VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Phố cũ Hà Nội sớm mùng một tết

Nguyên là bài Khi Hà Nội trở thành chính mình đã in trên blog này ngày 15-2-2010

Chị Đàm một người tôi quen từng qua Pháp có lần bảo với tôi rằng vào những ngày thật vắng, Hà Nội còn đẹp hơn cả Paris nữa. Tôi chưa đến kinh thành nước Pháp nên không dám cãi lại, dù nghĩ bụng nói thế là cực đoan, sao mà Hà Nội có thể so với Paris được, chỉ đoán chẳng qua đấy là một cách để chị bạn nói rằng Hà Nội rất đẹp.

Nhưng hôm nay, một sáng mùng một mưa phùn, dạo quanh phố phường Hà Nội từ bẩy tới chín giờ sáng, tôi nhận ra một vẻ đẹp riêng của cái thành phố mà mặc dù sinh ở đây và gần như liên tục ở đây sáu chục năm nay, đây là lần đầu tôi mới cảm thấy-- một vẻ đẹp mà xét về độ chín và tính độc đáo thì chắc không thua kém mọi vẻ đẹp khác.
Quay trở về nhà sau hai tiếng lang thang trên phố cũ, tôi nói với mọi người trong gia đình như là tôi vừa được bay từ nước nào về thủ đô, và niềm vui này đủ nuôi tôi sống, với hy vọng là ngày đầu năm sau, lại làm một chuyến đạp xe đạp lang thang tương tự.

Hà Nội của tôi vốn mang dáng dấp một phố chợ phóng to. Khác với vẻ đẹp của tranh tre nứa lá các làng quê, đây là vẻ đẹp của phố phường gạch ngói hẳn hoi. Một vẻ đẹp cũ càng nghèo khổ, -- của một loại đô thị dang dở chưa thành hình thì đã già, tất nhiên rồi --, nhưng vẫn là cái héo hon tàn tạ của một thành phố, thứ xưa nay hiếm trên đất Việt.
Cuộc phiêu lưu của tôi sáng nay bắt đầu từ khu vực chung quanh chợ Đồng Xuân. Mấy phố lâu nay người ta quanh năm tràn ra đường để buôn bán, nay trước mắt tôi, không gian công cộng mới được trả lại vẻ mặt thật của nó. Các vỉa hè có được cái đặc tính mà ta tưởng từ lâu đã đánh mất, một vẻ rộng rãi đến thoáng đãng. Lại có cả những căn nhà vắng vẻ nữa, toàn những thứ không thể tưởng là lại có ở thành phố thời hậu chiến.
Lâu nay tôi vẫn bị ám ảnh bởi ý nghĩ giờ đây với những người như mình, Hà Nội đã bị đánh mất, cảm giác bắt nguồn từ chỗ phố xá lúc nào cũng xúm xít những người là người, người che mất nhà, người che mất tường, người che mất cửa...
Nay tất cả còn đủ. Hóa ra có một Hàng Khoai Hàng Chiếu Hàng Mã Hàng Cân Hàng Bồ Hàng Thíếc thật, chứ không phải những con phố ồn ào mà mọi khi tôi chỉ tìm cách, nếu có thể, thì lướt xe vượt qua thật nhanh.

Phố xá lúc này là nhà và cửa. Những cái nhà ken chặt cạnh nhau. Tôi ước ao có ai làm một bộ ảnh về những khung cửa Hà Nội hiện nay. Lác đác vẫn còn một vài nhà có cửa bức bàn, kiểu cửa gồm nhiều tấm gỗ dài xếp nối tiếp. Các loại cửa sắt thì nhiều hơn mặc dù thật ra gồm đủ các loại, giống nhau ở lớp sơn tróc màu trắng màu nâu nhòe nhoẹt.
Cũng như con người, nhà trên phố Hà Nội chỉ thỉnh thoảng lắm mới nhận được hai cái giống nhau, còn phần lớn mỗi nhà mỗi kiểu, chỗ chung của chúng là cái vẻ loang lổ của tường, cái cũ kỹ và chắp vá của vật liệu.
Những ngày thường đi lại trên phố, người ta chỉ cắm mặt xuống đất. Chỉ trong một ngày Hà Nội vắng như hôm nay , tôi mới có dịp nhìn lên phần Hà Nội trên cao, nơi có khi là ngói, có khi là tôn, có khi là ni-lông vải bạt, nhưng gọi chung là mái.

Bên cạnh những căn nhà phong sương, những mái phố tạm bợ, so với Hà Nội trong trí nhớ của tôi, thì Hà Nội hôm nay hơn hẳn ở số lượng kha khá những khách sạn mi-ni, kiểu khách sạn gia đình, vừa mới xây. Trước một khách sạn như thế, một người đàn bà ngoại quốc ngồi cạnh đứa con, vẻ mặt đứa bé lộ vẻ ngơ ngác. Ở một căn nhà sáng sủa khác, mấy người đàn ông da trắng đang chuyện trò rôm rả trước quầy tiếp tân.
Có cảm tưởng họ yêu Hà Nội hơn cả nhiều người chúng ta, họ biết đây là lúc Hà Nội đẹp nhất, họ đã đi hàng vạn cây số để tới chiêm ngưỡng nó trong lúc này. Trước một Hà Nội yên lặng run rẩy trong bộ khung nhà già lão, như không thể già thêm được nữa, họ hiểu đang được ngắm chân bản diện mục của thành phố .

Hơn ba chục năm nay, tôi mới có dịp sống lại cái cảm giác của Hà Nội những năm sơ tán. Trên cái xe đạp cà khổ, tôi đạp thật chậm mà không cảm thấy làm phiền mọi người. Trước một ngôi nhà hay một dãy phố vừa phát hiện, tôi tha hồ nhìn ngang nhìn ngửa, có lúc đi đến đầu phố lại quay ngoắt về đi dọc phố một lần nữa.

Lượn đi lượn lại mấy đoạn Bát Đàn, Lãn Ông, Thuốc Bắc, Hàng Phèn, tôi nhận ra rằng mạn mấy phố này có rất nhiều cây si hay cây đa trổ rễ lùm lòa. Có lúc đang đi ngước đầu lên khoảng không trước mặt, tôi gặp hai thân bàng bên đường xòe ra giao nhau.
Nhiều lần tôi dừng lại bên một cây lạ bên đường mà đến bây giờ vẫn không biết cây gì, chỉ biết nhìn mãi không chán. Ngày thường khuất lấp giữa người, nay cả cây với nhà mới hiện ra trong cái thế tôn nhau để cùng làm nên một vẻ đẹp.
Có cảm tưởng cái còn lại ở Hà Nội hôm nay luôn luôn là những gì vượt qua thách thức, tự mình biết mình, tự vui với mình, bất chấp mọi sự vô cảm của hoàn cảnh và bởi thế mà đẹp .

 Từ trên phố xá tôi đã gặp nhiều phóng viên đi chụp hình, đến đây họ càng đông. Nơi tập trung nhiều tay săn ảnh nhất phải kể là bên cây lộc vừng.
Một người đi qua, may quá lại là một ông già áo ba-đờ-suy tầu tầu cu cũ. Như là từ ngóc ngách một căn nhà tối tăm nào bước thẳng ra đây, ông cụ trở thành khách mời hợp thời nhất, để thêm phần hồn cốt cho những bức ảnh về Hà Nội đang được hoài thai.
Chỉ tiếc cái ô ông cụ cầm là một cái ô vải ca-rô đỏ. Nhưng lấy đâu ra một cái ô đen kiểu của các ông lý ông xã bây giờ?

Dẫu sao cũng phải dành một ít phút cho Bờ Hồ sáng mùng một. Những luống hoa hoang dã mà cọc cạch, những giá đặt chậu hoa đơn sơ xấu xí và cả bãi cỏ chỗ gần Tháp Bút bị xéo nát, dư âm của buổi tối giao thừa hôm trước, vẫn bầy cả ra đấy… Tuy nhiên tất cả những cái đó không làm cho người ta hết nao lòng khi dạo qua trên con đường ven hồ.

Đi vào mấy phố Cầu Gỗ, ngược lên Hàng Bạc Đào Duy Từ, cảm tưởng rõ nhất của tôi là không thấy có cây cối nữa, chỉ có nhà cửa và những cách tổ chức không gian sống mang dư vị phong cách người Hoa, từ các sạp hàng tới các ngôi đền ngôi chùa lắt nhắt chật hẹp. Kỷ niệm về những rạp hát, Kim Chung Kim Phụng Lạc Việt, cùng với hình ảnh phố xá của những cuộc chơi đêm trở dậy. Bao giờ nơi đây buổi sáng chẳng bắt đầu muộn, cứ gì buổi sớm đầu năm.

Mưa bụi vẫn đang rắc đều trên phố xá. Nhiều nhà cửa giả còn đóng im ỉm. Loáng thoáng vẫn cảm thấy dấu vết cảnh chen chúc của giao thừa đêm trước. Nếu ở trên cầu Long Biên, đó là mấy mẩu chai vỡ, dấu vết của một đám say, thì ở đây, đầu một ngã tư, một quầy hàng ăn hôm trước bán muộn, đến giờ, trên mấy tấm ghế ghép tạm, chủ quán còn cuộn tròn trong chăn.
Không gì cần mẫn bằng việc dân mình lo ăn. Thay thế cho ca đêm là ca sáng. Ngay lúc vắng vẻ nhất này, các loại hàng ăn bún riêu bún ốc đã bắt đầu nổi lửa, hứa hẹn tạo nên sự nhộn nhịp ở một vài ngã tư.
Cửa chùa Cầu Đông 38 hàng Đường rộng mở, trong số mấy người đi lễ chùa sớm, tôi nhận ra có cả những thanh niên mười tám đôi mươi.

Khi nào thì Hà Nội trở thành mình nhất ? Theo tôi hiểu, đó là những khi Hà Nội đồng nghĩa với phố với cây với nhà, tự phố tự cây đã có linh hồn, còn những con người thật chỉ đóng vai trò điểm xuyết, như trong các bức tranh của Bùi Xuân Phái.
Buổi sáng mùng một vắng vẻ hôm nay, tôi đã bắt gặp một thành phố như thế.

14-2-10



   
أحدث أقدم