VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Tổ chức & quản lý xã hội ở nước Việt nam thời trung đại

Trích từ chuyên mục Người xưa cảnh tỉnh
đã in trên Thể thao và văn hóa 2005-2007
Các đầu đề nhỏ và chú thích là của người biên soạn

     Nếu dùng văn hóa theo nghĩa rộng thì việc tổ chức và quản lý xã hội là thuộc về văn hóa quyền lực.
      Nhưng đây là khâu người xưa chưa bao giờ đặt ra một cách bài bản. Trong việc tiếp nhận văn hóa Trung Hoa, cái chúng ta chỉ thích học theo là thơ văn hoặc thi cử, còn chính việc quản lý xã hội thì không để ý hoặc chỉ làm theo lối học tắt học lỏm.
     Các bộ sử ít ỏi viết thời sau cũng chưa bao giờ  được viết với tư cách những cuốn lịch sử xã hội.
     Trong quá trình ghi chép về Thói hư tật xấu người Việt trong con mắt các nhà trí thức đầu thế kỷ XX, chúng tôi mới sưu tầm được một phần các nhận xét lẻ tẻ có liên quan đến chủ đề trên.  Nhưng tinh thần các nhận xét dưới đây theo chúng tôi là khá chính xác, nó giúp chúng ta lý giải chính tình trạng xã hội hiện nay.
    Phần lớn các nhận xét này dành để nói về việc quản lý làng xã. Nhưng chẳng phải như nhà sử học Hà Văn Tấn đã nói, xã hội Việt là một thứ liên làng và siêu làng, mọi quy luật chi phối việc tổ chức và quản lý làng xóm cũng là đúng trên cả phạm vi rộng đó sao?
   


Pháp luật đơn sơ
   Dân trí càng mở mang thì pháp luật càng phải tinh tế. Luật lệ nước ta sơ sài hết sức. Những điều rõ ràng thì hoặc là phiền toái vô dụng, hoặc là khe khắt quá khó lòng giữ đúng (...) Những điều ta nói ta làm hàng ngày mà theo luật quy tội, thì sáng bị tội đồ, tội lưu, chiều bị tội phạt trượng. Đến những điều đáng phải theo cũng không thể theo được. Trên cũng như dưới đều mơ mơ màng màng, cơ hồ thành một nước không có pháp luật. Dân không giữ chữ tín, trong dân gian người ta làm khế ước với nhau, thường mực chưa khô đã bội ước. Quy tắc của trường học, kế hoạch của công sở phần lớn nằm trên giấy, treo lên cho vui mắt, đọc lên cho vui tai mà thôi. Trên dưới không tin nhau, mà mong giữ đúng pháp luật thì thật là khó thay! Đã không giữ được thì thay đổi đi là hơn.

                                                                                             Quốc dân độc bản, tài liệu của Đông Kinh nghĩa thục, 1907

Quan lại không biết cai trị
 chỉ lo xoay sở kiếm ăn  
     Nước ta dùng người thì hoặc lựa chọn ở trong bọn con quan hoặc lấy ở trong hàng khoa mục, mà mấy người khoa mục bất quá văn hay chữ tốt thì đỗ, thế là làm quan. Bình sinh học tập chỉ mấy câu trường ốc văn chương, lúc ra làm quan, thì hình như bổ vào mặt gì cũng giỏi, tưởng quan lại bên châu Âu chưa có ai toàn tài được thế.
     Cũng là một người lúc thì bổ giáo chức làm một nhà giáo dục, lúc thì bổ chính chức làm một nhà chính trị, lúc thì sung giám đốc công trường làm một nhà công nghệ, lúc thì sung chánh sứ đồn điền làm một nhà thực nghiệp, lúc thì đi quân thứ làm một nhà tướng hiệu, mà hỏi ra thì chẳng có một cái học thức chuyên khoa nào.
      Quan nước ta như thế trách nào mà chẳng mang tiếng bất tài.
    Ngày 31 tháng năm 1917, báo Đông Kinh có một đoạn rằng “một tên đầu đảng trộm cướp kiếm cả đời không bằng một ông quan giỏi lấy tiền trong một năm “. Ngày 12 tháng bảy, báo Hải Phòng có một đoạn rằng “cái căn tính ăn tiền của người An Nam di truyền từ tổ tôn, không dễ kể năm kể tháng mà chữa ngay được “

 Thân Trọng Huề
 Con đường tiến bộ của nước ta, Nam Phong, 1918

Quản lý làng xóm
 theo kiểu gặp đâu hay đấy
    Việc quản trị dân xã là ở trong tay mấy người tổng lý, chánh phó lý cựu chánh phó tổng cựu, xã tuần, phần thu. Bọn đó quanh năm trông vào khoán ước của làng mà đình mà đám mà thu mà bổ, mà xà xẻo bớt đầu bớt ngọn, mà bắt vạ kẻ nọ kẻ kia.
    Các khoán ước ít khi biết tự đời nào để lại. Cũng có khi là do một chuyện mộng ảo huyền hồ (1) mà lập nên. Cũng có khi là công nghiệp (2) của một người hách dịch một thời nhân (3) lúc có thần thế mà đặt cho làng mình một lệ để lưu truyền mãi mãi. Được lệ hay thì dân làng nghìn năm được nhờ thói tốt. Phải lệ dở thì dân làng vạn đại phải noi (4) tục hủ, lụn bại phong tục đi.
(1)   viển vông ngẫu nhiên
(2)   việc làm
(3)   người đương thời
(4)    tuân theo
 Nguyễn Văn Vĩnh
 Chỉnh đốn lại cách cai trị dân xã, Đông dương tạp chí 1914

Kéo bè kéo cánh nắm giữ quyền lực
    Xét cách bầu cử tổng lý của ta khi xưa thật lắm phiền nhiễu mà phần nhiều dùng cách tư tình (1), những người làm việc chẳng qua lại là con cháu họ hàng với những chức sắc kỳ mục. Trừ ra những làng khó khăn không ai muốn làm không kể, còn về các làng tốt bổng (2), con cái nhà có thế lực tranh nhau mà ra, có mấy khi lọt vào tay người khác được. Vì thế lý dịch hay có bè đảng, mà nhất là hay a dua với hàng kỳ mục (3) để dễ cho sự thầm vụng của mình.
(1)         tức sử dụng những mối quan hệ cá nhân
(2)         có nhiều quyền lợi
 (3)    kỳ mục là những người có thế lực nói chung, còn lý dịch là những người đương làm việc, đương nắm quyền
 Phan Kế Bính
 Việt Nam phong tục, 1915
Cường hào lý dịch gian xảo điêu ngoa
      Công việc trong làng, trên thì tiên chỉ không muốn nhìn đến, dưới thì phường lý dịch chẳng qua cũng là con em đầy tớ các kỳ mục, há miệng mắc quai nón. Quyền hành của kỳ mục rất lớn, thế lực rất to. Mà trong hạng này, một hai người phi tay cường hào hách dịch, thì là tay gian xảo điêu ngoa. Còn nữa chẳng qua a dua với mấy người ấy mà thôi. Phần nhiều ích kỷ, họ có thiết gì đến vận dân, chỉ động có chút lợi lộc thì xâu xé nhau, hoặc dân đàn em hơi có chút gì lầm lỗi thì bới móc hạch lạc. Những người có kiến thức, cho việc hương thôn là việc nhỏ nhặt, không thèm tưởng đến, không mấy nơi cải lương được tục làng cho nên tục hay.
 Phan Kế Bính
 Việt Nam phong tục, 1915


Sân khấu của một lũ hề
     Tiếng gọi rằng trào đình của một nước, song chính là sân khấu nhảy múa của một lũ hề.
    Binh bộ thượng thư mà hỏi đến việc binh không biết một chút gì.
    Học bộ thượng thư mà không biết đến việc học của dân.
    Công bộ thượng thư mà quanh năm chỉ biết tu tạo mấy cái lâu đài và lăng miếu của nhà vua.
     Lễ bộ thượng thư ba năm mới có một lần tế giao (1), cắm cúi vào những cái nghi tiết hão huyền, hủ lễ vô ích.
     Lại bộ thượng thư, Hình bộ thượng thư cũng vậy, mấy ông cụ lớn ấy chỉ biết ngày hai buổi chầu quỳ lạy ở sân rồng, tan chầu trở về, quanh năm ngày tháng như một con lợn ỉ lẩn khuất ở trong chuồng không biết một chút gì cả.
     Vua đè ép các quan lớn. Các quan lớn đè ép các quan nhỏ. Các quan nhỏ đè ép dân. Cái không khí áp chế chỗ nào cũng nồng nặc khó chịu, xuống đến bậc dân thì không còn dân đạo (2) dân quyền gì nữa.
     Có miệng không được nói có tai không được nghe, phần nào sưu thuế nặng nề, phần nào quan lại sách nhiễu, biết chết mà không dám tránh, bị ép mà không dám than. Chốn thôn dã thì đường xá khuất lấp, trộm cướp nổi lung tung. Ngoài thành thị một bầy quỷ sống, đua nhau ăn thịt dân uống máu dân. Mỗi năm bão lụt, dân bị chết đói, mỗi năm tật dịch, dân bị đau chết, không biết chừng nào.

(1)lễ tế trời của nhà vua
(2) đạo, nghĩa gốc là giáo lý, chủ thuyết; dân đạo có thể hiểu là một quan niệm về người dân trong xã hội

 Trần Huy Liệu
 Một bầu tâm sự, 1927

Quan trường hư hỏng
    Cũng có đôi khi thay đổi một vài ông đại thần hoặc là thăng giáng một vài viên quan lại. Cái người bị đuổi đi đã đành là không làm được việc, mà cái người thay chân ấy cũng có phải là người làm được việc đâu?! Cái người bị cách (1), vẫn là gian tham mà cái người được bổ cũng không phải là người liêm khiết!
     Phương chi hôm nay bị giáng, bị cách, ngày mai lại được thăng được thưởng; ở nơi này can khoản (2) lại đổi đi nơi kia, thì tuy có phạm tội tham, mang tiếng xấu, cũng có hại gì đâu. Lâu rồi quen đi, đứa càn rỡ lại càng càn rỡ, chỉ lo đem tiền đi mua quan; đứa biếng lười lại càng biếng lười, chỉ biết khoá miệng cho yên việc.
     Mũ áo thùng thình, ngựa xe rộn rịp, hỏi quan chức thì ông này là đại thần trong triều, ông kia là đại lại (3) các tỉnh, chỉ biết có một việc là ngày đi hội thương (4) hay ra công đường xử kiện, còn hỏi đến việc lợi bệnh (5) trong nước hay là trong một tỉnh thì mơ màng chẳng biết một chút gì.
    Còn đến việc đút lót người trên, sách nhiễu kẻ dưới thì không cứ là quan to quan nhỏ, đều công nhiên cho là cái quyền lợi của người làm quan đáng được, dẫu có ai bàn nói đến cũng không kể vào đâu.

(1) cách chức, ngược với bổ là giao việc
(2)  bị vướng vào một tội nào
(3) cũng nghĩa như chức quan lớn
(4) Ngày nay hay dùng hội họp
(5); từ cổ, nay ít dùng có cùng nghĩa như lợi hại
 Phan Châu Trinh
 Thư gửi chính phủ Pháp, 1906


Việc quan hỗn hào lẫn lộn
   Các cụ ngày xưa quá tin vào sự nhiệm màu của đạo Khổng. Họ tưởng rằng lầu thuộc Tứ thư, Ngũ kinh, học hết mấy pho sử, làm được câu thơ bài phú là có đủ đức hạnh để dạy dỗ dân, đủ tài kinh luân để đưa dân đến cõi hạnh phúc. Họ tưởng rằng đã là sĩ phu, thì là một người hoàn toàn, một đấng thánh hiền, nên họ mới phó thác cho trách nhiệm quá nặng.
   Những quyền hành lớn ấy, từ xưa đến nay, quan trường vẫn nắm trong tay, tuy rằng cuộc sinh hoạt của dân chúng đã đổi thay nhiều lắm.
     Một ông huyện chẳng hạn, không biết rằng chức phận của mình là phải làm những việc gì nữa.
     Ông ta là một ông quan toà lúc xử việc kiện tụng, một ông cẩm (1) lúc coi sóc việc trị an, một viên chức sở lục lộ (2) lúc thúc dân hộ đê Đó là không kể cai trị là công việc chính của ông ta.
      Bấy nhiêu nhiệm vụ hỗn hào lẫn lộn là một điều khó khăn cho ông quan mà cũng là cái mầm cho sự lạm quyền. Và đối với những ông quan không theo đuổi một lý tưởng gì cao siêu, đó lại là một cái mầm cho sự ăn tiền.

(1)   cảnh sát
(2)    sở giao thông công chính
 Hoàng Đạo
 B ùn l ầy n ư ớc đ ọng, 1939

Quyền thế trong tay cường hào
    Về mặt quản trị làng xưa có một tệ hại. Là bao nhiêu quyền thế đều ở trong tay  cường hào cả. Những kỳ mục có của có thế lực có danh vọng đều là chúa  ở trong làng. Vì làng  tự trị một cách quá đáng, lệ làng đặt ra đến phép vua cũng không thay đổi được. Nếu kẻ cầm đầu trong làng là người khá, có kiến thức có công tâm  thì không kể làm chi; nhưng nếu là những người chỉ nghĩ đến lợi riêng, thì nhũng lạm xảy ra một cách dễ dàng và quá quắt. Một lối tổ chức có thể để những sự bất công như vậy xảy ra là một lối tổ chức không chu đáo,  tự mình lại làm tội mình.
                                                                                            Hoàng Đạo
                                                                           Làng xã, Ngày nay, 1940



Quân hồi vô phèng
     Làng ở xứ ta như một hội riêng của tư nhân. Nếu cái đặc tính của một pháp nhân cai trị(1) là quyền ban hành những nghị định có ý nghĩa cưỡng bách, buộc mọi người thi hành, thì làng xứ ta quả không phải là một pháp nhân cai trị.
   Muốn đắp một con đường ư? Quyết định năm nay, nhưng có nhẽ rồi một hai năm sau mới làm xong, mỗi họ mỗi thôn mỗi gia đình ung dung tiện lúc nào thì làm lúc ấy.
        Muốn đào một giếng nước ăn ư? Nếu người khởi xướng ra việc đó không can đảm đứng ra mà đốc thúc thì dân làng cứ chịu khó ăn nước ao mãi.
       Hội đồng làng xã đặt lệ cấm đổ rác ra đường cái ư? Nếu không có một mối hiềm thù riêng từ trước, thì không một chức dịch nào thấy mình có trách nhiệm là ngăn cản hay trừng phạt người làm trái lệ ấy.
    Thường thường những cuộc bàn cãi trong những buổi họp việc làng không dẫn đến một kết quả thiết thực gì cả.
     Biết bao nhiêu luật lệ của cơ quan cai trị đã bị xếp bỏ không thi hành được chỉ vì một vài người không muốn nghe theo.
   Chỉ cần một kẻ phản đối cũng đủ làm cho điều đề nghị hay đến đâu cũng phải gác bỏ. Mà ở làng nào cũng có vài viên kỳ mục, vài người bướng bỉnh, bao giờ cũng giữ thái độ phản đối: Hoặc vì họ thấy công việc sẽ làm không trực tiếp lợi cho họ, hoặc vì họ ghét người khởi xướng ra công việc ấy; hoặc vì họ nghĩ rằng người khởi xướng định bới việc ra để ăn -- điều nghi kỵ sau này tiếc thay, nhiều khi cũng đúng.

 (1) kẻ có tư cách pháp lý  

 Vũ Văn Hiền
 Mấy nhận xét nhỏ về dân quê Bắc kỳ, Thanh Nghị, 1944
Tinh thần gia tộc quá nặng

      Ta có thể thấy vì một mối tư thù, một viên lý trưởng phó lý hay trương tuần bắt trói trái phép một người họ khác đã trái lệ làng vì một việc cỏn con ; người ta  không thể thấy những viên chức dịch ấy lập biên bản để đưa ra đình hay giải lên quan  một ông chú  một người anh em họ bên nội hay bên ngoại, dẫu người đó đã phạm vào tội do hình luật trừng trị.
    Cái tinh thần đại gia tộc ở xứ này đã diệt mất hẳn tinh thần công dân. Tình họ hàng ở thôn quê  đã làm cho tê liệt  hẳn bộ máy cai trị  của làng vốn tự nó  đã không được khỏe gì.
  …  Nhờ có sức mạnh thói quen mà làng Việt Nam còn giữ được  những cổ lệ và  cái đời sống thụ động của mình. Nhưng hiện tình thì ta không thể coi nó là một công cụ  giúp vào việc tiến hóa của dân quê.
                    Vũ Văn Hiền  
 Những nhận xét nhỏ về dân quê Bắc kỳ, Thanh Nghị, 1944 


Đám đông dân chúng vô cảm và vô trách nhiệm
    Việc làng thường định vào những ngày tuần tiết, là những ngày ở đình có tế lễ và ăn uống. Khi nào có việc gì khêu gợi sự cạnh tranh và đụng chạm đến những quyền lợi có sẵn thì số người ra họp rất đông. Còn khi nào chỉ họp để dự định công việc mới mẻ nhưng chưa ai thấy lợi trực tiếp cho mình thì buổi họp rất vắng. Nhiều người chỉ ra tế lễ ăn uống rồi về; mà cũng chẳng có lề luật nào định phải có bao nhiêu người dự bàn mới là đủ.
 Vũ Văn Hiền
 Mấy nhận xét nhỏ về dân quê Bắc kỳ, Thanh nghị, 1944

Bất lực
     Những người cai trị chỉ có một thứ uy quyền thuộc về tinh thần; nếu mất đi cái uy quyền tinh thần ấy, nếu họ để mất thể diện (vì thua kiện hoặc bị người dưới phản kháng mà không làm gì nổi) thì sẽ không làm được việc gì nữa. Vì họ có đặt luật lệ hay đến đâu cũng không ai theo.
      Một phần lớn vì thiếu thứ uy quyền rất khó có và rất khó giữ đó, nên phần đông các chức dịch làng xã mỗi khi làm một việc gì cũng không dám tự quyết định lấy và phải do ý kiến của tất cả mọi người trong làng


 Vũ Văn Hiền 
 Mấy nhận xét nhỏ về dân quê Bắc kỳ, Thanh Nghị,1944


Không hình thành nổi
 một dư luận sáng suốt
     Ngoài tinh thần độc tôn bè đảng, còn một trở lực nữa ngăn cản mọi công việc cải cách ở thôn quê là dư luận trong làng, một thứ dư luận mạnh mẽ, ác nghiệt và mù quáng. Nhiều việc cải cách đã quyết định rồi đành bỏ dở chỉ vì người thừa hành sống trong làng xóm, không thể chịu đựng được những dị nghị chế giễu mà hàng chục hàng trăm người nhắc lại ở khắp đầu làng cuối ngõ.
     Đã không có quyền bắt mọi người im, lại sống luôn với những người đó, hương chức tránh sao nổi ảnh hưởng của dư luận; và sau vài ba tháng làm việc, người hăng hái đến đâu cũng đành “dĩ hoà vi quý “, bỏ hẳn những ý định của mình để sống theo nếp cũ.
 Vũ Văn Hiền
 Việc cai trị ở thôn quê, Thanh Nghị, 1945


Chưa đủ khả năng tự cai quản 
   Ở các làng quê đâu đâu cũng thấy một sự mê muội bướng bỉnh gian dối, đâu đâu cũng thấy những thói rượu chè cờ bạc khao vọng ma chay kiện cáo.
    Sự nghèo nàn về tinh thần và – từ khi nền học cũ đã tàn--  sự thiếu thốn về luân lý đã thêm vào sự đói rét và ốm đau để làm cho người dân quê Việt Nam cực kỳ khổ sở.
    Sở dĩ mọi cải cách thất bại vì dựa trên nguyên tắc không hợp thời “ các làng xã cần được hoàn toàn tự trị “.
      Khi giao việc cai trị trong làng cho những người sống trong làng ( tức mỗi làng là một đơn vị tự túc về cai trị )  các làng càng trở nên cô lập, không chung sống với lân bang; mỗi làng thường không đủ năng lực làm việc gì cho to tát.
   Các chức vụ  chỉ để thỏa mãn lòng  khát khao danh vọng của dân quê.
   Thật ít khi người ta thấy nhiều người phí phạm thời giờ và nghị lực vào những công việc hão huyền như trong một làng Việt Nam. Và thật khó lòng tìm ở một nơi nào khác   nhiều bộ phận vô ích như làng xứ ta.
Vũ Văn Hiền
Thanh nghị số đặc biệt Vài vấn đề Đông dương, 1945




Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم