokê.
Sự chuyển pha còn dang dở: hiểu rằng thời gian là quý nhưng làm sao để biến thời gian ấy thành giá trị thực sự, nhiều người vẫn không biết.
Nay là lúc thấy thịnh hành ở cả giới buôn bán lẫn giới lao động trí óc (chẳng hạn, các nhà sáng tác văn chương hoặc các cán bộ nghiên cứu khoa học) một lối làm ăn tạm gọi là chụp giật. Hàng ngày chơi dài, chỉ thỉnh thoảng mới bắt tay vào việc, song đã làm là tốc chiến tốc thắng, làm ù một cái cho xong.
Hãy nhớ lại thời xưa, có những người cả đời chỉ theo đuổi một công việc chuyên môn nào đó, và họ kiên trì làm đến cùng.
Có cảm tưởng như họ cầm nắm được thời gian, cảm nghe được sự liên tục của nó, biết hướng mình sống hoà thuận với nó. Nói như cách nói của sách vở: họ tin rằng thời gian ủng hộ họ.
Cảm giác ấy, niềm tin ấy, nhiều người ngày nay không có!.
thời gian và đời sống tinh thần của xã hội
Nếu như ở mỗi cá nhân, ý niệm về thời gian chủ yếu liên quan đến việc sử dụng ngày tháng sao cho hữu hiệu, thì xét ở phạm vi cộng đồng, điều này chủ yếu bộc lộ qua ý niệm về quá khứ hiện tại và tương lai mà cộng đồng đó đã và sẽ sống, từ đó toát lên quan niệm về sự phát triển của bản thân cộng đồng trong quá trình lịch sử.
Đây là một vấn đề quá lớn, trong phạm vi của mình, chúng tôi chỉ xin nêu một nhận xét nhỏ:
-- với người Việt hôm nay, thời gian vẫn đang được đơn thuần xem như một sự kéo dài liên tục, hiện tại là sự kéo dài của quá khứ, và tương lai là sự kéo dài của hiện tại.
-- Quá khứ chỉ được xác định một lần và cứ thế mãi mãi tồn tại. Trong đời sống tinh thần chung của xã hội, cả quá khứ gần (thời chống Pháp chống Mỹ) lẫn quá khứ xa xưa (thời Hùng Vương hoặc thời Lý Trần) luôn luôn có mặt, nó đem lại cho hiện tại vừng hào quang sức nặng và lòng tự tin và nó sẽ là nhân tố chủ yếu quy định tương lai.
        - Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa,
         Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường.
                                                             Chế Lan Viên
Chính trên cái mạch nghĩ chung ấy, quá khứ thường được hình dung bằng những phạm trù giống như hiện tại, và nếu như trong các sáng tác văn nghệ, những anh hùng dân tộc trong quá khứ có suy nghĩ nói năng hệt như con người thế kỷ XX thì cũng là điều dễ hiểu.
Khó mà tìm được một tiêu chí khắc hoạ đầy dủ bản chất của văn hoá, như khái niệm thời gian. Trong khái niệm ấy, thấy thể hiện đầy đủ cảm quan của thời đại về thế giới, hành vi và ý thức của con người, nhịp điệu của cuộc sống”.
 Một nhà nghiên cứu văn hoá người Nga, ông A.Ju.Gurevich trong cuốn Những phạm trù văn hoá trung thế kỷ (đã có bản dịch tiếng Việt của Hoàng Ngọc Hiến, nhưng chưa bao giờ được giới nghiên cứu khoa học xã hội ở ta xem trọng)  đã rất có lý khi viết như vậy.
Do chỗ ý niệm về thời gian liên quan đến văn hoá, nên chúng ta hiểu tại sao nhiều người nước ngoài đến Việt Nam có ngay nhận xét về cách sử dụng thời gian của người Việt.
 Xu hướng chung ở đây là họ - nhất là người ở các nước Tây Âu - tỏ ra khó thích ứng với cái kiểu tuỳ tiện “gặp đâu hay đấy”, “nước đến chân mới nhảy” của chúng ta. 
Nhưng gần đây, cũng đã bắt đầu thấy có xu hướng ngược lại. Một hoạ sĩ người Đức kể lại rằng lúc đầu mới học làm sơn mài, bà thấy quá nặng nhọc vì phải kiên nhẫn chờ đợi và đặc biệt phải nhạy cảm với những thay đổi bất ngờ của màu sắc. Mãi sau bà mới phát hiện: qua quá trình lao động khá đơn điệu đó, bà có điều kiện để “thấy thời gian thực sự là hiện hữu”. Đi xa hơn một bước nữa, người phụ nữ này còn lấy cách nhìn của người Việt Nam hiện thời để quay lại đánh giá cách sử dụng thời gian ở phương Tây. Bà tâm sự: “Sau khi được sống trong một cuộc sống đầy màu sắc sinh động ở Hà Nội, chúng tôi cũng cảm thấy sẽ có phần nào tẻ nhạt nếu trở lại những thành phố quê hương với lối sống quá công nghiệp, quá khắc nghiệt về thời gian. Ở đó thậm chí chúng tôi chẳng có đủ thì giờ quan tâm tới cái chết của người thân quen nữa”. (xem báo Thể thao và văn hoá, số ra 24.11.2000).
Qua người mà hiểu mình, cái quy luật có tính chất chủ đạo ấy trong nghiên cứu văn hoá lần này lại được chứng nghiệm. Chép lại mẩu chuyện này ở đây, chúng tôi chưa dám nói ngay rằng nhận xét của người hoạ sĩ kia đã chính xác hay chưa mà chỉ nhằm lưu ý là chúng ta cần phải lắng nghe, phải đối chiếu so sánh rất nhiều, phải biết thêm những cách nhìn khác về chính mình, thì mới đi tới chỗ tự nhận thức một cách chính xác.
 Trên báo Ngày nay số ra 12.9.1937, nhà văn Thạch Lam trong một bài báo ngắn, sau khi kể lại rằng một người Pháp rất khen tục thờ cúng ở ta, đã nói thêm “cái đó là tuỳ ông thôi, còn chúng tôi, chúng tôi thấy chúng tôi quá trọng người chết, quên hẳn mất việc sống (...) chen chúc nhau mà chết đói chứ không chịu đi đến những nơi khác để chen vai thích cánh với người ta”.
Ở đây, nhân bàn về một ý kiến người ngoài, Thạch Lam đã bắt đầu nhìn ra cái “thời gian lớn” là chuyện sống chết, và xem mục đích sử dụng là một trong những dấu hiệu làm nên ý niệm thời gian của một cộng đồng … Nhưng câu chuyện đã  chuyển  sang phạm vi triết học, chúng tôi chỉ ghi lại như trên mà chưa biết bao giờ đủ sức để bàn tiếp.


Vốn là bài SỰ  CHUYỂN PHA CÒN DANG DỞ,

  in trong Nhân nào quả ấy  H. 2004 , có viết lại mấy câu cuối.
أحدث أقدم