VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Còn rất nặng căn

Cái sân và con đường
Khi nhớ lại cái làng X ở Thạch Thất, Sơn Tây, nơi đơn vị đã đóng quân mấy năm hồi chiến tranh, anh em tôi thường bảo nhau là bẩn nhất đấy mà cũng sạch nhất đấy - bẩn đến ghê người, mà cũng sạch đến quá quắt. Tức là tự trong nếp ăn ở của làng đã có bao điều trái nghịch như nông thôn ta đang tồn tại bao nhiêu điều mâu thuẫn, trái nghịch.

Làng X vốn thuộc loại trù phú nên ngay từ những năm chiến tranh đã san sát mái ngói. Nhiều nhà sân rộng, lại chọn được thứ gạch lá nem nung già lát thật đều, ngày mưa sân cứ hiện ra đỏ au và bóng loáng.
Có điều nên nhớ là vào những ngày ấy mà có dịp tới nhà ai, anh phải cẩn thận. Khôn hồn hãy để ngoài cổng đôi dép vừa đi qua con đường làng lầy lội, tạm đi chân đất ra chỗ vại nước rửa chân, rồi hãy vào nhà. Còn nếu vô tâm, để đôi dép lấm bê lấm bết kéo thành vết ngang sân, là lập tức phải chuốc lấy sự khó chịu. Để anh ngồi đấy, chủ nhà hãy đi cọ lại sân đã, rồi mới vào trò chuyện với anh sau.
Ai cũng lo giữ gìn như thế nên nhiều khi đứng trong nhà nhìn ra ngoài sân, cứ thấy sướng cả mắt.
Nhưng đứng từ sân mà nhìn ra đường làng, thì cái sướng ấy biến mất. Đường rộng nhưng lầy lội, đã đủ khổ. Song lại còn một nỗi khổ nữa là nhiều khi quét dọn sân thềm xong, có cái gì bẩn thỉu người ta hất luôn ra đường. Đã bẩn cho nó bẩn một thể, cũng như đã sạch thì phải sạch đến cùng - nhiều người nghĩ bụng như vậy!
Ba chục năm trôi qua, tôi không có dịp trở lại X nên không hiểu giờ đây nó đã thay đổi ra sao. Có thể là ở X giờ đây đường làng đã được đổ bê tông nên thoát hẳn cảnh lầy lội và vệ sinh cũng khá hơn. Song không hiểu sao tôi vẫn bị mấy cái sân và con đường làng ám ảnh. Ý tôi muốn nói tới cái tinh thần chi phối cuộc sống nói chung mà mẩu chuyện trên là ví dụ. Gần đây, chúng ta hay nói tới tính cộng đồng, đến tình làng nghĩa xóm. Nhưng hình như trên nhiều phương diện, đời sống nông thôn vẫn chưa ra khỏi cái tình trạng "đèn nhà ai nhà ấy rạng". Và nhiều khi do cần mưu lợi cho nhà mình, người ta có cảm thấy phải làm hại tới nhà khác, làm hại tới cái chung thì sau một phút phân vân, rồi cũng lạy giời lạy phật nhắm mắt nhắm mũi làm vậy (!) Thành thử, sạch đấy mà cũng bẩn đấy, bao dung nhau đấy mà cũng đố kỵ nhau đấy, lo cho cái chung chỉ là bề ngoài, lo cho riêng mình mới là phần gan ruột sâu xa - không phải trái nghịch, mâu thuẫn thì còn là gì nữa?


Xe đỗ tàu đỗ
Hồi đang thời chiến, tôi nhớ có chuyện một đoàn tàu hỏa đang đi thì dừng lại giữa đường (tất nhiên không phải ga) để người lái tàu xuống đường mua mấy bìa đậu. Chả là không mua thì tem phiếu hết hạn! Linh động, tranh thủ... hồi ấy mọi người nói vậy.
Cuộc sống chiến tranh vốn căng thẳng nhưng có lúc lại lề mề, chậm chạp, và việc dừng cả đoàn tàu để làm việc riêng như thế thuộc về cái nếp sống tùy tiện, mà người ta phải thích ứng, khi sống trong thời chiến.
Còn đây, chuyện tùy tiện của thời nay, tuy không quá đáng tới mức buồn cười như chuyện hôm qua, nhưng lại phổ biến hơn. Ngay giữa đường phố Hà Nội xe cộ đông như mắc cửi, một chiếc xe khách to lù lù đang chạy bon bon bỗng dừng ngay lại. Tưởng xe hỏng! Hóa ra có một hành khách bên đường vẫy tay muốn lên. Thế là xe đỗ, phụ xe xuống, đun bằng được cả người lẫn gánh gồng lên xe rồi tỏ ý hỉ hả lắm.
Vui lòng khách lên, thì đồng thời cũng phải lo mát dạ khách xuống: Ai đi xe, muốn xuống chỗ nào không cần tới bến, chỉ cần đập tay ra hiệu vài cái, thế là đường đang đông đúc đến đâu cũng kệ, nhà xe cứ ưu tiên phục vụ thượng đế của mình cái đã.
Có thể bảo cái nếp sống tùy tiện này là di lụy của lối làm ăn tiểu nông lạc hậu và một phần là do những rơi rớt có từ thời chiến. Thế nhưng lạ nhất là có người ra điều hiểu biết lắm, lại gật gù giải thích:
- Kinh tế thị trường có khác. Đặc điểm của lối làm ăn trong thời buổi bây giờ là phải tranh thủ bán hàng và linh động tìm ra mọi phương thức hoạt động hữu hiệu (Lại tranh thủ và linh động!)
Đã lý sự với nhau như thế tức là người ta không coi đây là một việc bất đắc dĩ phải làm (do thời chiến buộc vậy), mà xem như một việc thức thời, một sáng kiến đáng khen thưởng. Thảo nào mà sự tùy tiện ngày một lan tràn, đại khái như tùy tiện cho phép phá rừng, tùy tiện cấp đất, tùy tiện giảm án cho kẻ có tội, tùy tiện mua bán bằng cấp... Rồi đến khi có người phát hiện làm thế không được thì lại cười trừ với nhau cả một lượt.


Đâu phải điều đáng tự hào?
Đây đó, chúng ta thường chỉ nghe nói người đi bộ hoặc xe đạp ở nông thôn ra khổ vì cánh ô tô, xe máy ngoài thành phố mà chưa từng được nghe lời than thở ngược lại. Song chỉ cần có trí tưởng tượng chút thôi, thì dù không phải dân Hà Nội, người ta vẫn hình dung ra đầy đủ cái sự trớ trêu mà dân thành phố phải chịu. Đường đông, mọi phương tiện thô sơ cũng như cơ giới cùng nhau chen lấn, vốn đã thật khổ. Đến quãng đường rộng, lại mấy cái xe thồ giăng thành hàng ngang, có muốn phóng nhanh cho kịp công việc cũng phải dừng ngay lại, ôi thôi là khó chịu. Đâm vào không được. Mà nhường mãi, lựa nhau mãi thì bực. Nhất là qua cái nhìn, qua nét mặt dáng điệu nhận ra rằng không phải "đối tượng" kia không biết thế là đi sai luật, là nguy hiểm, song cứ tìm cách thách thức xem sao, mới lại càng bực. Trong việc một cái xe thồ kềnh càng cản đường được một chiếc ô tô sang trọng, có điều gì đó rất thú vị mà người ta không giấu được. Còn lý sự ấy ư, đủ lắm! Các anh ở Hà Nội dửng mỡ quen phóng xe nhanh hãy đợi đấy! Đường nhà nước, tôi cứ đi. Ừ, tôi sai đấy, nhưng cứ thử đâm vào tôi xem rồi các anh sẽ biết tay tôi v.v... và v.v...
Đã Chí Phèo đến thế thì dân thành phố chúng em đến lạy cả nón, còn dám ho he gì nữa!
Nhưng sau những lần bị xe thô sơ nghênh ngang bắt nạt như thế, quả thật, cái hình ảnh đẹp đẽ về con người nông thôn mộc mạc biết điều trong tôi, bị hoen ố hẳn. Hàng năm, có dịp về quê, chúng tôi bao giờ cũng phải nhắc con cái ý tứ, không phóng xe nhanh hoặc cười nói ầm ĩ, gặp bà con trong làng phải chào, không có họ hàng cũng chào, cho nó ra tình làng nghĩa xóm. Các cụ đã bảo "Đất có lề, quê có thói". Vậy thành phố không được quyền có lịch có lề, có phép tắc riêng trong mọi sự quan hệ hay sao? Việc một hai chiếc xe thô sơ lấn chiếm đường phố, buộc hàng loạt xe cơ giới phải chậm rãi thủng thẳng chờ mình chẳng những là sai luật mà còn là bất cận nhân tình, lẽ nào có thể xem là chuyện đáng tự hào, mà cười với nhau cho được.
 Nhân nào quả ấy
أحدث أقدم