Trích từ chuyên mục
Người xưa cảnh tỉnh
đã in trên Thể thao và văn hóa 2005-2007
Các đầu đề nhỏ và chú thích là của người biên soạn
Thị hiếu tầm thường
Cái lý thú của nước Nam ta nhỏ mọn lắm.
Kìa cái đồng hồ từ tám mươi đời thì quấn vải tây điều, kết quả găng. Nọ núi non bộ khéo chắp tỉ mỉ trong trồng cây uốn con phượng.
Cầu quán con con, thuyền bé lí tí.
Câu đối với tranh thì hết tứ thời phong cảnh lại đến thiên lý giang sơn.
Thi hoạ nhỏ nhen, thi chẳng ra thi hoạ chẳng ra hoạ.
Giang sơn treo cửa sổ, sơn thuỷ để đầu giường. Hoành phi câu đối thì chữ nghĩa đẹp phẩy mác hơn đẹp ý tình (1).
Đồ chạm đồ cẩn thì tỉ mỉ con dơi già quả mướp non, người ngoại quốc mua cho cũng là thương công hơn trọng khéo.
Ghế giường bàn tủ dáng dấp nặng nề.
Nói tóm lại thì người Nam mình chưa cái gì là cái khéo.
Mà càng bắt chước Tây bắt chước Tàu bao nhiêu càng xấu bấy nhiêu.
Người mỗi ngày một hay, vi xảo là thông ngôn ông Tạo hoá (2). Ta mỗi ngày một đổ (3), vi xảo là cơn hứng chí điên cuồng.
Học chẳng phải mà bắt chước chẳng phải. Xảo nghệ muốn noi theo ngoại quốc, là phải noi lý tưởng chớ không nên bắt chước phù hoa. Kẻo mà khéo thêm ra chẳng thấy đâu, lại đang nghề nguyên lành hoá nghề lang lố (4).
(1) phẩy mác là tên gọi các nét trong chữ Hán, ở đây ý nói chỉ đẹp bề ngoài
(2) vi xảo: sự kỹ lưỡng khéo léo; ở đây ý nói sự hoàn chỉnh của sản vật đạt đến mức như là tự nhiên sinh ra đã vậy.
(3) kém đi, hỏng đi
(4) Nghĩa như nhố nhăng
Nguyễn Văn Vĩnh
Đăng cổ tùng báo, 1907
Văn chương phù phiếm, toàn giọng bi thương
Xét các lối văn chương của ta, vừa lối riêng, vừa lối theo của Tàu, kể ra thì cũng nhiều và cũng đủ cách. Song hiềm vì trong lối văn chương, phần nhiều là hay dùng cách tiểu xảo, đối chọi nhau từng chữ từng ý, mà nhất là thơ hay tìm những tiếng mong manh, những lời bóng bảy, khí nhỏ nhặt tỉ mỉ, kém khí hùng hào.
Vả lại hay chuộng lối phù hoa, quý hồ đặt cho đẹp câu, đọc cho sướng tai, mà rút cục thì không có lý tưởng nào là cao lạ.
Lại còn một cách, nói thật là viển vông huyền huýnh (1), khiến cho người nghe tưởng là cao kiến lắm mà kỳ thực thì toàn là lời tưởng tượng, vu khoát (2); tựa như bức tranh vẽ của ta chỉ thấy nét xanh nét đỏ vẽ rồng vẽ phượng, trông thì choáng mắt, mà té ra không có nét nào thực cả.
Lại nhất là những điều ai oán những khúc bi thương, những tiếng bổng tiếng trầm, thánh tha thánh thót như dế kêu, như ve hót, ta thường cho là hay mà thực ra thì là một thứ tiếng hèn mọn yếu ớt, không cổ động được cái khí mạnh mẽ cho người ta.
(1) xa xôi, mờ mịt (2) bịa đặt, không bảo là có
Phan Kế Bính
Việt nam phong tục, 1915
Đằng sau thói quen đẽo gọt là sự nhu nhược
Văn chương gọt từng tiếng khác nào như người gọt củ thủy tiên, cái lá này bắt cho quăn, cái giò kia hãm cho thấp trông thì hoa nở đều nhau đẹp đẽ nhưng động vào đã gãy, để chưa mấy ngày đã úa. Cốt lấy cái khéo nhỏ nhặt làm mất đi cái khí mạnh, gọi là “ nhu nhược chi văn chương”!
Phan Kế Bính
Việt Nam phong tục,1915
Chỉ giỏi về văn thù ứng
Ở nước ta, kẻ học khi chưa đỗ thì chăm về văn khoa cử, khi đỗ rồi thì chăm về văn thù ứng (1). Có những người nổi tiếng mà nhan nhản những bài hết tự tặng người này lại dâng người khác, té ra trời phú cho ông ấy cái văn tài lỗi lạc là để đi thù phụng thiên hạ.. Vậy nếu tôi nói một ngàn năm nay, người An Nam làm văn chữ Hán chỉ chuyên có hai lối khoa cử và thù ứng và trong văn học chỉ sở trường một cách jeu de mots (1) mà thôi, thì cũng chẳng quá nào !
(1) thứ văn thơ làm khi giao tiếp, khoản đãi nhau
(2) chơi chữ
Phan Khôi
Khái luận về văn học chữ Hán ở nước ta 1939
Tưởng thật mà hoá dối
Văn chương ta từ trước tới nay vì bó buộc quá đỗi nên luôn luôn đi bên cạnh sự giả dối, sự bịa đặt. Nhà văn chỉ lo viết thế nào cho đúng với lẽ phải của xã hội mà không cần đúng với sự thật tự nhiên (1). Văn chương thành ra một cách để dối mình và dối người.
Cây trên rừng muôn ngàn lá không có hai lá giống nhau. Trong rừng người cũng vậy, chưa từng thấy hai người hình dung giống hệt nhau. Hình dung còn thế huống chi nữa tinh thần.
Văn chương ta có vẻ buồn tẻ nghèo nàn, các nhà văn ta ít thấy khác nhau, vì họ tự dối mình, tức vì họ không đủ cái thành thực để phô diễn tâm linh của mình, vì họ tự giam mình trong vòng khách sáo.
(1) Các nhà nghiên cứu hiện nay phân biệt 1/ cái tưởng là sự thật, đang được mọi người trong xã hội công nhận và 2/cái sự thật đúng như nó có, song chưa được phát hiện và nhận thức thấu đáo; ở đây ý nói nhà văn ta chỉ biết loại sự thật thứ nhất.
Hoài Thanh
Thành thực và tự do trong văn chương, Tao đàn,1939
Khinh miệt cá nhân
Văn chương ta nghèo nàn. Những dây quan hệ quá chặt chẽ nó ràng buộc mọi người trong xã hội. [Trong tâm lý cộng đồng], cá nhân, cái bản sắc của cá nhân, là một điều huyễn tưởng, một điều không nên có. Cá nhân chìm lấp trong đoàn thể như giọt nước trong làn sóng biển.
Một dân tộc khinh miệt cá nhân, không biết đến cá nhân, không thể có được một nền văn chương phong phú.
Các nhà văn ta ít thấy khác nhau, chỉ vì họ tự dối mình, vì họ không đủ cái thành thực để phô diễn tâm linh của mình, vì họ tự giam mình trong vòng khách sáo.
Khách sáo chính là cái vỏ mà đoàn thể phủ trên mình, trên linh hồn cá nhân. Về hình thức, khách sáo là những quần áo mũ giày theo thời thượng. Về tinh thần, khách sáo là những tình ý thông thường --- hay nói theo lối người Tây, những tình những ý vẫn chạy rông ngoài đường phố.
Hoài Thanh
Thành thực và tự do trong văn chương, Tao đàn, 1939
Không tìm thấy bản sắc
Nếu bây giờ có một người Đức, hay một người Nga, hay một người Anh, muốn tìm trong các văn phẩm của chúng ta để xem dân tộc Việt Nam cảm nghĩ thế nào trước tấn kịch thống thiết và náo nhiệt của hai nền văn minh Đông Tây gặp nhau, hoặc trước thiên nhiên, trước nhân sự (1), trước cái chết, thì người ngoại quốc ấy sẽ hoàn toàn thất vọng. Người ấy sẽ chỉ nhận thấy trong phần nhiều các văn phẩm của ta, những cái máy truyền thanh rẻ tiền nó nhắc lại tất cả những điều mà người ấy thừa biết tự bao giờ.
(1) Theo nghĩa dùng trước 1945, thì nhân sự chỉ chung việc đời, chứ không phải là việc tuyển dụng, sắp xếp quản lý người, như hiện nay.
Lan Khai
Thiên chức của văn sĩ Việt Nam , Tao đàn, 1939
Phê bình nghĩa là nịnh nọt
Người mình xưa nay vẫn chưa quen chịu người ta phê bình. Ai làm được quyển sách quyển vở nào, đem ra giới thiệu với công chúng thì chỉ muốn khen, chứ không muốn người ta chê, rồi hễ thấy người ta bẻ bắt điều gì là mích lòng và không hiểu rằng “Người dạy ta mà phải là thày ta, người trách ta mà phải là bạn ta “.
Bởi vậy người phê bình cũng không muốn phê bình, mà sự học cũng không tiến bộ được.
Trần Trọng Kim
Mấy lời bàn với Phan tiên sinh về Khổng giáo, 1930
Nhắm mắt bắt chước cốt kiếm lợi
Làng văn làng báo ta, cũng như nhiều giới khác, phần đông kém trí phán đoán, thường hay nhắm mắt theo người. Những cái bệnh ấy, không phải bây giờ mới phát mà có lẽ nó là một chứng di truyền đã mấy ngàn năm và ăn sâu vào mạch máu nhiều người ! Xưa học chữ Hán không dám nói khác với những kiến giải của tiên nho, không dám đi trật ra ngoài khuôn sáo của tiên hiền, cắm đầu nhai lại nhai lại những bã rả của cổ nhân mà không nhớ đến thời gian. Nay xếp đặt một tờ báo, chỉ muốn theo cho được một tờ báo Tây, từ cách dùng chữ đến lối đặt câu, làm như dịch theo nguyên văn của người ngoại quốc.
Hồi 1926-29, thấy một vài tờ báo một vài cuốn sách đeo cái lá nhãn ái quốc, người ta cũng ùa ạt đổ xô làm nghề buôn ấy, lúc nào cũng đạo mạo nói ra những lời cổ động, những giọng hăng hái nhiệt thành.
Nhưng cạn ao bèo đến đất, những thứ văn tự nhận là mang đầy tâm huyết ấy chỉ là một lối đầu cơ kiếm lời.
Hoa Bằng
Vài cái liệt điểm của một số nhà văn ta, Tri tân, 1942
“Tiểu thuyết của phường coi cổng”
Hiện bây giờ, những người gọi là trí thức của ta đều đào tạo ở hai trường Tây và trường Tàu. Hạng đào tạo ở trường Tàu – nói là hạng học từ chương cử nghiệp cuôí mùa thì đúng hơn -- bây giờ tàn tạ rồi. Còn hạng ở trường Tây ra, vì phải uốn theo khuôn khổ Tây, không thành người Việt nữa …
Không ở hai trường ấy ra mà lại làm văn sĩ thì thành hạng văn sĩ quốc ngữ, hạng chẳng có trí thức chi chi hết, chỉ múa mép láo mấy câu sáo cũ, mấy lời rỗng tuyếch chẳng có ích gì cho văn học, văn hoá một nước nào cả. Văn sĩ ta bây giờ chỉ có thể rơi vào hai cái bị. Một là cái bị Tây là bị lơ lửng giữa trời, không tây không ta; hai là cái bị quốc ngữ.
Cổ lai không có nước nào mà cái nghề làm văn sĩ lại dễ dàng rẻ rúng quá như ở nước ta hiện giờ. Ta thử đọc những cuốn tiểu thuyết bình dân, những cuốn tiểu thuyết bên Pháp gọi là “ tiểu thuyết của phường coi cổng “. Đọc những cuốn ấy, ta thấy rằng tác giả của chúng tỏ ra là người có trí thức ít ra cũng qua bậc trung học rồi nghĩa là có phổ thông trí thức rồi. Những cuốn tiểu thuyết hay nhất của ta bây giờ, già lắm chỉ bằng những cuốn tiểu thuyết của phường coi cổng bên Pháp mà thôi !
Nguyễn Triệu Luật
Làm sao mà gây được một nền văn hoá riêng, Tao đàn, 1939
Nhiều trò quảng cáo bỉ ổi
Người ta khoác bộ áo phê bình để thực hành cái dã tâm tâng bốc lẫn nhau, quảng cáo lẫn nhau. Anh Giáp viết đến mấy kỳ báo ca tụng “văn nghiệp “(!) của anh Ất (1); rồi anh Ất để thết lại, viết hàng mớ bài tán dương về văn tài về tác phẩm của anh Giáp. Nhưng bạn đọc, giá chịu khó tò mò đôi chút, sẽ biết rõ ngay hai anh ấy là bạn nối khố của nhau, lợi dụng tờ báo để công kênh nhau lên chín tầng mây biếc. Đáng tức cười hơn nữa, cùng trong một toà soạn, trong một đoàn văn, họ lại vẫn giở ngón quá chướng là phê bình tác phẩm của nhau với một giọng khen ngợi hết lời, hoan hô nhiệt liệt.
(1) Cũng như ngày nay hay nói anh A anh B, anh X anh Y
Hoa Bằng
Vài cái liệt điểm của một số nhà văn ta, Tri tân, 1942
Những nhạc điệu rời rạc, ẻo lả
Âm nhạc Việt Nam hãy còn ấu trĩ. Nhạc khí thô lậu chỉ đủ cho sự chơi cá nhân hay gia đình chứ không hợp với lối chơi công cộng, lại không biết rõ khoa âm hưởng học (1) nên sự lựa chọn chắp ghép hoá hợp cao độ của mỗi âm mỗi tiếng không theo một định luật nào cả. Nhạc phổ (2) không có, sự thống nhất trong các bản các bài cũng thiếu hẳn. Bởi vậy thường cùng một bài mà mỗi người chơi theo một cách, với những tiếng lèo tiếng đệm âm gió thêm vào hay rút bớt đi, tuỳ ở sở thích riêng.
Nhạc cổ Việt nam chỉ gợi được những cảm giác uể oải, yếu ớt bằng phẳng như cánh đồng lúa kéo đến tận chân trời. Sóng âm không bao giờ đột ngột vút lên hạ xuống làm cho các giác quan bị kích thích mạnh mẽ để nâng tâm hồn con người lên tới cái buồn thanh cao hoặc cái vui tráng lệ.
(1) ở đây có lẽ tác giả muốn nói tới những hiểu biết cần thiết giúp cho việc phối âm phối khí.
(2) bản nhạc được ghi trên mặt giấy
Lương Đức Thiệp
Xã hội Việt nam,1944
Nặng tính
trang sức mà thiếu sức sống
Nghê thuật Việt Nam thường bị bó buộc
trong lề lối cổ. Phải tôn trọng những phép tắc xưa, cho nên nhà nghề tài giỏi
mấy cũng chỉ phỏng lại những hình thức
có sẵn cho khéo, chứ không được theo tự ý mà
sáng kiến những cách thức mới.
Nhà nghệ thuật Việt Nam không phải là người
biểu diễn (1) ý chí tâm tình của mình, cũng không phải là người quan sát và
biểu hiện tự nhiên, mà chỉ là người giỏi bắt chước những kiểu mẫu sẵn. Có
muốn hơn người thì họ chỉ cốt ra tay cho khéo, chỉ cốt làm cho thật tỉ mỉ thật
tinh tế, thật dụng công, chỉ cốt xếp đặt các bộ phận cho xinh xắn lộng lẫy.
Tính chất đặc biệt của nghệ thuật Việt Nam là tính trang sức. Nó thiếu hẳn hoạt
khí, vì cách biến hóa tuy lưu động mà ở trong phạm vi hình thức, cách phối hợp tuy phiền phức mà ở trong phạm
vi thái độ chế kiểu.
Bởi thế mà nghệ thuật Việt Nam tuy có
tính chất lưu động (2) và phiền phức (3), nhưng thiếu hẳn hoạt khí (4), cách
biến hoá chỉ ở trong phạm vi hình thức.
(1)
nghĩa cũ: trình bày ra ngoài
(2)
theo ngôn ngữ thời nay, tức linh động,
lỏng, mềm mại
( 3) rườm
rà nhiều mối
(4)
sức sống
Đào Duy Anh
Việt Nam văn
hóa sử cương , 1938
Kiếp người bấp
bênh
văn chương sầu não
Sự đơn điệu tẻ nhạt của cảnh sắc thiên
nhiên, tính chất chu kỳ của thiên tai, sự cách biệt của các nhóm người, sự phân
chia nam nữ, nền giáo dục khắc nghiệt và khô khan khiến người Việt thiên về u
buồn và sầu não.
Cá
nhân bị giam hãm một cách chặt chẽ và giả tạo trong những khuôn khổ cứng nhắc
như gia đình và làng mạc đến nỗi họ không quan niệm nổi họ có khả năng hành
động một mình.
Vì thế khi môi trường chung quanh không
còn giữ họ lại bằng những mối ràng buộc thông thường mà lễ giáo quy định, người
ta dễ đắm mình vào những bài hát buồn bã u sầu, khiến mọi nỗ lực trí tuệ tiêu
tán.
Nền văn hoá vốn thấm nhuần lòng từ bi
Phật giáo cũng góp thêm phần dồn nén các dục vọng cá nhân. Rồi quan niệm siêu
hình của đạo Lão khiến nhiều tác giả thiên về một cái nhìn bi quan sâu sắc và một
sự mỉa mai chua chát.
Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Thu dạ
lữ hoài ngâm cũng như tác phẩm của Trần Tế Xương, Trần Tuấn Khải, Nguyễn
Khắc Hiếu chỉ là những tiếng vọng của nỗi đau nhân loại.
Trong nhiều tác phẩm khác, ta luôn luôn thấy
cùng những đề tài giống nhau về nỗi đau khổ, ước mong và hối tiếc, phản ánh tất
cả sự dồn nén tinh thần của cá nhân, hoặc gần như vậy, sự sợ hãi muôn thuở của
một kiếp người bấp bênh, một cuốc sống chật hẹp.
Nguyễn Văn
Huyên
Văn minh Việt Nam
1944