Moskva 14-2-1987. Một chút không khí mùa xuân trên
đất đai của băng giá. Minh Hạnh, cô phóng viên Báo ảnh Việt Nam bồi hồi
hỏi tôi ông Nguyễn Đình Thi sang, anh đã gặp chưa? Ôi tính ông rất cởi mở. Ông
còn bảo để hôm nào tôi đến chỗ các cô, nói về những nét mới trong tình hình văn
học nghệ thuật cho mọi người cùng nghe.
Lúc
sau, bên bữa ăn, nhân nói tới ai đó, Hạnh lại một lần nữa nhắc lại, ông Nguyễn
Đình Thi thủ trưởng của anh cũng mới sang.
Tôi
nghe Hạnh nói chỉ im lặng.
Tôi
biết nói làm sao với con người này, về con người này bây giờ. Tôi cũng đang loay hoay thử phác thảo một chân dung.
Từ cái
nhìn của các nhà văn thuộc Văn nghệ Quân
đội
Ý thức về thế hệ đã đến với tôi ngay từ những
năm chiến tranh. Tôi có bài về những lực
lượng mới trong thơ. Nhân vụ nổi loạn của sinh viên 1968, tôi muốn đặt vấn đề
lực lượng trẻ Việt Nam trong sự phát triển thanh niên trên thế
giới. Tôi muốn có những thay đổi. Nhiều năm sau, nghĩ lại, còn thấy buồn cười
về những ý định ngây thơ của mình lúc ấy.
Tại
sao tôi cho mình cái quyền nói vậy? Ít ra, tôi cũng đang được mọi người chú ý. Vào
những năm 69-70 được gọi là một người viết phê bình trẻ là chuyện rất hiếm, vậy
mà tôi đã được một số người ban phát cho cái danh ấy. Chế Lan Viên, Xuân Diệu đều có lần gọi tôi ra
động viên. Ông Thi gửi tặng tôi sách mới oách chứ. Cuốn Công việc của người
viết tiểu thuyết, bản in lần thứ hai, 1967, kèm theo lời đề tặng ở đầu
sách, viết bằng thứ chữ li ti vốn có ở
ông: "Tặng anh Vương Trí Nhàn nhà phê bình trẻ".
Khoảng
1969, kỷ niệm 25 năm thành lập quân đội, với tư cách phóng viên Văn nghệ
quân đội, tôi phải đến gặp ông Thi để xin bài, xin ảnh. Và đâu còn một
lần nữa, ở sân 51 Trần Hưng Đạo.
Bao giờ Nguyễn Đình Thi cũng tiếp tôi một cách ưu ái.
--Này
Vương Trí Nhàn trông, bên Cuba họ mới dịch của tôi cuốn Mặt trận trên cao
đây này.
--
Còn đây là bản in Pháp bây giờ họ mới gửi tặng. Của nhà Juliard.
…
Sau
những lần gặp đó, lần nào về, tôi cũng nói chuyện với Nguyễn Khải, Nguyễn Minh
Châu. Và các anh trêu :
-
Ra VT Nhàn cũng được ông Thi quý lắm đấy
chứ!
Trong
đầu óc nhiều bạn trẻ chúng tôi năm ấy, Nguyễn Đình Thi gần như là một thần
tượng. Đỗ Chu kể, có lần, trong cảnh Hà Nội sơ tán, Nguyễn Đình Thi rủ Đỗ Chu
về ngủ ở trên căn gác Hội Nhà Văn. Ông Thi rất giản dị, Chu kể. Ông nói đủ
chuyện, trong đó có cái ý mà Đỗ Chu nhớ hơn cả. "Cuộc đời này cũng lôi
thôi lắm nhiều khi chả biết thế nào. Như nước Tàu bây giờ đấy."
Những
năm 1965-1970, là những năm hồn nhiên nhất của cuộc chiến đấu chống Mỹ. Người
ta còn làm chiến tranh theo kiểu bài bản, theo kiểu hoà bình (như bây giờ, người ta làm hoà bình theo kiểu
chẳng bài bản gì, theo kiểu chiến tranh). Tôi nhớ, khoảng đầu 9-1970, khi
tôi vào Quảng Bình rồi theo sư đoàn 304 vượt sang Tây Quảng Trị tức đi B
ngắn trong khoảng hai tháng, thì ở
ngoài này, mấy bạn tôi như Đỗ Chu, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Ngọc Tú, Xuân
Quỳnh… được Nguyễn Đình Thi triệu tập riêng, thầy trò sôi nổi bàn về tuổi trẻ và
văn học. Ông Thi năm đó 46 tuổi còn đang sung sức lắm. Nếu có một bọn trẻ, thì
ông sẵn lòng là người dẫn đầu.
Có
một điều không may - hay là điều may nhất cho tôi --, trong việc nhìn nhận
Nguyễn Đình Thi những năm chiến tranh. Là lúc ấy tôi làm việc ở tòa soạn Văn Nghệ Quân Đội.
Bên cạnh Hội Nhà văn, VNQĐ của
tôi là một cách nhìn mới, cách làm văn học, mới mẻ và cách nhìn của các anh
cũng khá mới mẻ.
Chẳng
hạn, hồi ấy Vỡ bờ tập hai rục rịch in ra ở Nxb Văn học và có một số chương được trích in ở báo Hà Nội mới.
Cơ quan tôi mọi người cũng đọc. Nhiều
lần, tôi bắt gặp mấy anh em ngồi ở phòng báo cười sằng sặc. Ra họ giễu ông Thi.
Nguyễn
Minh Châu, với cách nói hình ảnh của mình, nhận xét thẳng vào văn xuôi Nguyễn
Đình Thi: "Gớm, viết cứ như người chạy mưa “ (nôm na nghĩa là chả có gì
cụ thể cả, văn xuôi mà thiếu chi tiết).
Nguyễn Khải : “Thà ông ấy cứ ngồi dạy mình còn
hơn, lại đi viết ra thế này, mất cả thiêng.”
Ông
Khải này vốn có mối quan hệ oái oăm với
ông Thi.
Khoảng
cuối 1969, Nguyễn Khải có viết một bài bàn chuyện nghề nghiệp, đi vào phân biệt ký với tiểu thuyết trên tạp chí Văn
hoá nghệ thuật. Đại ý Nguyễn Khải nói nếu ít vốn sống, cứ viết ký cho xong.
Viết tiểu thuyết, vốn phải nhiều. Biết ít mà viết tiểu thuyết là rất dơ. Nguyễn
Khải kể:
--Ông
không biết chứ, các ông bên Hội Nhà văn thích bài ấy lắm, cho là nhắm rất trúng
đích. Một tay như tay Trọng Hứa cũng phải đọc mà khen cơ mà."
Đây
là một trong những lần tôi học được ngón võ kín trong nghề văn: món nói cạnh
nói khoé. Ý Nguyễn Khải ở đây muốn chê
văn xuôi Nguyễn Đình Thi, nhưng
nói thẳng ra không tiện.
Lần
ấy, Vỡ bờ II in ra, còn bị bên Viện Văn ghét lắm. Họ mời Nguyễn Đình Thi
đến nói chuyện, xong lại căn cứ vào đó mà phê bình (người được giao làm việc
này là Phong Lê).
Nguyễn
Đình Thi bực đến mức phải viết bài trả lời.
Một lần, Nguyễn Khải sang Hội Nhà văn trở về,
kể:
-
Tôi vừa được ông Thi đọc cho nghe bài trả lời này. Chung quanh Vỡ bờ, hôm nọ, phải nhờ đến Khái Vinh đỡ cho một bài, đã thấy dơ
rồi. Nay lại tự đứng ra trả lời thế này nữa.
Dừng
một lúc, Nguyễn Khải nói thêm:
-
Ông có biết tại sao ông Thi ông ấy đọc cho tôi nghe không? Không phải là ông ấy
yêu tôi đâu. Mà là vì ông ấy ghét thì đúng hơn. Thử đọc cho cái thằng ghét mình
xem nó phản ứng ra sao. Xưa nay, ông ấy vẫn coi tôi là người cầm đầu của phái
trẻ, phe nghịch trong làng. Là nghi
thôi, chứ chưa cả quyết . Nhưng tin tưởng thì dứt khoát không.
Giữa
yêu và ghét
Ai
cũng biết là ông Thi rất đẹp trai, một người đàn ông rất giàu nam tính (Dương
Thu Hương phũ mồm bảo các em mê văn chương săng sái vây quanh ông anh, em nào
chả chết với anh một vài lần rồi.)
Khoảng
1971, tôi nghe có tin vỡ lở ra một vụ lăng nhăng của Tổng thư ký. Đối tượng ở
đây là cô V. O., người phát thanh viên bên Đài.
Nguyễn
Khải kể rằng ông Tiếu (nhân viên hành chính của HNV) bảo chỉ thấy thủ trưởng
sai đưa thư đi các nơi, nào có biết thư công hay thư riêng. Bây giờ mới hoá ra
toàn thư tình.
Nhưng
nguy hiểm nhất, đâu có một lần trong một lá thư, lại có cái câu nói rằng hôm
nay anh không thể đến em được, anh phải đi nghe ông Tố Lành giảng đạo (ý nói đi
giao ban, đi chỉnh huấn gì đấy!)
Khải
thì chú ý chuyện chính trị, âu cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng với chuyện này,
một người như Xuân Quỳnh lại chú ý mặt đạo đức của con người. Xuân Quỳnh kể là
ông Thi không những thôi cô ấy, mà còn đèo vợ đến, rồi ông ta ở dưới nhà, để
cho vợ lên đánh ghen nữa. Thật là quá lắm. Sau này có người giải thích cho tôi
nghe là không phải thế đâu, cũng có việc bà Trường đến, nhưng là do một hoàn
cảnh như thế nào đó, ngoài ý muốn ông Thi… Dẫu sao, cái chuyện trai gái những
năm ấy của ông Thi là có thật, nó cũng là nguồn gốc của nhiều tai tiếng.
Nhưng
hồi ấy, ở VNQĐ, lại có một
người rất yêu ông Thi. Người đó là Nhị Ca. Họ biết nhau từ kháng chiến. Nhị Ca
còn nhớ tường tận việc Nguyễn Đình Thi viết cuốn Xung kích ra sao. Ông ta đi chiến dịch trung du
xong, không về cơ quan Hội vội, mà ghé vào
đơn vị văn công do Nhị Ca phụ trách, xin ở nhờ, xin cho ăn cơm, rồi ngồi viết.
Và 18 ngày là xong.
Nhị
Ca thường bảo tôi:
-
Chớ có nghe mồm thằng Khải. Không ai thay được Nguyễn Đình Thi đâu. Còn lâu mới
có một nhân vật như vậy.
Thơ
Nguyễn Đình Thi từng được Nhị Ca giới thiệu cả một chương trình bên đài phát
thanh. Các tập tiểu thuyết của Nguyễn Đình Thi hồi đầu chống Mỹ, đều được Nhị
Ca nhắc nhở trên VNQĐ. Nhị Ca có một sự trung thành ghê gớm với Thủ trưởng Hội.
Nguyễn Khải thỉnh thoảng lại nhại lời Nguyễn
Đình Thi để giễu:
-
Các ông là chưa hiểu gì về tiểu thuyết hiện đại… Để hôm nào phải bố trí một buổi,
tôi nói các ông nghe mới được.
Theo
Nguyễn Khải, ở bên Hội, hiện giờ có mấy ông muốn làm cha mọi người.
Chế Lan Viên, -- cha của nền thơ Việt Nam.
Nguyễn
Đình Thi - cha của tiểu thuyết Việt Nam.
Và
Tô Hoài, cha của văn xuôi Việt Nam.
Hội có hai ông Tổng thư ký và phó Tổng thư ký.
Ông này chê ông kia văn học trò, ông kia chê ông này là văn thợ thủ công.
Thật không biết đằng nào mà lần - Khải nói tiếp
Trước
những lời lẽ ấy, Nhị Ca chỉ mủm mỉm :
-
Các anh chỉ tức vặt, chứ bằng thế đếch nào được người ta. Hồi 20 tuổi, Nguyễn
Đình Thi đã làm đại biểu Quốc hội, thâu tóm bao nhiêu là việc đại sự. Còn lâu,
còn lâu!
Theo lời kể của Nguyễn Khải, Nguyễn Đình Thi
mà sang Liên Xô thì sang lắm. Nghĩa là có người đón tận Tasken làm giấy tờ cho.
Này, bố Thi cũng chim chuột bọn dịch giả Liên Xô lắm - vẫn lời Nguyễn Khải. Chả
có lần Nguyễn Khải cùng đi một chuyến với ông Thi. Bên ấy một tay nào đó đã
dịch Vỡ bờ rồi nhưng bản dịch kém, không có tiếng vang. Nay ông Thi muốn
chính Marian Tkachev dịch lại. Đến nhà Marian chơi. Gớm, trông cái nhìn của ông
Thi về phía nó, như tống tình ấy, điếm lắm, Nguyễn Khải có mặt ở đấy bảo vậy. Nhưng sau cũng không ăn nhằm gì. Marian bảo, ở nước chúng tôi, cũng phải có kỷ cương, chỉ những tác giả cổ điển mới đôi khi có hai bản dịch.
Ngay
từ hồi chiến tranh, trong giới viết văn đã có câu ca:
Đảng đoàn là
Đảng đoàn Hoài
Có đi thực tế
nước ngoài thì đi
Đảng đoàn là
Đảng đoàn Thi
Có
đi thực tế thì đi nước ngoài.
Một
người hay vọc lại chuyện cũ của Thi là Nguyễn Thành Long.
Có
lần, Nguyễn Thành Long bảo tôi rằng hồi kháng chiến Nguyễn Đình Thi ở đâu
bên Quốc hội, chứ có phải
bên Hội Văn nghệ đâu. Hội Văn nghệ là do ông Tưởng làm. Thi bị ông
Trường Chinh ghét, sau cuộc thảo luận về thơ không vần. Cho nên, đi Điện Biên
Phủ, cũng gần như một thứ bị kỷ luật.
Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi hôm nọ qua Mosskva
họp, cũng nói với tôi là, cái lần Nguyễn Đình Thi đi trung du, xông pha ghê lắm,
đến mức Nguyễn Huy Tưởng phải bảo Thi nó liều chết để lấy lại uy tín.
Những
điều tôi được nghe kể như thế, thấy tin được, vì tôi nhớ chuyến đi B của Nguyễn
Đình Thi cuối 1974, đầu 1975. Lần ấy ông
Thi đi một chuyến vất vả lắm, tới mức mà một người "lòng gang dạ sắt"
như Nguyễn Khải mà cũng phải nao lòng, thương xót. Có lúc chả còn tin tức gì
nữa. "Đi như phẫn, đi để tự hành xác” - Nguyễn Khải bảo vậy. Nó cũng là bù
cho những tiếng xấu mà người ta vẫn nói.
Đấy,
Nguyễn Đình Thi là người như thế đấy. Người sống tất cả những vinh quang và lỗi
lầm của một chiến sĩ cách mạng. Vinh quang bằng việc ngồi trên Chủ tịch đoàn
hay Thư ký đoàn ở Quốc hội khoá 1, đứng về phía Cụ Hồ, đấu tranh cho cách mạng.
Vinh quang - hai mươi mấy tuổi, dẫn đoàn đại biểu Việt Nam đi dự Đại hội liên
hoan sinh viên thế giới, được bà M. Riffaud rất yêu. Và bùn lầy, cảm thấy như
một trí thức có tội, luôn luôn phải đưa lên, giương lên những giá trị mà có lẽ
trong thâm tâm mình thấy không ra gì. Đề cao công nông. Luôn luôn phải đứng nép
về phía sau bên các đại diện công nông.
Ngô
Văn Phú kể với tôi về Hội nghị nhà văn trẻ lần thứ nhất, năm 1959. Đứng trước
những Anh Đức, Lê Khâm… Nguyễn Đình Thi không quên nhắc tấm gương sáng ở một
người công nhân nào đó, làm ca dao, tên là Hoàng Thị Tước . Nhắc như một tấm
gương. Chỉ có điều, trong văn học, bà Tước ấy, bây giờ ai biết.
Tâm lý Nguyễn Đình Thi là thứ tâm lý tiêu biểu của tri thức Việt Nam. Khiếp nhược trước đám công nông. Thấy công nông làm được nhiều việc liều lĩnh, nên cứ
lùi dần, lùi dần.
Nguyễn Khải thường nói với tôi về một cái tài của Nguyễn Đình Thi. Trong
những đợt chỉnh huấn chính trị do Tuyên giáo tổ chức cho văn nghệ sĩ, Nguyễn Đình Thi rất hay ngồi ở hàng đầu. Trong
bụng ông Thi nghĩ gì về ông Hà Huy Giáp không biết, nhưng ở hàng ghế
trên cùng, ông Thi hiện ra trước người giảng bài như một thính giả cần mẫn, lắng
nghe mọi điều, thỉnh thoảng lại gật đầu ra điều rất là tâm đắc, và khi cần
không quên liếc mắt về phía một người nào đó, ý muốn nói thấy chưa, anh Hà anh ấy
giảng sâu sắc lắm đấy chứ!
Cùng với Lê Ngọc Trà nói chuyện với Nguyễn Đình
Thi,
ở Moskva , 22-2-87.
Nguyễn
Đình Thi kể:
--Tôi
vừa đi forum Bảo vệ hoà bình
về. Tôi vào nhóm các nhà văn. Bài phát biểu của tôi được chú ý lắm. Đại ý tôi
nói con người trở thành tai vạ cho mình. Chỉ vì cái sợ mà người ta chưa giết
nhau thôi, chứ đã nghĩ chán về việc này rồi. ( Lê Ngọc Trà thú cái ý tưởng này
lắm.Trà bảo như vậy là thấy trách nhiệm về cả hai phía, cả Liên xô lẫn Mỹ!).
Tôi
còn được mời riêng đến báo Pravda. Ở đó, cũng phát biểu lung tung cả,
nên họ không đưa lên mặt báo.
--Tình
hình ở nhà. Định ra tạp chí của Hội, mới mời Bằng Việt về làm thư ký toà soạn,
Bằng Việt cũng muốn về, chỉ sợ không được.
-
Lãnh đạo các nước XHCN, trước sau có vấn đề dân chủ. Ta đâu có quen dân chủ.
Thời
Hy Lạp, người ta còn dân chủ hơn mình nhiều. Bàn cãi mãi, sau cho về. Sợ biểu
quyết ngay thì người nào nói giỏi người đó thắng. Về sau lúc người ta đã tỉnh
táo mới đến biểu quyết. Hoặc như có cái lệ ai tán thành chiến tranh người đó
phải về sắm mũ áo ra trận ngay. Để cho anh phải có trách nhiệm với quyết định của
mình.
Ở
nước mình, bàn cãi thuyết phục nhau lại
càng khó. Căn bản có Cụ Hồ. Ông Cụ không có cái gì thái quá, thành ra nước mình
chưa đến nỗi cho văn nghệ sĩ đi tù.
Tôi
nhớ cái lần họp Bộ Chính Trị về văn nghệ, tôi được dự. Mà lại nói nhiều đến
tôi, với cả Con nai đen. Căng lắm. Nhưng Ông Cụ ngồi đấy, không nói gì
nhiều, Cụ chỉ bảo phải xem cho kỹ. Lúc ra, Cụ lại nói chuyện với tôi, hỏi han
tôi. Thành ra nó cũng đỡ căng đi.
Lãnh
đạo văn nghệ mình là ai? Ông Cụ thì bận. Đồng chí Lê Duẩn tránh văn nghệ. Đồng chí Phạm Văn Đồng thương
nhưng cũng tránh. Chỉ có đồng chí Trường Chinh. Mà tôi biết, tôi là cán bộ cũ
của anh ấy mà, anh ấy nghiêm lắm. Chẳng hạn như anh ấy không thể chịu được hội
hoạ hiện đại. Cá nhân các anh ấy sau này cũng phải nói lại. Như trong bài Cùng bạn đọc,
đầu tập thơ Sóng Hồng, anh ấy nhận là thơ có thể không vần. Như thế là mới mẻ
lắm rồi. Hồi kháng chiến anh ấy đâu có chịu. Chính tôi làm thơ không vần mà.
Lại
như anh Tố Hữu, ông ấy cũng thích mình quá (Trà giải thích cho tôi: ý nói ông Lành
sùng bái mình). Đấy là một nhà thơ có tài, một nhà thơ lớn. Nhưng tôi cứ nghĩ
anh ấy còn thiếu chỗ nào đó. Ví như tôi nghiệm người làm thơ nào cũng rất hay
về thơ tình. Tố Hữu thiếu cái đó, không có thơ tình, cái đó không được.
Nhắc
lại chuyến đi B. 1974
-- Hồi ấy anh Trần Bạch Đằng, anh ấy cũng
có cái ý thách thức, để văn nghệ vào đấy xem sao. Thì tôi vào. Mà vào đến tận
Mỹ Tho. Rồi giải phóng Sài Gòn, tôi biết, nhưng tôi không vào Sài Gòn mà lại ra
cái đã. Trên đường ra mới gặp lắm chuyện hay. Những đơn vị người ta cuốn vào
Sài Gòn hết, chỉ để lại đám thương binh nhẹ trông thương binh nặng, với cái kho
gạo. Đất nước, nhìn ở phía sau cuộc chiến tranh, thấy hết chứ. Hay lắm.
Nhân đây tôi (VTN ) hỏi ông Thi về cái đận đi chiến dịch trung du 1950, về viết Xung kích nói trên.
Nguyễn
Đình Thi cười, tự nhận cũng thấy mình đi
đã ghê.
Nhàn:
--Anh
vừa bảo đi chuyến 74, cũng như chuyến Điện Biên Phủ. Nhưng hồi biên giới 1951
thì không?
Nguyễn
Đình Thi:
--Hồi
ấy sắp Đại hội Đảng, tôi bị ông Tố Hữu ông ấy giữ ở nhà làm cái báo cáo về văn
nghệ. Sau báo cáo ấy, ông Tố Hữu mới vào Trung ương.
Nhưng
tôi tự nghĩ, trước nay, mình vẫn có cách nhìn riêng của mình. Như với Ông Cụ, tôi cảm
thấy không thể viết, không nên viết gì. Hay lần đầu sang đây, những năm năm
mươi thấy cái lăng Lênin đặt ở giữa Hồng Trường, tôi đã thấy thế nào ấy, không
nên thế, chỉ có điều mình không dám nói ra thôi. Mấy chục năm qua, nhờ cũng
luôn theo dõi được tình hình bên này, tôi cũng thấy đỡ rối hơn.
[ Một số mẩu in chữ nhỏ dưới đây đã được đưa vào
trong bài Chuyện văn nghệ Hà Nội nghe ở Moskva 1987 ]
5-87
Gặp tại Yug-zapatnoe,
Nguyễn Khải điểm qua tình hình
văn nghệ:
-
Lão Nguyễn Đình Thi phen này mà mất việc đi Tây, thì cứ gọi là con mẹ Tuệ Minh
nó bỏ ngay.
Mà không hiểu
sao, xứ mình sinh ra cái lão lẩm cẩm loại đó. Bây giờ cứ thấy mấy người đang
đứng trò chuyện là lão ấy nhảy xổ đến, lão ấy giảng cho mình về văn học,
văn học nó phải như thế này, nó phải như thế kia. Làm như là không ai đọc cả
ấy. Lúc nào cũng chê anh em bây giờ nó không biết gì. Vâng, các ông được Tây nó
dạy cho tí tiếng Pháp, nhưng anh em bây giờ nó đã có tiếng Nga, chắc ai đã đọc
hơn ai.
8-7-1987
Tế
Hanh kể: Hà Nội đang cho in tờ Tác phẩm văn học, số 1, do ông Nguyễn
Đình Thi làm Tổng biên tập. Trong hội đồng biên tập có nhiều người, kể cả
Nguyễn Khải. Thi mời Nguyễn Văn Bổng làm phó, nhưng Bổng không nhận.
Về tạp chí mới (Tác phẩm văn
học ) ông Chính Hữu, bà Tú nhận định ông Thi thấy có thể mất tổng thư
ký, nên chạy về làm. Và ông Thi dựng ê kíp của mình, Hoàng Trung Thông,
Thợ Rèn v.v..
Bùi Bình Thi chỉ còn là người đi thu bài. Ngọc Tú không có quyền gì. Ông Thi
bảo tôi ở nhà, tôi duyệt bài. Nếu tôi đi vắng, anh Thông, anh Kim Lân sẽ duyệt.
Như vậy, lại khác rồi.
Lại
Nguyên Ân bình luận: Đây là một thứ tạp chí của các cựu chiến binh và trưởng
lão, nó sẽ là tạp chí thương phế binh.
Tế
Hanh bảo: Ông Thi vẫn có cái tài như
vậy. Tức là chất lên vai bao nhiêu cũng làm được, và làm rất giỏi. Rồi đến lúc,
báo nó tan, thì ông ta cũng chuồn ngay được. Có một vấn đề gì mới, Nguyễn Đình
Thi tiếp thu rất nhanh, rất hoạt ; cách nắm cách trình bày… rất hấp dẫn.
Chỉ
hiềm một nỗi là không sâu, và không bao
giờ quay trở lại với vấn đề ấy nữa. Nhưng tìm được một tổng thư ký như vậy, đâu
có dễ. Nghe nói, phen này, phe ông Thi rất muốn trì hoãn đại hội nhà văn, vì sợ
sẽ bị lật nhào.
Nhân
chuyện “luôn luôn dẫn đầu” của NgĐThi. Nhiều người cùng nhận ra:
-
Lúc chưa ai làm thơ không vần, thì ông Thi làm cái trò đó..
-
Lúc chưa ai viết tiểu thuyết dài thì Thi tống ra được cuốn Vỡ bờ. Và lại
còn viết cả lý luận về tiểu thuyết nữa chứ (Công việc của người viết tiểu
thuyết, nổi tiếng tới mức ông Thanh Lãng ở Sài Gòn cho in lại )
-
Lúc Mỹ mới đánh ra miền Bắc (1965 -70)
Nguyễn Đình Thi viết liền hai cuốn
truyện vừa Vào lửa và Mặt trận trên cao. Và lại viết về một binh
chủng mới tinh, là không quân.
Nguyễn Khải mấy lần bảo bây giờ có ai chết, Nguyễn
Đình Thi làm điếu văn rất hay.
Con
người lạ quá. Một thứ bản năng nào đó đã xui khiến ông, Ông có sự nhạy cảm với
những gì mới hé ra. Ông bắt rất nhanh vào cái xu thế của sự vận động đời sống
8-1945. Cách mạng bao giờ cũng làm người
ta lóa mắt ở cái ban đầu. Tôi nhớ rất rõ trường hợp của Nguyễn Khải, cuốn Tháng
3 ở Tây Nguyên -- cái
thuở ban đầu là thiêng liêng lắm. Và có
những người sống đến già vì cái thuở ban đầu ấy.
Nhạy cảm xã hội là một thứ bản năng
tự nhiên của ông Thi?
Nhưng
đây là một phía khác của sự nhạy cảm đó. Phải gọi Nguyễn Đình Thi bạc thượng hạng. Ông chuồn
rất nhanh qua các việc. Nhiều tờ báo mới ra, ông nhận làm tổng biên tập, nhưng
khi báo có làm sao là ông không làm nữa.
Mà cái tên ông ta vẫn phải để. Rồi có lúc, ông sẽ bảo cái này những người khác
làm, tôi không biết. Tôi còn đi sáng tác v.v và v.v
Có
người bảo tôi, Nguyễn Đình Thi là một tay đầu cơ chính trị, tôi chưa thật hiểu.
Đời ông về chính trị cũng lận đận lắm đấy chứ, những kẻ đầu cơ khác không hơn
ông nhiều. Cụ Tuân có lần bảo tôi, sao
ông Thi cứ bị trên mắc-kê, chứ ai phục vụ chính trị bằng ông ấy đâu. Hoặc bảo
rằng về chính trị ông ta được nhiều cũng
không phải, so với mọi người có được gì
nhiều lắm. Hay là tại vì Nguyễn Đình Thi vừa muốn làm chính trị vừa muốn làm
nghệ sĩ như Nguyễn Khải vẫn cắt nghĩa? Dù có như thế nữa, tôi thấy lý do một
phần chính là cái chất người chất học trò của Nguyễn Đình Thi. Ông ta
khôn lỏi (?), nhưng cũng nặng tiền kiếp lắm. Phải cái tội trai gái hơi nhiều,
nhưng người đàn ông mà để mang tiếng ở đấy, không phải anh hùng rồi.
Người ga lăng (galante= phong tình lẳng lơ)
Dương Thu Hương kể về Nguyễn Đình Thi.
Hồi ấy, là vào gần Tết. Hương có việc lên
Quảng Bá ngồi viết, Nguyễn Đình Thi cũng có mặt ở đấy. Hoá ra ông cũng đến ngồi
viết. Có một người tình hay đến là cô
Chung, thường mặc complet nữ, đi xe máy peugeot
trắng. Thấy Hương ở đấy, Thi cũng muốn chèo kéo ban phát. Nên một lần gọi
Hương:
-
Này, có muốn nghe kịch không?
Và
trước mặt một khán giả thôi, Nguyễn Đình Thi cũng đọc kịch bản bằng cái giọng
rất thánh thót, rất hùng dũng. Đến một lúc nào đó, không kìm được, Hương phá
lên cười.
-
Hay lắm, ông anh còn có thể chim được vài em nữa.
Lập tức Thi sẵng giọng:
-
Không được can thiệp vào cuộc đời riêng của người khác. Thế là lưu manh!
Nhưng
cùng ở trại đến giápTết, Thi lại làm lành. Lại mang hoa đến cho Hương. Lúc ấy,
Hương đang ở ngoài chỉ nói thõng thượt cứ để đấy cho tôi. Hương cũng chẳng buồn
vào nhận nữa. Vậy mà Nguyễn Đình Thi cũng thôi.
18/11/87
Nguyên Ngọc kể:
- Buổi ông Linh gặp anh em, còn
nói nhiều câu cay đắng lắm. Ví dụ bảo: "Tôi cũng là người bị nạn, tôi hiểu
anh em" sau này người ta phải cắt đi.
- Nhưng mà chưa chắc làm thế đã
tốt đâu. Cởi trói cho văn nghệ lúc này, mà những điều kiện khác (kinh tế, xã
hội) chưa được, thì cũng không được việc gì. Bọn xấu bị đánh động nó cụm lại
phản công cho mà xem.Ông Tố Hữu đã mỉa mai Trần Độ, à, các anh bây giờ được cởi
trói rồi phải không.
- Nguyễn Đình Thi nói gì ở hội
nghị? ông Thi bảo: Tôi tha thiết đề nghị các anh đừng phát động quần chúng -
Phát động quần chúng thì những người không có tài năng sẽ nổi lên, diệt hết
người có tài.
… Cái ông Thi này căn bản rất ích
kỷ. Ông ta có yêu ai bao giờ đâu. Một tay bẻ hết mấy cành phù dung. Ông ta diệt
tạp chí chuyên về văn học nước ngoài
rồi, lại còn sẵn sàng diệt trường Nguyễn Du nữa ấy chứ. Bây giờ chung quanh
toàn những Kim Lân, Thợ Rèn thì còn được việc gì.
Về Ng ĐT trong buổi găp Nguyễn Văn Linh, Ng Quân kể
- Đất nước gì mà
tri thức gặp vua còn kêu đói, kêu không có áo có tất, thì ra cái thá gì nữa.
Ông Nguyễn Đình Thi dẫn đủ thứ Hy La ra, bảo rằng người ta có thể tin vào cái
sai, nhưng nếu tin thì vẫn có thể thành công trong văn nghệ - Solokhov tin vào
Stalin, vẫn có Sông đông êm đềm. Thế thì còn nói sao được nữa! Khả năng
tiếp cận chân lý của anh ở đâu.
Còn đây là lời kể Hồ Ngọc
Cũng có một chuyện vui nữa. Dương
Thu Hương lên phát biểu, nói khá rõ về vai trò người trí thức.
Nhưng đặc biệt nhất là đoạn cuối,
Hương nó nêu có những người hôm qua vừa bị đánh thì nhăn nhó, kêu khóc, mà lúc
được dùng lại thì sung sương rên lên, nói rằng mình như hạt bụi.
Hạt bụi gì, cuốn theo chiều gió à?
Kể ra, như thế là nói Nguyễn Đình Thi sát sạt
rồi.
Ông Thi có khôn hồn thì im đi, vì thật ra,
trong hội nghị cũng chỉ một phần ba người ta biết cái câu hạt bụi ông nói ở đại
hội nhà văn lần trước. Thế cho nên, Nguyễn Khải ngồi cạnh Nguyễn Đình Thi đã
phải giật giật Nguyễn Đình Thi mấy lần, ngăn ông ta lại.
Nhưng Nguyễn Đình Thi cứ lên. Nói là
cấp trên đừng phát động quần chúng, rồi nói là chúng ta cũng có thành tựu của
chúng ta chứ, những Con trâu, Vùng mỏ hồi nào.
Rõ là ấm đầu.
Đến đoạn cuối, Nguyễn Đình Thi
lại quay về chuyện Dương Thu Hương vừa nêu. Tôi có nói trí thức là hạt bụi. Đấy
là tôi muốn chống lại tôn giáo. Tôn giáo bảo con người chỉ là hạt bụi. Nhưng
chúng ta là hạt bụi có tư tưởng.
Anh em cười ồ cả lên, đến con người cũng chả có tư tưởng, nữa là
hạt bụi.
Sau chuyện đó, uy tín của ông Thi
càng giảm sút.
12/1987
Chuyện vợ con Thi ở Hà Nội.Vũ Tú Nam kể cảnh
ông Thi ra toà. Bà Trường nhờ người cáng mình đến toà (hay đi xe cấp cứu?) để
chứng tỏ mình già yếu. Bà còn có một lũ cháu đứng ngoài. Giữa lúc toà đang họp,
đám này làm reo ầm ĩ. “Đả đảo Trần Phương “. (Trần Phương là nhân vật Sở Khanh,
quyến rũ Súy Vân trong vở chèo cùng tên). Bên này ông Thi chỉ
có một mình.Vũ Tú Nam giải thích ông Thi có bạn bè bao giờ với ai đâu.
Nói
chuyện với Quân và Chính
Nguyễn Quân
:
--Hôm
họp ở Nhà hát lớn (gặp ô Linh), nhìn ông Nguyễn Đình Thi phát biểu, Tạ Văn
Thành nhận xét ông này rõ ra một con trống lý tưởng!
Quân
cũng bảo đúng rồi, từ xương trở ra, thì ông ấy hơn tôi. Nhưng từ xương
trở vào thì chắc chắn thua tôi.
Quân
nói tiếp, thằng Chính cũng nhận xét thế. Ông Thi chỉ được cái mẽ ngoài.
Quân:
Tại sao ông ấy không ở nhà cho xong.
Chính:
Bố ấy cứ phải loăng quăng thế, rồi quếnh quáng thì mới viết được, chứ ngồi một
mình là chịu.
Những
buổi ngồi rỗi ở ký túc xá trường viết văn
Gorki, Ng Đình Chính và tôi cũng nói nhiều về ông Thi.
Chính:
--
Các ông loại như Nguyễn Đình Thi trở lên, có chỗ đáng nể của họ. Nghĩa là trị
được họ cũng khó.
Như
ông Tố Hữu, có người bảo không ra gì bây giờ thất bại rồi. Tôi nói, ông ấy thất
bại, vì đã lên tới cái đỉnh của mình. Nhưng người ghê đấy chứ. Từ một cậu học trò mặt trắng trong Thừa Thiên, ra bắt nạt hết cả mọi người,
hiển hách lên đến tận hàng ghế đầu, chỉ một tí nữa trở thành nguyên thủ.
Bợm đấy chứ. Lúc đầu, theo Cụ Hồ hết lòng. Rồi theo Trường Chinh. Cuối đời cụ
Hồ, bỏ theo Lê Duẩn ngay. Quyền sinh quyền sát trong tay, khi chửi mắng, khi
vỗ về người khác, cũng ghê đấy.
Hoặc như ông Thi nhà tôi, ông ấy cũng có khả năng chinh phục mọi người.
Nhàn
: Xuân Diệu cả đời sợ ông Thi.
Chính:
Đúng đấy, loại người như Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên sợ hết vía.
Nhàn:
Hồi ông Thi bị lôi thôi về Đảng đoàn, tưởng mất chức, ông ấy lại đi làm rất
đều. Ông Khải kể với tôi vậy.
Chính:
Đây này, mới đây thôi này, ông ấy cho ông Hà Xuân Trường mấy câu không ra làm
sao cả (Các anh bảo ông Trường thôi đi,
tôi không nghe được lý luận trẻ con ấy). Ông ấy căng với ông Tố Hữu, nhưng công
việc vẫn đâu vào đấy. Tôi nghe có hôm có cuộc họp gì này ở Ban chấp hành, ông
ấy đang ốm, cũng mò về. Nhờ thế mà hội
nghị BCH đổi hẳn được thế trận đấy chứ các cậu tưởng đùa với ông ấy à.
Chính nói tiếp, Ng Đ Thi đúng là một thứ Lê
Đức Thọ con, dù rằng có lúc ông Thọ rất ghét Thi (lần trước đã định không bố
trí vào Đảng đoàn cơ quan mà).
--
Cũng như Mao Trạch Đông vậy. Bậc thầy của nghệ thuật tổ chức.
--
A lại còn chuyện tình yêu nữa chứ.
--
Đúng. Bà TTrung sống cả đời vì mấy câu
hươu vượn của ông ấy. Bà ThHương bây giờ thấy ông ấy còn sững sờ mặc dù có khi đánh
ông ấy hẳn hoi trên báo….. Nghe ai đó nhỉ, ai đó bảo với tôi, là có lần trong
buổi họp ngồi ở phía sau nhìn lên, thấy một người chữ giống chữ Nguyễn Đình
Thi, là bà ấy đủ run cả người, đánh rơi cả bút trong tay cơ mà.
-- Đấy, mọi chuyện thế đấy. Lớp già họ có
ghét nhau nhưng vẫn dựa vào nhau. Tố Hữu trị Nguyễn Đình Thi, nhưng vẫn giữ.
Thi là số một (các quan chức văn
nghệ nối tiếp thay nhau, thoát sao Tố Hữu được). Loại Chế Lan Viên, Bảo Định
Giang đừng có hòng, Nguyễn Đình Thi từng nói vào mặt Bảo Định Giang: “Tôi để anh ở đây, anh được ở, tôi muốn anh
đi, anh phải đi.”
Gần
đây, Hoàng Tùng mất chức, nhưng giữa Thi và Tùng vẫn nể nhau lắm. Hoàng Tùng
sau khi đọc bài điếu văn ông Thi viết về ông Tuân bảo: "Tôi từng viết điếu
văn khi cụ Hồ chết, điếu văn khi Lê Duẩn chết, nhưng phải chịu điếu văn này là
hay".
Đừng
tưởng ông Tố Hữu bây giờ mất chức mà hết quyền đâu. Nghe tin Tố Hữu mất chức,
tất cả quan chức văn nghệ đều đến chào để thú nhận: “Em vẫn là người của
anh". Đào Duy Tùng kể có việc gì về văn nghệ, tôi vẫn phải đến xin ý kiến
anh Tố Hữu. Không phải là hỏi, mà là xin, cậu nhớ đấy.
Lớp
văn nghệ sĩ bắt đầu lập nghiệp từ 1945 gợi cho chúng tôi cảm tưởng một thứ cây
trên đất cằn. Khó khăn lắm mới mọc lên nổi. Nhưng mọc lên, rồi lại đứng mãi,
làm hỏng cả đất.
25-12-1987.
Cảm
tưởng đọc tạp chí Tác phẩm văn học
-
Đúng là phong cách ông Thi. Tài làm báo của trước cách mạng, của những năm hoà
bình. Lối mi, lối trình bày cũng vậy, chặt chẽ, tiết kiệm. Tên người ở
Hội đồng biên tập đâu vào đấy. Loại người như Đào Vũ làm báo cổ lỗ, cẩu thả, mà
lại ra chất con buôn, không thể đọc.
-
Những người làm nên cách mạng - bao
giờ ông Thi cũng nghĩ về mình như vậy. Và có lẽ là ông tự hào có một lớp bạn bè
tài giỏi. Có bao nhiêu vốn cũ về cách mạng, mang vào tờ tạp chí hết. Nhưng thử
nghĩ thì biết. Cách mạng mãi, cũng chỉ
có các ông ấy, thì cách mạng nỗi gì.
Ông
Thi còn muốn coi mình là tiền chiến kia đấy, Vũ Tú Nam vẫn bảo thế.
-
Có bọn trẻ, nhưng chỉ dùng để trang điểm. Mỗi số một tí.
Nói
chung, mỗi lần nhắc tới những ông Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông này, tình
cảm của một người như tôi rất sâu nặng,
dễ cảm tình với họ, ẩn mãi trong tâm trí lòng biết ơn những đóng góp của
họ với đời mình.
Chỉ
cần họ tỏ ra tinh vi, tế nhị, một chút thôi, là bọn tôi lập tức muốn nhượng bộ,
muốn được trở về làm đàn em của họ. Cái thế mạnh của họ là ở chỗ ấy.
Nhớ
vài chuyện “trái cựa” về các ông.
Nhớ
Hoàng Trung Thông. Khi tôi mới sang nhà xuất bản Tác phẩm mới, nhiều lần
định đến, và quả thực là đã đến gặp ông ta, với tấm lòng thành kính. Tưởng ông
là một người rộng rãi, có thể dùng mình chăng. Nhưng không, ông đối với tôi
hoàn toàn đùa cợt, chả nói câu gì đứng đắn.
Một
trong những lần gặp ông ở Viện Văn:
--Các
anh phải nuôi bọn tôi mới chứ, không chúng tôi phải đạp xích lô, bán phở kiếm
sống.
--Cứ
tập làm các việc ấy cho quen đi.
Một
chút liên hệ. Có lần gặp Hoàng Ngọc Hiến ở Moskva, tôi bảo Mai Liên nó có cái
tài, là nó biết tiếng Hán cổ. Hiến nói
ngay nhưng do biết tiếng Hán cổ, nó có chỗ khó chơi của nó.
Tôi
cho cách nhìn đó, có thể áp dụng cho Hoàng Trung Thông. Hoàng Trung Thông có
chỗ khó chơi của ông ta, dù đời ông ta cũng chả may mắn gì.
Nghĩ về mấy cốt cán . Họ cũng có sự sắc sảo nào đó. Nhưng chẳng ai sống
chết với việc gì. Ví dụ, có ai làm báo giỏi không? Có ông Thi, nhưng với ông
Thi cũng chỉ coi làm báo là một đầu việc, lúc cần sẽ bỏ để lo chạy những đâu đó, với những chức
tước vớ bẫm hơn hoặc nhàn hơn. Lúc làm báo, chả yêu mến ai, thiết tha với sự cộng tác của ai
cả. Thế thì vứt đi rồi .
Nguyễn Đình Thi thường có lối khi nào hết cái đăng, lại lấy cái cũ ra
đăng lại.
Loại
như Chế Lan Viên cũng vậy. Có thể có một hai bài sắc sảo, nhưng không phải là
người biết bao quát, lo cho công việc cả tờ báo. Nhìn chung, họ vẫn là cán
bộ của ông Tố Hữu. Cán bộ trung kiên làm việc gì cũng được (tức là gì cũng chỉ
đến mức nào đó, rồi hỏng). Họ không phải loại người mà tôi thấy ở các giai đoạn
lịch sử ổn định.
Nguyễn
Đình Chính nói về đời sáng tác Ng Đ Thi:
--
May mà ông Thi ông ấy có mấy vở kịch lại sắp in ra, chứ nếu không chả có gì.
Duật
thì nói về cách cư xử:
--
Có lần ông Thi ông ấy được cái giải
thưởng bên Liên Xô ông ấy lại tặng cho trại trẻ mồ côi ở Moskva. Mình -- tức là
Duật -- mới bảo Chính bố mày buồn cười thật, sao không tặng cho các trại trẻ Việt
Nam ?
Chính
nói thẳng:
-
Ông ấy phải làm thế để giữ ghế .
Marian
Tkachev đến lớp nhà văn Việt Nam ở trường Gorki, phát biểu cảm tưởng của mình
về văn nghệ Việt Nam. Tôi rất phục nhà văn lớn Nguyễn Tuân… Ông ấy là người mà
không ai học theo được... Chính mới cho một câu, chúng tôi làm sao mà bắt chước
cách chống ba - toong của cụ ấy được.
Marian
cũng dở lắm. Đến trường anh em nó rủ lên uống rượu, lại thẳng thắn từ chối.Tôi
đã đến cái tuổi bớt được người bạn nào, hay người ấy. Nếu có nghĩ như
thế chăng nữa, cũng không nên nói ra
miệng.
Chính
tổng kết về cách quan hệ với các Hội nhà văn nước ngoài:
--
Bọn ông Chu, ông Duật cứ trách Marian nhạt nhẽo với mình. Nhưng nên nhớ là nó
chơi với ông Nguyễn Đình Thi, ông Tô Hoài đã thành băng thành nhóm lâu rồi, quyền
lợi nó dựa vào nhau. Anh bây giờ phải chơi với con Ira kia kìa, rồi móc nối dần
lên là vừa.