VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nguyễn Khải trong sự tiếp nhận của tôi trước 1996

           Nguyên đây là bài viết  được dùng làm lời dẫn cho bộ Tuyển tập Nguyễn Khải gồm ba tập, cuốn sách do tôi tuyển chọn và giới thiệu, in ra ở nhà xuất bản Văn học, H. 1996.
            Tên cũ của bài là Nguyễn Khải trong sự vận động của văn học cách mạng từ sau 1945.
           Tên gọi cần sửa như trên là để nhấn mạnh thời điểm bài viết xuất hiện. Trong tâm niệm của tôi, nó là tổng hợp những nhận thức suy nghĩ mà tôi tích lũy được khi tiếp xúc với con người và sự nghiệp tác giả. Là hình ảnh Nguyễn Khải trong tôi cho tới năm 1996.
           Từ sau thời điểm đó, Nguyễn Khải đã thay đổi nhiều , mà chính nhận thức của người viết phê bình là tôi  thay đổi càng nhiều, mỗi bên có một mạch phát triển riêng.
             Nhưng người ta không thể và cũng không nên sửa lại cái gì đã viết. Hãỹ cứ để đấy cho bạn đọc thấy cả cái non nớt hôm qua và những chuyển biến của mình hôm nay.
Một kỷ niệm tôi ghi nhớ khi nhớ lại việc làm bộ tuyển tập .
Mặc dầu thường trò chuyện thân mật với anh em trong giới phê bình chúng tôi, nhưng Nguyễn Khải, cũng như hầu hết các nhà văn nhà thơ đương thời, vẫn quan niệm phê bình như một thứ phụ trợ, hơn thế nữa, một thứ cận văn học, chứ không phải một thể loại có tính độc lập và tiềm năng sáng tạo riêng.
            Thuở ấy, việc làm các bộ tuyển được tiến hành khá chặt chẽ. Không phải nhà văn nào muốn đều có thể làm tuyển của mình, mà do nhà xuất bản chỉ định. Sách lại phải do một nhà phê bình đứng chủ trì, người này cũng do nhà xuất bản chọn. Nguyễn Khải cũng không ngoài cái lệ  ấy.
           Có điều là, cũng như nhiều nhà văn khác, Ng Khải  không bỏ mặc cuốn sách cho tôi muốn làm thế nào thì làm. Sự can thiệp vốn đã được ông kiềm chế song không khỏi có lúc gần như là thô bạo đến nỗi lòng tự ái nghề nghiệp của tôi bị đánh thức. Tôi phải nói thẳng:
           --  Anh Khải ạ, anh đã từng là chủ nhân duy nhất của tất cả những gì đã viết, và trong những ấn bản khác vẫn nguyên cái quyền như vậy. Nhưng vào đây thì khác. Tạm so nó với một tấm ảnh. Mặt vẫn là mặt anh, nhưng ảnh lại là ảnh tôi chụp, do tôi xác định góc nhìn ánh sáng... Vậy anh phải để cho tôi làm việc với chứ! Nếu như anh không thích cách làm của tôi lời giới thiệu của tôi, anh có thể đề nghị nhà xuất bản giao cho người khác làm cơ mà.
           Cố nhiên đến đó thì Nguyễn Khải không tìm cách lái tôi nữa.
         Nhờ sự xung đột nho nhỏ này, tôi rút cho mình một bài học về nghề phê bình. Nếu mình không có sự tự trọng đúng mức và không biết tự ảo vệ thì sẽ không ai trọng mình cả. Và thế là toi một đời cầm bút.
           Một thu hoạch khác. Mỗi bức chân dung hiện lên trong bài phê bình có tính thời sự của nó. Công việc của một người viết phê bình không phải là tạo ra một bức ảnh thờ. Mà anh sẽ phác ra nhiều chân dung khác nhau để rồi  tổng hợp lại, mới làm nên chân dung đích thực của đối tượng anh đề cập tới.
         Thay cho quan niệm khô cứng về về điển hình hóa và phản ánh luận, ngày nay người ta thường nói về sự sáng tác: để miêu tả một con quạ, văn chương cần đưa ra 11 hình ảnh khác nhau, và bạn đọc sẽ từ đó hình dung ra hình ảnh thứ 12. Đó là con quạ của họ.
          Với phê bình văn học, cũng nên quan niệm như vậy.
           Tôi sẽ còn viết khác về Nguyễn Khải trước 1996, cũng như về Nguyễn Khải nói chung.

----------


I/ Một người rất có năng khiếu - Nét căn bản của nhà văn trong thời đại mới - Ba nghĩa khác nhau của hai chữ gặp thời - Một sự phù hợp tự nhiên
Nhạy cảm như phụ nữ và dễ ngạc nhiên như trẻ nhỏ. Biết phanh phui phân tích lòng người như những nhà tâm lý, lại biết đặt ra những vấn đề cao siêu như những nhà triết học. Có lối vẽ chỉ dùng vài nét mà phác ra cả một khung cảnh như một hoạ sĩ. Có cái nhìn trong sáng đầy chất thơ... Đã bao nhiêu lần, những phẩm chất ấy được nêu lên trong các bài viết về các nhà văn, nêu một cách thuyết phục, đến mức tất cả chúng ta có lẽ không ai lại không  tin rằng đó quả là những phẩm chất phải có ở những người làm nghề cầm bút.
Để có một ý niệm sơ bộ về tác giả Xung đột, tôi nghĩ rằng vẫn chỉ có cách nhắc lại công thức đó, cố nhiên là không quên nhấn mạnh: những phẩm chất ấy hiện ra ở Nguyễn Khải một cách độc đáo, chẳng giống bất cứ một ai khác.
Từ đã lâu, nói đến văn chương Nguyễn Khải là người ta bảo nhau "một ngòi bút phân tích lạnh lùng", " một người độc miệng". Nhưng ai đã có dịp sống gần Nguyễn Khải đều biết đấy là một con người có những phút rất yếu lòng và thường thính nhạy trước mọi tai hoạ. Người thích khai thác Xung đột đó lại là người thường khi sống xuê xoa, biết tự giảm bớt những yêu cầu bình thường và càng tránh va chạm càng tốt; người có những trang viết hùng hồn ấy nhiều khi chỉ trông thấy máu chảy đã sa sẩm cả mặt mày! Và tất cả những thói quen ấy đều vào văn ông, tạo trên trang viết những chỗ yếu chỗ mạnh mà chỉ riêng tác giả này mới có.
Sự nhạy cảm của Nguyễn Khải còn đi liền với một nhu cầu tự khẳng định và một bản lĩnh vững vàng trong sống và viết.
Giả như Nguyễn Khải vừa xem một phòng tranh nào đó. Tuy ông không bao giờ tự nhận là một người sành hội hoạ và thường vừa xem vừa cười giễu với những người chung quanh về sự kém hiểu biết của mình trước một lĩnh vực thú vị như thế, nhưng từ phòng tranh ra, thế nào ông cũng được lời khen dứt khoát về một bức tranh này, lời chê dứt khoát đối với một bức tranh khác.
Giá như Nguyễn Khải vừa đọc xong một quyển sách mà ông cho là có giá trị, thế nào nhà văn ấy cũng có được một ít nhận xét liên quan đến nghề nghiệp người cầm bút và từ những đoạn viết ông cho là đạt nhất của tập sách, từ toàn bộ tác phẩm nói chung, ông tìm cách rút ra những bài học về triết lý về bút pháp có thể áp dụng ngay trong sáng tác trước mắt. Khả năng đồng hoá của Nguyễn Khải đối với sách nước ngoài mạnh mẽ và trực tiếp đến nỗi sau nhiều lần nghe Nguyễn Khải kể và phân tích một vài tác phẩm nào đó, một người như Nguyễn Minh Châu phải thốt lên:
- Nghe ông Khải ông ấy nói thì hoá ra không phải Nguyễn Khải bắt chước và học lỏm nước ngoài nữa, mà phải nói ngược lại...
Đồng thời với việc khai thác bản thân, ở các nhà văn thường vẫn có một nỗi ám ảnh là làm sao xâm nhập vào lòng người, hiểu thêm kẻ khác, "đi guốc vào trong bụng" những ai gặp gỡ hàng ngày, để qua họ, hiểu người hiểu đời và tìm cách phô diễn trên mặt giấy. Làm thân với chung quanh là một yêu cầu thiết cốt đối với nghề văn đến mức có thể bảo không có nó, người ta không thể làm nghề.
Nhưng một thứ năng lực cốt yếu như thế, không cần cố gắng lắm, ở Nguyễn Khải vẫn có thừa. Một người bạn tôi có dịp cùng đi với Nguyễn Khải trong chuyến công tác xuống Nam Hà về còn thán phục mãi việc Nguyễn Khải trò chuyện tự nhiên với giáo dân. Một cách khái quát, anh bạn này bảo:
- Đi với ông Khải thì không bao giờ sợ đói!
Bản thân Nguyễn Khải cũng có lần nói đùa:
- Tôi mà đã định lấy lòng ai, thì người đó chỉ có chết, không cựa nổi!
Nhắc lại những chuyện này để thấy chính năng khiếu bẩm sinh -- yếu tố làm nên sức sống khả năng tồn tại của những người làm nghề cầm bút ở Việt Nam --, cái năng khiếu ấy, ở những cây bút tiêu biểu cho văn học từ sau 1945 như Nguyễn Khải, thật chẳng kém gì các thế hệ trước.
Tuy nhiên, nét đặc biệt trong đời văn của Nguyễn Khải có lẽ không phải ở năng khiếu, mà là ở một cái gì khác, nó thuộc về ý thức của các nhà văn này về sứ  mệnh của mình, về vai trò của ngòi bút trong đời sống. Do chỗ những yếu tố này đã khác hẳn trước, nên những gì mà họ viết ra sẽ rất khác, so với các thế hệ trước.

Năm 1963, trong bài Con đường dẫn tới "nghề văn" in trong tập Đường vào nghệ thuật, Nguyễn Khải gần như lần đầu tiên đề cập tới một ít nét tiểu sử bản thân. Mở đầu, ông kể một ít chuyện liên quan đến con người ông lúc trẻ, nào là chậm chạp, ngốc nghếch, mó đâu hỏng đấy; nào là ăn nói đi đứng rụt rè, vẻ mặt sầu muộn.
Tưởng một thiếu niên như vậy nên người đã khó, làm sao có thể nghĩ là anh ta đi viết văn được? Thế mà thành đấy! 
Bài viết chốt lại ở một điểm: Nguyễn Khải công khai tự nhận mình là một người gặp thời, mình đi vào thời này như "rồng gặp mây" như "cá gặp nước", "tự do vùng vẫy cho thoả chí bình sinh". Không phải chỉ có lần ấy mà về sau, Nguyễn Khải còn nhiều lần đề cập tới sự gặp thời của mình.
- Viết đối với tôi là một cái nghề. Bây giờ nhìn lại những gì làm được không thể không tự hỏi mình đã bằng lòng chưa? Thật ra, nghĩ lại thấy mình đức như thế, tài như thế, mà làm được, chủ yếu là nhờ thời thế (Báo Thanh niên, xuân Ất Hợi, 1995)
Trong bài tham luận, phát biểu trong cuộc hội thảo Việt Nam- nửa thế kỷ văn học, Nguyễn Khải lại nhắc lại rằng: Tôi là người có chí nhưng kém tài, may mà được gặp thời, rồi được gặp thày mà nên sự nghiệp (Báo Văn nghệ, số ra 30-9-1995).
Theo tôi, ở đây nhà văn muốn nói tới mấy điểm phù hợp:
1. giữa những biến động lịch sử và thế hệ ông.
2. giữa tính chất thời đại và hoàn cảnh riêng nhu cầu riêng của con người ông.
3. giữa yêu cầu của nền văn học mới và cá tính sáng tạo nơi ông.
Thành thử sự gặp thời chỉ là một cách để nhà văn xác định ý nghĩa xã hội của các hành động của mình. Và có thể coi đây là một thứ chìa khoá để hiểu con người Nguyễn Khải, những nhà văn tương tự như Nguyễn Khải.
Về điểm thứ nhất, chúng ta chỉ nói tóm tắt:
Sinh năm 1930, Nguyễn Khải ra đời đúng vào cái năm quan trọng trong lịch sử hiện đại, năm ra đời Đảng Cộng Sản.
1945, khi nhà văn ở tuổi bắt đầu hiểu biết và có suy nghĩ thì cũng là lúc bùng nổ Cách mạng tháng 8. Tiếp đó, những năm Nguyễn Khải lớn lên, làm quen với nghề nghiệp viết văn viết báo, thì cũng là những năm kháng chiến chống Pháp.
Sự trùng khít kỳ lạ giữa những cái mốc quan trọng trong lịch sử và tiểu sử cá nhân, có vẻ như đã giúp cho Nguyễn Khải cũng như một loạt các nhà văn cùng tuổi với ông như Hồ Phương, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, hoặc sinh sau một hai năm như Nguyễn Quang Sáng, Nguyên Ngọc, Anh Đức... tìm thấy ở cách mạng một môi trường phát triển lý tưởng. Với họ, với thế hệ của họ, tất cả sẽ được bắt đầu từ đầu. Như người ta thường nói, họ sẵn sàng tự nhận "Đây là cuộc cách mạng của chúng tôi”  “chính chúng tôi sinh ra cho cuộc Cách mạng này". Và quả thật là trong lịch sử, họ trở nên một thế hệ độc đáo, góp phần vào công cuộc sáng nghiệp sử, trước không thể có và về sau cũng không có.
Tuy nhiên, đây là câu chuyện đúng với nhiều người. Trong sự gặp gỡ chung của thế hệ với Cách mạng, Nguyễn Khải còn tìm thấy cuộc gặp gỡ của riêng mình nữa. 
Như chính Nguyễn Khải từng kể trong một số bút ký và tiểu luận, ông vốn là con trai của một quan huyện, tức một quan chức loại trung bình, thời Pháp thuộc; nhưng bà mẹ sinh ra ông lại là bà thứ, bị chồng hắt hủi. 
Lúc nhỏ thế nào không biết nhưng lớn lên, đã có một thời gian sự sống của cái gia đình nhỏ gồm bà mẹ ông và hai anh em, là cơ cực, đến độ chạy ăn từng bữa, ông phải bỏ học kiếm sống. 
Nghĩ đến những ngày ấy thường ông cảm thấy hờn giận, căm ghét, không bao giờ có thể tha thứ cho những người đã đẩy mẹ con ông vào hoàn cảnh gần như tuyệt vọng. 
Vả chăng sự khổ cực về vật chất, dẫu sao cũng là có giới hạn, ráng sức một chút, là người ta có thể chịu được. Song sự khổ cực về tinh thần mới thật đáng sợ. 
Vẫn theo Nguyễn Khải  kể, mỗi khi nhớ lại về thuở mới lớn, đau đớn nhất đối với ông là cái đận ông tạm từ giã mẹ và em về sống với gia đình lớn. Thôi thì tủi hổ trăm bề! Khi không có gì xảy ra đã luôn luôn cảm thấy mình là kẻ thừa kẻ ăn bám rồi. Lại có những phen rùng rợn, như bị khinh ghét ra mặt, bị nghi là ăn cắp, gần như bị đuổi ra khỏi nhà. 
Dễ hiểu là về sau khi tìm thấy trong Cách mạng một cơ hội để khẳng định con người mình, giúp mình có thể nên người, mà cũng là một cơ hội để trả thù những ai khinh ghét mình hôm qua, thì Nguyễn Khải sẽ đón nhận với tất cả tâm hồn và không bao giờ xa rời cái môi trường lý tưởng này nữa. Sự hờn giận đã hun đúc nên ở ông chí khí, nghị lực
Đây là một đoạn đối thoại giữa Nguyễn Khải và thân phụ ông, năm 1975, tức là khi cách mạng đã thắng lợi hoàn toàn trên cả nước: "Ba mươi năm sau, bố con lại gặp nhau, trong lúc trò chuyện bố tôi có nói:
- Trông anh thế mà chịu khổ cũng tài nhỉ, nhưng mấy chục năm đâu có ít.
Tôi buột miệng trả lời, là buột miệng thôi, chứ không cố ý:
- Thưa cậu, đã biết cái nhục, thì chẳng có cái khổ nào là đáng kể." (Một giọt nắng nhạt)
Chúng ta thường nghe nói Cách mạng giải phóng dân tộc; cách mạng trả lại cho mỗi con người cái quyền lớn nhất, là quyền làm chủ đất nước mình.
 Nay với Nguyễn Khải, ta chứng kiến một ý nghĩa nữa của Cách mạng: cách mạng đáp ứng những nhu cầu riêng tư của một con người.
 "Tưởng là con ông cháu cha hoá ra không phải, chỉ là con thêm con thừa. Bao nhiêu mộng mơ của một thuở ngây thơ phút chốc mất sạch. Cái sự thật về thân phận qua mỗi tháng lại tuột ra một lớp vỏ, rút lại cái lõi của nó không đáng một xu".
Bấy nhiêu hờn giận ở tuổi mới lớn, tưởng không cách nào khoả lấp nổi, nay nhờ có Cách mạng mà được bù đắp được báo thù, làm sao con người này không hết lòng với Cách mạng được!
Chế Lan Viên từng đề nghị, xem như một cách nghĩ phải có Đế quốc Mỹ là kẻ thù của mỗi trái tim ta. Nói rộng ra, mệnh đề này của Chế Lan Viên có nghĩa: sự nghiệp Cách mạng phải là điều quan tâm riêng, sự nghiệp riêng của từng người. Cái điều mà mãi đến thời chống Mỹ, tác giả Ánh sáng và phù sa mới nghiệm ra thì ở Nguyễn Khải, như một mối lương duyên trời định, không cần cố, cũng đã tự nhiên mà có từ sớm.

Những ai có quen biết riêng tác giả Xung đột đều biết thoạt nhìn đó là một con người có cách sống khá nhẹ nhõm. Lúc vui, chính ông bảo đấy là một cách sống công chức, nghĩa là không cầu kỳ gì lắm, ăn ở thế nào cũng được, đối xử suồng sã thế nào cũng được, không chấp nhặt, không đòi hỏi, và dù có bị ai đó kêu là bằng phẳng, là nhạt nhẽo thì cũng không lấy đó làm điều.
Lẽ tự nhiên là trong hoàn cảnh khó khăn của cách mạng, cách sống này chỉ làm cho nhà văn dễ chan hoà với mọi người, dễ tìm thấy những niềm vui bé nhỏ, và tránh cho mình những bực bội vô ích.
Tuy nhiên, Nguyễn Khải không bao giờ từ bỏ những ao ước lớn. Càng dễ dãi trong những chuyện vặt như ăn ở, ông lại càng chặt chẽ nghiêm khắc trong những vấn đề quan trọng của đời người, như danh dự, uy tín, quyền lực. 
Ở những điểm cốt lõi này, ông cũng hiện ra như một con người đầy tham vọng. 
Có điều, đó không phải là những ham muốn thông thường kể cả những ham muốn được chỉ huy người khác quát mắng người khác, mà là ham muốn được bộc lộ hết tài năng được trở thành một nhân vật lợi hại phục vụ cho Cách mạng. Những ham muốn loại đó, đòi hỏi ở người ta một nghị lực, một quyết tâm, một sự tự nghiêm khắc với mình, đó là điều không phải ai cũng có.
Đọc văn xuôi Nguyễn Khải, ta biết rằng nhà văn này có một sự nhạy cảm riêng, tinh tế riêng trong việc miêu tả cảm giác hướng thượng ở con người, những xúc động của người ta khi sống với những niềm tin thiêng liêng thành kính. Có được ao ước hướng thượng đó, con người dám chấp nhận những hành hạ khổ sở về tinh thần, miễn sao đạt được sự thanh thản trong tâm hồn. 
Không phải khi đã từng trải, như trong Thời gian của người, ngòi bút Nguyễn Khải mới có những xúc động kiểu đó, mà ngay từ tuổi 25-30, tức là khi đang viết Xung đột, Mùa lạc,  ông đã có những đoạn văn khá xuất thần nhằm miêu tả cảm giác tôn giáo. Trong các đoạn dưới, chúng ta sẽ trở lại với đặc điểm này trong văn Nguyễn Khải. Ở đây, chỉ xin lưu ý một điều: sở dĩ Nguyễn Khải có được chỗ mạnh đó, trong văn chương, vì nó được chắt lọc ra từ con người ông. Bản thân cách sống dễ dàng và hơi khổ hạnh một chút, để dồn tất cả sự quan tâm vào khu vực đời sống tinh thần ở ông, đã là một cái gì bẩm sinh, không cần cố gắng cũng có. 

Bây giờ chúng ta hãy nói tới một điểm cốt tử là giữa yêu cầu của cách mạng với văn học, yêu cầu của thời đại này với các nhà văn của mình, và những phẩm chất riêng của ngòi bút Nguyễn Khải, có sự gặp gỡ tự nhiên ra sao, sự phù hợp tuyệt vời ra sao.
Là sản phẩm của một thời đại nhiều xáo trộn là thời đại cách mạng, dĩ nhiên văn chương từ sau 1945 cũng có những đặc điểm riêng của nó. Qua rồi, cái thời văn chương tự phát của nhà thơ như con chim lạ "ngửa cổ hát chơi". Lại cũng qua rồi cái thời văn chương là một nghề kiếm sống bình thường, để cho ai có năng khiếu và ai thích thì đến mà làm, như trước cách mạng đã thấy. Trong hoàn cảnh một xã hội được tổ chức chặt chẽ, từ trên xuống dưới dồn tất cả sức lực để hoàn thành những việc cần kíp, có ý nghĩa lịch sử, nay văn chương thật đã trở thành một công cụ của nhà nước, một thứ đinh vít nhỏ trong guồng máy lớn mà người sáng lập ra nhà nước vô sản là V. I Lênin đã xác định.
Đứng về một phía nào đó mà xét, thì cả những ngòi bút quen sống trong xã hội cũ (những cây bút bắt đầu viết từ thời tiền chiến)  lẫn những cây bút hình thành về sau, nhưng tự phát đi theo lối xưa,-- hẳn đều cảm thấy phải vất vả phải khó khăn, phải đấu tranh với bản thân, lại phải hy sinh đi một cái gì đó, trong người, mới thích ứng được với yêu cầu mà xã hội mới mong muốn.
Ở một người như Nguyễn Khải, thì không thấy có sự phiền phức đó.
Trong việc phục vụ, ông tìm thấy cách khẳng định bản thân. Ở chỗ người khác cảm thấy mất tự do, nhà văn này nhận ra một khoảng trống rộng rãi đủ cho mình múa bút. Bởi thế những yêu cầu của nhà nước với người sáng tác văn chương được ông tiếp nhận một cách tự nguyện. Sự trung thành được ông xem là lẽ sống. Cho đến sự chỉ huy, sự hướng dẫn hàng  ngày, một điều có thể làm cho người khác bực bội, đối với Nguyễn Khải cũng là chuyện đương nhiên phải đúng như thế, chứ không thể khác. Lúc mới bắt đầu nổi tiếng, năm 1963, ông viết:
"Đối với mỗi người bắt đầu bước vào nghề viết hiện nay, thì người đỡ đầu quan trọng nhất, có tác dụng quyết định nhất, là cuộc sống (...) và Đảng Cộng Sản thân yêu, nơi nương tựa vững chắc, tin cậy về đời sống tinh thần, phương hướng của mọi suy nghĩ và hoạt động, là lẽ sống, là cội nguồn của những đức tính đẹp đẽ nhất của mỗi chúng ta" (Con đường dẫn tôi tới "nghề văn").
Tới năm 1995, ông tiếp tục nói một cách chắc chắn, gọn ghẽ, như đanh đóng cột:
"Trong khoảng hai chục năm ngồi trước trang giấy, tôi không bao giờ phân vân về các chức danh của mình: là người lính là đảng viên, là nhà văn. Với tôi, tất cả chỉ là một (Tuổi trẻ Chủ nhật 30-7-1995).
 Khi cái nhu cầu phục vụ của người lính, người đảng viên đã trở thành một yêu cầu tự thân của chính ngòi bút thì một người thông minh như Nguyễn Khải sẽ biết làm tất cả, để vun đắp cho nó ngày một hoàn chỉnh.
Đối với quan niệm chung chi phối sáng tác văn học sau 1945, ngoài nhiệm vụ phục vụ đường lối chính sách của cấp trên, nhà văn phải là kẻ gắn bó với đời sống những người bình thường, là anh cán bộ có mặt và chăm sóc từng vui buồn của đám đông quần chúng.
 Nhưng những việc ấy nào có khó khăn gì với Nguyễn Khải!
Rất nhiều năm, trước và sau 1954, ông đã đi đi lại lại khắp vùng ven biển Nam Định, hết Nghĩa Hưng đến Hải Hậu. Lại có một thời, ông say mê mảnh đất nhỏ thuộc cái đội 6 nào đó, nông trường Điện Biên, như sau này ông sẽ trở lại với xã Đồng Tiến ở Phú Thọ như về với quê mình. 
Những chuyện tương tự kéo dài đến hàng chục năm tới mức người ta thưởng như Nguyễn Khải chỉ  là con người của đồng đất Bắc Bộ.
 Nhưng thoắt một cái, Nguyễn Khải lại là người của những phòng khách sang trọng ở thành phố Hồ Chí Minh, và trong câu chuyện của đám quý tộc cùng trí thức Sài Gòn cũ, ông lại tìm ra ngay những khía cạnh để có thể đưa vào sáng tác.
 Sự thực là cách say mê của Nguyễn Khải với đời sống, bao giờ cũng thiên vị, cũng quá đáng: Bập vào rất nhanh và quên đi cũng rất nhanh!
 Song chính cái đức tính bẩm sinh ấy nơi ông thật đã phù hợp với yêu cầu thâm nhập quần chúng, mà văn học sau 1945 thường vẫn đòi hỏi.
Cùng với việc chịu đi, chịu gắn bó với thực tế, cái sự học cũng trở thành một nền nếp tự nhiên ở Nguyễn Khải. Không chỉ học những cái đơn giản, trần trần ai cũng thấy, mà ông còn lo học lấy cả những chưởng độc, những chiêu thức kỳ cục, những ngón nghề quái lạ, cốt sao cho ngòi bút ngày một lợi hại, và đầy sức quyến rũ, để phục vụ cho cách mạng.
Nền nếp học và đọc đều đều này đã giúp cho Nguyễn Khải trở thành một trong những cây bút hiện đại của văn xuôi Việt Nam sau 1945 và trong chừng mực nào đó ở kỹ thuật viết, cách kể cách hình thành những giọng khác nhau trên một trang sách, văn xuôi Nguyễn Khải có sự tiếp cận với nền văn xuôi đầy biến động của thế kỷ XX.
Từ chuyện học mà suy, có thể nói, trong quá trình trở thành một nhà văn mà thời đại yêu cầu, một nhà văn của Đảng Cộng Sản, Nguyễn Khải thật đã khôn ngoan thành thạo và hiểu đủ mọi phương diện. Hiểu rằng muốn giữ uy tín cho mình, phải giữ uy tín cho Đảng. Hiểu những điều Đảng nói và cả những điều Đảng không nói. Hiểu điều gì được phép và cái gì tuyệt đối không được đụng chạm tới. Bằng sự nhạy cảm, tự nhiên gần như vô thức trong con người, ông lui tới trong kỷ luật tuyên truyền một cách thoải mái.
Cũng như nhiều cây bút khác, trong cuộc đời viết văn của mình, thỉnh thoảng Nguyễn Khải cũng gặp những tai nạn lao động, những nhầm nhỡ, những phút quá chớn: Làm sao tránh khỏi được, trong hoàn cảnh của một đất nước đang phải đánh giặc, sự phát ngôn, sự sáng tạo không ít thì nhiều chịu sự ràng buộc của hoàn cảnh. 
Nhất là với một người như Nguyễn Khải, một ngòi bút muốn lượn sát cái khu vực cấm để viết cho hấp dẫn, một tài năng muốn tự biểu hiện rằng mình đang hành nghề rất tự do, thì những quá đà, những va chạm là không thể tránh khỏi. 
Tuy nhiên, ở điểm này nữa, Nguyễn Khải cũng tự bộc lộ, như một ngòi bút có cái bản lĩnh riêng mà nhà văn thời kỳ này mới có. 
Tự xác định như con em của cách mạng, ông chấp nhận mọi chỉ thị nghị quyết của cấp trên và sẵn sàng từ bỏ chí hướng nếu bị coi là sai lầm. 
Khả năng tự xác định được những khoảng không để lui tới, và luôn luôn tìm tới sự thoải mái trong lui tới, tiếp đó, khả năng vượt qua những thời khắc bê bối, khả năng lấy lại sức sống, và tìm lại cảm hứng sau những vụ tai nạn nghề nghiệp, là một trong những sức mạnh kỳ lạ ở Nguyễn Khải.
 Nó chứng tỏ sự phù hợp hoàn toàn giữa ngòi bút của ông với yêu cầu của chế độ. Nó là một phần trong rất nhiều điểm vi diệu của sự gặp thời mà ông nhấn mạnh. Và nó bảo đảm cho sự nghiệp của ông được liên tục: suốt từ 1957 đến nay, luôn luôn ông thuộc loại những cây bút dẫn đầu trong đời sống văn học.

 II/ Tính chất dự báo của thiên truyện viết ở tuổi 27 - Tinh thần lãng mạn của một giai đoạn sáng tác - Về loại nhân vật khôn ngoan: Khôn tức là thích ứng
Trên tạp chí Văn nghệ số 33 ra ngày 1-11-1951 nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có viết một bài giới thiệu chung về lực lượng viết văn khu Ba (ghi chép sau chuyến ông từ Việt Bắc về dự hội nghị văn nghệ ở đồng bằng). Bên cạnh những bậc đàn anh như Đoàn Văn Cừ, Trần Lê Văn, trong bài báo ấy của Nguyễn Huy Tưởng, xuất hiện một cái tên chưa ai biết là Nguyễn Khải. Cuối bài viết ngắn ngủi của mình, Nguyễn Huy Tưởng còn nhắc đến hình ảnh của chính con người Nguyễn Khải nữa:
"Đêm 23-9 (...) là buổi từ biệt nhau. Bắt tay nhau quyến luyến. chúc nhau chiến đấu, chúc nhau thành công. Cùng đi ra đường Nho Quan với tôi, Lê Mai loắt choắt, Nguyễn Khải cao gầy, áo hai anh nhiều chỗ vá (...) Nguyễn Khải nói:
- Tôi sẽ viết nhiều mẩu căm thù và anh dũng, gửi lên Trung ương.
Trước mắt các anh không xa mấy, đã là đất địch, thế giới của càn quét của bóc lột của tàn sát của ngục tù. Chúng ta hứa với nhau công phá những ngục tù ấy, đem trở lại tự do và tình yêu."
Những nét phác hoạ còn rất sơ lược. Qua đi một vài năm cho tới khi hoà bình lập lại 1954-1955, người ham thích văn học có thể đọc được vài tựa sách của Nguyễn Khải:
1. Xây dựng: Đây là thiên truyện được giải thưởng Hội Văn nghệ VN 1951-1952 và tới 1954 thì được in ra. Đây cũng là thiên truyện khá nhất Nguyễn Khải viết trong kháng chiến chống Pháp.
2. Mùa xuân ở Chương Mỹ, phóng sự Ban Tuyên huấn Phòng Chính trị Quân khu 3 xuất bản.
3. Người con gái quang vinh, NXB Thanh Niên.
Trong số mấy quyển sách này có lẽ khá hơn cả, dày dặn hơn cả, vẫn là quyển thứ ba, tuy nhiên, nó có tính cách một truyện ký về một anh hùng, và còn ít chất văn học. Ra đời cùng thời với Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Người con gái quang vinh thường được Nguyễn Khải sau này nói tới như dấu hiệu về sự non nớt của mình. Sau lần in đầu tiên không bao giờ nó được in lại.
Vậy tác phẩm vào nghề, tác phẩm đánh dấu cái tên Nguyễn Khải trong lòng bạn đọc hâm mộ là gì?
Dĩ nhiên, phải kể Xung đột (1957).
Lúc bấy giờ đời sống xã hội đang ở vào một giai đoạn có những xáo lộn nghiêm trọng. Đảng Lao Động Việt Nam vừa tuyên bố hoàn thành cải cách ruộng đất trên toàn miền Bắc (trung tuần tháng 7 - 1956), thì ngay sau đó, xác nhận đã phạm những sai lầm nghiêm trọng trong chỉ đạo, và cho bắt đầu sửa sai (9-1956). 
Riêng trong văn nghệ, báo Nhân Văn ra đời, rồi đóng cửa. 
Cuộc phê phán báo Nhân Văn và các tập Giai phẩm còn đang đang dang dở (mãi đến đầu năm 1958, nó mới thật trở nên quyết liệt). Cái đáng nhớ trong đời sống văn nghệ mấy năm ấy, là sự thay đổi về tổ chức. Hội Nhà văn Việt Nam tách ra từ Hội Văn nghệ. Một số tạp chí ra công khai, trong số đó có Văn nghệ quân đội.
Có vẻ như mọi người lúc ấy quá bận bịu với chuyện thời sự, không tâm trí đâu mà nghĩ tới những sáng tác sâu sắc và có chất lượng.
Chính trong hoàn cảnh ấy, Xung đột xuất hiện. Ban đầu, cuốn sách mới được in thành từng phần trên tạp chí Văn nghệ quân đội, phần nọ có khi cách xa phần kia đến vài tháng. Song cái hơi cái mạch của nó là thống nhất.
Xét ở góc độ thời sự, Xung đột trả lời rất đúng cho những câu hỏi lúc ấy. Thông qua câu chuyện ở một xóm đạo Nghĩa Hưng, nhà văn cho thấy hình ảnh của miền Bắc thu nhỏ, với những cuộc đấu tranh chính trị quyết liệt xảy ra trong từng xóm thôn, từng gia đình, từng con người. Sau những năm chiến tranh khói lửa, lực lượng nào sẽ nổi lên chi phối xã hội? Nông thôn sẽ đi về đâu? Tiếp tục đi theo con đường đã đi trong kháng chiến hay là trở lại với con đường u tối do thực dân và các thế lực tôn giáo phản động khống chế? Phải nhận đặt được những câu hỏi như thế đã là cả một tiên cảm, một dự báo sâu sắc của ngòi bút Nguyễn Khải.
Một phương diện khác của tài năng Nguyễn Khải, người ta bắt đầu thấy bộc lộ rõ trong Xung đột.
Ở tác phẩm này, ông đã phác hoạ ra một loạt nhân vật mới mà chỉ với cuộc đấu tranh chính trị này mới có. Rõ nhất là trường hợp Môn, con người nhạy bén, cả quyết, dám đối mặt với tất cả các thế lực thù địch, và bất cứ việc nhỏ việc lớn gì trong xã, chỉ nghe qua, đã hiểu được là có âm mưu chính trị gì ở trong.
Bên cạnh những Môn, Nhàn, Thuỵ, những nhân vật phụ cũng có những nét sắc sảo hiếm có. 
Chẳng hạn loại nhân vật cuồng tín sẵn sàng phá bĩnh. ở nam giới, đó là Minh gộc "vừa bướng bỉnh vừa dễ bảo, rất ma mãnh và cũng rất ngốc nghếch"; là Quảng, sẵn sàng giả vờ chết, ăn vạ bộ đội. ở nữ giới, đó là Lý, là vợ Tường. 
Nét quán xuyến trong những nhân vật cuồng tín này là họ không có tư tưởng riêng, nhưng khi được mớm những tư tưởng lạ từ bên ngoài thì con người họ linh hoạt hẳn lên, họ lồng lộn chống phá kẻ khác và trở nên cuồng nhiệt như những con thú.
 Những tư tưởng vay mượn được họ thực hiện một cách tận tuỵ bằng tất cả bản năng sẵn có trong người mình. Như Lý vừa được nghe mấy cha đạo dẫn dụ đã quay về cà khịa ngay với cả ông chủ. Hoặc như vợ Tường, sẵn sàng ăn không nói có, từ chuyện lên thăm chồng đi bộ đội, về dựng lên chuyện bộ đội bảo phải bỏ đạo, cho tới chuyện đi đánh hôi "Hôm Quảng reo vạ, thị vén ngược áo vạch hai bầu vú đánh nhau tay đôi với bộ đội, mồm lu loa: "Nào chúng mày có giỏi thì đâm bà đi, bắn cho bà một phát xem nào!" Có một anh lấy tay du thẳng thị ra, lập tức thị nắm chặt lấy cổ tay anh ấp ấp vào vú mình, chu chéo: "ới ông bà ơi! Xem đây này, ban ngày ban mặt mà bộ đội dám bóp vú tôi đây này".
Như thế là cả trong việc chỉ ra vấn đề bao quát chung của thiên truyện lẫn việc phác hoạ các nhân vật,  Xung đột thật đã có ý nghĩa một lời dự báo, một sự tiên tri. Đây mãi mãi là một đỉnh cao trong sáng tác của Nguyễn Khải, mà mỗi khi nhớ tới, người ta phải kính trọng.
Từ sau Xung đột, Nguyễn Khải hướng ngòi bút của ông vào những vấn đề ít nhiều hiền lành hơn, và cũng hợp với nhu cầu của đông đảo bạn đọc hơn.
 Cuộc đấu tranh nào muốn tiếp tục, cũng phải chỉ rõ những thành quả cũng như hé ra những hứa hẹn đang chờ đợi. Từ Mùa lạc đến Đứa con nuôi, Chuyện người tổ trưởng máy kéo đều nhất quán trong cái giọng chung, cái mà sau này  Nguyễn Khải gọi là cảm hứng lãng mạn. Những nhân vật như chị Đào, như Thoa, như Thi, như bé Tấm (Đứa con nuôi)  là loại xưa nay vẫn được văn học Việt Nam miêu tả khá sinh động. Họ đại diện cho một đại chúng thông minh mau mắn làm gì cũng được, khổ đến mấy cũng tìm ra niềm vui, vừa trải qua cái khổ đã vui ngay được, chòng ghẹo nhau mà vui, trước những hạnh phúc đơn sơ lại càng dễ dàng tìm thấy niềm vui thực sự.
Nếu trong tác phẩm của các nhà văn như Thạch Lam, Nguyên Hồng, các nhân vật này thường được diễn tả như những nạn nhân của bất công của tai hoạ, thì trong văn học sau 1945, họ lại được miêu tả thành vai trò những chủ nhân chân chính của chế độ mới. Ở Nguyễn Khải cũng vậy. Cái tài của nhà văn trong những truyện này là đã miêu tả những nét hồn nhiên trong sinh hoạt của  con người với tất cả niềm say mê có thể có.
Kể từ 1945, đây là những năm đầu tiên, quần chúng lao động được hưởng thành quả của chế độ mới, con người không phải chạy bom chạy đạn, lại có bát cơm trắng để ăn, có bộ quần áo lành lặn để mặc, vợ chồng con cái tối tối quây quần chứ không còn chia ly, xa cách như hồi nào, vì thế họ cảm thấy sung sướng mãn nguyện lắm rồi. Dưới mắt họ, đời sống đất nước như đang phục sinh. Cho đến cả thiên nhiên cũng hiện lên tha thiết, đắm đuối.
Như đây đó, sau này Nguyễn Khải tự nhận, chưa bao giờ ngòi bút nhà văn ở ông ham tả cảnh như trong thời viết Mùa lạc. Mượn cảnh để nói những say đắm trong lòng người. Mà cũng là để bộc lộ cho hết những rung động hồi hộp tha thiết trong chính lòng mình. Cách hiểu cách nghĩ của tác giả về người và việc lúc này thường khi chan chứa những tình cảm hào hứng, một sự thán phục không giấu giếm: Với cái hăm hở của tuổi trẻ, ông sẵn sàng đẩy mọi thứ lên tới sự cực đoan mà cũng là những tổng kết có tính chất lý thuyết.
 Chẳng hạn, chỉ qua một ít may mắn ban đầu mà nhân vật Đào tìm thấy ở cuộc sống mới, người ta đã đọc được những khái quát:
"Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hy sinh, gian khổ. Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh, để bước qua những ranh giới ấy".
Lại chẳng hạn như trường hợp nhân vật Nam trong Hãy đi xa hơn nữa. Sự từng trải của người chiến sĩ bộ đội trước đây đã được nhiều ngòi bút đương thời nói đến. Nhưng nói về nó một cáh nồng nhiệt, thì không ai như Nguyễn Khải:
"Con người với đời sống tinh thần của con người thường làm cho chính nó cũng phải ngạc nhiên vì sự phong phú, sự phức tạp và sự vận động hết sức kỳ lạ của nó. Đấy, thoạt đầu thì tôi chỉ có tham vọng được nghe một câu chuyện ly kỳ của Nam trong những ngày anh sống trong tay giặc, và tôi đã hình dung được phần nào cái ý nghĩa đẹp đẽ của lòng trung thành, trí dũng cảm với những mưu mẹo hết sức thông minh của một người chiến sĩ bình thường. Nhưng cái khuôn khổ chật  hẹp cứng nhắc ấy đã bị phá vỡ vì những ý nghĩ chân thật. Cái giới hạn do mình suy tưởng đã nứt ra, để lộ những khoảng vô cùng của một cái gì không giới hạn, không thể biết ngay một lúc được. Và chính điều đó cắt nghĩa vì lẽ gì đến hôm nay, khi viết về Nam, tôi vẫn ngờ rằng có lẽ mình chỉ mới biết đến những cái gì thuộc về bên ngoài, có khi lại do sự tưởng tượng méo mó của mình bịa đặt ra cũng nên, còn cái vẻ đẹp thực sự của Nam thì chẳng khác gì một ngôi sao rất sáng, lóng lánh từ xa một cách khêu gợi, nhưng không có cách gì để với tới".
Chỉ cần so sánh một chút những cảm hứng chính về cuộc sống chi phối ngòi bút Nguyễn Khải khi viết Mùa lạc (1959-1960) với những khái quát đời sống toát ra qua nhiều thiên truyện ông viết, những năm cuối 80, đầu 90 người ta sẽ thấy biết bao khác biệt:
Một bên là cái say đắm có phần bốc đồng của tuổi trẻ; một bên là những chiêm nghiệm thâm trầm sâu sắc của tuổi già.
Một bên nói ào ào, nói lấy được; một bên vừa nói vừa ngập ngừng, vừa chậm rãi, chỉ sợ mình sẽ khái quát sai một lần nữa.
 Tuy nhiên, phải nhận những ý nghĩ về cuộc sống trong giai đoạn Mùa lạc là thành thực, cái cảm hứng chủ đạo chi phối ngòi bút Nguyễn Khải lúc ấy là thế, thì ông viết ra thế, ở đó không một chút giả tạo, không nói theo ai hoặc vay mượn ở ai.
Trong sự hồn nhiên của nó, những khái quát nói ở đây xác nhận một tâm lý thịnh hành đương thời. Là cảm thấy cuộc đời ngày nay khác hẳn ngày xưa, lịch sử như vừa bắt đầu. Một cái gì phảng phất lối cảm lối nghĩ của những người có đầu óc tôn giáo bắt đầu hé mở.
Có điều cái mà ngòi bút nhà văn muốn tôn thờ là chính đời sống, ông không kêu gọi sự khổ hạnh, sự ép xác, mà đặt tin yêu vào tất cả những gì tự nhiên đẹp đẽ của cuộc sống, nên một thoáng tôn giáo nói ở đây, dễ lây lan và có sức truyền cảm.
Vào khoảng những năm 1960 trở đi, một trong những đề tài lớn của các nhà văn sống ở miền Bắc là viết về phong trào hợp tác hoá. Ngày nay, đọc lại những sáng tác mang nặng tính cách phục vụ kịp thời hồi ấy, nhiều người mỉm cười. Tuy nhiên, không phải ở đó không có những trang sách có giá trị, ngày nay, vẫn có thể đọc lại.
Riêng với Nguyễn Khải, đọc những truyện ông kể về người về việc ở các xã Đồng Tiến, Phú Thọ, chúng ta cũng bắt gặp một sự say mê hết lòng chẳng khác gì ngày nào ông đã nói về cái "Đội 6" nông trường Điện Biên trong Mùa lạc.
Thường trong các thiên truyện viết về hợp tác, Nguyễn Khải không giảng kỹ thuật sản xuất, cũng không đi vào minh hoạ những bước đi thường có của phong trào, mà đưa ra bức tranh toàn cảnh của nông thôn và dừng lại khá kỹ ở những rắc rối, vừa hồn nhiên, vừa không thể tránh khỏi, khi đi vào làm ăn tập thể. 
Trong khi khéo léo vạch ra những nhố nhăng buồn cười và cả những xót xa cảm động trong tính toán mang tính cách vụ lợi vốn có ở người nông dân (bao gồm cả các cán bộ hợp tác), tác giả không quên đặt vấn đề về nhân cách, về tầm nhìn, tầm suy nghĩ của con người, và đó là một cách làm có sức thuyết phục. Cố nhiên say sưa ca ngợi cái này, đôi khi là kèm theo sự phê phán chế giễu cái kia, và sự chế giễu của Nguyễn Khải có khi cũng nông nổi thiên lệch, như ông đã ca ngợi, điều đó thấy rõ hơn cả trong thiên truyện nổi tiếng, đã được đưa vào sách giảng văn mà học sinh các trường trung học phổ thông phải học: truyện Tầm nhìn xa.
Chẳng phải ngẫu nhiên về sau trong phong trào đổi mới cách nghĩ, mấy năm 87 - 88, Nguyễn Khải sẽ trở lại với "thế giới" ở xã Đồng Tiến, để tự so sánh những điều mình dự đoán, với sự phát triển của bản thân hiện thực.
 Tuy nhiên, Cái thời lãng mạn được viết về sau, không xoá sổ những Tầm nhìn xa, Người trở về viết mấy chục năm trước mà cả hai giai đoạn ấy ở Nguyễn Khải cùng tồn tại, đánh dấu cho sự tiến triển dần dà của ý thức cá nhân, mà cũng là của nhận thức xã hội. 
Qua các thiên truyện viết về sự làm ăn ở Điện Biên cũng như không khí hợp tác ở Phú Thọ, ở Nguyễn Khải thấy nổi lên một nét đặc sắc sớm được các nhà phê bình nhận xét, đây là việc hình thành ở ông một loại nhân vật - mà riêng ông mới có.
 Dù là người nông dân "chân đất" cày cuốc nuôi thân, hay đã khoác xà cột lên vai, đảm nhận một chức vụ nào đó trong guồng máy xã hội, loại nhân vật này thường khi kèm theo những tính toán chặt chẽ, thiết thực khiến người ta phải kinh sợ. Rồi ra sau những tính toán không chê vào đâu được ấy, ta cảm nghe vang lên từ các trang sách tiếng cười ròn rã của họ, đánh dấu những chiến thắng nho nhỏ của kẻ biết đùa, hoặc kẻ đáo để.
Chính loại nhân vật được tiếng là khôn và đã mang lại cho tác phẩm một vẻ sinh động hiếm có này làm nên tính hiện đại của những trang văn xuôi của Nguyễn Khải.
Một mặt, nó đánh dấu xu thế dân chủ của thời đại khi mà đại chúng đã thức tỉnh và cái sự gọi là khôn ngoan không còn là đặc quyền riêng của ai. 
Mặt khác trong sự bằng lòng khá rõ của tác giả với thứ trí tuệ dân gian kiểu này, cũng nên nhận ra một hạn chế. 
Khôn ở các nhân vật của Nguyễn Khải là gì? Đại khái đó không phải là sự vận động tự thân của trí tuệ, mà chỉ là tìm ra một sự thích ứng tối đa với hoàn cảnh. 
Gạt đi rất nhiều sự khác nhau về bề ngoài, sự khôn ngoan của nhân vật Nguyễn Khải, rút lại có thể quy vào trong mấy câu khái quát một thời của Chế Lan Viên:
- Ta là ai? Như ngọn gió siêu hình
Câu hỏi ngây thơ thổi nghìn nến tắt
Ta vì ai? - khẽ xoay chiều ngọn bút
Bàn tay người  thắp lại triệu chồi xanh
Một khi đặt ra cho mình hướng suy nghĩ như vậy, con người thường chỉ mải mê theo đuổi mục đích sẵn có.
 Ở họ không có những gì bâng quơ, không đâu vào đâu.
 Không những phút dư thừa, những chuyện khó giải thích (thậm chí không giải thích nổi). 
Lại càng không thể có những nỗi buồn vô lý. 
Vì buồn và những tình cảm gần gũi với buồn, như thương cảm cho mình và cho người, xót xa, ân hận, cho rằng tất cả đáng lẽ có thể khác...  theo họ không phải là sự bắt đầu cho một suy nghĩ xứng với tầm người mà chỉ là xa xỉ vô ích, chả có lợi cho ai, nếu không nói là làm hại cho kẻ đang buồn nữa. 
Người khôn ngoan sao lại buồn bã cho được! 
Kể ra, cũng là quá đơn giản hóa, cũng là rút gọn con người đi khá nhiều. 
Song, phải nhận lối nghĩ như Chế Lan Viên, như Nguyễn Khải đề nghị, làm cho con người khoẻ lên, thích hành động hơn. Và đó chính là cái yêu cầu mà xã hội trong giai đoạn sắp bước vào chiến tranh lúc ấy đặt ra cho văn học, muốn văn học phải làm lây truyền bằng được.

(còn tiếp)
أحدث أقدم