VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký 2011 ( tuần XV—XVII )

MÉO MÓ CÓ HƠN KHÔNG
Về lễ hội hoa anh đào mà người ta nói vượt sóng thần và động đất đến HN, bài Giả hơn thật vui là đủ trên SGTT có đoạn viết  “ Sự có mặt của hàng nghìn du khách tham dự lễ hội Genki Nhật Bản chiều 16/4 khiến khuôn viên Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) trở nên chật chội, quá tải. Rác xả bừa bãi, hoa thì đã héo và rụng ngay ngày đầu tiên.”

     Mới đầu tôi tưởng hoa héo là tại hoàn cảnh thời tiết VN “có sức tàn phá hơn sóng thần, động đất”; sau mới biết hoa thật mang sang rất yếu, hoa giả khỏe hơn và người ta có thể bám vào chụp ảnh rung cây cẩn thận—nên được thích hơn.

       Ai nghĩ ra cái trò này mà tài thế, hiểu dân mình thế!

      Nay là lúc người Việt Hà Nội, trong hoàn cảnh xô bồ hỗn loạn, không còn dám có đòi hỏi về một cái gì trọn vẹn, cái gì thật hạt. Chỉ cần một ít của giả là đủ. Và đã vui là phải lộn xộn phá phách!

Một  mạng nước ngoài có bài viết báo động rằng Phát triển du lịch có nguy cơ phá hỏng đền Angkor.  
     Tới cuộc hội thảo ở Đền Hùng ở ta năm nay, bên cạnh những lời sáo rỗng giống như các năm trước, người ta cũng bắt đầu nêu ý kiến là các di tích không phải làm ra để cho từng ấy xe đến quần thảo,  từng này người nườm nượp kéo về, ăn uống, hưởng thụ và xả rác.
    Tức là bắt đầu nhìn ra mặt trái của những hoạt động mà  lâu nay chỉ nói bằng một giọng tự hào.
     Tôi thậm chí có lúc nẩy ra ý nghĩ cái lỗi lớn nhất của chúng ta là sau chiến tranh chuyển lên xã hội hiện đại quá sớm. Ta không đủ trình độ để mà sử dụng các phương tiện tối tân như thế này, ở trong những ngôi nhà xa hoa như thế kia. Nên đã xảy ra bao nhiêu bi kịch ngoài ý muốn,  mà chỉ vì quá ham hố nên ta lao đầu vào như thiêu thân, rồi khi phát hiện ra sự bất cập thì dùng đủ mọi lý lẽ để tự biện hộ.  

      Một tin ngắn về điện ảnh cho biết Cảnh nóng  tình dục là vũ khí hạng nặng của điện ảnh VN hôm nay      

18-4 

CHUYỆN CỦA RỦA  CHUYỆN CỦA NGƯỜI

     Không biết nên hiểu cái chuyện cả xã hội bàn tán rồi loay hoay săn sóc cụ rùa ở Hồ Gươm vừa rồi như thế nào? Di tích gọi là được quản lý đấy, nhưng có ai hiểu biết thực trạng nó ra sao, những nguy cơ nào đang rình rập, đâu là khả năng duy trì cuộc sống của nó lâu dài.

      Đến lúc có chuyện nguy ngập, bấy giờ cả xã hội mới chợt giật mình. Và không biết cách giải quyết.

      Mấy hôm sau, lại có tin Rùa đã khỏi bệnh, nhưng phải chờ làm sạch Hồ Gươm mới được đưa trở lại – báo chí viết vậy. Nói rõ hơn: “ Sức khỏe Rùa tiến triển tốt và có thể trở về môi trường tự nhiên, nhưng nước Hồ Gươm còn ô nhiễm. Mặt khác nếu nuôi nhốt cụ lâu trong bể để chờ cải tạo hồ xong, cụ sẽ mất kỹ năng sinh tồn của loài hoang dã.”

       Phải chăng tình thế của rùa cũng là tình thế của người, của rất nhiều người ? 

HOANG DẠI NƠI NƠI
         Một tin cũ -- Ngày 25.3.11, tại buổi tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã đề nghị phía Australia quan tâm tác động Đại học Queensland sớm xúc tiến việc hỗ trợ Đà Nẵng đưa ra giải pháp nhằm xử lý tình trạng dây leo bìm bìm.
        Loại dây leo này hiện đang mọc tràn lan trên khắp bán đảo Sơn Trà, lấn át và che phủ các loại cây khác, làm thay đổi hệ sinh thái, thậm chí gây chết rừng trên diện rộng.


KHÔNG ĐÙA LÀM SAO SỐNG NỔI?
      Bàn nhau về quốc hoa, quốc phục…một hồi, giờ có người quay ra đề nghị bàn chọn quốc nhục.
        Theo cái mạch suy nghĩ lâu nay, tôi cứ đinh ninh ở đây ý nói là ta nên lo đi tìm những nỗi nhục trong lịch sử Việt.
        Đang lúc chưa ai hiểu đầu đuôi thế nào, một người đăng đàn phát biểu, cho rằng nên hiểu chữ nhục ở đây là thịt và đề xuất ngay món thịt cầy.
        Sự thực ở đâu, tôi nhầm hay sao? Không biết hỏi ai, đành tự mình “ làm công tác tư tưởng “ cho mình vậy.
       Để chuyện cái gì cũng mang ra đùa sang một bên, lại thấy không chừng người lái sang chuyện nhục là thịt có lý.
        Lâu nay bao nhiêu trang sử buồn bã cay đắng của dân tộc coi như bị xếp xó không cho ai được biết, những thế hệ trẻ có muốn biết cũng không tìm đâu tài liệu để đọc.
       Khi đã quen nghĩ về quá khứ theo một cách hời hợt, giả dối, người ta sẽ cho rằng những người đi tìm sự thật là có ác ý. Cuộc sống dông dài chơi bời hưởng thụ nhờ đó càng thêm có cái lý riêng của nó, và càng có sức cuốn hút.

20-4
        Một đoạn trong bài  viết Vừa khóc vừa cười Nguyễn Mạnh Tường in trong  Giai phẩm mùa thu, tập III 1956, đăng lại trên VH Nghệ An 4-2011:
       Tôi sợ người trí thức im lặng. Tôi nghi ngờ người trí thức cười. Tôi thương người trí thức khóc. Tôi yêu người trí thức vừa khóc, vừa cười, khóc hôm nay để cười ngày mai, “khóc lên tiếng cười”.

       Hơn nửa thế kỷ đã qua, ngày nay loại trí thức mà NMT nói ở đây không chừng đã tuyệt chủng.


 
      Có lần sang Đài Loan tìm mãi không ra hiệu thuốc tôi mới nhận ra là ở HN mình sao hiệu thuốc nhiều thế.Có cảm tưởng một tình trạng bệnh tật quá mức đang chi phối xã hội.
      Từ những căn bệnh của cơ thể, bao giờ người ta cũng có thể quay sang nói về những căn bệnh tinh thần.
       Nhớ có lần đã đọc ở đâu đó cho biết đến khoảng một phần năm người TQ hiện nay mắc căn bệnh này. Ở ta, lại thêm di lụy chiến tranh, làm sao tỷ lệ số người này ít hơn được?!


         Trong một lần ngồi giúp tôi phân tích một vài vấn đề thời sự, nhà văn Nguyễn Khải buột miệng : Nhiều khi lịch sử lại lên tiếng qua những thằng điên.
       Tôi cũng không kịp hỏi cái nghịch lý ấy do Nguyễn Khải vay mượn của người khác nói lại hay tự ông nghĩ ra.

22-4  

“Mối quan hệ với phương Tây là phần chủ yếu trong lịch sử các nước ngoài phương Tây”--  Ở một cuốn sử Nhật Bản, tôi đọc được cái ý đó.

        Vận dụng vào hoàn cảnh VN, tôi ngờ rằng lúc nào đó phải có những người viết riêng những chuyên luận về lịch sử quan hệ VN với nước ngoài.
         Cuốn sử chuyên đề đó sẽ có hai bộ phận, thứ nhất là quan hệ VN -- Trung Hoa, thứ hai là quan hệ Việt Nam—phương Tây.
         Nhưng vừa nghĩ đã thấy ngại.
         Đến cả cái mối thứ nhất còn chưa ai định lần lại, hỏi bao giờ cái mối thứ hai mới được đặt ra với đúng tầm vóc của nó.
           Tuy nhiên với những ai muốn quan tâm tới lịch sử nước mình, nhất là sử cận hiện đại, các nguồn tài liệu phương Tây vẫn đang mời gọi và hứa hẹn nhiều bất ngờ.
       Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan trong bài Bối cảnh lịch sử VN giai đoạn 1558 đến 1802-- Phân tranh và thống nhất  (in trên Nghiên cứu Huế tập bảy, trang 97 ), có ghi lại một đoạn trong lá thư của chúa Trịnh gửi Công ty Đông Ấn  Hà Lan  tại Batavia vào năm 1637:
     “ Một số thú vật mang hình người [chỉ họ Nguyễn] đã thiết lập một nước ly khai ở biên giới phía nam của chúng tôi và đang dựa vào vị trí phòng thủ vững chắc để chng lại triều đình của nhà Lê ở Thăng Long.
       Chúng tôi chưa làm gì với họ vì chúng tôi ngại điều bất ngờ có thể xảy ra ở phía biển.
        Vì các ông có ý định thân thiện với chúng tôi, các ông có thể cho chúng tôi  2 hoặc 3 chiếc tàu, hoặc 200 lính thiện xạ, xem như chứng cứ cho thiện ý của các ông.
        Những người lính này có thể giúp chúng tôi sử dụng các khẩu đại bác. Thêm vào đó xin vui lòng gửi cho chúng tôi 50 chiến thuyền cùng với số lính tuyển chọn, và những khẩu súng mạnh, và chúng tôi sẽ cử một số lính tin cậy của chúng tôi  tới hướng dẫn các chiến thuyền của các ông tới Quảng Nam, xem đó như là sự hỗ trợ từ phía chúng tôi.
       Đồng thời đạo quân của chúng tôi sẽ tấn công Thuận Hóa.
       (… ) Sau khi chiến thắng, chúng tôi sẽ ban tặng cho binh lính của các ông 20.000  tới 30.000 lạng bạc.
       Còn về phần mà các ông được hưởng—chúng tôi sẽ trao xứ Quảng Nam cho các ông cai trị.
       Các ông có thể chọn một số lính để xây dựng và canh gác thành và chúng tôi sẽ truyền lệnh để người dân ở đó làm lao dịch cho các ông. Các ông có thể thu hoạch các sản phẩm trong vùng và gửi một phần cho triều đình chúng tôi, như thế cả hai bên đều được hưởng lợi.
       Trời sẽ phạt chúng tôi nếu những kiến nghị trên đây có gì gian dối.”
       Đoạn thư vừa trích, hé ra cho chúng ta thấy một phương diện khác của các chúa Trịnh – cũng là của giai cấp thống trị ở VN trước đây -- mà tới nay không một sách nào nói tới.

23-4
     Đi đến hội sách và thấy rõ hơn một điều mà mọi khi đã thấy lờ mờ: Khái niệm sách của thời ta có nhiều chỗ khác so với khái niệm sách của các thời trước … Từ đó, câu chuyện người Việt hôm nay đọc sách phải nhìn theo những góc độ mới.

   2/Cái khó nhất là dự đóan tình hình sẽ đi đến đâu. Nay là lúc người ta luôn phải nhìn mọi hiện tượng bằng con mắt dè dặt.

       André Glucksmann trong bài Cách mạng không có nghĩa là dân chủ trên Liberation có đoạn viết

       “ Cách mạng làm cho tất cả mọi người đều bị bất ngờ. Bên trên hoảng loạn, còn bên dưới thì đấu tranh với nỗi sợ hãi của mình từng giây từng phút một, trong khi đó những người quan sát bên ngoài – các chuyên gia, các chính phủ, khán giả truyền hình và chính tôi - thì cảm thấy có  lỗi vì không  thể tiên đoán được những điều không thể tiên đóan.

      Tự do là hiện tượng đầy mâu thuẫn, trong đó có “vực sâu thăm thẳm và bầu trời cao lồng lộng”.  Hãy để cho châu Âu nói với chúng ta rằng cách mạng có thể dẫn đến bất kì cái gì, có thể dẫn đến nền cộng hòa và hạnh phúc cho tất cả mọi người, mà cũng có thể dẫn đến khủng bố, chiến tranh và xâm lược. “

        “Về nguyên tắc, chúng ta biết rằng cần phải đặt nền móng cho một nền dân chủ có chiều sâu – một nền dân chủ lâu dài và không dễ bị phá hoại. Chúng ta cần chế độ pháp quyền, với lực lượng cảnh sát trung thực và các quan tòa độc lập. Chúng ta cần chính quyền trung ương và chính quyền địa phương hiệu quả và minh bạch. Chúng ta cần quyền sở hữu có hiệu lực, quyền tự do ngôn luận và tự do thành lập các công đoàn. Nhưng trên hết, chúng ta phải làm cho sự thịnh vượng lan truyền với tốc độ cao và xa để cho toàn thể người dân đều cảm thấy có phần trong cuộc cải cách dân chủ.”


          Carl Robinson một phóng viên kỳ cựu của hãng thông tấn Hoa Kỳ Associate Press, người đưa tin từ Việt Nam trong thời gian chiến tranh, nay sống ở Australia. Trong bài "Why Vietnam Won't Fall", đăng trên trang World Policy Blog, cựu phóng viên chiến tranh Việt Nam viết:
 “Xã hội Việt Nam ngày nay cực kỳ cá nhân chủ nghĩa".
"Thay vì có sự đoàn kết và một mục tiêu chung, mỗi người đều vì chính bản thân, đều có tâm lý mạnh ai người ấy lo.”
"Ví dụ so sánh tốt nhất là [ VN giống như  -- VTNh  thêm ] một trường đạo nội trú mà trong đó quy định đặt ra để người ta vi phạm hay là để cho người khác tuân theo mà không phải mình.”
"Ai cũng bị coi như trẻ con và thường xuyên được dạy giáo lý qua các khẩu hiệu, các nghi lễ và các giấc mộng cao xa."
"... và con cái họ chỉ biết hưởng thụ vật chất và chơi bời.”
"...Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người đều đồng lõa [với tham nhũng]. Ai cũng gian giảo theo một cách nào đấy."

28-4
KHÔNG PHẢI CÓ CỦA LÀ ĐÃ BIẾT LÀM CHỦ
     Một tin trên báo khái quát càng xử lý những vụ nhà máy xí nghiệp xả chất ô nhiễm tàn phá môi trường thì càng phát hiện ra là quá nhiều nơi đã vi phạm.
     Ngoài ra gần đây có chuyện các tỉnh cho khai thác khoáng sản bừa bãi.      Làm ăn theo lối thủ công, năng suất thấp, nhiều phen sập hầm lò, có người chết, bấy giờ mới ngã ngửa người.
     Nhìn các bức ảnh thấy trong lúc con người ở các đô thị lớn say sưa chơi bời hưởng thụ thì ở nhiều địa phương, tình cảnh dân đen thật chẳng khác trong thời trung cổ.
      Khái quát lên,cần đặt ra một vấn đề: chúng ta có đủ sức làm chủ tài nguyên đất đai có trong tay? Chúng ta có đủ khả năng làm chủ vận mệnh của mình?

VẬN MAY CÓ TỚI CŨNG CHẮC ĐÂU ĐÃ BIẾT TẬN DỤNG     
      Sau đây là một truyện cười tạm đặt tên là Ba điều ước –  tôi đọc được ở đâu đó không nhớ, song mỗi lần ôn lại trong đầu, cứ thấy nó vận vào tình cảnh những người như mình:
       Hai vợ chồng nhà nọ nghèo quá, bảo nhau giá kể bây giờ Bụt hiện ra cho mình mấy điều ước thì tuyệt biết mấy.
       Lần ấy Bụt hiện ra thật. Bụt bảo cho các con ba điều ước.
      Đang đói, anh chồng buột miệng:
     -- Ước gì có khúc dồi chó.
      Vừa nói xong thì một khúc dồi chó vừa nướng ngon lành hiện ra trên một chiếc đĩa.
      Chị vợ tức lộn ruột. Thằng cha này ngu quá. Trong cơn bực bội, thị liền  ra đòn trả thù chồng :
      --- Xin Bụt cho khúc dồi đeo ngay bên môi mà không ăn được, cho lão thèm đến lúc chết.
       Bụt  cho thực hiện ngay điều ước của người vợ.
       Trong lúc người chồng bực bội thì thị cười như nắc nẻ. Nhưng lập tức thị sầm ngay mặt lại. Sẽ cả đời sống với cái lão chồng thế này sao tiện. Biết rằng trong ba điều ước có thể có đã mất tong đi hai, nhưng cuối cùng thị cũng phải ước xin cho miếng dồi chó biến khỏi mặt chồng, để rồi cả hai ngơ ngác như vừa sống qua một giấc mơ.
       Tay trắng lại hoàn tay trắng. Kể cả khi đã có Bụt cho ba điều ước.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم