VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thêm một lý do để trở lại với Vũ Trọng Phụng


    Trong một bài trước chúng tôi đã thử cắt nghĩa tại sao chúng ta  [đã]  luôn  trở lại với Vũ Trọng Phụng ? Câu trả lời -- đó là vì qua tác phẩm của Vũ, chúng ta được thể nghiệm cái bực bội cái bất mãn với xã hội, cũng như qua nhân vật Xuân tóc đỏ, nhiều người chúng ta bắt gặp hình ảnh sự phấn đấu đầy tội lỗi của chính mình.
  Lần này tôi muốn thử đi vào Vũ Trọng Phụng theo một hướng khác. Nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng trong mối quan hệ với hiện đại hóa nửa đầu thế kỷ XX cũng là một cách hữu hiệu để hiểu những bước đi của công cuộc gọi là hội nhập đổi mới .. đang rất trầy trật và tâm thế bảo thủ ngần ngại không dám nhìn thẳng vào những vận động đang xảy ra trong đời sống của lớp người cầm bút hôm nay.

  



                                      Cái nhìn bảo thủ và bước đi tự  phát
                                    ở  một ngòi  bút ghi chép  lịch sử
                                                                         
       Ấn tượng sâu sắc nhất mà có lẽ tất cả chúng ta đều chia sẻ khi đọc Số đỏ, ấy là cái sự nhố nhăng nhảm nhí của đời sống được nhà văn phác hoạ theo lối châm biếm. Nói như Lưu Trọng Lư, ngòi bút  Vũ Trọng Phụng đã “chế nhạo tất cả những cái rởm cái xấu cái bần tiện cái đồi bại của một hạng người một thời  đại“. Hiện đại ở đây đồng nghĩa với sự tàn phá nhân cách, làm hỏng con người. Hiện đại là một bước đi không thể chấp nhận được.Thế nhưng liệu đã có thể nói đó là tất cả cái cuộc sống trên đường hiện đại hoá được nói tới trong  tác phẩm  Số đỏ ? Có phải xã hội đương thời chỉ có tàn lụi mục nát vô phương cứu vãn  hay thực ra nó đang vận động theo một phương hướng đầy triển vọng  và chính ngòi bút Vũ Trọng Phụng cũng đã tham gia vào việc ghi chép lại cái quá trình  đổi khác  đó --- một việc chắc chắn là  chính ông cũng không ngờ tới ?
  

Hiện đại hoá là gì và ý nghĩa lịch sử của nó 
   Đặt xã hội VN nửa đầu thế kỷ XX  trong toàn bộ sự vận động chung của lích sử dân tộc, chúng ta thấy nó là một bước rẽ ngoặt mà nội dung căn bản là hình thành nên một xã hội kiểu mới, khác hẳn xã hội VN từ đó về trước. Trong cả  sử học lẫn các bộ môn khác của khoa học xã hội, trong đó có lịch sử văn học, người ta thường gọi đó là quá trình hiện đại hoá.
    Trong một bài viết mang tên Tìm nghĩa khái niệm hiện đại  (có in  trong sách Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỷ XX, NXB Chính trị quốc gia,  Nội, 2002)  chúng tôi đã có dịp trình bày cách hiểu về quá trình này, dưới đây là mấy nét tóm tắt :
  --  Đó là sự chuyển biến từ kiểu xã hội phong kiến trung đại sang một xã hội công nghiệp hoá, có đô thị phát triển.  Bắt đầu từ cơ sở kinh tế, cuộc chuyển biến này kéo theo hàng loạt biến động, nhiều quan niệm của con người về bản thân mình cũng như về thế giới có thay đổi. Đồng thời với sự trưởng thành của  ý thức xã hội thì con người cá nhân trong họ cũng được giải phóng.
  -- Bởi đây là sự chuyển biến từ một xã hội theo kiểu phương Đông sang một xã hội xây dựng theo mẫu hình phương Tây lúc ấy, nên người ta còn  gọi nó là Âu hoá. Thực chất  của hiện đại hoá trong điều kiện lịch sử đầu thế kỷ XX chính là Âu hoá. Không chỉ ở VN mà ở Trung quốc và ở nhiều nước châu Á khác, hiện đại hoá đều được  sử dụng với nghĩa cụ thể như vậy. (Còn tới cuối thế kỷ XX nó vẫn được dùng nhưng có thêm hàm nghĩa mới thì đó lại là chuyện  khác).
  --  Muốn hay không muốn cũng phải xem đây là một bước tiến bộ. Tính đến hoàn cảnh đương thời, thì đây là công thức duy nhất có thể đưa xã hội ra khỏi điểm chết mà sự vận động của lịch sử trước đó đẩy tới. Không phải hiện đại hoá hoàn toàn đối lập lại quyền lợi chính đáng của dân tộc. Ngược lại, chính trong hoàn cảnh hiện đại hoá mà ý thức dân tộc, vốn có từ trong quá khứ, bắt đầu mang  một nội dung mới thích hợp hơn do đó trở nên  hoàn thiện và có sức thúc đẩy lịch sử tiến tới. Đặc biệt với công cuộc công nghiệp hoá, ý thức dân chủ có dịp nẩy nở mạnh mẽ.
     Một trong những luận điểm cơ bản được trình bày trong Văn minh tân học sách  của nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục (tổ chức tập hợp những bậc  trí giả thức thời hồi  đầu thế kỷ XX ), đó là tình trạng lạc hậu cổ hủ của xã hội VN trước khi tiếp xúc với văn minh Tây phương.  Đến một nhà yêu nước  như  Phan Chu Trinh thì tư tưởng đó là cả một ám ảnh. Theo Phan Chu Trinh, sự lạc hậu nếu không được nhận thức và được khắc phục thì mọi nỗ lực dành lại độc lập đều vô nghĩa. Trong Thư gửi chính phủ Pháp (1906), ông viết “Nước Nam đã lâu nay học thuyết sai lầm, phong tục hư hỏng, không có liêm sỉ, không có kiến thức.. Trong một làng một ấp cũng cấu xé lẫn nhau, cùng nòi cùng giống vẫn coi nhau như thù hằn ; có dẫu ai có muốn lo toan việc lớn,chưa kể rằng không có chỗ mà nương thân, không có khí giới  mà dùng, không có tiền của mà tiêu, giá phỏng Chính phủ ( đây là chính phủ thực dân Pháp --- VTN chú ) cho mượn dăm nghìn khẩu  súng, cấp đất vài tỉnh cho ở, không thèm hỏi đến,tha hồ muốn làm gì thì làm, chẳng qua vài năm  nếu không báo thù lẫn nhau thì cũng tranh giành địa vị với nhau, nếu không cướp đoạt tiền tài thì cũng giành giật tước vị, tự chém gết nhau  đến chết hết mới thôi (….) ” (Dẫn theo Tuyển tập Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Dương biên soạn,NXB Đà Nẵng 1995, các  tr 352, 353).
        Có thể nói sự sáng suốt của những người vừa yêu nước thương nòi vừa nhìn xa trông rộng và có tư tưởng canh tân xã hội trên đây đã có sức chi phối đối với sự phát triển của xã hội VN mà quá trình hiện đại hoá nói ở đây là bằng chứng. Dù công cuộc hiện đại hoá đó tiến hành dưới sự kiểm soát của bộ máy thực dân, song vẫn phải ghi nhận một sự thật dẫu sao quá trình đó đã xảy ra. Không có quá trình hiện đại hoá này thì không có xã hội VN nửa đầu thế kỷ XX như chúng ta đã thấy, không những không có đô thị, nhà trường kiểu mới, đường sắt, bưu điện, báo chí …, mà cũng  không có sự tiếp xúc bình thường giữa VN và thế giới. Nói cho hết lẽ, phải thấy không có quá trình hiện đại hoá thì không có luôn cả sự phân hoá giai cấp như các nhà nghiên cứu lịch sử thường phân tích, không có giai cấp công nhân và một bộ phận trí thức kiểu mới, không có sự du nhập của ý thức hệ Mác Lê- nin, dẫn đến những biến động có tính chất bước ngoặt từ sau Tháng Tám 1945.


Hiện đại hoá đã tự phát có mặt trong  tác phẩm
của Vũ Trọng Phụng  như thế nào ?
      Hãy bắt đầu bằng một chi tiết nhỏ trong chương II của Số đỏ, cái đoạn tả cảnh xảy ra tại một bóp cảnh sát khi một viên quản ngồi than thở sự đời với một thầy cảnh sát dưới quyền, thày min đơ (1002) :
 ---Thày có tiếc cái thời buổi ngày xưa, cách đây mười năm không ?
     --- Tiếc lắm ! Mười năm trước đây, dân ta còn ngu..
--- Ngày nay dân ta văn minh mất rổi rõ thảm hại ! Thầy phải biết là xưa kia, xã hội tinh nhứng du côn với nặc nô, tinh những người bất lịch sự chỗ nào cũng phóng uế, cũng đánh nhau. Hồi ấy có khi bốn người ngồi một xe ! Họ chửi nhau hàng nửa giờ, đánh nhau vỡ đầu, nhà cửa của họ thì rác rưởi, nước cống nước rãnh tung toé, ngập lụt. Chó của họ cũng chạy ra ngoài đường nhông nhông... Xe đi đèo, hay không đèn là nhan nhản. Bây giờ mọi sự đã thay đổi cả . (Tuyển tập Vũ Trọng Phụng ba tập, tập III, Nxb Văn học 1988, tr 22 .–  dưới đây các trích dẫn Số đỏ đều là theo bản này)
…..
       Điều bất ngờ là ở chỗ đằng sau câu chuyện mà tác giả thuật lại để chế giễu tự nó có một ý nghĩa ngoài tầm kiểm soát. Không gì khác, cái thời buổi ngày xưa mà hai nhân vật nói ở đây chính là xã hội VN trước hiện đại hoá, với một nếp sống phải nói là lạc hậu và chẳng có gì là đáng ước ao, nếu không nói rằng đáng từ bỏ. Còn thay thế nó lại là xã hội nền nếp quy củ. Và sự thay đổi mà các viên cảnh sát than phiền là hỏng là đáng chê trách thì theo lương tri thông thường, lại là một sự thay đổi theo hướng tiến bộ hợp với tinh thần của nhân văn và đạo lý.
    Nếu  tiếp tục khảo sát tác phẩm theo hướng này, người ta sẽ thấy Số đỏ vô hình trung đã phác hoạ một khuôn mặt khác của xã hội trong một giai đoạn lịch sử có những đảo lộn hàng trăm năm chưa từng có. Từ đầu thế kỷ XX trong lòng  xã hội phong kiến,những nhân tố của  một  xã hội theo kiểu phương Tây đã nảy sinh và tới những năm ba mươi, có thể nói cái nền nếp mới ấy đã trở nên ổn định thay cho nền nếp xưa “thế là hết nhẵn nhụi “. Đóng vai trò đầu tầu cho lịch sử là những đô thị mới vừa hình thành. Trong kiến trúc trong đường xá cầu cống trong kiểu ăn ở đi lại… của con người, chúng khác hẳn so với cái gọi là đô thị thời trung đại. Phân công lao động  trong xã hội đã khá cao, nhiều nghề mới nẩy sinh, không phải chỉ có me tây đĩ điếm như nhiều người thích bêu riếu, mà quan trọng hơn có người đi du học, có luật sư bác sĩ, có các loại cửa hàng và khách sạn đầy đủ tiện nghi, có cả các loại sân thể thao được xây riêng trong từng gia đình và thầy dạy đánh quần vợt.
      Đặc biệt ý thức công cộng của mỗi thành viên trong xã hội được nâng lên một bước. Đằng sau cái câu nói đơn sơ “Lúc này đến cả thằng phu xe cũng biết luật “ là một sự thật: xã hội đã vượt qua giai đoạn tự phát mạnh ai nấy sống. Làm gì người ta cũng phải chú ý xem phản ứng xã hội với mình là như thế nào. Báo chí có mặt ở mọi nơi mọi chỗ.
    Cũng nên lưu ý thêm là theo sự miêu tả của tác giả thì Xuân tóc đỏ có lúc ăn vận theo kiểu hề Charlot để gây chú ý, cũng như ông Joseph Thiết có nhắc đến Léon Daudet  -- họ là những nhân vật Pháp quốc nổi tiếng mà xã hội VN thời thuộc địa có biết và tên tuổi thường xuất hiện trên mặt báo; ấy là không kể có cả một buổi hội thảo không chính thức về học thuyết của Freud ( đoạn đầu chương XIII ). Những mẫu hình của văn hoá hịên đại đã xuất hiện để thay thế cho những khuôn vàng thước ngọc dẫn lại từ thời Nghiêu Thuấn mà mọi người đều đã ngán đến tận cổ !
   Ở trên chúng ta đã nói rằng con người trong Số đỏ hiện ra với nhiều nét khó coi, ồn ào học đòi, tham lam, dâm đãng. Song suy cho cùng những thói xấu ấy vẫn là bề ngoài. Nếu không xem các tiêu chuẩn đạo đức vốn có từ thời phong kiến là bất biến mà xét kỹ cái trình độ sống của con người, nhất là văn hoá chung sống của những con người đó, cái ý thức của họ về sự tiến bộ chung của xã hội, chúng ta thấy gì? Rõ ràng, đặt bên cạnh những con người đơn giản, sống cầm chừng, chậm rãi rời rạc của xã hội trung đại, thì con người lúc này luôn hiện ra với vẻ gấp gáp linh hoạt, sẵn sàng thích ứng với mọi biến chuyển lúc nào cũng có thể xảy ra. Mọi người, từ Xuân đến bà phó Đoan, từ vợ chồng Văn Minh đến ông TYPN (Tipphờnờ ) … và cả mấy người già như cụ cố Hồng đều  có ý thức về cuộc đời mà họ đang sống, muốn sống theo những tiêu chuẩn mới mẻ mà họ tin tưởng chứ không phải thế nào cũng được muốn đến đâu thì đến.
     Đây là lời bà Văn Minh giảng giải cho một khách hàng về ý nghĩa của cửa hàng Âu hoá do hai vợ chồng bà ta chủ trương :
   --- Thưa bà chúng tôi chỉ tiến theo luật tiến hoá chung của xã hội. Giữa buổi canh tân này cái gì là bảo thủ thì bị đào thải đi. Bà có biết rằng từ khi chúng tôi mở cửa hiệu này ra thì đã bao nhiêu người vợ được cứu vớt, tìm thấy lòng yêu của chồng, lại được hưởng hạnh hạnh phúc gia đình rồi đó  không ?
     Còn đây, cái quan niệm về ăn mặc mà cửa hàng của bà ta noi theo:
   ---   Thưa bà, những nguyên tắc về y phục đã thay đổi. Chúng tôi mà có chế ra kiểu này cũng là vì theo cái quan niệm y phục của các nhà thợ may lớn ở Tây phương. Quần áo để tô điểm,đẻ làm tăng sắc đẹp chứ không phải để che đậy …
     Đặt trong mạch chung của tác phẩm thì đây có vẻ như lời lẽ mòn sáo của một kẻ học đòi. Nhưng thử tách nó ra như một văn bản độc lập, chúng ta thấy đây là những ý tưởng nghiêm chỉnh ( một số điều đến nay chúng ta cũng đang áp dụng ). Con người bấy giờ đặc biệt có ý thức về một cuộc sống khác với những gì họ sẵn có , chứ không một chiều nệ cổ.  Họ đã nhìn rộng ra cả thế giới  chứ không chỉ chăm chăm quay đầu về cái sân nhà mình hoặc cái làng con con của mình.  Họ lại đã có được ý thức đúng đắn về thời gian và mối quan hệ giữa thời gian và bản thân mình. “Nó cảm thấy đời nó từ nay mà đi dễ thường đã vào một kỷ nguyên mới.  
       Không nên một chiều cười giễu cái câu tự nhủ ấy của Xuân tóc đỏ, ngược lại nên ghi nhận ở nhân vật cả cái ý chí lập nghiệp lẫn một sự tiên cảm chính xác về tương lai.
      Số đỏ kết thúc bằng việc Xuân nhường chức vô địch quần vợt cho đối thủ người Xiêm La. Câu chuyện có vẻ hoàn toàn bịa đặt song đằng sau nó cần phải ghi nhận một điều: một cá nhân như Xuân đã biết làm chủ hành động của mình, và sự tính toán ở đây chẳng những là hợp thời mà còn là khôn ngoan.
     Trong khi làm lại cuộc sống, cố nhiên, trong tiềm thức, con người VN nửa đầu thế kỷ XX  tự hiểu rằng mình có một quá khứ hết sức nặng nề. Trên mọi phương diện, họ đều nhận ra một sự đối đầu giữa cũ và mới, giữa lối cổ và lối kim. Nếu như thường xuyên chúng ta bắt gặp ở họ cái vẻ huyênh hoang thì chẳng qua cũng chỉ là một cách  nói to lên những điều lớn lao để tự động viên mình. Sự thay đổi quá nhanh không khỏi dẫn tới những sự vội vã ép uổng, những nét kệch cỡm, nhưng không phải vì thế mà đáng sổ toẹt tất cả.

Có hai con người trong một  Vũ Trọng Phụng
    Âu hoá không chỉ là tên gọi của cái cửa hàng thợ may nơi nhân vật Xuân trong Số đỏ đến học việc và bắt đầu một cuộc tiến thân. Âu hoá cũng chính là nội dung của quá trình chuyển biến của cái xã hội nho nhỏ mà tất cả các nhân vật của cuốn tiểu thuyết này --  từ những nhà cải cách xã hội như vợ chồng Văn Minh, các trí thức như ông Josef Thiết, ông đốc tờ Trực Ngôn... đến lớp người mạt hạng như Xuân cùng mấy ông thầy bói mấy cô bán hàng mấy chị vú em --- bị cuốn hút theo.
     Suy rộng ra, dễ ước đoán là qua cuốn tiểu thuyết, tác giả muốn làm một cuộc tổng kết cơ bản, khái quát cả quá trình chuyển biến của xã hội VN nửa đầu thế kỷ XX.
     Đã rõ là có hai tầng hiện thực khác nhau được ghi nhận trong các trang sách của nhà văn họ Vũ: một đằng là cái đời sống ở cái vẻ nó đập ngay vào mắt mọi người; và một đằng nữa  là cái đời sống ở bề sâu, cái phần ẩn giấu và chỉ bộc lộ ra một cách tự phát, người đọc cũng dễ bỏ qua.
     Thái độ của tác giả với hai mảng hiện thực ấy cũng khác nhau rõ rệt. Có vẻ như với Vũ Trọng Phụng, cái phần xấu xa của đời sống đương thời là đáng quan tâm hơn cả. Ông tố cáo. Ông lên án. Toàn bộ kiệt tác Số đỏ  của ông được xây dựng trên cảm hứng phê phán đó. Ngược lại,cái mảng hiện thực thứ hai có vẻ nằm ngoài ý thức của ông. Ông chỉ nhân tiện mà nói tới. Sự chểnh mảng của ông với cái phần đời sống này rõ rệt đến mức mà người ta chỉ nắm được nó  bằng cách tách sự việc đứng riêng ra, để chúng độc lập bên cạnh cái nhìn của các nhân vật vốn là nhân vật phản diện, thậm chí độc lập với  tác giả.
      Có điều không phải vì thế mà nó - cái đời sống ở bề sâu ấy, không hiện ra một cách rõ rệt. Bây giờ mọi sự đã thay đổi cả. Một câu như vậy quả đã thâu tóm được quá trình biến đổi của xã hội, và ở chỗ này có thể bảo Vũ Trọng Phụng là một người chép sử trung thành, mặc dù  ông không có ý thức đầy đủ khi làm công việc ghi chép quan trọng ấy.
   Đọc các nhà văn cổ điển cỡ như Balzac, người ta đã được chứng kiến không ít trường hợp trong con người nhà văn có sự đối lập, trong khi thái độ ông ta đối với thực tế thế này thì bức tranh xã hội được ông vẽ ra lại có ý nghĩa khác hẳn.
   Trường hợp Vũ Trọng Phụng ở đây cũng có gì na ná như vậy.
     Thực ra đọc lại đoạn đối thoại giữa thầy quản và viên cảnh sát đã dẫn ở trên thì thấy những điều mà họ nói về thời đại trước Âu hoá tự nó -- với những người có lương tri bình thường -- đã thành một sự phê phán, và lời than tiếc cuối cùng của họ rằng ” Cái thời tốt đẹp của các cụ nhà ta không còn nữa “cất lên có chút gì đó ngớ ngẩn và giống như một sự mai mỉa.Trong thực tế người đời dù có cổ hủ đến mấy chắc cũng không ai ăn nói như vậy. Có lẽ nên giả thiết thêm là trong sự lẫn lộn giữa đùa và thực, ngòi bút nhà văn đã có phần sa đà hơi quá ? Hay là ý thức bảo thủ đã vào sâu trong Vũ Trọng Phụng tới mức nó khiến ông bất chấp cả mọi  lô-gích thông thường ?


Thử giải thích cái nhìn và thái độ của Vũ Trọng Phụng :
 yếu tố chủ quan …
    Các nhà viết tiểu sử đã sớm ghi nhận Vũ Trọng Phụng thuộc loại dân nghèo mới từ bỏ làng quê để nhập tịch vào đô thị. Nhưng lên với Hà Nội, ông và gia đình vẫn sống rất thanh bạch. Thay cho cái nghèo chân chất của người nông dân là cái nghèo nhếch nhác luộm thuộm của đám người nằm ở dưới đáy của Hà Nội băm sáu phố phường. 
     Có những người nghèo song cam phận, nhẫn nhục,có cái nhìn nhân hậu đối với sự đời, song  lại có những người do nghèo mà sinh ra cay nghiệt hằn học chỉ muốn đập phá hết cả. Vũ Trọng Phụng chính là thuộc típ người thứ hai. Dù đã nhọc lòng đi tìm sự thay đổi, song ông và những người như ông vẫn không tìm thấy miền đất hứa để có thể tạm bằng lòng với số phận mà sống trong thanh thản. Bởi vậy, ông  nhìn mọi biến thiên xảy ra trong xã hội như là những chuyện vô lý. Sự đối mặt thường xuyên với mọi loại sa ngã hư hỏng bất công giả dối   khiến ông đớn đau căm uất.
     Nói cách khác, nhà văn thân yêu của chúng ta không thoát khỏi mình để có một cách nhìn khách quan với xã hội và xem tiến bộ xã hội như một tiêu chuẩn đánh giá đời sống.
     Khách quan mà xét, phải nói rằng ông bảo thủ, cố chấp. (2)
    Qua các hồi ức của những người quen biết riêng với Vũ Trọng Phụng, từ lâu  người ta đã biết  rằng  tác giả Số đỏ  là một người, trong sinh hoạt hàng ngày, có nhiều phần nệ cổ chứ không mô-đéc như những đồng nghiệp của ông (mà  Nguyễn Tuân là một ví dụ).Tới đây, chúng ta lại thấy ông nệ cổ cả trong cách nhìn đời nói chung.  Từ  sự bảo thủ trong quan niệm đạo đức  tới bảo thủ  trong quan niệm xã hội, kể ra cũng là một bước đi tự nhiên, không thế thì mới là chuyện lạ.
   
..... và yếu tố khách quan
    Đặc điểm của hiện đại hoá  ở VN  là nó diễn ra không bình thường. Nó  không nảy sinh như một sự phát triển nội tại mà là từ bên ngoài ấn vào. Mà yếu tố bên ngoài đây lại là nước Pháp thực dân, lúc đó đang đóng vai trò của một thế lực đi xâm lược. Một thời gian dài, với người Việt Nam, chấp nhận hiện đại hoá tức là chấp nhận hành động đồng hoá của bọn xâm lược. Điều đó trái với tinh thần quật cường chống ngoại xâm ( với nghĩa bằng bất cứ giá nào đẩy các thế lực ngoại nhập ra khỏi đất nước) đã thành một truyền thống của lịch sử dân tộc.
    Chẳng những thế, trong thực tế, công cuộc hiện đại hoá diễn ra trong máu và nước mắt. Xã hội VN cuối thế kỷ XIX đã quá trì trệ và con người quen lặn ngụp trong sự lạc hậu rất ngại thay đổi. Đổi mới đối với họ thường khi là một việc làm quá sức.
    Bởi vậy (kết hợp cả hai yếu tố trên), người ta không ngạc nhiên nhận thấy rằng ngay từ khi mới bắt đầu, hiện đại hoá đã không được người VN tiếp nhận một cách tích cực. Kẻ biết  nhìn ra ý nghĩa tiến bộ của nó rất ít. Trong lòng mọi người, sự ngại ngần trở đi trở lại. Đủ thứ áo khoác mỹ miều được lôi ra sử dụng để che đậy cho sự thù ghét và sợ hãi cái mới.
     Đọc lại văn học VN đầu thế kỷ XX, người ta thấy với Tú Xương rồi Tản Đà tiếp đó là các nhà văn xuôi như Trọng Khiêm, Đặng Trần Phất …., hiện đại hoá đều được miêu tả như một quá trình gây ra đau khổ cho con người. Tiếp đó, nhiều ngòi bút cùng thời với Vũ Trọng Phụng, những Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Nguyên Hồng, Nam Cao … đều miêu tả đời sống theo cái cách khiến người ta cảm thấy trong thâm tâm các ông không thích hiện đại hóa.  Sự bảo thủ mà trên đây chúng tôi nói ở Vũ Trọng Phụng  suy cho cùng cũng là nét bảo thủ của khá nhiều người, kể cả những người thuộc diện tinh hoa của xã hội. Thậm chí còn có thể nói nó là một thứ vô thức tập thể  chi phối cách nghĩ một thời.Trong trường hợp này, các nhà văn thực sự chỉ là công cụ của lịch sử.

                                                               * * * 
   Chẳng những sinh thời Vũ Trọng Phụng, quá trình hiện đại hoá xã hội VN nửa đầu thế kỷ XX  được một số người xem là có ý nghĩa tiêu cực  mà ở nhiều thế hệ tiếp theo, cho đến ngày hôm nay của chúng ta, lối nhìn nhận đó vẫn  đóng vai trò chủ đạo. Có lẽ chính vì thế mà khi tiếp xúc với các tác phẩm ra đời trong thời kỳ này, người ta thường chỉ đọc ra cái phần có ý nghĩa phê phán, còn như  cái phần mà ngòi bút chép sử của các nhà văn đã hoạt động một cách tự phát ---  như trong trường hợp của Vũ Trọng Phụng với Số đỏ – thì lại  bị đẩy vào bóng tối quên lãng. Về phần mình, chúng tôi cho rằng nếu nhìn nhận về hiện đại hoá  như trong bài này và trong một số bài viết trước đây chúng tôi đã thử đề nghị,  thì ngay với Vũ Trọng Phụng người ta đã có thể đi tới những kết luận khác hẳn.  Trong khi có vẻ làm giảm hào quang ở  ngòi bút nhà văn họ Vũ  do chỗ bộc lộ  ở ông một ít yếu tố bảo thủ ---, thì đồng thời cách nhìn nhận và đánh giá này  làm cho  ông, trước mắt chúng ta, trở nên sâu sắc hơn. Con người ông trở nên đậm chất Việt Nam hơn bao giờ hết. Những trang văn của ông cũng trở nên nhiều tầng nhiều lớp phong phú hơn. Dù không cố ý, song nhà văn này đã làm được cái thiên chức mà các nhà văn lớn của một thời đại thường được giao phó, đó là phản ánh được một phần, theo cái cách riêng của mình, những phương diện cơ bản cùng là cái xu thế phát triển của thời đại (xin hiểu thời đại nói ở đây là khái niệm thời đại lớn mà nhà nghiên cứu văn học người Nga  đồng thời là nhà triết học M.M. Bakhtin đề nghị). Riêng đối với con người VN hôm nay, trong một giai đoạn mới của công việc hiện đại hoá --  trường hợp của Vũ Trọng Phụng vẫn đang là một bài học. Ít nhất thì nó cũng có thể giúp chúng ta tham khảo rút kinh nghiệm để có được một cách nhìn đúng đắn đối với mọi biến thiên đang xảy ra trước mắt, phân biệt được những biểu hiện bề mặt vốn nhiều rác rưởi và cái xu thế lớn của lịch sử mà không thế lực nào có thể ngăn cản./.

-------------------------------
Đã in trong  Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa, 2006
أحدث أقدم