Trích từ chuyên mục
Người
xưa cảnh tỉnh
đã in trên Thể
thao và văn hóa 2005-2007
Các đầu đề nhỏ và chú thích là của người biên soạn
Không biết giữ chữ tín
Không giữ chữ tín thì anh lừa tôi, tôi lừa
anh, trăm chuyện sẽ nát, tinh thần xã hội tan rã (...).
Bất tín lớn nhất: một là dối trá. Nhiều người nước ta vụng trong đường mưu sinh (1)
nhưng lại giỏi dối trá giả mạo.
Hai
là bội ước các quy chế, chương trình, mà lại làm ra vẻ tuân hành. Nói mười
không giữ được hai ba. Ngay khi ký quy ước đã không có ý thực hiện, cứ ký bừa,
bất kể sau này ra sao. Cho nên quy ước chưa ráo mực mà như đã bỏ đi.
Còn như ước miệng (1) thì chỉ là “nói láo
mà chơi nghe láo chơi “(3) Những thói xấu ấy đầy rẫy mà cứ điềm nhiên không cho
là quái gở.
(1) kiếm
sống
(2) thoả
thuận miệng
(3) câu
thơ cổ Trung Hoa, được dẫn trong lời mở đầu truyện Liêu trai
Trần Chánh
Chiếu
Lục tỉnh tân văn, 1908
Hiếu danh
đến mất tự trọng
Dân ta là một dân rất hiếu danh, mà hiếu hư danh, tật đó dẫu người nông nổi xét
xã hội mình cũng đủ biết.
Từ trên xuống dưới, từ thấp chí cao -- từ
anh khố rách trong làng cố cầu cạnh cho được chức trương tuần phó lý để được
người ta khỏi gọi là bố đĩ bố cu; cho đến bậc phú thương nơi thành thị thi nhau
mà mua lấy tiếng ông bá ông hàn để ra mặt thượng lưu trong xã hội, cậu cả cậu
hai luồn lót hàng chục hàng trăm để được gọi là thầy thông thầy phán, -- hết
thảy đều như có cái ma lực nó run rủi, phải cố chuốc lấy chút danh tiếng hão
mới mãn nguyện.
Không có lòng danh dự mà có tính hiếu danh,
thời dễ táng thất(1) lương tâm. Quỵ luỵ khúm núm trước mặt người trên; châu
tuần (2) nơi quyền quý để cầu sự nọ, khấn việc kia, ví phải đập đầu xuống đất
mà lạy cũng cam tâm … Xét
cái danh dự phổ thông trong xã hội, cái danh dự hàng ngày hiển hiện ra trong
cuộc giao tế, thời phải chịu rằng người mình ít có thật(3).
(1) đánh
mất
(2) loanh
quanh chầu chực
(3) có
nghĩa, trên thế giới này, không có dân nước nào lại có cách quan hệ với nhau
như vậy.
Phạm Quỳnh
Danh dự luận, Nam phong, 1919
Bệnh giả dối quá nặng
Tục ngữ có câu nói rằng “Trăm voi không được một bát sáo “; lại có câu
rằng “mười thóc không được một gạo”.
Xem đó mới biết tính chất người nước ta
chứng bệnh giả dối là một chứng rất nặng.
Sĩ (1) hay giả dối thì tìm tòi đạo
lý không cậy óc mà cậy tai (2);
nông hay giả dối thì cày cấy ruộng
trưa (3), không cậy người mà cậy đất (4);
công hay giả dối thì
phấn sức lừa đời mà không cầu thực dụng;
thương hay giả dối thì đua nhau bòn vặt mà
mất cả lợi to, thậm chí mướn đạo đức làm lối cầu danh mà trát vàng ở ngoài mặt,
mướn nhân nghĩa làm mồi cầu lợi mà xức mật ở đầu môi.
Chẳng những ngoài đối với xã hội trên đối
với quốc gia, gốc cây trăm năm đủ bị con mọt giả dối kia đục đổ, bức thành muôn
dặm đã bị con mối giả dối kia xoi (5) tan;
mà lại trong đối với một nhà, dưới đối
với một mình cũng mắc con ma bệnh giả dối đo đục thấu cao hoang (6), khoét vào
cốt tuỷ;
tay
dối lòng, miệng dối dạ;
ăn bánh vẽ mà toan đầy bụng, mặc áo giấy
mà đi với ma, kết quả không việc gì là việc thật...
(1) từ đây trở xuống,điểm qua sĩ nông công thương là bốn loại người trong
xã hội
(2) ý
nói chỉ nghe hóng mà không chịu suy nghĩ
(3) mãi trưa mới ra ruộng
(4) dựa
vào đất đai màu mỡ chứ không dựa vào lao động chăm chỉ
(5) làm
cho thủng
(6) chỗ
trọng yếu trong con người
Phan Bội Châu
Cao đẳng quốc dân, 1928
Sợ mang tiếng
chứ không phải sợ cái xấu
Tống
nho dạy người ta phải thúc nhân quả quá
nghĩa là phải bó mình cho ít lỗi, chừng
nào hay chừng nấy.
Hạng quân tử ở nước ta mà tôi thấy, hầu hết ở trong cái phạm
vi của Tống nho. Giữ mình đừng đánh bạc, đừng uống rượu, đừng mang tiếng xấu,
ấy là họ kể chắc mình làm quân tử rồi.
Thế nhưng có phải họ giữ mình thật được như vậy đâu. Trong đám họ có
nhiều người giả hình làm bộ đạo mạo.
Sở dĩ giữ mình là chỉ sợ mang tiếng; nếu
khi thấy không ai biết việc mình làm, chắc khỏi mang tiếng thì việc bậy gì
chẳng làm. Ấy là hạng quân tử giả dối, tiểu nhân đặc(1).
(1)cũng như nói điếc đặc là điếc thực sự điếc không còn chữa được nữa, tiểu
nhân đặc tức là tiểu nhân chính hiệu.
Phan Khôi
Hạng quân tử giả dối, Phổ
thông,1930
Chỉ giỏi
diễn trò trước mặt mọi người
Bọn thượng lưu trung lưu phần nhiều mượn
những lốt lễ nghĩa rất kỳ khôi của bọn tà nho để che miệng thế gian chớ không
có gì hiếu thuận cả. Khi tang ma, nào là nằm đường, nào là chống gậy, nào là
khóc mả, nào là ở dơ (1), nhưng kỳ trung có thương xót, có yêu dấu gì đâu, chỉ
đem một trò giả dối diễn ra trước mặt mọi người mà thôi.
(1)
Những việc người xưa cho là khi cha mẹ
chết, con cái cần làm để tỏ ra là người có hiếu
Phan Châu Trinh
Đạo đức và
luân lý Đông Tây, 1925
Kiêu ngạo,
hợm hĩnh,
theo đuổi
những cái hão huyền
Kiêu ngạo lộ ra ngoài mặt là những kẻ làm bộ
làm tịch, ta đây kẻ giờ (1), khinh người bằng nửa con mắt. Lại có thứ kiêu ngạo
kín ở trong bụng, nghe điều trái tai không cãi, thấy điều chướng mắt không chê,
chỉ nói mát một câu hay cười nhạt một tiếng.
Có kẻ bụng dạ nhỏ nhen thì sinh
ra kiêu ngạo, hơi một tí đã có tính hợm. Vậy nên đấng nghiêng trời lệch đất
không kiêu ngạo bằng những kẻ đội lốt sư tử, tiền rừng bạc bể không kiêu ngạo bằng
những kẻ mầu mỡ riêu cua.
Có kẻ tư tưởng sai lầm thì sinh ra kiêu
ngạo. Ăn tàn phá hại lại tự cho là sang
trọng vào nhòng, lừa dưới dối trên lại tự cho là khôn ngoan chẻ vỏ (2).
Kiêu ngạo lại thường là một người ngu, ếch ngồi
đáy giếng coi trời bằng vung, vịt lội dưới ao chê sấm là nhỏ.
Kiêu ngạo không chỉ là cái cớ riêng của đám
người không có giáo dục mà còn tại tập tục và trình độ cả đám đông xã hội.
Còn người thì thào những canh thua canh
được thì con bạc mới sĩ diện đổ hào;
còn người bình phẩm những cỗ to cỗ nhỏ thì nhà đám mới lên câu thịnh soạn; còn người ước ao những tầm
long tróc hổ(3) thì thầy địa lý mới lên mặt chỉnh
tôn; còn người mê mẩn những tính quỷ
hồn ma thì phù thủy mới rung đùi đắc pháp
(4).
(1)
một thứ “ anh hùng thời đại “
(2) Vào
nhòng chẻ vỏ là gì, chúng tôi chưa tra
cứu được
(3) Tìm rồng bắt hổ
(4) những
chữ in nghiêng: một số tiếng lóng, chỉ sự
hoàn hảo cao độ mà đám bịp bợm trong các nghề thường mang ra khoe
Nguyễn Đỗ Mục
Gõ đầu trẻ Đông dương tạp chí 1914
Khiêm nhường giả, kiêu căng thật
Có sao nói vậy mới là ngay thật. Vẫn biết
tự khiêm là một nết tốt, song làm người có sự tự tin thì mới ra người. Cái chỗ
mình đã tự tin rồi mà nói ra không dám tỏ ý quả quyết, thì lại thành ra giả
dối, mất sự ngay thật đi.
Người nước mình đã giả dối có tiếng, mà
trong đám học thức, cũng lại giả dối quá người thường.
Thật bụng thì kiêu căng tự phụ, coi người
ta nửa con mắt, mà nói làm ra bộ khiêm nhường, theo lời tục nói, ở nhà như con
tép.
Cái sự tự khiêm giả dối ấy mỗi ngày một
thêm lêm, làm cho sự tự tin mất đi; dần dần chẳng có ai dám chịu trách nhiệm
trong việc gì hết, mà ai ai cũng thành ra hiền nhân quân tử hết, vì chỗ tự
khiêm đó.
Đó là cái bệnh di truyền mà Tống nho đã
để lại.
Phan Khôi
Sự ngay thật của
học giả, Phổ thông, 1930
Hay
tự ái và thích chơi trội
Người Việt rất hay tự ái. Không
mấy khi họ thú thât nỗi cực nhọc từng phải chịu.
Nhưng tính tự ái thường đi đôi với tính
khoe khoang. Họ dễ kiêu căng.
Ở
nông thôn vấn đề thể diện có một tầm quan trọng xã hội hàng đầu. Người nông dân
rất thích nổi bật trước mắt kẻ khác, và thích nên danh nên giá.
Để chiếm được một vị trí tốt giữa những
người trong cùng cộng đồng, nói chung là để thoả mãn tính hiếu danh, họ chẳng
lùi bước trước một điều gì.
Họ sẵn sàng nhịn hẳn thịt cá và các món
ăn ngon lành trong cả năm, hay mặc những bộ quần áo vá chằng vá đụp, chỉ cốt để
có tiền tổ chức những bữa khao vọng linh đình nhân được thụ phong một loại bằng
sắc nào đó.
Nguyễn Văn Huyên
Văn minh Việt Nam , 1944
Tinh thần voi nan
Còn
những tật xấu riêng của người Việt ta là gì? Chỉ cần kể ra đây một cái tật đại
biểu, cái tật to lớn nhất, rõ rệt nhất, có hại nhất là cái tinh thần mà tôi gọi
là: tinh thần voi nan. Phải, những con voi to lớn lắm, có đủ chân đủ vòi, nhưng
nó ở trong bằng nan ở ngoài bằng giấy.
Trong kinh tế những cái imprimerie
hay boulangerie univérselle (1) chẳng hạn là những cái nhà có dăm
mươi thợ làm; những đại thương cục (2)
là những hiệu bán một ít khăn quàng bít tất; thì trong văn chương nhiều quyển
sách là những sự bôi phết qua loa chẳng đủ tài liệu mà cũng chẳng nói ra được
điều gì mới lạ.
Mấy năm nay, các bạn chắc cũng bị bị
cái mã khảo cứu nó đánh lừa; mua quyển sách về được cái bìa là có ý nghĩa.
Một bản dịch Ly tao mà đem điệu Sở từ dịch qua loa ra lục bát là voi
nan. Một tập sách nói nhảm dông dài mà gọi là tiểu thuyết; một quyển sách gọi
là Hát dặm Nghệ Tĩnh mà chỉ góp nhặt những bài hát dặm vài huyện Nghi
Xuân Can Lộc tại Hà Tĩnh, chứ chẳng thấy tỉnh Nghệ An ở đâu: đều là voi nan cả.Voi
nan để lừa độc giả, voi nan để làm tiền; kể làm sao xiết voi nan!
(1)
Tiếng Pháp chỉ các nhà in các cửa hàng bánh mì
lớn.
(2) giống như các trung tâm nọ trung tâm kia
thời nay
Xuân Diệu
Sinh viên với quốc văn,
1945
Học đòi, làm dáng
Cái hiếu thượng (1) của số đông người
mình đã lộ rõ ở từ ngôn ngữ đến cử chỉ, từ hành vi trong gia đình đến động tác
ngoài xã hội.
Người ta chơi câu đối? Phần đông không phải vì thích chữ tốt yêu văn
hay, nhưng vì muốn sĩ diện ở mấy cái lạc khoản (2) có chức tước.
Người ta in danh thiếp ? Không phải vì cốt thông tính danh, tỏ địa chỉ,
song hình như chỉ cốt trưng những chức sắc, tước trật, và phẩm hàm.
Người ta đăng cáo phó ? Có lẽ ít vì cốt để báo tang, nhưng phần nhiều
cốt để lợi dụng cái chết của ông bà cha mẹ mà quảng cáo cái danh phận của con
cháu.
Cái bệnh hiếu thượng ấy truyền nhiễm đến cả nữ giới làm cho lắm người
cũng mắc lây. Một dạo ở xã hội ta nổi lên cái phong trào phi cao đẳng bất
thành phu phụ. Vì thế trong cuộc hôn nhân đã xảy ra lắm chuyện buồn
cười. Hoặc mượn văn bằng của người khác để đưa nhà gái sát hạch lúc cầu hôn;
hoặc giả làm nhà tòng sự suốt mấy tháng để nhà gái nếu có dò la vẫn thấy sớm
vác ô đi tối vác về.
(1)
thích hướng
lên trên, tức hiếu danh, hiếu đại
(2)
tự đề tên họ
chức tước ở một góc câu đối
Hoa Bằng
Hiếu thượng, Tri tân,1943