31-8
TIN NHÒE TIN NHẠT TIN KHÔNG RA TIN
Nghe các bản tin thời sự trên TV, đôi khi có những nỗi bực mình nho nhỏ. Chẳng hạn mấy người dẫn chương trình cứ tên đất tên người tiếng Anh thì nuốt chữ đọc vội.
Thoạt đầu tôi chỉ nghĩ chẳng qua các phát thanh viên ấy kém ngoại ngữ. Sau mới vỡ ra, cái chính là trong phần lớn trường hợp, họ -- bây giờ đã đôn cả lên thành biên tập viên --chả hiểu gì về những điều họ nói.
Một đặc điểm chung của cách đưa tin ở ta là lối làm cho tin nhòe đi. Trong một đoạn tin, cứ chỗ nào quan trọng thì người ta lướt nhanh.
Xã hội tràn ngập thông tin, nhưng toàn là những thông tin lờ mờ vô bổ, chả giúp cho người ta gì cả. Nếu bảo là tin rác cũng không oan nào.
Ngoài ra là các loại quảng cáo. Hoặc là một thứ nịnh bợ rủ rê rất gian giảo. Hoặc như một thứ áp lực, thúc ép dọa dẫm, dí súng vào tai người ta mà bảo rằng hàng tốt hàng quý thế này, có mua hay không thì bảo!
Một nội dung thông báo trên TV là các hội thảo. Nhưng bạn thử để ý cách đưa tin mà xem, chỉ toàn thấy tên người đến chỉ đạo. Còn chính những báo cáo quan trọng của hội thảo đó thì người đưa tin không biết mà cũng ngầm nói rằng người nghe không cần biết.
Một nhà đầu tư nước ngoài phát biểu “Chúng tôi cần nhân công đáng tin cậy.” Nhưng có cái gì ở ta bây giờ đáng tin cậy?!
1-9
QUAN CHỨC THỜI XƯA QUAN CHỨC THỜI NAY
Tại sao thời trung đại dân mình làm ăn kinh tế kém? Theo Đào Duy Anh trong Việt nam văn hoá sử cương, (1938), lý do phần lớn là tại là tại lối quản lý. Nhà nước “đối với công nghệ không những không khuyến khích mà lại còn áp chế.” Ông dẫn lại một đoạn trong sách Lịch triều hiến chương , ở đó Phan Huy Chú viết rằng “đời Lê Dụ Tôn, đặt lệ trưng thu hoành lạm ( thu mua quá mức) khiến nhiều nhà nghề không kham nổi mà đành bỏ nghiệp. Như nhà nước đòi sơn thì dân chặt cây đi, nhà nước đòi vải lụa thì dân phá khung dệt, đòi gỗ thì dân quăng búa rìu, đòi tôm cá thì dân xé lưới “.
Đọc các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan hay tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng tôi được biết rằng ngày xưa cứ huyện nào vỡ đê thì quan huyện không lần chần nài nẫm gì hết, về chuẩn bị giấy tờ sổ sách mà bàn giao cho người khác. Hoặc ở nhà ngồi chơi xơi nước hoặc đổi lên các tỉnh miền ngược .
Còn ngày nay, vừa thấy tin nơi này vỡ đê nơi kia hỏa hoạn, là thấy ngay hình ảnh mấy ông quan đầu tỉnh đầu huyện (nhiều khi chỉ là cấp dưới của họ nữa) đến vi hành. Rồi là chuyện cấp phát cho người ta vài đồng bèo bọt. Rồi là cuối năm báo cáo lên trên coi như thành tích kịp thời thế nọ, ngay lập tức thế kia.
Dân gian xưa đã biết tới cái cách thức thâm độc, khi có những kẻ vừa hành hạ dân xong lại quay ra ban ơn xoa dịu. Cái động tác liên hoàn Bẻ què cho thuốc dẫn người ta vào tình thế bị ràng buộc lâu dài và không bao giờ đủ sức lực để vượt thóat.
NẠN CƯỚP TRONG LỊCH SỬ
Ám ảnh về cướp bóc bao trùm suốt thời phong kiến, đến mức nó được xem như một chỉ số đánh giá một thời. Thời này thịnh trị người dân sống an lành. Thời kia cướp bốc nổi lên như ong.
Nhiều hương ước được sử dụng ở các làng Bắc bộ có riêng phần về trách nhiệm quan viên trong làng cũng như dân thường mỗi khi làng bị cướp đột nhập.
Một bài trên mạng Nguyễn Xuân Diện viết về làng cổ cho biết “dân làng Mông Phụ (Đường Lâm) khi ở làng cũng như ở nơi thiên hạ rất đoàn kết với nhau. Vào khoảng đời Thành Thái (1889-1907) có bọn giặc cướp quấy phá, dân làng đã hạ thủ được tướng cướp, triệt nọc được một băng cướp khét tiếng tỉnh Đoài. Vì thành tích ấy, làng được Công sứ đại thần, Tuần phủ Sơn Tây vâng mệnh vua ban tặng cho dân làng bức hoành phi “Dũng cảm khả tưởng” (Dũng cảm đáng khen) để biểu dương. Bức hoành phi này nay vẫn còn treo ở đình làng.”
3-9
DẠO QUA CÁC CỬA HÀNG SÁCH
Có những buổi tối, tôi không biết làm gì, mò ra phố sách giá rẻ Nguyễn Xí. Nhận ra nhiều sự lạ, ví dụ nay là thời mà các loại sách kinh tế chính trị sách dạy làm người, cả sách phong thủy bói tóan… chiếm vị trí chủ đạo. Còn sách văn chương chủ yếu là sách dịch của phương Tây. Văn xuôi đương đại của ta lép vế hòan toàn.
Không khỏi cảm thấy chạnh lòng khi những cuốn sách mà thời nhỏ mình phải học, những tác giả đồng nghiệp của mình từng được tung hô như thần như thánh, nay chỉ khép nép trong góc nào đó. Người mua nếu có chỉ là một số học sinh sinh viên buộc phải mua vì ở trường họ phải học.
Đang thấy phổ biến nhiều lời kêu ca đại loại “văn chương Việt không có gì để đọc”. (Xem bài Trần Nhã Thụy trên báo Tuổi trẻ)
Tôi chỉ đồng ý một nửa.
Tôi cũng từng trải qua những thất vọng tương tự. Trong chỗ riêng tư, với những người tin tôi (và tôi cũng tin họ), tôi còn mạnh dạn đưa ra một lời khuyên rằng không nên cho con em đọc văn chương mới in nóng sốt, vì phần lớn đọc vào chỉ tổ hỏng người và hỏng tiếng Việt.
Nhưng đừng dùng khái niệm văn chương Việt một cách hàm hồ. Không kể văn học trung đại -- chỉ tính riêng văn học hiện đại, còn văn chương tiền chiến và văn học Sài Gòn trước 1975. Ở đó ngoài phần rác bỏ đi không kể, thì phần cho người ta đọc lại vẫn còn kha khá. Riêng tôi thỉnh thoảng vẫn có niềm vui là giở lại những trang sách cũ ấy, khi cần nghiền ngẫm thêm về các vấn đề xã hội.
Vài đoạn trích dẫn
--Sự hài hòa trong thành phố không phải tự nhiên mà có được, không phải cứ hàng ngày gặp gỡ nhau thì sự cô đơn lẫn sự thiếu hiểu biết tự chúng sẽ tan biến đi.
Quá khứ chỉ lưu lại trong đô thị di sản của sự biết toan tính lo liệu trước.
Ta hãy tôn tạo nó, vì tương lai không thể tự đến mà ta phải chuẩn bị cho nó.
Không một kiến trúc nào chỉ giới hạn trong việc phản ánh một cách thụ động cái xã hội sản sinh ra nó, không có một công trình đền đài nào lại chỉ có mục đích sử dụng đơn thuần.
Tất cả các công trình đó đã ghi dấu ấn vào không gian và thời gian một ý tưởng nào đó về sự hữu ích, về cái đẹp, về cuộc sống ở đô thị và cả về mối quan hệ giữa người với người. (Tổng thống Pháp Frangois Mitterand phát biểu trong chiến dịch quy hoạch lại thủ đô Paris vào những thập niên cuối thế kỷ trước)
-- Ngẫm về lịch sử lâu dài và đen tối của loài người, ta thấy số tội ác kinh khủng được tiến hành nhân danh sự thần phục nhiều hơn số tội ác nhân danh sự nổi loạn. (C.P. Snow)
-- Sự chín tới của vẻ đẹp đánh thức nỗi nhớ nhức nhối về sự đau khổ và tình yêu với con người (Kawabata )
5-9
THI CỬTHỜI LOẠN
Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể rằng khi nổ ra Cách mạng 8-45, ông chưa đỗ tú tài. Khoảng 1947-48 những người như ông có một dịp may. Một cuộc thi được tổ chức, vài trăm người thi. Chỉ có ba bốn người đỗ, trong đó có ông. Thi xong ông định đi học cả luật nữa, sau mới chuyển sang ngành nhạc.
Có nghĩa chính những năm đầu chiến tranh ấy vẫn đang là thời thịnh trị. Người ta còn tôn trọng chuẩn mực, còn đi tìm cái tinh hoa, cái giá trị.
Còn nay, gần bốn chục năm sau chiến tranh vẫn là thời loạn, các cuộc thi cử diễn ra trong dối trá lừa lọc và học thế nào rồi cũng đỗ hết.
Gs Nguyễn Văn Hiệu bảo khoa học Việt Nam đang đứng trước nguy cơ “tuyệt tự”.
Một bài viết về đào tạo tài năng trên Đại Đoàn kết số 29-8 dẫn lại lời của Gs Nguyễn Cảnh Toàn “người có tài thì không được dùng, người được dùng thì không có tài.”
Gs Phạm Song thì bảo “ Muốn thực hiện ý tưởng khoa học mà không có chức quyền thì không làm được gì”.
6-9
CÔN ĐỒ CŨNG ĐỔ ĐỐN
1/ Lưu manh côn đồ phát triển đã không còn lẻ tẻ và ở dạng tự phát mà tập hợp lại thành hẳn một thế lực xã hội một bộ phận của đời sống. Thế lực này có mặt ở khắp nơi, họ như thứ xe càn xe ủi tham gia giải quyết mọi việc.
Nghĩ vậy vì mấy hôm trước, VNExpress đưa tin sáng 30/8, khoảng 500 người kéo tới Công ty cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) để phản đối việc gây ô nhiễm môi trường và cho rằng công ty có liên quan việc thuê côn đồ đánh dân.
2/ Anh A. có căn nhà phần ngoài hàng rào bị lấn chiếm. Tính đi trình chính quyền địa phương.
Anh B. can, làm thế vô ích, các ông ấy lại vòi tiền cũng quá chết, mà không chừng chính các ông ấy bảo kê cho việc họ làm. Nhờ làm sao được, B bảo.
A đáp thế thì mình đi thuê luôn đám dân anh chị ấy vậy.
B mới giảng cho biết là thuê được bọn họ cho êm thấm cũng không phải dễ. Bọn họ cũng hay bắt nạt mình lắm, quát giá đã cao, mà nhiều khi còn ăn vạ. Chẳng hạn, thanh tóan xong họ còn kêu rêu nào là nguy hiểm quá, nào bị thương khi hành nghề, xin các anh cho thêm, không cho không được.
Sau B phải giúp A mãi mới tìm được một đầu mối ra giá sòng phẳng mà lại gọn việc.
Có thêm kết luận, thời buổi này không chỉ người bình thường và quan trên đổ đốn. Mà chính cái đám “dưới đáy” ấy cũng đổ đốn so với chính họ hồi xã hội mới chớm hỏng.
8-9
NGUỒN BỔ SUNG VÔ TẬN
Đã quá đủ những lời chê trách bộ máy quan liêu hiện thời. Chỉ có điều, nếu đến lượt những người vẫn đứng ra chê trách đó – họ thường nhân danh nhân dân để phát biểu – ra làm quan, thì người ta sẽ thấy họ lại y như lớp quan liêu hôm nay. Chúng ta luôn luôn có được một bộ máy quản lý xứng đáng với chính chúng ta. Xã hội nào nào quan chức vậy.
10-9
GHI VẶT
Nói không với rượu bia khi tham gia giao thông.
Tôi tưởng phải nói không với rượu bia trong rất nhiều trường hợp bình thường của đời sống.
Anh Đoàn Công Tính bạn tôi kể là bên Mỹ, những gia đình Việt kiều làm ăn đứng đắn chỉ vào ít ngày thật vui mới cho phép nhau làm ít chén nhỏ.
Chúng ta trong nước thì lâu nay lấy bù khú làm lẽ sống, xã hội lại còn khuyến khích người ta say sưa hết cỡ. Bản năng được thả lỏng từ lâu nay không gì kìm hãm lại được nữa.
Ngoài ốc bươu vàng còn có mấy giống gây hại là hầu Thái Bình Dương và tôm thẻ trắng là hai giống ngoại lai có hại vì nguy hiểm và gây bệnh.
TQ hai phút một người tự tử .
Mấy hôm trước đọc thấy nói nhiều thanh niên rất ngại trong những ngày nghỉ cuối tuần.
Mạng Dân trí 4-9-11 – Sinh viên “đốt” ngày lễ với những trò vô bổ, hại thân. Những trò này là cờ bạc rượu chè. Chơi ăn thật, chơi đậm hơn những ngày khác.
Còn Tuổi trẻ có bài Tội phạm đang trẻ hóa – Ghét là ra tay, bất chấp hậu quả.
Lại nhớ một câu đọc được trong Đặng Thai Mai và văn học : Hoàn toàn ỷ thị vào trực cảm vào bản năng là một thái độ sống kiêu căng điên rồ và nguy hiểm.
13-9
CÒN ĐÂU ĐẤT HỌC NGÀY XƯA
“ Nghi trộm chó, một thầy giáo bị đánh dã man”. Chuyện này xẩy ra ở Yên Thành Nghệ An. Đọc tin, tôi lập tức nhớ truyện cười dân gian Thầy đồ ăn vụng mật. Rồi tôi lại nhớ tới mấy câu thơ của Xuân Diệu kể về gia đình mình :
Cha Đàng ngoài mẹ ở Đàng Trong
Ông đồ Nghệ lấy cô làm nước mắm
Làng xóm cười giọng ông đồ trọ trẹ
Nhưng quý ông đồ văn vẻ giỏi giang
Bà ngoại nói Tôi trọng người chữ nghĩa
Dám gả con cho cách tỉnh xa đàng
Từ lâu , trong lúc chuyện trò với bạn bè và đồng nghiệp quê Nghệ Tĩnh, mấy anh em dân Bắc tôi thường bảo ngày xưa Nghệ Tĩnh nổi tiếng thật thà chăm chỉ mà Hà thành kỹ tính hơn người; ngày nay dân Bắc thì làm ăn dối dá mà dân trong ấy cũng buôn lậu thành thần. Trong cái thuở trời đất nổi cơn gió bụi này, cả hai đều đánh mất mình.
14-9
CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI GIÀ
Bà chị tôi 75 tuổi kể rằng dạo này yếu lắm, cứ ngồi xem ti vi thì ngủ gật mà nằm xuống thì lại không ngủ được.
Chị M. kể về một cậu em. Lúc trẻ sống độc thân tự tin lắm, bảo rằng khi về già đau ốm sẽ tự lo liệu, nếu không được thì sẽ tự xử, chứ không làm phiền đến ai. Ngoài sáu mươi bị tai biến mạch máu, nay vào nhà dưỡng lão lại rất yêu đời, ham sống. Đã có một căn nhà cho thuê đủ chi tiêu, nhưng ai tới thăm cũng ngửa tay xin người ta tiền.
Ở tuổi 55, bậc sư phụ trong nghề của tôi là Nhị Ca bị ốm. Vợ con hầu hạ ông được bốn năm, tới năm thứ năm ông bảo thế là đủ rồi, đi viện ông không cho truyền dịch, lặng lẽ tiếp nhận cái chết.
Nhà báo Thái Duy năm nay tuổi đã 85. Ông kể rằng có nhiều người già như ông hồi trước cũng quyết tâm lắm, quyết tâm nếu bị tai biến mạch máu não là làm luôn mấy viên thuốc ngủ liều cao cho đi luôn, chứ sống đâu có chữa được nằm mãi khổ lắm.
Nhưng đến khi tai biến xảy tới thì chưa kịp lấy thuốc, người nhà đã khiêng đi viện, rôi quay về, kéo dài bệnh tật ở giường nhà. Một số ngồi trên xe bảo con cái khiêng ra đường ngắm người chung quanh, lòng ngao ngán với ý nghĩ đâu có muốn chết là được, chết theo ý mình càng khó.
Simone de Beauvoir, nhà văn Pháp, có một tác phẩm mang tên Tuổi già. Ở ta, Nxb Phụ nữ đã cho in cuốn sách này, bản dịch của Nguyễn Trọng Định. Trong sách có điểm qua quan niệm và thực trạng về người già ở hàng loạt dân tộc trên thế giới.
Ví dụ, trong chương Tuổi già trong các xã hội ngày xưa, những người quen khoe về sự “trẻ mãi không già” của mình hẳn bị dội một gáo nước lạnh khi tìm thấy một câu được viết từ thế kỷ XV ở Pháp “ người già nhầy nhụa những đờm, dãi và cứt đái , cho tới khi trở thành tro bụi”.
Tạp chí Thơ số ra 6-2011 có in lại bài viết của Xuân Diệu về thơ Tagor trong đó dẫn ra hai câu tuyệt vời của thi hào Ấn Độ:
Tôi có ngại gì tóc tôi điểm bạc
Bao giờ tôi cũng trẻ và cũng già như người trẻ nhất và người già nhất trong làng
16-9
GIÀ LÀ CHẤP NHẬN TẤT CẢ
Sách Luận ngữ ở thiên Vi chính có đoạn 4 như sau:
Tử viết: “ Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học; tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh “
Nhiều sách dịch là : Khổng tử nói ta mười lăm tuổi để chí vào việc học đạo; ba mươi tuổi biết tự lập; bốn mươi tuổi không nghi hoặc nữa; năm mươi tuổi biết mệnh trời .
Tôi cũng như một số đồng nghiệp thường dừng lại ở đó.
Nhưng có lúc mò mẫm, mới biết trong nguyên bản câu này còn thêm đoạn sau : Lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất dụ củ…
Tạm để vế thất thập lại hãy xét vế lục thập nhi nhĩ thuận.
Đoàn Trung Còn giảng: đến sáu mươi tuổi, lời chi tiếng chi lọt vào tai ta thì ta hiểu ngay, chẳng cần suy nghĩ lâu dài.
Sách Tứ thư toàn tập của Dương Hồng—Vương Thành Trung… do Trần Trọng Sâm dịch ra tiếng Việt ( nxb Hội nhà văn 2006) thì hiểu là sáu mươi tuổi nghe người khác nói đều thuận tai.
Sách Văn hóa Trung Hoa của Đại học Phúc Đán 2006 thì cho rằng đó là nghe được những ý nghĩa tinh tế nhất trong lời người khác.
Đi xa hơn cả, bản của Trung Hoa thư cục Bắc kinh 2008 (đã in tới lúc đó 50.000 bản) đưa ra một cách hiểu khá thanh thoát: sáu mươi tuổi có thể nghe được các ý kiến khác nhau (Lục thập tuế năng thính đắc tiến các chủng bất đồng đích ý kiến ).
Tôi không hiểu chữ Hán lắm nhưng thấy thú vị với bản dịch này của Trung Hoa thư cục và tin là họ hiểu đúng cụ Khổng. Lý do là vì đọc thì thấy trong khi trò chuyện với học trò, Khổng tử thường có lối nói dè chừng có thể thế này có thể thế khác, ông không bao giờ độc đoán và cho mình quyền nói tiếng nói cuối cùng.
Nhân đây xin ghi nhận rằng nếu từ 1949 đến 1976, Trung quốc có rất nhiều sai lạc trong việc áp đặt Mác Lê để giải thích triết học Trung quốc cổ đại thì gần đây họ có nhiều thay đổi trong việc thẩm định các giá trị quá khứ. Nay họ thường đứng trên quan điểm nhân văn để suy nghĩ chứ không sống sượng quy chụp theo lý luận về đấu tranh giai cấp
TIẾP TỤC CÂU CHUYỆN VỀ TÍNH NGHIỆP DƯ
Một tờ báo hỏi một nhà thơ trẻ xem anh lấy đâu ra động lực để sáng tác.
- Nhưng anh nghĩ thế nào, nếu báo chí chỉ toàn những trang PR sách, còn chúng ta, những người viết thì lại quá mệt để… "chống lại mafia"?
Nhà thơ trả lời:
- Điều đó bình thường thôi. Cuộc sống cũng như sân khấu, lúc nào cũng phải có người nhảy lên đó làm diễn viên, nếu không sẽ thấy trống trải. Còn màn diễn có đọng lại không thì lại là chuyện khác. Cứ diễn đi, nó chỉ có lợi thôi, còn hơn là để sân khấu "chết"…
Ồ, lại cái lý luận về méo mó có hơn không của dân mình rồi. Nó làm cho mọi hoạt động của dân mình mãi mãi phi chuẩn, mãi mãi nghiệp dư chắp vá tạm bợ và không bao giờ theo kịp thế giới hiện đại.
17-9
NHÌN VÀO TẤM GƯƠNG TRUNG QUỐC
Bản tin tham khảo 5/10/05 dẫn một bài trên Tuần Châu Á cho biết xã hội Trung quốc vẫn là tiền hiện đại. Đặc trưng của mọi xã hội tiền hiện đại là:
- Bạo lực, man rợ, vô trật tự.
- Xa xỉ
- Tham nhũng
Dân chủ hoá một quốc gia là điều kiện thiết yếu tạo ra một chính quyền mới, xã hội mới. Trung quốc hiện nay chỉ là thể chế quân nhân cũ khoác áo hiện đại. Xã hội không tôn trọng con người, coi trọng tính mệnh.
Tư bản hoá trong điều kiện nhân văn xã hội và tố chất con người thấp.
Khắp nơi lộn xộn. Chính phủ không bảo vệ quyền lợi người dân.
Thực chất: chủ nghĩa quyền lực, chủ nghĩa sùng bái đồng tiền.
Tài liệu tham khảo đặc biệt 12-3 2011 thì in bài của tác giả Tôn Lập Bình—giáo sư Đại học Thanh Hoa.
1.Xã hội Trung quốc hiện nay không phải bất ổn mà là băng hoại.
Thế nào là bất ổn ? Là ở đó có những xung đột xã hội nghiêm trọng, vượt quá khuôn khổ.
Còn băng hoại là xã hội mà ở đó các tế bào trong tình trạng hoại tử, các chức năng thần kinh chức năng vận động bị tê liệt.
Xung đột giống như bị thương có ai đánh vào, trong khi băng hoại là căn bệnh nặng của tổ chức mô, tổ chức cơ thể.
2. Dấu hiệu của băng hoại là ở đó quyền lực dù phình to ra vẫn không còn kiểm soát được xã hội. Trong bản thân nó, quyền lực cũng không tự kiểm soát nổi mình, địa phương chống lại TW, bộ phận chống lại toàn thể, những nhóm lợi ích chi phối làm biến dạng hẳn bộ máy quyền lực nói chung.
Mặt khác hệ thống thông tin của xã hội cũng tha hóa, thông tin thường xuyên bị làm giả” thôn lừa xã, xã lừa huyện—thị trấn, các tỉnh lừa thẳng lên Quốc vụ viện”
3.Trong một xã hội băng hoại, con người trở nên vô cảm thờ ơ băng giá, nghi ngờ mọi chuẩn mực, chạy theo mọi sự hưởng thụ và thả lỏng mình, sẵn sàng đối xử với nhau bằng bạo lực.
Để đối phó lại, chính quyền phải vận dụng tới mọi biện pháp đàn áp, vượt qua mọi quy chế dân chủ và nhân văn tối thiểu.
Tình trạng rối loạn ngày mỗi bộc lộ thiên hình vạn trạng.
Tầm nhìn của cả xã hội bị thu hẹp lại. Khi các vấn đề ngắn hạn bị thổi phồng, người ta không còn sức đâu quan tâm tới các vấn đề lâu dài. Quyền lợi trước mắt và phân chia lợi ích đã chiếm hết tâm trí. Thời gian dành cho cuộc sống bình thường và cho công việc chẳng còn là bao.
18-9
MỌC ĐẦY GAI CỎ
Hồi trước 1975, ở Hà Nội thơ văn in ra không có quyền được nói chuyện buồn; nói chung không khuyến khích các nhà thơ chiến sĩ viết về những tình cảm nhân văn thông thường.
Một trong những cách đối phó của các nhà thơ chỉ còn là gửi lòng mình qua những bản dịch.
Tế Hanh đã làm như thế.
Bài thơ sau đây của Taras Shevtsenco (1814—1861) có một chút gì đó rất Tế Hanh trong xúc cảm cũng như trong giọng điệu. Tôi thường thỉnh thoảng đọc lại bởi nó gợi ra những liên tưởng về một cuộc đời buồn buồn tui tủi nó là số phận chung của bao người bình thường chúng ta.
Ba anh em
Ba con đường lớn
Gặp nhau ngã ba đường
Ba anh em nhà nọ
Bỏ nhà đi tha phương
Họ từ giã mẹ già
Người anh cả xa vợ
Người thứ hai xa em
Người thứ ba xa một cô thiếu nữ
Bà mẹ già đã trồng
Ba cây bàng ngoài ruộng
Người vợ đã trồng
Một cây dương cao lớn
Người em gái
Trồng ba cây phong
Và cô thiếu nữ
Trồng cây hoa hồng
Ba cây bàng không sống
Cây dương đã héo khô
Ba cây phong cũng chết
Cây hồng đã phai màu
Ba anh em không về
Bà mẹ già mắt lệ
Các người con khóc theo
Trong căn nhà lạnh lẽo
Người con gái đi tìm
Các anh nơi xa lạ
Cô thiếu nữ từ giã cuộc đời
Trong chiếc quan tài lạnh giá
Ba anh em không về
Đi lang thang đây đó
Và ba con đường
Mọc đầy gai cỏ
TIN NHÒE TIN NHẠT TIN KHÔNG RA TIN
Nghe các bản tin thời sự trên TV, đôi khi có những nỗi bực mình nho nhỏ. Chẳng hạn mấy người dẫn chương trình cứ tên đất tên người tiếng Anh thì nuốt chữ đọc vội.
Thoạt đầu tôi chỉ nghĩ chẳng qua các phát thanh viên ấy kém ngoại ngữ. Sau mới vỡ ra, cái chính là trong phần lớn trường hợp, họ -- bây giờ đã đôn cả lên thành biên tập viên --chả hiểu gì về những điều họ nói.
Một đặc điểm chung của cách đưa tin ở ta là lối làm cho tin nhòe đi. Trong một đoạn tin, cứ chỗ nào quan trọng thì người ta lướt nhanh.
Xã hội tràn ngập thông tin, nhưng toàn là những thông tin lờ mờ vô bổ, chả giúp cho người ta gì cả. Nếu bảo là tin rác cũng không oan nào.
Ngoài ra là các loại quảng cáo. Hoặc là một thứ nịnh bợ rủ rê rất gian giảo. Hoặc như một thứ áp lực, thúc ép dọa dẫm, dí súng vào tai người ta mà bảo rằng hàng tốt hàng quý thế này, có mua hay không thì bảo!
Một nội dung thông báo trên TV là các hội thảo. Nhưng bạn thử để ý cách đưa tin mà xem, chỉ toàn thấy tên người đến chỉ đạo. Còn chính những báo cáo quan trọng của hội thảo đó thì người đưa tin không biết mà cũng ngầm nói rằng người nghe không cần biết.
Một nhà đầu tư nước ngoài phát biểu “Chúng tôi cần nhân công đáng tin cậy.” Nhưng có cái gì ở ta bây giờ đáng tin cậy?!
1-9
QUAN CHỨC THỜI XƯA QUAN CHỨC THỜI NAY
Tại sao thời trung đại dân mình làm ăn kinh tế kém? Theo Đào Duy Anh trong Việt nam văn hoá sử cương, (1938), lý do phần lớn là tại là tại lối quản lý. Nhà nước “đối với công nghệ không những không khuyến khích mà lại còn áp chế.” Ông dẫn lại một đoạn trong sách Lịch triều hiến chương , ở đó Phan Huy Chú viết rằng “đời Lê Dụ Tôn, đặt lệ trưng thu hoành lạm ( thu mua quá mức) khiến nhiều nhà nghề không kham nổi mà đành bỏ nghiệp. Như nhà nước đòi sơn thì dân chặt cây đi, nhà nước đòi vải lụa thì dân phá khung dệt, đòi gỗ thì dân quăng búa rìu, đòi tôm cá thì dân xé lưới “.
Đọc các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan hay tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng tôi được biết rằng ngày xưa cứ huyện nào vỡ đê thì quan huyện không lần chần nài nẫm gì hết, về chuẩn bị giấy tờ sổ sách mà bàn giao cho người khác. Hoặc ở nhà ngồi chơi xơi nước hoặc đổi lên các tỉnh miền ngược .
Còn ngày nay, vừa thấy tin nơi này vỡ đê nơi kia hỏa hoạn, là thấy ngay hình ảnh mấy ông quan đầu tỉnh đầu huyện (nhiều khi chỉ là cấp dưới của họ nữa) đến vi hành. Rồi là chuyện cấp phát cho người ta vài đồng bèo bọt. Rồi là cuối năm báo cáo lên trên coi như thành tích kịp thời thế nọ, ngay lập tức thế kia.
Dân gian xưa đã biết tới cái cách thức thâm độc, khi có những kẻ vừa hành hạ dân xong lại quay ra ban ơn xoa dịu. Cái động tác liên hoàn Bẻ què cho thuốc dẫn người ta vào tình thế bị ràng buộc lâu dài và không bao giờ đủ sức lực để vượt thóat.
NẠN CƯỚP TRONG LỊCH SỬ
Ám ảnh về cướp bóc bao trùm suốt thời phong kiến, đến mức nó được xem như một chỉ số đánh giá một thời. Thời này thịnh trị người dân sống an lành. Thời kia cướp bốc nổi lên như ong.
Nhiều hương ước được sử dụng ở các làng Bắc bộ có riêng phần về trách nhiệm quan viên trong làng cũng như dân thường mỗi khi làng bị cướp đột nhập.
Một bài trên mạng Nguyễn Xuân Diện viết về làng cổ cho biết “dân làng Mông Phụ (Đường Lâm) khi ở làng cũng như ở nơi thiên hạ rất đoàn kết với nhau. Vào khoảng đời Thành Thái (1889-1907) có bọn giặc cướp quấy phá, dân làng đã hạ thủ được tướng cướp, triệt nọc được một băng cướp khét tiếng tỉnh Đoài. Vì thành tích ấy, làng được Công sứ đại thần, Tuần phủ Sơn Tây vâng mệnh vua ban tặng cho dân làng bức hoành phi “Dũng cảm khả tưởng” (Dũng cảm đáng khen) để biểu dương. Bức hoành phi này nay vẫn còn treo ở đình làng.”
3-9
DẠO QUA CÁC CỬA HÀNG SÁCH
Có những buổi tối, tôi không biết làm gì, mò ra phố sách giá rẻ Nguyễn Xí. Nhận ra nhiều sự lạ, ví dụ nay là thời mà các loại sách kinh tế chính trị sách dạy làm người, cả sách phong thủy bói tóan… chiếm vị trí chủ đạo. Còn sách văn chương chủ yếu là sách dịch của phương Tây. Văn xuôi đương đại của ta lép vế hòan toàn.
Không khỏi cảm thấy chạnh lòng khi những cuốn sách mà thời nhỏ mình phải học, những tác giả đồng nghiệp của mình từng được tung hô như thần như thánh, nay chỉ khép nép trong góc nào đó. Người mua nếu có chỉ là một số học sinh sinh viên buộc phải mua vì ở trường họ phải học.
Đang thấy phổ biến nhiều lời kêu ca đại loại “văn chương Việt không có gì để đọc”. (Xem bài Trần Nhã Thụy trên báo Tuổi trẻ)
Tôi chỉ đồng ý một nửa.
Tôi cũng từng trải qua những thất vọng tương tự. Trong chỗ riêng tư, với những người tin tôi (và tôi cũng tin họ), tôi còn mạnh dạn đưa ra một lời khuyên rằng không nên cho con em đọc văn chương mới in nóng sốt, vì phần lớn đọc vào chỉ tổ hỏng người và hỏng tiếng Việt.
Nhưng đừng dùng khái niệm văn chương Việt một cách hàm hồ. Không kể văn học trung đại -- chỉ tính riêng văn học hiện đại, còn văn chương tiền chiến và văn học Sài Gòn trước 1975. Ở đó ngoài phần rác bỏ đi không kể, thì phần cho người ta đọc lại vẫn còn kha khá. Riêng tôi thỉnh thoảng vẫn có niềm vui là giở lại những trang sách cũ ấy, khi cần nghiền ngẫm thêm về các vấn đề xã hội.
Vài đoạn trích dẫn
--Sự hài hòa trong thành phố không phải tự nhiên mà có được, không phải cứ hàng ngày gặp gỡ nhau thì sự cô đơn lẫn sự thiếu hiểu biết tự chúng sẽ tan biến đi.
Quá khứ chỉ lưu lại trong đô thị di sản của sự biết toan tính lo liệu trước.
Ta hãy tôn tạo nó, vì tương lai không thể tự đến mà ta phải chuẩn bị cho nó.
Không một kiến trúc nào chỉ giới hạn trong việc phản ánh một cách thụ động cái xã hội sản sinh ra nó, không có một công trình đền đài nào lại chỉ có mục đích sử dụng đơn thuần.
Tất cả các công trình đó đã ghi dấu ấn vào không gian và thời gian một ý tưởng nào đó về sự hữu ích, về cái đẹp, về cuộc sống ở đô thị và cả về mối quan hệ giữa người với người. (Tổng thống Pháp Frangois Mitterand phát biểu trong chiến dịch quy hoạch lại thủ đô Paris vào những thập niên cuối thế kỷ trước)
-- Ngẫm về lịch sử lâu dài và đen tối của loài người, ta thấy số tội ác kinh khủng được tiến hành nhân danh sự thần phục nhiều hơn số tội ác nhân danh sự nổi loạn. (C.P. Snow)
-- Sự chín tới của vẻ đẹp đánh thức nỗi nhớ nhức nhối về sự đau khổ và tình yêu với con người (Kawabata )
5-9
THI CỬTHỜI LOẠN
Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể rằng khi nổ ra Cách mạng 8-45, ông chưa đỗ tú tài. Khoảng 1947-48 những người như ông có một dịp may. Một cuộc thi được tổ chức, vài trăm người thi. Chỉ có ba bốn người đỗ, trong đó có ông. Thi xong ông định đi học cả luật nữa, sau mới chuyển sang ngành nhạc.
Có nghĩa chính những năm đầu chiến tranh ấy vẫn đang là thời thịnh trị. Người ta còn tôn trọng chuẩn mực, còn đi tìm cái tinh hoa, cái giá trị.
Còn nay, gần bốn chục năm sau chiến tranh vẫn là thời loạn, các cuộc thi cử diễn ra trong dối trá lừa lọc và học thế nào rồi cũng đỗ hết.
Gs Nguyễn Văn Hiệu bảo khoa học Việt Nam đang đứng trước nguy cơ “tuyệt tự”.
Một bài viết về đào tạo tài năng trên Đại Đoàn kết số 29-8 dẫn lại lời của Gs Nguyễn Cảnh Toàn “người có tài thì không được dùng, người được dùng thì không có tài.”
Gs Phạm Song thì bảo “ Muốn thực hiện ý tưởng khoa học mà không có chức quyền thì không làm được gì”.
6-9
CÔN ĐỒ CŨNG ĐỔ ĐỐN
1/ Lưu manh côn đồ phát triển đã không còn lẻ tẻ và ở dạng tự phát mà tập hợp lại thành hẳn một thế lực xã hội một bộ phận của đời sống. Thế lực này có mặt ở khắp nơi, họ như thứ xe càn xe ủi tham gia giải quyết mọi việc.
Nghĩ vậy vì mấy hôm trước, VNExpress đưa tin sáng 30/8, khoảng 500 người kéo tới Công ty cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) để phản đối việc gây ô nhiễm môi trường và cho rằng công ty có liên quan việc thuê côn đồ đánh dân.
2/ Anh A. có căn nhà phần ngoài hàng rào bị lấn chiếm. Tính đi trình chính quyền địa phương.
Anh B. can, làm thế vô ích, các ông ấy lại vòi tiền cũng quá chết, mà không chừng chính các ông ấy bảo kê cho việc họ làm. Nhờ làm sao được, B bảo.
A đáp thế thì mình đi thuê luôn đám dân anh chị ấy vậy.
B mới giảng cho biết là thuê được bọn họ cho êm thấm cũng không phải dễ. Bọn họ cũng hay bắt nạt mình lắm, quát giá đã cao, mà nhiều khi còn ăn vạ. Chẳng hạn, thanh tóan xong họ còn kêu rêu nào là nguy hiểm quá, nào bị thương khi hành nghề, xin các anh cho thêm, không cho không được.
Sau B phải giúp A mãi mới tìm được một đầu mối ra giá sòng phẳng mà lại gọn việc.
Có thêm kết luận, thời buổi này không chỉ người bình thường và quan trên đổ đốn. Mà chính cái đám “dưới đáy” ấy cũng đổ đốn so với chính họ hồi xã hội mới chớm hỏng.
8-9
NGUỒN BỔ SUNG VÔ TẬN
Đã quá đủ những lời chê trách bộ máy quan liêu hiện thời. Chỉ có điều, nếu đến lượt những người vẫn đứng ra chê trách đó – họ thường nhân danh nhân dân để phát biểu – ra làm quan, thì người ta sẽ thấy họ lại y như lớp quan liêu hôm nay. Chúng ta luôn luôn có được một bộ máy quản lý xứng đáng với chính chúng ta. Xã hội nào nào quan chức vậy.
10-9
GHI VẶT
Nói không với rượu bia khi tham gia giao thông.
Tôi tưởng phải nói không với rượu bia trong rất nhiều trường hợp bình thường của đời sống.
Anh Đoàn Công Tính bạn tôi kể là bên Mỹ, những gia đình Việt kiều làm ăn đứng đắn chỉ vào ít ngày thật vui mới cho phép nhau làm ít chén nhỏ.
Chúng ta trong nước thì lâu nay lấy bù khú làm lẽ sống, xã hội lại còn khuyến khích người ta say sưa hết cỡ. Bản năng được thả lỏng từ lâu nay không gì kìm hãm lại được nữa.
Ngoài ốc bươu vàng còn có mấy giống gây hại là hầu Thái Bình Dương và tôm thẻ trắng là hai giống ngoại lai có hại vì nguy hiểm và gây bệnh.
TQ hai phút một người tự tử .
Mấy hôm trước đọc thấy nói nhiều thanh niên rất ngại trong những ngày nghỉ cuối tuần.
Mạng Dân trí 4-9-11 – Sinh viên “đốt” ngày lễ với những trò vô bổ, hại thân. Những trò này là cờ bạc rượu chè. Chơi ăn thật, chơi đậm hơn những ngày khác.
Còn Tuổi trẻ có bài Tội phạm đang trẻ hóa – Ghét là ra tay, bất chấp hậu quả.
Lại nhớ một câu đọc được trong Đặng Thai Mai và văn học : Hoàn toàn ỷ thị vào trực cảm vào bản năng là một thái độ sống kiêu căng điên rồ và nguy hiểm.
13-9
CÒN ĐÂU ĐẤT HỌC NGÀY XƯA
“ Nghi trộm chó, một thầy giáo bị đánh dã man”. Chuyện này xẩy ra ở Yên Thành Nghệ An. Đọc tin, tôi lập tức nhớ truyện cười dân gian Thầy đồ ăn vụng mật. Rồi tôi lại nhớ tới mấy câu thơ của Xuân Diệu kể về gia đình mình :
Cha Đàng ngoài mẹ ở Đàng Trong
Ông đồ Nghệ lấy cô làm nước mắm
Làng xóm cười giọng ông đồ trọ trẹ
Nhưng quý ông đồ văn vẻ giỏi giang
Bà ngoại nói Tôi trọng người chữ nghĩa
Dám gả con cho cách tỉnh xa đàng
Từ lâu , trong lúc chuyện trò với bạn bè và đồng nghiệp quê Nghệ Tĩnh, mấy anh em dân Bắc tôi thường bảo ngày xưa Nghệ Tĩnh nổi tiếng thật thà chăm chỉ mà Hà thành kỹ tính hơn người; ngày nay dân Bắc thì làm ăn dối dá mà dân trong ấy cũng buôn lậu thành thần. Trong cái thuở trời đất nổi cơn gió bụi này, cả hai đều đánh mất mình.
14-9
CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI GIÀ
Bà chị tôi 75 tuổi kể rằng dạo này yếu lắm, cứ ngồi xem ti vi thì ngủ gật mà nằm xuống thì lại không ngủ được.
Chị M. kể về một cậu em. Lúc trẻ sống độc thân tự tin lắm, bảo rằng khi về già đau ốm sẽ tự lo liệu, nếu không được thì sẽ tự xử, chứ không làm phiền đến ai. Ngoài sáu mươi bị tai biến mạch máu, nay vào nhà dưỡng lão lại rất yêu đời, ham sống. Đã có một căn nhà cho thuê đủ chi tiêu, nhưng ai tới thăm cũng ngửa tay xin người ta tiền.
Ở tuổi 55, bậc sư phụ trong nghề của tôi là Nhị Ca bị ốm. Vợ con hầu hạ ông được bốn năm, tới năm thứ năm ông bảo thế là đủ rồi, đi viện ông không cho truyền dịch, lặng lẽ tiếp nhận cái chết.
Nhà báo Thái Duy năm nay tuổi đã 85. Ông kể rằng có nhiều người già như ông hồi trước cũng quyết tâm lắm, quyết tâm nếu bị tai biến mạch máu não là làm luôn mấy viên thuốc ngủ liều cao cho đi luôn, chứ sống đâu có chữa được nằm mãi khổ lắm.
Nhưng đến khi tai biến xảy tới thì chưa kịp lấy thuốc, người nhà đã khiêng đi viện, rôi quay về, kéo dài bệnh tật ở giường nhà. Một số ngồi trên xe bảo con cái khiêng ra đường ngắm người chung quanh, lòng ngao ngán với ý nghĩ đâu có muốn chết là được, chết theo ý mình càng khó.
Simone de Beauvoir, nhà văn Pháp, có một tác phẩm mang tên Tuổi già. Ở ta, Nxb Phụ nữ đã cho in cuốn sách này, bản dịch của Nguyễn Trọng Định. Trong sách có điểm qua quan niệm và thực trạng về người già ở hàng loạt dân tộc trên thế giới.
Ví dụ, trong chương Tuổi già trong các xã hội ngày xưa, những người quen khoe về sự “trẻ mãi không già” của mình hẳn bị dội một gáo nước lạnh khi tìm thấy một câu được viết từ thế kỷ XV ở Pháp “ người già nhầy nhụa những đờm, dãi và cứt đái , cho tới khi trở thành tro bụi”.
Tạp chí Thơ số ra 6-2011 có in lại bài viết của Xuân Diệu về thơ Tagor trong đó dẫn ra hai câu tuyệt vời của thi hào Ấn Độ:
Tôi có ngại gì tóc tôi điểm bạc
Bao giờ tôi cũng trẻ và cũng già như người trẻ nhất và người già nhất trong làng
16-9
GIÀ LÀ CHẤP NHẬN TẤT CẢ
Sách Luận ngữ ở thiên Vi chính có đoạn 4 như sau:
Tử viết: “ Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học; tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh “
Nhiều sách dịch là : Khổng tử nói ta mười lăm tuổi để chí vào việc học đạo; ba mươi tuổi biết tự lập; bốn mươi tuổi không nghi hoặc nữa; năm mươi tuổi biết mệnh trời .
Tôi cũng như một số đồng nghiệp thường dừng lại ở đó.
Nhưng có lúc mò mẫm, mới biết trong nguyên bản câu này còn thêm đoạn sau : Lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất dụ củ…
Tạm để vế thất thập lại hãy xét vế lục thập nhi nhĩ thuận.
Đoàn Trung Còn giảng: đến sáu mươi tuổi, lời chi tiếng chi lọt vào tai ta thì ta hiểu ngay, chẳng cần suy nghĩ lâu dài.
Sách Tứ thư toàn tập của Dương Hồng—Vương Thành Trung… do Trần Trọng Sâm dịch ra tiếng Việt ( nxb Hội nhà văn 2006) thì hiểu là sáu mươi tuổi nghe người khác nói đều thuận tai.
Sách Văn hóa Trung Hoa của Đại học Phúc Đán 2006 thì cho rằng đó là nghe được những ý nghĩa tinh tế nhất trong lời người khác.
Đi xa hơn cả, bản của Trung Hoa thư cục Bắc kinh 2008 (đã in tới lúc đó 50.000 bản) đưa ra một cách hiểu khá thanh thoát: sáu mươi tuổi có thể nghe được các ý kiến khác nhau (Lục thập tuế năng thính đắc tiến các chủng bất đồng đích ý kiến ).
Tôi không hiểu chữ Hán lắm nhưng thấy thú vị với bản dịch này của Trung Hoa thư cục và tin là họ hiểu đúng cụ Khổng. Lý do là vì đọc thì thấy trong khi trò chuyện với học trò, Khổng tử thường có lối nói dè chừng có thể thế này có thể thế khác, ông không bao giờ độc đoán và cho mình quyền nói tiếng nói cuối cùng.
Nhân đây xin ghi nhận rằng nếu từ 1949 đến 1976, Trung quốc có rất nhiều sai lạc trong việc áp đặt Mác Lê để giải thích triết học Trung quốc cổ đại thì gần đây họ có nhiều thay đổi trong việc thẩm định các giá trị quá khứ. Nay họ thường đứng trên quan điểm nhân văn để suy nghĩ chứ không sống sượng quy chụp theo lý luận về đấu tranh giai cấp
TIẾP TỤC CÂU CHUYỆN VỀ TÍNH NGHIỆP DƯ
Một tờ báo hỏi một nhà thơ trẻ xem anh lấy đâu ra động lực để sáng tác.
- Nhưng anh nghĩ thế nào, nếu báo chí chỉ toàn những trang PR sách, còn chúng ta, những người viết thì lại quá mệt để… "chống lại mafia"?
Nhà thơ trả lời:
- Điều đó bình thường thôi. Cuộc sống cũng như sân khấu, lúc nào cũng phải có người nhảy lên đó làm diễn viên, nếu không sẽ thấy trống trải. Còn màn diễn có đọng lại không thì lại là chuyện khác. Cứ diễn đi, nó chỉ có lợi thôi, còn hơn là để sân khấu "chết"…
Ồ, lại cái lý luận về méo mó có hơn không của dân mình rồi. Nó làm cho mọi hoạt động của dân mình mãi mãi phi chuẩn, mãi mãi nghiệp dư chắp vá tạm bợ và không bao giờ theo kịp thế giới hiện đại.
17-9
NHÌN VÀO TẤM GƯƠNG TRUNG QUỐC
Bản tin tham khảo 5/10/05 dẫn một bài trên Tuần Châu Á cho biết xã hội Trung quốc vẫn là tiền hiện đại. Đặc trưng của mọi xã hội tiền hiện đại là:
- Bạo lực, man rợ, vô trật tự.
- Xa xỉ
- Tham nhũng
Dân chủ hoá một quốc gia là điều kiện thiết yếu tạo ra một chính quyền mới, xã hội mới. Trung quốc hiện nay chỉ là thể chế quân nhân cũ khoác áo hiện đại. Xã hội không tôn trọng con người, coi trọng tính mệnh.
Tư bản hoá trong điều kiện nhân văn xã hội và tố chất con người thấp.
Khắp nơi lộn xộn. Chính phủ không bảo vệ quyền lợi người dân.
Thực chất: chủ nghĩa quyền lực, chủ nghĩa sùng bái đồng tiền.
Tài liệu tham khảo đặc biệt 12-3 2011 thì in bài của tác giả Tôn Lập Bình—giáo sư Đại học Thanh Hoa.
1.Xã hội Trung quốc hiện nay không phải bất ổn mà là băng hoại.
Thế nào là bất ổn ? Là ở đó có những xung đột xã hội nghiêm trọng, vượt quá khuôn khổ.
Còn băng hoại là xã hội mà ở đó các tế bào trong tình trạng hoại tử, các chức năng thần kinh chức năng vận động bị tê liệt.
Xung đột giống như bị thương có ai đánh vào, trong khi băng hoại là căn bệnh nặng của tổ chức mô, tổ chức cơ thể.
2. Dấu hiệu của băng hoại là ở đó quyền lực dù phình to ra vẫn không còn kiểm soát được xã hội. Trong bản thân nó, quyền lực cũng không tự kiểm soát nổi mình, địa phương chống lại TW, bộ phận chống lại toàn thể, những nhóm lợi ích chi phối làm biến dạng hẳn bộ máy quyền lực nói chung.
Mặt khác hệ thống thông tin của xã hội cũng tha hóa, thông tin thường xuyên bị làm giả” thôn lừa xã, xã lừa huyện—thị trấn, các tỉnh lừa thẳng lên Quốc vụ viện”
3.Trong một xã hội băng hoại, con người trở nên vô cảm thờ ơ băng giá, nghi ngờ mọi chuẩn mực, chạy theo mọi sự hưởng thụ và thả lỏng mình, sẵn sàng đối xử với nhau bằng bạo lực.
Để đối phó lại, chính quyền phải vận dụng tới mọi biện pháp đàn áp, vượt qua mọi quy chế dân chủ và nhân văn tối thiểu.
Tình trạng rối loạn ngày mỗi bộc lộ thiên hình vạn trạng.
Tầm nhìn của cả xã hội bị thu hẹp lại. Khi các vấn đề ngắn hạn bị thổi phồng, người ta không còn sức đâu quan tâm tới các vấn đề lâu dài. Quyền lợi trước mắt và phân chia lợi ích đã chiếm hết tâm trí. Thời gian dành cho cuộc sống bình thường và cho công việc chẳng còn là bao.
18-9
MỌC ĐẦY GAI CỎ
Hồi trước 1975, ở Hà Nội thơ văn in ra không có quyền được nói chuyện buồn; nói chung không khuyến khích các nhà thơ chiến sĩ viết về những tình cảm nhân văn thông thường.
Một trong những cách đối phó của các nhà thơ chỉ còn là gửi lòng mình qua những bản dịch.
Tế Hanh đã làm như thế.
Bài thơ sau đây của Taras Shevtsenco (1814—1861) có một chút gì đó rất Tế Hanh trong xúc cảm cũng như trong giọng điệu. Tôi thường thỉnh thoảng đọc lại bởi nó gợi ra những liên tưởng về một cuộc đời buồn buồn tui tủi nó là số phận chung của bao người bình thường chúng ta.
Ba anh em
Ba con đường lớn
Gặp nhau ngã ba đường
Ba anh em nhà nọ
Bỏ nhà đi tha phương
Họ từ giã mẹ già
Người anh cả xa vợ
Người thứ hai xa em
Người thứ ba xa một cô thiếu nữ
Bà mẹ già đã trồng
Ba cây bàng ngoài ruộng
Người vợ đã trồng
Một cây dương cao lớn
Người em gái
Trồng ba cây phong
Và cô thiếu nữ
Trồng cây hoa hồng
Ba cây bàng không sống
Cây dương đã héo khô
Ba cây phong cũng chết
Cây hồng đã phai màu
Ba anh em không về
Bà mẹ già mắt lệ
Các người con khóc theo
Trong căn nhà lạnh lẽo
Người con gái đi tìm
Các anh nơi xa lạ
Cô thiếu nữ từ giã cuộc đời
Trong chiếc quan tài lạnh giá
Ba anh em không về
Đi lang thang đây đó
Và ba con đường
Mọc đầy gai cỏ