VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Tiếp nhận và vận dụng lý luận trong nghiên cứu văn học hiện nay

Trong bài viết này, tôi tập trung  nêu một  số nhận xét cụ thể:
  --  mấy chục năm qua, đời sống lý luận có  nhiều sôi động bởi đó  là do nhu cầu xã hội đòi hỏi. Song được như thế một phần, là nhờ dịch của nước ngoài ; về căn bản ta chỉ mang những cái học được ra áp dụng ;  mà trong  việc vận dụng cũng đang có  nhiều điều bất cập.
--  sự phát triển lý luận vẫn chưa có gì đáng kể ; lại đã xuất hiện tình trạng khoe mẽ, làm dáng, thói láu cá phản khoa học.
 --  Những  căn bệnh này vốn có trong tư duy lý luận các thế hệ cũ nay được tái phát và trở nên trầm trọng hơn.
                    
                  
                                                 
một ít tiền đề lịch sử
      “Trong lịch sử văn học nước ta  cũng có khi người ta chuyên luận về triết học, nhưng ít thôi ; dường như đây không phải là truyền thống lớn của ông cha ta “ (1).
      “ Tổ tiên ta ít làm lý luận … Sự phân công lao động xã hội không đủ mạnh, không đủ triệt để, để hình thành một tầng lớp lao động trí óc, làm công việc xây dựng các phạm trù  và hệ thống tư tưởng “ (2)
     Những nhận xét thẳng thừng nói trên là của Trần Văn Giàu và Hà Văn Tấn. Các ông phát biểu khi bàn chung về lịch sử tư tưởng Việt Nam.
    Song sự khái quát của các ông cũng  đúng với cả  tình hình tư tưởng, tình hình lý luận  văn chương.
     Và điều quan trọng, nó không phải chỉ đúng trong thời trung đại, khi sự sáng tác nằm trong quy luật của một nghề thủ công, mà còn đúng cả khi bước sang thời hiện đại.
     Nửa đầu thế kỷ XX,  chứng kiến sự ra đời của  lý luận phê bình như một bộ môn độc lập của văn học Việt Nam hiện đại. Có điều manh nha ra đời chứ chưa phải phát triển như lẽ ra nó phải có.  Ai cũng nhận  hai cuốn sách thành công nhất của lý luận phê bình thời kỳ 32-45 là Thi nhân VN 1932-41 của Hoài Thanh và Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, song nhìn vào thì một cuốn nặng về cảm thụ, một cuốn kỹ càng tỉ mỉ trong việc bình giá tác phẩm, chứ không phải  mạnh về khái quát quá trình văn học. Chưa hề có một cuốn nghiên cứu vừa bám sát đời sống văn học, vừa mang đậm chất lý luận.
    Tình trạng lom đom lệt bệt của lý luận không phải vấn đề riêng của giới cầm bút, mà còn là vấn đề chung của xã hội lúc ấy.
     Năm 1938, Việt nam văn hoá sử cương của Đào Duy Anh in ra, thì năm sau, Hoài Thanh có bài giới thiệu trên tạp chí Tao Đàn.
    Trong phần cuối bài viết này, sau khi bảo rằng đọc lịch sử văn hoá Việt Nam là một điều cần thiết, Hoài Thanh lấy làm tiếc là dư luận đang thờ ơ lạnh lùng với quyển sách. Theo ông,“ sách khảo cứu thì công chúng xứ ta mấy năm gần đây tuồng như không muốn biết đến nữa. Người ta chỉ xem những thứ  gì không  cần phải nghiền ngẫm suy nghĩ ; người ta chỉ xem  để giết thì giờ, để giải trí  không có mục đích gì khác  “ (3) .
   Tức là một cách sống, cách  làm  văn học theo kiểu trung đại  vẫn đang ngự trị.
    Hơn nửa thế kỷ sau, trong một cuốn sách bàn về một vấn đề lớn của văn hoá và in ra năm 2004, có người còn viết:“Khái niệm tư duy hầu như không tồn tại trong truyền thống tư tưởng Việt Nam “. (4).
     Nghe như một câu ngẫu nhiên buột miệng, rồi vô ý viết ra mà quên không xoá bỏ, -- nhưng không phải trong đó không có rất nhiều  sự thực.
  
 Những bước vận động 
     Trên cái nền mạch như thế, có thể nhận ra đường dây phát triển lý luận phê bình trong đời sống văn học từ sau 1945, về một phương diện nào đó như là có sự bùng nổ. Có dịp giở lại tạp chí iên phong ra hồi 1945-46, hoặc tạp chí Văn nghệ ra trong kháng chiến chống Pháp, người ta dễ dàng nhận thấy là phần sáng tác chỉ chiếm một bộ phận nhỏ, không đến non nửa. Ví dụ mỗi số như vậy chỉ có một hai truyện ngắn, dăm bảy bài thơ; mà phê bình theo nghĩa hẹp cũng chưa có thể viết nhiều vì chưa có tác phẩm. Phần chính ở đây là các bài  tiểu luận nêu ý kiến, thảo luận bàn bạc trao đổi về văn chương văn hoá.
     Hơn bao giờ hết, với sự thay đổi mà cách mạng mang lại, người ta cảm thấy cuộc sống hôm nay sẽ khác hôm qua, cách làm văn nghệ cũng khác. Chí ít thì việc cầm bút  không chỉ được phép dựa vào thói quen, mà còn cần đến rất nhiều suy xét phán đoán.
     Nên nhớ là vào thời điểm đó, ngay cả những người xưa nay không mấy khi dùng đến lý tính, cũng bắt buộc phải làm quen với nó.
     Trong truyện ngắn Đôi mắt  viết năm 1948, Nam Cao, qua miệng nhân vật Hoàng, từng ghi lại cái  tình trạng mà trước 1945 không ai hình dung nổi :“Viết chữ quốc ngữ sai  vần mà  lại cứ hay nói chuyện chính trị rối rít cả lên. Mở miệng ra là thấy đề nghị, yêu cầu, phê bình, cảnh cáo, thực dân, phát xít,  phản động, xã hội chủ  nghĩa, dân chủ với  cả tân dân dân chủ nữa, mới khổ thiên hạ chứ.”
      Thật dễ mỉm cười  khi nghe những người chỉ quen với việc đồng áng cấy cày nói vậy.
      Song, trong lịch sử, cái mới bao giờ chẳng đến như là một cái gì lạ lẫm  kỳ cục! Thành thử, nếu như bảo rằng tình trạng mà Nam Cao mô tả cũng là tình trạng xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác trong đó có  lĩnh vực văn chương, thì có gì là khó hiểu?
     Phải nhận đây là những nét mới của thời đại.
     Xu thế đi vào lý luận có từ văn nghệ kháng chiến như thế này lại sẽ được tiếp tục tự nhiên từ sau hoà bình lập lại 1954.  Nhu cầu của xã hội  kéo đến đâu công tác nghiên cứu  khởi động và phát triển theo đến đấy. Trong khi đời sống sáng tác có những biến chuyển thì trong các nhà trường, các chương trình lý luận được biên soạn và chí ít đã hình thành nên cả một bộ môn học ở  đại học cũng như ở các lớp viết văn cấp tốc.
    Tôi nhớ vào khoảng 1973-1974, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào giai đoạn cuối,  bắt đầu có một số Việt kiều về thăm Hà Nội và có đến gặp các cán bộ đang chủ trì Hội nhà văn Việt Nam. Người đứng đầu Hội là Nguyễn Đình Thi thường kể với bọn nhà báo chúng tôi là trong những lần ấy, ngoài các sách sáng tác, mấy anh chị em ở xứ người trở về thường không quên đề nghị giới thiệu cho họ biết những cuốn sách lý luận quan trọng. Một nền văn học bộc lộ qua cái phần tự ý thức mà nền văn học đó tuyên bố, điều đó đáng quan tâm lắm chứ !
      Song, sẽ là quá sớm và có phần lạc quan tếu, nếu bảo rằng từ đấy chúng ta đã có một nền lý luận độc lập. Hệ luận chủ yếu mà người ta có thể rút ra  khi  nhìn lại sinh hoạt lý luận lúc này, đó là việc phát triển lý luận  một thời gian dài, rút lại, quy vào việc du nhập lý luận của nước ngoài. Tức là xem xem ở những nước có nền văn chương mà chúng ta muốn học, người ta làm thế nào, thì lựa lời nói lại, rồi  tìm cách làm theo. Một cách tự nhiên, thấy diễn ra cái  tình hình Hà Văn Tấn đã miêu tả. Theo ông, trong lịch sử tư tưởng, luôn luôn xảy ra  quá trình nội sinh hoá các yếu tố ngoại sinh; cũng tức là du nhập các hệ tư tưởng từ xa tới, mài giũa chúng cho phù hợp với nhu cầu trong nước (5).  
 
Đã chính xác chưa?      
   Một mảng sách lớn trong văn học Việt Nam hiện đại là sách dịch thuật. Nhưng sau một thời gian mải miết đọc, nay đã tới lúc mọi người bắt đầu nhìn nhau tự hỏi:
  --Hình như hoạt động được coi là quan trọng này đang trong tình trạng bột phát ngẫu nhiên, gặp đâu làm đấy ?
   --Liệu có chắc thứ văn học mà chúng ta đã dịch là bộ mặt chân thực của văn học thế giới nghĩa là ta đã hiểu đúng thế giới? Nếu chưa thì tại sao? Và nếu hiểu sai thì liệu có khả năng rồi ra chúng ta sẽ hiểu đúng về kẻ khác?
    Trong việc tiếp nhận những cái hay cái đẹp của người, có phải đang có những lý do cụ thể nó hạn chế chúng ta lại ?
     Đại thể đó cũng là những vấn đề của sự tiếp nhận  lý luận phê bình.
    Có những chuyện mà bỏ qua thì thôi không nói làm gì, nhưng khái quát lên thì quả là những vấn đề ta phải băn khoăn. Tôi lấy một ví dụ có liên quan đến phần nguyên lý sáng tác:
     Ngay từ những năm trước 1975, có một “lời nói có cánh“ mà các nhà thơ tiền chiến như Chế Lan Viên, Tế Hanh … vốn rất thạo tiếng Pháp và đọc nhiều lý luận về thơ phương Tây thường dẫn ra, xem như một phương hướng mà lớp người lúc đó còn trẻ  là bọn chúng tôi phải nghe theo “Thơ nào cũng là thơ thời sự “— lúc nói điều này, các ông dẫn nguyên văn tiếng Pháp tôi còn nhớ lõm bõm như sau “Toute poésie est poésie de circonstance
      Câu nói cô đúc như một nắm đấm thật chặt. Người nói lại là một nhà thơ cổ điển. Thuyết phục quá chứ gì !
    Sau này chúng tôi mới biết thực ra trong câu khái quát trên, chữ circonstance  có nghĩa là trường hợp, cảnh ngộ …, poésie de circonstance có nghĩa là thơ gắn với một tình huống, một sự việc cụ thể.
    Nó có tính trung hoà, do đó khác hẳn so với hai chữ thơ thời sự vốn có cái nghĩa rất riêng mà những ai  sống với văn học trước 1975 hẳn nhớ: thơ phải bám sát các sự kiện  xã hội, phải phục vụ nhiệm vụ chính trị do lãnh đạo quy định. 
    Từ cái việc có vẻ nhỏ bé, không đâu vào đâu này, thỉnh thoảng trong tôi không khỏi thoáng qua một thoáng giật mình: 
     Liệu những tư tưởng mới mẻ và tên tuổi xa lạ mà chúng ta được nghe giới thiệu hàng ngày--- và nếu nghiêm túc mà xét, thì cả những tư tưởng sâu sắc mà chúng ta tiếp thụ được từ các sách vở gọi là kinh điển ---, tất cả đã được truyền thụ chính xác?
    Hay nhiều khi ngay cả những người trong nghề vẫn chưa ra thoát tình trạng của ông cha ta ngày xưa, tức là mê man giữa những núi sách của nước ngoài, rồi phỏng đoán, hiểu lệch, chép vội chépvàng và  lo truyền thụ cho nhau theo kiểu ếch cõng nhái, cốt  học cho nhanh, và đành chấp nhận là đã  tạo ra không ít sai lạc.
     Rồi lại còn những trường hợp cố tình lái ý người ta theo cái chủ đích rất chân thành rất có thiện chí của mình, nhưng hoá ra lại đưa nguyên ý đi rất xa so với chính nó !
     Tại hội nghị phê bình diễn ra ở Tam Đảo, tháng 8-2003, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân đã có một bài tham luận, trong đó nhấn mạnh  khi tiếp thụ  lý luận nước ngoài, cần phải có quan điểm phê phán. Ai cũng thấy nói thế là đúng, xưa nay mọi người vẫn nói thế, nhưng đôi lúc tôi vẫn muốn đặt thêm vào đây vài câu hỏi: 
 --trước khi phê phán người, liệu ta có bảo đảm chắc chắn là đọc đúng hiểu đúng người?
 -- và nếu không tiếp thụ chính xác thì việc phê phán còn có ý nghĩa gì nữa?

Từ những hạn chế trong tiếp nhận …
      Trong Lời nói đầu của  cuốn Sự phát triển của  tư tưởng Việt Nam,  sau đoạn mà phần trên chúng tôi đã dẫn, Trần Văn Giàu còn nói thêm :“Ông cha chúng ta ít viết về lý luận, trừ việc giải thích hay bình kinh điển, cũng ít trình bày những vấn đề lý luận một cách có hệ thống và chi tiết, dường như ngầm  hiểu rằng  thánh hiền đã nói hết rồi chỉ cần học và làm theo“ .(6)
    Nói nôm na, tức các cụ xưa chỉ làm lý luận cho phải phép, và chỉ giải thích kinh điển chứ không ai tính chuyện phát triển kinh điển.
   Sau đây là một nhận xét đáng lưu tâm, chúng tôi đọc được trong một bài viết về sự tiếp nhận Phật giáo ở Việt Nam.
    Theo Như Hạnh Nguyễn Tử Cường, khi tìm hiểu Phật giáo, các nhà nho xưa ở ta không hiểu nhiều lắm về những văn bản gốc của Ấn Độ  và thường tuỳ tiện mang cho nó một màu sắc bản địa.
     Thứ nữa, ở nhiều người,  thấy có sự mê hoặc văn chương, hơn là một  phát triển tôn giáo. Chỉ thích tìm về những danh tác nhằm thoả mãn cái thú yêu thích thơ văn. Trong nhận thức luận, thích đề cao sự ngộ, tức là hiểu biết có tính chất đột khởi, bừng tỉnh, bỗng dưng  nắm được chân lý, mà không thích nói tới công phu học hỏi chắc thiệt lâu dài (7).
    Chớ nên quên rằng một đặc điểm nữa của việc tiếp thụ lý luận vốn có từ thời trung đại là sách vở kinh điển thường được đưa vào theo lối thu gọn, tóm tắt.Trong khi ở bênTàu người ta làm ra những bộ đại toàn, đại hệ, thìở ta chỉ có những bộ toát ước. Các cụ xưa muốn nhiều thứ quá, mà lại không có điều kiện, nên đành bằng lòng với việc lướt qua chobiết mà  không dừng lại ở cái gì thật kỹ càng.
     Lối tiếp nhận ấy đến nay vẫn còn tồn tại. Trong chỗ riêng tư, và đôi khi ngay tại các hội nghị từ 1986 về trước, tôi nhớ các nhà lý luận mà tôi có quen đã có lúc nói thẳng là chúng ta thường lấy việc trở về với kinh điển là đủ, trong khi đáng lẽ phải xuất phát từ kinh điển để đi tiếp.
    Thông tin thì có, nhưng may lắm chỉ thấy nói người nọ người kia vừa đọc được một ít cái mới, chứ gần như chưa có ai đáng gọi là người đẩy được lý luận tới những giới hạn mới. Đến khi cần truyền thụ lại cho nhau thì sách vở được biên soạn theo lối chụp giật, đi đường tắt, dùng những trung gian chưa hẳn đã đáng tin cậy.
    Cách làm ăn như thế đã thành một thứ học phong, tức một tác phong làm việc không dễ từ bỏ.
     Đến lượt nó, một  sự du nhập lý luận cẩu thả, tuỳ tiện… chắc chắn thành mầm gây bệnh. Sự rập khuôn tầm thường xen lẫn với lối ăn sống nuốt tươi thô bạo đều đã xuất hiện. Và một khi những con đường lặp đi lặp lại mòn mỏi tự nó đã hình thành  thì người ta  kẻ trước người sau sẽ cứ mải miết  mà đi, công việc cuốn người ta đi, lý luận chỉ còn là một thứ trang sức cần thiết chứ mấy ai còn muốn nghĩ về nó một cách nghiêm túc ? 

…   đến những sai lệch  trong vận  dụng
      Còn nhớ, có lần Vũ Trọng Phụng đã  tung ra một truyện ngắn khái quát óc tư duy của dân mình bộc lộ qua đám người có học, và hay lý sự.
      Nó có cái tên hơi trừu tượng:Từ lý thuyết  đến thực hành.(8)
      Đại thể đây là câu chuyện một người  ra sức bênh vực cho các quan niệm Âu hoá, cụ thể là chấp nhận cho phụ nữ có quyền ngoại tình, ấy vậy mà đến khi bị vợ cho cắm sừng thì anh ta lại buồn thiu.
      Thông thường nhiều người cho rằng mục đích của tác giả là chế giễu hiện tượng nói một đằng làm một nẻo.
     Song theo tôi, ý nghĩa thiên truyện nằm ở đoạn cuối, khi tác giả trực tiếp trình bày cái  cảm tưởng còn lại trong tâm trí mình “…Bỗng đâu tôi cũng chán đời. Và hoài nghi. Thật thế, tôi tin rằng đất Đại Cồ Việt ta là cái đất cằn cỗi, những lý thuyết  và tư tưởng ở đâu đâu,  tốt đẹp thế nào mặc lòng, cũng cứ đến đây là thành thối nát. Tôi không tin dân An Nam ta lại có nổi một điều  tín ngưỡng nào một quan niệm chắc chắn gì.
    Cố nhiên rồi mai đây, mọi việc sẽ khác đi, và sẽ tới lúc người ta làm được những điều  tốt đẹp, đủ để xem như bằng chứng bác bỏ một cách thuyết phục cái cảm tưởng hoài nghi nói trên của Vũ Trọng Phụng.
    Nhưng cái ngày đó chưa đến, và tới hôm nay có vẻ như Vũ Trọng Phụng vẫn đúng.
    Xin được bắt đầu bằng một dẫn chứng đã cũ:   
    Không chịu dừng lại ở công việc cảm thụ, từ trước 1945, một số người làm nghiên cứu  phê bình đã tìm cách đưa những lý luận mới vào nghiên cứu văn học. Nguyễn Bách Khoa tức Trương Tửu từng nổi tiếng với việc áp dụng cả những luận điểm mác-xít lẫn phân tâm học để lý giải Truyện Kiều. Sức làm việc hơn người nơi ông được bổ sung một  sự nhạy cảm hiếm có với cái mới. Trong khi nhiều đồng nghiệp  khác thiên về cảm tính thì ông nổi lên như một nhà khoa học uyên bác.
    Thế nhưng  đọc lại những cuốn Nguyễn Bách Khoa viết về Truyện Kiều,  thấy ông không ra khỏi cách áp dụng gượng gạo, thậm chí có chút gì đó như là cưỡng bức lý luận phải khuôn theo ý mình. 
    Ông bảo Nguyễn Du là một người mắc bệnh thần kinh, Kiều là một con bệnh uỷ hoàng và u uất (Nguyễn Du và Truyện Kiều) (9).
    Rồi, nương theo một vài ý kiến đọc được đây đó, ông nói theo lối hàm hồ rằng chất thơ là một chất quý tộc, yếu tố nền móng của chất thơ là cuộc đời ký sinh, biến thái  cuối cùng của chất thơ là một trạng thái bại hoại về thần kinh hệ ( Văn chương Truyện Kiều) (10).
    Những nhận xét tuỳ tiện này không ngẫu nhiên có mặt trong các trang sách, mà tồn tại như một hệ thống lập luận nhất quán, và tác giả tỏ ra rất hài lòng về những phát hiện của mình.
    Trong thuở ban đầu mới  làm quen với  tính khoa học, mọi chuyện ở ta hiện ra như thế đấy ! Đọc sách, người ta  không khỏi ngán ngẩm cho số phận cái mới vào Việt Nam, thật nó dễ  bị dày vò và bị làm hỏng đến như thế nào. 
    Điều đáng nói là ở chỗ căn bệnh trên không phải của riêng Nguyễn Bách Khoa và những người cùng thời. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, song trong giới ưa nói lý luận hôm nay, cái việc làm theo kiểu Nguyễn Bách Khoa chẳng những không tuyệt nọc mà lại có những diễn biến mới
    Có thể bệnh không quá đáng không sống sượng như người đi trước, mà  chỉ bộc lộ  ở  những dạng thức đơn giản hơn, người ta dễ bỏ qua hơn hoặc nói chung là dễ tha thứ, dễ chấp nhận hơn. Nhưng nhờ vậy mà ở anh ở tôi, ở mỗi chúng ta, nó tồn tại một cách dai dẳng, mỗi người đều có dây dưa ít nhiều, và có vẻ như  mọi người  đã ngầm thoả thuận với nhau rằng quên đi cho xong, chứ  lấy đâu ra thời gian và sức lực để  ngồi  tính sổ một cách sòng phẳng ?!
    Có thể cắt nghĩa cái sự sống sượng nói trên bằng những thói quen  tâm lý  đã hình thành ở một số nhà nghiên cứu háo danh. Sự có mặt  của  tính vụ lợi ở họ không có cách nào che giấu. Mà  biểu hiện của nó thì thật  muôn hình muôn vẻ. Chung quanh những cái đang trở thành thời thượng, tức được xem như mới mẻ nhất tiên tiến nhất của nước ngoài, người ta chạy đua để tìm cách chụp giật, nhận vơ về mình, làm như chính mình nghĩ ra, hoặc  làm như chỉ nhắc đến  tên  của những lý luận ấy đã đủ là hơn người rồi. Ngược lại, nghe ngóng rằng những tư tưởng nào đó có vấn đề thì chưa biết nếp tẻ ra sao cũng lao vào đánh hôi. Có thể đoán thoạt đầu, đây chẳng qua chỉ là một cách để tự đề cao. Song suy đến cùng thì bên trong thấy ẩn giấu cả một chút  loè  bịp, cơ hội.
    Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận thêm một sự thực rằng việc vận dụng lý luận vốn là một loại tài năng và có thể nói là chúng ta thường chưa biết sợ, chưa nhận thức hết cái khó của nó. 
     Trong đời sống khi so sánh một người chỉ có chiếc xe đạp, nhưng bon bon trên đường, với người có một chiếc xe máy loại sang trọng, nhưng đi đứng xẹo xọ, lái không vững, chạy không đều, đổ ngã lúc nào không biết …  thông thường mối thiện cảm của  chúng ta  là dành cho người thứ nhất chứ không phải người thứ hai.
    Trong nghiên cứu khoa học đáng lẽ cũng phải cũng vậy, nhưng hiện có tâm lý nghe ai nói được vài câu lý luận mới, chưa biết nếp tẻ sao mọi người đã phục lăn, còn người ngồi nghiên cứu cho thành thục những lý luận cũ để áp dụng cho thấu đáo bị coi thường, kết quả là kiểu làm lý luận theo lối chạy xô có cơ ngày càng phát triển. 

Một ít  tâm sự  
      Tôi có cảm tưởng nhiều bạn trẻ đang tập tành thành nhà nghiên cứu hiện nay muốn đi vào lý luận. Trong khi đó thì cái vốn văn học sử mà các bạn đó có được còn rất mỏng mảnh.
     Các bạn hình như không biết, hoặc không được ai giảng cho biết, để rồi cố không muốn biết, rằng mọi thứ lý luận đều bắt nguồn từ sự phát triển của văn học, tương tự như mỗi giống cây lớn lên từ một mảnh đất cụ thể.
     Chẳng hạn, muốn hiểu chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa—kể cả hiểu để từ chối nó và phê phán nó — thì trước tiên phải nắm rất vững văn học xô viết và văn học các nước Đông Âu trước 1989.
     Hoặc muốn hiểu Bakhtin và thi pháp thì phải đọc cho nát cả ông Đốt lẫn các sách vở viết về Đốt, cũng như có những hiểu biết chính xác về tình trạng của khoa nghiên cứu văn học ở Nga những năm 1930.
     Gần đây, một thứ lý luận mà hồi trước bị cấm đoán nay trở thành mốt, là mảng lý luận phương Tây hiện đại.
     Có lần tôi được đọc một công trình nghiên cứu của một bạn trẻ muốn đi vào khảo sát  sự hình thành văn xuôi Việt nam ba mươi năm đầu thế kỷ XX. Trong phần giáo đầu, tác giả trình ra những tư tưởng mà mình dựa vào để làm việc. Người sính cái mới có thể hào hứng vì  thấy dẫn ra toàn là  lý luận của những tên tuổi lớn trong khoa nghiên cứu văn học thế giới:T.Todorov và R.Jakobson, Ch.Caudwell và G. Genette….
     Nhưng riêng tôi cứ thấy những nguyên lý lý luận kia vốn xuất phát từ văn học Tây Âu hiện đại, tốt hơn hết là để áp dụng cho các nơi mà ảnh hưởng văn học phương Tây đã đến độ chín. Chứ đối với một số tác phẩm xuất hiện trong giai đoạn tập tành của nền văn xuôi hiện đại vừa mới xuất hiện như văn học Việt Nam thời Tố Tâm trở về trước, thấy nó không hợp. Cố ép mà vận dụng nó, nào khác kẻ học làm sang.Trong trường hợp này, tôi nghĩ những lý thuyết về sự giao thoa, tiếp biến văn hoá, và quá trình hiện đại hoá các nền văn học trung đại, nếu được vận dụng sẽ có lý hơn. 
     Lại như việc gần đây nhân các lý thuyết hậu hiện đại bắt đầu được dịch in, có người muốn tỏ ra thức thời đã mau mắn hô lên rằng những tìm tòi kiểu này cũng đang xảy ra ở ta, ngụ ý ta đây chẳng kém gì người, ta đang nhịp bước cùng thế giới. 
     Trong khi ấy, theo sự tìm  hiểu của một số chuyên gia chín chắn, ta đang ở vào một giai đoạn khác hẳn. 
     Lối áp dụng khiên cưỡng nói trên vốn xuất phát từ sự non yếu trong trình độ:Ta biết ít quá, và thấy cái gì cũng hay cũng đẹp, cũng nên học theo. 
     Song chắc cũng không sai nếu bảo ta chưa thoát khỏi những thói quen có tự nhiều đời  truyền lại, tức là học lỏm và nhận liều.
     Trước khi áp dụng lý luận vào thực tế, cần nhớ  động cơ không đủ biện minh cho hành động và tâm huyết không làm nên hiệu quả. Và nếu không sợ làm nản  lòng nhau, phải nói những điều chúng ta hay mang ra khoe  --- cái sự  tha thiết hết mình của chủ quan nhà nghiên cứu --  chỉ có một ý nghĩa rất nhỏ. 
   Ngay cả khi đã có mong muốn chân thành và thái độ nghiêm túc, nếu không có định hướng đúng, người ta vẫn có thể lao mình vào những công việc không mấy triển vọng, hoặc đơn giản hơn là không đáng đặt nhiều kỳ vọng đến thế. 
    Câu chuyện của tôi là để dành cho các bạn trẻ muốn nghiên cứu văn học thực sự, có tham vọng muốn cắt nghĩa nền văn học dân tộc cả trong quá khứ lẫn hiện tại, từ đó đóng góp vào sự vận động của văn học và xã hội trong thời gian tới. Còn theo chỗ tôi biết, khuynh hướng làm lý luận vì lý luận, làm lý luận để chứng tỏ sự sang trọng và năng lực hội nhập mạnh mẽ của nghiên cứu văn học ở ta – khuynh hướng đó đang được nhà nước hiện nay khuyến khích. Người đi theo khuynh hướng này sẽ dễ dàng trở thành giáo sư tiến sĩ,  tức có địa vị và được dư luận trọng nể.
   Với số bạn đọc loại này – mà tôi biết là chiếm đa số trong giới nghiên cứu trẻ -- bài viết trên và lời tâm sự cuối cùng của tôi chắc không thích hợp. Nếu các bạn loại đó đã chót vui chân theo tôi đến những dòng cuối cùng, tôi xin có lời xin lỗi. Hẳn có những giáo sư sẽ bảo với các bạn là đừng nghe tôi xui dại.

 Nguyên là bài tham luận trong một cuộc hội thảo
tại Viện văn học, 2004.
 Đã in trong  Vương Trí Nhàn--Phê bình và tiểu luận 2009.
Riêng đoạn cuối mới được viết lại 7-2014


Chú thích
(1)   Trần Văn Giàu, Sự phát triển  của tư tưởng ở Việt Nam, tập I, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1973, tr. 10
(2)   Hà Văn Tấn,  Mấy suy nghĩ về lịch sử Việt Nam và tư tưởng Việt Nam, in trong Một số vấn đề lý luận về lịch sử tư tưởng Việt Nam, Hà Nội,1984, tr. 29-30
(3)   In lại trong Hoài Thanh, Bình luận văn chương 1934-1943,  NXB Giáo dục Hà Nội, 1998, tr.184
(4)   Huỳnh Khái Vinh  Nguyễn Thanh Tuấn,  Bàn về khoan dung trong văn hoá,  NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr 230
(5)   Hà Văn Tấn Sđd, tr.33
(6)   Trần Văn Giàu  Sđd, tr.11
(7)   Hồn Việt **, NXB Văn học,  Hà Nội  2004, tr. 47-48
     (8)   Tao đàn 1939,sưu tập trọn bộ  hai tập, t. II, tr.803
(9) Nguyễn Bách Khoa Nguyễn Du và Truyện Kiều, 1942, NXB Hàn Thuyên Hà Nội tr. 20. Dẫn lại theo Đinh Gia Trinh Hoài vọng của lý trí, NXB Văn học, Hà Nội, 1996, tr. 276 

     (10)In lại  trong Nguyễn Bách Khoa Khoa học văn chương,  NXB Văn  hoá thông tin Hà Nội,2003, tr.462
أحدث أقدم