Nhật ký chiến tranh
4/2
Trong lúc này vẫn không thể quên được các
vấn đề cơ bản như vấn đề trí thức.
Nhàn: Tôi khổ tâm lắm. Tôi không dám tin gì
cả.
Khải: Tất nhiên, mọi chuyện ngày mai có thể
là vẫn thế thôi. Nhưng tôi cũng mong rằng ông sai, tôi sai, nghĩa là mọi chuyện
lại thay đổi theo kiểu khác. Ví dụ như về các chuyện hòa bình này nhớ. Hôm qua
tôi ngồi ở nhà Nguyễn Thành Long, ngồi bàn, thấy không ngờ hòa bình lại có thể
gọn ghẽ như vậy. Thế có phải là có gì ngoài mong ước không. Lãnh đạo một cuộc
chiến tranh như thế này khó lắm chứ. Thằng Mỹ nó cũng biết không phải nó đứng
bên bờ vực thẳm, mà là mình bên bờ vực thẳm. Nó biết rằng mình đã bị lừa nhiều
rồi. Rằng mình rất cay mấy tay kia (Cụ Hồ hồi 46: Thà ngửi phân tây còn hơn dọn
cứt cho thằng Tàu, nhưng biết bao giờ hết mùi) Rằng cơ sở kinh tế của mình khốn
khó.Thế nhưng mà nó vẫn chịu mình.
- Thế nghĩa là có một cái gì đấy thuộc về
bí mật của giới lãnh đạo Bắc Việt? Tôi cũng nghe thằng Chu nói rằng ông Duẩn rất
ghê, đến nỗi Chu chỉ sợ ông ấy bị lật.
- Không, cái ông này nói thì bao giờ cũng có
những khía cạnh mới (như ông ấy nói về sử, dân tộc mình nhuộm răng đen, không
bó chân, làm cho nó khác người Trung quốc) cho nên, vấn đề không phải chỉ là
nói, vấn đề là làm cơ!
- Tôi thấy cái cách làm ăn như của mình
không được. Phải tạo điều kiện cho giới trí thức làm nhiệm vụ kích thích, nhiệm
vụ nói lên một tiếng nói thách thức....
- Không, ông ơi, chính những người như
Kíssingger lại nói nhiều đến quyền lực. Tay mưu sĩ ấy rất thích đe dọa, rất coi
thường quần chúng. Quần chúng là cái gì đâu, Quốc hội Mỹ làm được việc gì đâu.
- Dẫu sao thì vẫn phải nói đến trí thức.
Ví dụ như trong tác phẩm của anh, hay nói đến
chuyện khôn dại là đúng thôi. Điều tôi lo ngại chỉ còn là chỗ này. Làm sao để
người ta khôn lớn, chứ không phải là sự tính toán lặt vặt.
- Đúng, chỗ ấy thì đúng. Chính là tôi thấy
dân mình lại quá ít suy nghĩ, quá ít trí tuệ. Người mình hay thay đổi lắm, nông
nổi, nhẹ dạ, cả những người ghê gớm nhất cũng hay thay đổi. Còn tin vào cái gì
được nữa? Cho nên tôi cứ nghĩ được cái gì, biết cái ấy. Tôi không thể nào xây dựng
được điển hình.
- Sao có lúc, anh nói rằng ông Đồng rất tuyệt
vời. Rồi có lúc, các anh lại nói ông ấy rất vớ vẩn (có mỗi cái trò: "Các đồng
chí viết không bằng tôi!")
- Thì ông phải biết rằng chúng tôi là cái dân
văn nghệ bốc phét. Có lúc tôi vui, có lúc tôi buồn. Khi tôi khen người này hết
lời. Cũng có lúc tôi lại chê thẳng cánh. Chúng tôi là như thế. Bao nhiêu chuyện
tôi nói với ông, lẽ ra đều nên viết ra cả.
... Cái thân anh văn nghệ báo chí ở cái xứ
Đông Nam Á da vàng mũi tẹt này thì khổ lắm. Như vừa rồi Kíssingger sang Thái
Lan ở sân bay xuống, nó không thèm tiếp các nhà báo, nó mới thả một lô chó ra,
chó cứ sủa các nhà báo đi thôi.
6/2
Chiều
nghe ông Đồng nói chuyện. Một sự loanh
quanh, không biết chính sách là hoà bình hay chiến tranh. Một sự răn đe, rằng cẩn thận không có Nhân văn Giai phẩm.
Bùi Bình Thi: Đề phòng giai cấp lãnh đạo Bắc
Việt ngủ lì trên thắng lợi!
Nhàn: Có nhiều chuyện, hồi trước chịu được,
bây giờ không chịu được.
Khải: Thế thì anh chết thôi. Anh có thấy
không, hiện nay các nước nó bò sát mặt đất mà ca ngợi mình (Bà Gandi: Thử xem
người châu Âu mà đổ máu như vậy, thì người ta có chịu không?). Mà càng như thế,
tức là càng chứng tỏ đường lối của mình là đúng đắn. Anh mà nói ngược, anh lại
càng bỏ mẹ. Rồi nay mai, còn học chính trị, còn là nhồi nhét mọi chuyện vào đầu
óc.
Ông Lê Duẩn vào trong 559: Bây giờ mà đòi hỏi
địa vị, hưởng lạc là tàn ác.
Ông Tố Hữu: Hôm qua không đi miền Nam tội một
-- Hôm nay tội mười
...
Tôi biết sống sao đây? Những hiểm hoạ trong
thời bình sẽ rất khủng khiếp. Cái ác trong hoà bình sẽ biến hóa khôn lường.
Nhưng biết làm sao được, mọi chuyện là vậy.
10/2 (2 tuần sau hoà bình)
Cán
bộ trung cấp tập họp, nghe nói về vụ chống Đảng.
Khải : Xem mới thấy các ông ấy, khi phun
ra nhau, cũng khủng khiếp lắm.
- Thế họ có gì là xấu, hay họ chỉ khác về
quan điểm?
- Bán bí mật cho nước ngoài, phản bội, phản
quốc, thế là xấu quá rồi còn gì? Ở các nước khác, người ta còn mang xử công
khai nữa!
...
- Cho nên, tôi chỉ thấy tốt hơn hết là anh
nên yên tâm với công việc đã có. Không nên biết nhiều. Biết nhiều quá, lại sinh
ra thắc mắc. Yên chí làm một người lao động bình thường.
- Tôi cũng nghĩ rằng chính quyền này là
chính quyền của các anh, hết những ông Lê Duẩn, Trường Chinh, lại đến các ông Nguyễn
Lam Vũ Quang. Lớp già như thế nào, thì lại đẻ ra lớp trẻ như vậy.
- Phải, nghĩ thế là phải.
- Nhưng nhỡ ra, chính giữa các ông ấy nổ ra
mọi chuyện thì sao?
- Không, không thể có chuyện gì cả, vì trong
số đó, đã có một thiên tài rồi.
-…
- Nghĩ mọi chuyện lắm lúc cũng không biết đằng
nào mà ho he cả. Nó là cả một guồng máy. Người khá nhất trong những người vừa
qua, rồi cuối cùng cũng thành một người vô hiệu.
Đôi lúc, tôi cảm thấy như có vẻ mình nghe
được một điều gì đấy thuộc về đời sống tinh thần của đất nước nói chung. Tất cả
hôm nay sẽ là như hôm qua, như chiến
tranh, như trong mãi tận chiến trường. Nhưng vẫn là có những dấu hiệu của cái
gì đó khang khác. Ví dụ như đây là dấu hiệu của những ngày này. Người ta đang bất
mãn, đang đòi hỏi, người ta đang muốn đánh giá lại, suy xét lại mọi thứ. Cái
yêu cầu của cấp dưới thì bao giờ cũng hơi quá lên một ít. Yêu cầu của trên lại chỉ
muốn giữ một sự chỉ đạo, chỉ huy đúng như hôm qua khồng có gì thay đổi cả.
11/2
Chủ
nhật đầu tiên sau tết.
Đêm
thứ bảy hôm qua, tôi đến nhà những người công nhân đường sắt. Quyền, một người
nông dân, đi làm cách mạng, chân thành và dại dột. Nhuận và cái khu nhà mênh
mông trong Nhà hát nhân dân. Tôi chỉ có họ.
Ga Hà Nội lại đông. Những đám người tụ tập đầy
đường (Quyền: Toa tầu bẩn như lòng đường nhựa. Năm nay, bao nhiêu người khu Bốn
về thăm nhà!).
Sáng chủ nhật, tôi và Tính ngồi bàn nhau định
đến thăm một trận địa ở giữa sông. Tính giở ảnh vợ con ra xem (những đứa trẻ,
người ta ghép cho nó đến lắm khả năng và ý nghĩa!)
Mấy người bạn của Tính đến chơi. Hiệu,
trung đoàn phó, một D trưởng, 1 C trưởng. Trông ba người ra ba dáng khác nhau.
Một cán bộ chỉ huy kiểu Tsapaev nông dân, thô tục, nhưng lại sắc sảo. Một anh
chàng quê mùa, ngậm miệng như cóc. Một anh chàng học sinh duyên dáng mới ra Hà
Nội đã sắm dép nhựa. Họ rủ nhau đi xem B52 (trong kia, thấy nó thả từng dây,
bây giờ mới tận mắt nhìn thử xem nó thế nào) Họ còn nói chuyện về chiến trường,
những ngày E27 vào tận Hải Lăng.... Trên người cậu D trưởng, là một chiếc áo của
địch. Loại áo vi ny lông, nhưng may theo kiểu va rơi, và cung đã hơi cổ. Anh
khoe một hôm, mưa rất to, cái áo cũng không ướt.
Hỏi đường đi xem B52 xong, họ hỏi đường ra
Hàng Trống, may những bộ quần áo vi ny lông. Cái cảm tưởng chính: họ là những
người quá tự do. Họ làm chủ cái đất nước này.
Tôi đi cắt tóc. Từ chuyện rẽ đầu ngôi, ra
đủ mọi chuyện.
- Thôi cần gì đầu ngôi, để cho gọn là được.
- Không. Khối anh chải đầu chải óc cẩn thận,
ăn mặc đẹp, mà nói năng không ra sao cả.
- Bây giờ chính phủ còn đang bận bao nhiêu
chuyện, chưa dạy được. Hoà bình được ít ngày, mấy cái thằng trong kia lại còn
phá thối. Nhưng mà thầy nó theo mình rồi, thế là được rồi.
(Lại nhớ lời ai đó nói cuộc chiến đấu của
dân tộc làm cho người dân thường của mình cũng có những hiểu biết rất đặc biệt)
Mai 12/2, ngày trả tù binh Mỹ (140 tay Mỹ
về nước!) ở bên sân bay Gia Lâm.Từ ngày người phi công Mỹ đầu tiên bị bắt đến
hôm nay đã gần 9 năm,một quãng đời người, dài lắm!
... Ngày mai, các trường Hà Nội khai giảng.
Hôm nọ, tôi đã thấy các em ở trường Hàng
Than quét lá, thu dọn trường. Bọn con trai lấy chổi phi trên trời, như những
chiếc máy bay.
Hôm nay, tôi thấy học trò Chu Văn An đến
trường dọn dẹp, trở về, các em lại chui vào cái bể nước giữa vườn hoa ( nay là
vườn hoa Tây Hồ ) rửa ráy.
Những em bé đi đường bây giờ, sao không thấy
vẻ thư thái, như lũ chúng tôi hồi nhỏ. Các em băm bổ vội vã. Mấy em con trai ra
đường, gạ chúng tôi đèo xe hộ. Cách sống của ngày hôm qua, thời đi sơ tán.
Thư, em tôi, kể trường nó chỉ lớp 10 là
được ưu tiên bàn ghế. Lớp 9, lớp 8 thiếu. Một số lớp học sinh lại phải lấy loại
bàn ghế nhỏ chỉ thấy ở các vùng quê.
Buổi tối, lâu lắm mới mò đi xem nhờ Vô tuyến
truyền hình. Một chương trình ca ngợi đất nước. Và một người con gái, mà bây giờ
mọi người đều nghĩ là tiêu biểu cho Hà Nội. Cô hát bài Đường chúng ta đi.
Bài này, có lúc, do một chị diễn viên cũ
hát. Chị là một người không đẹp, nhưng tiếng lại đẹp. Chị hát nhiều trên đài.
Trong tiếng hát của chị, ra một người từng trải. Và một đất nước từng trải.
Đằng
này, người diễn viên non dại và qua giọng cô, người ta lại nghĩ về một đất nước
trẻ trung.
Đất nước là tất cả những cái đó, là cả những
người mẹ lẫn những em bé, cả tiếng phát thanh trên đài, tiếng xe bò kẽo kẹt triền
miên, đất nước là mặt đường lép nhép, và có lúc bụi mù, là sắc vàng hoa cúc, là
màu cờ đỏ trên những đống gạch đổ, là những cành xoan đầu xuân chỉ còn những
cành, nhưng đã chớm những chồi non -- đất nước là có cả lụi tàn và hy vọng!
Chỉ nghe đài phát thanh cũng đủ hình dung
những đổi mới đến với Hà Nội. Nhiều bài hát cũ được hát lại. Những người lớn tuổi
nhớ đến hoà bình lần trước cuối 1968. Lần trước, ai cũng nghĩ chiến tranh hết hẳn,
thì chiến tranh quay lại . Lần này, mọi người cứ nơm nớp -- biết đâu hoà bình lại
bền lâu!
Dạo này, tôi và bạn bè của tôi thường hay
nói đến tính cách người Việt Nam. Có một cái gì ở trong đó, mà chúng tôi cảm thấy
cần nhìn thẳng vào, cần giải thích.
Người
Việt Nam là hời hợt hay sâu sắc? Người Việt Nam dũng cảm, nhưng dũng cảm như thế
nào? Người Việt Nam nhẫn nhục. Người Việt Nam cần cù v.v.... Có một cái gì gọi
là ý chí?
Người nước ngoài ca ngợi Việt Nam nhiều
quá. Đất nước thật sự vinh quang. Hình như đối với một số ai đó, vinh quang chỉ
là những hư danh. Mỗi người đang sống hết sức nhọc nhằn, có thể nói là thân tàn
ma dại nữa.
Nhưng tận trong mỗi người, còn đầy hy vọng.
Khi
tôi nói trông mong ở tương lai, một người như Nguyễn Minh Châu sẽ bảo: “Tất cả mọi người, đều là những người của ngày hôm
qua, hy vọng sao được.” Nhưng khi tôi cũng chán ngán, thì chính nhà văn ấy lại
bảo: “Không, cũng không biết đâu mà ngờ.”
Một trong những sức mạnh của ngôn từ là nó
thay đổi khá tương ứng theo thái độ của người ta. Nó thông tin khá chính xác.
Ví như hôm trước, người ta gọi là giặc lái, hôm sau, người ta gọi là nhân viên
quân sự. Người ta thân thiện với kẻ mà hôm qua được mệnh danh là kẻ thù. Và tất
cả đều có lý của nó! Và điều duy nhất có thể rút ra là mỗi kiếp người quá ư bé
nhỏ, hiện thực thì lớn lao, quá ư lớn lao. Đôi lúc, tôi oán trách, sao tôi lại ở
vào cái ngành có khả năng quan hệ rộng như văn chương, để lúc nào tôi cũng bị
ám ảnh bởi cái ao ước này-- ao ước nắm bắt tất cả.
Chiến tranh có cái gì đó, đồng nhất với socialism. Sự san bằng tất cả. Nhưng mặt
đất thì không còn bằng bặn. Và bây giờ hoà bình thì từ đấy, người ta lại phải
xây dựng lên một cái gì khác. San mặt bằng rồi mới có thể làm mọi việc khác.
Chính với việc san bằng, chúng ta nhận ra thêm nhiều tội ác kẻ thù. Với việc
san bằng, lại thấy thêm những di luỵ thời chiến.
Granitxy
voiny? Ranh giới của chiến tranh: có cái đó không? Chẳng lẽ lại không có!
Chắc chắn chiến tranh không động vào được một thứ, đó là sự sinh sôi. Chiến
tranh như những chiếc ô tô vận tải. Đi trên đường phố, tôi sợ hãi vì lúc nào
cũng thấy những chiếc ô tô, ô tô sau lưng, ô tô trước mặt, ô tô hung dữ lao
trên đường, ô tô bất cần công việc, chỉ trừ việc của nó. Tôi nhớ tới những đoàn
xe hoả hiền hoà và đầy năng lực của thời bình. Tôi yêu những nền nếp. Tôi cũng
yêu những tập thể. Những chiếc ô tô, nó chính là những con người trong chiến
tranh, những con người của một đám đông hung dữ, mải miết vì những mục đích xa.
Thật là kỳ lạ, đất nước như một con người rút ruột ra, làm việc gì đó, một con
người mà da thịt xanh xao nhưng bộ ruột thật vĩ đại. Nhớ Vinh, thành phố đổ
nát, đường phố bụi bậm, bẩn thỉu, những con người lầm lụi đi trong mưa gió.
Nhưng những đoàn xe cứ lao đi mải miết, trên xe là bao nhiêu giá trị, bao nhiêu
là của cải.
Ở đường Phan Đình Phùng, các gia đình ra
nậy hố cá nhân lên, không biết để làm gì. Tôi chợt nhận ra các hố thường nêm rất
chặt bằng những gạch củ đậu.
Có lẽ một chủ đề mà văn học đáng nhẽ có thể
làm được là: chiến tranh đến với tất cả các gia đình, chiến tranh đến với tất cả
các phần việc.
12/2
Ngày khai trường. Những cố gắng lấy lại
nền nếp. Học sinh đeo khăn mang cờ, đứng xếp hàng.
Học sinh đi diễu chung quanh phố. Đón học
sinh lớp 1, học sinh lớp 4 cầm cờ ra đứng hai bên đường từ cổng trường vào.
Bánh pháo đốt, lại tắc, lại đốt. Những cô giáo đứng vón vào nhau. Học sinh nghịch,
lại chơi cảnh lấy chổi phi lên trời, giả làm máy bay.
Sân trường cũ trong thời gian chiến tranh
biến thành nơi để gạo. Trấu rắc khắp nơi.Trước ngày khai giảng, nhà trường mới
kiên quyết đuổi kho gạo đi, người ta phải dỡ tạm mọi thứ ra sân. Buổi sáng, xe
bò vào chở các thứ. Có tiếng ai kỳ kèo: Bò nó ỉa... Ông lái xe bò cãi, người
cũng phải ỉa, nữa là bò. Xe cứ đi nghênh ngang vào trường. Xe đi đến đâu, trẻ
xô theo đến đấy. Nhiều đứa trẻ còn nhảy lên xe nghịch. Để chờ đến khi bò có
quay lại, chúng nó lại rạt ra.
Lại còn ô tô, giữa lúc học sinh lớp 1 đi
vào giữa những cờ sao rủ bóng của học sinh lớp 4, thì ô tô vào. Ô tô phải đợi đấy
cái đã.
Không biết bao giờ những đứa trẻ này lại
có thể nói: Ngày khai trường của năm lớp 1 của tôi là ngày còn đang dọn dẹp những
dấu vết chiến tranh. Trường dột. Cầu thang hỏng. Nền sàn đầy trấu. Các cô giáo
chúng tôi gày guộc, vẫn cố ăn mặc một
cách mô đéc. Nhưng chúng tôi đã có hoà bình. Ngày hôm nay là ngày tên tù binh Mỹ
đầu tiên về nước. Tiến sĩ H. Kissinger đang ở Hà Nội. Trong các thông cáo, văn
kiện, mối quan hệ Việt Mỹ được dùng kèm theo những chữ: thẳng thắn, thân thiện.
Hà Nội, thành phố của trẻ con, thành phố của
bụi. Thành phố của xe đạp. Thành phố của tiếng ồn.
Tôi cảm thấy phải có cách nào đó, để nói
về Hà Nội. Những quy luật nào của cuộc sống thấy rõ nhất ở Hà Nội - Quy luật về
tài năng? Quy luật về sự chọn lọc? Quy luật về sự đa đạng?
Tại sao người ta viết quá ít về Hà Nội?
Phải chăng điều đó chỉ chứng tỏ tính chất tỉnh lẻ của nền văn học này.
15/2
Ng
Khải: Thật làm nhà văn có lúc rớt nước mắt. Hôm nọ, vào trong Cục, vừa thấy tay
Bồng, lão vỗ vai mình, thế nào, nghe nói cậu sắp đi đấy phải không? Ý lão nhắc
chuyện đi chiến trường. Cái vỗ tay thật nhẹ mà mình cứ thấy sụn cả lưng. Một giọt
nước mắt cứ định vỡ ra. Thấy như là thuở bé bị bêu nhục. Mình là cái thân phận
gì, lão ta là cái gì, nghĩ cứ thấy nao nao cả lòng.
18/2
Một dịp khác , vẫn tôi và ông Khải:
- Hôm nọ, Bằng Việt nó nói
với tôi, sao mày cứ buồn thế. Trông ông Khải kia, ông ấy cứ nhơn nhơn thế.
- Đúng, bên Hội nhà văn,
các ông cũng lạ cho tôi, lúc nào cũng nhơn nhơn ra. Nhưng mà thế thôi, chứ lúc
này ai mà chẳng buồn. Buồn hết. Lúng ta lúng túng thế này, ai biết làm gì được.
Văn chương là phong cốt của cả một dân tộc. Lúc này mà văn chương không thấy hé
răng cái gì, thì tức là có chuyện rồi. Không trước thì sau, có chuyện thôi.
Nhưng tôi khuyên ông, lúc này nên ít đi
chơi thôi. Cái lúc nhốn nháo này, ông xem, dễ vạ mồm lắm.