VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Rực rỡ và khắc khoải

Chất ba-rốc trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều


Giữa những hướng đi khác nhau và luôn luôn biến hóa đắp đổi lẫn nhau, văn hóa hiện đại – trong đó có mốt – không bao giờ quên một kênh phát triển độc đáo: trở về với những giá trị cổ điển. Quần áo giầy dép không chỉ ngày một giản dị gọn gàng mà có khi lớp lang cầu kỳ như vẫn thấy ở các ông hoàng bà chúa ngày xưa.
Nhà cửa thì bên trong phải có những tiện nghi hiện đại, nhưng -- trong một số trường hợp -- bề ngoài càng giống lâu đài cung điện càng tốt. Cách đối xử có xu hướng hạn chế bớt những suồng sã thô thiển để tìm tới vẻ lịch sự và trang trọng. Hình như nay đã đến lúc người ta bình tĩnh hơn trong việc nhìn nhận cái gọi là chất quý tộc và thấy rõ rằng quý tộc không chỉ đồng nghĩa với suy đồi tàn tạ, quý tộc còn nên được hiểu như một phẩm chất của văn hóa, và giá được sống như quý tộc mà không làm phiền đến xã hội thì cũng hay hay!


Không rõ một mỹ cảm như vậy sẽ ảnh hưởng đến cách ăn mặc vui chơi hay sáng tác của chúng ta ra sao, nhưng chắc chắn nó đã là điều kiện thuận tiện để giúp chúng ta công bằng hơn trong việc nhìn nhận một số hiện tượng văn hóa, chẳng hạn như trường hợp Cung oán ngâm khúc. Mấy chục năm nay ở ta, khúc ngâm 356 câu ấy của nhà thơ Nguyễn Gia Thiều gần như bị đẩy vào quên lãng. Sách in thưa thớt: ở Hà Nội giữa hai lần in có khi cách nhau đến gần ba chục năm, phải vào các thư viện lớn mới tìm ra sách để đọc. Trên ghế nhà trường phổ thông, học sinh không được giảng Cung oán ngâm khúc, chỉ thỉnh thoảng lớp trẻ mới được nhắc qua rằng có một khúc ngâm như thế, song đại khái đó là tác phẩm tiêu cực, một thứ văn chương yếm thế lại kiểu cách khó hiểu. Sự thực thì sáng tác của Nguyễn Gia Thiều đâu có một chiều đơn giản như vậy.


Một nghệ thuật điêu luyện
Cũng như hàng loạt tác phẩm văn học cổ như Truyện Kiều, Nhị mộ mai, Hoa tiên, Chinh phụ ngâm. v.v… quả thật Cung oán ngâm không dễ đến với bạn đọc hiện đại. Ngôn ngữ cô đọng, gò thắt, không chấp nhận bất cứ sự “dừng chân” nào vội vàng chiếu lệ. Nhìn vào bản in, mỗi câu thơ kéo theo cả đoạn dài chú thích, câu nào cũng chồng chất những điển tích lấy ra từ sách tận đời Hán đời Đường thì làm sao khỏi ngại cho được! Một thứ quy phạm nghiệt ngã đã khống chế ngòi bút tác giả. Chẳng những thế, câu chữ trong Cung oán ngâm thường khi có một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp vương giả, trau chuốt cầu kỳ mà kiêu sa, tráng lệ:
- Trải vách quế gió vàng hiu hắt
Mảnh vũ y lạng ngắt như đồng
- Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ
Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh
- Chiều tịch mịch đã gầy bóng thỏ
Vẻ tiêu tao lại võ hoa đèn
- Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương
Ai người có thói quen đồng nhất cái đẹp với cái giản dị và chỉ biết đến một sự hoàn thiện tự phát là hoàn thiện theo kiểu dân dã, những người ấy dễ khó chịu với Cung oán ngâm. Họ thường viết về thành tựu nghệ thuật của Nguyễn Gia Thiều với một sự thông cảm có pha chút chiếu cố. Song đã đến lúc nên có một cách hiểu phóng túng hơn về cái đẹp: mộc mạc tự nhiên đã đành là đẹp rồi, song rực rỡ, óng ánh, thậm chí dụng công tô điểm như người con gái son phấn một cách khéo léo khiến người ta phải trầm trồ khen ngợi, vẻ đẹp ấy vẫn cứ rất đẹp, đáng trân trọng. Như những hàng cột uốn và các vòm mái huy hoàng ở các nhà thờ, những pho tượng sơn son thiếp vàng lộng lẫy ở các cung điện đã rất đẹp: ấy là khi con người muốn cạnh tranh với tự nhiên và tạo ra một thế giới bổ sung bên cạnh tự nhiên.


Một triết lý không dễ từ chối
Vượt qua cái lạ của câu chữ là cái lạ của triết lý, thứ triết lý này cũng toát ra qua từng câu thơ Cung oán ngâm với tất cả vẻ đậm, gắt trong bút pháp tác giả.
Đạo Phật nói đời là bể khổ. Nguyễn Gia Thiều không nói gì hơn, chỉ có một điều ông thấm thía nó một cách sâu sắc và diễn tả như là chính người cung nữ của ông, chính ông nữa, vừa phát hiện cho mình.
- Kìa thế cục như in giấc mộng
Máy huyền vi mở đóng khôn lường
- Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê.
Trong cái bể khổ đó, mỗi con người trở nên hết sức bé nhỏ, sự tồn tại của họ là một cái gì phi lý (Phong trần đến cả sơn khê - Tang thương đến cả hoa kia cỏ này… Trăm năm còn có gì đâu-- Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì …).
Mỗi khi muốn bảo nhau rằng thơ Việt Nam cổ điển cũng trừu tượng siêu hình lắm, các nhà thơ hôm nay thường dẫn ra cách hình dung về con người của Nguyễn Gia Thiều: Cái quay búng sẵn trên trời-- Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.
Chúng tôi muốn bổ sung thêm: đấy còn là thứ thơ đi sát cảm giác tôn giáo nữa.
Khi con người bị đẩy vào cõi bơ vơ cũng là lúc ý niệm về một thế giới khác thường đến với họ.
Tại sao Nguyễn Gia Thiều lại đứng ra thuyết minh cho một thứ triết lý như vậy? Trả lời câu hỏi đó, người ta thường nói tới sự điên đảo của cuộc đời trong cái thời mà một nhà thơ tài hoa và uyên bác như ông phải sống.
Có điều cũng nên biết là trong nền nghệ thuật thế giới, có một giai đoạn được xác định là nghệ thuật ba-rốc.
Qua cách diễn tả của nhiều tác giả ba-rốc nổi tiếng như Bernini trong kiến trúc, Rubens, Van Dyck … trong hội họa, Tasso, Calderon v.v… trong văn học, cuộc đời thường hiện lên với tất cả tính chất mong manh không ổn định của nó.
Khi xem nó không khác gì ảo ảnh, “cả cuộc đời này thật ra là một sân khấu lớn” - cũng là lúc người ta cảm thấy vỡ mộng. Mộng càng đẹp thì nỗi xót xa khi vỡ mộng càng lớn: giữa con người và hoàn cảnh mất đi sự hòa hợp vốn là đặc trưng của nghệ thuật phục hưng. Từ nay, những ám ảnh về cái chết không sao rời khỏi đầu óc người ta nữa.
Thời gian cũng không còn mang cái chất trung tính bình thường, giờ đây thời gian trở nên một thế lực làm phai tàn mọi vẻ đẹp, làm hủy hoại mọi giá trị của đời sống.
Phù du được coi như một thuộc tính không thể sửa chữa của tồn tại.
Tưởng như những nhận xét đó được viết để dành riêng cho Cung oán ngâm và Nguyễn Gia Thiều. Các nhà lịch sử và lý luận nghệ thuật đã có lý khi coi nghệ thuật ba-rốc không chỉ là một hiện tượng Châu Âu và Ibêria Mỹ mà là một thành phần vĩnh hằng của văn hóa. Nó là cả một hướng phát triển của đời sống tinh thần con người.
Trong sự vận động liên tục của lịch sử, những thời điểm con người có cái nhìn bi đát về mình cũng như về cuộc đời như vậy là những giai đoạn, những nấc thang, những pha cần thiết để họ có thêm sm tiếp tục đi tới.


Một lời mời gọi đầy sức quyến rũ
Có một nghịch lý thường thấy ở nghệ thuật ba-rốc: sau khi bảo cuộc đời là phù du, là ảo ảnh, sau khi làm lây truyền một mối lo sợ siêu hình, các tác phẩm này đồng thời lại mời gọi người ta trở lại với cuộc sống, trên thực tế, chúng luôn luôn gợi ra niềm khao khát hưởng lạc, thậm chí có khi còn châm ngòi cho một sự bùng nổ nhục cảm mạnh mẽ.
Không hẹn mà nên, những quy luật phổ biến đó trong nghệ thuật ba-rốc cũng được Nguyễn Gia Thiều tận tình thực hiện. Nếu ở những đoạn triết lý nói trên, người ta có thể trách tác giả đã gán cho người cung nữ một vai trò gượng gạo – lấy đâu ra một cung nữ uyên bác đến vậy! - thì khi trình bày nỗi khao khát hưởng thụ người ta mới thấy ông đã chọn được một người phát ngôn tuyệt vời.
Xưa nay, trong văn học Việt Nam, mọi khoái cảm xác thịt chỉ được diễn tả một cách lấp lửng nửa vời nếu không nói là giấu biệt đi, bảo nhau không nên đả động tới. Ở Cung oán ngâm khúc người phụ nữ mất hết vẻ e thẹn vốn có, nàng sẵn sàng khoe ra tài năng vẻ đẹp , và cả khả năng quyến rũ của mình.
Áng đào kiểm đâm bông não chúng
Khóe thu ba dợn sóng khuynh thành
Bóng gương lấp ló trong mành
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa
Trong cuộc đời chờ đợi dài dằng dặc của nàng, những giây phút cùng nhà vua chung chăn chung gối được xem như một kỷ niệm lớn
Đêm hồng thúy thơm tho mùi xạ
Bóng bội hoàn lấp ló trăng thanh
Mây mưa mấy giọt chung tình
Đỉnh trầm hương khóa một cành mẫu đơn


Niềm hạnh phúc vụt đến rồi lại vụt đi ấy được nàng nhắc lại với đầy đủ chi tiết (Xiêm nghê nọ tả tơi trước gió…) và nỗi luyến tiếc lộ liễu (Cái đêm hôm ấy đêm gì…). Một mặt nàng oán trách số phận đã đẩy mình tới cảnh “mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng”; mặt khác nàng vẫn không thôi hy vọng “Hòng khi động đến cửu trùng – Giữ sao cho được má hồng như xưa”.
Trong điều kiện của thế kỷ XX, con người hiện đại hẳn dễ dàng thông cảm với những ham muốn có vẻ tội lỗi ấy ở nhân vật.


Đọc Cung oán ngâm khúc, do vậy, là một cách để sống trọn vẹn hơn cái thế giới đa dạng bao quanh chúng ta. Cuộc du lịch tuy ngắn ngủi nhưng để lại những ấn tượng thật đậm. Ngôi đền nghệ thuật ấy có vẻ đẹp riêng của một kiến trúc cổ, song lại gợi ra những suy tư, những xúc động rất trần thế. Cho nên trước khi nói đến những hạn chế nào đó của tác phẩm, thiết tưởng việc cần hơn là ghi nhận hết cái độc đáo có một không hai mà chỉ riêng nó mới có, chính cái độc đáo ấy cũng là lý do khiến khúc ngâm này của Nguyễn Gia Thiều trường tồn cùng lịch sử.
Đã in trong Những kiếp hoa dại

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم