VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký 2011 ( tuần LXII—LXVI )

16-10
NGƯỜI TẦU KHAI MỎ THỜI CÁC CHÚA TRỊNH
Chương V cuốn Việt nam sử lược của Trần Trọng Kim mang tên Những việc họ Trịnh làm ở xứ bắc trong khoảng hai thế kỷ XVII- XVIII. Việc đầu tiên được tác giả kể ra là giao thiệp với nhà Thanh. Tiếp đó là các việc về quan chế binh chế thuế má. Riêng phần việc khai mỏ sau khi kể ra các mỏ ở Tuyên Quang Thái Nguyên Lạng Sơn, ở tr. 313 bản của nhà Tân Việt Sài Gòn 1951, tác giả viết :
Những mỏ ấy đều là người Trung Hoa sang khai cả, bao nhiêu quyền lợi về tay người Tầu hết, của mười phần nhà nước không được một. Mà những phu Tầu sang làm mỏ thường hay quấy nhiễu dân sự. Năm Đinh Dậu 1717, Trịnh Cương đã định lệ rằng những người Tầu sang khai mỏ chỗ đông lắm chỉ được đến 300 người, chỗ đông vừa 200 người, chỗ ít 100 người mà thôi. Thế mà về sau có nơi phu khách đông đến hàng vạn người, rồi sinh sự đánh nhau, thường phải dùng đến binh lính đi đánh dẹp mãi mới xong.

18-10
CHUNG QUANH SỰ HỌC
Trong cuốn Nhân thế tu tri của Cao Xuân Dục ( bản của Nxb Văn học 2001) tôi đọc được một câu quá hay bàn về sự học:
” Kẻ đi học qúy là ham học, quý hơn nữa là biết học”
Câu này vốn trích từ một cuốn sách Trung quốc mang tên Súc đức lục – tạm hiểu là Ghi chép về cách chứa đức -- tác giả Cao Xuân Dục chép lại. Nhưng riêng cái việc không chỉ nói tới sự ham học mà bắt đầu quan tâm tới cách thức học và lưu ý tới hiệu quả chất lượng của việc học thì cũng đã cho thấy tác giả thật đã xứng đáng một vị đại thần đứng đầu ngành sử và giáo dục triều Nguyễn, một nhà văn hóa lớn thời cận đại.
Thời chúng ta hiện vẫn chưa thoát khỏi tình trạng bảo nhau cắm đầu học mà không biết đặt vấn đề tại sao cứ học ít lâu rồi bỏ, không thể học nổi lâu dài. Hiện tượng ham học hôm nay phổ biến vẫn là lửa rơm, chóng nổi rồi cũng chóng tàn. Cứ lo học cách này thì dân tộc không thể có những trí thức lớn mà mọi xã hội muốn phát triển vẫn đòi hỏi.

Một đoạn trong chương Dương hoá sách Luận ngữ (XVII.8) , ghi lời Khổng Tử
Có nhân mà không học thành ngu
Có trí mà không học thành kiêu ngạo
Có tín mà không học thành tổn hại mình
Có trực ( ngay thẳng ) mà không học thành ngang ngạnh mất lòng người
Có dũng mà không học thành làm bậy
Có cương cường mà không học thành cuồng bạo

20 – 10
ĐỐI XỬ SAO VỚI DI SẢN?
Báo Tuổi trẻ bữa trước có bài kể ca trù bây giờ thiếu cả thầy lẫn cả người nghe.
VTV1 hôm nay có đoạn tin đưa trò chơi dân gian vào nhà trường – trò chơi ở đây là ô ăn quan. Một màn kịch giả và nhạt. Hơn thế nữa nó chỉ tố cáo sự nghèo nàn trong trò chơi và sự xa lạ giữa các thế hệ người Việt.
Còn nhiều hiện tượng nữa cho thấy đang có sự bất lực trong việc đưa con người hiện đại quay lại với di sản văn hóa dân gian và cổ điển. Với một ít tình yêu luyển loảng và con số chi phí còm cõi, người ta chỉ tái tạo lại những thứ đồ giả. Thế mà lại định đưa lên thành phong trào, thì làm sao chả thất bại?

NGƯỜI NƯỚC NGOÀI HIỂU VỀ
CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO ?
SGTT 20-10 Chris – gã Tây quá giang
Bài báo này kể về một khách du lịch phương Tây muốn làm một chuyến du lịch đặc biệt bằng cách lang thang và đi nhờ một phương tiện vận tải nào đó gặp trên đường.
Trong bài có đoạn kể càng gặp nhiều ý tưởng phản đối ngăn cản, Chris càng say mê và quyết tâm thực hiện chuyến đi bão táp ấy.
Chris hiểu mọi chuyện: “Đi quá giang ở Việt Nam sẽ rất khó, tôi biết bạn có thể vẫy một chiếc xe bất kỳ nhưng khi lên họ hỏi tiền mà không có sẽ bị chửi bới, cho vài phát đá đít rồi đuổi xuống là chuyện bình thường.
Nhưng với những gì tôi đã trải nghiệm qua một số vùng miền ở Việt Nam, tôi đã gặp được rất nhiều người tốt, nhiều phong cảnh đẹp và với kinh nghiệm đi quá giang khắp vùng Đông Nam Á, tôi sẽ quyết tâm thực hiện hành trình này, có thể sẽ thêm một hình xăm tiếng Việt để người ta hiểu, tôi tin rằng chẳng ai lại cư xử mạnh tay mạnh chân với tôi đâu”.

23-10
SỰ KÍCH THÍCH CỦA THƠ DỊCH
Hồi trước đã có lệ, sau khi đã vào Hội, các nhà văn mỗi người phải làm một cuốn lý lịch khá chi tiết trong đó có phần trả lời cho câu hỏi như anh (hay chị) đã đến với văn học như thế nào.
Trong cuốn lý lịch của mình, Xuân Quỳnh nói rằng hồi mới vào nghề rất thích một bài thơ Tây Ban Nha, mà đến mãi sau này còn nhớ mấy câu:
Ôi Gơ-nát Gơ nát
Ôi Gơ nát thân yêu
Khi ngựa bước qua đèo
Ôi Gơ nát Gơ nát
Trong nguyên văn bài thơ có nhan đề Bài ca Granada. Nguyễn Xuân Sanh đã dịch nó ra tiếng Việt từ khoảng 1954-55—lúc ấy ông còn phiên âm Granada thành Gơ-nát.
Ôi Gơ-nát Gơ-nát
Tên đẹp trong sách đẹp
Một quận Tây Ban Nha
Có tên sáng như thép
Tôi đọc trong sách xưa
Rồi tôi đâm ngơ ngác
Tôi bỏ cả ngày mùa
Tôi xin đi đánh giặc

Nhiều nhà thơ hôm nay thích nói thơ là một hiện tượng dân tộc với nghĩa nó ít chịu ảnh hưởng từ nước ngoài. Những ví dụ như trên cho thấy một tình trạng ngược lại. Chính ra là ngay trong những năm tháng văn học VN đóng cửa khá chặt như thời trước 1975, thì thơ nước ngoài vẫn có mặt và các mảng thơ dịch vẫn có trăm ngàn cách để tác động tới nền thơ VN.

Để nói về những vang vọng của đời sống nước ngoài trong tâm tình mình, tôi thường nhẩm lại mấy câu sau của Hồng Trung Hội làm ở Việt Bắc hồi kháng chiến chống Pháp:

Tôi hát dân ca Nam Tư
Như lời dân ca nước Việt
Bởi vì anh ơi tôi biết
Chúng ta chung một quân thù

Tháng mười này đọc các báo mạng, thấy có nhiều bài nói về việc Hungary kỷ niệm 55 năm cuộc cách mạng đòi dân chủ 1956. Tự nhiên lại nhớ một bài thơ của Thanh Tâm Tuyền

Hãy cho anh khóc bằng mắt em

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác

Hãy cho anh giận bằng ngực em
Khi chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng
Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào

Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mai bay rực rỡ
Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai

Hãy cho anh run bằng má em
Khi chúng đóng mọi đường biên giới
Lùa những ngón tay vào nhau
Thân thể anh chờ đợi

Hãy cho anh ngủ bằng trán em
Đau dấu đạn
Đêm không bao giờ không bao giờ đêm
Chúng tấn công hoài những buổi sáng

Hãy cho anh chết bằng da em
Trong dây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
12-56


24-10
TỔ CHỨC RA SỰ HƯ HỎNG
Từ những năm hòa bình trước 1975, bọn tôi đã nghe nói là bác sĩ Hồ Đắc Di từng có một câu bất hủ “Chúng ta đã thực sự tổ chức ra một tình trạng vô tổ chức hoàn hảo”.
Mở rộng ra, có thể nói chúng ta còn tổ chức ra những sự hư hỏng khác— chẳng hạn tổ chức ra sự dối trá. Thí dụ thì tìm đâu cũng thấy:

TT - 24/10. Một kỳ thi kỳ lạ! Thí sinh ngang nhiên quay cóp, được “tạo điều kiện” cho trao đổi, làm bài chung... là những hình ảnh tại hội đồng thi tuyển sinh liên thông từ CĐ lên ĐH tổ chức tại Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM sáng 23-10.

(Toquoc). Hàng giả, hàng nhái: Từ “vấn nạn” trở thành “thảm họa”
Các chuyên gia cho rằng, hàng giả, hàng nhái chủ yếu tập trung ở các nhóm hàng như: nước hoa, hàng điện tử, rượu, quần áo, đồng hồ, thuốc chữa bệnh, trang sức, trò chơi điện tử, balo túi xách…
Việc gắn tem chống hàng giả, hàng nhái cũng rất nhiêu khê. Có nhà phân phối sau khi gắn nhãn chống hàng giả thì mặc nhiên nâng giá cao gấp 2, 3 lần giá thị trường,
Ngoài ra, tâm lý chung của người tiêu dùng là hễ hàng có tem thì giá nào cũng mua, lợi dụng tâm lý này, cả doanh nghiệp và đơn vị được cấp phép in tem chống hàng giả tha hồ kiếm lợi bằng vô vàn hình thức khác nhau.
Giả cả tem chống giả. TP.HCM có 30 đơn vị được phép in tem chống hàng giả. Tuy nhiên, con số thực tế lên đến hàng trăm cơ sở in loại tem này.
Nhiều đơn vị có giấy phép in tem chống hàng giả nhưng lại không đứng ra in (do thiếu máy móc, nhà xưởng, công nghệ… ) nên phải thuê nhiều đơn vị khác nhau đảm nhiệm công việc này, khiến cho “đường đi” của tem từ nguyên liệu đến thành phẩm trở nên rối rắm.
Từ việc thiếu minh bạch, thiếu giám sát trong việc in tem chống hàng giả, nhiều đơn vị in “chui” ra đời và tha hồ tung hoành.
Thị trường hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại một, còn việc lưu hành tem chống hàng giả được in lậu lại gây thiệt hại tới mười..

THÀNH NGỮ MỚI
Ngân sách nhà nước: Thu lỏng lẻo, chi “xông xênh quản … tênh hênh, chôm thoải mái.

Tôi nhớ những câu cũ, nghe được hồi làm giáo viên ở Đoàn kịch Quân đội
Ăn như vũ --ngủ như ca la cà như nhạc –
bạc nhạc như hành chính -- luýnh quýnh như hậu đài
nói dài như phụ trách -- hống hách như thường trực

hoặc một câu nghe được trong chiến tranh, nói về các ông cốp đi chiến trường

Ăn ngon uống đậm --đi chậm nghỉ lâu—yêu cầu bộ đội đánh thắng

Đang thấy bàn nhiều quanh cuốn Sát thủ đầu mưng mủ. Tôi chỉ đọc thấy ở đây một sự bế tắc của lớp trẻ, họ muốn đúc kết lấy những kinh nghiệm sống của lứa tuổi mình, nhưng không đủ sức. Ý nghĩa của giao tiếp chỉ còn ở chỗ nói vài câu gây cười và lấy việc tự buông thả làm thích thú.

27-10
VÔ ƠN
Nhân đợt tuyên truyền về tàu không số, mạng Nguyễn Thế Thịnh có bài nhan đề Không chịu trách nhiệm.
“Nói về đường HCM trên biển, người ta cũng chỉ nói đến cái hay, cái giỏi, tuyệt nhiên không ai đề cập đến giai đoạn năm 1972, hàng loạt tàu không số không bao giờ đi đến đích, cũng không bao giờ trở về. Đến mức, các chiến sĩ trên tàu không số nổi đóa lên, bắn cháy, nhận chìm nhiều tàu ‘nước bạn’. Đó là thời kỳ Trung Quốc ‘lộ hàng’ Mỹ. Chuyện xẩy ra 40 năm rồi mà ta cũng không dám nhắc lại, kể cũng buồn”.
Đã có người bình luận Về bản chất, đó là sự vô ơn với những người đã hy sinh xương máu!
Sực nhớ tới bài Văn tế trận vong tướng sĩ của Tiền quân Nguyễn Văn Thành, mà ngày trước Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm cũng như nhiều sách giáo khoa khác có trích, coi là một áng văn có giá trị nhân bản nhưng thời nay bị giấu nhẹm rất ít người biết, lý do chỉ vì tác giả là một trong những công thần của Gia Long.

CÁI KHÓ MỖI NƠI MỖI KHÁC
Báo chí nước ngoài đưa tin, nói về cuộc đấu tranh cho dân chủ ở Mianma, bà Suu Kyi nói rằng sự sợ hãi đã làm tê liệt dân chúng, khiến người ta câm nín và thụ động. Theo bà, người dân phải vượt qua sự sợ hãi dám cất lên tiếng nói trước khi có thể tranh đấu đòi các quyền tự do quan trọng khác.
Liên hệ với VN, tôi thấy vấn đề phức tạp hơn nhiều. Bị lôi cuốn vào vòng kiếm sống và trụy lạc, người dân không còn đầu óc đâu để nghĩ về các vấn đề nghiêm chỉnh của đất nước với tất cả tầm vóc của nó. Chúng ta sẽ cứ trì trệ như thế này mãi.

28-10
GHI VẶT
Người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội 'Thích thoải mái xe cá nhân thì phải chấp nhận tắc đường'
Một giáo sư y học: Nền y tế Việt Nam đang lấy những cái hay “cá biệt” để che đậy những cái dở “phổ biến”!”
Một bộ trưởng về hưu: Bệnh viện còn quá tải thì còn nạn phong bì.
Làm đường ở Việt Nam đắt gấp 3 ở Mỹ.
Các chung cư mới hình thành không tìm đâu ra người biết quản lý
Nghề giúp việc nhà: Tuyển cũng khó, tìm việc cũng khó
 Nhà văn hoá phường: Hiếm nơi… sáng đèn
Chuyện bóng đá Sau trận MC- MU “Thời buổi bây giờ, sẽ là lạc hậu và cố chấp nếu cho rằng tiền bạc không thể đánh bại truyền thống.”
Trung bình mỗi ngày chúng tôi đuổi một nhân viên' - Đại diện cty xe bus HN cho biết
Bị tát vào mặt, một học sinh tử vong?
Đánh học sinh vì ‘ghét cái mặt’, ‘thích thì đánh’
Ở Việt Nam, nguy cơ chết vì rượu cũng rất cao, nhất là bộ phận dân nghèo, bởi rượu họ đang uống nấu từ men Trung Quốc, một loại men sống chiết xuất rượu trực tiếp từ gạo, không qua nấu cơm, rất mất vệ sinh và nguy hiểm cho sức khỏe”.

Tám tuổi làm giám đốc! Một nhóm học sinh (HS) lớp 3 Trường Tiểu học Giồng Ông Tố (quận 2) đã tự thành lập công ty với đầy đủ các chức danh như giám đốc, phó giám đốc, nhân viên… để sản xuất, kinh doanh buôn bán các vật dụng cho HS trong trường. (PLTP 28/10 )
Nhiều người còn cho rằng như thế là Khuyến khích các em sáng tạo.
Sao lại thế được nhỉ? Tôi nhớ trong thương mại quốc tế, người ta có lệnh cấm nhập những hàng sử dụng lao động trẻ em.

Sự sớm trưởng thành thật là khốc liệt – Nhà thơ xô viết Olga Berggolz từng viết như vậy trong bài Đường ra mặt trận đã dịch và in ở HN 1962
Hồi trước đọc bài thơ này tôi chỉ nhớ câu Đường đi ra mặt trận cỏ xanh viền, nó cũng tương tự như Đường ra trận mùa này đẹp lắm của Phạm Tiến Duật về sau. Nay thì mới thấm thía Sự sớm trưởng thành thật là khốc liệt.

Nghĩ kỹ, ở đây còn có chuyện Người lớn thành trẻ con Trẻ con thành người lớn.
Tình trạng này thì giới viết văn chúng tôi rõ lắm. Nguyễn Minh Châu những năm cuối đời thường than thở, ở ta trẻ con làm văn nghị luận, người lớn làm văn miêu tả.
Ông tổng kết vậy khi nhìn ra xu thế biến việc viết văn thành nghề thủ công  và tước bỏ tính tư tưởng của văn chương một thời.
Tôi đã đưa ý này vào bài Công việc viết văn nhìn dưới góc độ nghề nghiệp, in trong Những kiếp hoa dại cũng như Phê bình& tiểu luận.

29-10
HỘI NHẬP KIỂU VIỆT NAM
Theo Chánh văn phòng Interpol Việt Nam Đặng Xuân Khang, tội phạm công nghệ và hình sự đang "tấn công" Việt Nam, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để chiếm đoạt tài sản hoặc làm nơi gây án với nạn nhân đang sống tại các quốc gia khác.

Hàng năm, cả 400 – 500 ngàn người Việt định cư ở nước ngoài về VN, trong đó số về thăm gia đình chỉ là số nhỏ, còn lại là chơi bời, mua dâm, làm ăn, du lịch là chính

1-11
BẤT LỰC MỌI NƠI MỌI CHỖ
Việt Nam không đủ khả năng bảo vệ động vật hoang dã quí hiếm?
GS Phạm Duy Hiển: Việt Nam chưa đủ khả năng quản lý nhiều nhà máy hạt nhân.
VNN, mục Phát ngôn và hành động, có bài nêu chuyện quản lý và sở hữu, lỗ và lãi. Dẫn một đại biểu quốc hội : “DNNN cần huy động vốn thì báo lãi, cần tăng giá lại báo lỗ… Vậy bản chất kinh doanh lãi hay lỗ, lãi thật hay giả, lỗ thật hay giả?”
Cái vấn đề ở đây không chỉ là sự khôn lỏi của doanh nghiệp mà cái chính là sự bất khả tri của tình thế. Hình như nay là lúc nói thế nào cũng được, và tất cả tù mù, không sao biết thế nào sự thực.
Quản lý rừng như thế thì nguy hiểm quá! (PLTP). “Đại biểu Quốc hội nghi ngờ báo cáo về trồng rừng của chính phủ. Cứ nói trồng rừng nhưng đi trồng cao su cả."

2-11
NGUY CƠ CỦA SỰ THỪA THÃI
Cả đời sống trong thiếu thốn, với loại người thuộc thế hệ tôi, các loại tin về sự khan hiếm nghe chưa sợ lắm. Cái mới của thời nay là các loại tin về thừa. Vâng, thừa thãi ê hề tràn ngập những cái bất thành nhân dạng, những rác rưởi. Nghĩ bụng đáng lẽ loại tin này phải thường xuyên có mặt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thì đây:
Hàng tồn kho tiếp tục tăng cao
TT - Tổng cục Thống kê cho biết do sản xuất tăng cao trong khi tiêu thụ gặp khó, tồn kho ngành công nghiệp chế biến tăng mạnh. Chỉ số tồn kho tháng 10-2011 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao đột biến, ước tăng đến 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các ngành có chỉ số tồn kho tăng cao gồm sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện tăng 88%; sản xuất ximăng, vôi vữa tăng 84,4%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa tăng 82,6%; sản xuất giường tủ, bàn ghế tăng 77,8%.
Đọc những tin này, nghĩ nên bổ sung thêm có một thứ nữa cũng đang tồn kho là người, những người không có nghề nghiệp hoặc được đào tạo sơ sài đến mức không nghề nghiệp gì nên hồn. Đó là sinh viên các trường đại học rởm mở ra mấy năm nay. Người bất thành nhân dạng mà thừa thì còn gây ra nguy hiểm nữa!

ĐẺ GIỎI NUÔI DẠY KÉM
Một ý trong bài Khác biệt giữa đại học Úc và Việt Nam trênTuổi trẻ : “22 triệu dân với 39 trường đại học. 88 triệu dân với hơn 300 trường đại học. 7 trong số 39 trường thuộc top 100 trường đại học hàng đầu thế giới. Chưa có trường nào lọt vào top 200 của các bảng xếp hạng quốc tế”.

Trước đó, TTVHCT 28-10 có bài kể chuyện các ngành đại học, ngân hàng Phình to lên rồi … tái cấu trúc.

Trong cuốn Từ điển y học của Andrre Duranto, bản dịch của Nxb Hậu Giang, 1990, tôi đọc được một định nghĩa như thế này:

Ung thư là gì? Bình thường các tổ chức của cơ thể phát triển một cách cân đối hài hòa, đạt tới các hình thể mà ta đã biết. Sở dĩ như vậy vì trong tổ chức lành, tế bào sinh trưởng theo quy luật điều hòa, nhờ sự thông tin và nhận tin từ tế bào này sang tế bào khác.
Quá trình ung thư là một loại thay đổi: một số tế bào không theo luật định mà phát triển một cách khác thường.
Tế bào ung thư có những đặc tính riêng , nhân to nham nhở, nguyên sinh chất rất ít,và không giống các tế bào thuộc tổ chức sinh ra nó đến mức không nhận biết được nữa.
Tế bào sinh trưởng một cách vô tổ chức, thóat khỏi sự điều hòa bình thường, kháng lại sự tự vệ miễn dịch…

6—11
Phim Bài ca người lính được chiếu lại trên VTV1 nhân dịp 7-11. Xem lại mà thấy ngao ngán, một bộ phim lành mạnh như thế mà hồi chống xét lại trước 1964 bị cấm đoán, coi như một thứ tuyên truyền nguy hiểm gây hại cho công tác tư tưởng.
Lúc nào đó phải viết lại về sự có mặt của những Đàn sếu bay qua, Người thầy đầu tiên, Tấc đất … nói chung là những ảnh hưởng của cái bị coi là dị giáo trong đời sống Hà Nội trước 1965.


Ba ngày lên Hà Giang. May quá vì đường lên Mèo Vạc Đồng Văn quanh co khúc khủy thế này mà phong cảnh nơi đây chưa bị thứ du lịch thương mại hiện thời tàn phá.
Nghe thức dậy trong lòng cảm giác về cái hùng vĩ.
Hàng ngày phải sống quá nhiều với cái đời sống tầm thường chộn rộn cùng những dục vọng mờ đục, lên đây người ta mới tận hưởng được cái phía thanh sạch cao cả của cuộc đời còn sót lại.

Dọc đường từ Hà Giang qua Tuyên Quang trở về bắt gặp hai bên đường phố xá san sát. Cửa hàng tiếp cửa hàng nối dài ra ven đường.
Những con đường mới làm mà đơn sơ cũ kỹ, và luôn trong tình trạng quá tải nên cũng tàn tạ rất nhanh.
Các cửa hàng xanh xanh đỏ đỏ tràn ngập hàng hóa chắc phần nhiều là hàng Tầu.
Bao nhiêu đầu óc thông minh sáng láng láng đã đổ cả ra đây. Nhà này buôn cái này nhà kia bán cái khác phục vụ lẫn nhau lừa lọc lẫn nhau.
Nhìn ra xa những ngọn đồi xơ xác dần núi rừng thu hẹp lại và cằn cỗi đi.
Còn khung cảnh nào thích hợp hơn để minh họa cho khái niệm phồn vinh giả tạo?

8-11
THẾ GIỚI ĐỔI THAY
Đọc BTTK thấy nhân hội nghị G.20, báo chí Pháp đăng nhiều bài nói về thế giới hiện nay:
Một giáo sư, ông Georges Corn nhận xét trong ba mươi năm lại đây, thế giới đã chứng kiến việc tất cả những nguyên lý quan trọng của Thế kỷ Ánh sáng và cuộc cách mạng pháp bị loại bỏ để thiết lập cơ chế tòan cầu hóa.
Sự tàn phá gây ra bởi xã hội tiêu thụ hoàn tòan nằm dưới quyền kiểm soát của một nhóm người tập trung trong tay cả quyền lực chính trị lẫn quyền lực kinh tế. Từ đó dân chủ không có ý nghĩa gì.
Từ việc Colombo chinh phục châu Mỹ tới sự kiện 11-9, Mỹ đưa quân vào vùng Trung Đông,…đều được triển khai nhân danh nhân quyền, xã hội tôn trọng cá nhân và xu hướng tiêu thụ
Nhưng lại cũng đang nổi lên như một xu hướng—quyền lực triệt tiêu quyền lực ( con rắn tự cắn đuôi mình). Thế giới trong khi toàn cầu hóa thì lại đi từ thất bại này đến thất bại khác và một kết cục gồm mâu thuẫn, xung đột tan vỡ đang chờ đợi—đó chính là cái đơn cực duy nhất còn trở lại.

NHÌN SANG CÁC NƯỚC Ả RẬP
Tuynisi – chính trị Hồi giáo lại thắng lợi, cái thể chế đang hình thành chứa đầy đủ những yếu tố làm hỏng mục đích của nó, và kết cục sẽ giống y như cái thể chế mà nó vừa lật đổ.
Còn tình hình ở một số nước quân chủ Ả Rập được miêu tả như sau:
- khắp nơi tham nhũng hối lộ.
- những người cầm quyền có lợi ích kinh doanh riêng, ngày càng trở thành mối đe dọa với các tầng lớp thương nhân cũng như các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Ưu thế đặc biệt của lớp người cầm quyền này tại các tòa án, hệ thống tư pháp là của họ, không hề có sự bình đẳng giữa các gia đình cai trị và các cá nhân không thuộc hoàng tộc.

Thế kỷ XX bắt đầu với việc thay đổi những hằng số cũ, đang kết thúc với sự việc biến sự thay đổi thành cái hằng số duy nhất.


11-11
CHỦ NGHĨA KHOÁI LẠC Ở DẠNG
TẦM THƯỜNG NHẤT CỦA NÓ

Nhân có phóng viên hỏi xem nên nghĩ sao về tình trạng thi hoa hậu hiện thời, tôi muốn trở lại với những ý tưởng của một nhà văn hóa Nga là Sergei Averintsev về một hướng phát triển của đời sống tinh thần nước Nga sau 1991:
Những sai lầm của quá khứ, kết quả của những nhà tư tưởng đáng giá hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đã bị truất ngôi cùng với những hệ tư tưởng cực quyền. Việc truy tìm gốc rễ của cái xấu ở thời xa xưa trong lịch sử tư tưởng đang được theo đuổi ráo riết.
Tuy nhiên vẫn còn những lý do để lo âu. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta nhận ra những dấu hiệu của một chủ nghĩa khóai lạc rất phàm tục.
Ở một nước còn rất thiếu hàng hóa như nước Nga, cái chủ nghĩa khoái lạc này càng trở nên dữ dội vì người ta đã bị bỏ khát quá dài và giờ đây đuổi theo khoái lạc bao nhiêu cũng luôn luôn cảm thấy chưa thỏa.
Thứ đến là là sự biến mất tăm của nền văn hóa với đặc trưng là ý thức liêm sỉ hoặc thói quen biết xấu hổ.
Và cuối cùng là sự xuất hiện một chủ nghĩa phi lý hẩu lốn trộn nháo nhào các giá trị tư bản chủ nghĩa và mác xít.
Rồi một thứ nữa không phải là dung hợp càng không phải tổng hòa mà chẳng qua là một sự nhập cục cơ học cả Ford, Freud, lẫn Marx trong cùng một cấp độ trong một thế giới không thượng đế.
Dục năng ( libido) đang xâm chiếm đời sống, không phải chỉ là một thứ dục năng nhục thể mà – lạ thay -- cứ như là máy móc đang trở nên đầy thèm khát hoặc bản chất con người đang biến dạng để trở nên máy móc vậy.
Ngày nay ở nước Nga thật khó nói đến một ý thức biết xâu hổ.
Kể cũng cần thiết là việc người ta sổ toẹt cả một loạt quy phạm phẩm hạnh giả dối mà trước đây người ta áp đặt cho họ. Nhưng rồi người ta đi tới đâu ?
Cũng có thể nói là người ta trở lại với một tình trạng trống trơ của trẻ con, nhưng đó chỉ là bề ngoài, những đứa trẻ con này đã bị làm hỏng để trở nên thối rữa tự bên trong.
Đã đành những quy phạm ứng xử thời xô viết chỉ là biếm họa của một thứ văn hóa liêm sỉ đích thực. Nhưng từ bỏ nó, không phải là người ta tới được sự cao thượng về tâm hồn. Thay thế vào đó, chỉ là những lệch lạc mới, chẳng hạn thói đạo đức giả và nhất là xu thế chạy theo khoái lạc tầm thường mà người ta tưởng là biểu trưng của tự do.
Trong trường hợp này phải nói bản chất tự nhiên của con người cũng bị đe dọa.

13-11

KHỦNG HOẢNG GIÁO DỤC LAN ĐẾN LỚP TRẺ
VNExpress 10-11 có tin “Không chỉ mẹ bé gái 4 tuổi dạy con "chửi chồng" rồi quay video tung lên mạng, nhiều cha mẹ cũng thi nhau khoe con trên Internet với những clip như: bé 2 tuổi hút thuốc lào, bé đánh nhau, bé 2 tuổi uống thuốc lắc nhảy...
Tôi đoán các bậc cha mẹ nói chỉ trên dưới 30. Chưa đủ trưởng thành làm người bình thường thì họ đã phải làm bố làm mẹ. Và cái tương lai xã hội mà họ định làm ra đại khái là giống như họ, đúng hơn là còn trượt dài xa hơn nữa theo cái hướng mà họ đã chọn.

18-11

LẼ NÀO VĂN HÓA ĐỨNG NGOÀI?
Báo PLTP Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) vừa công bố Báo cáo phát triển con người của VN năm 2011, lấy tên là “Dịch vụ xã hội phát triển con người” trong đó, bằng những con số, nói rõ Giáo dục Việt Nam thua các nước trong khu vực.
Có vẻ như bây giờ chúng ta đã bắt đầu tin như vậy, tin rằng mọi thứ ta đang thua kém cả khu vực, chỉ trừ có văn hóa là ngoại lệ. Nhưng lẽ nào văn hóa đứng tách ra khỏi mọi ngành khác trong xã hội ? Không, văn hóa theo nghĩa sâu sắc nhất của nó chính là cái chỉ số chính xác nhất về một xã hội, còn rõ hơn cả kinh tế nữa.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم