VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Tính cách người cai trị trong lịch sử Việt Nam : trường hợp bạo chúa Lê Long Đĩnh


Một gợi ý

Người Trung Hoa rất thông thạo về các danh nhân của họ. Sự ham mê viết về danh nhân kéo dài từ thời Tư Mã Thiên đến ngày nay.
Sách 100 danh nhân có ảnh hưởng đến lịch sử Trung quốc (bản dịch ra tiếng Việt của Nguyễn Văn Dương 2002) phân loại nhân vật lịch sử như sau.




Chương I, dành cho các nhân vật ngoại hạng, như Khổng Tử, Lão Tử, Tần Thủy Hoàng, Mao Trạch Đông.
Đặc biệt cũng được coi là ngoại hạng, có Từ Quang Khải, chỉ làm quan tới Thượng thư bộ Lễ, song lại chuyên về nghiên cứu khoa học. Ở một nước có tinh thần dân tộc rất cao, đóng góp chính của ông lại là hấp thu nền văn hóa phương Tây.
Chương II, các vị đế vương các lãnh tụ vĩ đại, trong đó xếp cả Lưu Bang, Hán Cao Tổ, Võ Tắc Thiên, sau đó là Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch.
Chương III, các nhà tư tưởng v.v…
Chương IV , các nhà văn nhà thơ.

So với các sách khác, sách này có thêm có phần phụ lục về 10 đại hôn quân bạo chúa và bề tôi gian nịnh, bao gồm vua Trụ, Tùy Dạng Đế, Từ Hy thái hậu, Tần Cối, Đổng Trác và Viên Thế Khải…
Cùng cách làm vậy, trong ngăn lịch sử đương đại ở các hiệu sách Trung quốc, người ta đã bầy những cuốn viết về mấy người tạm gọi là bạo chúa đương đại  như Khang Sinh truyện, Giang Thanh truyện…
Tôi thấy có lẽ phải đi sâu thế mới gọi là làm sử.
Bởi viết lịch sử không chỉ có nghĩa là tìm ra những tấm gương để người đời noi theo. Lịch sử còn hấp dẫn và cần thiết cho người ta qua việc miêu tả những nhân vật đã có ảnh hưởng tới sự vận động của xã hội dân tộc thời đại cả theo chiều thuận lẫn theo chiều nghịch.
Tôi ước ao có người nào đó khi viết sử sẽ đi vào cuộc đời cả những bạo chúa và bề tôi gian nịnh trong lịch sử VN. Chắc chắn các nhân vật này ở VN khác nhiều so với những người cùng loại bên Trung quốc.
Lần này tôi thử tìm hiểu một người là Lê Long Đĩnh.

Một tính cách bệnh hoạn
Sách Đại Việt Sử ký toàn thư ghi tóm tắt
NGỌA TRIỀU HOÀNG ĐẾ Tên húy là Long Đĩnh, lại có tên là Chí Trung, con thứ năm của Đại Hành ở ngôi 4 năm, thọ 24 tuổi (986-1009) băng ở tẩm điện. Vua làm việc càn dỡ giết vua cướp ngôi, thích dâm đãng tàn bạo, muốn không mất nước sao được?
Hồi  học tiểu học, đọc Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, bọn tôi đã ghi sâu vào đầu óc chi tiết ông vua này sở dĩ gọi là ngọa triều hoàng đế vì hoang dâm vô độ, phải nằm thiết triều. Lại thấy nói là ông ta tàn ác, khi ăn mía thường đặt tấm mía lên đầu nhà sư mà róc vỏ, rồi thỉnh thoảng giả vờ nhỡ tay để dao chạm vào đầu nhà sư, thấy máu chảy lênh láng thì cười vui sướng.
Đại Việt sử ký toàn thư kể chi tiết hơn:
Mậu Thân, 1008 ,Vua thân đi đánh hai châu Đô Lương , Vị Long, bắt được người Man và vài trăm con người, sai lấy gậy đánh, người Man đau qúa kêu gào, nhiều lần phạm tên húy của Đại Hành, vua thích lắm. Lại tự làm tướng đi đánh Hoan Châu và châu Thiên Liễu, bắt được người thì làm chuồng nhốt vào rồi đốt.

Một đoạn khác
Vua tính hiếu sát, phàm người bị hành hình, hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt, để cho lửa cháy gần chết, hoặc sai kép hát người Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn dao cùn xẻo từng mảnh, để cho không được chết chóng. Người ấy đau đớn kêu gào thì Thủ Tâm nói đùa rằng: "Nó không quen chịu chết". Vua cả cười.
Và đoạn sau:
Đi đánh dẹp bắt được tù thì giải đến bờ sông, khi nước triều rút, sai người làm lao dưới nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi nước triều lên, ngập nước mà chết; hoặc bắt trèo lên ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết. Vua thân đến xem lấy làm vui.
Có lần vua đi đến sông Ninh , sông ấy nhiều rắn, vua sai trói người vào mạn thuyền , đi lại giữa dòng muốn cho rắn cắn chết. Phàm bò lợn muốn làm thịt thì tự tay vua cầm dao chọc tiết trước, rồi mới đưa vào nhà bếp sau.
Hoặc nhân yến tiệc, giết mèo cho các vương ăn, ăn xong lấy đầu mèo giơ lên cho xem, các vương đều sợ, vua lấy làm thích.

Nói ông vua này có tính cách một người tàn ác còn là đơn giản.
Sự tàn ác ở đây kèm theo tất cả đặc điểm của một kẻ bệnh hoạn về tâm lý. Cố ý tổ chức ra sự đau khổ ( buộc người cho rắn cắn). Thích quan sát ngắm nghía sự đau khổ đó như thưởng thức một cảnh đẹp.
Niềm vui thú bệnh hoạn này chắc chắn có ở nhiều kẻ thống trị khác, nhưng sách sử ở ta ít chép, tôi tạm lấy ra một đoạn sử Tầu.
Trong cuốn 100 danh nhân có ảnh hưởng đến lịch sử Trung quốc nói trên,  đoạn nhắc tới Trụ Vương  kể ông ta có một hình phạt gọi là pháo lạc.
Sai đặt một trụ đồng trên lửa đỏ.
Lại sai bôi mỡ trên đó rồi cho tội nhân đi trên, người nào người nấy trước sau đều ngã xuống bể than đỏ rực, giãy giụa kêu khóc cho đến chết cháy.
Trụ Vương làm vậy vì ái phi của ông là Đát Kỷ rất thích được ngắm khung cảnh đó.
Trong tâm lý học hiện đại, có người bảo đây là một niềm vui liên quan tới chứng sadism (ác dâm, bạo dâm).

Về phần Lê Long Đĩnh, không phải là vua không hiểu hành động của mình là phản tự nhiên ( “nó không quen chịu chết”), nhưng có vẻ như ông ta xem đó là cách tự khẳng định con người của kẻ có quyền.
Quái lạ nhất và phản tự nhiên nhất là việc Long Đĩnh thích người ta chửi thẳng vào tên người đã đẻ ra mình.
Tại sao ở ông ta lại hình thành thói quen đó, hiện tôi chưa giải thích được. Chỉ tạm thời hãy ghi nhận là chắc nó có chút liên hệ với loại tính cách lưu manh trong các làng quê VN cũ, mà Nam Cao từng nhắc tới trong Chí Phèo :
Ngay ở đoạn mở đầu của truyện ngắn, tác giả đã viết về một cơn say đồng thời là một cơn chửi của anh Chí. Đối tượng của cái mạch chửi ấy được kê ra lần lượt như sau:
1/chửi trời
2/ chửi đời
3/ chửi cả làng Vũ Đại.
Sau cùng , tới điểm dừng lại
4/ chửi đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn.

Nghiên cứu về bộ máy thống trị và tầng lớp thống trị phải là một bộ phận của lịch sử
Trong bài báo Thứ bậc Việt Nam trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu: Báo động đỏ in trên Tia sáng 27/07/2012 , tôi thấy người ta đưa ra một nguyên tắc: trí tuệ của một cộng đồng trước tiên là ở cách tổ chức nhà nước và xã hội của cộng đồng đó .
Chứ không phải trí tuệ một dân tộc chỉ hàm ý trong tập hợp đó có nhiều người làm toán giỏi hoặc lý luận giỏi như nhiều người ở ta vẫn hiểu.
Các sách nghiên cứu về văn hóa Trung quốc mà tôi đọc được đều có phần mở đầu nói về văn hóa quyền lực của nước này.
Các bộ lịch sử cổ ở ta cũng chép khá kỹ về việc triều chính tức là việc quản lý xã hội mà nói theo thuật ngữ xưa nay vẫn dùng tức là việc cai trị .
Chỉ đến các bộ lịch sử sau 1945 điều này mới được chép một cách sơ sài nếu không nói là lảng tránh. Có vẻ như để nhấn mạnh rằng cái chuyện cai trị là cũ rồi, thời nay  không ai cai trị ai cả.
Sử viết trong 30 năm đất nước mải làm chiến tranh thì viết như thế là có lý. Để làm cho mọi người có ảo tưởng rằng mình là chủ của xã hội này rồi hết lòng mà chiến đấu.
Nhưng nay đã sang thời lo làm ăn kinh tế, và rộng hơn là tổ chức lại xã hội, lẽ nào lại không quay về nghiên cứu quy trình cai trị của các thời trước, từ đó rút ra quy luật soi sáng việc tìm hiểu thời nay.
Trong tình hình phát triển của khoa học xã hội hiện đại, nhân học đang đóng vai trò trung tâm.
Theo tinh thần ấy, chắc chắn các công trình nghiên cứu lịch sử cai trị xã hội ở VN, ít ra phải gồm hai bộ phận:
-- cách tổ chức bộ máy và nguyên lý vận hành của bộ máy.
-- con người hoạt động trong các bộ máy đó.
Trong bài tiếp theo đây, tôi sẽ nói có chút kỹ hơn về việc làm vua của Lê Long Đĩnh.
Lần này hãy tạm dừng lại ở phần tạm gọi là tính cách cá nhân của nhân vật này.
Trở lại chuyện nêu lên lúc đầu. Lâu nay, chẳng những không nghiên cứu về các loại hôn quân bạo chúa mà các nhà làm sử VN cũng không hề tính chuyện nghiên cứu về cá nhân con người thuộc về tầng lớp cầm quyền này nói chung.
Tại sao, lý do một phần là vì người ta cho rằng nhân dân thì bao giờ cũng tốt đẹp, còn giai cấp thống trị -- mà bao giờ cũng bị gán cho nhãn hiệu tàn bạo xấu xa -- thì không phải là người VN, họ không tiêu biểu cho cộng đồng người Việt nói chung.
Có biết đâu, trong xã hội học thời nay, bên cạnh tầng lớp trí thức, lớp người quản lý nắm giữ quyền lực điều hành xã hội luôn luôn được coi là bộ phận đặc tuyển, có tính chất tinh hoa. Cần nghiên cứu để qua họ thấy chân dung của cả cộng đồng nói chung.
Sẽ có người hỏi ừ thì nghiên cứu về việc cầm quyền là cần chứ moi móc vào những thói xấu trong tâm lý và đi vào sinh hoạt hàng ngày của người ta làm gì?
Để trả lời, xin chép lại một chi tiết nữa trong đoạn nói về Lê Long Đĩnh ở các sách sử.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi Mỗi khi ra chầu, [vua] tất sai bọn khôi hài chầu hai bên, vua có nói câu gì thì người nọ người kia nhao nhao pha trò cười, để cho loạn lời tâu việc của quan chấp chính.
Tức là nhà vua coi việc triều chính chỉ là một thứ trò đùa, quan lại dưới quyền chỉ là một lũ tay sai mạt hạng.
Cách chủ trì việc nước như thế chắc chắn chỉ có ở một kẻ hỗn loạn nhân cách như đã dẫn ở trên.
أحدث أقدم