VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký 2011 ( tuần XXII --XXIV)

31-5
      Ra lại có một ngày mang tên ngày thế giới không hút thuốc lá!
     Tôi ít ra đường song vẫn có cảm tưởng dạo này người hút thuốc trên đường, tại các địa điểm công cộng, nhiều hơn so với một hai năm trước. Giống như bia rượu vậy.
      Nghe tôi nói một thanh niên 18  tỏ vẻ đồng tình:
-- Tại vì đời sống quá căng thẳng bác ạ!

1-6
    VĂN MINH VẬT CHẤT CỦA NGƯỜI VIỆT 
     Cái tên cuốn sách mới của Phan Cẩm Thượng hình như to quá so với thực chất! Tôi vừa chờ đợi vừa e ngại.  Đọc các lời giới thiệu thì thấy lẽ ra sách phải gọi là Các đồ vật của người Việt thì mới đúng. Chứ còn vật chất là một khái niệm rộng hơn nhiều. Ví dụ một dạng vật chất là năng lượng, hoặc các loại vật liệu -- ở đây đâu có nói tới.
     Đọc những lời tán tụng chỉ thấy nói tới công phu mà không nói tới quan niệm của tác giả. Từng đồ vật chưa là gì cả, điều cần gọi ra là cái tinh thần toát ra qua cả hệ thống đồ vật. PCT có nói là mình học theo F. Braudel ở cuốn Các cấu trúc sinh hoạt thường ngày. Nhưng liệu có thể nói là học được chưa, mới học đến đâu, cần kiểm tra thêm.
    Sau hết người Việt là một  khái niệm có nghĩa rộng. Việc ở đây tác giả chỉ nói về người Việt ở Đồng bằng Bắc bộ (?) cần được xác định rõ ngay từ tên gọi tập sách. 

TỪ HÁN - VIỆT TRÊN MẶT BÁO
  Trong số các bài báo viết về cuốn sách nói trên của PCT vừa nói  có một bài mang tên Phan Cẩm Thượng và “căn” Việt.
      Hiểu thì có lẽ  nhiều người cũng hiểu  đây là tác giả muốn  nói tới việc PCT  đi vào các vấn đề gốc rễ của đời sống người Việt. Nhưng tại sao lại dùng căn, rồi căn lại đặt trong dấu nháy nháy?
    Cũng tờ báo trên có lần còn có một bài báo được đặt đầu đề Tin quân như sơn.
     Thật khủng khiếp về cách dùng chữ Hán Việt của một số nhà báo hiện nay!
  Có vẻ như  nhiều người  đang bị ám ảnh bới một số nhận thức sau:
Cho rằng nhiều chữ nôm na không nói hết ý mình và phải dùng tiếng Hán - Việt thì bài viết của mình mới sang.
Cho rằng chỉ biết cách đọc và nghĩa hẹp của vài từ Hán - Việt, mà không cần biết trong chữ vuông nó được viết như thế nào, tại sao viết thế -- là đã giỏi lắm rồi, có thể dùng loạn cả lên được rồi.
Cho rằng không cần học thì người Việt nào cũng rất giỏi tiếng Hán như mình, nghe là hiểu và nếu không hiểu thì cũng không sao cả,  cứ dùng đại đi rồi coi như một cách làm giàu tiếng Việt, đáng được khen ngợi.

2-6
 THẾ NÀO LÀ SÁCH?
          Phạm Xuân Nguyên trả lời phỏng vấn PLTP nói “ Văn học VN đang khủng hoảng”.
        Bài viết có kèm thêm hình ảnh một cô gái đọc sách với chú thích “Đọc nhiều sách là một cách để có những bài văn hay và sáng tạo“.
        Đây là một cách nói đã quá quen thuộc nên ta ít để ý. Theo tôi, phải  hiểu sách là thế nào đã. Đó phải là những ấn phẩm đúng nghĩa  – những cuốn sách đạt tới những chuẩn mực tri thức và được lịch sử xác nhận.
      Chứ còn đọc những cuốn ba vạ, được viết hoặc được biên soạn kém cỏi và đang tràn ngập thị trường như hiện nay, thì lớp trẻ chắc chắn càng chán sách thêm và văn viết càng hỏng thêm.
        Ở VN, nghề xuất bản chỉ được hiểu là việc cho in sách mới, người ta rất ngại in lại sách cũ, và nếu có in thì in nguyên xi chứ không ai nghĩ cách đưa ra cách đọc mới đối với những cuốn sách cũ đó, như ở nước ngoài. 

4-6
MỘT KIỂU VẶT NGỌN      
      Có tin lại sắp có Hội nghị nhà văn trẻ toàn quốc.  Lối làm ăn này mấy chục năm nay đã thịnh hành, tôi hiểu nó là cách dễ nhất để các nhà quản lý lập thành tích mà không cần động chân động tay gì hết. Đại khái như bọn tôi ra sông, khắp bãi hoang có rất nhiều rau dại mọc sẵn, tha hồ chọn cây nào có mầm non thì vặt, chả mất công gieo cấy chăm bón gì cả mà lại có ngay của lạ.
     Có lần tôi đã miêu tả cách “đào tạo mà không đào tạo” này là vặt ngọn, hoặc nghề đi săn cây dại. Hết đợt cây dại này lại đi tìm đợt khác. Và người ta gọi đó là trân trọng tài năng, là biết phát huy sức sáng tạo của quần chúng.

Một bài thơ chép ở một số bán nguyệt san Văn in ở SG trước 1975. Có một lỗi nặng ở đây là tôi quên không ghi tên người dịch.

Những nỗi sợ hãi.
                                 E.  Evtouchenko
Bao nỗi sợ hãi ở nước Nga đang mất dần đi
Tựa bóng ma những năm tháng xa rồi.
Và chỉ còn, như những mụ già đây đó
Ngồi xin của bố thí nơi thềm một giáo đường

Nhưng tôi còn nhớ chúng, giữa mãnh lực và quyền uy
Trước pháp đình hư nguỵ đang chiến thắng
Như bóng tối, niềm sợ hãi len lỏi khắp mọi chỗ
Và xâm nhập mọi sân nhà

Dần dần, chúng bắt mọi người làm tôi mọi
Và che giấu đi hết mọi điều
Chúng dạy ta la hét lúc đáng lẽ ta phải yên lặng
Và ngậm miệng lúc đáng lẽ ta cần phải la hét

Ngày nay thì tất cả đã xa rồi
Giờ cũng lạ lùng khi nhớ lại
Niềm sợ hãi âm thầm rằng mình bị tố giác
Niềm sợ hãi âm thầm khi có người gõ cửa

Còn nhớ chăng niềm sợ hãi khi nói với một người  lạ
Người lạ là một chuyện -- nhưng còn khi nói với vợ ta
Và còn nhớ chăng niềm sợ hãi vô biên khi còn lại
Một mình -- với niềm im lặng sau lúc dàn kèn đồng đã ngưng tiếng

Chúng tôi không sợ xây cất trong bão tuyết
hoặc ra trận giữa những tiếng trái phá nổ
nhưng nhiều khi ta sợ đến chết
ngay cả khi nói chuyện một mình
Chúng tôi không hư hỏng hay lạc đường
Và nước Nga ngày nay đã chinh phục được những nỗi sợ của mình
làm cho kẻ thù càng thêm sợ hãi
- không hẳn là không có lý

Tôi ước rằng từ nay con người không còn bị ám ảnh bởi
nỗi sợ lên án một người mà chẳng cần xét xử
nỗi sợ làm nhục tư tưởng bằng hư nguỵ
nỗi sợ tự tuyên dương mình bằng hư nguỵ
nỗi sợ lạnh nhạt với tha nhân khi có kẻ gặp khó khăn hay thất vọng
nỗi sợ tuyệt vọng không được an tâm
khi vẽ trên giá vẽ hay vạch màu đen trắng

Và khi tôi viết những dòng này
Và đôi khi tôi còn vô cùng vội vã
Tôi chỉ còn một nỗi sợ
Nỗi sợ không còn được viết, với tất cả quyền uy của tôi.


7-6
         Một độc giả bình thường viết trên SGTT, bảo rằng phim mình quá ồn, người ta nói lắm nói nhiều, toàn những lời lăng nhăng vô hồn,  “cứ diễn viên này vừa ngừng lời là diễn viên kia đối đáp như cuộc chạy tiếp sức trong điền kinh vậy“. Một trong những lý do  làm nên cái sự tuôn ra ào ào những lời lẽ trống rỗng như đang thấy – người ta  không biết diễn gì cả.
      Có thể mượn những nhận xét về phim truyền hình trên đây để nói về tình hình chung. Cái cảm giác về một cuộc sống quá ồn đến với tôi hàng ngày. Phần thì dân ta là dân không sợ tiếng ồn. Phần thì nay là lúc người ta bận rộn rất nhiều mà hóa ra chẳng làm gì cả, nói rất nhiều mà không nói gì cả.
     Lạm phát theo nghĩa kinh tế là việc tăng giá các loại hàng hóa, nhưng trong đời sống hàng ngày nó còn có nghĩa là một cái gì đó được tung ra quá nhiều, dẫn đến mất đi giá trị vốn có. Là tạo ra sự dư thừa những cái tầm thường kém thớ khiến cho cái tinh hoa không thể phát triển.

Bảo tàng quốc gia Campuchia
9-6
  BẢO TÀNG NHƯ MỘT TRÒ ĐÙA
    Nhân chuyện Biển Đông , thấy có ý kiến phải thành lập một bảo tàng văn hóa biển VN. Nhưng, một cách vô tình, mấy hôm sau, có tờ báo nhắc tới một bảo tàng có quyết định thành lập 30 năm nay mà không tìm ra đất, đó là bảo tàng  thiên nhiên VN.
    Lại nhớ hồi ngàn năm Thăng Long năm ngoái, đã nói tới bảo tàng HN,  được đầu tư óach lắm, nhưng đâu chỉ có xác nhà, chứ chưa biết bầy cái gì. Và thởi gian càng tiến về phía trước thì nó càng mờ đi trong ký ức xã hội.
    Giá kể có một ai đó làm một phóng sự nhiều kỳ về tình hình bảo tàng ở VN, chắc có thể giúp hậu thế hiểu về một khía cạnh của văn hóa VN hôm nay: chúng ta thường rất thờ ơ với quá khứ và trong khi hô to về truyền thống thì chẳng ai biết mặt mũi cái truyền thống đó như thế nào.
    Nói một chuyện tạt ngang -- một trong những ấn tượng sau đậm nhất của tôi khi tới Siemreap cuối 2010 là đi thăm Bảo tàng quốc gia Campuchia. Giá vé vào cửa đắt, những 12 USD. Lại do người Pháp chủ trì xây dựng. Tức Bảo tàng này trình bày lịch sử Campuchia bằng con mắt người Pháp. Nhưng theo tôi đó lại là Campuchia đích thực, và tôi ngờ khi tới thăm nó cả người bản địa lẫn người nước ngoài đều hiểu và yêu Campuchia hơn. Còn dân Việt từ quan đến dân do nghĩ rằng “không ai hiểu mình bằng mình”, chỉ biết làm ra những thứ bảo tàng quá nhiều đồ giả quá nhiều khẩu hiệu, phần xem được không bao nhiêu. Thử hỏi giữa ta với họ ai biết tôn trọng quá khứ hơn?

10-6
   LÝ LUẬN VỀ NHỮNG VÙNG GIÁP RANH
Một đặc điểm của văn  hóa VN, là nằm ở giữa hai nền văn hóa lớn là văn hóa Trung Hoa và văn hóa Ấn Độ. Trong lý luận về văn hóa, người ta đã có một từ là marginal ( TQ dịch là biên tế ) để chỉ  những vùng văn hóa như vậy. Ngay văn hóa Nga , một thứ phi Âu phi Á cũng có khi được coi là marginal .
Để nghiên cứu văn hóa VN cũng như văn hóa nhiều nước Đông Nam Á, bởi vậy ,cần sử dụng lý luận về marginal  như một công cụ chủ yếu.
Một vài ý mà tôi đọc được đây đó:
       
*Từ phía bên kia những nhận xét về giới tuyến  talawas 9-11-2006
Ở các vùng giới tuyến người ta luôn luôn hồ nghi mình là ai và là cái gì.
Điều này dẫn tới việc liên tục dàn dựng cái bản sắc của chính mình.
Người ở vùng biên luôn luôn cảm thấy bị bóp nghẹt nhưng lại háo hức tự bao quanh bằng những giới tuyến mới.
Nó trốn tránh sự phụ thuộc vào một bản sắc bên ngoài và gắng tự xây dựng một bản sắc nhờ vào tính khác biệt gay gắt này.
Phương sách để thoát khỏi nỗi ám ảnh về bản sắc là chấp nhận bản sắc trong cái luôn luôn tạm bợ, mong manh của nó và sống với nó một cách hồn nhiên hoặc bảo rằng quên nó đi cũng được.

* Claudi Magris: Tính hai mặt của giới tuyến -- chúng có thể mở và đóng, cứng nhắc và uyển chuyển, lỗi thời và tiêu tan, che chở và phá hoại.
* Chính ở những vùng giáp ranh, người ta lại bảo thủ hơn ở các trung tâm--- câu này đọc ở tài liệu nào không nhớ nữa, nhưng cứ ghi ở đây vì nó quá hay.

14-6
QUÊN CÁCH  TỔNG KẾT
      70.000 tỉ là con số dành cho đề án viết lại sách giáo khoa. Những người phản bác nói ngay chưa có hướng lớn là cải cách giáo dục thì viết sách thế làm gì , viết sao được thứ sách đang cần? Lại một ví dụ cho thấy chúng ta chỉ làm lấy đầu việc, chứ biết thừa làm chẳng đi đến đâu cả. Làm như một cách để tiêu tiền cho sướng!
      Ngoài khủng hoảng kinh tế và văn hóa, nhiều người bắt đầu nói tới  cuộc khủng hoảng đường lối giáo dục –khủng hoảng quan niệm con người.
      Trong cuộc tranh luận mới thấy bật ra một điều cách đây hơn chục năm đã có đề án cải cách, nhưng đề án đó không hề được tổng kết.
      Và tổng kết sao nổi!

17-6
  Một tờ báo đưa lên trang nhất :70% các cao ốc có tên nước ngoài.
  Người ta chỉ quên rằng:
     tên của nhiều mặt hàng, từ quần áo cho đến vở học sinh,
    từ các hình thức biểu diễn âm nhạc…
     cho đến một số công ty phụ trách những ngành liên quan đến đời sống người dân (điện than,dầu lửa … )
      và cả liên đoàn bóng đá VN
      hàng ngày được nhắc nhở trên báo chí  đều được đọc, viết bằng tên tóm tắt đặt theo tiếng Anh,
       vậy mà chả thấy ai thắc mắc cả.
       Việc hỏi tội tên các cao ốc gợi cảm tưởng giữa những xô bồ bừa bãi vọng ngoại hàng ngày,  thỉnh thoảng người ta lại nổi cơn đứng đắn, nhưng chúng có thấm thía gì với  so với những sa đà mà chúng ta cùng vương vào trong cuộc hội nhập bất đắc dĩ mà lại đầy quyến rũ hôm nay.

18-6
 MỘT XÃ HỘI  NHIỀU NGƯỜI ỐM DỞ
       Một hai năm nay, nhiều tờ báo chính trị kinh tế cũng có thêm mục bác sĩ trò chuyện với bệnh nhân. Các vấn đề sức khỏe con người đang chi phối xã hội chúng ta một cách rộng rãi. Nói nôm na là ta đang có một cộng đồng rất nhiều người sống trong tình trạng bệnh tật. Các cơ sở y tế chỉ chữa  những người ốm nặng thành ốm vừa vừa, và sự khỏe mạnh luôn luôn là phồn vinh giả tạo.
       Sự suy thoái mọi mặt trong trong chiến tranh, nay mới thật bộc lộ với chiều sâu của nó. Tiếp đó ba chục năm hậu chiến người người lao đầu vào cuộc làm ăn kiếm sống, sức khỏe lại bị phá hoại theo kiểu khác.
     Và sức khỏe thể chất của con người  trong xã hội ra sao thì sức khỏe tinh thần là vậy!
   
19-6
  MỘT KIỂU QUAN HỆ XUẤT NHẬP
 Đang những ngày hè, trên mọi ngả đường Hà Nội thấy xuất hiện một kiểu áo  mặc tránh nắng của phụ nữ. Chắc là một hãng nào đó bên Quảng Châu mới nghĩ ra  và phụ nữ HN sống theo cái bàn tay điều khiển của một tổng đạo diễn nào đó. 
      Mấy hôm trước thì tin Công nghệ hàng giá rẻ TQ thải ra tràn vào VN.
     Nay lại có tin người Tầu vào làm ăn ở nhiều thành phố lớn, vào cả những nơi như Ninh Bình.
     Đó là chuyện nhập.
     Còn chuyện xuất  ? Có tin dăm gỗ, quặng sắt VN đều đưa sang TQ. Giá rẻ lắm. Nhưng ở VN người ta chả biết dùng chúng làm gì cả.      
     M. Kundera: Tất cả chúng ta đều chìm đắm trong ngu muội vô tri. … Không nên xem vô tri như một khiếm khuyết về trí tuệ mà phải xem nó  như một cứ liệu cơ bản của thân phận con người      Dẫn theo bài của Andre Clavel, Nguyễn Duy Bình dịch, tạp chí Tia sáng 20-3-2011

SỰ LAN TRÀN CỦA NGHỊCH LÝ
      Hoàng Phủ Ngọc Tường từng có câu tả Cà Mâu:: Ở đây người ta ” chèo thuyền giữa rừng, cá đẻ trên cây  và những dòng sông thì đều bắt nguồn từ biển”.
 “ Mi là muối mà mi không mặn thì còn muối được ai”  (  Kinh Thánh )
   “Thà làm chính tà còn hơn làm ngụy quân tử “ --  một triết lý trở lại nhiều lần trong truyện chưởng của Kim Dung.
    Một khái quát về sự hư hỏng của con người : “Bọn tiểu nhân thì không biết thế nào. Còn các vị quân tử thì tôi biết rồi : tởm lắm!”

     Một vài câu khác ghi được từ Anh em Ka ra ma zov:
- Đối với những người không óc kinh nghiệm, nhiều khi cái mặt người đời lại là trở lực ngăn cản tình yêu.
- Sống với bất kỳ giá nào, tôi cho rằng họ Ka ra ma zov  nhà ta, người nào cũng có đặc điểm ấy.
- Đối với một người tự do, không có nhu cầu nào cấp thiết bằng tìm một nhân vật để kính phục.
- Không gì quyến rũ con người bằng tự do ý chí, nhưng cũng không có gì đau đớn bằng tự do ý chí.
- Có những loại người mà thà làm kẻ thù của hắn, còn hơn làm bạn của hắn.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم