Nhật ký chiến tranh
16/6
Tôi ngồi dưới một bóng tre, gió thổi đến không thể ngủ được. Dưới chân tre là con suối. Những con bò đủng đỉnh xuống uống nước, một lũ trẻ lấy sỏi dưới lòng suối ném vào lũ bò, đuổi chúng lên. Chỉ nghe lũ trẻ nói chuyện, mới nhớ ra rằng chúng là người Quảng Trị. Một ông cụ mặc cái áo rằn ri, nhưng lại đội mũ giải phóng - ở đây, người ta là thế, mỗi người đều mang trong mình hình ảnh của đất nước.
Một người bạn tôi nói bọn trẻ con này cũng mang chất Việt Nam hóa.Tôi nghĩ hình như không phải là như thế. Nhưng nên nói thế nào thì tôi không biết.
Mấy hôm nay và mấy hôm tới chúng tôi đi lại trên đất Quảng Trị. Có mặt trên những con đường miền Tây, cả những nơi chưa có ai đặt chân tới. Một người lính bảo cứ theo bản đồ mà đi. Vừa đi vừa mở đường. Đến cả quê hương tôi, có lẽ tôi cũng không phải nghiên cứu phải thuộc như đất Quảng Trị đây, nhưng vẫn là phải đi thôi -- cậu lính đó kết luận.
Vượt quá lên những ngọn đồi miền Tây, đã có thể nhìn thấy núi. Dưới chân chúng tôi là con đường mòn. Hai bên đường, những vạt cỏ gianh lì lợm và cần mẫn sống. Cúi thấp xuống, cả vạt đồi, như oằn lưng chịu đựng, những ngọn đồi như chết đi không còn sức sống nữa, nhưng từng cây vẫn rạt rào lên trong gió, rướn lên, quẫy lên, như không chịu lẫn đi mòn mỏi trong rừng.
Giữa một vùng đồi cứ thấy rơi rụng hai bên đường những mẩu giấy lương khô lẫn đạn. Bộ đội đã đi qua đây. Còn bên ngoài là đường tăng, bất cứ ngọn đồi nào cũng là đường tăng. Hai bên đã cùng quần nhau trên mảnh đất này... Tôi đang đọc bản tiếng Nga cuốn Ngài đại sứ trong đó một nhân vật phụ nữ Mỹ cũng biết rằng mấy chục năm nay, Tổ quốc VN của tôi liên miên chiến tranh - những thế hệ liên tiếp đã kế tiếp nhau cầm súng. Không thể chỉ nói những người phụ nữ mới chịu đựng cảnh đau khổ này như những nhà văn tình cảm chủ nghĩa thường nói. Những người đàn ông chịu đựng những điều này đầu tiên, nặng nề nhất. Kinh khủng nhất là cái ý tưởng chiến tranh quá độc ác, nó biến tốt thành xấu, và người lương thiện cũng có thể gây tội ác. Tôi nghĩ đến những người Đức, người Trung Quốc - dẫu sao đánh nhau một hồi nay họ cũng đã được nghỉ. Chỉ mình là còn đánh nhau. Phương Tây hay nói đến "bí mật châu Á" có lẽ để chỉ có một cái gì đó khủng khiếp ở đây chăng. Chỉ biết đó là một số phận. Những lãnh tụ của đôi bên đều không hình dung hết mọi chuyện. Nhưng rút cục, như tác giả Ngài đại sứ nói, sự giết người, cái tiếng đó ở đây đã phổ biến quá.
Buổi chiều, lũ trẻ ra suối tắm, chơi trò hai bên đánh nhau. Bọn phản động, tấn công. Không cho chúng nó xâm lược. Quyết tâm chống Mỹ cứu nước. Chống cộng cứu nước - hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi.
Những chữ nghĩa chính trị vào đời với chúng nó, ngây ngô lạc lõng mà lại tự nhiên, và cứ thế, cứ thế rất có thể, chúng nó chia làm hai phe đánh nhau tiếp tục cho tới khi rất nhiều đứa chết.
Nhưng như thế thì bi quan quá! Có lẽ không nên nghĩ thế. Nhớ một hôm, bên một dòng suối, một đồng chí nói:
- Đời con mình mà còn đánh nhau, thì đất nước này tan hoang chứ còn gì nữa?
... Nhưng mà thôi, đừng nói đến những chuyện trên, đến những người chết và phần chết trong tâm hồn những người sống - hãy nói đến một cái gì gần gặn hơn, những người đang quằn quại vì bom đạn.
Người lính là gì? Những mẩu cao su dưới đất cũng nhặt. Nhưng có khi cả quần, cả áo, cả nửa cái khăn mặt cũng vứt. Những người lính miền bắc vào một thành phố miền nam, dí mũi vào mọi thứ, chả hiểu cái gì, cuối cùng đành tặc lưỡi mình có cần gì mà phải hiểu.
Cứ thế, những người lính sống vạ vật và tha thẩn khắp rừng núi, khắp những làng xóm và phố xá đang tanh bành. Nhà cửa hoang vắng. Tất cả lộn nhào cả lên, người ta vứt ngổn ngang ni lông, giấy, đạn ra rừng ra suối rồi người ta rẽ lối mà đi.
Một mùa hè Quảng Trị. Mặt đất đang bị mặt trời thiêu cháy, hay là con người tự hủy diệt đang tự dày vò tự thiêu cháy.
Một anh bạn tả Quảng Trị: Thành phố bây giờ là phố xá của ruồi và của lính.
Ngay từ hồi mới vào, đã nghe nói đến những đàn chó lang thang khắp làng xóm bị tàn phá. Chó không có người nuôi tập họp nhau lại, đi tìm ăn, ăn lá, ăn cỏ, ăn thịt những con vật khác, và con vật tiêu biểu cho cuộc sống thanh bình như thế, biến thành con vật hoang dại, thành một đám quái vật, đám âm binh lang thang vô định. Con nào con nấy gầy rạc đi, nhưng săn chắc lại. Không có người chỉ huy, bất cần, bám vào cuộc sống xa lạ mà phải sống. Những con chó rúc đầu vào những con lợn đang trương phềnh lên, đến nỗi không thấy đầu chó đâu nữa.
Một ý nghĩ phản nhân đạo chăng - trong thời đại này, tất cả chúng tôi, những người lính đều là những con chó hoang?
Khi tôi ngồi viết những dòng này, những người lính vận tải qua sông Ba Lòng, một thứ lính thổ phỉ, đang ngồi thái thịt bò. Đêm qua đến, đã nghe sau một hố bom, tiếng kêu cứu ái ngại, thương tâm, tiếng kêu những con bò lang thang. Sáng ra, thỉnh thoảng thấy những tiếng súng. Lính của một đơn vị nào đó bắn bỏ. Nhiều bò quá, đến nỗi lính kén cá chọn canh, bò già chê không ăn, chỉ ăn bò non. Một con bò bị bắn, vì lý do nào đó bị chê, loại ra. Trong nắng chiều, đám lính bảo nhau ra chặt mấy đùi mang về. Một người lính quần đùi, áo dài, đầu trọc, người cao ráo, chân đi dép dọ, trông như một ác ôn. Cậu ta mài dao, ra đưa vài nhát dao là được cái đùi. Moi tim bò, xoáy mũi con dao vào tim cho hết tiết đọng. Và chiều nay, tôi sẽ được ăn thịt bò ở đây, như tất cả những người khác.
... Rồi đời sống sẽ ra như thế nào?
Trên mặt đất Quảng Trị đây, nhìn xuống bất cứ mảnh đất nào dưới chân, cũng gặp những vật phẩm của người lính, của ta hay của địch. Và tôi cũng là một vật phẩm như vậy.
Cây ổi tôi đang mắc võng đây, quả đang xanh, cành bẻ bai ngang dọc. Bao giờ không biết, quả sẽ chín, nếu không bị đốn thì chúng sẽ nẫu ra mà chín, và ai sẽ ăn những quả ổi đó, --những người lính hay những người dân đầu tiên trở về làng cũ?!
Tôi đang đi theo một tốp cán bộ Tổng cục xuống theo dõi đơn vị, chính thức gọi là đi công tác ở chiến trường.
Cách làm việc của tôi thường là vội vã, mò mẫm nhặt nhạnh tài liệu chuyện trò với lính và cán bộ, cái gì cũng phải làm ngay. Vì sao ư? Trong thâm tâm lúc nào tôi cũng chỉ nghĩ tới chuyện quay về Hà Nội.
Nhưng cùng đi với tôi, có những người khác, như S.N. Anh ta la cà với lính, nói chuyện rất dông dài, kể chuyện hậu phương. Có đám chè lá, ăn uống, bàn bạc nào là anh ta len ngay vào. Anh ta hay hỏi người lính từ một khẩu súng, một trận đánh, cho đến các loại lương khô khác nhau, loại nào ăn ngon, loại nào ăn dở. Anh ta sục ăn, ăn các thứ lương khô rất giỏi, và ngủ, thế nào cũng ngủ được.
Ở khía cạnh ấy tôi rất ghét S.N. Nhưng rồi chợt nghĩ biết đâu đó chẳng là cách nghĩ của người lính, cách sống của người lính. Phải như thế, người ta mới sống được.
17/6
Dừng lại ở ven sông Ba Lòng.
Xế trước cửa ngoài, là con đường tăng. Dân chạy qua hớt hải. Quần áo cụt chẽn, vẫn phải chạy trong lớp khói bụi mù. Chạy bổ ra phía con sông Ba Lòng phía trước đó, mà giá tỉnh táo biết ngay là một cách tự tử, nhưng người ta vẫn chỉ có hướng đó để chạy.
Qua sông Ba Lòng. Đi dọc con sông, những chuyến xe đổ, đâm cả xuống sông, xe vứt bên đường.
Những con bò chết, dòi từ trong bụng dòi ra, lúc nhúc, chỉ còn cái sừng, và cái đầu móp lại. Tiếng một người đuổi cái gì đó, chạy ra như đuổi kẻ trộm ven sông. Một đồng chí kể vừa phải đi đuổi bò đấy. Bò chạy hàng đàn, máy bay tưởng là người mình vượt sông, nó bắn, nó ném bom, thì cũng lại đến khổ.
... Một xóm ven đường, bà cụ già thấy bộ đội đi qua: Đừng hút thuốc nữa đi. Hút thế lửa đỏ còn gì ?
Khi những người dân phải sống như những người lính, thì quang cảnh trông thảm hại và đau xót.
Những người dân Long Hưng, Hải Phú, thôn lương là đất nhiều người theo cách mạng. Đã bị dồn lên ấp, bây giờ bỏ về làng, và họ, cả gia đình, sống trong hầm. Đồ đạc, thùng chậu, máng mỏng mỗi nơi vứt một ít. Nuôi lợn, quây hai mảnh tôn vòng cung lại - nuôi giữa vườn. Cho lợn ăn, thái mít non trên một cái túi cát bằng ni lông vứt bừa ra. Nơi đây, chỗ nào cũng thấy những túi cát bằng thứ ni lông hạng bét này, người ta xúc đất chặn hầm, làm hai cái trụ kê bàn, lính lấy làm túi giao liên, và người dân nhặt nhạnh, tháo cát ra, làm cái rổ.
Ông chồng 44-45 tuổi, vợ trông già hơn. Răng đen. Chồng mặc cái áo rằn ri... Nhưng ông toàn kể con đi giải phóng, em gái theo cách mạng. Theo bên nào thì theo một bên. Chả có lý lại cháu bắn o, anh em bắn chắc, ông bảo. (Tiếng Quảng Trị cũng giống tiếng Nghệ, bắn chắc là bắn nhau).
Hầm dựng toàn bằng đồ sắt Mỹ. Trước cửa hầm, hai túi hoa ny lông. Ni lông là cái đồ chỉ đẹp khi mới, mà sau đó, thì dơ dáy, keo bẩn trông phát kinh.
18-6
Vượt qua con đường số 1 do Mỹ mới làm, đường to, nhựa trộn đá rải kỹ - đạn pháo trúng đường không việc gì. Những chiếc xe bị phá tanh bành. Những khẩu súng. Những băng đạn (Lần đầu tiên tôi thấy những băng đạn dài như vậy, như một con rắn, nằm dài vắt ngang đường. Sau anh em bảo rắn cạp nong gì, đạn đại liên đấy).
Những cồn cát đi lún chân ở đất Hải Lăng. Một bãi tha ma trên cát. Những tấm bia bằng gỗ rất mới. Một bia đề Hai con bà Dông... Mộ ở đây rất to.
Một bà mẹ, người ngắn ngủn, lưng còm, cái áo trong ngắn tạm bợ, mặt loắt choắt, lông mày ríu lại, một con mắt hỏng. Nụ cười khi gặp bộ đội vui, cởi mở, nhưng là nụ cười của người già, không còn hy vọng gì nữa. Nghe bà kể, chồng đi tập kết. Nhà ở với bà bây giờ chỉ còn một cô con gái. Chị là bí thư xã đoàn cũ, vừa đi ở tù về, làm ăn giúp mẹ, nhưng nghe còn đờ đẫn.
Làng thuộc loại khá, 60% theo cách mạng, 40% theo ngụy. Nhà cửa hẹp, nhà tôn, còn như kiểu Quảng Bình, chuồng lợn quây kề ngay bếp, buồng tắm. Phải trông tranh để lợp thêm nhà, đang thiếu muối. Bữa nọ, bảo mua muối tính độ 2 tháng, nay hơn 2 tháng rồi, vẫn chưa có muối tiếp thêm. Người con gái đau ốm, chờ đợi có thể được ra Hà Nội chữa bệnh. Mà liệu có ra được.
- Mấy anh ở đâu về?
- Ở trên núi xuống.
Quý bộ đội. Nghèo nhưng vẫn nấu cháo mời ăn.
Làng lập du kích, bộ đội địa phương. Người thanh niên cưỡi hon đa, đeo AK đi trong làng, mang giấy tờ công văn rất oai. Mấy người ngồi trong một nhà tôn cũ, súng để bên người, súng vứt la liệt dưới đất. Trông những thanh niên mình mặc áo ngụy, lại cầm súng Mỹ, sao người ta vẫn dễ trờn trợn. Có thể lúc nào đó, những người này sẽ bắn vào mình.
Một khu được địch xây dựng thành khu điển hình, toàn những biệt thự nhỏ vườn tược rào dậu chung quanh, nhà xây, trong nhà đồ lề nhiều, toàn đồ sinh hoạt của dân thành thị.
Tri Bưu.Toàn gia đình cốt cán của chính quyền, nhà phó ty cảnh sát, nhà vợ tỉnh trưởng... Những nếp nhà sầm uất quây quần quanh nhà thờ. Hồi trước, khi Nguyễn Văn Thiệu về, không vào Quảng Trị mà vào Tri Bưu đây ngủ...
Nhưng mà nơi đây, lần đầu trong chuyến đi, tôi sống những cảm giác thanh bình của một gia đình yên ả. Những buổi chiều ngồi ăn cơm trong bóng mát căn nhà, những đêm trăng mà không muốn ngồi trong hầm, tôi chỉ muốn ra ngoài hiên, ngắm mãi vòm trời thật cao.
Đứng trước cảnh nhà cửa bị phá phách, tôi kinh sợ, cũng như đứng trước sự nghèo nàn vậy. Nữa đây là sự nghèo nàn cao độ về mặt tinh thần.
Phá phách có nghĩa là rối loạn, bẩn thỉu, tạm bợ, liều lĩnh, và cũng có nghĩa là bất cần, là đặt mình lên trên người khác. Cho mình một cái quyền tối thượng như chúa.
Tôi đang đi trên một vùng đất mà lúc nào trên trời cũng có tiếng máy bay, mây ùn ùn trên trời là mây từ một đám bom kéo lên, và thỉnh thoảng, lại một vệt cháy. Đạn tăng tốc, lửa tóe ra trên bầu trời.
Tôi đang đi trên một vùng đất mà mặt đất xáo lộn, nhìn đâu cũng có những bụi cây bị bom phạt, những hố bom, vùng đất mà nhà cửa tung tóe, những người dân và những người lính soi mói lục lọi trong những đống gỗ, đống giấy, đồng quần áo vụn, tất cả trộn lẫn với đất, với mạng nhện, bụi, trở nên bẩn thỉu và nhơm nhếch. Chỗ nào cũng thấy những đống rác, người ta sống giữa những đống rác và chỉ thu hẹp lại, sạch sẽ trong một khoảng nhất định.
Chỗ nào cũng có thể gặp những thứ có thể giết người, những băng đạn vương vãi. Biết đâu chỗ nào còn bom bi, chỗ nào còn mìn. Và kia, biết đâu bữa trước, kia là nơi mà một người nào đó nằm xuống.
25/6 Đến C3 chốt tại ngôi nhà tỉnh trưởng QTrị
Vẻ đẹp của văn minh không đâu thấy rõ bằng thành phố, thì khi bị tàn phá, cũng không đâu bẩn thỉu bằng thành phố.
Một đống rác khổng lồ, người ta làm ra bao nhiêu, thì bây giờ phá đi bấy nhiêu, khi tất cả như vữa ra, như lộn xị. Và luôn luôn mình có cảm nghĩ mình không thể sạch được, vì mình đứng giữa một đống rác.
Tất cả bị xáo cả lên, quấy lộn lung tung đến nỗi trông thấy bất cứ một vật gì, cũng có thể đặt câu hỏi -- lý do nào đưa nó đến đây không biết? Và lại có thể hình dung "số phận" của nó qua bàn tay những người lính -- một cậu nào đã lôi nó từ trong nhà ra, một cậu khác lôi tiếp, một cậu khác lôi tiếp. Và không biết bao nhiêu bàn chân đã thúc vào nó...
Trông thấy những vật dụng quân sự vung vãi đã thấy sợ. Nhưng trông thấy những vật dụng trong gia đình vứt ra lung tung, lại càng thấy khó chịu hơn nữa. Cái quạt, cái máy khâu, ít đồ thờ... Không có lý gì để vứt ra lung tung như thế.
Đằng sau thành phố, chỉ còn một biểu hiện của đời sống hôm qua là dòng sông. Con sông Thạch Hãn quãng này hai bên bờ đều dựng cả lên. Sông vẫn chảy, nước vẫn trong - những xác người, những dây lưng, những súng ống vứt xuống lòng sông đã theo cát cuốn đi xa.
... Ước cho mọi điều có thể biến đổi nhanh như thế.
Một phòng tuyến mới hình thành. Sông Bến Hải thay bằng sông Mỹ Chánh. Khu vực Hải Lăng, thay thế cho khu vực Vĩnh Linh. Đêm đêm, lúc thấy pháo sáng rơi nơi đó, B52 thả nơi đó, quân hai bên thọc sang nhau. Và những người dân được bố trí chạy bớt cho khỏi vướng.
Nhưng mà hẳn không phải không còn gì giao lưu giữa hai bên bờ sông. Liệu có người dân nào vẫn trở đi trở lại? Cái mạch nối của non sông đất nước, cái đó ra sao?
Một cô gái ở trần gội đầu trên sông Thạch Hãn quãng gần nhà tỉnh trưởng mà đơn vị tôi đang ở. Con sông nước xanh, con sông nước lên gần kín bờ, không có những bãi cát rộng như sông miền bắc mà nom như những kênh rạch Nam Bộ. Sông đầy đặn quá yêu thương quá. Sông và người như cái gì còn sót lại của đời sống thanh bình.
Tôi đi giữa những đống gạch vụn. Mấy người đàn ông dân ngoài thị xã đang đi nhặt từng mảnh tôn, một người ngẫu nhiên móc ra một cái lược. Có lẽ trong một thành phố ê hề của cải thế này, người ta cũng không thể biết là mình cần cái gì, và cái gì thật quý hơn.
Thú thực thỉnh thoảng tôi cứ chờn chợn. Họ có thể nấp vào đâu đây, tung ra một vài tiếng nổ.
Dù là thuộc phe nào chăng nữa, thì vào một ngôi trường bị phá, người ta cũng phải cảm động. Những trang sách lất phất dưới chân. Những quyển sách giáo khoa như một thứ lương tâm của tuổi trẻ. Hẳn nhìn trang sách bị giẫm nát sân trường người ta không khỏi nhớ tới quyển sách giáo khoa của đời mình. Ai cũng từng có những quyển sách như vậy.
Khi ra thành phố, tất cả những người lính bị cuống lên trong một thứ việc khác, việc lắp pin mắc đèn để bàn, để ngủ. Phong thường đi trinh sát hay tìm địa điểm phòng bị, có thể bảo xục xạo đủ chỗ, nhưng rồi đi đâu thì cũng chỉ lục mang về ít bóng đèn. Nơi bàn đầu giường mấy ông trẻ hơn, hoa ni lông chất lên, và dăng đèn, như thể cây thông Noel. Và tất cả đều có cảm tưởng là rất militaire. Như thể những đơn vị cảnh vệ trong thành phố, những đội bảo vệ thủ trưởng cấp cao, nếu có thể nói như vậy.
Lại còn chữa xe đạp. Lại còn kiếm vải về may quần áo, và một cậu không hề biết may vá gì, cũng ngồi vào may. Và dần dần trở thành một tay thợ may chuyên môn may quần đùi cho bộ đội. Rất nhiều người trong đại đội mặc quần giống nhau.
Hình như những người lính luôn luôn muốn làm một việc gì đó, nghịch ngợm một thứ gì đó. Nhưng người ta vẫn ngầm hiểu các công việc ấy các đồ vật ấy không để làm gì cả. Nếu mai phải đi, thì dứt ra đi ngay được.
28/6
Thành phố bị tàn phá, tất cả mọi thứ đều có thể bị lật tung ra, và người ta có lẽ đã lật tung những thứ mà không ở nơi nào người ta có quyền lật tung ra hết. Những tủ sách bị đập vỡ, những cái đài vứt tung tóe, những chén tách bị xô đẩy. Tất cả trở nên nhào lộn chắp vá. Khi anh cầm bất cứ một vật gì lên, anh biết ngay rằng đáng lẽ nó không như thế này, và một bàn chân nào trước anh đã giày đạp lên nó. Đôi lúc tôi như sững sờ không tin những điều mắt mình nhìn thấy. Không bao giờ tôi tưởng tượng được là có những cảnh này. Những người khác lấy một quyển sách xong có thể vứt ngay đi. Tôi thì tôi phải cẩn thận xếp lại chỗ cũ. Và rất phiền lòng, khi phải đặt chân trên những quyển sách đó. Có lẽ đã hơi tình cảm chủ nghĩa quá chăng. Đáng ra, là không nên như thế, cái thoáng tiếc xót đó. Nhưng không khác được.
Những người chiến sĩ, ở đây làm mọi việc rất thoải mái. Các anh lôi về chỗ ở những thứ rất vớ vẩn. Và rồi lại vứt ngay đi, hay cho những người khác.
Không ai tỏ ra thích thú trong việc đi lục lọi này cả. Hình như đã vào đây thì phải lục, phần thì thỏa chí tò mò, phần để kiếm ăn. Nhưng nhiều người, vẫn ao ước rằng giá kể được ở một chỗ khác thì tốt hơn.
Hôm nay, thành phố lại gió quá. Gió lay những mái tôn lúc nào cũng xôn xao. Gió thản nhiên thổi, mà cũng đủ làm các mái tôn rên rỉ mãi không thôi. Gió thổi cát phủ lên bàn ghế, sách vở. Gió lật tung các thứ giấy. Khi nghe ai đó kể gió có thể xô đổ cả một cái cột lớn thì tôi ngờ không chừng gió có thể lật tung tất cả mọi thứ trên đời, gió thổi cả cái nhà này và thổi tung mình đi lúc nào không biết.
Thành phố đã bẩn, lung tung đến nỗi không một sự phá phách nào của một người có thể làm cho nó bẩn thêm nữa.
Nhiều xác người chết. Hôm nọ một cậu Nghệ An đã bảo đừng ăn thịt chó. Chó ăn cả thịt người rồi.
Vẫn có nhu cầu về trật tự. Mấy cậu bộ đội gác ở một góc đường vào thành phố. Rồi cũng chỉ để làm vì thôi. Anh em đi lại rất nhiều. Phải đẻ ra giấy cho phép đi lại. Nhưng một cậu đế luôn:
- Toàn giấy không hợp lệ thôi. Cứ theo an ninh phổ biến, thì chỉ còn giấy của chính ông ta là giấy hợp lệ.
Khi tôi viết những dòng này, tiếng víu oàng của những loạt pháo kích nghe rõ hơn hết. Một thằng liều như tôi, nhiều lúc vẫn phải tính chuyện xuống hầm. Địch đổ nghe gần đây, cách đây 8km. Suốt ngày ở cái C bộ chỗ Quảng Trị này, đại diện những đơn vị pháo, bộ binh đến trao đổi, phối thuộc. Tiếng chuông điện từ đủ các B dội về, nghe cập rập đến nơi rồi. Những ngày xả hơi của người lính như đã qua, bắt đầu căng thẳng. Hầm làm chưa xong là phải làm đêm luôn cho xong. Đi đâu một người cũng phải báo cáo. Người lính nào cũng phải bước vội. Hình như là đây mới thật là những phút thật sự của người lính, và người ta cảm thấy cần súng đạn hơn bao giờ hết. Mọi đối chiếu với luật thời bình đều sụp đổ.
Tuổi trẻ miền Nam và hiện tình đất nước ( lá thư của một sĩ quan SG)
Trong kiếp sống của một thằng con trai trong thời buổi này, phải tự tự lựa chọn lấy thái độ sống.
Một là bằng lòng nhập cuộc đem tài sức mình để ngăn chặn sự xâm lăng của đồng đô la Mỹ, chăn chặn sự bành trướng của thiểu số trưởng giả cắt cổ dân lành, ngăn chặn sự mù quáng hợp lý của Cộng sản. Chiến tranh sẽ không còn, khi một số điều căn bản nói trên không còn nữa.
Hai là tự xoá mình đi, khinh bỉ chính mình. khinh bỉ cuộc sống tạm bợ, lăn mình vào hiện sinh (hiểu theo nghĩa rẻ mạt nhất) tìm ảo tưởng hạnh phúc bằng những thú vui bất chợt, chốc lát, không do dự và thản nhiên để khỏi thất vọng. Một cô gái nào đó, một phòng trà nào kia, và ra đi bằng thái độ ngất ngư (để không còn nhớ gì nữa cả).
Tôi đã chọn cái thứ hai. Dễ lắm, nhưng em đừng tưởng rằng tôi bị động theo thời thế và ảnh hưởng theo thói quen.
Từng đêm, từng chai rượu, từng bao thuốc đốt cháy tâm can và đốt cháy cuộc đời. Tôi đã và sẽ thu mình vào bóng đêm để không còn thấy đời và thấy mình, không còn để ý đến những ý nghĩ mông lung và bi đát. Sự chiến đấu thật can trường và bi thảm. Làm sao để tránh đi ý nghĩ dằn vặt về hiện tình đất nước nhưng càng thu mình về cô đơn bao nhiêu, càng tự xoá mình bao nhiêu, hận thù và dằn vặt càng xâu xé lấy tôi bấy nhiêu.
Em là một lối thoát chót lành mạnh và trong sạch của tôi. Tôi hy vọng rằng, nhờ em, tôi sẽ quên tất cả, nghĩa là chỉ nghĩ đến mình em, không do dự và can đảm.
Không may, cuộc sống đã đẩy tôi ra khỏi em, xoá lấy hình bóng em trong tôi bằng những chuyến đi không định hướng
Càng dấn thân vào cuộc sống (tuy bằng một thái độ hững hờ có lựa chọn trước) tôi vẫn...
(Thư bị mất đoạn cuối. Tôi đọc và nghĩ giá kể mình thành một người viết về trí thức miền Nam thì cũng khối việc để làm. Phát hiện ra một miền Nam mới: -- một miền Nam dằn vặt và đau xót. Giành lấy vị trí một người đáng được tin cậy khi phác họa tình hình đất nước)
Khẩu hiệu địch: Hậu phương tích cực yểm trợ tiền tuyến. Tiền tuyến tích cực diệt thù. Đọc lên, một đồng chí cán bộ bảo nghe nó cũng như của ta.
Vào vùng công giáo, cán bộ coi thường còn anh em thì tò mò. Bộ đội vào lấy thánh giá làm bia, tập bắn. Thị uỷ phải bảo đấy là nguỵ mặc giả quần áo bộ đội. Đồng bào yêu cầu mang ra xử.
Dân bảo thằng nguỵ nó ăn rất nhiều, sao nó vẫn xanh xao, gầy ốm.Còn các anh, các anh ăn không có gì mà vẫn béo tốt. Chúng tôi thì cứ xanh xao đi ( họ chưa quen nằm hầm). Tử sĩ bộ đội đào, đồng bào giành lấy liệm. Định lập tổ sản xuất, sẵn sàng cấp máy. Đồng bào không nghe, đồng bào tự tổ chức lấy, rồi sau đó góp tiền mua máy.
2/7
Một làng 16 nữ, có 4 nam thanh niên. Một tay vợ nguỵ quyền bảo tôi không thấy Mỹ đâu. Giờ Mỹ về rồi, chỉ thấy các ông thôi, các ông ở đâu về.
Tôi không biết ông Hồ là ai. Thế bây giờ ông ấy chết thì còn lấy ai.
- Bộ đội đánh Thừa Thiên đi bầy tôi đỡ khổ.
- Mẹ không gọi con mẹ về?
- Ở xa, không gọi được. Với gọi cách chi?
- Sao không gọi hắn từ hồi trước.
- Cứ đánh đi, chết vài đứa, để đấy, đẻ đứa khác.
--Nó đánh chết nhiều người. Còn lo đánh cứu dân chứ.
- Thời bây giờ e chết cũng phải đánh thôi
- Giờ làm sao đánh cái thằng tàu chú ạ.
Ở xóm Thạch Hãn, phía nam thị xã, tôi vào một nhà. Một bà cụ nét mặt Quảng Trị, nanh ác và buồn phiền. Hai cụ ông, chắc anh em với nhau, người nào cũng đít móp, người thẳng đuỗn. Quần đùi, áo cộc, ngắn hững ngắn hờ. Cụ nào cũng để râu che kín miệng. Không những thế, tất cả cử chỉ chậm rãi, con người thiếu tinh anh, các cụ như một nhân vật của xứ sở xa lạ nào lạc sang vậy (bên cái lục cục xao động nhố nhăng của lớp trẻ, có cái tĩnh mịch của lớp người già. Ở xã hội lúc này, cả hai đều làm tôi phát sợ)
- Bộ đội có đá lửa cho xin mấy viên nào.
-…
- Bộ đội có muối không?
- Các cụ thiếu muối lắm ạ?
- Hỏi làm gì? Có muối cho không mà hỏi.
... Tôi rớt nước mắt khi nghĩ đến tình cảnh các cụ hiện nay. Nhà cửa đổ nát. Đồ đạc, lợn gà thất tán. Tôi cứ nghĩ với sức già như thế, không biết tất cả những thứ này đến lúc nào người ta có thể dọn dẹp xong?
Nhưng mà không thương được, không thương được những ai ngoài mình, tôi nghĩ lại. Gia đình nhà tôi ngoài kia cũng nghèo quá, cũng xiêu vẹo, và lúc nào cũng sẵn sàng xiêu vẹo thêm vì chiến tranh. Những cái nhà của gia đình tôi, họ hàng tôi, bất cứ cái nào cũng sẵn sàng đổ nát... Chính là đồng bào ta ở đâu bây giờ cũng vậy.
Những người dân chỉ đứng trước sự đổ nát cụ thể của từng gia đình. Những người chủ động chiến tranh như chúng ta còn đứng trước một sự đổ nát lớn hơn của cả đất nước nhất là về mặt tinh thần: mọi điều sau đây sẽ bắt đầu lại như thế nào. -- cho mỗi một tuổi trẻ, cho mỗi một con người.