VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Hà Nội cuối 1973- kỳ I

Nhật ký chiến tranh – phần tiếp sau bài
Vẻ đẹp tàn tạ -- Hà Nội tháng 6/1973

6/9
Từ Quảng Trị trở về Hà Nội. Cảm thấy như một con tàu đang đi, bị chững lại. Đấy, cái nơi mà ta ao ước trở về -- tức Hà Nội -- chỉ có như thế. Tôi vừa thấy đây là nơi chứa tất cả quá khứ tương lai cau, và tinh thần vì việc chung, cũng đã rất khó.

Dạo này, tôi sinh ra cầu an. Tôi sợ phải nghe những chuyện trái tai. Nhiều người nhắc tôi chuyện nọ chuyện kia, tôi cứ gạt đi. Nghĩ bụng, tất cả  là do chiến tranh. Sau này, người ta sẽ bảo đó là cuộc chiến tranh cuối cùng, cũng là cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử dân tộc. Nó kéo chúng ta lùi lại đến phần tư thế kỷ.

Xuân Sách: Sau mười mấy năm chiến đấu, điều rút lại là có hai nước Việt Nam - Đó là điều cả chúng ta lẫn nhiều nước khác trên thế giới cùng khẳng định.

Có nước nào như ở Việt Nam, lý tưởng là đồng nghĩa với ảo tưởng, mơ ước hão và thực tế là đồng nghĩa với thực dụng, hèn kém.

11/9
 Bế tắc, ở đâu cũng thấy cái chữ ấy. Bế tắc tức là thiếu niềm tin, tức không biết hành động ra sao, tức là vô vọng. Không phải cứ chịu ngồi là tích lũy vốn sống được đâu. Tích lũy làm sao, khi không tính được cái gì là giá trị, cái gì không. Biết rằng từ nay trở đi chỉ có thể là còn xấu hơn, không thể khá được, nhưng vẫn hồi hộp  không biết rồi mọi thứ sẽ xấu đến mức nào nữa.
Trở lại  bình thường ư? Mất vài năm. Có khi hơn, hàng chục năm nữa.
 Thì cứ lấy thân phận mình ra là đủ hiểu.  Khốn khổ thân tôi, lúc thời thế đang lên, mọi người đang vui -- những năm 58 - 64 --, tôi sống trong nỗi bơ vơ không biết đặt hy vọng vào đâu. Bây giờ tôi vừa nhập được vào đời, thì đời sống lại đã xoay sang hướng tàn tạ. Tôi ngoi lên không  kịp.

Nguyễn Khải:
-- Viết về cái gì bây giờ? Chỉ có cách trở lại những giá trị cơ bản. Đánh thức trong mỗi người bình thường cái tình cảm lương tri trong cuộc sống. Ví như lâu nay tuyên truyền ta cứ nói dân ta không biết sợ gì hết. Có phải thế không? Chúng ta không sợ B52, không sợ súng đạn, nhưng chúng ta sợ nhau. Người nọ ghen ghét thù hằn người kia, cấp dưới sợ cấp trên mà thực ra sợ quyền lực, sợ những giá trị kinh tế.
-- Dạo này chỉ trông ảnh thôi, thấy mấy ông to, ông nào ông ấy cũng có vẻ cha già dân tộc. Hết cả sáng suốt với nhạy bén thì làm sao hy vọng.
-- Năm 1957 đi Festival về qua Trung quốc,  thấy cán bộ thanh niên nó trẻ lắm, bí thư thành đoàn 23 - 24, tiếp khách nước ngoài lại còn nói đùa nói bỡn. Không biết bao giờ người mình có được những bộ mặt sinh động như vậy.

Cái khó nhất bây giờ là công tác tổ chức - ông Vũ Cao nói.
Những gì là động lực của vận động lịch sử hôm qua, đến hôm nay thành ra lực cản. Sẽ là không đủ nếu chỉ nói đến vai trò của tuyên truyền chính trị. Chính hệ thống tổ chức đang đè nặng lên chúng ta, kìm hãm chúng ta! Không thay đổi những cái ấy đi, thỉ mọi lời kêu gọi  chắc chỉ là chuyện vớ vẩn.

 14/9
Vẫn bị ám ảnh vì chuyến đi Quảng Trị. Lần đầu tiên xa Hà Nội những 2 tháng, mà lại trong hoàn cảnh thời bình -- tôi cảm thấy đã xa lâu lắm.
 Về đây mới có những buổi tối, tôi đi dưới những bóng cây. Cảm giác có một không gian trong lành quanh mình.
Sau cơn mưa, mọi thứ hằn rõ lên, nguyên vẹn trong cung cách của mình, và màn đêm giống như một đại dương lớn lao, vô tận mà mình đang ở dưới đáy. Sống trong cái đêm bao la này, người ta có thể yên tâm, đi lại, nghỉ ngơi, suy nghĩ.

 Đặt bên cạnh những ban đêm u tối của các vùng Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… thì đêm Hà Nội đâm ra có cái vẻ rộn rã mà xưa nay tôi không nhận ra. Ngồi ở trong cái phòng con, nhiều buổi tôi lặng đi vì cuộc sống ở ngoài kia. Một đám 13-14 nối nhau trên đường, cùng reo vui vì một chuyện gì đó. Tiếng hai người bạn trẻ chuyện trò, có khi lại có cả tiếng một anh chàng nào nhiều khuya rất muộn còn huýt sáo.
Sau cơn mưa, trời đất trong hơn, mọi thứ tiếng động nghe vang hơn và ấm hơn, như ban ngày tôi nhìn thấy thì cả những lùm cây cũng xanh hơn. Những ngày mưa qua đi, lá sấu óng ả hơn, nắng chiều làm cho màu xanh của lá ấm lên trong cái sắc vàng bền bỉ và vững chãi.
Kể ra, so với thời chiến, tức cuối 1972 về trước, bây giờ tôi đã có một Hà Nội khác, Hà Nội bình thường trở lại. Nhưng cũng lập tức, phải hiểu là chiến tranh theo sát Hà Nội nó không buông tha Hà Nội cho đến lúc này. Sự thanh lịch, hào hoa, tất cả đều còn cả. Nhưng lại không phải là của cái thời bình hôm qua. Chỉ còn là cái gì nửa vời, pha tạp.

Có thể nói chung gì về tâm trạng mọi người sau tám tháng hoà bình?
Tôi ngồi tôi đọc lại một ít ý nghĩ, và thấy có lẽ vẫn có thể rút ra được một ít điều tốt  đẹp nào đó, mà tôi chưa thấu. Đó trước tiên là một cái gì như mong mỏi -- mong mỏi hạnh phúc sẽ đến, mong mỏi đời sống ổn định.

Bài Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn của Vũ, tôi chép vào trong sổ đã lâu, thỉnh thoảng lại mang ra đọc lại, thích nhất là đoạn cuối:
Thôi nhé mai này tiễn Khánh đi
Đường xa bom phá tàu không về
Lênh đênh ai hát ngoài song cửa
Bài ca thanh bình đêm cũ
“Hoa lá quên giờ tàn
Mây trắng bay tìm đàn”
Ngày xưa yên ấm quá
Trẻ hát đồng dao trên phố
Con trai xách điếu đi cày
Con gái quang liềm gặt lúa
Bao giờ hết khổ người ơi
Lòng như vầng trăng khuyết
Chém giữa trời khôn nguôi

Thanh bình, cái chữ ấy, nghe êm đẹp quá, vì gắn với thanh bình, là đoàn tụ, là hy vọng.
Cái không thể mất được, là hy vọng.

26/9
Mợ Tâm: Nhà như nhà mợ (5 người lớn) ngày phải 3 đồng thức ăn mới đủ ăn. Lại mấy cơn bão dúi dụi.
Phương Thảo: Ngày trước, lương như Thảo là ăn thoải mái, tiêu cũng thoải mái. Bây giờ chỉ được phần ăn. Tiền chi cho công việc, những việc lương thiện, thật không có chỗ. Mật ít ruồi nhiều. 
Còn như ở nhà máy của Thảo ư? Sau mấy năm đi học, về chỉ thấy như cũ. Với lại toàn thấy những chuyện không ra sao. Bây giờ người ta làm bậy theo kiểu mặt dày mày dạn, trâng tráo mà làm, không cần dấm dúi. Tức người ta không biết sợ là gì nữa.
Mấy năm vừa trải, cái chính là mình thấy giá trị của dân có học. Chả còn lạ gì những người hò hét, có khi họ lại không bằng những người mang tiếng công chức như mình.

Tôi hay nghĩ về những cái mất, cái còn của Hà Nội. Cái gì mất đi? Nhiều lắm, mất đi cả nhiều mặt tốt. Nhưng tôi cũng tin là vẫn còn lại một cái gì đó. Và nếu như một cái gì vừa mới biến động đã mất, thì cái của mất ấy, chắc cũng là vô duyên, và cũng chẳng đáng tiếc lắm.
Cái cuộc đời này là gì vậy? Tôi nghĩ thật thú vị, những cũng thật là xa lạ. Ngồi trên phòng nghe những âm thanh đường phố, cứ nao nao cả người. Muốn đi ra với đời. Nhưng làm sao để đi chơi được, tôi còn phải làm việc. Đi chơi với tôi là quá phung phí thời gian, tôi có nhiều đâu mà rải mành mành ra như vậy.

Và điều này, quan trọng nhất -- đôi khi đi chơi, như bị lấm bùn vào mặt, lại khó chịu thêm. Hà Nội còn nhếch nhác quá.
Người ta trả lại cho tôi một Hà Nội, nhưng nó không hoàn toàn như tôi mong muốn. Cũng như người ta chỉ cho tôi một tố chất thông minh vừa phải, một ít sự nhạy cảm nghệ sĩ vừa phải, để rồi làm một nghệ sĩ thì không nổi, và trở về với đời thường không xong.
Tôi không tiêu hoá được những cuộc chơi bời đang diễn ra chung quanh. Dạ dày tôi kém.
Tôi vẫn không cảm thấy tôi nhập được vào Hà Nội -- điều ấy có lúc ở phía Hà Nội, nhưng có lúc ở phía tôi, khổ chưa!
 Thế còn những người như Thảo? Họ nghĩ sao về Hà Nội? Họ còn thuộc Hà Nội ngày xưa hơn cả tôi nữa. Tôi muốn hỏi vậy vì cảm thấy Thảo còn giữ được chút gì đó như là chất sang trọng quý phái. Có lẽ một phần vì Thảo không quan hệ rộng, Thảo không bị những xô đẩy của cuộc sống, Thảo không bị cả cuộc đời này hành hạ.
Thảo có gì trong sáng và nhuần nhị hơn so với Xuân Quỳnh -- dù  cũng tự nhiên, thoải mái, và có thể nói như là dễ dàng với mọi người. Thảo đô thị hơn.

3/10
Dạo này hay cùng Tính đến chơi Thảo. Một ngôi biệt thự cũ trong ngõ Hạ Hồi nay đã tàn tạ khi phải sống theo nhịp thời chiến.
Mỗi lần gọi cổng, chúng tôi phải từ dưới đường réo lên. Bù lại, khi lọt vào cái phòng chật hẹp nhưng ngăn nắp của nữ chủ nhân, chúng tôi cảm thấy như chiến tranh đã ở phía ngoài.
Một lần, chúng tôi chứng kiến cảnh  một cháu nhỏ của Thảo ba bốn  tuổi gì đó ngồi chơi giữa phòng cô. Chơi truyền nước. Cháu cứ rót nước từ ấm ra bốn cái chén nhỏ, rồi lại rót ngược vào. Một niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt cháu khi nhận ra rằng mình không đánh rớt ra ngoài chút nước nào.

 Hôm nay chúng tôi ngồi bàn về đợt B52 mười tháng trước. Thảo kể:
-- Nhớ mãi năm ngoái có chục hoa cúc lạ. Mua đúng hôm Hà Nội bị B52. Đẹp chưa từng có. Mười ngày sau về, lá héo, mà từng vồng cúc vẫn chắc, khoẻ.
 Ngày nào mua hoa, là ngày vất vả nhất. Chạy khắp nơi, lên đầu Hàng Lược, ra chợ Đồng Xuân, rồi mới ra các cửa hàng mậu dịch. Bao nhiêu cũng mua.
 Ngày đi học, bao giờ áo cũng phải là một ít nước hoa. Mẹ chiều, đi xa về, đun cho ít nước tắm, rồi giục đi chơi nhà các bạn. Cụ ông cũng chiều, cũng giục đi. Chính tính cụ ông rất giống tính Thảo. Cái tự do hôm nay, là điều sẽ không chịu đổi lấy một cái gì khác, trừ trường hợp thật tự nguyện.


Hoa sữa -- thứ hoa của đường phố. Hoa của trên cao, cho người ta đứng dưới mà cảm thấy cả một trời ướp hương. Hoa của mọi nhà, có khi phố mình không hoa những vẫn là có hoa từ những phố khác phảng phất đưa tới.


(còn tiếp)
أحدث أقدم