VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nói nhiều, như một căn bệnh…

  Hay là bây giờ mình lên tiếng xin tăng giá các loại cước điện thoại cố định cũng như di động…
      Thú thật là chỉ mới nghĩ thế thôi chứ chưa dám mở miệng, tôi đã tự ách lại ngay được. Thậm chí đắn đo mãi mới dám viết rằng mình từng nghĩ vậy trên mặt giấy. Bởi không cần nhạy cảm lắm, cũng thừa biết là trong con mắt mọi người, riêng việc cái thằng tôi có ý nghĩ như thế đã là một dấu hiệu điên rồ, nếu không nói là một trọng tội. Chắc rằng sẽ có ai đó sẵn sàng mách hộ nên đi khám tâm thần ở chỗ này chỗ nọ.

      Mặc dầu vậy, tôi vẫn cứ viết ra đây với tất cả sự tỉnh táo của một người đang kiểm soát được ý nghĩ của mình. Lý do là như thế này: Thời buổi bây giờ chỉ có đồng tiền chế ngự được con người. Ví phỏng, trong muôn một, cái đề nghị điên rồ trên đây được chấp nhận, túi tiền những người đồng bệnh với tôi có bị vẹt đi thật – thì bù lại dần dần cũng có một cái lợi là đỡ đi cái tật nói nhiều đang trở thành một cách ứng xử phổ biến, và nên nói ngay là đã đến mức nặng nề, hoặc như thiên hạ thích nói, một căn bệnh trầm kha, đang hạ thấp cuộc sống chúng ta mà ta không biết.
     Còn nhớ hồi chiến tranh, Hà Nội cái gì cũng thiếu, chẳng hạn hồi đó, ruột bút chì bi dùng xong, phải giữ để mang bơm lại, hoặc mang đến nộp cơ quan, để đổi cái mới.
      Vậy mà ngay từ những năm ấy, đã nghe nói rằng ở một số nước trên thế giới xuất hiện tình trạng khủng hoảng thừa, và nói chung một trong những tai vạ chủ yếu của con người hiện đại là họ có quá nhiều thứ để mà lựa chọn.
     Chỉ mươi năm nay, cái cảm giác ngột ngạt của sự dư thừa kiểu đó,  nước mình mới thật lĩnh đủ.
    Ra đường nghĩa là len trong rừng xe.
    Đến các cơ quan hành chính, lúc nào cũng thấy đã có người xếp hàng.
     Vào cửa hàng ăn, bàn nào cũng ê hề những thức ăn gọi ra không dùng.
      Về nhà mở TV ra, hết chương trình đố vui mọi người đua nhau cười hô hố lại đến các loại phim hàng chợ của Tàu… Người sẵn… Của thừa… Và sự nói nhiều là nằm trong cái mạch tự nhiên ấy.
      Nhân vật chính trong thiên truyện Tỏa nhị kiều của Xuân Diệu là hai cô gái “lặng lẽ và ngơ ngác; ấy là hai hột cơm”, còn mấy người đàn ông khác cũng đều là những người “biết chung sống với sự buồn tẻ”. Không chỉ riêng Tỏa nhị kiều, mà như mọi người  đọc vào sẽ thấy, trong nhiều thiên truyện của Thạch Lam cũng như của Nam Cao hồi tiền chiến, con người ta nói ít lắm, chắc chắn là ít hơn thời bây giờ.
       Khi hình dung lại những năm còn nhỏ, tôi nhớ trong các gia đình mọi người thường lặng lẽ, ông bố chìm đắm trong lo toan về cuộc mưu sinh, bà mẹ thương chồng thương con cắn răng lam làm và trẻ con chỉ nghĩ đến việc nói chuyện với người lớn đã sung sướng. Chẳng phải gia đình tôi độc đáo khác đời, mà ở nhiều gia đình khác cũng vậy.
       Còn ngày nay bạn thử nghĩ lại xem, có phải khó khăn lắm chúng ta mới tìm thấy một người ít nói. Không những thanh niên huyên thiên bốc phét, trẻ con khóc rất dai, mà những người già cũng nói như cái cách duy nhất để tự khẳng định rằng họ còn sống. Người ta nói nhiều ở đủ các nơi: Trong các buổi họp. Trong các đám cãi nhau. Trong những dịp vui. Lại cả trong những dịp buồn (ví như các điếu văn hoặc các bài phát biểu khi có ai đó chết chẳng hạn).
     Đôi lúc thử tách ra nhìn lại mình: tôi cũng đã nhập vào đội quân đa ngôn đa quá từ lúc nào không biết. Có việc phải nói với ai điều gì chưa nghĩ cho chín đã xổ ra ào ào. Cùng một ý, đáng nói một câu thì nói đến hai ba câu. Toàn những sự lắm ngoài ý muốn, nên mới bảo là bệnh.
      Đã bao giờ bạn đang làm việc thì bị một người cùng phòng với mình làm khổ bằng cách tán róc với ai đó trên điện thoại chưa? Tôi, tôi cũng thường xuyên có cái khó chịu ấy. Cho đến một lần tôi chợt nảy ra ý nghĩ tự kiểm tra xem mình nói như thế nào. Chao ôi, tôi cũng nói dài không kém một ai. Tôi cũng thường có những chuyến buôn dưa lê vô tội vạ! Chắc chắn nhiều lần tôi đã làm phiền những người chung quanh mà không hay biết.
   Cái bệnh nói dai nói dài nói dại đã ngấm vào mỗi người bình thường ở xã hội mình  và chắc chắn cuộc chạy chữa này phải là việc chung của cộng đồng. Chứ mọi nỗ lực cá nhân nhằm tìm cách chữa riêng cho mình và người thân của mình chỉ đạt hiệu quả tương đối  nếu không nói là không bao giờ làm nổi .
 Đã in trong Nhân nào quả ấy 2003.
   Viết thêm 3-6- 2012     
  -- Khi ta chê một người nói dài tức là chê người đó nói không có nội dung, nói không chịu nghĩ, vừa nói vừa nghĩ, lặp đi lặp lại, đáng nói dăm ba câu thì nói thành hàng loạt câu liên hồi kỳ trận.
     Suy cho cùng đó là một người thiếu tôn trọng đối tượng đang đối thoại và luôn thể cũng là thiếu tự trọng.
      Tình trạng nói dài đã dẫn tới sự hạn chế và lãng phí trong giao tiếp. Nhiều lần nghe một người nói mãi tôi không hiểu. Phải cố lắng nghe một lúc rồi tóm tắt lại cho gọn và trình bày lại cho đối tượng vừa giảng giải cho mình nghe rằng họ vừa nói gì, có phải như thế này không -- người kia mới gật đầu. Cả hai mất thêm bao nhiêu thời giờ.   
   
    -- Sự nói nhiều càng biểu lộ rõ khi con người hiện đại tập hợp thành những đám đông, không chỉ ở loại đám đông tự phát như các bữa nhậu các chốn ăn chơi mà cả đám đông được tổ chức hẳn hoi như phần lớn các cuộc họp. Ở đó hoặc chúng ta quan sát thấy sự thống nhất giả tạo và giáo điều, hoặc một sự đua đả hỗn loạn, kết quả của tình trạng “ con gà tức nhau tiếng gáy” -- muốn thách thức nhau, hơn là có nhu cầu giao tiếp chân thành và cùng truy tìm chân lý .
 
   -- Thử giải thích tại sao chỉ  con người hiện nay mới nói nhiều như vậy? Chiến tranh. Cách mạng.Thời hiện đại đồng nghĩa với việc nông thôn và đô thị, cá nhân và gia đình cùng bị xới lên nháo nhào. Vị thế con người thay đổi, mỗi người vừa chống chọi để thích ứng, vừa như thêm có dịp khẳng định mình. Nhưng năng lực của họ nói chung, năng lực tự biểu hiện nói riêng không theo kịp,-- họ thường xuyên ở trong tình trạng như là chạy gằn, như là kiẽng chân lên mà sống.


   -- Nói cách khác, chỉ trong xã hội hiện đại, tiềm năng nói nhiều nói vô tội vạ … của con người mới được giải phóng triệt để.
      Loại người tiến thân bằng ba tấc lưỡi chưa bao giờ đông đảo như lúc này.
    
  -- Thoạt đầu người ta chỉ trở thành người nói dai nói dài nói dại  trong các hoạt động xã hội. Sau đó căn bệnh này lan vào các lĩnh vực quan hệ cá nhân. Con người chính trị bị phát triển theo hướng lệch lạc âm thầm làm hại con người nhân bản. Ở đâu nó cũng đều chứng tỏ là con người hiện thời không theo kịp sự phát triển mà hoàn cảnh mở ra cho họ. 

-- Nghĩ ra chuyện gọi là tăng cước điện thoại, ấy là lúc tôi có ảo tưởng rằng không chừng có thể dùng một số cái gọi là “biện pháp hành chính“ để người mình khỏi bệnh ( các bạn khác sẽ có những cách khác, tôi chỉ nói cho vui, nói làm ví dụ.)
     Nhưng rồi nghĩ lại, thấy chẳng đáng tin, cũng như trước các tệ nạn xã hội hiên nay --vi phạm luật giao thông, hút thuốc lá nơi công cộng, hát nhép, ăn mặc hở hang… -- mọi đề nghi tăng mức án xử phạt tôi đều không tin là có thể giải quyết triệt để.
      Vì theo thiển nghĩ,  chúng -- các căn bệnh tưởng là “nhẹ nhàng” ấy -- thực ra chỉ là những biểu hiện của một đời sống tinh thần nông nổi, dông dài, trống rỗng; sống thiếu chiều sâu thiếu ý tưởng; một cuộc sống trì trệ bế tắc… nhưng lại hiện ra bên ngoài với cái vẻ sặc sỡ và năng động -- toàn những bệnh có giời chữa!


 --   Khi trong xã hội còn có quá nhiều người thành đạt bằng con đường nói dai nói nói dại … thì mọi người khác, nhất là lớp trẻ,  sẽ không bao giờ hướng cố gắng lập nghiệp vào việc tìm ra con người chân chính, tiếng nói chân chính của mình. Mà sẽ tiến thân bằng mọi thủ đoạn khác, kể cả thủ đoạn gian dối, buôn nước bọt, leo trèo bằng đầu lưỡi.
  
 -- Người nói nhiều mà không tự bộc lộ bản thân, không tác động tới chung quanh bằng tiếng nói riêng tức chưa tìm thấy mình: sự có mặt của người đó trên thế gian này vẫn là vật vờ thấp thoáng.  
     Những gì đúng cho một cá nhân thì cũng đúng cho cả xã hội.
     Một xã hội ồn ào vì những kẻ nói nhiều nói nhảm thực chất vẫn là một xã hội nằm trong sự phong bế của bóng tối và im lặng.

  
أحدث أقدم