Vài kỷ niệm về ảnh hưởng của ngôn ngữ Pháp, văn hoá Pháp với những người cầm bút ở Hà Nội từ sau 1945.
I
Nhân nói chuyện gì đó có
liên quan đến với đời sống văn nghệ ở Việt Bắc mấy năm 1946-1954, có
lần tôi đã buột miệng nêu ra một nhận xét với nhà thơ Huy Cận:
Tác giả Lửa thiêng
nhìn tôi tỏ ý ngạc nhiên. Thế hệ các ông là thế hệ đã được đào tạo từ
nhà trường Pháp và sau đó bằng những cách khác nhau, chuẩn bị cho cuộc
Cách mạng Tháng Tám; rồi khi thực dân Pháp muốn cướp lại thành quả của
cuộc cách mạng ấy thì lại sẵn sàng lên đường kháng chiến. Nghĩa là với
các ông, quá trình trưởng thành, theo một nghĩa nào đó, cũng là quá
trình từ bỏ cái ảnh hưởng đã hấp thụ được trên ghế nhà trường.
Sau chuyến thăm nước
Pháp, năm 1946, Xuân Diệu đã nhận xét một cách liều lĩnh "văn hoá Pháp
đã hết cái thời của nó" và cho rằng "văn hoá Việt Nam sẽ không đi theo
nấm mồ văn hoá Pháp" (tạp chí Tiên Phong, cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc, số ra 19-8-1946).
Bài viết của Xuân Diệu
không phải là xác đáng trên phương diện phán đoán, song vẫn dễ hiểu ở sự
bồng bột tình cảm. Vậy thì cái nhận xét đột ngột của tôi, đối với Huy
Cận, chắc giống như một điều trái khoáy, không dễ chấp nhận. Rồi chúng
tôi cùng lảng ngay sang những chuyện khác, song về phần mình, tôi thấy
không có gì phải hối hận vì sự buột miệng ấy, nó có lý do riêng của nó.
Từ những cuộc phiêu lưu giữa báo chí kháng chiến, không ít chi tiết mách bảo với tôi điều đó.
Nhìn vào tờ tạp chí của giới cầm bút ra đời từ 1948, tờ Văn Nghệ, sao thấy cái cách hình thành của nó quá gần gũi với những tờ báo hay nhất đã in ra hồi tiền chiến, từ Phong Hoá, Ngày Nay đến Tao Đàn, Thanh Nghị...
Nghĩa là những kinh nghiệm làm báo viết sách của các văn nghệ sĩ lớp
trước được mang ra tận dụng. Mục đích khác đi, song cách làm thì vẫn
vậy, nếu có thay đổi thì cũng chỉ là gia giảm ít chút cho hợp với hoàn
cảnh. Lại nữa, trên tờ Văn Nghệ ấy, ngay từ những số đầu tiên, tôi được đọc những bài điểm sách, trong đó có cả những cuốn sách mới in bên Pháp (cuốn Làng tôi giờ Đức chiếm
của Jean -Louis Bory). Cũng phải nói thêm là hồi bấy giờ, tiếng Pháp
cũng rất tiện cho những người muốn tìm hiểu đời sống văn nghệ Xô viết
hoặc Bungari, Tiệp Khắc... Hồi còn làm ở Văn Nghệ quân đội, nhà thơ Vũ
Cao có lần kể với tôi: đơn vị báo Vệ Quốc Quân, mà ông là một thành viên, có kiếm được từ Hà Nội mang lên mấy bộ Cơn bão táp của Ehrenburg, Đội cận vệ trẻ
của Fadeev. Nghe tin, Nguyễn Huy Tưởng rồi Nguyễn Đình Thi nói tiếp
nhau tìm đến ngồi lì ở cơ quan Vũ Cao để đọc, đọc bằng xong mới về. Vũ
Cao mỗi khi kể lại câu chuyện này hay nói đùa , mình vừa phải cung cấp
sách cho các bố ấy đọc, vừa phải nuôi báo cô, thế mà trong bụng cứ thấy
sung sướng, như là làm được việc gì tử tế lắm!
II
Như các nhà nghiên cứu
đã xác định, ngôn ngữ có tính độc lập tương đối của nó, so với mục đích.
Đến như văn hoá mới thật kỳ lạ: trong khi không hoàn toàn vô can như
ngôn ngữ, nó vẫn là một cái gì nằm ở những tầng rất sâu trong ý thức con
người, trở thành mẫu số chung cho những người rất khác nhau. Lịch sử đã
từng biết đến không ít những cuộc chiến tranh mà người ở hai bên chiến
tuyến thuộc về cùng một nền văn hoá.
Rất nhiều thành viên
tích cực của cuộc kháng chiến chống Pháp mà ở trên tôi vừa nhắc là những
người đã ngồi trên ghế nhà trường thực dân, hơn nữa, còn là những học
sinh xuất sắc. Nhà báo Pháp Léo Figuères, qua thăm vùng tự do của nước
Việt Nam năm 1950, từng rất thú vị khi được biết nhiều cán bộ tiểu đoàn,
trung đoàn của Quân đội nhân dân Việt Nam lúc ấy rất thành thạo tiếng
Pháp. Còn nói chi là tới các cán bộ văn nghệ! Với việc ký kết hiệp nghị
Genève, vai trò lịch sử của người Pháp ở Đông Dương đã chấm dứt. Song
nếu tìm hiểu đời sống văn hoá văn nghệ ở Hà Nội sau 1954, sẽ thấy ngôn
ngữ Pháp, văn hoá Pháp vẫn là một nhân tố đóng góp vào việc xây dựng nền
văn hoá mới ở nước Việt Nam còn trẻ.
III
Những năm chống Mỹ, sách báo mới in ở Pháp chuyển sang thật ít ỏi, cơ quan tôi làm việc là tờ Văn Nghệ Quân Đội, nhờ quen biết lắm mới đặt mua được hai tờ báo là Văn học Pháp (Les Lettres Francaises) và Nhân Đạo Chủ Nhật
(L' Humanité Dimanche). Nhưng đó lại chính là những tờ báo được các nhà
văn trong cơ quan vồ vập nhất, cánh học sinh trung học cũ, những Vũ
Cao, Từ Bích Hoàng, Nhị Ca... chuyền tay nhau để đọc.
Không chỉ riêng các
nhà văn ở 4 Lý Nam Đế mà nhiều nhà văn ở 65 Nguyễn Du những năm ấy cũng
tìm hiểu thời sự văn học thế giới qua các báo Pháp. Riêng nhà văn
Nguyễn Khải hay lại phòng làm việc của tôi trò chuyện thì tự nhận là còn
có may mắn hơn một chút. Năm ấy, ông mới được bổ sung vào ban thường vụ (giống
như ban thư ký) của Hội Nhà văn. Mà một trong những quyền lợi của các
thành viên ban thường vụ là được phép đọc một số sách loại hiếm bên Pháp
người ta gửi cho, và phải qua nhiều cấp bảo trợ, Hội Nhà văn mới được
nhận. Tôi nhớ vào thời điểm đó, những quyển sách loại livre de poche
của Pháp thỉnh thoảng Nguyễn Khải mang về, gợi lên trong tôi những cảm
giác thật lạ lùng. Trong khi những sách báo viết bằng tiếng Việt in ra
bấy giờ giấy đen, chữ đã quá mòn, lại đóng bằng tay nên dễ xộc xệch, thì
những cuốn sách kia mới gọn nhẹ thanh thoát làm sao mà vẫn chắc chắn
làm sao! Do chỗ đạt tới sự hoàn hảo, nó cũng đồng nghĩa với văn hoá -
cái đó ở trong hình thức mà cũng ở trong nội dung của mỗi cuốn sách.
IV
Nói cho công bằng, phải
nhận là trong việc hình thành nền văn hoá riêng của nước Việt Nam từ sau
1945, những ảnh hưởng không phải chỉ đến từ văn hoá Pháp mà còn có vai
trò văn hoá Trung Hoa, văn hoá Nga, và ở Sài Gòn trước 1975 là văn hoá
Mỹ. Ngoài ra, do sự bùng nổ của quá trình giao lưu văn hoá trong thời
hiện đại, tưởng như mấy chục năm qua, không nền văn hoá nào trên thế
giới này là còn xa lạ với chúng ta.
Có điều, những ai có làm
công việc dính dáng đến giấy bút chữ nghĩa đều biết trong sự tiếp xúc
đa dạng này, để vượt qua ngỡ ngàng ban đầu, thường phải có những trung
gian. Mà với người Hà Nội trước 1975, trung gian tiện nhất là văn hoá và
ngôn ngữ Trung Hoa, cùng là văn hoá và ngôn ngữ Pháp. Những năm ấy,
chẳng những Lê Phát dịch Phía tây không có gì lạ của Remarque, Trần Dần dịch Những người chân đất của Z. Stancu, Huy Phương dịch Ông già và biển cả của Hêmingway ra tiếng Việt thông qua các bản tiếng Pháp, mà cả các thiên truyện của N.Gogol, cả Anna Karénina của L.Tolstoi cũng dịch qua tiếng Pháp nốt. Tiếng Nga mới qua, chưa ăn rễ được sâu vào tiếng Việt. Người biết tiếng Pháp thật chín trong cái tiếng mình sử dụng, chín hơn hẳn so với người dùng tiếng Nga chín tiếng
Nga. Các nhà văn rành về sách dịch bảo với tôi rằng bản dịch mấy truyện
Gogol dịch từ tiếng Nga như một thứ mặt trái của tấm thảm, trong khi
một vài truyện được dịch qua tiếng Pháp nhuần nhị hơn và chính xác hơn
nhiều. Thành thử thứ lý luận của mấy dịch giả còn trẻ lúc ấy cho rằng
nhất thiết phải dịch từ tiếng Nga nguyên bản mới có giá trị, thớ lý
luận ấy bị những người thạo nghề coi là quá ấu trĩ.
Một sự thực khác: vào
cái thuở ở Moskva người Nga biết tiếng Việt còn ít, những Nguyễn Tuân,
Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc... mỗi lần tới Liên Xô hội họp
thường vẫn có các bà phiên dịch thông thạo tiếng Pháp giúp đỡ.
Sau hết, có điều này
tuy không tiện nói ra nhưng trong thâm tâm ai cũng biết và tự nguyện
chấp nhận, ấy là trên nhiều phương diện, văn hoá Pháp vẫn được coi là
chuẩn mực. Mặc dù chỉ biết tiếng Pháp đủ để đọc mấy cái tên riêng, tôi
hay lần giở đống Bách khoa toàn thư Pháp để xem những nhà văn
Liên Xô nào được Pháp xem trọng, và quả thật tôi đã thấy yêu hơn, gần
gũi hơn với những K.Paoustovski, Ts.Aitmatov, Ju.Trifonov... khi biết
rằng tác phẩm của họ được những nhà xuất bản cỡ lớn ở Pháp như nhà Gallimard cho in.Do mò mẫm giữa đống sách Liên xô ở Thư viện quốc gia Hà Nôi, tôi đã biết tới M.M. Bakhtin từ khoảng 1970 qua sách báo tiếng Nga. Nhưng niềm tin ở Bakhtin chỉ thật trọn vẹn khi thấy giới trí thức Pháp đưa ông lên cỡ các tác giả lớn nhất của thế kỷ XX.(Bộ mặt giới nghiên cứu văn học Pháp đã thay đổi sau khi đọc M. Bakhtin. Một lần Nguyễn Khải đọc ở đâu đó về kể với tôi, dân Pháp đang trầm trồ ca tụng người Nga dạy người Pháp đọc F. Rabelais như thế nào. "Bakhtin đã giúp cho cánh trí thức Pháp vượt qua Marx"-- đó là một trong những công thức đúng với cả VN.)
V
Có những kỷ niệm không
phải sự thành công, sự mỹ mãn tới đích, mà là cái gì dang dở không
thành, nhưng chính vì vậy, người ta lại thấy nhớ mãi.
Câu chuyện người bạn đã quá cố của tôi là Xuân Quỳnh học tiếng Pháp thuộc loại những kỷ niệm như thế.
Sinh năm 1942, Quỳnh
cũng như một số bạn bè thuộc về lớp người viết văn ở Hà Nội không được
chuẩn bị một ngoại ngữ nào hết. Mà không biết ngoại ngữ, theo tôi, là
thiếu cơ hội để hướng tới những chân trời cao rộng mà suy nghĩ - chúng
tôi sớm cảm thấy như thế và càng nhìn vào các bậc đàn anh thạo tiếng
Pháp càng buồn. Cũng may Xuân Quỳnh có một người bạn vong niên là nhà
văn Vũ Thị Thường. Những năm từ 1975 về trước, nhà thơ Chế Lan Viên -
chồng chị Thường - giúp vợ học tiếng Pháp theo một cách đặc biệt là học
thẳng vào thơ, cứ một bên nguyên bản, bên bản dịch xuôi, đặt cạnh nhau
mà đối chiếu. Thế là Quỳnh cũng mượn về chép rồi học cho thuộc.
Có một dạo đi đâu thì trong cái làn của Xuân Quỳnh cũng mang theo cuốn sổ có mấy bản dịch đó.
Trước sau 1986, nhà văn
Vũ Tú Nam sau khi đi Pháp về có tặng cho Xuân Quỳnh một cuốn từ điển
loại bỏ túi, Quỳnh lấy làm sung sướng lắm.
Sự học tiếng Pháp của
Quỳnh đứt nối, dang dở, thu hoạch chả bao nhiêu - theo tôi nhớ đâu chỉ
có một lần, với sự hỗ trợ của anh Ngô Vĩnh Viễn, Xuân Quỳnh có dịch được
một bài thơ từ tiếng Pháp để đăng báo Văn Nghệ.
Câu chuyện Xuân Quỳnh
học tiếng Pháp dừng lại ở đấy, song mỗi lần nhớ tới quá trình tự học của
lớp người cầm bút cùng tuổi với mình, tôi lại nhớ tới nó - có thể là
chúng tôi vô duyên, là thiếu một chút may mắn, song chúng tôi từng đã
khao khát khôn nguôi, chúng tôi cũng muốn hiểu biết, giỏi giang, cũng
muốn hướng về ánh sáng - ánh sáng đây trước tiên là văn hoá dân tộc,
nhưng cũng là những nền văn hoá khác mà chúng ta có dịp tiếp xúc, trong
đó có văn hoá Pháp (và đã có một thời thì trước tiên phải nói là văn hóa Pháp).
2003